Nếu trẻ từ 6 tháng đến 1 năm tuổi khóc ê a, hai mắt lim dim, nước mắt giàn giụa, cựa quậy thường là do chăn chiếu không êm, không ngủ yên được, bạn nên sửa lại chỗ nằm hay đặt trẻ ra nơi khác.
Nếu nhà bạn gần đường có lưu lượng xe qua lại lớn vào đêm, thì tiếng ồn của động cơ xe, đặc biệt là tiếng còi xe cũng có thể làm trẻ giật mình và khóc. Bạn nên bố trí cách âm thật tốt cho phòng của bé.
Ngoài ra, phòng ngủ của bé cũng phải thoáng để việc trao đổi không khí dễ dàng, tạo cho bé điều kiện tiếp nhận lượng oxy tốt nhất khi ngủ. Nơi bé ngủ tuyệt đối không để cây cảnh, hoa tươi vì về đêm chúng sẽ hấp thụ oxy và nhả cacbonic làm bé ngủ trong môi trường thiếu dưỡng khí, ảnh hưởng trực tiếp đến đại não. Không nên dùng các loại nước hoa, các chất khử mùi trong phòng ngủ của bé, bởi cũng đều được tổng hợp từ các thành phần hóa học gốc hữu cơ, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh khứu giác, làm cho giấc ngủ của bé chập chờn, không sâu.
Giường ngủ của bé cũng cần thoáng mát nhưng không để gió lùa, mùa nóng tuyệt đối không được để quạt trực tiếp vào bé, áp lực gió sẽ tác động vào giác quan làm bé ngủ không ngon và sinh ra quấy khóc. Nguy hiểm hơn, sức gió của quạt còn có thể làm cho bé bị cảm lạnh.
Ánh sáng phòng ngủ quá sáng, vị trí ngủ và hướng quay đầu của bé không phù hợp với cơ địa cũng là nguyên nhân khiến bé khó ngủ, quấy khóc. Giường nằm của bé phải xa nguồn điện xoay chiều mạnh, như gần trục dẫn cáp viễn thông, cáp đồng trục ti vi và đặc biệt phải tránh xa điện thoại di động đang bật nguồn. Sóng điện từ của các thiết bị này sẽ tác dụng theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" vào não của bé, kích thích hệ thống thần kinh còn chưa hoàn chỉnh làm cho giấc ngủ của bé luôn mơ màng, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe trí não của bé sau này.
Bé đang tuổi bú mẹ, đêm ngủ hay bứt rứt kèm theo khóc nhè thường là do bé đã bú quá nhiều, no quá nên khó chịu, nhất là khi bé chưa "tè" được. Cố gắng cho bé bú lượng sữa vừa phải trước khi ngủ.
Ngoài ra, bạn cần tham khảo thêm phương pháp Feber (dựa theo tên của chuyên gia về giấc ngủ ở trẻ em Richard Ferber), áp dụng cho những trẻ chưa ngủ yên giấc về đêm khi lên 6 tháng tuổi. Nguyên tắc của phương pháp này là khi trẻ khóc đêm, cha mẹ không nên can thiệp ngay mà cần đợi một thời gian rồi mới đến an ủi bé. Điều này sẽ giúp trẻ học cách tự ru mình.
- Khi bé bắt đầu khóc, hãy đợi 1-2 phút trước khi tới để vỗ về. Đụng chạm và nói chuyện với bé càng ít càng tốt. Đừng bế bé dậy và cũng đừng bật đèn.
- Rời khỏi phòng khi bé thôi khóc. Lần sau, nếu bé lại khóc, hãy đợi 3-4 phút và lần tiếp theo thì đợi 5-6 phút. Nhớ là không bế bé dậy và không bật đèn.
- Tiếp tục bài tập này cho tới khi bé ngủ thiếp đi. Một số bà mẹ có thể đợi tối đa 10 phút trước khi bước vào phòng con, nhưng có người có thể đợi được 15 phút và lâu hơn.
Theo Tiến sĩ Brett Kuhn (Đại học Nebraska - Mỹ), đây là biện pháp duy nhất tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng chấp nhận nó vì nhiều người không thể chịu đựng được khi thấy con khóc.
Sau cùng, bạn cần chú ý để phát hiện những bất thường khi bé khóc đêm như bé vừa khóc vừa ưỡn bụng, hoặc co người lại như con tôm, khóc kèm theo khò khè… Khi đó, cần lập tức đưa bé đến gặp bác sĩ.