Khi chồng đi làm xa nhà. Những vấn đề có thể sảy ra làm ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của vợ chồng bạn. Làm gì khi chồng đi làm xa để cuộc sống vợ chồng hạnh phúc.
Cô đơn, tủi phận vì chồng đi làm xa
Lấy chồng xong còn cô đơn hơn thời gái son
Mai Thanh cưới chồng đã 3 năm, nhưng thời gian vẻn vẹn ở với chồng chắc chỉ được tính bằng ngày, bằng tuần. “Chồng em làm bên kiểm định xây dựng. Đi suốt ngày. Em cũng không ngăn cản được vì đó là công việc. Xin một chỗ làm ổn định bây giờ cũng khó”.
Cưới chồng xong, may mà Thanh cũng có bầu luôn. Sinh con bận rộn, cũng đỡ tủi phần nào. Nhưng ngặt nỗi mỗi lần con ốm, con quấy, một mình Thanh cáng đáng hết. Nhiều lúc thấy mình lấy chồng rồi mà Thanh thấy cô đơn hơn cả khi còn độc thân nữa.
Chồng chị Thu làm bên Quân đội, lính thông tin, suốt ngày phải trực và trực. Mang tiếng hai vợ chồng cũng ở Hà Nội nhưng chỉ gặp nhau qua điện thoại mà thôi. Chị Thu kể: “Mình thấy buồn nhất là khi mang thai, không có chồng ở bên. Một mình đi chợ, nấu cơm, không ăn được. Nghĩ đến con, lại cố ăn mà cổ họng nghẹn lắm. Có bầu cáu gắt, hay thức dậy đêm, thèm cái nọ cái kia mà không được vòi vĩnh chồng. Đến cơ quan, thấy mọi người kể chuyện có bầu chồng tranh làm hết việc nhà, thế này thế nọ, thèm lắm”.
Con thích bố ở nhà mỗi tối
Nhà chị Mai, hai vợ chồng làm cùng ngành điện nhưng mỗi người một nơi. Vợ làm Sở điện lực Hà Nội, chồng làm Sở điện lực Hòa Bình. Hàng tuần, cứ tối thứ 6, chồng ra xe khách chất lượng cao về Hà Nội với vợ con. Sáng thứ 2, anh lại bắt xe từ 5 giờ sáng để kịp buổi giao ban hàng tuần.
Hai con nhà chị Mai thấy bố về thì thích lắm, quấn quýt, đòi bố đưa đi bơi, chơi cầu lông, dậy con học. Cái gì cũng bố, mẹ lúc này bị ra zìa. Có lần, buổi tối sinh nhật của cu em 5 tuổi, chị Mai hỏi con: “Sinh nhật, con muốn mẹ mua quà gì?”.
“Con thích bố ở nhà mỗi tối như nhà chị Quỳnh. Bố không ở nhà, chán lắm”.
Gia đình quan trọng hơn tiền bạc
Với những đặc điểm của nghề nghiệp, nhiều cặp vợ chồng dù mới cưới, hay cưới lâu rồi, cũng chẳng được ở bên nhau. Làm trong nghề quân đội, xây dựng, đi học ở nước ngoài, mỗi người một nơi.
Các cặp vợ chồng hãy tự mình dàn xếp về công việc của cả hai. Nếu người vợ cảm thấy ổn, chấp nhận được việc chồng đi làm xa thì tốt. Bằng không, hãy thử đề nghị chồng xin chuyển công tác gần nhà hoặc sang một cơ quan khác nếu có điều kiện.
Tiền bạc cũng quan trọng nhưng không bao giờ là tất cả. Tối tối, cả nhà quây quần, sum vầy. Có bất cứ chuyện gì xảy ra, hai vợ chồng cũng có thể bàn bạc và chia sẻ với nhau. Nhất là những gì gặp khó khăn, con ốm, ông bà già yếu, hầu hết các chị em đều phải là người gánh vác gia đình, lo toan mọi việc, từ nhỏ nhất đến việc lớn trong nhà.
Hơn thế, việc xa cách của hai vợ chồng lâu ngày sẽ tạo nên những hụt hẫng, những trống trải cô đơn trong lòng mỗi người, kể cả vợ lẫn chồng. Không thể không kể đến việc sinh hoạt vợ chồng gián đoạn, dễ tạo nên hoàn cảnh, những cảm xúc khiến cả vợ/chồng dễ rơi vào con đường “ông ăn chả, bà ăn nem”. Tan vỡ hạnh phúc gia đình không phải là không thể xảy ra. Một gia đình hạnh phúc, có đầy đủ cả bố và mẹ sẽ khiến các con ngoan và phát triển đầy đủ hơn.
Nỗi khổ chồng đi làm ăn xa
Với nhiều bà vợ chỉ sợ chồng sa ngã khi đi làm ăn xa, còn mình thì vững như bàn thạch. Nhưng đã không ít cặp đưa nhau ra tòa không phải vì chồng ngoại tình mà vì vợ không chịu được sự cô đơn.
Xét ở mặt tích cực thì chồng hay vắng nhà không hẳn đã là không tốt đối với các bà vợ, nhất là các bà vợ hay núp sau bóng chồng. Đây là cơ hội tốt để rèn các bà rèn tính độc lập tác chiến, rèn tính kỷ luật trong giờ giấc. Và khi chồng tranh thủ nghỉ phép thì không có lý do gì họ không quý những khoảnh khắc hiếm hoi đó.
Tuy nhiên, đa số phụ nữ không muốn xa chồng chút nào cho dù đó là ông chồng khó ưa và hay gây gổ với vợ. Việc vắng nhà thường xuyên của chồng sẽ khiến cho các bà vợ thấy mình chịu quá nhiều thiệt thòi, từ áp lực gia đình cho đến xã hội. Những lời nói trêu đùa của ai đó cũng khiến họ chạnh lòng.
Có những đôi không thể liên lạc được với nhau vì chồng phải công tác ở vùng sâu, nơi mà sóng điện thoại chưa phủ tới. Sự lo lắng thấp thỏm về những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho chồng khiến cuộc sống của người phụ nữ trở nên bất an.
Ám ảnh chồng có bồ
Các bà vợ vắng chồng hay bị ám ảnh bởi những cô gái chân dài, và họ luôn cho rằng chân dài là một lợi thế lớn. Giá mà công nghệ kéo chân tiên tiến hơn, không gây đau đớn và đỡ tốn kém thì có lẽ đàn bà con gái trên thế gian thi nhau sử dụng dịch vụ này. Họ lo sợ anh chồng yêu dấu của mình không đủ bản lĩnh trước những cám dỗ ngọt ngào, rơi vào tay một cô ả chân dài nào đó lắm “mưu ma chước quỷ” thì khổ, chuyện mất chồng có thể xảy ra như chơi.
Đã 3 tháng qua kể từ ngày chồng đi công tác ở một tỉnh biên giới, chị Vân không đêm nào ngủ yên. Hễ nhắm mắt lại là chị tưởng tượng ra cảnh một “ả yêu tinh” có bộ mặt đẹp mê hồn đang ngả ngớn trong vòng tay của anh. Dù biết anh là người rất thương vợ con, nhưng chị thấy bất an vì với vẻ bề ngoài bảnh trai, làm gì không có nhân tình nhân ngãi! Rồi anh sẽ lạnh nhạt, hắt hủi mẹ con chị. Nhớ thương, giận hờn, ghen tuông, tủi thân, bao nhiêu tình cảm lẫn lộn khiến chị không ngớt dày vò mình.
Cô đơn nên trót "ăn nem"
Ông bà ta thường nói: “Xa mặt cách lòng”. Khoảng cách về không gian, thời gian rất nguy hiểm cho cả vợ và chồng. Chuyện chồng đi xa “ăn chả”, vợ ở nhà bị đè nén bởi nhiều áp lực đã trót “ăn nem” không phải là hiếm. Ban đầu họ đến với người đàn ông khác bởi sự yếu mềm, cần được chia sẻ, cần được chăm sóc. Một số người sớm nhận ra rằng đó chỉ là những phút giây bồng bột, ích kỷ, phù phiếm và biết dừng đúng lúc.
Thế nhưng, có bà vợ lại biện minh cho hành động trên, rằng "biết đâu ổng cũng đang tay trong tay với nhân tình, còn mình thì ngốc nghếch ở nhà chờ đợi". Và họ trượt dài trong sự phản bội chồng, quên chồng lúc nào không hay. Hương, nhân viên văn phòng một công ty kinh doanh mỹ phẩm, là một ví dụ.
Ban đầu, sau những giây phút hạnh phúc bên người tình, Hương lại dằn vặt khi nghĩ đến chồng và cảm thấy ghét bản thân kinh khủng. Nhưng về sau, cô tặc lưỡi: “Biết đâu ông ấy còn ghê gớm hơn mình tưởng, nếu thương vợ thì đã không bỏ vợ vò võ ở nhà một mình. Thành phố này có biết bao nhiêu là việc, cớ gì phải đi ra tận miền Trung?". Thế là cô coi việc ngoại tình của mình là tất yếu và lỗi không phải do cô gây ra mà do “ảnh không biết giữ vợ”.
Hương cưới được 6 tháng thì phải xa chồng. Thời gian đầu cô còn thường xuyên chát với anh, sau chát mãi mà người không thấy đâu, cô đâm chán. Theo lời rủ của bạn bè, Hương dành nhiều thời gian đi chơi và làm đẹp. Được quen biết với nhiều bạn mới, cô hay ăn diện hơn, có nhiều mối bận tâm hơn, nỗi nhớ chồng dần dần cũng nguôi ngoai, thậm chí có lúc cô cứ tưởng mình còn là con gái.
Rồi Hương gặp anh ta trong một lần cả nhóm bạn đi du lịch. Được anh ta để ý, chiều chuộng, cô rất hãnh diện. Dù không yêu, nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Trong một lần, không ngăn được cảm giác trống trải và xúc động trước tình cảm nồng nhiệt của chàng trai, cô nhận lời đi chơi riêng. Rồi việc gì đến đã đến.
Không muốn gia đình tan nát, Hương tự hứa sẽ chấm dứt chuyện tình vụng trộm này khi chồng trở về. Nhưng sau cô bỗng nhận ra rằng người cô yêu lúc này không phải chồng mà là anh ta. Rồi Hương phát hiện tình nhân có người yêu mới. Ngày anh chồng hớn hở về với vợ cũng là lúc cô đang lùng sục khắp thành phố để trị tội kẻ dám chiếm mất người cô yêu.
Cũng ngoại tình, nhưng chị Thu Lý biết dừng đúng lúc. Chị rất may mắn vì có được người chồng rộng lượng và bao dung. Đau lòng vì chuyện ngoại tình của vợ, nhưng anh không dằn vặt vợ mà còn an ủi chị: “Cũng do hoàn cảnh, tại anh cứ đi biền biệt, lại vô tâm với nỗi khổ của em chứ anh biết em là người phụ nữ hết lòng vì gia đình. Chúng ta cứ cho đó là một tai nạn nhỏ, em đừng tự dày vò mình nữa”. Chị càng yêu chồng hơn bao giờ hết.
Các nhà nghiên cứu về gia đình đã kết luận, những cặp vợ chồng ở xa nhau (vừa đủ nhớ nhau), những cặp vợ chồng làm khác cơ quan thường có cuộc sống bền vững hôn. Họ biết tôn trọng những giây phút ở bên nhau hơn, lãng mạn hơn so với những đôi suốt ngày ở gần nhau, thoả mãn cho nhau mọi thứ. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít.
Thực trạng chung là khi vợ chồng sống xa nhau, nguy cơ đổ vỡ gia đình cao gấp hai lần so với vợ chồng sống chung. Thông thường khi xa cách, họ vẫn hướng về nhau nhưng nhiều cuộc ly hôn đã xảy ra vì có kẻ thứ ba. Có nhiều lý do dẫn đến ngoại tình: Chồng làm ăn phát đạt, vừa có tiền vừa không bị “sư tử Hà Đông” kiểm soát, sinh chuyện bồ bịch; vợ ở nhà được chồng gửi nhiều tiền về, có tiền ăn diện nhưng thiếu thốn tình cảm và chuyện kia xảy ra; chồng làm ăn thất bại, chán chường không có vợ bên cạnh an ủi dẫn đến quan hệ lăng nhăng, vợ buồn quá nên cũng “ăn nem”...
Một thẩm phán chuyên xử về các vụ ly hôn cho biết, thời gan gần đây, tỷ lệ ly hôn mà nguyên nhân do vợ hoặc chồng vắng nhà thường xuyên rồi nảy sinh quan hệ ngoài luồng tăng lên, trung bình 10 cặp thì có đến 3 cặp chia tay vì lý do này. So với dạng ăn bánh trả tiền khá phổ biến ở đàn ông, người phụ nữ một khi vướng bẫy tình thường khó thoát ra bởi hậu quả nặng nề: mang thai ngoài ý muốn, tổn thương tâm lý, chịu điều tiếng nhiều hơn.
Họ nghĩ đơn giản rằng quan hệ ngoài luồng mang tính chất giải quyết nỗi khổ tâm do thiếu thốn tình cảm, cần người sẻ chia, tâm sự khi buộc phải xa chồng tạm thời và không hề có ý định bỏ chồng để kết hôn mới. Họ lý giải, quan hệ tình cảm nhưng không mang thai, không hùn tiền làm vốn hay mua sắm giá trị lớn nên nghĩ không hề có sự ràng buộc, vướng bận. Nhưng thực tế ngược lại, một khi tình cảm lún sâu làm mờ lý trí thì khó dứt ra được, và hạnh phúc gia đình bị sức mẻ là điều không thể tránh khỏi.
Quen với sự xa cách
Dường như mỗi người trong cuộc đều sớm, muộn phải thích nghi với hoàn cảnh xa vợ, xa chồng của mình. Thông thường ai cũng nghĩ, có vợ/chồng “đi Tây” thì kiểu gì cũng có tiền gửi về. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trên khắp thế giới mà những người đi xa sống và tích cóp để trả nợ tiền “đầu tư” ban đầu đã khó, chưa nói tới chuyện gửi tiền về.
Có chồng đi lao động nước ngoài theo dạng tự do ở Séc, chị Liên kể: Sang đó hai tháng thì khủng hoảng, công ty phải sa thải nhân viên, nên anh không có việc làm. Anh phải ăn chợ, nằm đường, khổ hơn vợ con ở nhà nhiều. Sang đấy anh không biết sử dụng chát, mail gì cả, vợ chồng mất liên lạc hơn hai tháng đầu. Mãi sau anh gọi điện, nói là sức khỏe vẫn ổn, mọi người mới yên tâm.
Thấy anh kể về cuộc sống, chị chỉ muốn bảo chồng về ngay. Nhưng món nợ hơn hai trăm triệu lo phí đi, học tiếng, vé máy bay… về nhà kiếm gì để trả. Lại động viên nhau cùng cố gắng. Vì thế, lẽ ra chồng chỉ đi 3 năm mong kiếm chút vốn về nước làm ăn, bây giờ phải “gia hạn” thêm 5 năm nữa mới hi vọng đổi đời.
“Chồng đi xa mãi rồi cũng quen. Những lúc thấy cực quá thì khóc và tự an ủi: Mình ở nhà dẫu vất vả, nhưng vẫn còn có con cái, gia đình và bạn bè xung quanh. Anh sang đó, vừa phải kiếm tiền, lao động vất vả, lại lạ nước, lạ cái, cũng có khi bị bắt nạt mà không có ai bên cạnh an ủi, chia sẻ”- chị Liên thật thà.
Tuy nhiên, chị cũng cho hay: Chồng đi xa, mọi việc lớn nhỏ đều phải lo, tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ. Từ một người phụ nữ yếu đuối, luôn cần được che chở, tôi đã trở nên mạnh mẽ và dứt khoát. Giờ tôi lại nghĩ, nếu chồng xa nhà lâu quá, mà tôi lại “thích nghi” với cuộc sống chỉ có hai mẹ con, e rằng tới một lúc nào đó, tôi sẽ không cảm thấy thiếu người đàn ông trong nhà.
Nuôi dưỡng tình yêu
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Mai (tư vấn tình cảm 1088 Hà Nội) cho biết, không người phụ nữ nào lấy chồng mà lại muốn xa chồng. Đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ, trong khi tình cảm đang thắm thiết, mặn nồng. Chấp nhận để chồng đi xa cũng là một sự hi sinh và cố gắng lớn của chị em phụ nữ. Bản thân chị Mai đã từng nghe nhiều cuộc điện thoại tâm sự khi đã khuya – lúc con cái đã say giấc và mọi công việc trong ngày tạm gác lại, thì chị em mới thấm nỗi cô đơn và nhớ chồng da diết.
Họ tìm đến tư vấn viên đôi khi chỉ để chia sẻ, để “tám” và “bán than” về những hệ lụy khi xa chồng. Có những chị em không kìm nén được tình cảm, đã xiêu lòng trước sự quan tâm của một người khác giới, để rồi lại tự dằn vặt, đau khổ…Theo chị Mai thì cuộc sống hiện nay có nhiều cám dỗ, khoảng cách không gian, thời gian tạo ra hiểm họa cho cả vợ lẫn chồng. Tuy nhiên, hiểm họa trên chỉ thành hiện thực nếu người trong cuộc buông thả, thiếu bản lĩnh.
Để nuôi dưỡng tình yêu và giúp con có cảm giác không lạ lẫm với bố khi gặp lại, chị Mai có một số gợi ý như: Vợ chồng nên thường xuyên liên lạc với nhau, chia sẻ về mọi chuyện trong cuộc sống, kể cả những lúc tâm trạng không ổn để người bạn đời hiểu mình hơn. Không nên giấu cảm xúc của mình với chồng, lâu dần sẽ dễ chai sạn và âm thầm chịu đựng.
(St)
Làm gì khi chồng ngoại tình