Hướng dẫn tập thở bụng để sống thêm thọ

seminoon seminoon @seminoon

Hướng dẫn tập thở bụng để sống thêm thọ

19/04/2015 01:01 PM
1,409
Cùng tham khảo những hướng dẫn tập thở bụng để sống thêm thọ nhé. Việc thở bụng theo 4 nguyên tắc: sâu, đều, chậm rãi, êm dịu có tác dụng phục hồi sức khỏe rất kỳ diệu. Cách thở này chẳng những cung cấp đủ dưỡng khí mà còn giúp điều hòa các rối loạn của tạng phủ.


Tập thở ở bụng

Như các bạn đã biết là trẻ sơ sinh vừa mới chào đời đều thở bằng bụng; nhưng tại sao lớn lên lại thở bằng ngực như phần đông chúng ta hiện nay? Trẻ lớn lên tham ăn,tham uống, nhu cầu không đủ thì tức giận, la khóc cho nên thở ngực bắt nguồn. Vậy chúng ta bây giờ phải trở lại thở như thuở mới sơ sinh. Đó là bài học đầu tiên tôi đã học được khi theo học lớp Thái Cực Quyền (TaiChi). Cho đến bây giờ đã hơn 15 năm thực tập Thái Cực Quyền tôi vẫn giữ thói quen thở bụng tự nhiên, ngay cả lúc nằm ngủ. Từ hơn năm năm vừa qua tôi lại được dịp thực tập Thiền Định (Meditation) và phương pháp Thở Bụng này giúp ích rất nhiều trong việc Nhập Định (Meditative Absorptions) đúng như lời chỉ dẫn của bác sĩ Viện. Tôi nghĩ Bác sĩ Viện trong lúc tập thở bụng đã hấp thụ được ít Khí Công và ngay cả Thiền Định nữa!


Thở bằng ngực không đưa đủ không khí cho phần dưới của phổi cho nên phần đó bị xẹp. Trong lúc thở bằng bụng, cơ hoành (Diaphragm, màng ngăn cách phần trên gom co phổi, tim và phần dưới gom co ngủ tạng như ruột, gan, lá lách, thận và bao tử) đi lên đi xuống như một cái bơm. Ngoài việc đưa không khí  ra vào phổi, động tác lên xuống của cơ hoành còn massage ngủ tạng không ngừng làm cho những bộ phận này rất mạnh khoẻ.


Thở bằng bụng là một động tác tự nhiên của cơ thể, không cần phải  điều khiển. Vì vậy các ca sĩ Opera nổi danh có tiếng ngân rất dài mà không cần lấy hơi; vậy bạn nào muốn hát hay thì thở bụng đi! Cũng vì thở bụng là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nên khi ngồi thiền, bạn chỉ cần chú ý vào hơi thở, biết (Knowing) mình đang thở mà không nên làm gì hết (No doing).


Cứ như thế, hơi thở bụng tự điều hòa theo nhu cầu. Bạn cứ thả lỏng như vậy thì hơi thở sẽ trở nên rất nhẹ, rất vi tế và  có thể bạn sẽ đi vào Định. Khi vào Định thì não bộ ngưng hoạt động (No doing), vì vậy dung tích không khí cần thiết có thể giảm xuống 95%, và lúc đó bạn không thấy mình thở nữa. Khi hơi thở mất đi, ngủ giác (nghe, thấy, ngữi, nếm, cảm giác) cũng ngưng hoạt động và các bạn sẽ đi vào trạng thái "Không" (Emptiness) rất dung hòa, tĩnh lặng. Thường thường ngôn từ không thể diễn tả trạng thái này được!


Tôi xin dài dòng một tí để các ban biết thêm về lợi ích của thở bụng và cũng để khuyến dụ các bạn bỏ thói quen xấu thở ngực mà trở về thở bụng như hồi mình mới sơ sinh chào đời.

Lê-Khắc Bí

Phép màu trường thọ trong một bài thơ


Sau khi bị cắt trọn phổi phải và một phần phổi trái, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được tiên đoán là chỉ có thể sống thêm nhiều nhất 3 năm. Nhưng trên thực tế, ông đã sống thêm 58 năm (bác sĩ Viện mất năm 1999, thọ 85 tuổi). Phép màu của ông nằm gọn trong một bài thơ ngắn về phép thở bằng cơ hoành (tức thở bụng).


Năm 27 tuổi, Nguyễn Khắc Viện bị bệnh lao phổi nặng, phải nằm viện trong 10 năm, lên bàn mổ 6 lần. Lúc ra viện, sức thở của ông chỉ còn 1/3, dung tích sống chỉ có 1 lít. Hồ sơ bệnh lý ghi: "Thiếu thở trầm trọng, không được làm việc". Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm nhiều lắm là 3 năm.


Thế nhưng, nhờ tập thở bụng để tận dụng công suất của phổi (bằng cách tăng tối đa dung tích thở trong 1 giây), bác sĩ Viện đã sống vượt mức tiên đoán 19 lần.. Trong thời gian đó, ông không ngừng làm việc. Phép thở này được ông gói gọn trong 1 bài thơ 12 câu, mỗi câu 4 chữ:


Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm, chậm, sâu, đều

Tập trung theo dõi

Luồng ra luồng vào

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Ðứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được.


Bài thơ là sự đúc kết cô đọng các nguyên tắc chính của kỹ thuật luyện thở:

-         Ðộng tác khởi đầu và là động tác quan trọng nhất là thở ra để xả hết khí bã. Sau đó, cần chủ động thở vào. Lượng khí hít vào và đẩy ra tương đương nhau.


-          Thở tức là luyện nội công, tăng cường nội lực. Khi luyện thở, thân phải ngay ngắn, điều hòa, yên lặng; nhưng không được kênh cứng mà phải thả lỏng, thư giãn (điều thân).


-          Êm chậm sâu đều là 4 tính chất của hơi thở, giúp ta thở đúng quy cách, hơi thở điều hòa (điều tức).


-          Không nghĩ ngợi lan man, cần cắt đứt những liên lạc bên ngoài để giữ tâm được yên tĩnh (điều tâm). Nếu đạt được điều đó, hơi thở sẽ từ từ, sâu nhẹ, sự tập trung càng tăng mà không cần phải cố gắng. Ðây là trạng thái thư giãn cao độ mà Phật giáo gọi là "nhập định".


-          Việc luyện tập không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.


Theo bác sĩ Viện, đây là môn thuốc vạn năng giúp tiêu trừ bá bệnh. Nếu mỗi lần thở, cơ hoành chỉ hạ xuống thêm 2 cm là mỗi ngày ta được thêm 100 lít không khí, đồng thời cũng đẩy ra được ngần ấy khí đọng. Khi nào sực nhớ thì luyện, quên thì thôi. Cứ như vậy, lâu dần thành quen; lúc không chú ý, phổi vẫn tự động hô hấp ở mức sâu hơn trước.


Thở bụng cho thêm thọ

g

Tập thở theo kiểu yoga.
Ảnh: Allayurveda.com

Trong tất cả các hoạt động nội tạng, chỉ có thở là vừa tự phát vừa có thể tùy ý. Động tác thở bụng được thực hiện chủ yếu bởi cơ hoành - một cơ lớn chắn ngang giữa ngực và bụng, mặt trên tiếp giáp tim và phổi, mặt dưới với gan và khoang bụng. Cơ hoành hoạt động phối hợp với các cơ ở bụng, các cơ gắn vào xương sườn. Khi cơ hoành hạ xuống, các nội tạng trong bụng bị dồn xuống, bụng phình lên, lúc ấy không khí bị hút vào. Khi cơ hoành nâng lên, không khí bị đẩy ra, các nội tạng bị kéo theo, bụng thót lại. Bởi vậy, phương pháp thở bụng trước hết phải tập động tác cơ bản là: Thót bụng cho cơ hoành nâng lên để thở ra, và phình bụng cho cơ hoành hạ xuống để thở vào. Muốn đưa dung tích lên cao, cơ hoành phải nâng lên mức cao nhất, hạ đến mức thấp nhất.

Cách thở này chẳng những cũng cấp thêm ôxy mà còn luyện sự hưng phấn của trung tâm hô hấp ở hành tủy, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh thực vật, tăng cường tuần hoàn, điều hòa các nội tạng bị rối loạn và làm cho thần kinh ổn định.

Vừa đi bộ vừa thở

Cách này kết hợp với tập đi bộ, thích hợp với người cao tuổi, vừa đơn giản vừa phù hợp với điều kiện sinh hoạt (có thời gian rảnh rỗi). Đi nhanh hay chậm, ngắn hay dài tùy khả năng sức khỏe từng người. Trong khi đi, thỉnh thoảng lại kết hợp với thở bụng êm dịu và sâu theo công thức: 4 bước thở vào (phình bụng), 2 bước ngừng thở, rồi 8 bước thở ra.

Thở 4 thì bằng nhau

Thì 1 hít vào sâu, từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được; đồng thời bụng phình ra. Thì 2 nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào. Thì 3 thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1. Thì 4 nín thở, thời gian bằng thì 1.

Cái khó của phương pháp này là đã hít vào đến mức tối đa, lại nín thở kéo dài, ít người tập có đủ sức nín thở lâu như thế mà cơ bắp vẫn thả lỏng, nét mặt bình thản thoải mái. Do vậy, nhiều tài liệu hướng dẫn đã cải tiến thì 2 và 4 (nín thở) tùy sức, nhưng nếu càng kéo dài được càng tốt.

Tập thở theo Yoga

Có thể tập thở trong tư thế nằm, đứng, ngồi trên ghế, nhưng tốt nhất là ngồi tư thế hoa sen (Padma asana): lòng bàn chân phải ngửa lên đùi trái và ngược lại, hay tư thế kiểu nửa hoa sen (Sukha asana): lòng bàn chân phải ngửa trên bụng chân trái. Phép thở Yoga là nhẹ nhàng, chậm rãi, đều đặn theo 3 thì (hít vào, giữ hơi, thở ra) hoặc 4 thì (hít vào, giữ hơi, thở ra, nín hít). Tâm trí chỉ hoàn toàn chú trọng vào hoạt động hô hấp và lộ trình của hơi thở.

Nếu thở 4 thì, nhịp độ phân bổ lý tưởng là 1-4-2-4, nghĩa là thời gian giữ hơi và nín hít dài bằng 4 lần thời gian hít vào, và thời gian thở ra dài bằng 2 lần thời gian hít vào. Nhưng điều này rất khó thực hiện ở người mới bắt đầu tập. Mặt khác, phương châm của Yoga là thoải mái, tương hợp với đặc thù cá nhân, tránh khiên cưỡng, nóng vội. Cho nên bước đầu trong khi tập thở 4 thì hoặc 3 thì, mỗi người hãy tự tìm cho mình một nhịp độ thích hợp với sức khỏe của mình. Không đòi hỏi một sự cố gắng quá sức, đồng thời cũng không quá dễ dãi tùy tiện. Có thể bước đầu tập theo nhịp độ 1-2-2-2, hoặc 1-1-2-1… rồi nâng dần cho tới nhịp độ lý tưởng.

Khi hít vào và thở ra đều qua mũi nhưng không để cho cánh mũi phập phồng. Thở bằng bụng: hít vào thì phình bụng, thở ra thì thót bụng và co hậu môn lên, thở thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Nên chú ý dẫn dắt hơi thở theo một lộ trình nhất định (có thể tưởng tượng hơi thở vào qua mũi, ngược lên đỉnh đầu, ra sau gáy, dọc theo xương sống…), tâm trí chỉ hoàn toàn chú trọng vào hoạt động hô hấp và lộ trình của hơi thở.

Tập thở theo phương pháp Nguyễn Khắc Viện

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một trong những minh chứng sống về tập luyện để nâng cao sức khỏe, vượt qua cái chết. Nguyễn Khắc Viện là một nhà y học tầm cỡ, một nhà văn hóa lớn. Thời trai trẻ chẳng may bị bệnh hiểm nghèo (lao phổi nặng, phải nằm bệnh viện nhiều năm, lên bàn mổ 6 lần, cắt bỏ 1/3 phổi…), mà các bác sĩ thời đó tiên lượng chỉ có thể sống được vài năm. Cụ đã kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn Đông - Tây y, từ đó xây dựng một phương pháp tập luyện để giữ gìn sức khỏe nâng cao tuổi thọ (cụ thọ 84 tuổi). Trong các phương pháp ấy, tập thở là điều rất đáng kể.

1. Ngồi ghế, thả lỏng hai tay, không nhúc nhích hai vai. Nghĩ rằng mình đang cầm một bát cháo nóng thổi nhè nhẹ qua miệng cho cháo nguội dần, thổi rất chậm, thót bụng để thổi ra. Khi bụng thót hết, ngừng thổi, cho bụng phình lại nhẹ nhàng để thở vào. Bụng phình lên hết, ngừng một tí rồi thổi ra. Làm 4-5 phút như vậy rồi nghỉ.

Động tác thót bụng, phình bụng làm quen rồi, không cần cho không khí qua miệng nữa. Sau đó chỉ cho qua mũi, ra vào đều qua mũi. Thót bụng thở ra hết sức, lúc thở vào cứ để bụng tự nhiên phình ra là đủ. Nếu chỉ tập được chừng ấy, cũng đã giúp cho sức khỏe tốt lên nhiều.

2. Tập thở trong các tư thế: Nằm ngửa (2 chân gấp), nằm sấp, nằm nghiêng một bên, bò bốn chi, quỳ gấp lưng, đứng thõng tay phía trước (người bệnh nặng chỉ tập với động tác ngồi).

3. Tập động tác khó: Cho bụng thót vào phình ra thật nhanh. Thót bụng đến cùng, song dùng các cơ sườn kéo lồng ngực lên nhưng không cho không khí vào phổi, bụng sẽ thót đến mức tối đa. Nhờ một người lấy nắm tay thành quả đấm ấn mạnh vào bụng, giữ mạnh không cho tay người kia ấn sâu vào bụng, như vậy là tập thở nén. Co rút cơ bụng bên phải rồi bên trái thành một động tác xoắn bụng. Những người còn yếu chỉ tập động tác 1 và 2.

Theo cụ, nếu thường xuyên thở đều, chậm rãi êm nhẹ, ta sẽ điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động sinh lý. Và đây là biện pháp giữ gìn sức khỏe thuận tiện nhất, có hiệu lực nhất; không cần đợi giờ giấc nào, ngồi ở đâu, lúc nào cũng được, ngồi họp, ngồi cắt tóc, xem phim, đợi tàu xe… đều có thể “khí công” vài phút. Mỗi ngày làm như vậy vài lần, vài chục lần. Lúc nào mệt mỏi, bực mình, đầu óc căng thẳng, tăng cường áp dụng bài vè tập thở sẽ rất có lợi.


Phương pháp thở âm dương khí công
Phương pháp hít thở khi tập thể hình
Làm sao để bụng nhỏ lại mà không phải "khổ"
Cách giảm mỡ bụng hiệu quả nhất
Phương pháp hít thở khi ngồi thiền
Bài tập cho bụng và mông săn chắc thon gọn

(St)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý