Chào chị!
Khi bé phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng thay đổi. Sẽ đến giai đoạn sữa mẹ không đủ thỏa mãn bé. Giai đoạn này thường đến khi bé khoảng từ 4 đến 6 tháng tuổi. Đây chính là thời điểm nhiều em bé sẵn sàng cho việc ăn dặm.
Mặc dù Cơ quan Y tế không khuyến khích việc cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi, nhưng mỗi em bé có đặc điểm và phát triển với tốc độ khác nhau. Do vậy, chỉ cần để ý các dấu hiệu ăn dặm phổ biến và để bé là người chỉ dẫn cho bạn khi nào thì bắt đầu.
Những dấu hiệu cho biết bé muốn ăn dặm:
• Sau khi bú no sữa, em bé của bạn vẫn còn khóc và đòi bú thêm.
• Em bé có vẻ không muốn đợi đến lần bú kế tiếp và trở nên cáu kỉnh hoặc mút tay.
• Trước đây em bé của bạn ngủ suốt đêm, bây giờ thì bé lại thức dậy đòi bú.
• Những giấc ngủ ban ngày cũng trở nên thất thường, ngủ không yên hoặc thức dậy sớm sau khi ngủ chợp mắt.
• Em bé của bạn trông rất hứng khởi khi bạn ăn, và dường như muốn đưa tay với lấy thức ăn mà bạn đang cầm.
Bạn cũng nên lưu ý rằng tuổi sớm nhất được khuyến cáo cho việc ăn dặm là 17 tuần.
Dưới đây là gợi ý của bác sĩ về chế độ ăn bột/cháo của trẻ trong 2 năm đầu (kết hợp với các bữa phụ +sữa mẹ hoặc sữa công thức):
- 6-7 tháng: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 - 200 ml
- 8-9 tháng: 2 bữa bột đặc 200 ml.
- 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml - 250 ml
- 12 - 24 tháng: 3 bữa cháo 250 - 300 ml
- 24 tháng trở đi có thể ăn cơm cùng gia đình
Với mỗi bé, tùy thể chất, khẩu vị có thể thời gian và số bữa khác đi.
+ Bé trên 6 tháng nên dùng thịt nạc heo, lòng đỏ trứng, tàu hủ non và các lọai cá đồng.
+ Giữ thực phẩm thuần nhất: thực phẩm càng thuần nhất thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa. Ví dụ: không nên phối hợp giữa cá, tôm cua, ốc ....với các lọai thịt, đặc biệt là thịt có màu đỏ. Có nghĩa là chỉ nên cho trẻ ăn một lọai đạm động vật trong một bữa ăn.
+ Không nên phối hợp nhiều lọai rau trong cùng một chén cháo hoặc bột hỗn hợp. Lý do là làm mất hương vị riêng của từng lọai rau và có thể gây khó tiêu hóa.
+ Phối hợp tốt giữa các lọai đạm có nguồn gốc thực vật và động vật. Theo các chuyên gia dinh dưỡng: tỷ lệ phối hợp tốt nhất là 50/50, ví dụ trong một ngày có thể cho bé ăn bữa trưa thức ăn có chất đạm nguồn gốc động vật, và bữa chiều có nguồn gốc thực vật
+ Không nên cho trẻ dưới 8 tháng ăn các thịt bò, thịt gà, các lọai hải sản vì trẻ ở tuổi đó chưa đủ men tiêu hóa các lọai thức ăn này, đồng thời có một số trẻ nhỏ dễ bị dị ứng với đồ ăn hải sản
+ Tất cả các thức ăn mới cần được tập dần, theo dõi quá trình tiêu hóa của trẻ rồi tăng từ từ về số lượng.
+ Nguyên tắc thích ứng với từng trẻ: quan sát chính bản thân con mình để tìm ra cách nấu thức ăn và cho bé ăn thích hợp.
Chị có thể giữ chế độ ăn như hiện tại cho bé và nên cho bé ăn thêm sữa chua (yoghurt) khoảng 60 gam 1 ngày, lúc đầu chị cho bé nếm vài thìa sữa chua cho bé tập làm quen, những ngày sau chị cho bé ăn tăng dần lên. Bé cũng có thể uống thêm được nước trái cây (khoảng 50 ml nước trái cây đã pha loãng như nước cam, chanh, dưa hấu ép, ăn chuối, ...hàng ngày). Chị cũng nên lưu ý cho bé uống đầy đủ nước lọc vào ban ngày.
Khi bé ngoài 8 tháng trở lên chị có thể nấu cháo cùng với thức ăn lúc đầu đánh nhuyễn, sau đó đánh to dần và đến khoảng 12 tháng chị có thể cho bé ăn cháo hột (nấu nhừ) và dạy bé tập nhai. Lúc này chị mới nên cho bé ăn thêm phomai vì phomai có chứa các chất béo có nguồn gốc từ động vật làm bé khó tiêu hóa
Chúc gia đình vui khỏe