Bún thang

quangpham quangpham @quangpham

Bún thang

25/07/2015 12:00 AM
252

bun-thang-kokotaru-0

Bún thang là một trong những món bún nổi tiếng nhất của người Hà Nội, cũng là một trong những món bún mà nhà mình thích ăn nhất, từ trẻ con tới người lớn, bởi bún thang có vị rất thanh nhẹ, vị ngọt tự nhiên từ các loại nguyên liệu được kết hợp với nhau một cách khá cầu kì và tỉ mỉ.

Rất nhiều quán bún thang ở Hà Nội đã trở nên nổi tiếng qua rất nhiều năm, với những cách nấu “bí truyền”. Mình thì không có những bí kíp gia truyền gì ghê gớm, mình thích bún thang và mỗi lần có dịp đi ăn ở hàng quán nào thì mình hay chú ý đến các thành phần, chú ý cảm nhận các hương vị, rồi sau đó về nhà tự nấu cho cả nhà ăn.

Làm bún thang khá cách rách với nhiều thứ phải chuẩn bị, do đó chỉ thích hợp khi làm vào dịp cuối tuần. Món bún này cũng rất hợp làm vào ngày Tết, bởi bạn cứ để ý mà xem, các thành phần trong tô bún đều  có sử dụng nhiều loại thực phẩm mà nhà nào cũng mua về để chế biến các món ăn ngày Tết. Những ngày Tết, khi cả nhà bạn cảm thấy ngấy với nào thịt, nào bánh chưng, và các loại giò chả, thì cũng từ các nguyên liệu đó, chế biến ra món bún thang đảm bảo vô cùng “đắt hàng”, mà không phải ra quán ăn vì các quán bún phở ngày Tết thường phục vụ với giá cao hơn hẳn ngày thường ^^

bun-thang-kokotaru-3

Khi nấu món bún này, mình cũng không “căn ke” các nguyên liệu và gia vị, vì lượng mỗi thứ  “vị” cho vào mỗi bát là bao nhiêu thì tùy bạn sắp đặt, có thể thứ này nhiều một chút, thứ kia ít một chút, thừa thiếu thế nào cũng có thể “du di” được.

 Nguyên liệu: (khoảng 4-5 bát)

– 1/2 con gà ta

– 1 ít tôm nõn khô (15-20 con)

– Giò mọc gồm: 100g giò sống, nấm hương, mộc nhĩ, nước mắm, hạt tiêu

– 10 nấm hương khô

– 3 quả trứng gà dùng để tráng mỏng

– dầu ăn

– 100g giò lụa

– 15-20 con tôm biển

– 2 quả trứng gà luộc

– hành lá, rau răm làm sạch, thái nhỏ

Cách làm:

– Nấm hương, mộc nhĩ rửa sạch, ngâm trước để cho nở mềm, lưu ý nấm hương ngâm riêng, mộc nhĩ ngâm riêng. Tôm nõn khô cũng đem ngâm trước.

– Luộc gà: gà làm sạch, cho vào nồi nước nóng luộc chín. Thả vào nồi nước luộc khoảng 2-3 củ hành khô đập dập và khoảng 1 tbs nước mắm để thịt gà được thơm và không bị nhạt. Nên luộc gà ở lửa nhỏ đến vừa, không nên luộc gà sôi mạnh, thịt gà vừa chín tới thì gắp ra, để nguội bớt rồi xé hoặc thái thành sợi. Trong quá trình luộc, nếu có bọt cặn nổi lên thì hớt ra để nước trong.

– Sau khi vớt thịt gà ra, thả tôm nõn vào nồi nước gà cùng với khoảng chục cái nấm hương, nước ngâm nấm hương và nước ngâm tôm nõn cho cùng vào nồi nước luộc gà vì phần nước này bản chất là sạch và có mùi thơm, nếu bỏ đi thì khá lãng phí. Đun nước dùng này nhỏ lửa.

– Luộc hoặc hấp tôm biển: tôm làm sạch, đem hấp chín, (hoặc luộc với thật ít nước), bóc vỏ tôm, bỏ đầu, để riêng phần thịt tôm (phần đầu và vỏ tôm vẫn còn nhiều chất, nếu tiết kiệm và khéo léo, bạn có thể dùng để chế biến món khác, ví dụ nhà mình hay nấu hoặc xay ra, lọc lấy nước để nấu bột hoặc nấu cháo cho em bé :D)

– Giò lụa thái sợi.

– Trứng gà đập vào bát và đánh tan. Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn và rán từng lượng vừa đủ trứng để láng đều mặt chảo, làm sao để được miếng trứng tráng thật là mỏng, càng mỏng thì sẽ càng thái được sợi trứng mỏng và nhỏ. Sau khi tráng trứng xong thì đem thái thành sợi nhỏ.

– Làm giò mọc: mộc nhĩ, nấm hương thái nhuyễn, cho vào giò sống cùng một chút nước mắm và hạt tiêu xay, trộn đều. Nặn hỗn hợp giò thành từng viên nhỏ. Để không bị dính tay khi nặn và được viên giò tròn mịn, mình xoa một ít dầu ăn vào tay, khi đó giò không bị dính lem nhem. Thả các viên giò mọc vào nồi nước dùng đang sôi, khoảng 3-5 phút là giò chín, không nên nấu giò kĩ quá. Giò mọc mình làm thường có tỉ lệ nấm hương mộc nhĩ khá nhiều so với giò sống, nhiều khi giò chỉ là phần kết dính, cả nhà mình đều thích ăn kiểu này vì viên mọc thường rất thơm và giòn.

Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị trên thì bạn sẽ có một đĩa các “vị thuốc” cho thang thuốc của mình như thế này.

bun-thang-kokotaru-1

– Trình bày tô bún: với bún thang, bạn nên chọn loại bún sợi nhỏ, trụng bún vào nước sôi để vừa làm sạch bún vừa làm nóng sợi bún. Chia bún ra bát tô, xếp lên bát lần lượt mỗi thứ nguyên liệu một ít gồm thịt gà xé, trứng tráng, tôm bóc vỏ, giò lụa, giò mọc, hành lá và rau răm thái nhỏ. Sau đó chan nước dùng (đã được nếm gia vị vừa miệng ăn), cuối cùng là đặt lên trên cùng nửa quả trứng gà luộc. Như vậy là chúng ta đã được một tô bún khá đầy đủ và đẹp mắt.

bun-thang-kokotaru-2

Với bún thang, không nhất thiết bạn phải có đầy đủ một số lượng cụ thể các “vị” nào bạn cho vào tô bún (ví dụ như nhiều người nấu có dùng thêm củ cải khô, nhưng vì mình không có sẵn loại này ở nhà nên mình cũng bỏ qua, mặc dù vậy thì bún thang vẫn không mất đi hương vị đặc trưng và nước dùng vẫn rất thanh ngọt). Đối với mình, nước dùng ngọt nhẹ nhàng với mùi thơm rất dịu của nấm hương, tôm nõn khô, và đặc biệt là hương vị của rau răm, là thực sự đã là hương vị đặc trưng của bún thang rồi.

Chúc cả nhà ngon miệng nhé. ^^

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý