Kinh nghiệm chụp ảnh gia đình để có những bức hình đáng nhớ

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm chụp ảnh gia đình để có những bức hình đáng nhớ

19/04/2015 08:21 AM
1,364

Kinh nghiệm chụp ảnh gia đình để có những bức hình đáng nhớ. Ảnh chân dung gia đình sẽ được trưng bày và lưu giữ nhiều năm nên khi chụp, những nhân vật trong ảnh cần giữ được tư thế thoải mái, khuôn mặt biểu lộ tình cảm, còn người chụp phải tìm được những góc chụp độc đáo.



Trong một năm với nhiều dịp lễ hội, sinh nhật và những bữa ăn tối ấm cúng khi gia đình quây quần bên nhau, ta sẽ luôn mong muốn ghi lại bức ảnh gia đình tuyệt vời đó. Xét cho cùng, những bức ảnh này là vật kỉ niệm những khoảnh khắc quý giá chia sẻ cùng những người thân yêu của bạn. Chụp ảnh về chân dung gia đình có lẽ là nghề nhiếp ảnh lâu đời nhất – từ thời người ta phải ngồi yên nín thở trước cái hộp đen to tướng cho đến thời nay, khi mà bất kì ai cũng có thể chụp ảnh những người thân yêu của mình một cách dễ dàng với máy ảnh kĩ thuật số SLR. Vấn đề khó khăn là phải chụp không chỉ một người mà nhiều người trong khung hình.Đó quả là một công việc thách thức. Cứ để mấy đứa cháu trai, cháu gái hiếu động quá mức vào rồi bạn sẽ hình dung ra công việc sắp tới sẽ thế nào. Đừng quá lo lắng, chúng tôi sẽ mách cho bạn những yếu tố cơ bản cần nhớ để những người gần gũi nhất và thân yêu nhất của bạn sống mãi qua năm tháng và được thể hiện trong diện mạo tốt nhất có thể.

1. Hiểu chủ đề của bạn

Dì Lily muốn mình trông thật mảnh dẻ, chị hai không muốn đứng gần máy ảnh vì sợ mọi người sẽ nhìn thấy mụn trên mặt chị, còn chú Tom muốn làm sao không để lộ mảng tóc hói trên đỉnh đầu. Hãy hỏi các thành viên trong gia đình xem họ muốn gì và đến khi bạn đã hiểu rõ họ, bạn sẽ giành được những nụ cười rạng rỡ của tất cả mọi người khi sản phẩm cuối cùng được ra lò.

2. Di chuyển nhanh chóng, tận hưởng niềm vui và hành động ngẫu hứng.

Không phải bức ảnh nào cũng chụp ở thế đứng hoặc ngồi. Một số bức ảnh gia đình bạn có thể chụp ngẫu hứng, chẳng hạn như khi Mẹ và Bố đút cho nhau ăn trong bữa ăn tối. Hãy kiểm tra để chắc chắn rằng bạn đã thiết lập máy ảnh DSLR đúng để có thể chộp lấy những tình tiết sinh hoạt gia đình tuyệt vời này.

 

3. Chú ý sau lưng của bạn!

Phông nền đóng vai trò quan trọng trong một bức ảnh gia đình đẹp. Phông nền bừa bãi với quá nhiều màu sắc có thể làm rối thêm một bức ảnh đã quá bừa bộn. Đừng nghe lời Mẹ khi bà bảo bạn phải đưa khu vực chợ trời vào trong bức ảnh. Nếu là ảnh gia đình, thì hãy tập trung vào con người chứ không phải cảnh vật. Hãy tìm phông màu trung tính hoặc đồng màu như bức tường hoặc một tấm trải giường trơn khi chụp ở nhà. Nếu bạn chụp ngoài trời hãy đa dạng hoá góc chụp – chụp ở góc thấp hoặc cao có thể loại bỏ phông nền rối làm người xem xao lãng.

Loại bỏ được phông nền sẽ làm nổi bật nụ cười của các thành viên

4. Hãy phối hợp

Cho dù là ảnh gia đình mang phong cách trang trọng hoặc tự nhiên, thường thì bức ảnh sẽ có hiệu quá tốt hơn nếu bạn thông báo để mọi người ăn mặc với tông hoặc màu tương tự nhau. Việc trang bị đầy đủ sẽ quyết định tông màu của những bức ảnh. Ngoài ra, hãy chọn “gam màu nhẹ nhàng tinh tế”, “sôi động” hoặc “gây ấn tượng sâu sắc” thay vì những bộ quần áo giống nhau. Nếu đó là lần sinh nhật thứ 60 của Bố,có lẽ chỉ nên để mình Bố mặc áo màu sáng còn nh���ng thành viên khác trong gia đình sẽ ăn mặc giản dị để Bố được nổi bật. Quá nhiều màu sắc và hoa hoè hoa sói sẽ làm người xem rối trí. Ngoài ra, những họa tiết hoa văn quá đặc trưng có thể làm cho những bức ảnh của bạn nhanh chóng lỗi thời.

