Thông tin về MC Nguyên Khang

seminoon seminoon @seminoon

Thông tin về MC Nguyên Khang

19/04/2015 01:49 AM
1,165

Nguyên Khang từng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TPHCM và đoạt giải trong cuộc thi "Én vàng" năm 2007 do HTV tổ chức. Ngoài công việc tại Xone FM, anh còn tham gia nhiều show event lớn với khả năng tiếng Anh chuyên nghiệp. Anh cũng là MC của một số show truyền hình của HTV, VTV6, VTV9, và một số kênh truyền hình địa phương.


TIỂU SỬ MC NGUYÊN KHANG


Nguyên Khang từng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TPHCM và đoạt giải trong cuộc thi "Én vàng" năm 2007 do HTV tổ chức. Ngoài công việc tại Xone FM, anh còn tham gia nhiều show event lớn với khả năng tiếng Anh chuyên nghiệp. Anh cũng là MC của một số show truyền hình của HTV, VTV6, VTV9, và một số kênh truyền hình địa phương.

Ít ai biết rằng, Nguyên Khang có một tuổi thơ không may mắn và anh đã phải vật lộn với khó khăn của cuộc sống để có được thành công hôm nay. Nguyên Khang nói, "tôi cảm giác như cuộc đời đã sang trang. Nó làm tôi luôn nhớ tới những ngày tháng đã qua. Và chính điều đó giúp tôi vững vàng hơn". Trong đêm nhận giải thưởng, Nguyên Khang đã có một bài viết đặc biệt chia sẻ về ký ức và cuộc sống. Những ký ức sẽ không bao giờ bị lãng quên, mà nó sẽ làm cho con người có thêm niềm tin và sức mạnh. Nguyên Khang nói, anh sẽ tiếp tục công việc của mình tại XoneFM dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn.

MC Nguyên Khang chia sẻ cảm xúc với bạn đọc VnMedia về tuổi thơ và những kỷ niệm đối với người mẹ của mình.

"Năm tôi học lớp 2, nhà tôi dọn đến một khu bờ kênh ở quận 3. Ngôi nhà nhỏ với 3 gian phòng đơn sơ, đầy… chuột và muỗi. Ký ức trong tôi về ngôi nhà này là những lần thủy triều dâng lên, nước ngập lênh láng cả nhà tắm và bốc mùi hôi thối. Có khi thủy triều lên đỉnh điểm, tôi và ba mẹ lại thay nhau múc nước tát ra để tránh tràn vào nhà…

Tôi vẫn còn nhớ như in trong cái xóm trọ nghèo nàn ấy. Có một ngôi nhà kinh doanh giải khát và cà phê. Năm đó, chủ nhà đã tậu được 1 dàn Karaoke hát bằng băng video, loại băng mà bây giờ hẳn chỉ nằm trong dĩ vãng xa xôi của nhiều người và dường như là một khái niệm không còn hình dung của giới trẻ bây giờ. Tôi vốn mê hát, và lại tò mò về cái gọi là Karaoke mà nhà hàng xóm tậu. Thế là cuối tuần thường rủ em gái sang nhà hàng xóm thuê máy để hát.

MC Nguyên Khang (áo đen từ trái sang) lúc nhận giải của cuộc thi Cầu vồng

Hồi ấy, hát karaoke rẻ lắm, chỉ khoảng 2000 - 3000 đồng/1giờ, nhưng hồi ấy đó cũng là một món tiền lớn. Chính vì vậy, nhiều khi 2 anh em lại nhịn tiền ăn sáng cả tuần để cuối tuần đi…hát karaoke. Karaoke thời ấy làm gì có bài hát dành cho trẻ con, thế là tôi lại líu lo những ca khúc dành cho …người lớn. Mỗi lần nghĩ đến đều bật cười, còn nhỏ mà hát những ca khúc quá tuổi như thế so với mình. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà khi lớn lên, tôi thuộc khá nhiều ca khúc nhạc xưa. Điều ấy một phần cũng do mẹ tôi rất thích xem Thúy Nga Paris By Night. Mỗi lần đi làm về, mẹ đều bật những cuộn video cũ kỹ để nghe Ý Lan, Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu hát…Mẹ mở riết tôi nghe cũng đâm ra ghiền, nghe riết rồi cũng thuộc mà nào biết ca từ của nó có nghĩa gì…

Mãi khi lớn lên mới cảm thụ được những tinh hoa trong lời của các ca khúc ấy. Và có lẽ cũng chính vì thế mà tôi rất mê nghe nhạc xưa. Lúc trước, cứ hễ cuối tuần lại rủ mẹ đi phòng trà nghe nhạc, không hẳn để tìm lại những cảm xúc của tuổi thơ mà có lẽ một phần vì biết mẹ thích nghe dòng nhạc này, và vì tôi muốn thư giãn và cân bằng lại mình sau những lúc tất bật và sôi nổi của công việc.

Thấy tôi đam mê âm nhạc, năm ấy, mẹ quyết định mua cho tôi một cây đàn organ loại bé và mời thấy đến nhà dạy. Cũng thật hi hữu khi thầy dạy nhạc cho tôi lại cũng rất thích nhạc xưa và những ca khúc nhạc Pháp lời Việt. Chính vì vậy, thầy dạy tôi tập đánh những ca khúc này nào là Mal, Tuyết rơi, Trở về mái nhà xưa…đến những ca khúc như Mưa trên biển vắng, Cơn mưa hạ, Ảo ảnh, Niệm khúc cuối…Ngay từ nhỏ, tôi đã có khiếu cảm thụ âm nhạc khá tốt và lại siêng năng tập luyện, chỉ cần nghe qua một vài lần, tôi đã có thể đánh lại trọn vẹn ca khúc ấy. Có lẽ vì khả năng cảm nhạc rất tốt ấy mà khi có dịp tham dự Gameshow Nốt nhạc vui, tôi đã giành chiến thắng rực rỡ và trở thành thí sinh xuất sắc nhất năm 2005, được tham dự cùng 2 ca sĩ Lam Trường và Cẩm Ly.

Âm nhạc và chiếc đàn organ có gắn liền với tôi với rất nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ có lần, bố tôi đi học buổi tối về, vô tình nghe lớp trên bật ca khúc “Đừng xa em đêm nay” do Thảo My trình bày. Bố thích lắm và cứ bảo tôi tìm cách đánh lại cho bố nghe ca khúc này. Được thầy chỉ dẫn, rút cuộc tôi cũng đã đàn được ca khúc này cho bố nghe. Và bây giờ, mỗi lần lục lại những bản nhạc xưa, tìm thấy ca khúc này, tôi lại đàn lên… cho chính bản thân mình nghe, vì có lẽ bố sẽ chẳng nghe được ca khúc này do chính tôi đánh một lần nữa… Nhiều lần, vì quá xúc động, tôi lại chẳng thể nào đàn được trọn vẹn ca khúc này…

MC Nguyên Khang đang thể hiện khả năng phỏng vấn trong cuộc thi Cầu vồng

Hồi nhỏ tôi cũng gan lắm. Học được 2 năm thì nghe Casio mở cuộc thi đàn. Thầy dạy đàn bảo tôi đăng k ý thi…cốt chỉ thi chơi để lấy kinh nghiệm và khảo sát trình độ mình tới đâu chứ chẳng mong đoạt được giải thưởng gì…tôi cũng …đồng ý. Lúc ấy có lẽ tôi là thí sinh duy nhất đi thi Casio mà sử dụng đàn Yamaha…Tôi vẫn còn nhớ ca khúc mà mình trình diễn là ca khúc “Sóng sông Danube”, một ca khúc mang điệu Valse nhẹ nhàng nhưng tiết tấu khá nhanh. Ban giám khảo thật sự ngạc nhiên với một cậu bé mà thân người còn nhỏ hơn cả cây đàn nhưng trình diễn rất tự tin, thậm chí khi đàn còn lúc lắc cái đầu ra chiều rất cảm nhạc...

Để vượt qua phần thi: “Kiểm tra độ khó”, thầy đã dẫn tôi ra một cửa hiệu Casio và thuê một chiếc đàn để ngồi tập. Hồi ấy một ti��ng đồng hồ thuê đàn giá khoảng 50.000 đồng. Hai thầy trò cứ bảo nhau, ráng tập cho hết giờ đừng có để phí. Tập được giờ nào thì hay giờ đó. Ngày mai thi mà hôm nay mới ngồi lò mò trên cây đàn Casio để làm quen với đàn, để tập nhạc, để coi cây đàn lớn phím nó thể nào, liệu cái bàn tay nhỏ xíu của mình có với nổi mấy nốt khác không... Lần này tôi cũng đã chinh phục được khán giả. Tôi vượt qua vòng loại khá dễ dàng. Tuy nhiên, không thể bước sâu hơn vào vòng trong, có lẽ một phần không nói ra thì ai cũng hiểu được l ý do…

Lên lớp 6, mẹ dành dụm tiền bạc mua cho tôi một cây Yamaha 510… Cây này lớn hơn rất nhiều và chức năng cũng hiện đại hơn gấp trăm lần cây đàn cũ…Tôi nhớ có lần nghe thầy tâm sự với mẹ: "Cháu nó cũng lớn rồi chị ạ, nếu mãi tập với những phím đàn nhỏ của cây đàn cũ thế này, tôi nghĩ là không hợp với sự phát triển của ngón tay. Nếu được, chị mua cho cháu cây đàn có phím lớn hơn nhé!”. Tôi biết, để có thể mua được cây đàn có giá trị rất lớn như thế này, mẹ tôi đã phải làm việc rất vất vả...

Tôi rất thích mỗi buổi tối cuối tuần, ngồi bên cây đàn đánh cho mẹ nghe những ca khúc nhạc Pháp và nhạc tiền chiến…Mẹ hay bảo: “Mẹ làm việc vất vả bao nhiêu cũng được, chỉ cần nghe tiếng đàn của con, mẹ cảm thấy thanh thản hơn rất nhiều…”. Thương mẹ, tôi cố gắng học đàn và tập luyện siêng năng mãi đến năm lớp 10, dù nhiều khi bài vở cũng rất nhiều, có khi thức khuya tới 12h để học cho kịp bài sau khi đã tập đàn xong.

Vài năm sau đó, nhà tôi gặp khủng hoảng, mọi thứ trong nhà lần lượt ra đi, cái duy nhất có giá trị còn lại trong nhà ngoài chiếc tivi cũ hiệu Goldstar là cây đàn organ mẹ mua năm lớp 6. Tôi còn nhớ, tháng cuối cùng đóng học phí cho thầy, mẹ nói như khóc: “Mong thầy cố gắng dạy cháu thành tài, sau này nếu tôi có mệnh hệ gì, tôi chỉ mong nó có thể đi dạy đàn kiếm tiền nuôi 2 em ăn học”…Câu nói đó khiến tôi không khỏi chạnh lòng…Và tự nhủ với lòng, không bao giờ tôi để mẹ tôi thất vọng về tôi, không bao giờ để 2 em tôi không được học hành thành tài….

Gần 10 năm trôi qua, cây đàn vẫn nằm yên ở vị trí cũ, và tôi không phải đi làm công việc dạy đàn để kiếm sống nuôi các em. Giờ tôi đã làm một MC, một công việc mà hẳn 3 năm trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ làm. Công việc giờ bận rộn hơn, bàn tay lâu quá không đàn có lẽ cũng đã chai cứng hơn nhiều. Duy chỉ có những k ý ức trong tôi về cây đàn này thì vẫn không phai. Cây đàn Organ năm xưa giờ đã bị lỏng phích cắm điện. Tuy nhiên, thi thoảng tôi vẫn ngồi vào đấy, vẫn đàn lên những khúc nhạc nhẹ nhàng: “Và con tim đã vui trở lại”…dù rằng hôm ấy, chỉ còn một người nghe tôi đánh khúc nhạc này. Đó là MẸ TÔI!"


CHÀNG KỸ SƯ LÀM MC

Nước da trắng, gương mặt bầu bĩnh, giọng nói ấm áp, xử lý tình huống rất nhanh và thông minh. Đó là những đặc điểm nổi bật của Nguyên Khang, chàng MC của chương trình Xone FM trên Đài Tiếng nói VN.

MC Nguyên Khang, tên đầy đủ Đoàn Nguyên Khang, sinh năm 1984, tại TP.HCM. Khác với sự tưởng tượng của nhiều thính giả, ngoài đời Khang ít nói nhưng hay cười. Ngoài công việc chính là MC cho chương trình Xone FM, Khang còn dẫn chương trình cho rất nhiều show của HTV7, HTV9, VTV9, SCTV như Khuấy động nhịp đam mê, Tuổi trẻ sáng tạo, Đấu  giá ngược, Sự lựa chọn thông minh...

Nhưng ít ai biết rằng, trước khi dính với "cái nghiệp nói", Khang là một kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi, ngành Vật lý kỹ thuật - Khoa Vật lý ứng dụng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuy nhiên, anh chàng tự nhận mình "không có duyên với vị trí của một kỹ sư ngành Vật lý kỹ thuật, suốt ngày cắm cổ sửa chữa những thiết bị như máy chụp X-quang, máy chụp CT và những thiết bị y tế khác trong các bệnh viện".

Thay vào đó, Khang tìm được điểm mạnh của mình ở một nghề đang rất "hot" hiện nay: nghề MC. Ưu điểm nổi bật của Khang so với các MC khác là bề dày kiến thức học được từ trong trường, kinh nghiệm từ những chuyến đi thực tế ở nước ngoài và khả năng nói tiếng Anh rất lưu loát. Với Khang, đó chính là nền móng của một người dẫn chương trình thời hiện đại.

Săn học bổng để “đỡ cơm của mẹ”

Trong 12 năm học, Khang luôn là học sinh xuất sắc và lọt vào tốp 10 sinh viên xuất sắc nhất khoa Khoa học Ứng dụng (ĐHBK TP.HCM). Trong suốt quá trình học, Khang cũng là một chuyên gia săn học bổng. Đầu tiên là học bổng của trường dành cho những học sinh, sinh viên xuất sắc. Sau đó, Khang nhận được học bổng của Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore (Singapore Business Group) (2 năm), AREBCO - Pháp (5 năm), Sacramento - Mỹ (1 năm), Học bổng Khuyến tài TP.HCM, Học bổng hội sinh viên VN, Học bổng của các trường Anh ngữ như ILA, Cleverlearn, VATC... Khang cho biết kiếm học bổng là cách để anh giúp mẹ đỡ gánh nặng kinh tế gia đình.

Con đường vào đại học của Khang bắt nguồn từ tình yêu của cậu con trai dành cho mẹ. Khi biết mẹ muốn con trai trở thành người mạnh mẽ, nhất định phải là một kỹ sư, Khang nộp hồ sơ và thi đậu vào đH Bách khoa. Tuy nhiên, khi bước sang năm thứ 2 đại học, Khang cảm thấy một điều gì đó không ổn. Cậu lờ mờ nhận ra hình như mình đi lạc hướng.

Sang năm 3, Khang tự tìm con đường riêng cho mình bằng cách bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội. Đầu tiên là tham gia tình nguyện viên SEA Games 22, tình nguyện viên cho chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á, làm sĩ quan liên lạc cho Bộ Thương mại tại APEC - SOM II năm 2006... Từ những dịp như thế, Khang trở thành đại diện cho trường tham dự chương trình Lãnh đạo thanh niên châu Á năm 2005 tại Hàn Quốc, đại diện duy nhất cho thanh niên châu Á tham dự Tuần lễ Quốc tế tại Nhật Bản và là một trong những sinh viên xuất sắc tham dự Diễn đàn thanh niên thế giới trong khuôn khổ diễn đàn đô thị thế giới tại Vancouver - Canada.

Ngoài ra, Khang còn tham gia câu lạc bộ tiếng Anh và tích cực tham gia nhiều game show trên đài truyền hình, game show nào anh cũng giành giải nhất như Nốt nhạc vui, Hát với ngôi saoTam sao thất bản. 

Khẳng định tài MC

Bước ngoặt lớn nhất làm thay đổi cuộc đời Khang đó là dự thi Người dẫn chương trình truyền hình năm 2006 do HTV tổ chức và anh đã lọt vào tốp 10 thí sinh xuất sắc nhất.

Từ đó, Khang nhận được nhiều lời mời làm MC cho các game show, các cuộc triển lãm quốc tế. Nhưng có lẽ thú vị nhất là Khang được chọn là MC cho chương trình Xone FM.

Mỗi buổi sáng, các bạn trẻ trên khắp cả nước háo hức đón chào ngày mới với câu nói quen thuộc: "Nguyên Khang và Xone FM xin chào các bạn". Với chất giọng ngọt ngào, cách dẫn chuyện hài hước, thông minh, Khang thu hút được rất nhiều thính giả. Nghe giọng nói có vẻ chín chắn, nhiều người đoán già đoán non Khang phải từ 30 đến 40 tuổi. Chỉ đến khi gặp mặt, người ta mới ngỡ ngàng trước chàng MC có gương mặt rất trẻ con. Thế nhưng khi có điều kiện làm việc với Khang ở những cuộc triển lãm quốc tế, mới thấy rõ năng lực của chàng trai trẻ này. Nhờ kiến thức tích lũy được từ những năm đại học, Nguyên Khang đảm nhận khá trọn vẹn vị trí MC của mình. Hỏi về phương châm nghề nghiệp, Khanh đúc kết ngắn ngọn: "Nghề MC đòi hỏi phải có kiến thức nền tảng để xử lý nhanh các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, còn cần phải cố gắng rèn luyện từng ngày từng giờ để hoàn thiện mình sau mỗi chương trình".

Rồi Khang tự hào khoe: "Trước kia, mẹ định hướng cho mình vào trường Bách khoa. Còn bây giờ, chính mẹ lại là người góp ý cho mình sau mỗi chương trình rất nhiều. Mẹ nghe kỹ lắm, nên góp ý rất chính xác, đoạn nào mình nói vấp, nói nhanh, đoạn nào nói chưa thật sự diễn cảm. Thành công lớn nhất của mình đến giờ là không cần làm kỹ sư cũng thuyết phục được mẹ tự hào về con trai".

Con đường đến  MC truyền hình của Nguyên Khang

Dáng cao ráo, giọng nói ngọt ngào, đối đáp thông minh và lanh lẹ không ai khác chính là chàng MC điển trai của chương trình SV 2012, MC Nguyên Khang.


MC Nguyên Khang trong chương trình SV 2012
MC Nguyên Khang trong chương trình SV 2012.

Có thể nói, MC có vai trò rất lớn đối với sự thành công của một chương trình truyền hình. Với SV 2012, MC Nguyên Khang đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả, khẳng định hình ảnh của một MC truyền hình chuyên nghiệp. Nhưng đằng sau những thành công như ngày hôm nay, ít ai biết Nguyên Khang đã bắt đầu từ vị trí của người dẫn chương trình cho các tiệc cưới của các khách sạn 5 sao.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng Nguyên Khang về những chặng đường khó khăn và những bí quyết, kinh nghiệm giúp anh có được chỗ đứng như ngày hôm nay.

- Đến ngày hôm nay thì Nguyên Khang đã cho mình thành công chưa?

- So với bạn bè đồng trang lứa thì mọi người nhìn nhận tôi thành công sớm. Riêng với bản thân, tôi cho rằng mọi thứ chỉ là bắt đầu. Với Khang, thành công không phải là giàu có, nổi tiếng mà là được làm công việc mình thích. Và từ công việc đó mình có thể kiếm được những thứ mình muốn, hay đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Khang từng yêu thích chương trình SV96 khi còn là học sinh, Khang mơ ước được tham gia sân chơi này, nhưng khi Khang thành sinh viên thì chương trình không tổ chức. May mắn sao Khang lại được tham gia làm MC cho SV 2012.

- Đài truyền hình Việt Nam đã chủ động chọn Nguyên Khang làm MC cho SV 2012?

- Thật ra, Khang chỉ được chọn để dẫn SV 2012 khu vực miền Trung và miền Nam. Ngay từ số đầu tiên quay hình ở miền Trung, Khang đã tự nhủ với lòng: Phải làm thật tốt để nhà báo Lại Văn Sâm và đại diễn Hải Đăng không thất vọng khi chọn mình. Và kết quả như bạn đã thấy, Khang được chọn làm MC chính cho SV 2012 bằng chính khả năng của mình.

- Dựa vào đâu Nguyên Khang tự tin mình sẽ dẫn tốt SV 2012?

- Khi ngồi xem một chương trình truyền hình, Khang thường phân tích nhiều yếu tố của chương trình và nghĩ xem mình có phù hợp hay không. Ngày xưa, Khang từng là khán giả trung thành của Gameshow Nốt nhạc vui. Khang xem hầu như không bỏ sót bất kỳ số nào. Lần nào Khang cũng trả lời đúng tên ca khúc khi chỉ mới nghe giai điệu đầu. Chính vì lẽ đó, Khang đã mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký thi. Và cuối cùng đúng như suy nghĩ, Khang “dội bom” truyền hình bằng việc xuất hiện liên tục trong gameshow này và rinh về rất nhiều giải thường. Thậm chí, Khang còn được chọn thi chung với 2 ngôi sao ca nhạc lúc ấy là Lam Trường và Cẩm Ly.

Với SV 2012 cũng vậy, thế mạnh của Khang chính là khả năng ứng biến tình huống linh hoạt, sự tếu táo và khuấy động khán giả. Khang nghĩ mình sẽ làm tốt nếu có cơ hội thử sức. Khang thậm chí còn bày ra đủ trò chơi với khán giả tại trường quay khiến BGK và mọi người phải bật cười như: Tiếng hú trong vườn hoang hay bong bóng tình yêu... Với Khang, chỉ cần thấy mình phù hợp, Khang sẽ mạnh dạn ứng tuyển. Khang không muốn mình bỏ phí bất kỳ cơ hội nào trong cuộc đời.

Nguyên Khang trong chương trình “Hợp ca tranh tài” của VTV3
Nguyên Khang trong chương trình “Hợp ca tranh tài” của VTV3.

- Nhưng dù sao Nốt Nhạc Vui là một game show mà Nguyên Khang chỉ đóng vai trò người chơi, vậy đâu là chương trình hình đầu tiên Nguyên Khang giữ vai trò là MC?

- Sau khi bén duyên với gameshow đầu tiên trên truyền hình Nốt nhạc vui, Khang lại tham gia thêm rất nhiều gameshow khác chỉ với ước mơ: kiếm tiền… đóng học phí. Cơ hội đến với Khang khi đoạt giải nhất Cầu vồng lĩnh vực Người dẫn chương trình năm 2009 và MC Vân tay trước đây (Chuyên cơ số 6 sau này) rút lui. Thật ra ekip của VTV6 đang nhắm đến một gương mặt mới, phong cách năng động hơn cho chương trình, họ nghĩ ngay đến Khang, một giọng miền Nam, tếu táo, hài hước và có khả năng ngồi nói chuyện hàng giờ với những người đẹp, thế là Khang được chọn.

- Xem ra Nguyên Khang là người rất giỏi “chớp” thời cơ?

- Người thành công là người biết nhận ra tiềm năng từ những cơ hội và “chớp” đúng thời cơ. Khi đã yêu thích một điều gì, nếu nghĩ mình có khả năng, hãy chủ động. Đừng để cơ hội tìm đến bạn, mà hãy để bạn “săn lùng” nó.

Thật ra, Khang học được một bài học khá hay từ em gái của mình. Em út Khang đang du học ở Mỹ và rất thích công việc làm quản lý Ký túc xá vì thu nhập tốt lại tích lũy được kinh nghiệm. Tuy nhiên, vị trí này trước đây chỉ dành cho sinh viên Mỹ vì họ cho rằng người quản lý KTX cần phải khỏe mạnh cao to thì tiếng nói mới có trọng lượng. Tuy nhiên, em Khang đã mạnh dạn đến gặp người quản lý KTX và trình bài nguyện vọng của mình. Mặc dù không thành công ở lần này, nhưng em ấy đã gây một ấn tượng mạnh với ông ta. Và khi người quản lý đương nhiệm làm không tốt, ông ấy đã nghĩ tới một sự lựa chọn khác, và cuối cùng em Khang đã được chọn.

Quay lại câu chuyện với SV 2012, thật ra Khang không phải là người được lựa chọn ban đầu. Nhưng vì quá yêu thích chương trình này, Khang đã chủ động gửi hồ sơ của mình cho đài. May mắn Khang đã được đài để ý đến khi họ cần MC cho khu vực miền Trung và miền Nam. Khang nhận ra rằng, đôi khi chính chúng ta phải là người tạo ra cơ hội cho mình. Nắm bắt tốt, bạn sẽ biến cơ hội ấy thành công. Chúng ta thường than phiền chúng ta không may mắn, không có cơ hội. Nhưng chúng ta quên mất, chúng ta phải là người chủ động tìm kiếm cơ hội, hoặc đôi khi chúng ta lại quá thờ ơ, không có sự chuẩn bị khi cơ hội gõ cửa…Cả 2 trường hợp đều đánh mất cơ hội một cách đáng tiếc.

- Nói đến thành công thì thường một người chỉ thành công ở một lĩnh vực nào đó, vậy có bí quyết gì giúp Nguyên Khang “đa năng” như vậy?

- Mẹ Khang từng dạy: “Dù trong hoàn cảnh nào, hãy luôn là người dẫn đầu”. Từ nhỏ, Khang luôn đứng đầu lớp về kết quả học tập. Sau này, Khang thi đậu vào Đại học Bách Khoa TP.HCM Dù sau đó nhận ra mình không phù hợp với nghề kỹ sư, nhưng chiều lòng mẹ, Khang cố gắng học thật tốt và ra trường với kết quả hạng ưu. Chính vì đặt mục tiêu rõ ràng, nên Khang luôn nỗ lực phấn đấu. Ngày còn là sinh viên năm 2, Khang đã đi làm thêm rất nhiều công việc khác nhau, chủ yếu tích lũy vốn sống cho mình, tăng chỉ số EQ. Cá nhân Khang nghĩ, có thể IQ bạn không cao, nhưng EQ sẽ là chỉ số chính quyết định sự thành bại của một người. Mục tiêu rõ ràng, cứ thế mà Khang tập trung làm cho tốt thôi. (cười)

- Ngoài học tập từ mẹ, từ cuộc sống, Nguyên Khang còn học hỏi từ ai nữa không?

- Khang có thói quen đọc rất nhiều sách để tích lũy kỹ năng mềm cho mình. Đọc sách là cách nhanh nhất để thu nhận kinh nghiệm của người khác và biến nó thành của mình. Những câu chuyện về những nhân vật như Harland Sanders, ông tổ gà rán KFC đi dọc đất nước để tìm kiếm sự hợp tác sau khi phá sản ở độ tuổi lục tuần. Bị từ chối 1.009 lần nhưng ông ấy chưa bao giờ nản chí. Đam mê đã giúp ông tiếp tục dấn bước ngay cả khi thất bại. Câu chuyện này vẫn in sâu trong suy nghĩ của Khang.

Đôi khi bạn không cần phải cố gắng đọc hết một quyển sách, chỉ cần bạn áp dụng được một ý nhỏ trong cuốn sách vào thực tiễn công việc và cuộc sống là đủ thay đổi cuộc đời mình rồi. “Đời thay đổi khi ta thay đổi” mà. (cười)

- Nguyên Khang nói Khang là người đọc nhiều sách, vậy đâu là cuốn sách có ảnh hưởng đến Khang nhiều nhất?

- Khang vừa đọc xong 3 cuốn: Nhân tố đột phá của John Maxwell, My point…and I do have one của Ellen Degeneres và cuốn The secrets of good communication của Larry King. Nhưng Khang thích cuốn của Ellen nhất, vì Ellen là thần tượng trong lĩnh vực MC của Khang. Thật ra cuốn sách đó cũng nói chỉ cần có một mục tiêu xác định trong cuộc sống và phấn đấu đến cùng thì thành công chỉ là vấn đề về thời gian mà thôi. Riêng cuốn của Larry King có nói một ý: MC truyền hình nên bắt đầu từ một phát thanh viên radio. Khi ấy bạn sẽ luyện được cho mình phong cách và giọng nói. Khi thính giác của khán giả bù đắp cho phần thị giác, người ta sẽ tập trung nhiều hơn vào câu chuyện mà bạn nói. Và như vậy, bạn sẽ phải cố gắng nói sao cho hay và sâu sắc.

- Nhưng làm sao mình biết được người ta lắng nghe mình bao lâu?

- 2 kênh thông tin mà Khang dựa vào để lắng nghe phản hồi là mạng xã hội và mail thính giả gửi về. Dựa vào số lượng thư mỗi tuần, comment trên trang cá nhân, Khang sẽ biết chủ đề mà thính giả quan tâm là gì. Những phàn hồi mang ý kiến đóng góp sẽ được Khang điều chỉnh làm chương trình một hay hơn. Hài hước bao giờ cũng là phong cách của Khang và hay nhất là cứ đưa bản thân mình ra đùa…Những vấn đề về tình yêu và chủ đề đang hot trên các diễn đàn thường được mọi người quan tâm hơn.

- Thường thì để thành công, một người thường đặt mục tiêu rõ ràng và tập trung lĩnh vực của mình, ví dụ chỉ làm một MC, là một ca sĩ, hay một diễn viên truyền hình, Nguyên Khang nghĩ sao về điều này?

Một Nguyên Khang đam mê với nghề
Một Nguyên Khang đam mê với nghề.

- Khang nghĩ điều này rất đúng. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chỉ cần làm tốt một lĩnh vực, bạn sẽ không còn thời gian để làm những việc khác. Nếu phải chia trí lực và sức lực cho nhiều công việc khác nhau, chất lượng sẽ không được đảm bảo và đôi khi lại ảnh hưởng đến hình ảnh của mình.

Bên cạnh đó, bài học về định vị thương hiệu trong PR cũng vô cùng hiệu quả với việc định vị thương hiệu cá nhân. Hãy xác định rõ mình sẽ là MC giải trí, chính luận hay thời sự. Đừng mập mờ giữa khái niệm MC một cách chung chung, vì như thế bản thân ta sẽ lúng túng trong việc xác định phong cách dẫn của mình.

Cuối cùng, hãy đặt mục tiêu vượt hơn khả năng của mình. Nếu bạn đặt mục tiêu 200%, thì chí ích bạn cũng sẽ phấn đấu được hơn con số 100%. Mặc dù có hơi vất vả, nhưng thành quả của nó lại vô cùng ngọt ngào khi chúng ta đã vượt mốc từ bao giờ.

- Phong cách hiện tại của Nguyên Khang có ảnh hưởng bởi ai không?

- Khang rất thích Ellen bởi sự hài hước, thông minh và tự nhiên của cô ấy trong talkshow của mình. Khang rất ngưỡng mộ những MC thế giới bởi cách nói chuyện rất gẫn gũi của họ. Trong Talkshow của Ellen, người ta thậm chí có thể thấy Ông Obama nhún nhảy theo điệu nhạc hoặc phu nhân tổng thổng Mỹ Michelle chống đẩy cùng Ellen trên sân khấu. Tôi phải bật cười vì Ellen dám nghĩ và dám làm. Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo MC chính quy. Thay vì đợi đến khi mở lớp, hãy tự học hỏi bằng cách xem nhiều chương trình của MC thế giới. Chí ít bạn cũng sẽ học được một vài điều hay ho từ họ. Nhưng để tiếp thu tốt những chương trình nước ngoài, Khang nghĩ mình cần trau dồi khả năng tiếng Anh thật tốt. Cách đơn giản nhất là tự học. Khang vẫn dành thời gian nghe VOA news, đọc báo tiếng Anh và đi English Club. Khi đã thành thói quen, mình sẽ yêu mến và nâng dần trình độ Anh ngữ của mình.

Và một Nguyên Khang đời thường
Và một Nguyên Khang đời thường.

- Nguyên Khang có một câu slogan nào dành cho mình không?

- “Dám liều lĩnh, dám thất bại và dám làm lại”. Không ai chê trách một người khi họ thất bại và quyết tâm làm lại từ đầu. Đôi khi chính những sự liều lĩnh, thất bại ấy lại là kinh nghiệm quý giá cho mỗi người mà không trường lớp nào dạy được. Khang từng bị góp ý trong những lần đầu xuất hiện trên truyền hình vi cách dẫn non tay và còn teen quá. Khang lắng nghe và sửa đổi mình dẫn dần. Đến bây giờ, vẫn còn hỏi mọi người một câu quen thuộc: “Mọi người thấy thế nào? Có góp ý gì cho Khang không?” (cười)

Giữa đam mê với việc tự rèn luyện thì Khang thấy điều gì quan trọng hơn?

Cả hai đều quan trọng. Đôi khi những khó khăn của công việc khiến ta chùn bước, nhưng đam mê sẽ kéo ta quay trở lại với nghề và càng hăng say hơn. Khang đã từng khổ luyện mình ở sân khấu đám cưới của các khách sạn 5 sao. Nhiều người cho rằng dẫn đám cưới rất bình thường, thậm chí MC đám cưới có rất nhiều. Nhưng nếu suy nghĩ tích cực, sân khấu đám cưới chính là sân khấu đầu đời của Khang, nơi mà Khang rèn cho mình được sự tự tin và bản lĩnh. Để đứng được trên sân khấu lớn, nên b��t đầu từ những sân khấu nhỏ thế này.

- Còn so sánh giữa năng khiếu và luyện tập, Nguyên Khang đánh giá điều gì quan trọng hơn?

- "Thiên tài chỉ có 1% là năng khiếu, 99% là sự khổ luyện ». Sự khổ luyện nền tảng giúp Khang có được ngày hôm nay. Khang từng đứng trước gương tập kể lại những gì xảy ra trong một ngày. Từng thu âm vào băng cassette để luyện giọng, từng ê a cuốn sách: Tiếng nói sân khấu cốt để phát âm được “Ch” và “Tr”, “S” và “X”…Bây giờ làm radio rồi, nên nghĩ lại những ngày tháng khổ luyện đó, mình vẫn phì cười vì thấy ngô nghê làm sao. Nhưng nếu không có sự khổ luyện đó, nhược điểm lớn nhất là giọng nói sẽ không trở thành ưu điểm như bây giờ. (cười)

- Từ một người nói chuyện không có duyên, từ khi nào Nguyên Khang thấy mình có khả năng nói chuyện và theo con đường MC này?

- Khang rất tin vào duyên số. Khi đi học, người chọn nghề. Khi đi làm, nghề chọn người. Khang chưa từng nghĩ mình sẽ làm MC khi ra trường. Khang từ một người ít nói và không duyên trong những cuộc giao tiếp, đã mày mò để tập tành kỹ năng ăn nói. Sau đó đi thi Nốt nhạc vui, manh dạn và tự tin hơn…Thế là thi Người dẫn chương trình, và định mệnh đã đưa mình qua một ngã rẽ khác. Khi nói chuyện với một người, Khang sẽ chú ý nhìn vào mắt của họ. Họ có thể nói không thật, nhưng ánh mắt của họ sẽ nói thật. Cuốn sách ngôn ngữ cơ thể Body language Khang đang đọc cũng có đề cập nhiều về cách đọc suy nghĩ của một người thông qua động tác hình thế. Khang thử áp dụng và suy luận với người thân, bạn bè và thấy cũng hiệu quả ra phết. (cười)

- Điểm mạnh và lợi thế của Nguyên Khang hiện tại có khá nhiều, còn điểm yếu của Khang thì sao?

- Khang hơi tham việc. Khang nghĩ mình còn trẻ nên nếu sức làm được tới đâu thì phải cố gắng. Mới đây, Khang nhận được tin nhắn từ một người bạn: “Đừng phí phạm hình ảnh mình vào quá nhiều chương trình truyền hình nha, trừ khi nó ra tiền”. Câu này lúc đầu đọc thì có vẻ hơi thực dụng, không phải lúc nào ta cũng sống vì tiền, mà chỉ cần ta thấy thích chương trình đó thì hãy làm. Nhưng quả thật, nó cũng gợi lên suy nghĩ về chiến lược hình ảnh. MC không cần xuất hiện quá nhiều trên truyền hình, đôi khi sẽ là phản tác dụng. Xuất hiện ít nhưng chất lượng và người ta nhớ đến mình, vẫn hay hơn “chiếm sóng” mà bản thân mình cứ “nhàn nhạt”. Khang rất cám ơn người bạn đã nhắn tin này.

- Ngoài trở thành một MC giỏi Nguyên Khang có ước mơ nào khác không?

- Vẫn là một talkshow Coffe with Nguyên Khang và mở một lớp học về nghề dẫn chương trình. Khang muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và truyền niềm đam mê cho các bạn trẻ với công việc người dẫn chương trình. Nếu sau này không thấy Khang trên truyền hình, hãy tìm tới các lớp học về MC, có khi bạn sẽ gặp Khang ở đó.



Thông tin về người mẫu Hoàng Thùy
Thông tin về ca sĩ Noo Phước Thịnh
Thông tin về người mẫu Elly Trần
Thông tin về ca sĩ Phương Thanh
Thông tin về người mẫu Hồng Quế
Thông tin về người mẫu Vũ Hoàng Việt
Thông tin về ca sĩ Quang Linh




(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Ban than gia clb englist dia chi ơ dau vay ? Cho biêt dê minh co the tham gia noi tiêng anh tôt minh cam ơn nhe
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý