Họ đều là những mỹ nhân tài sắc vẹn toàn của nền giải trí Việt Nam. Họ là những hoa hậu, diễn viên tên tuổi lẫy lừng và nhan sắc một thời làm khuynh đảo bao cánh mày râu.
Vẻ đẹp "nao lòng" của đại mỹ nhân Việt thập niên 90
Dù đã gần chạm ngưỡng 50, nhưng vẻ đẹp của thứ nhan sắc mặn mọi ở người con gái xứ Tuyên Quang - Thu Hà vẫn khiến nao lòng biết bao đàn ông Việt...
5 tuổi rời quê Hà Tây lên xứ Tuyên, nơi có những thiếu nữ nổi danh về nhan sắc trong câu thành ngữ dân gian "chè Thái gái Tuyên", Thu Hà như đóa hoa đương nhụy giữa núi rừng. Đến một ngày, các giáo viên trường nghệ thuật đến Tuyên Quang tuyển diễn viên và cô gái trẻ Thu Hà đã thi và đỗ cả ngành múa lẫn ngành kịch. Bông hoa rừng đang độ chúm chím ấy trở thành sỹ quan trẻ nhất đoàn kịch nói Quân đội khi mới 17 tuổi. Lọt vào mắt xanh của đạo diễn nổi tiếng Trần Phương cùng diễn viên gạo cội Trà Giang, đường đời nghệ thuật của Thu Hà đã bắt đầu từ đó.
Công chúng yêu điện ảnh biết đến chị, lúc nào cũng là một nhan sắc hiền dịu, mỏng manh... Công chúa Quỳnh Hoa có vẻ đẹp mong manh dễ vỡ trong phim "Đêm hội Long Trì" của đạo diễn Hải Ninh, cô sinh viên Mai ngơ ngác bị rơi vào cạm bẫy chợ đời trong phim "Canh bạc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, hay tiểu thư Nga sẵn sàng trả giá cho lòng khao khát sống, khao khát yêu trong "Lá ngọc cành vàng" của đạo diễn Vũ Châu... đã để lại trong lòng khán giả Việt thật nhiều ấn tượng tốt đẹp. "Giấc mơ hồng", "Tóc gió thôi bay", "Người tình trong mộng", "Đời hát rong"... những tác phẩm để đời lưu dấu ấn của Thu Hà, "người đàn bà đẹp" của điện ảnh Việt Nam.
Diễn viên Thu Hà thời trẻ
Dưới ánh đèn sân khấu, sắc đẹp của người con gái xứ Tuyên càng rực rỡ nhưng sự hấp lực của vai diễn lại tỏa sáng từ nội tâm. Tài năng nghệ thuật của Thu Hà sớm được khẳng định với HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc 1995 và HCB năm 1999. Và năm 2001, Thu Hà được phong tặng danh hiệu NSƯT, thành quả ngoài mong đợi của một diễn viên trẻ tuổi, trẻ lòng...
Cùng thế hệ vàng với những: Lý Hùng, Diễm Hương, Y Phụng, Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh..., Thu Hà giống như những tên tuổi ấy sớm náu mình với điện ảnh vì những nổi niềm rất đỗi riêng tư khi tuổi đời, tuổi nghề đương độ thăng hoa tỏa sáng. Hiện "người đẹp xứ Tuyên" sống hạnh phúc bên người chồng làm kinh doanh hơn mình 15 tuổi và cậu con trai nhỏ đáng yêu tên Bill. Không còn tham gia nhiều vào phim ảnh, Thu Hà yên phận với những vai diễn ở Nhà hát Kịch Hà Nội và dành thời gian cho gia đình.
Dù sắp bước sang ngưỡng cửa 50 nhưng vẻ đẹp của người "đàn bà đẹp điện ảnh" vẫn còn nuột nà, nhu mì và nền nã lắm, thứ nhan sắc của cô gái xứ Tuyên vẫn làm nao lòng biết bao đàn ông Việt...!
Những hình ảnh của Thu Hà trong phim "Đêm hội Long Trì"
Thu Hà (vai Mai trong phim "Canh bạc")
Thu Hà và Đơn Dương trên bìa poster phim "Canh bạc"
Với "Canh bạc" Thu Hà - Đơn Dương tạo nên một cặp đôi đẹp nhất
của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước
Thu Hà trong "Lá ngọc cành vàng
"
Trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn"
Trong "Đường đời"
Dù đã gần chạm ngưỡng 50 nhưng nét đẹp của người con gái
xứ Tuyên Thu Hà vẫn làm nao lòng biết bao đàn ông Việt...
(Theo: http://m.ngoisao.vn/ngam/anh-dai-my-nhan/ve-dep-nao-long-cua-dai-my-nhan-viet-thap-nien-90-62311.html)
Sở hữu gương mặt biểu cảm đặc trưng như biết nói ngay cả khi câm lặng nhất, nàng Kiều của điện ảnh Như Quỳnh luôn là sự lựa chọn số một cho những vai phụ nữ mang vẻ đẹp thuần Việt...
Vào đời bằng những vai diễn trên sân khấu cải lương, nhưng NSND Như Quỳnh lại thành danh với điện ảnh. Nhắc đến chị, khán giả dường như chỉ nhớ đến các vai diễn trên màn ảnh nhỏ, trong các bộ phim đều thuộc hàng ăn khách một thời như: "Đến hẹn lại lên", "Mối tình đầu", "Ngày lễ thánh", "Hà Nội mùa chim làm tổ"...
Là con nhà nòi, sự nghiệp nghệ thuật của NSND Như Quỳnh bắt nguồn từ truyền thống gia đình. Chị là đời thứ 4 theo nghiệp sân khấu cải lương. Mẹ Như Quỳnh là NSƯT Kim Xuân, nàng Kiều đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam, cha là nghệ sỹ Tiêu Lang, chàng Kim Trọng nổi danh của Đoàn cải lương Chuông Vàng vang danh một thời trên sân khấu thủ đô mà không mấy ai là không biết đến.
Có lẽ, cái duyên điện ảnh đến với Như Quỳnh bắt đầu từ vai cô y tá Mai trong "Bài ca ra trận" của đạo diễn Trần Đắc. Với lối diễn xuất tinh tế, nhạy cảm và dễ nhập vai của chị, đã góp phần làm nên giải thưởng Bông sen Bạc cho bộ phim tại LHP Việt Nam lần thứ III. Từ sau vai diễn đầu đời và "để đời" ấy, một sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng phía trước rộng mở chờ đón Như Quỳnh với vô số những thành công khác. Với nhan sắc mặn mà của cô gái Hà Nội gốc, chị không chỉ làm khuynh đảo màn ảnh cùng giới mày râu Việt, Như Quỳnh còn tham gia diễn xuất cho các bộ phim nước ngoài và đạt được thành công đáng nể. Với 64 tập của bộ phim truyền hình "Cô dâu vàng", NSND Như Quỳnh đã được đài truyền hình SBS Hàn Quốc trao tặng giải Diễn viên nước ngoài xuất sắc năm 2007. Một thành tích hiếm diễn viên nào của Việt Nam đạt được.
Dù đã ở độ tuổi xấp xỉ 60, song thời gian dường như không phủ bóng lên người đàn bà sở hữu một vẻ đẹp thuần Việt, với đôi mắt nhỏ đặc trưng khi cười làm khuôn mặt sáng bừng và khi buồn lại trở nên sâu thẳm. Hiện tại, NSND Như Quỳnh sống yên ấm và hạnh phúc cùng gia đình trên phố Hàng Đào - Hà Nội, một khu phố đẹp và cổ xưa, một chốn thanh bình, lắng sâu hồn Việt giống như nhan sắc con người chị.
Cùng Ngoisao.vn nhìn lại "hành trình nhan sắc" của nàng Kiều điện ảnh Việt Nam, và dường như thời gian đang bất lực trước nhan sắc của chị:
NSƯT Như Quỳnh đạt HCV với vai Nết trong "Đến hẹn lại lên"
Phân cảnh trong "Đến hẹn lại lên"
Như Quỳnh trên bìa poster phim "Đến hẹn lại lên"
Trong vai y tá Mai phim "Bài ca ra trận"
Như Quỳnh trên poster phim "Bài ca ra trận"
Trên poster phim "Mối tình đầu"
Như Quỳnh và Trà Giang trong "Tuần lễ thánh"
Trong "Hà Nội mùa chim làm tổ" năm 1978
Trong "Mùa hè chiều thẳng đứng"
NSND Như Quỳnh trong "Chơi vơi"
NSND Như Quỳnh và diễn viên nổi tiếng xứ kim chi
Lee Young Ah trong phim "Cô dâu vàng"
"Mẹ" Như Quỳnh và "con gái" Lee Young Ah
Tạo hình của NSND Như Quỳnh trong phim tết 2012 "Lời nguyền huyết ngãi"
NSND Như Quỳnh và diễn viên Lee Young Ah trên báo chí Hàn Quốc
NSND Như Quỳnh là một mẫu hình phụ nữ thuần Việt,
một nét đẹp điển hình của người Hà Nội xưa
Gia đình hạnh phúc của NSND Như Quỳnh
(Theo: http://ngoisao.vn/ngam/album-anh-sao/dep-nhu-nang-kieu-dien-anh-viet-nam-58580.html)
Một mình sống trong căn nhà rộng lớn giữa lòng Hà Nội, cậu con trai duy nhất du học xa nhà, người đàn bà đẹp nổi tiếng một thời của điện ảnh Việt Nam suốt bao mùa sống cô đơn với nhan sắc riêng mình...
Với mọi khán giả yên mến nền điện ảnh Việt Nam trong những năm 80 cho đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, đều không thể không biết tới tài nữ điện ảnh Hoàng Cúc. Vào thời điểm đó, chị được xem là gương mặt sáng giá với nhiều vai diễn để đời. Tài năng của chị chinh phục được khán giả bởi lối diễn xuất sắc lạnh, đa chiều, đa tính cách, chị có thể diễn được vai chính diện và ngay sau đó cũng có thể diễn được vai phản diễn một cách ngon lành.
NSƯT Hoàng Cúc
Một Thủy, cô con dâu có học nhưng thực dụng, mã thượng, biết cách để tồn tại ở thời mở cửa bon chen với nhiều toan tính trong "Tướng về hưu" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, một Tám Bính trong phim "Bỉ vỏ" của (Đạo diễn Lương Đức, Vũ Lệ Mỹ) từ một gái quê hiền lành, chất phác, nhưng bị hoàn cảnh xô đẩy đã trở thành một kẻ ăn cắp ham mê trụy lạc, một cô Thảo trong "Sa bẫy" (Đạo diễn Lê Đức Tiến), một nữ quái với những thủ đoạn khôn lường để kiếm tiền cho những cuộc trốn chạy khỏi đất nước đổi lấy phù hoa… Tất cả đã thể hiện một Hoàng Cúc sắc sảo, chua chát, đáng sợ mà không hề lên gân, cường điệu... Với riêng vai Thủy trong "Tướng về hưu" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã đem đến cho NSƯT Hoàng Cúc giải nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam năm 1990.
Chắc hẳn, trong chúng ta chỉ quen biết và nghĩ tới cái tên Hoàng Cúc là gắn với điện ảnh, nhưng thực ra sân khấu kịch mới chính đất diễn và niềm đam mê của chị. "Tổ ấm chim cun cút", "Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh", "Tôi và chúng ta", "Nghĩ về mình", "Ăn mày dĩ vãng", "Thầy khoá làng tôi", "Mùa hoa sữa", "Em đẹp dần lên trong mắt anh...", đấy là những vở diễn để đời làm nên tên tuổi NSƯT Hoàng Cúc tại sân khấu Nhà hát kịch Hà Nội.
Hiện tại, chị ít xuất hiện trên phim ảnh cũng như sân khấu kịch vì đang đảm nhiệm vị trí Phó GĐ Nhà hát kịch Hà Nội, với biết bao tất bật của một con người làm công việc quản lý nghệ thuật. Có thể với nhiều người, chị đã lùi xa vào quá vãng cũng như nhan sắc người con gái Phố Hiến, Phố Bần thuở nào "chỉ còn vang bóng", nhưng nếu ai đó mà bất chợt bắt gặp chị trên con phố Linh Lang, hết thảy đều phải ngỡ ngàng.
Trong cái nhan sắc ấy, dường như có nhiều sự cô độc... Thứ nhan sắc vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa nhẹ nhàng nhưng cũng hay cáu kỉnh, vừa ngại va chạm lại dễ chia sẻ, cảm thông. Ẩn bên trong dáng hình trầm buồn như mùa thu Hà Nội ấy, vẫn là một Hoàng Cúc đầy nghị lực, chỉ cần chút lửa sẽ cháy bùng lên, đầy đam mê nhưng cũng đầy cả tin...
NSƯT Hoàng Cúc ngày còn đôi mươi
Nét đẹp của người con gái phố Hiến - Hưng Yên
Hoàng Cúc - Nhan sắc của sự cô đơn
NSƯT Hoàng Cúc (vai Thủy trong "Tướng về hưu")
Hoàng Cúc vào vai Tám Bính trong phim “Bỉ vỏ”
Hoàng Cúc và Lê Vân trong phim "Kiếp phù du"
NSƯT Hoàng Cúc viếng NSƯT Phương Thanh năm 2009
NSƯT Hoàng Cúc tới tham dự lễ cưới con gái diễn viên Hồng Sơn năm 2009
Cùng nhà thơ Vi Thùy Linh
Và Hoàng Cúc của thì hiện tại vẫn rất "đằm" trong nét đẹp của
một tài nữ điện ảnh thuở nào, thứ nhan sắc vẫn... đương thời vang bóng
(Theo: http://ngoisao.vn/ngam/album-anh-sao/nguoi-dan-ba-dep-dien-anh-noi-tieng-mot-thoi-ngay-ay-bay-gio-58505.html)
Thuộc lớp diễn viên thế hệ đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang dù không tham gia quá nhiều các bộ phim nhưng mỗi vai diễn của chị đều ghi được dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng Việt.
Trà Giang là cái tên xuất phát từ nỗi lòng hoài hương của cha chị, NSƯT Nguyễn Văn Khánh, một cán bộ miền Nam tập kết ra bắc. NSND Trà Giang sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, nơi con sông Trà suốt bao năm chảy vào miền xanh cổ tích, nơi núi Thiên Ấn lừng lững giữa đất trời. Năm 12 tuổi, chị cùng cha mẹ tập kết ra Bắc và sống những tháng ngày bình yên nơi miền đất mới.
Năm 17 tuổi, Trà Giang thi đỗ vào trường múa, nhưng bước ngoặt sau đó đã đến với chị khi cha chị, một đạo diễn sân khấu đã nói với con gái rằng: "Con có một gương mặt đẹp, sao không thử thi làm diễn viên?”. Đúng dịp đó, Bộ Văn hóa có đợt tổ chức thi tuyển diễn viên cho khóa đầu tiên của trường Điện ảnh và chị đăng kí dự thi. Trà Giang thi đỗ, trở thành diễn viên thuộc lớp thế hệ đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam cùng thời với Minh Đức, Thụy Vân, Kim Chi… Con đường đến với điện ảnh của NSND Trà Giang bắt đầu từ đấy!
Cùng cha NSƯT - Đạo diễn sân khấu Nguyễn Văn Khánh
Vai diễn đầu đời của Trà Giang là một vai phụ trong phim "Vợ chồng A Phủ", mặc dù chỉ là một vai quần chúng, nhưng chị để lại được nhiều dấu ấn, lọt vào mắt xanh của nhiều vị đạo diễn nổi tiếng. Chính vì thế, lần lượt các vai diễn quan trọng đã đến với sự nghiệp điện ảnh của Trà Giang. Tên tuổi của chị dần được khẳng định và không thể thay thế. Trà Giang trở thành sự lựa chọn số một của nhiều đạo diễn. Những bộ phim như “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” sau này đã trở thành những bộ phim để đời của nền điện ảnh Việt Nam nói chung và của cá nhân NSND Trà Giang nói riêng.
Khán giả Việt nhiều thế hệ chắc chắn sẽ không thể quên được những bộ phim chị tham gia như: Một ngày đầu thu, Chị tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu, Huyền thoại người mẹ, Thủ lĩnh áo nâu, Dòng sông hoa trắng. Mỗi vai diễn đều là một nấc thang "đo ni đóng giày" về tài năng diễn xuất, mà bất cứ diễn viên nào cũng ao ước một lần có được trong sự nghiệp của mình. Chị rời xa điện ảnh trong khi vẫn còn nhiều vai diễn để đời cần tài năng cũng như con người nghệ thuật của chị góp mặt, điều này để lại quá nhiều nuối tiếc cho khán giả ái mộ.
Hiện tại, chị đang ẩn mình trong ngôi nhà nhỏ giữa Sài Gòn rộng lớn, tìm vui trong hội họa và tìm quên trong nỗi nhớ thương riêng mình. Trong cái không gian êm đềm dịu ngọt ấy, chị sẽ tìm được sự bình yên cho tâm hồn để vơi đi nỗi đau và mất mát của những tháng ngày đã qua! Xin điểm lại sự nghiệp điện ảnh cũng như cuộc đời nhan sắc NSND Trà Giang qua BST ảnh màu đen trắng. Dung nhan của người con gái xứ Quảng không quá rạng rỡ, nhưng đã một thời làm nghiêng ngả bao đấng mày râu...
NSND Trà Giang thời trẻ
Vẻ đẹp ngọt ngào của người con gái đất Quảng
Tạo hình của Trà Giang trong bộ phim để đời "Chị tư Hậu" 1963
Và Trà Giang trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" 1972
"Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"
Cùng đạo diễn, NSND Hải Ninh bên cầu Hiền Lương
Trà Giang cùng "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" trên báo chí nước ngoài
Trà Giang trong phim "Ngày lễ thánh"
Thiếu nữ Trà Giang trong trang phục biểu diễn
Cùng chồng nghệ sỹ violon Bích Ngọc
Cùng đạo diễn Bạch Diệp
NSND Trà Giang trong một lần gặp bác Hồ
Cùng con gái, nghệ sỹ Piano Bích Trà
Và vẫn là vẻ đẹp dịu ngọt của Trà Giang ở lứa tuổi 70
(Theo: http://ngoisao.vn/ngam/anh-dai-my-nhan/co-mot-thoi-bao-dan-ong-xao-xuyen-truoc-1-nhan-sac-dien-anh-58329.html)
Những cái tên như NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSƯT Phương Thanh, NSƯT Lê Vân, NSƯT Minh Châu… đã trở thành những biểu tượng của điện ảnh Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại họ của những tháng năm rực rỡ nhất, tươi đẹp nhất.
NSND Trà Giang
Nhắc đến lịch sử phát triển điện ảnh VN không thể không nhắc đến NSND Trà Giang. Với hàng loạt những vai diễn để đời trong những bộ phim nổi tiếng như: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Huyền thoại người mẹ, Ngày lễ thánh… Bộ phim cuối cùng NSND Trà Giang tham gia là Dòng sông hoa trắng (đạo diễn Trần Phương) sản xuất năm 1990.
NSND Trà Giang từng đoạt huy chương bạc liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1963 với vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên. 10 năm sau đó, năm 1973, cũng tại LHP Quốc tế Moskva, NSND Trà Giang đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất với vai Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh).
NSND Trà Giang trong phim Ngày lễ thánh
Với LHP quốc gia, NSND Trà Giang hai lần đoạt Bông Sen Vàng ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP lần thứ 4 năm 1977 với vai Nhân trong Ngày lễ thánh, và tại LHP lần thứ 8, bà đoạt Bông Sen Vàng với vai vợ ba Đề Thám trong phim Thủ lĩnh áo nâu.
NSND Trà Giang xứng đáng là biểu tượng xuất sắc của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sau khi dừng đóng phim, NSND Trà Giang tham gia lĩnh vực hội họa và đã từng mở triển lãm tranh riêng. Bà là đại biểu quốc hội khóa V, VI và VII.
NSND Như Quỳnh
Liên hoan phim quốc gia bắt đầu được tổ chức lần đầu tiên năm 1970 tại Hà Nội. Liên hoan phim VN luôn được kỳ vọng là ngày hội tôn vinh những người làm điện ảnh. NSND Như Quỳnh là một trong những nữ diễn viên đầu tiên được tôn vinh tại liên hoan phim quốc gia. Với vai Nết trong Đến hẹn lại lên, NSND Như Quỳnh đoạt Bông Sen Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP quốc gia lần thứ 3 tổ chức năm 1975.
NSND Như Quỳnh trong phim Đến hẹn lại lên
Hiện tại, NSND Như Quỳnh vẫn tham gia đóng phim. Bà luôn tìm tòi những khám phá mới, những nét mới, những sự lột xác trong những nhân vật mình đảm nhận. NSND Như Quỳnh còn giữ kỷ lục là nữ diễn viên Việt Nam được mời tham gia những dự án phim hợp tác với nước ngoài nhiều nhất.
NSƯT Thanh Tú
Chỉ với một vai Nhu trong bộ phim Sao tháng 8, NSƯT Thanh Tú đã trở thành gương mặt điển hình của điện ảnh cách mạng VN. Bộ phim Sao tháng 8 xoay quanh cuộc cách mạng tháng 8 kỳ diệu của dân tộc Việt Nam năm 1945. NSƯT Thanh Tú thể hiện xuất sắc vai Nhu, với vai diễn này, Thanh Tú được trao Bông Sen Vàng cho nữ diễn viên xuất sắc tại LHP quốc gia lần thứ 4 (1977).
Sau một thời gian dài nghỉ đóng phim, NSƯT Thanh Tú gần đây đã trở lại màn ảnh nhỏ với những vai diễn trong phim truyền hình như: Bà nội không ăn bánh pizza, Lời thú tội của Eva... Tình yêu với điện ảnh trong bà vẫn còn nguyên vẹn.
NSƯT Phương Thanh
NSƯT Phương Thanh đoạt Bông Sen Vàng tại LHP quốc gia lần thứ 5 (1980) ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc với vai Hiền “cá sấu” trong bộ phim Tội lỗi cuối cùng. Hiền “cá sấu” được đánh giá là vai diễn để đời của Phương Thanh. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Phương Thanh luôn cần mẫn, chịu khó, chăm chỉ với từng vai diễn, dù chỉ là vai diễn nhỏ. Chị tham gia đóng nhiều phim truyền hình. Năm 2009, NSƯT Phương Thanh đã qua đời tại bệnh viện 108 sau 5 ngày hôn mê do tai biến mạch máu não.
NSƯT Phương Thanh
NSƯT Thanh Quý
Bước vào điện ảnh từ năm 18 tuổi đến nay NSƯT Thanh Quý đã có khoảng 20 vai diễn trong 20 phim truyện nhựa, trong đó, vai diễn để lại nhiều ấn tượng nhất với khán giả là vai nữ chính trong phim Người đàn bà bị săn đuổi. Đã có thời, người ta đã gọi Thanh Quý với cái tên “người đàn bà bị săn đuổi” bởi sự thành công chị đã có được với bộ phim này. Thanh Quý có nhiều vai diễn đáng nhớ trong những bộ phim nhựa: Không có đường chân trời, Chuyện tình bên dòng sông, Chuyện tình trong ngõ hẹp, Ngõ hẹp, Tình yêu và khoảng cách…
p > Với vai diễn Ngân Hà trong bộ phim Tình yêu và khoảng cách (đạo diễn Đức Hoàn), NSƯT Thanh Quý đã được vinh danh tại LHP lần thứ 7 (1985) ở hạng mục dành cho nữ diễn viên xuất sắc.
NSƯT Thanh Quý trong phim Không có đường chân trời
Từ năm 2000 đến nay, Thanh Quý tham gia đóng nhiều phim truyền hình. Bộ phim truyền hình gần nhất Thanh Quý tham gia là phim Đầm lầy bạc (đạo diễn Bùi Quốc Việt).
(Theo: http://ngoisao.vn/dien-anh/toan-canh/nhung-nu-dien-vien-xuat-sac-nhat-cua-dien-anh-viet-nam-i-55530.html)