Vitamin A là một trong những vi chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 6 - 36 tháng.
Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ trẻ trong nhóm tuổi kể trên mắc phải các bệnh như chậm lớn, giảm sức đề kháng, nhiễm trùng và các bệnh liên quan đến thị giác ngày càng tăng cao, mà nguyên nhân chủ yếu là do không được bổ sung vitamin A một cách hợp lý và khoa học.
Các mẹ đã biết cách bổ sung vitamin A cho trẻ hiệu quả chưa, hãy tham khảo bài viết này nhé!
Thông thường vitamin A chứa nhiều trong các loại rau quả xanh (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay…), rau quả có màu vàng đậm (cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…), hoặc có rất nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như (gan, thịt, cá, trứng, sữa...).
Mặc dù nguồn thực phẩm chứa vitamin A rất phong phú, nhưng đa số các bà mẹ lại chưa biết cách kết hợp các thực phẩm này khi chế biến món ăn cho bé, để bé có thể hấp thu các vitamin A hay các tiền chất vitamin A từ khẩu phần ăn hằng ngày một cách tốt nhất.
Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia vào năm 2008, có đến 80% bà mẹ đang có con nhỏ chưa biết hoặc biết rất ít các nhóm thực phẩm nào chứa nhiều vitamin A để chăm sóc cho bé.
Bên cạnh đó sữa mẹ là nguồn thực phẩm rất giàu vitamin A, đặc biệt là sữa non, tuy nhiên nếu mẹ không ăn uống đầy đủ các nhóm thực phẩm có chứa vitamin A thì lượng vitamin A trong sữa mẹ cũng sẽ bị giảm đáng kể.
Cũng trong cuộc khảo sát trên, kết quả cho thấy cứ 100 bà mẹ thì chỉ có 20 người là có chế độ ăn uống và bổ sung vitamin A đầy đủ.
Bổ sung vitamin A đầy đủ và đúng cách
Để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non. Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, các bà mẹ cần linh hoạt hơn trong việc chế biến các món ăn để tạo sự ngon miệng và phù hợp với trẻ nhưng vẫn bảo đảm cung cấp đầy đủ lượng vitamin A cần thiết trong khẩu phần ăn.
Bên cạnh đó cần chú ý bổ sung thêm chất béo, dầu mỡ vào khẩu phần của bé bởi vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, vì vậy khẩu phần ăn thiếu dầu mỡ sẽ làm giảm khả năng hấp thụ vitamin A của cơ thể.
Hiện nay, trong thành phần của các loại dầu ăn dành cho trẻ em như dầu ăn Kiddy, có chứa một hàm lượng vitamin A nhằm bổ sung nhu cầu hằng ngày của trẻ. Chỉ cần 1 thìa dầu ăn (5 ml) vào cháo, bột vừa nấu chín, trẻ sẽ được cung cấp đầy đủ chất béo và giúp hấp thụ tốt vitamin A có trong thực phẩm.
Ngoài ra còn có thể bổ sung thêm nhiều dưỡng chất quan trọng khác như DHA, EPA, omega 3, 6, 9 cho sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.
Bà mẹ cũng cần uống vitamin A liều cao (200.000 IU) bổ sung ngay sau sanh để bảo đảm sữa mẹ có đủ vitamin A cho trẻ. Trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng, bệnh nhiễm trùng tái phát nhiều lần, tiêu chảy kéo dài, trẻ bị sởi… cũng cần được uống vitamin A liều cao.
Trẻ dưới 6 tháng nhưng không bú mẹ cũng cần được bổ sung vitamin A tại trạm y tế với liều duy nhất 50.000 IU. Trẻ 6 - 36 tháng tuổi nên được uống vitamin A liều cao mỗi 6 tháng một lần.
Sắp tới vào ngày 1 - 2.12, nhãn hàng dầu ăn dinh dưỡng cho trẻ em Kiddy đã phối hợp với Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch thường niên bổ sung vitamin A cho bé từ 6 - 36 tháng, các bà mẹ có thể đưa bé đến các trung tâm y tế gần nhất để được các bác sĩ hướng dẫn và bổ sung vitamin A đầy đủ cho trẻ. (Q.T)
Bổ sung vitamin A cho trẻ em
Vitamin A rất cần cho cơ thể, nó ảnh hưởng tới sự chuyển hoá chất béo, chuyển hoá yếu tố vi lượng và phốt pho. Vitamin A còn duy trì sự hoàn chỉnh của da và niêm mạc. Nếu thiếu vitamin A các tế bào biểu mô của da và niêm mạc sẽ teo đi, thay vào đó là các tế bào sừng hoá, điển hình là thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, làm mất độ trong suốt của giác mạc dẫn đến mù loà.
Vitamin A còn tham gia tạo nên chất nhạy cảm với ánh sáng của tế bào võng mạc mắt, giữ vai trò quan trọng đối với thị giác lúc hoàng hôn. Chính vì vậy bệnh quáng gà là biểu hiện giai đoạn đầu của tình trạng thiếu vitamin A.
Vitamin A còn cần thiết cho sự sinh trưởng. Thiếu vitamin A có thể gây suy dinh dưỡng. Vitamin A làm tăng sức đề kháng của cơ thể, chống nhiễm khuẩn ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em. Ngoài ra nó còn làm lành các vết loét, vết thương và vết bỏng. Phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh có nhu cầu vitamin A lớn hơn người bình thường.
Muốn biết trẻ bị thiếu vitamin A, các bậc cha mẹ cần kịp thời phát hiện một số dấu hiệu ở con em mình. Biểu hiện sớm nhất là sức nhìn của trẻ giảm, chóng bị mỏi mắt, trẻ nhìn không rõ khi thiếu ánh sáng. Ví dụ khi trời chập choạng tối, trẻ trở nên nhút nhát, ngồi một chỗ, trẻ đi hay bị vấp ngã, khi đi trẻ phải quờ quạng.
Nếu nặng hơn sẽ dẫn tới khô mắt. Lúc đầu, lòng trắng của mắt mất vẻ bóng nhẵn; rồi xuất hiện nếp gấp, về sau cả lòng đen bị đục. Lúc này trẻ sợ ánh sáng, luôn nheo mắt, thậm chí nhắm nghiền mắt, hay nằm quay vào chỗ tối…
Để phòng bệnh thiếu vitamin A và bệnh khô mắt cho trẻ, hãy cho bà mẹ uống vitamin A ngay trong vòng một tháng đầu sau đẻ. Cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi uống bổ sung vitamin A 2 lần/năm theo lịch của ngành y tế.
Hãy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, đặc biệt cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt vì sữa mẹ có nhiều vitamin A. Khi trẻ đến tuổi ăn sam, cần bổ sung cho trẻ ăn các thức ăn giàu vitamin A như các loại củ, quả có màu đỏ, màu da cam các loại rau xanh. Khi nấu bột nên cho thêm một chút mỡ hoặc dầu ăn để hỗ trợ cho cơ thể hấp thu vitamin A tốt hơn.
Cần bổ sung vitamin A như thế nào cho hiệu quả?
Vitamin A là một trong những vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vậy cần bổ sung vitamin A như thế nào cho hiệu quả?
Vitamin A có nhiều chức năng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người. Trao đổi về vấn đề này PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết:
Vai trò của vitamin A
Vitamin A rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các bộ phận cơ thể con người. Nó tham gia vào sự tạo ra các mô, da, võng mạc ở mắt; giúp thị giác hoạt động tốt, chống lão hóa da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ bị giảm sút thị lực vào buổi tối hay còn gọi là quáng gà, khô mắt đưa đến mù mắt; dễ bị bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm khuẩn đường hô hấp, chậm lớn; gây ra các triệu chứng khô da, rụng tóc, gãy móng tay; ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của xương, làm xương mềm và mảnh hơn bình thường.
Nhưng thừa vitamin A cũng gây nguy hại không kém, có thể đưa đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, viêm khớp, đau bắp thịt, nôn mửa, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, bong da toàn thân; chán ăn, dễ bị kích thích, ói mửa; rụng tóc; da khô và ngứa, sung huyết da.
Ở trẻ đôi khi còn gây ra thoái hóa xương sớm ở các sụn tiếp hợp, gây ngừng tăng trưởng, trẻ dưới 1 năm tuổi có thể bị tăng áo lực nội sọ gây thóp lồi.
Cần bổ sung vitamin A như thế nào cho hiệu quả
Vitamin A và D là 2 loại vitamin có nhiều trong gan của cá thu, cá nhám… Để tiện lợi cho người sử dụng, các công ty dược đã sản xuất thuốc viên dầu gan cá cung cấp cùng lúc vitamin A và vitamin D, thuốc viên vitamin A-D. Các bậc cha mẹ muốn cho trẻ uống bổ sung thêm vitamin A, D cần lưu ý:
Uống lượng dầu gan cá hoặc vitamin A-D tương ứng với chỉ 2.500 IU (đơn vị quốc tế) vitamin A và 400 IU vitamin D mỗi ngày. Nên uống theo từng đợt cách quãng, nghĩa là sau khi uống 3 tuần phải ngưng uống 1-2 tuần rồi mới uống tiếp (nếu muốn tiếp tục).
Nên tham khảo thầy thuốc trước khi cho trẻ uống vitamin A.
Hàng ngày, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất béo (mỡ, dầu thực vật) và cho uống thuốc ngay sau khi ăn để thuốc dễ hấp thu hơn.
Không cho trẻ dùng vitamin A khi trẻ đã được cơ sở y tế cho uống vitamin A liều cao (theo chương trình “Chống mù lòa ở trẻ do thiếu vitamin A”).
Vitamin A có nhiều trong trứng, sữa, bơ, gan, thịt động vật, các loại rau, củ quả có màu đỏ, vàng hoặc xanh đậm. Đây được xem là nguồn bổ sung vitamin A rất tốt cho trẻ và sử dụng các nguồn này thì không bao giờ sợ quá liều.
DS Nguyễn Hữu Đức cũng chia sẻ thêm: Hiện nay, ngành y tế có chương trình cho trẻ uống vitamin A liều cao để chống mù lòa do thiếu vitamin A.
Các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi thuốc theo lịch và nhớ đã cho trẻ uống vitamin A theo chương trình rồi thì không nên cho trẻ uống thuốc vitamin A hoặc thuốc bổ có chứa vitamin A nữa.
Bổ sung vitamin A kết hợp tẩy giun đường ruột cho trẻ nhỏ
Bộ Y tế đã có hướng dẫn việc thực hiện bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ từ 6 đến 60 tháng tuổi kết hợp tẩy giun đường ruột cho cho trẻ em từ 12 đến 60 tháng tuổi. Đây là một biện pháp góp phần tích cực trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đối tượng còn non yếu này.
Cơ chế tác dụng của các loại thuốc
- Vitamin A: cần thiết cho quá trình nhìn, phát triển, bảo vệ toàn vẹn biểu mô và sự phân bào, miễn dịch.
Vitamin A rất cần cho quá trình nhìn. Nếu thiếu vitamin A gây nên hiện tượng quáng gà, trẻ em sẽ không nhìn thấy rõ trong điều kiện ánh sáng yếu; nếu thiếu ở múc độ nặng sẽ gây tổn thương giác mạc mắt, gây mù lòa vĩnh viễn.
Khi thiếu vitamin A, trẻ em bị chậm phát triển về thể chất nhiều hơn so với những trẻ em bình thường cùng lứa tuổi.
Vitamin A cũng có vai trò biệt hóa tế bào. Khi thiếu viatmin A, các tế bào biểu mô sẽ bị sừng hóa, những nhung mao của ruột bị thưa và mất đi. Vì vậy trẻ em sẽ kém hấp thu chất dinh dưỡng ở trong ruột và rất dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Vitamin A còn có vai trò miễn dịch. Nếu thiếu vitamin A, trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh sẽ có thời gian bệnh kéo dài nhiều hơn. Vì vậy thiếu vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và mắc bệnh ở trẻ em. Bổ sung vitamin A sẽ làm giảm khoảng 23% tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
- Thuốc tẩy giun
Mebendazole hầu như không gây độc cho người, nó ít được hấp thu vào máu, có khoảng 90% thuốc được đào thải theo phân trong vòng 24 giờ sau khi uống.
Thuốc có tác dụng làm ức chế sự hấp thu glucose của giun, dẫn đến sự suy kiệt glucogen và các thành phần ATP (adenosine triphosphate) cần cho đời sống của giun và làm cho giun bị chết dần. Giun sẽ bị đào thải ra theo phân dần dần sau khoảng từ 3 đến 7 ngày sau khi điều trị.
Albendazole cũng gần giống như Mebendazole, chúng có tác dụng ức chế sự hấp thu glucose của giun, làm giun mất năng lượng. Sau khi vào cơ thể, Albendazole được gan chuyển hóa thành Albendazole sulfoxide.
Trong huyết tương, có khoảng 70% Albendazole sulfoxide bám vào protein với thời gian bán phân hủy từ 8 đến 9 giờ. Albendazole sulfoxide đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 2 giở rưởi sau khi uống thuốc. Với liều 400 mg, nồng độ đỉnh của Albendazole sulfoxide huyết tương đạt khoảng 0,16 µg/ml.
Albendazole sulfoxide có tác dụng diệt ký sinh trùng cao hơn nguyên dạng Albendazole. Thuốc Albendazole có hiệu quả tốt hơn Mebendazole trong điều trị các bệnh do giun móc, nang sán (hydatid cyst). Albendazole và các chất chuyển hóa chủ yếu dưới dạng Albendazole sulfoxide được đào thải qua nước tiểu.
Các loại thuốc và liều lượng sử dụng
Vitamin A được sản xuất dưới dạnh viên nang, phổ biến là 2 loại viên nang liều cao. Viên màu đỏ chứa 200.000 đợn vị, viên màu xanh chứa 100.000 đơn vị.
Mebendazole được sản xuất dưới dạng viên nén chứa 500 mg Mebendazole. Các biệt dược thường mang tên như Mebendazole, Vermox, Fugacar.
Albendazole được sản xuất dưới dạng viên nén chứa 200 mg hoặc 400 mg Albendazole. Các biệt dược thường mang tên như Alzental, Zentel.
Vitamin A đơn thuần thường sử dụng cho trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi, được uống theo chiến dịch bổ sung vitamin A toàn quốc mỗi năm 2 lần. Vitamin A cũng được sử dụng điều trị cho trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A gây nên các bệnh như sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp cấp tính, suy dinh dưỡng nặng...
Ngoài ra, bà mẹ sau khi sinh con trong vòng một tháng có thể sử dụng vitamin A để tăng cường lượng vitamin A trong sữa mẹ.
Mebendazole hoặc Albendazole sử dụng đơn thuần thường có tác dụng đối với các loại giun đũa, giun tóc, giun móc và giun kim. Trẻ em tử 24 tháng tuổi trở lên đã có hướng dẫn điều trị thuốc tẩy giun của Bộ Y tế.
Riêng việc bổ sung vitamin A kết hợp với tẩy giun bằng thuốc Albendazole hoặc Mebendazole, các đối tượng trẻ em được thực hiện theo chiến dịch uống định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.
Trẻ em từ 12 đến 23 tháng tuổi uống vitamin A liều 200.000 đơn vị kết hợp với Albendazole 200 mg, hoặc Mebendazole 500 mg. Trẻ em từ 24 đến 60 tháng tuổi uống vitamin A liều 200.000 đơn vị kết hợp với Albendazole 400 mg, hoặc Mebendazole 500 mg.
Các tác dụng không mong muốn của thuốc
Vitamin A: cho trẻ emuống bổ sung an toàn và hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên trong một số các trường hợp nếu dùng vitamin A liều quá cao cùng một lúc, có thể đến hàng triệu đơn vị quốc tế hoặc dùng kéo dài, thường xuất hiện dấu hiệu ngộ độc như:
- Ngộ độc cấp tính xảy ra vì uống quá liều quy định do nhầm lẫn thuốc. Trên thực tế, các trường hợp này rất hiếm gặp. Khi bị ngộ độc cấp tính, trẻ nhỏ có dấu hiệu thóp phồng, nôn mửa, tăng áp lực sọ não... Cần cho trẻ em uống vitamin C hoặc nước chanh đường và nên đưa ngay đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
- Ngộ độc mạn tính xảy ra khi có các dấu hiệu như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, da khô, trẻ nhỏ chậm tăng cân, kém ăn, tăng sự chảy máu, đau xương...
Tuy nhiên, từ khi triển khai các hoạt động cho trẻ em uống vitamin A một năm 2 lần từ trước đến nay chưa xuất hiện dấu hiệu trẻ em bị nhiễm độc do uống vitamin A.
Mebendazole: sử dụng rất an toàn ngay cả đối với những trẻ em suy dinh dưỡng vàthiếu máu. Phản ứng không mong muốn của thuốc đôi khi xảy ra như đau bụng, thường gặp ở những trường hợp trẻ em bị nhiễm rất nhiều giun.
Albendazole: sử dụng cũng rất an toàn ngay cả đối với những trẻ em suy dinh dưỡng và thiếu máu. Khi sử dụng liệu trình điều trị từ 1 đến 3 ngày, Albendazole hầu như không có tác dụng không mong muốn, kể cả khi trẻ em bị nhiễm nhiều giun.
Có thể có những tác dụng không mong muốn xảy ra như đau thượng vị, buồn nôn, mệt nhọc, mất ngủ... Chỉ có khoảng 6% trẻ em được ghi nhận có dấu hiệu này nhưng nhẹ, thoáng qua, không cần can thiệp biện pháp y tế.
Chống chỉ định, xử trí và theo dõi
Khi thực hiện việc bổ sung vitamin A kết hợp với tẩy giun cho trẻ nhỏ cần chống chỉ định đối với các trường hợp trẻ nhỏ đang bị đau bụng, sốt cao trên 38oC; đang bị các bệnh mãn tính như tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản...; có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
Đối với các trường hợp uống thuốc tẩy giun, cần theo dõi trong 48 giờ sau khi uống.Những trường hợp có triệu chứng đau bụng nên theo dõi tại trạm y tế. Nếu gặp triệu chứng tắc ruột do trẻ em có quá nhiều giun, cần xử trí ngoại khoa tại bệnh viện.
Cần lưu ý rằng việc tẩy giun cho trẻ nhỏ từ 12 đến 23 tháng tuổi theo phác đồ quy định của Bộ Y tế được thực hiện khi có những bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm giun của trẻ nhỏ ở lứa tuổi này và được sự đồng ý bằng văn bản của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng, Trung tâm Phòng chống sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
80% bà mẹ không biết thực phẩm nào giàu vitamin A
Nước ta có rất nhiều loại rau trái và các loại thực phẩm giàu vitamin A nhưng tỷ lệ trẻ dưới sáu tháng tuổi bị thiếu vitamin A tại TPHCM là khá cao, cứ khoảng 5 trẻ dưới sáu tháng thì có 1 thiếu vitamin A! Nguyên nhân là từ sự thiếu hiểu biết của các bà mẹ.
Các loại rau quả xanh và vàng đậm (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…) chứa nhiều tiền vitamin A, khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành vitamin A.
Mặc dù thực phẩm phong phú là thế nhưng nhiều bà mẹ vẫn không biết thực phẩm nào giàu vitamin A. Theo khảo sát dịch tễ học của trung tâm Dinh dưỡng tiến hành năm 2008, có đến 80% bà mẹ đang nuôi con bú không biết thực phẩm giàu vitamin A. Chỉ có 30% bà mẹ cho con bú sử dụng thực phẩm giàu vitamin A trên 6 ngày/tuần.
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm giàu vitamin A, đặc biệt là sữa non. Tuy nhiên, nếu bà mẹ ăn không đủ vitamin A thì hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ sẽ bị thiếu.
Cũng theo khảo sát này, có đến 28% bà mẹ có hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ thấp. Điều này sẽ dẫn đến trẻ bú mẹ cũng bị thiếu vitamin A.
Vitamin A rất cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Trẻ dưới năm tuổi rất dễ bị thiếu vi chất này do nhu cầu tăng trưởng, nhưng chế độ ăn thường không đa dạng và không đủ. Hơn nữa, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm trùng và giun sán, làm tăng hao hụt vitamin A.
Thiếu vitamin A sẽ làm trẻ bị quáng gà, khô mắt, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến loét giác mạc gây mù loà, trẻ cũng dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng tái đi tái lại nhiều lần, chậm tăng trưởng, thậm chí sụt cân.
Làm sao để trẻ đủ vitamin A?
Để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non. Bà mẹ cũng cần uống vitamin A liều cao (200.000IU) bổ sung ngay sau sanh để bảo đảm sữa mẹ có đủ vitamin A cho trẻ.
Trẻ dưới 6 tháng nhưng không bú mẹ cũng cần được bổ sung vitamin A tại trạm y tế với liều duy nhất 50.000IU. Trẻ 6 - 36 tháng tuổi nên được uống vitamin A liều cao mỗi 6 tháng (vào ngày 1, 2/6 và ngày 1, 2/12) tại các điểm uống vitamin A trên toàn TPHCM.
Trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng, bệnh nhiễm trùng tái phát nhiều lần, tiêu chảy kéo dài, trẻ bị sởi… cũng cần được uống vitamin A liều cao.
Chế độ ăn của trẻ tuổi ăn giặm trở lên (tròn sáu tháng tuổi trở lên) nên có đủ thực phẩm giàu vitamin A kể trên.
Vitamin A từ thực phẩm nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn vitamin A từ nguồn thực vật. Sử dụng thực phẩm giàu vitamin A cũng cần đi kèm chế độ ăn có đủ chất béo trong khẩu phần để vi chất này hấp thu được dễ dàng.
Những thực phẩm tuyệt vời cho đôi mắt
Dưới đây là những thực phẩm giàu vitamin và giúp cho vẻ ngoài đôi mắt và mí mắt luôn khỏe mạnh.
Khi khỏe mạnh, hầu hết mọi người thường quan tâm nhiều đến những việc có thể giúp họ luôn trẻ trung, như chế độ ăn, tập luyện, chăm sóc da và tóc, giữ cho hàm răng trắng đều như ngọc trai. Những mặt khác của sức khỏe đã bị bỏ qua, bao gồm cả đôi mắt của bạn.
Chăm sóc đôi mắt hiếm khi được mọi người quan tâm. Ngoài những hành động để ngăn ngừa tổn thương, như tháo kính áp tròng trước khi ngủ và tránh nhìn quá gần màn hình ti vi, bạn cũng có thể bảo vệ đôi mắt bằng cách đeo kính dùng cho máy tính khi làm việc và điều chỉnh chế độ ăn đơn giản để bảo vệ sức khỏe đôi mắt. Chỉ cần bạn nhớ rằng, khi chọn thực phẩm có lợi cho đôi mắt, vitamin A là điều bạn nên hướng tới.
1. Cà rốt
Chúng ta đều được nghe rằng ăn cà rốt sẽ giúp cho mắt luôn khỏe mạnh, nhưng đó là sự thực. Cùng với vitamin A, cà rốt giàu các chất chống ôxy hóa hiệu quả, bảo vệ mắt không tiếp xúc với ô nhiễm và ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nếu bạn không thích ăn cà rốt vào bữa ăn chiều, hãy cố dùng vào bữa ăn tối.
2. Khoai lang
Khoai lang là nguồn vitamin A tuyệt vời, cũng như kali và chất xơ. Thay vì các món chiên rán ăn nhanh, bạn hãy thử ăn món khoai lang chiên đơn giản - rất tốt cho đôi mắt của bạn đấy.
3. Rau bina
Bổ sung vitamin A qua chế độ ăn là cách đơn giản nhất đối với tất cả mọi người. Thay lá rau bina – cũng giàu lutein (một carotenoid bảo vệ tế bào không bị tổn thương) – cho rau diếp ở món sa lát sẽ có thêm vitamin A cần cho đôi mắt của bạn.
4. Trái cây họ cam quýt
Trái cây họ cam quýt như cam, bưởi chùm, chanh và cam chanh là những trái cây hoàn hảo để thêm vào chế độ ăn có lợi cho sức khỏe. Chúng giàu vitamin A và C, giúp ngăn ngừa tổn thương thần kinh ở mắt.
5. Thịt bò nạc
Thịt bò nạc là nguồn kẽm tuyệt vời, giúp cơ thể hấp thu các chất chống ôxy hóa và chống lại bệnh tật. Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa hấp thu kẽm và sức khỏe đôi mắt, đặc biệt là sức khỏe võng mạc.
Chọn thịt nạc để giảm lượng chất béo no toàn phần trong chế độ ăn của bạn. Tăng kẽm trong chế độ ăn bằng cách chọn pho-mát, sữa chua, thịt lợn, gà tây và ngũ cốc đã bổ sung.
6. Cá hồi
Các axít béo omega-3 giống như các axít béo có trong cá béo, giữ một vai trò quan trọng trong sức khỏe võng mạc và giúp làm giảm nguy cơ thoái hóa hoàng điểm. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 2 phần cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi hoặc cá trích. Cá hồi cũng giàu niacin, giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.
7. Sữa
Sữa là nguồn giàu riboflavin và có thể giúp bạn giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Sữa cũng bổ sung vitamin A, một trong những loại vitamin hàng đầu cho sức khỏe đôi mắt. Pho-mát, trứng và gan là những nguồn thực phẩm động vật khác giàu vitamin A.