Bạn có thể thma khỏa thêm nhé: NHIỆT ĐỘ
Nhiệt độ trong nhà thường là ở vào khoảng 60- 80°F hay 16.3-26.7°C Do đó chúng ta có thể trồng Phalaenopsis. Paphiopedilum, Oncidium, Cattleya, Pleurothalis, Masdevalia v.v... Nhưng không thể trồng những loài cần nhiều ánh nắng để ra hoa như Vanda, và Cymbidium hay một vài giống Dendrobium. Tuy nhiên cũng có một vài giống lan cần khoảng 2-3 tuần lễ, ban đêm phải lạnh dưới 55°F hay 12.8°C mới ra hoa như Paphiopedilum. Khi đó ban đêm phải hạ nhiệt độ trong nhà xuống hoặc để cây sát cửa sổ.
ÁNH SÁNG
Ánh sáng rất quan trọng. Thiếu ánh sáng, lan không lớn và không ra hoa. Nơi để lan càng gần cửa sổ càng tốt. Hướng Đông Nam tốt hơn cả, nếu không có, hướng Đông hay Tây cũng được. Ánh nắng vào buổi sáng hay buổi chiều đều tốt, nhưng nắng từ 10 giờ đến 4 giờ chiều soi trực tiếp có thể cháy lá cho nên cần có màn che. Nhìn vào lá lan, nếu xanh thẫm và mềm yếu tức là thiếu nắng. Chúng ta có thể bắt thêm đèn: AgroSun Fluorescent Tubes, Sylvania Gro-Lux Fluorescent, Verilux Full Spectrum Fluorescents.
Nếu có khoảng 20 cây, chỉ cần 2 chiếc đèn ống dài 4 ft hay 1.20m gồm 1 bóng trắng (cool) và 1 bóng hồng (warm) là đủ. Đèn có thể treo cách ngọn cây 20 cm nhưng nếu dùng đèn thường bóng tròn (incandescent) hay Spot light phải để xa tối thiểu là 50 cm vì đèn này tỏa ra sức nóng.
Còn nếu để quá xa cửa sổ hoặc có nhiều cây nên dùng đèn Hight intensity (HI), loai đèn này cho ánh sáng gấp 500 lần bóng đèn thường, nhưng không tốn điện hơn nhiều.
Thông thường từ tháng giêng đến tháng 3 cần ánh sáng 12-14 giờ một ngày, từ tháng-6 cần từ 14-16 giờ, từ tháng 7-9 12-14 giờ, từ tháng 10-12 giờ một ngày.
Nên nhớ nếu ánh sáng quá dài cây sẽ không ra hoa, xin đừng nhầm lẫn với cường độ (intensity) ánh sáng. Những cây con (seedling) cần khoảng 16 giờ một ngày.
ĐỘ ẨM
Trong nhà thưởng có độ ẩm rầt thấp 10-30% không thích hợp với lan. Lan đòi hỏi một độ ẩm tối thiếu là 40%. Dùng khay đựng nước xuống dưới, trên gác thanh gỗ hay bỏ đá vào rồi để chậu lan lên trên, đừng để chậu ngâm trong nước. Hoặc giả có thể muốn phun nước bằng tay hay dùng máy phun nước nhỏ (evaporizer) ở các hiệu thuốc tây, rồi dùng bộ phân tự động (timer) cho mỗi ngày chạy vài lần tùy theo ý muốn. Nếu muốn biết rõ độ ẩm trong nhà cao hay thấp, mua một dụng cụ đo độ ẩm và nhiệt độ như hình bên.
THOÁNG GIÓ
Lan không ưa không khí tù hãm và ưa có sự lay chuyển không khí cho nên cần một chiếc quạt nhỏ có thể xoay chuyển được (oscillating).
TƯỚI NƯỚC
Tưới nước tùy thuộc vào nhiệt độ và vật liệu trồng lan và châu to hay nhỏ. Khi tưới phải đợi cho khô rồi mới tưới và tưới cho thật đẫm, hoặc tưới đi rồi tưới lại. Nước tưới không nên dùng nước đã qua hệ thống lọc bằng muối (Soft water)
PHÂN BÓN
Nên dùng loại phân bón có chỉ số đồng đều như 10-10-10 hay 20-20-20 với dung lượng ¼ thìa cà phê môt gallon hay 4 lít nước và tưới hàng tuần, nhưng nên nhớ phải tưới nước trước rồi mới tưới phân bón.
SÂU BỌ
Nếu có rệp hay nhện v.v... không nên dùng những thứ thuốc sát trùng như Malathion 50 hay các thứ thuốc độc hại khác ở trong nhà, mà chỉ nên dùng một chai cồn (alcohol 70%) pha lẫn với 1 thìa cà phê xà phòng rửa bát với ½ thìa cà phê dầu thực vật. Lắc cho đều và phun mỗi tuần một lần trong 3-4 tuần lễ liên tiếp. Nếu không muốn pha chế hãy dùng Ultra Fine Pesticidal Oil.
KHI HOA NỞ
Vẫn tưới nước đều đặn đừng để khô, hoa mới lâu tàn hơn. Khi mang hoa ra khỏi nơi trồng, nên để trên một đĩa nhỏ dưới có nước để giữ độ ẩm. Không nên để chậu lan gần những đĩa hoa quả, hay nơi gần lò sưởi hay máy lạnh vì hơi gas sẽ làm cho hoa bị tàn và thui nụ.