Bệnh bạch biến

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Bệnh bạch biến

18/04/2015 03:27 PM
266
Bệnh bach biến là gì? Nguyên nhân gây bạch biến. Phòng ngừa và chữa trị bạch biến như thế nào?

Bệnh bạch biến là gì

Bạch biến là một bệnh lý của da thường gặp, chiếm 1-2% dân số. Bệnh được biểu hiện là một hoặc nhiều tổn thương da mất sắc tố, giới hạn rõ, bề mặt láng phẳng. Nguyên nhân chưa rõ. Tuy nhiên người ta thấy rằng bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình (20-30% bị bệnh khi trong gia đình có người bị bệnh) và hiện tượng tự miễn, sau nhiễm siêu vi (viêm gan siêu vi…).

Chúng ta cần phân biệt với những trường hợp mất sắc tố da sau viêm. Tổn thương da trong các trường hợp này có màu hơi trắng hơn vùng da xung quanh, vảy mịn và ít trên bề mặt. Thường gặp sau khi mắc một số bệnh da như viêm da, vảy phấn trắng, chấn thương da… Tình trạng mất màu da trong những trường hợp này có thể tự hồi phục sau một thời gian dài. Tuy nhiên trong vài trường hợp có thể mất sắc tố vĩnh viễn.

Các triệu chứng chính chỉ có ở ngoài da. Thương tổn da là những đốm da mất sắc tố, màu rất trắng, kích thước của các đốm cũng thay đổi từ một đến nhiều cm. Đốm mất sắc tố thường có hình tròn không đều, đôi khi không có hình dạng gì cả. Bề mặt da trơn láng, không sưng, lông trên vùng da bệnh cũng bị bạc trắng. Màu trắng của da bệnh có khi đồng nhất nhưng đôi khi loang lổ, chỗ trắng lẫn với màu da thường. Đốm có giới hạn rõ ràng với da lành và vùng da lành quanh đốm đậm màu hơn da thường. Có một vài trường hợp đốm da mất sắc tố lan ra khắp người, da, lông, tóc, toàn thân là một màu trắng.

Vị trí bị bệnh thường gặp nhất là mặt, phần trên của ngực, mặt lưng bàn tay, nách, háng, mắt, mũi, quanh miệng, tai, núm vú, rốn, cơ quan sinh dục ngoài. Các thương tổn da cũng thường có khuynh hướng phát triển ở vùng da bị chấn thương, bỏng.

Diễn tiến của bệnh thường khó biết trước. Các đốm trắng có thể tồn tại lâu dài không có thay đổi gì cả, cũng có thể lan rộng ra từ từ, hoặc tự thu nhỏ lại. Khoảng 15-25% trường hợp có thể tự lành, nhưng đa số trường hợp bệnh kéo dài có khi suốt đời, ngoài ra không có biến chứng gì khác. Tuy làm mất thẩm mỹ nhưng bệnh không ảnh hưởng sức khỏe chung.

Cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc nào trị khỏi bệnh hoàn toàn. Các phương pháp điều trị thường dựa trên việc dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh nắng kết hợp với chiếu tia cực tím hay tắm nắng. Có thể phẫu thuật cấy tế bào hắc tố, dùng các thuốc bôi có chất streroid để làm giảm miễn dịch tại chỗ...

Việc điều trị đòi hỏi phải kiên nhẫn dùng thuốc trong một thời gian dài và có thể bị một số tai biến. Vì vậy, người bị bệnh cần có thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và theo dõi.

Bs.Thuocbietduoc

(Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ)

Một số thuốc điều trị bệnh bạch biến

Bạch biến (vitiligo) là một bệnh tự miễn dịch có đặc trưng lâm sàng là những dát trắng do sự thiếu vắng của tế bào sắc tố (melanocyte). Bệnh chiếm từ 1-2% dân số. Bệnh gặp ở cả nam và nữ nhưng có xu hướng nữ nhiều hơn nam và khoảng 50% khởi bệnh trước 20 tuổi.

Nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh

 Hình ảnh bạch biến ở vùng lưng.

Cho đến nay vẫn còn chưa rõ về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, người ta xác định bệnh bạch biến là một bệnh tự miễn dịch có đặc hiệu cơ quan được biểu hiện bởi sự xuất hiện kháng thể chống lại tế bào sắc tố (melanocyte) trong máu và chính tế bào này đã bị phá hủy trong quá trình tiến triển của bệnh; bệnh bạch biến là một bệnh không đồng nhất với đa nguyên nhân và chịu tác động của nhiều cơ chế để cuối cùng gây tổn thương tế bào sắc tố bằng trực tiếp hoặc gián tiếp và làm bệnh bạch biến xuất hiện.

Triệu chứng

Tổn thương khởi đầu có thể chỉ là chấm trắng nhỏ vài mm ở một vùng nào đó của cơ thể, hay gặp vùng mặt, môi, bàn tay, cẳng cánh tay, cẳng chân và sinh dục. Sau đó lan rộng dần và có ở cả nơi khác nhanh hoặc chậm.

Tổn thương cơ bản là các dát trắng to nhỏ khác nhau có thể hình tròn, bầu dục ranh giới rõ, bằng mặt da, không có vảy, không cộm và thường có viền sắc tố xung quanh. Lông tóc trên vùng dát trắng có thể bạc màu hoặc không. Bệnh có thể chỉ một vùng hay đối xứng hai bên, có các đầu chi, bán niêm mạc, hay vạch trên vết xước da (hiện tượng Koebner). Các tổn thương tiến triển có thể nhanh liên kết các tổn thương thành mảng dát trắng lớn hoặc tiến triển chậm trong nhiều tháng, nhiều năm. Không mất cảm giác tại chỗ, không ngứa.

Dựa theo vị trí tổn thương, bệnh bạch biến chia ra các thể sau:

- Thể khu trú (localized vitiligo): Tổn thương là một hoặc hơn các dát trắng ở những vị trí độc lập.

- Thể lan tỏa (generalized vitiligo): Tổn thương phân bổ rộng rãi liên kết với nhau tạo thành hình vằn vèo và thường đối xứng hai bên cơ thể.

- Thể đầu chi hoặc mặt (chóp mũi, môi) (acral or acro-facial vitiligo): tổn thương khu trú đầu chi như đầu ngón tay, ngón chân, chóp mũi, môi, quanh mắt.

- Thể đứt đoạn (segmental vitiligo): tổn thương là các dát trắng tạo thành một dải thường dọc theo dây thần kinh cảm giác chi phối.

Xu hướng hiện nay phân theo 2 thể chính là: Thể đứt đoạn (segmental vitiligo-SV) hay bạch biến týp B và không đứt đoạn (non segmental vitiligo-NSV) hay bạch biến týp A.

Hình ảnh bạch biến ở tay và vùng lưng.
Điều trị

Bệnh bạch biến điều trị còn nhiều khó khăn, chủ yếu là điều trị theo cơ chế và triệu chứng bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy theo mức độ bệnh, thể bệnh, vị trí tổn thương, tuổi đời, tuổi bệnh... Hiện nay, có những biện pháp chính sau đây:

- Các thuốc bôi: Các dạng kem, mỡ của corticoid có hoạt tính khác nhau từ nhẹ, vừa, mạnh và rất mạnh. Tùy theo vùng da tổn thương, tuổi để có chỉ định phù hợp. Các thuốc có cảm ứng ánh sáng như meladinin, psoralen... Gần đây, có dùng daivonex hoặc daivibet cũng có hiệu quả điều trị bạch biến và tăng hiệu quả khi kết hợp với UVA hoặc UVB. Đặc biệt gần đây có tacrolimus (protopic) 0,1% và 0,03% (dùng cho trẻ em).

- Quang hóa trị liệu bằng thuốc bôi tại chỗ: dung dịch psoralen, daivonex, daivibet...

- Quang hóa trị liệu bằng thuốc toàn thân: PUVA: psoralene (5MOP, 8MOP) uống trước 1,5-2 giờ sau đó chiếu UVA hoặc UVB. Đây là phương pháp điều trị có hiệu quả khá tốt cho bệnh bạch biến.

- Thuốc ức chế miễn dịch: corticoid liều thấp, cyclosporine...

- Thuốc làm mất sắc tố: Khi những bệnh nhân chỉ còn những đảo da lành nhỏ, người ta cho dùng các thuốc làm mất sắc tố để thỏa mãn thẩm mỹ cho người bệnh như hydroquinon (hiquin)...

- Các phương pháp vật lý: Chiếu UVA, UVB. Gần đây thấy hiệu quả tốt của UVB-311nm, một phương pháp không cần uống thuốc. Laser: HeNe 632,8 nm có thể khôi phục những tổn thương thần kinh và làm giảm bạch biến thể đứt đoạn.

Ngoài ra còn có thể điều trị bằng phương pháp ngoại khoa như:

- Ghép da: ghép da mỏng (tem thư), ghép da đục...

- Cấy tế bào sắc tố...

(ST)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
minh lo lắm bệnh cứ lan ra từng ngày, minh sợ lămai biết cách trị chỉ cho minh zs
hơn 1 tháng trước - Thích (10) - Trả lời
Vì chưa biết nguyên nhân nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (cả đông y lẫn tây y) bệnh bạch biến. Các phương pháp điều trị chủ yếu là: - Quang hóa trị liệu: dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh sáng như uống hoặc bôi Psoralen + chiếu tia tử ngoại. - Bôi corticoid để làm giảm miễn dịch tại chỗ da bị bạch biến. - Nếu các phương pháp trên thất bại người ta có thể dùng phương pháp phẫu thuật ghép da, cấy tế bào sắc tố. - Nên có cuộc sống thoải mái, yêu đời, ăn ngủ, làm việc, nghỉ ngơi có điều độ, tránh những căng thẳng trong cuộc sống. Việc điều trị rất lâu dài nên phải kiên trì, không nóng vội, nên lạc quan tin tưởng vì nếu thất vọng, chán nản bệnh sẽ càng nặng thêm. BS Nguyễn Đình Sang – Chuyên khoa bác sĩ gia đình, TS Y tế quận I
Chị nên đến bệnh viện da liễu để được chuẩn đoán và điều trị sớm. Tâm lý là điều rất quan trọng, chị hãy cố gắng nhé. Chúc chị luôn vui khỏe!
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý