Những món ăn đặc sản của Nghệ An

seminoon seminoon @seminoon

Những món ăn đặc sản của Nghệ An

19/04/2015 02:08 PM
269

Nghệ An không chỉ có non xanh nước biếc, du khách đến đây còn được thưởng thức những đặc sản, món ăn ngon mang đậm hương vị xứ Nghệ.

1. Cam xã Đoài

Cam xã Đoài có vị đặc biệt thơm ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước, nguồn giống chọn lọc sạch, không sâu bệnh. Ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch thường đã có khách đến đặt mua. Cam chín rộ vào dịp trước Tết.

Ẩm thực Nghệ An - Cam xã Đoài - iVIVU.com

Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ sây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt, bổ ra màu vàng óng, ăn rất thơm ngon. Nếu đem ngâm với rượu sẽ cho một sản phẩm rượu thơm, vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị hoặc bồi dưỡng sức khỏe cho sản phụ.
 

2. Măng đắng

Ẩm thực Nghệ An - măng đắng - iVIVU.com

Măng đắng có thể chế biến theo nhiều cách: xào mẻ, hầm (hoặc nấu canh) xương, luộc và nhất là với những người sành món này thì thường phải nướng; măng nướng thơm bùi chấm muối – thứ muối tinh được nghiền kỹ với trái ớt hái từ trong các cánh rừng. Món này mới ăn lần đầu cảm giác đắng không chịu được, nhưng càng nhai kĩ, vị đắng sẽ mất dần, thay vào đó, nếu nhẩn nha nhai là vị thoang thoảng ngọt, nhè nhẹ cay, rất lạ. Măng đắng có hầu như quanh năm, nhưng nhiều nhất là mùa mưa.
 

3. Nhút Thanh Chương

Ẩm thực Nghệ An - nhút Thanh Chương - iVIVU.com

Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình. Vật liệu làm nhút gồm mít xanh và muối trắng không i-ốt. Nhút có thể chấm nước mắm, làm nộm, xào. Với các món này, có một thứ rau thơm không thể thiếu được là lá kinh giới. Nhút chua nấu canh cá ăn có vị chua bùi và rất thơm. Thanh Chương còn một loại nhút khác, đó là lấy xơ mít mật (mít bở) chín, đồ nhuyễn với muối, gói vào mo cau tươi ủ ít ngày, thái nhát mỏng ăn có thêm vị ngọt và hương mít chín. Có thể chế biến thành các món như loại nhút làm từ mít xanh.
 

4. Tương Nam Đàn

Ẩm thực Nghệ An - Tương Nam Đàn - iVIVU.com

Tương Nam Đàn là một loại nước chấm hoặc kho cá. Chấm rau muống hoặc rau lang gừng, kho cá sông, cá đồng với nồi đất Kẻ Trù. Vật liệu để làm tương là nếp, ngô, đậu tương (đậu nành). Ngô và đậu rang, xay, ngâm rồi phơi (ngô không ngâm, ủ với lá nhãn làm mốc), đặc biệt đậu chỉ xay hoặc giã vỡ đôi, vỡ ba, không vỡ vụn như tương bần miền Bắc, đảm bảo khi lấy ra bát thấy mẻ đậu như từng con thuyền bé xíu nổi trên mặt bát nước vàng óng, ăn có vị mặn, ngọt, nếu chấm có dính mẻ đậu thì có vị bùi.
 

5. Cháo lươn Vinh


Ẩm thực Nghệ An - Cháo lươn Vinh - iVIVU.com

Cháo lươn Vinh loãng, không đặc như cháo vịt Vân Đình, cháo dê Ninh Bình… Lươn xé dọc sợi, được xào nấu cẩn thận, mặn một tí, cay một tí; và mùi đặc trưng nhất của cháo lươn Vinh được làm nên từ rau răm. Cháo lươn có mặt hầu khắp thành phố. Ngoài ra, ngày nay có cả súp lươn cũng ngon không kém. Cháo lươn, súp lươn có thể ăn với bánh mì, bánh mướt… đều ngon. Vào mùa trời bắt đầu nóng, khách ăn cháo hoặc xúp lươn đừng quên gọi thêm một cốc trà (hoặc chè xanh) đá.
 

6. Cá mát sông Giăng

Ẩm thực Nghệ An - Cá mát sông Giăng - iVIVU.com

Cá mát không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con “bự” cũng chỉ chừng 0,5 đến 0,8 kg. Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát. Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm, giòn). Cá mát có thể kho, rán, nướng… Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm.
 

7. Chịn xồm – món thịt chua của người Thái

Ẩm thực Nghệ An - thịt chua chịn xồm  - iVIVU.com

Món này làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã.
 

8. Bánh đa Đô Lương

Ẩm thực Nghệ An - bánh đa Đô Lương  - iVIVU.com

Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. Món “bún giá cá ruốc” sẽ ngon hơn nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và cùng một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc (mắm tôm) đã dầm ớt vắt chanh. Vị cay nồng hòa cùng vị ngọt bùi thêm một ít vị chua, khi ăn mồ hôi túa ra, thật sảng khoái!
 

9. Bánh mướt Diễn Châu

Ẩm thực Nghệ An - bánh mướt Diễn Châu  - iVIVU.com

Diễn Châu có nhiều làng làm bánh mướt nổi tiếng, Bánh mướt ở đây nổi tiếng như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội). Làng Quy Chính ở gần chợ Sa Nam (thị trấn Nam Đàn) nên bánh làm ra thường xuyên được bán ở chợ Sa Nam .
 

10. Cháo canh

Ẩm thực Nghệ An - cháo canh  - iVIVU.com


Cũng tương tự như bánh canh ở Huế, Quảng Bình nhưng người dân xứ Nghệ quen gọi tên món này là cháo canh. Người đầu bếp sẽ phải nhào nặn bột mì (đã được trộn nước) cho đến khi bột thật nhuyễn, cán mỏng và cắt thành những sợi nhỏ, đều đặn. Đợi đến khi nồi nước xương đã được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng xóa vào, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là bạn đã có một bát cháo canh ngon lành rồi. Nên nếm thử món này ở địa chỉ cháo canh Đinh Công Tráng; cháo canh cổng thành (Cửa Nam).


11.Kẹo Cu đơ

Người xứ Nghệ nói đến chè xanh mà không nhắc đến kẹo cu-đơ thì quả là thiếu sót. Vậy keo cu-đơ như thế nào và tại sao gọi là kẹo Cu Đơ? Theo nhiều người kể, Cu Đơ là một nhân vật vốn có tên là cu Hai. Vì số 2, tiếng Pháp gọi là " đơ"( deux) do đó người ta gọi đùa ông là Cu Đơ, để đối chọi một cách nghịch ngợm với cái tên Đờ - cu (Decoux) - viên toàn quyền bại trận ở Đông Dương thời Đại chiến thế giới thứ hai, vốn dĩ mang cái chất thiếu thanh lịch khi nghe gọi qua ngôn ngữ Việt Nam.
Cu Hai, người Hương Sơn nấu kẹo lạc vào hồi sơ tán lần thứ nhất, để bán tại một quán nước chè xanh do ông bán. Sáng kiến của ông là dùng bánh tráng thay cho miến giáy lót dưới kẹo lạc mà mỗi lần ăn phải bóc bằng tay. Sáng kiến này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, vừa sạch sẽ, vừa đỡ mất công bóc giấy mà ăn lại vừa ngon, giòn, rất khoái khẩu. Từ đó nhiều hàng kẹo khác bắt chước và cái tên Cu Đơ được chấp nhận như tên một nhãn hiệu.

Khách xa về thăm quê vừa nhâm nhi kẹo Cu Đơ vừa uống nước chè xanh mới thấy tuyệt. Vị ngọt của kẹo, vị thơm của chè xanh, đượm chát, vị bùi của hạt lạc....Tất cả quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc trưng của Thành Vinh - xứ Nghệ.

12. Cà pháo

Cà pháo từ xưa vốn được coi là một món ăn chính của người nông dân xứ Nghệ. Cà pháo ngon nhất, đúng hương vị nhất phải kể đến cà pháo của đất Nghi Lộc, Nghệ An. Khác với loại cà pháo muối xổi ở thành phố, cà xứ Nghệ thường được muối trong vại lớn trước đó dùng làm nước mắm, cà muối hàng tháng sau mới lấy ra ăn.

Từ trước tới nay có nhiều người cho rằng cà là một món ăn "chủ lực" của nông dân lao động. Ca dao cũng nhắc nhiều đến quả cả.

Khen anh làm rể Chương Đài
Một năm ăn hết mười hai vại cà.
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo anh chết với vại cà nhà em!

Trong chuyện xưa của ta cũng có một quả cà mặn đầy tình nghĩa ấy là quả cà Dương Lễ đãi Lưu Bình.

Nếu bà con có dịp về xứ Nghệ vào dạo cuối xuân, đầu hè, nhìn vào bữa cơm gia đình nào cũng thấy món cà. Những món ăn như thịt, cá không thấm thía bằng đĩa cà pháo nằm gọn giữa mâm.

Thi sĩ Tản Đà thuở xưa đã có lần vào xứ Nghệ viết văn giữa mùa cà pháo, và đã có lần nhắm vợi hết một hũ rượu lớn với độc vị, cà pháo. Những kẻ sành ăn đều nghiệm ra chỉ có món cà pháo mới đủ tư cách làm khoái trá toàn bộ ngũ quan của người ăn mà thôi. Mắt được thưởng thức cái hình dáng tròn xinh và nước da trắng mọng như ngà của cà, mũi được ngửi vị thơm bùi ngùi, ngòn ngọt, cái tay cầm đũa được gắp quả cà một cách vừa tầm khỏi tốn công lựa chọn, vì quả nào cũng tròn đầy và đều tăm tắp như một viên bi, cái miệng được nếm vị ngon của cà, nhất là tai khi được nghe cái thanh âm giòn tan của cà pháo thật là khoái vô cùng. Bữa cơm cà rất giản dị, chỉ cần một bát nước rau muống luộc là đủ lắm rồi.

Ngày xưa, cà pháo Nghệ An đã có lần vào làm dáng trên mâm cơm của đô thị Sài Gòn, lại có lúc trẩy mãi ra Lạng Sơn sau bao thư từ nhắn nhe hò hẹn. Hình như riêng nó cũng đủ sức gợi lên hương vị ẩm thực một vùng đất và gửi trao cả tình người xứ Nghệ với tri âm, tri kỷ đàng trong, đàng ngoài... Cà pháo đã thành một món quen thuộc của mọi lớp người trong xã hội. Bởi vì nó không thô như cà dừa, nó không "tục" như cà dái dê, nó không nguy hiểm như cà độc dược, nó có thể quần tụ với các món bát trân giữa một bữa tiệc cầu kỳ. Các bạn muốn hưởng đúng hương vị của cà pháo thì phải dùng cà pháo của đất Nghi Lộc (Nghệ An) và khi đến nơi đây để thưởng thức món cà, các bạn nên biết rằng thổ âm Nghi Lộc khiến bạn rất dễ nhầm lẫn giữa cà và cá. Cho nên về đây muốn ăn cà thì phải nói rõ là cà có cuống chứ không phải là cà có đuôi.

13.Bánh Đúc Nam Đàn

Nam Ðàn có câu ca dao nổi tiếng: "Sa Nam trên bến dưới đò. Bánh đúc ba dãy, thịt bò mê thiên". Ðủ biết, dân Nam Ðàn "mê" bánh đúc tới mức nào!

Khác với nhiều nơi khác trong cả nước, Nam Đàn (Nghệ An) nấu bánh đúc bằng gạo nguyên cả hạt được vo đãi kỹ, chứ không phải nấu bằng bột gạo xay giã sẵn. Còn hến ăn kèm phải là loại sống ở sông Lam mới ngon. Hồi xưa, phần lớn người ta nấu bằng gạo gié đỏ, một loại gạo rất ngon; cho dù có giã đến mòn cả cối đá đi chăng nữa thì những hạt gạo gié đỏ vẫn mang màu hồng hồng, rất mặn mà và đằm thắm, chứ không trắng bông như các loại gạo khác được.

Muốn nấu được nồi bánh đúc cho thật ngon bằng gạo gié đỏ, phải có một đôi đũa cả bằng tre đực thật chắc, để quấy được thật mạnh, thật lâu - cho kỳ tới lúc các hạt gạo nguyên kia phải tan nhuyễn thành một thứ bột đặc quánh trong nồi.

Quấy được nồi bột ưng ý rồi, mới đổ ra một cái rổ tre có lót lá chuối sứ tươi. Chờ cho rổ bánh đúc nguội hoàn toàn, mới dùng dao cắt thái khối bánh ra những kích thước tùy ý. Người ta thường ăn bánh đúc với mắm tôm, hay nước mắm pha thêm dấm ớt hoặc ăn với riêu cua hay canh hến, hoặc ăn với xáo bò hay xáo gà. Nhưng nhiều người, nhất là giới bình dân, lại thích ăn bánh đúc với ca trích kho nước mắm hay ăn bánh đúc với bánh đỗ (đậu bỏ vỏ, luộc chin, giã nát, viên thành viên tròn như quả chanh).

Những câu ca như :

"Bánh đúc, bánh đỗ
Ai chộ (thấy) cũng thèm
Chồng hay đánh em
Cũng vì đúc, đỗ"

Hay

"Bánh đúc cá kho, bán bò trả nợ"

Đủ để nói lên tính hấp dẫn của những món ăn này.

Nếu là ăn bánh đúc theo thể thức ăn "bánh đúc hến", thì bánh được thái đều thành từng khối chữ nhật, to tương đương hai đốt ngón tay.

Còn hến? - Ðó là sản vật được trời đất ưu đãi, bốn mùa có sẵn trong lòng sông Lam; nhưng hến đặc biệt béo, nhiều và thơm ngon kỳ lạ là vào mùa hè hằng năm. Nhưng hến sông Lam phải làm thế nào cho thật ngon? Trước hết, đó phải chính là hến sông Lam thứ thiệt. Vì rằng, chỉ có hến sông Lam nhỏ và đều tăm tắp đến thế. Tuy con hến nhỏ, nhưng ruột hến lại rất đặc và trắng xanh; luộc lên, tỏa ra một mùi thơm mát, quyến rũ.

Nước luộc của hến sông Lam trắng và đặc sánh như sữa, nếu để sánh ra tay sẽ cảm thấy dinh dính. Luộc xong hến, lấy nước để riêng, dùng làm nước chan với bánh đúc sau này. Còn ruột hến thì một nửa để lại trong nước luộc, nửa còn lại đem xào với mỡ phi hành. Chỉ xào vừa săn, không xào quá lửa. Ăn đến đâu thì múc đến đấy; nhưng bánh đúc hến phải ăn nguội mới cảm nhận hết được hương vị đặc trưng của món ăn bánh đúc hến Nam Ðàn. Gia vị là mùi tàu thái nhỏ, ớt tươi thật cay và thơm; nhưng tất cả đều để riêng, ai thích nồng độ bao nhiêu thì tùy thích cho vào.

Cho đến tận bây giờ giữa xô bồ thị trường bánh kẹo đủ sắc màu, nhãn mác thương hiệu cao cấp canh tranh, bánh đúc Sa Nam vẫn lặng lẽ tồn tại và người Nam Đàn vẫn trân trọng thứ sản phẩm chân quê mộc mạc ấy của cha ông với một niềm tự hào thầm kín.

14. Cơm lam - đặc sản vùng Tây Bắc Nghệ An

Cơm lam là món "khoái khẩu" của các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An, hiện nay tại các khách sạn, nhà hàng cơm lam có ngôi vị như "đệ nhất món ăn" trong thực đơn của các vị "thượng đế", nhất là khách du lịch nước ngoài.

Theo kinh nghiệm của đồng bào Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An), để làm được ống Khàu Cờ Lám (cơm lam) ngon phải mất nhiều công đoạn.

Người ta chọn cây non họ tre, ống lam ngonphải được chặt từ cây bánh tẻ mà phải chặt những ống hứng được nhiều ánh sáng mặt trời nhất, không già và cũng không non quá. Mỗi ống chặt bỏ mắt một đầu, đầu còn lại có tác dụng như cái đáy nồi.

Gạo để nấu cơm lam chọn thứ gạo nếp thơm ngon đem ngâm cho nở rồi vo sạch, rắc thêm chút muối, trộn đều rồi cho gạo vào ống và đổ nước xâm xấp với gạo. Miệng ống lam phải được nút bằng lá chuối rừng hoặc lá dong để cơm lam không bị chát mà vẫn giữ nguyên được hương vị của mình .

Nướng ống lam cần phải khéo tay, dựng ống lam trên bếp lửa rồi xoay trở từng ống cho đều để cơm lam không bị sượng. Khoảng một tiếng sau mùi cơm nếp toả ra khêu gợi ấy là dấu hiệu cơm đã chín.

Trước khi ăn, dùng dao chẻ bỏ lớp vỏ ngoài đã bị nướng cháy, sau đó tước lớp vỏ trắng bên trong thấy cơm lam định hình ở dạng ống đặc và được bao quanh một lớp màng mỏng màu trắng của ruột tre.

Cơm lam trong ngày hội.

Trước đây, cơm lam được ưu tiên cho phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ. Theo quan niệm của người Thái, phụ nữ sau khi sinh ăn cơm lam sẽ tránh được các chất kim loại nấu bằng nồi: gang, nhôm, đồng... nên không gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng nguồn sữa của mẹ.

Đã bao đời nay, cơm lam đã trở thành món "khoái khẩu" của các dân tộc, đặc biệt tại các lễ hội ở các huyện miền tây Nghệ An, như: Hội Hang Bua, Thẩm Ồm (Qùy Châu), Đền Chín gian (Quế Phong)... Món "ẩm thực" này đã được các khách du lịch nước ngoài ưa chuộng, tại các khách sạn, nhà hàng hiện nay cơm lam có ngôi vị như "đệ nhất món ăn" trong thực đơn của các vị "thượng đế".

Thế nhưng, trên thị trường hiện nay ngoài những người làm cơm lam "thật", ngon thì vẫn còn có một số người làm cơm lam kém chất lượng, ống lam quá già không có màng lụa, hay bỏ vào nồi luộc thay cho nướng từng ống... Vô hình dung đã làm mất đi hương vị tinh túy của núi rừng.

15. Ốc xào

Các bạn có thích ăn ốc xào vừa cay vừa nóng trong cái lạnh của mùa thu đông không?
Các bạn đã bao giờ ăn ốc xào được chặt đít, chỉ cần đưa lên miệng mút một phát là tận hưởng được tất cả vị béo ngậy và cay nồng của con ốc chưa?
Ốc được chặt đít và tẩm với gia vị, lá chanh, sả, ớt, sau đó được xào lên cùng với hành tóp mỡ. Tất cả vị đậm đà, cay mặn thấm sâu vào từng con ốc. Bạn ăn cùng nó với bánh đa (loại bánh đa đặc biệt nhiều vừng đen và tỏi ấy) và rau sống.


Những món ăn đặc sản của SaPa
Những món đặc sản của Đà Lạt
Các loại bánh đặc sản Hà Nội
Những món đặc sản Thanh Hóa
Món ăn đặc sản Quảng Ngãi



(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý