Y học cổ truyền có một số bài thuốc và phương pháp chữa như sau: bài thuốc từ lá dâu tằm, đậu đen, ma hoàng căn, ngũ vị tử, mẫu lệ. Các vị này có thể sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau tùy trường hợp.
Dân gian hay dùng lá dâu tằm nấu nước uống; Đông y còn có phương cách ngâm bàn tay, bàn chân vào nước ấm pha với muối (một chén nước sôi, ba chén nước lạnh và một muỗng canh muối hột, có thể cho thêm xác trà vào ngâm chung), mỗi ngày ngâm từ 1 - 2 lần, mỗi lần từ 10 - 15 phút; phương cách nữa là xoa lòng bàn tay, lòng bàn chân bằng bột mẫu lệ (có thể trộn thêm một ít bột quế), mỗi ngày từ 2 - 3 lần, mỗi lần mươi phút;
Hoặc hơ nóng bàn tay, bàn chân bằng cây ngải cứu (cho ngải cứu vào chén, đốt rồi hơ), phương pháp này có công hiệu nhiều vào mùa lạnh; Phương pháp bấm huyệt toàn bộ và cục bộ.
Cách giải và bấm các huyệt ở vùng cổ và cột sống, đặc biệt là huyệt ở vùng dẫn truyền ra hai bàn tay, bàn chân gọi là Hoa đà giáp tích - đó là bấm toàn bộ. Còn bấm cục bộ như huyệt lao cung, hậu khê, hợp cốc... (ở bàn tay) và huyệt phục lưu, dũng truyền, thái khê (ở bàn chân);
Một phương pháp cơ bản, dễ thực hiện, nhưng hiệu quả mà mọi người có thể tự làm được, đó là tập dẫn khí ra lòng bàn tay, lòng bàn chân bằng cách: hai tay chắp lại để trước ngực, rồi thở bằng bụng (tựu khí đan điền); 2 bàn tay để phía trước, cách ngực 3 - 4 cm, hai lòng bàn tay đối diện nhau, đầu óc tập trung nghĩ đến các đầu ngón tay, lòng bàn tay, với ý nghĩ hai lòng bàn tay thả lỏng và ấm dần lên. Một lát sau sẽ xuất hiện cảm giác tê rần (khi đó khí đã dẫn đến).
Tương tự như trên, thực hiện ở hai lòng bàn chân. Ngoài ra, theo lương y Phan Cao Bằng, Đông y còn có bài khí công Thập nhị liên hoa, bao gồm 12 động tác, có tác dụng ổn định hệ thống thần kinh bị xáo trộn xảy ra ở người ra mồ hôi tay, chân như nói ở phần trên.
Về việc phòng chứng ra mồ hôi tay, chân, cần phải giữ ấm lòng bàn tay, lòng bàn chân, nhất là khi thời tiết lạnh.