5. Hãy Cân bằng

Ánh sáng đóng vai trò thiết yếu để tạo nên một bức ảnh chụp nhóm đẹp. Hãy cố gắng để có được ánh sáng đều nhưng điều này không phải lúc nào cũng làm được – nếu không hãy chọn thời điểm chụp lúc 8h sáng hoặc vào “giờ vàng”,tức là 5h30 chiều.Đây là thời điểm ánh sáng dịu ấm và thật sự làm tôn lên vẻ đẹp của bức ảnh. Bạn chỉ cần làm sao để ánh mắt của tất cả mọi người đều sắc nét và khuôn mặt được chiếu sáng gần như đều nhau là tốt rồi.

 

6. Bí quyết là sắp xếp lệch nhau

Bí quyết để có được ảnh chụp nhóm tự nhiên và đẹp về mặt hình ảnh là sắp xếp mắt của chủ đề ở nhiều mức độ và đa dạng hoá chủ đề. Hãy bố trí để khuôn mặt của một số thành viên thấp hơn những thành viên khác, chẳng hạn hãy để bà thì ngồi trên ghế ,còn bé thì ngồi cao trên vai bố.

 

7. Đến gần và âu yếm nhau

Ánh sáng tập trung vào khuôn mặt hoặc ánh sáng phẳng thường là cách thức an toàn nhất để chụp một bức ảnh gia đình. Tuy nhiên, như tên gọi của nó, nó có thể tạo ra hiệu ứng phẳng. Ánh sáng phẳng là nguồn sáng đến từ phía sau người chụp ảnh. Nếu có thể, hãy chụp ảnh nhóm với nguồn sáng lệch một góc 45 độ, đồng thời dùng vải trắng hoặc bìa cứng màu trắng ở phái bên kia để làm phản xạ ánh sáng và chiếu sáng cho chủ đề. Cách làm này thường tạo chiều sâu và giúp chủ đề bạn nổi bật lên.

 

Khi chụp ngoài trời, hãy tìm những bóng râm – dưới tán cây, trong bóng râm của một toà nhà hoặc tán dù để có ánh sáng phân tán đồng đều hơn cho bức ảnh của bạn.Nếu chụp ngoài trời, bạn có thể dùng đèn flash hoặc ánh sáng dịu tự nhiên từ cửa sổ. Quy tắc chung là hãy sắp xếp vật dụng trong nhà ở góc bên phải so với nguồn sáng. Hãy đặt chủ đề gần với cửa sổ và tốt nhất là bố trí ánh sáng lệch nhẹ về một bên để tạo độ sâu với phần bóng râm và những phần sáng nhất.

Mẹo nhỏ:Nếu chủ đề của bạn đứng theo một đường thẳng, hãy sắp xếp để họ đứng lệch nhau một chút và phần vai gối lên nhau để tránh ảnh chân dung trông quá trang trọng. Khi chụp ảnh một nhóm lớn trong khung hình, hãy cố gắng chia nhỏ nhóm thành cụm hai hoặc ba người.Bằng cách này ta sẽ dễ dàng sắp xếp hơn. Hãy cố gắng bố trí chủ đề theo bố cục tam giác, kim cương hoặc hình chữ chi – đây là những bố cục phổ biến thường được sử dụng trong ảnh chân dung.Điều quan trọng là để mọi người đứng sát cạnh nhau . Lý do rất đơn giản – điều này giảm “khoảng cách” và làm toát lên sự mật thiết, sự hoà hợp và sự gần gũi trong nhóm. Ngoài ra, bức ảnh sẽ đẹp hơn nếu để mọi người chạm vào người đứng kế bên. Ngôn ngữ cơ thể tinh tế này giúp liên kết những người trong nhóm với nhau. Điều này rất quan trọng giúp truyền tải cảm xúc của bức ảnh.

8. Ôi thôi, cu cậu lại nhắm mắt nữa rồi!

Một trong những thách thức lớn nhất trong chụp ảnh chân dung gia đình sẽ là một chủ đề sẽ chớp mắt không đúng thời điểm hoặc trông có vẻ ngái ngủ. Mặc dù bạn có thể chụp lại cho một nhóm nhỏ ba hoặc bốn người, nhưng đối với nhóm lớn, điều này thực sự rất bất tiện. Không may là thiết lập chế độ chụp liên tục cũng không giúp ích gì mấy. Điều quan trọng là phải nhìn lướt qua mắt các chủ đề trước khi bấm chụp. Một mẹo hay là bảo mọi người nhắm mắt lại rồi đếm ngược từ năm trở xuống và bảo mọi người mở mắt ra khi đếm đến một. Bằng cách này mọi người có thể giữ cho mắt mở to mà không chớp mắt trong ít nhất một giây để bạn bấm máy và tạo ra một bức ảnh “ăn tiền”.

9. Thu hút sự chú ý

Đối với người lớn và thanh thiếu niên, bạn có thể dễ dàng yêu cầu họ tập turng vì họ thường sẵn sàng để chụp hình và đa số đều muốn mình trông xinh đẹp. Nhưng đối với trẻ em hay những người nhát chụp ảnh thì không hẳn vậy. Hãy cố gắng động viên chủ đề để họ thể hiện tốt nhất trong ảnh.Tiếng cười thường là liều thuốc tốt nhất. Hãy pha trò vui nhộn – bạn sẽ có những tiếng cười, điệu bộ và những vẻ mặt vui nhộn nhất. Đừng ngại làm ra vẻ anh hề để mọi người cảm thấy thoải mái. Đối với trẻ con, một số bé sẽ hưởng ứng trò chơi “ú oà” của bạn từ sau máy ảnh trong khi những bé khác cần phải pha trò quác quác ầm ĩ để chúng cười khúc khích. Bạn cũng có thể yêu cầu một nhóm làm điều gì đó lạ một chút – chẳng hạn tạo một kim tự tháp người, hô hào hoặc nhảy nhót. Cách làm này không chỉ tạo ra những bức ảnh ngẫu hứng và vui nhộn mà còn giúp mọi người thư giãn để có bức ảnh tự nhiên hơn.

10. Hãy làm cho mọi người đều vui.

Cuối cùng thì điều quan trọng là khoảnh khắc chụp ảnh chứ không phải bản thân bức ảnh.Hãy tận hưởng niềm vui, thái độ tích cực sẽ có tác động tốt.Nếu bạn không được bức ảnh như ý muốn, hãy cố gắng nói rằng “bức ảnh này hay đấy”, “chúng ta hãy cố gắng chụp thêm vài kiểu nữa nhé” thay vì nói “nhìn xấu quá” hoặc “như thế này thì không đúng”. Hãy tạo niềm vui và sự tự tin cho chủ đề của bạn; họ sẽ nhanh chóng cảm thấy thoải mái và bạn sẽ tạo được những nụ cười rạng rỡ, ngời sáng mà bạn muốn có trong các bức ảnh chụp gia đình tuyệt vời.

 

Mẹo nhỏ: Chọn ống kính có tiêu cực đúng

Để chụp những bức ảnh chân dung gia đình đẹp, nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng các ống kính không phóng đại được gọi là ống kính chuẩn. Tuy nhiên một số ống kính phóng đại loại tốt cũng có thể tạo ra những bức ảnh chân dung tuyệt vời chẳng hạn như ống kính Canon EF 70 – 200mm f/2,8L IS II USM. Các ống kính góc rộng khiến chủ thể trông có vẻ bị phồng lên với cái mũi to và đôi tai nhỏ. Các ống kính chụp xa thường có hiệu ứng ngược lại và tạo ra những gương mặt “phẳng lì”. Ống kính chụp ảnh chân dung tốt nhất nằm ở khoảng giữa, với dải tiêu cự từ 50mm tới 100mm.

Tạo cảnh nền mờ giúp thu hút người xem vào gương mặt. Các ống kính có khẩu độ tối đa rộng tõ ra rất hữu hiệu nhờ tạo ra chiều sâu trường ảnh nông giúp biến mọi cảnh vật gây xoa lãng thành một cảnh nền mờ dịu nhưng quyến rũ.

Một số ống kính phù hợp:

Canon EF 50mm f/1,2 L USM

Canon EF 85mm f/1,2L II USM

Canon EF 135mm f/2L USM

Thế còn bạn thì sao?

Đừng quên bạn cũng rất quan trọng đấy. Hãy cố gắng để bạn có chân trong những bức ảnh quý giá ấy. Chân máy, dây bấm máy và máy DSLR với chế độ hẹn giờ sẽ cho bạn cơ hội có mặt trong những bức ảnh quý của cả nhà.



Kinh nghiệm chụp hình để cả nhà cùng “ăn ảnh”


Tết đến vạn vật đều xinh đẹp; Tết đến, các thành viên gia đình sum họp đông đủ bên nhau; Tết đến, mọi người cũng có nhiều điều kiện hơn để đầu tư cho những tấm hình hoàn hảo…

Tuy vậy không phải gia đình nào cũng ghi lại được nhiều khoảnh khắc hạnh phúc như mình mong muốn, chỉ vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Năm nay hãy tham khảo thêm một chút để có nhiều tấm ảnh đẹp hơn nhé!

Sắp xếp đội hình

Tùy thuộc vào gia đình bạn đông hay ít, bạn có bao nhiêu không gian để tung hoành mà bạn sẽ có những cách sắp xếp khác nhau. Các gia đình nhỏ trung bình có 2 con thì không thiếu cách sắp xếp, chẳng hạn như tạo một vòng tròn nắm tay và chụm đầu vào nhau. Các gia đình đông người thường sắp xếp theo thứ tự người cao tuổi đứng chính giữa, trẻ con đứng đằng trước, cao và trẻ đứng sau… Tuy nhiên cũng không cần cứng nhắc như vậy.

Kinh nghiệm chụp hình để cả nhà cùng ăn ảnh (hangvietchinhhang.vn)

Những hình chụp nhóm đông người thường hay bị lộn xộn trong việc sắp xếp đội hình người ra người vào, và việc đứng lên ngồi xuống và di chuyển liên tục khá vất vả với người lớn tuổi. Vậy nên hãy sắp xếp vị trí cho ông bà trước, chụp hình trước, sau đó thêm các thành viên khác của gia đình vào xung quanh. Tương tự như vậy cho hình chụp các bé sơ sinh. Bạn nên sắp xếp vị trí cho các bé với ánh sáng tốt, bối cảnh tốt, chụp bé trước, sau đó thêm mẹ, rồi bố cùng tham gia…

Kinh nghiệm chụp hình để cả nhà cùng ăn ảnh (hangvietchinhhang.vn)

Tạo dáng thoải mái, đừng cố gắng hoàn hảo

Với một tấm hình nhóm đàng hoàng nghiêm chỉnh ban đầu, bạn có thể biến hóa thêm rất nhiều kiểu dáng khác: chẳng hạn cả nhà cùng ngồi trên ghế, sau đó các thành viên phá cách – người nhảy lên, người bò xuống, người làm mặt xấu…

Một ý tưởng chụp hình hay ho là “khẳng định chủ quyền”, thể hiện tình cảm và sự thân thiết với nhau. Bạn có thể chụp ảnh cả nhà ôm nhau, hoặc chụp theo thế hệ từ bà – mẹ – con gái…

Kinh nghiệm chụp hình để cả nhà cùng ăn ảnh (hangvietchinhhang.vn)

Tuy mọi người ưa chuộng hình chụp ngoài trời hơn vì ánh sáng tốt, không gian rộng, nhưng những hình chụp trong chính ngôi nhà yêu thương, chụp cảnh sinh hoạt trong gia đình cũng sẽ rất dễ thương: mẹ chuẩn bị bàn ăn, bố rửa xe hay đọc sách cho con… Bạn cũng có thể sắp đặt những hoàn cảnh buồn cười 1 chút như cảnh bố mẹ hôn nhau và con bịt mắt…

Chú ý trang phục

Các bạn nên mặc màu sắc mình yêu thích để tự tin và thoải mái thể hiện thật tốt; tuy vậy, khi đã chụp hình theo nhóm thì để tấm ảnh đẹp nhất, hãy chú ý đến sự hòa hợp, có thể là cùng kiểu, cùng tông màu, hoặc không cần cùng tông nhưng là những màu hợp nhau… Bạn nên chọn màu tươi sáng nhưng hạn chế chọn những màu quá rực và gắt như màu đỏ lấn áp.

Bạn cũng đừng cố gắng trở thành người khác – đừng mặc những bộ đồ khiến bạn bất tiện, trang điểm không đúng phong cách hay học theo những dáng đẹp nhưng hoàn toàn chẳng ăn nhập với tính cách của mình. Những thứ dù xinh đẹp đến mấy nhưng nếu khoác lên người mà bạn thấy bất tiện thì hình cũng chẳng đẹp được đâu.

Kinh nghiệm chụp hình để cả nhà cùng ăn ảnh (hangvietchinhhang.vn)

Đừng cố gắng làm stylist cho con

Trẻ con sẽ tự biết cách thể hiện mình sao cho đẹp nhất, hình chụp trẻ con khi đang hoạt động, chơi đùa sẽ đẹp nhất nên hãy nhớ khi chụp hình với trẻ con, bạn đừng tự vẽ ra những cảnh trong mơ nào đó trong đầu rồi cố gắng uốn con theo ý mình. Việc bạn cần làm chỉ là cho bé nghỉ ngơi và ăn đủ no để bé khỏe khoắn và sảng khoái tham gia vào buổi chụp hình, cũng như tạo không khí vui vẻ cho con. Bạn cũng nên chuẩn bị một chút đồ ăn vặt, đồ chơi hay thứ gì đó có thể giúp con vui và thu hút sự chú ý của bé, dẫu vậy, đừng lạm dụng kẻo bé sẽ mau chán và làm mất tác dụng kỳ diệu của món đồ ma thuật kia nhé.

Kinh nghiệm chụp hình để cả nhà cùng ăn ảnh (hangvietchinhhang.vn)

Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay xa, có được và ghi lại được những khoảnh khắc thật tuyệt bên gia đình mình nhé!



6 bí quyết chụp ảnh gia đình đẹp


Ảnh chân dung gia đình sẽ được trưng bày và lưu giữ nhiều năm nên khi chụp, những nhân vật trong ảnh cần giữ được tư thế thoải mái, khuôn mặt biểu lộ tình cảm, còn người chụp phải tìm được những góc chụp độc đáo.


1. Tạo tư thế thoải mái

1-png-1350371936-1350371996_480x0.png

Hãy sáng tạo bằng cách sắp xếp vị trí mọi người khi chụp ảnh chân dung gia đình, việc này tùy thuộc vào số người sẽ chụp và không gian có được. Với một gia đình 4 người, bạn có thể sắp xếp cho cả gia đình nằm đối đầu theo vòng tròn, mọi người nằm dưới đất, nắm tay nhau. Người chụp dùng ống kính chuẩn hay ống kính góc rộng từ 17-50mm, đứng chồm qua họ hay đứng lên thang để chụp. Lấy nét ở giữa hình, dùng độ sâu trường ảnh DOF (depth of field) vừa phải, lý tưởng là f/9 đến f/16.

2. Đứng thành nhóm

2-png-1350371950-1350371996_480x0.png

Nếu chụp gia đình đông người, hãy bảo họ đứng với nhau thành nhóm. Những người cao, trẻ hơn đứng phía sau, người già ở giữa và trẻ em phía trước. Những người cao hơn nên đứng ở 2 bên ảnh. Để ảnh trông tự nhiên, đừng nên áp dụng nguyên tắc “thấp đến cao” cứng ngắt vì ảnh sẽ có vẻ bị sắp xếp trước. Dùng đèn flash rời để chiếu sáng vùng bị tối, giúp khuôn mặt trông bớt lạnh nhạt, và dùng độ sâu DOF rộng hơn để mọi người đều được sắc nét.

3. Biểu lộ tình cảm

3-png-1350371961-1350371997_480x0.png

Bức ảnh gia đình nên thể hiện tình cảm và tình thân, do vậy, hãy để các thành viên khoác vai hay ôm nhau. Bạn cũng có thể sắp xếp để cho thấy rõ những khác biệt giữa các thế hệ, ông bà, tiếp theo là con cái và cuối cùng là thế hệ cháu chắt. Thường thì khác biệt về tuổi tác sẽ được thấy rõ. Hãy chụp ảnh kiểu này với ánh sáng tự nhiên và tốc độ trập nhanh để bắt kịp những nụ cười bất chợt. Nếu bảo mọi người giữ nguyên nụ cười thì ảnh sẽ trông mất tự nhiên.

4. Trang phục thích hợp

4-png-1350371972-1350371997_480x0.png

Về trang phục, các thành viên trong nhà nên chuẩn bị mặc cùng màu hay cùng kiểu để có hiệu ứng thú vị. Mọi người cũng có thể mặc quần áo hợp tông với nhau hay pha trộn và phối màu để có hiệu ứng khác nhau. Cũng có thể chọn trang phục trang trọng, tuy nhiên, nên tránh màu quá đỏ. Cũng nên thử pha trộn và phối hợp các màu để ảnh trông tự nhiên hơn.

5. Lấp đầy khung hình

5-png-1350371983-1350371997_480x0.png

Cận cảnh là cách tốt nhất để biểu lộ tình cảm. Hãy để 2 người thân (có thể là vợ chồng, anh chị em hay cha mẹ và con cái) kề sát với nhau càng gần càng tốt. Dùng ống kính chuẩn hay ống kính chụp cận cảnh (macro) và cắt cúp cho sát. Hãy đợi một chút, có thể họ sẽ cười hay nhìn nhau thì lúc đó mới chụp. Dùng đèn flash để bắt được khoảnh khắc đó, và chỉnh độ DOF cạn để làm hậu cảnh mờ đi.

6. Góc cạnh độc đáo

6-png-1350371993-1350371997_480x0.png

Hãy thử chụp với các góc cạnh khác nhau. Hình ảnh loại này sẽ mang lại thích thú cho người xem và thể hiện được nhiều điều. Một kỹ thuật tuyệt vời là bạn hãy nằm xuống đất và chụp lên với chủ thể đứng phía trên. Bạn sẽ phải dùng đèn flash để chiếu sáng các khuôn mặt trên bầu trời sáng chói. Hãy bảo mọi người hơi cúi mặt xuống để khỏi thấy quá rõ mũi của họ.

Một số chú ý khác

Các thiết lập nên dùng

Thiết lập phơi sáng cho ảnh chân dung gia đình thường khác nhau dù bạn luôn muốn có được hình ảnh cân bằng và sắc nét. Vì thế, nên dùng đèn flash nếu cần và tốc độ trập hợp lý ít nhất là 1/125 giây. Điều chỉnh DOF sâu hơn (f/11-f/22) nếu bạn chụp cả nhóm để mọi người được rõ nét. Tuy nhiên, nếu chụp dưới 3 người, hãy dùng độ DOF cạn hơn (f/2-f/5.6) để phần hậu cảnh bị mờ đi.

Thiết bị nên có

Chụp ảnh gia đình thường cần nhiều thời gian và hầu hết mọi người sẽ sẵn sàng dùng nhiều thời gian để có được bức ảnh đẹp. Dùng ống kính loại góc rộng để chụp được hết mọi người và nên dùng giá 3 chân, đèn flash rời nếu cần. Các tấm phản sáng cũng giúp chiếu dội ánh sáng vào nhóm nhiều người, nhưng bạn phải có giá để hay nhờ người cầm giúp khi chụp ngoài trời.

Hãy sáng tạo khi chụp ảnh gia đình. Các hình ảnh hiện đại ngày nay được chụp ngoài trời với ánh sáng tự nhiên, tư thế và cách tạo dáng tự nhiên. Đừng để các thành viên ăn mặc quá diện và hãy giữ mọi việc vui vẻ, tự nhiên và nhẹ nhàng. Một yếu tố chủ yếu cần phải lưu ý là bạn sẽ chụp bao nhiêu người. Nếu cần, bạn nên tách ra để chụp từng cặp. Phương pháp này có thể tạo được những bức ảnh đẹp tuyệt vời và cũng có thể phối hợp trình bày cùng với nhau trong ảnh dựng sau này.



Toàn tập bí quyết chụp ảnh gia đình

Những bức ảnh chân dung gia đình lưu giữ nhiều khoảnh khắc ý nghĩa. Chúng có thể được treo trong nhà của các thành viên trong gia đình, giúp bạn luôn nhớ về tình cảm gia đình. Thời gian trôi đi, các gia đình nhỏ lại chào đón những thành viên mới, nhưng cũng phải tiễn đưa những người đã khuất. Vì lẽ đó, những bức ảnh gia đình không không chỉ là một tư liệu, mà còn là một tài sản, một kho báu quý giá để bạn nhìn lại và chia sẻ những kỉ niệm.


Toàn tập bí quyết chụp ảnh gia đình

Tuy nhiên để chụp được những bức ảnh thật đẹp và ý nghĩa thì cũng thật lắm nhiêu khê. Tập trung tất cả những thành viên trong gia đình vào cùng một thời gian, cùng một địa điểm đã khó. Cố gắng sắp vị trí của các thành viên trong gia đình một cách hợp lý để chụp ảnh lại càng là một cơn ác mộng. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, làm những công việc đấy kể cũng đáng.

Dưới đây sẽ là những “mánh” đơn giản để chụp những bức ảnh gia đình, giúp bạn có những tấm hình đẹp nhất.

1. Lựa chọn địa điểm

Không phải lúc nào các thành viên trong gia đình cũng có thể sum vầy cùng nhau. Nên khi có những dịp quan trọng của gia đình, tất cả các thành viên sẽ có mặt. Hãy nắm ngay cơ hội vàng ngọc và dành khoảng 10’ để chụp ảnh cho những người thân của mình, khi họ diện những bộ đồ đẹp nhất cho những dịp quan trọng ấy.

Nếu có thể, bạn hãy chọn một địa điểm có ý nghĩa quan trọng để tạo chiều sau cảm xúc cho bức ảnh của bạn, ví dụ như trong khu vườn nhà của một trong những thành viên trong gia đình.

Nếu như tìm được những địa điểm như trên có vẻ bất khả thi, một sự lựa chọn nữa mà bạn nên cân nhắc là một không gian đơn giản, vừa đủ, nhưng bạn cũng phải chắc chắn không gian bạn chọn làm nền không có những “vật thể lạ” không cần thiết khiến điểm nhấn trong bức ảnh của bạn, đáng ra là những thành viên trong gia đình, thì lại là những vật thể kia.

2. Hãy trổ tài sắp xếp vị trí

Trổ tài sắp xếp vị trí

Sắp xếp các thành viên trong gia đình để bạn có được một bức ảnh bắt mắt và cân đối cũng là một điều hết sức quan trọng. Hãy chắc chắn rằng sẽ có nhiều thế hệ được chụp chung một bức ảnh, nên để những thành viên lớn tuổi trong gia đình ngồi xuống, đặt họ vào chính giữa bức ảnh cùng các thành viên khác xung quanh. Hãy dành thời gian điều chỉnh cho chính xác: thành viên nào cao to thì xếp ở đằng sau và hãy chắc chắn là khuôn mặt của tất cả thành viên trong gia đình đều rõ ràng trong bức hình. Lúc sắp xếp các thành viên, đảm bảo rằng khoảng cách giữa từng người không quá xa.

Bạn muốn miêu tả một gia đình hòa thuận và thương yêu nhau ư? Hãy tạo sự vui tươi và ấm cùng bằng cách bảo mọi người nắm tay hoặc quàng tay nhau. Điều đó có khi còn giúp bạn “thổi hồn” vào bức ảnh nữa đấy.

3. Thiết lập ánh sáng và hãy làm mọi người cười

Khi xác định vị trí chụp ảnh, tốt nhất bạn đừng để cho gia đình bạn đứng trực diện với hướng ánh sáng mặt trời, nếu như bạn không muốn có một bức ảnh toàn những khuôn mặt nhìn ngang liếc dọc. Tương tự như vậy, bạn cũng không nên hướng camera đối diện hướng ánh sáng nếu bạn không muốn có một bức ảnh toàn những khuôn mặt tối om. Vậy nên bạn hãy căn chỉnh sao cho những thành viên trong gia đình đứng xuôi chiều ánh sáng tự nhiên.

Thiết lập ánh sáng và hãy làm mọi người cười

Như đã nói ở trên, bạn cũng nên biết rằng trong lúc bạn chụp hình, thế nào cũng sẽ có người nháy mắt hoặc nhăn mặt. Bạn nên kiểm tra lại bức ảnh vừa chụp để chắc chắn là những người được chụp đều mở mắt. Sau khi sắp xếp vị trí của mọi người và chọn góc chụp hợp lý, bạn hãy chụp thật nhiều, giúp bạn có nhiều sự lựa chọn hơn để tìm được những tấm hình như ý.

4. Thiết lập thông số cho máy ảnh thật chuẩn

Khi đề cập đến vấn đề thiết lập thông số, thì một trong những điều bạn nên nhớ khi chụp ảnh gia đình là bạn cần khép khẩu độ hẹp lại. Với khẩu độ từ f/8 cho tới f/11, nên đảm bảo rằng mọi người đều được lấy nét. Bạn phải tính toán, bù trừ bằng cách chỉnh shutter speed (tốc độ chụp) cao hơn một chút so với thông thường.

Thiết lập thông số cho máy ảnh

Tuy nhiên cũng cần nhớ: những người được chụp ảnh kiểu gì cũng sẽ cử động (cựa quậy) chút ít, trong khi bạn thì lại muốn chụp những bức hình không bị nhòe, vậy thì hãy thử chụp dựa vào mức sáng hiện có. Nếu có vấn đề phát sinh, bạn có thể tăng ISO khoảng 1, 2 nấc để đảm bảo là bạn có đủ ánh sáng trong bức ảnh mà không cần phải tăng tốc độ chụp (shutter speed) lên quá nhiều.

5. Chụp ảnh nhóm người

Là người chụp, bạn chính là người điều chỉnh mọi thứ trong bức ảnh của mình. Sẽ có một vài người trong gia đình sẽ thắc mắc điều gì đang xảy ra, nhưng là một “nhiếp ảnh gia” của gia đình, bạn sẽ là người xử lý tình huống chính. Bạn cần đảm bảo là tất cả mọi người đều hiện diện trong khung hình, nhìn vào ống kính và cười thật tươi. Đừng quá lo lắng về ý kiến một số người thân khác khi chụp.

Bí quyết chụp ảnh gia đình

Nếu như bạn cũng là người có mặt trong bức hình đó, hãy đặt máy ảnh lên tripod, căn chỉnh vừa vặn và hợp lý, sao cho mặt bạn vẫn xuất hiện trong tấm hình. Hãy chọn vị trí phù hợp với toàn cảnh của bức ảnh, đừng chỉ có quỳ gối đằng trước hoặc nấp phía sau mọi người. Sau đó, dùng chế độ hẹn giờ trong máy hoặc điều khiển từ xa để chụp. Xin nhắc lại một lần nữa, hãy chụp nhiều pô ảnh, rồi sau đó lựa ra những bức ảnh mà bạn ưng ý nhất.

6. Chụp ảnh chân dung một nhóm nhỏ, ít người hơn

Song song với việc chụp ảnh cho đại gia đình, bạn cũng có thể chụp ảnh cho từng nhóm thành viên trong gia đình. Bạn sẽ tự do hơn trong việc chụp theo yêu cầu với nhiều lựa chọn hơn cho địa điểm chụp, góc chụp và phong cách chụp.

Bí quyết chụp ảnh cho gia đình

Những bức ảnh như vậy thường ít trang trọng hơn. Hãy mở khẩu độ lớn hơn một chút, có thể là f/5.6, giúp bạn chụp từng khuôn mặt tốt hơn cũng như làm mờ phông nền.

7. Cách chụp trẻ con

Nhiều ông bố bà mẹ trẻ sẽ nói với bạn rằng bạn sẽ khó có thể cưỡng lại việc chụp thật nhiều ảnh cho trẻ con, mà đặc biệt là các em bé mới chào đời. Nhưng khi lũ trẻ lớn lên và bắt đầu dành nhiều thời gian khám phá thế giới xung quanh hơn là chịu ngồi yên một chỗ, bạn sẽ gặp càng nhiều khó khăn khi chụp chúng.

Các tốt nhất là bạn hãy cùng chơi đùa và hòa đồng với lũ trẻ với những thứ mà chúng cảm thấy thích. Có thể “đối tác trăm năm” của bạn hoặc là các bậc phụ huynh sẽ thu hút lũ trẻ bằng đồ chơi, động viên chúng giúp bạn chụp hình.

Bí quyết chụp ảnh cho gia đình

Tôi luôn nhận ra rằng muốn chụp ảnh cho trẻ con lúc chúng chạy nhảy thì bạn phải có sự chuẩn bị từ trước. Hãy luôn sẵn sàng với bố cục phơi sáng mà bạn muốn, để ngay khi cảnh trước mặt bạn đã được định hình thì bạn có thể bấm máy.

8. Hãy săn tìm những khoảnh khắc bất ngờ

Khi chụp ảnh trong và xung quanh gia đình, bạn sẽ có cơ hội tuyệt vời để chụp những tấm hình mang phong cách phóng sự. Hãy làm việc độc lập, giống như khi bạn tác nghiệp ở đám cưới, “chộp nhanh” những khoảnh khắc mà những thành viên trong gia đình tương tác với nhau.

Bí quyết chụp ảnh cho gia đình

Những tấm hình như vậy có thể mô tả mọi người trong trạng thái thoải mái nhất, khi họ ở bên cạnh người thân cười đùa hoặc trò chuyện cùng nhau. Khi mọi người chưa phát hiện ra là họ được chụp hình, họ vẫn sẽ trong rất tự nhiên và biểu cảm.

9. Lưu giữ những khoảnh khắc của tình thân

Trong những dịp đặc biệt của gia đình mà tôi đã đề cập ở trên, sẽ là một ý tưởng tuyệt vời nếu bạn thể hiện tài chụp ảnh của mình để lưu giữ lại hình ảnh về những mối quan hệ đặc biệt trong gia đình. Những người ông, người bà luôn muốn có những bức ảnh chụp cùng đàn cháu của mình. Sự có mặt của những thành viên nhỏ tuổi nhất và những người cao tuổi nhất trong gia đình sẽ khiến cho bức ảnh bạn chụp không đơn thuần chỉ là một tấm hình; nó còn mang cả giá trị tinh thần, tình cảm lớn lao.

Bí quyết chụp ảnh cho gia đình

Nếu như bạn không thuộc thành viên trong nhà, bạn hãy trò chuyện một chút với mọi người để chọn ra phông nền thích hợp. Hãy tưởng tượng trong gia đình có những người sống xa cách nhau có khi cả nửa vòng trái đất trong một thời gian dài, giờ đây lại được đoàn tụ nhưng chỉ trong một khoảng thời gian khá ngắn. Những lúc như vậy, hãy nhanh mắt, nhanh tay chụp lại những khoảnh khắc mà từng người tương tác với nhau, vốn là điều vô cùng quý giá.

10. Đừng ngại những phá cách!

Hãy sẵn sàng thử nghiệm những cách chụp mới với những thiết lập thú vị hơn. Đừng quá dựa vào cách chụp ảnh gia đình tiêu chuẩn mà hãy thử điều gì đó khác biệt. Bạn cũng có thể thử sắp xếp cách thành viên trong gia đình theo thứ tự độ tuổi, hay chiều cao để làm bức ảnh khác biệt đôi chút.

Đối với những shot hình bao gồm nhiều thành viên nhanh nhẹn, bạn có thể nói họ nhảy hoặc tạo hình kim tự tháp. Thử hỏi gia đình, đặc biệt là trẻ con, xem họ có những ý tưởng chụp nào không. Và thông thường chính trẻ con sẽ là những thành viên “tiên phong” làm những trò tinh nghịch trong bức ảnh, đôi khi còn khiến các bậc phụ huynh trông đôi chút ngớ ngấn nữa!

Bí quyết chụp ảnh cho gia đình

11. Hãy để bản thân trải nghiệm

Đến đây, tôi hy vọng các bạn đã có tất cả những chỉ dẫn cần thiết để chụp ảnh gia đình. Nhớ là hãy tận dụng mối quan hệ thân thiết của bạn với mọi người. Điều đó khiến bạn làm chủ tình huống, có thể chỉ dẫn các thành viên trong gia đình và bạn cũng có thể chụp được những tấm hình như bạn mong muốn.

Chúng ta ai cũng muốn có những bức ảnh của gia đình trong chính ngôi nhà của mình, và nếu như bạn có thể tự mình chụp những bức ảnh ấy như bạn từng mong muốn, và “kiệt tác nhiếp ảnh” của bạn được trưng bày trong nhà của những người thân khác thì đó là một điều còn tuyệt vời hơn rất nhiều.





Kinh nghiệm chụp ảnh bằng điện thoại
Kinh nghiệm chụp ảnh dslr
Kinh nghiệm chụp ảnh món ăn bắt mắt, ấn tượng
Kinh nghiệm chụp ảnh cho bé
Kinh nghiệm chụp ảnh áo dài cho cuốn album cưới .
Kinh nghiệm chụp ảnh biển đẹp mê hồn v
Kinh nghiệm chụp ảnh bằng IPhone 4 đẹp mê ly




(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý