Ca sỹ Hồng Nhung ( sinh ngày 15 tháng 3 năm 1970 tại Hà Nội) là một trong những ca sĩ hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam suốt hơn 2 thập niên vừa qua. Ngoài những thành công trong sự nghiệp, chuyện đời tư của chị Bống Hồng Nhung luôn là tâm điểm được mọi người chú ý.
Hồng Nhung ( sinh ngày 15 tháng 3 năm 1970 tại Hà Nội) là một ca sĩ của Việt Nam. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác tặng cô ba bài Bống: Bống bồng ơi, Bống không là bống, Thuở bống là người. Hồng Nhung là ca sĩ hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam suốt hơn 2 thập niên vừa qua.
Tiểu sử
Ông nội của Hồng Nhung là họa sĩ Lê Văn Ngoạn; ông ngoại là nhà ngôn ngữ học Đới Xuân Ninh; bố cô là dịch giả Lê Văn Viện. Hồng Nhung vẫn được gia đình và bạn bè gọi thân thiết với cái tên trìu mến: Bống.
Bố mẹ Hồng Nhung chia tay khi cô chưa đầy 2 tuổi. Vì bố cô là con một nên khi chia tay, ông đã kiên quyết nhận nuôi Hồng Nhung. Từ đó, cô sống với bố và ông bà nội nhưng những ngày cuối tuần thì đến thăm mẹ. Năm 1983, Hồng Nhung có tên trong danh sách những học sinh giỏi toàn thành phố, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen. Đồng thời cũng là học sinh giỏi toàn diện 7 năm liền và tốt nghiệp PTCS với số điểm 36/40, từng được cử đi thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố rồi đi thi Học sinh giỏi Quốc gia.
Hồng Nhung tốt nghiệp khoa Tiếng Anh của Đại học Khoa học và Xã hội Nhân Văn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp
Năm 10 tuổi, Hồng Nhung thi tuyển vào đội Họa mi của Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội và trở thành thành viên của đội Họa mi. Năm 11 tuổi, Hồng Nhung được tới Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh bài hát đầu tiên: “Lời chào của em” và biểu diễn trong Đội nghệ thuật Măng non Hà Nội. Bản thu thanh đó được gia đình Hồng Nhung lưu giữ đến tận bây giờ và vẫn được cả gia đình thi thoảng mang ra nghe lại. Sau đó, Hồng Nhung trở thành đại diện thiếu nhi của Thủ đô Hà Nội được đi lưu diễn nước ngoài, trở thành giọng hát thiếu nhi được yêu mến tại Hà Nội lúc bấy giờ.
Năm 15 tuổi, cô đoạt Huy chương vàng "Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc" tại Hải Phòng với "Diều ơi cho em bay" của Nguyễn Cường. Khoảng hơn 1 năm sau, Hồng Nhung gặp nhạc sỹ Quang Vinh, gia nhập Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương và bắt đầu bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp và nhanh chóng trở thành một hiện tượng nhạc trẻ bấy giờ. Năm 1987, được chọn đi thi “Giọng hát hay Hà Nội”, lúc đó cô mới học năm thứ nhất hệ trung cấp ở Trường nghệ thuật Hà Nội và giành giải nhất với ca khúc “Nhớ về Hà Nội”. Tháng 9 năm 1991, Hồng Nhung đoạt giải nhất "Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ 2" với các ca khúc "Hãy đến với em" (Duy Thái), "Vì sao anh không đến" (Từ Huy) và "Nothing compares to you" (Sinead O'Connor).
Ngoài 20 tuổi theo bố vào Sài Gòn, Hồng Nhung may mắn gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tạo nên một mối nhân duyên âm nhạc vô cùng đẹp đẽ sau này và cũng là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời âm nhạc của Hồng Nhung, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá tính âm nhạc và con đường âm nhạc của Hồng Nhung sau này.
Mối lương duyên giữa Hồng Nhung và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá tính âm nhạc và con đường âm nhạc của Hồng Nhung sau này
Hồng Nhung với âm nhạc Trịnh Công Sơn
-
Trịnh Công Sơn đã từng viết về Bống:
- Em đi đâu mà vội
- Bống lòng suối thảnh thơi…
- Em đi đâu mà vội
- Ngày Bống mẹ bồng
- Nhẹ quá tơ tằm
- Lay nhẹ Bống Bồng Bông
- Lay nhẹ đóa Hồng Nhung…
-
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết tặng Hồng Nhung 3 ca khúc: Bống bồng ơi, Bống không là Bống, Thưở Bống là người
-
Album nhạc Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung đã phát hành:
- Album đầu tiên "Bống bồng ơi" (1993) với 11 ca khúc do Bảo Phúc biên tập & hoà âm. Tái bản 2006 với tên "Em hãy ngủ đi" (10 ca khúc)
- Album "Thuở Bống là người" (2003) với 11 ca khúc do Trịnh Công Sơn & Hồng Nhung biên tập; Bảo Phúc & Trần Mạnh Tuấn hoà âm (Album bắt đầu thực hiện từ năm 2000).
- Album "Như cánh vạc bay" (2006) với 9 ca khúc do Hoài Sa hoà âm.
- Album "Có đâu bao giờ" (2009) với 10 ca khúc (song ca cùng Quang Dũng) do Hoài Sa hoà âm.
-
Live show nhạc Trịnh - Hồng Nhung đã thực hiện:
- 2003: Live show "Thuở Bống là người"
- 2006: Live show "Như cánh vạc bay"
- 2009: Live show "Có đâu bao giờ" (cùng Quang Dũng)
- Chuyên đề Hồng Nhung - Trịnh Công Sơn: "Tình yêu và âm nhạc"
CHỊ BỐNG HỒNG NHUNG KỂ CHUYỆN VỀ GIA ĐÌNH
Hồng Nhung có một người mẹ đẻ luôn gần gũi, dạy cho chị biết giữ gìn và tự hào về những giá trị văn hóa là nguồn gốc của tổ tiên của nơi chị được sinh ra.
Lớn lên, chị lại có một người mẹ kế dịu hiền, vừa thân như ruột thịt, vừa thân như bạn gái... Chị chọn sống vui với những gì mình có hôm nay, chưa vội lo sợ trước cho chương cuối cuộc đời.
Ước nguyện của hai người mẹ đặc biệt
Cái tên Bống của Nhung ngày nhỏ gắn với một kỷ niệm vui, chẳng phải lúc sinh ra Nhung bé teo, nhẳng nhơ như con cá bống, mà do một chiều tháng Ba năm 1970, mẹ chị ôm cái bụng khệ nệ ra mép Hồ Tây câu cá bống. Câu mải mê đến tận 7h tối, bà ngoại phải chạy ra gọi về, mẹ mới chịu.
Đêm ấy, mẹ trở dạ, sáng hôm sau thì sinh ra một cô bé. Thấy người cháu chắc nịch, bà ngoại liền đặt tên là cái Bống. Mẹ Nhung kể, nuôi Nhung rất nhàn vì chị ít quấy mẹ, 9 tháng tuổi đã biết đi, một năm tuổi thì biết hát rất sõi, đúng nhịp bài Chị ong nâu nâu. Lúc ấy bà không nghĩ là sau này con gái lại trở thành ca sĩ.
Mọi sự đã không như ý nguyện, gia đình Hồng Nhung bắt đầu có những trục trặc. Đến năm Nhung được 2 tuổi thì bố mẹ chia tay nhau. Mẹ chị lúc đó đang công tác tại Đại học Bách Khoa, phụ trách mảng kỹ thuật. Bố đã quyết định nuôi Nhung.
Mẹ Nhung bảo, đó là cú sốc lớn nhất trong đời bà. Ở lại với nỗi trống trải, nhất là mỗi khi đêm về, bà luôn ám ảnh bởi đôi mắt màu hạt nhãn của con gái, giờ đã không còn ở bên mình. Bà muốn thay đổi cuộc sống buồn tẻ, sau thời gian nghỉ ở trường Bách Khoa, bà quyết định xin vào công tác tại trường cấp 3 Trần Phú. Sau đó lại về tờ báo Chính Nghĩa, tiền thân của báo Người Công Giáo Việt Nam.
Mẹ con không ở với nhau, nhưng cứ mỗi thứ bảy, bà lại đến thăm con ở số 11 Điện Biên Phủ. Hai mẹ con ôm lấy nhau, cái tình cũng phải bộc lộ âm thầm, kín đáo vì ngại với ông bà nội. Khi Bống học lên cấp 2 thì chị đã tự đến thăm, đỡ đần cho mẹ, đến lúc bà nội mất, chị chuyển sang sống với mẹ hơn 3 năm rồi lại về ở với bố.
16 tuổi, Nhung đã đoạt huy chương vàng giọng hát hay hội diễn toàn quốc. Sau khi học xong cấp 3, chị thi vào Nhạc Viện Hà Nội, rồi nhận công tác tại Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Hồi ấy, Hồng Nhung và Thanh Lam chơi với nhau khá thân, thỉnh thoảng cả hai còn đến nhà chơi và ăn cơm với mẹ Bống. Tuy nhiên, khi vừa khôn lớn và có dịp để chia sẻ tình cảm với mẹ, thì Nhung vào TP. HCM theo bố, làm ca sĩ tự do.
Có người nhận xét Nhung có gương mặt giống hệt mẹ, nhưng tính cách thì chẳng giống chút nào. Nhung là người đa cảm, trông trên sân khấu thì vui tươi, nhí nhảnh, nhưng khi ra khỏi cánh gà, Nhung biến đổi hẳn, trở nên ưu tư hơn. Còn bà, lúc nào trông cũng “vui như Tết”, cười với đủ cách hài hước như chưa bao giờ phải biết buồn.
Nhiều năm sống độc thân, nhưng bà không thích sự nhàn rỗi, bà đã làm rất nhiều nghề, từ đánh máy, làm văn thư, đi bán sách báo… Chính vì thế khi đã bước sang tuổi 50, bà mới có những giây phút thư thái, sống an nhàn hơn. Bây giờ tuy bà đã có gia đình mới, nhưng lần nào ra Bắc Hồng Nhung cũng ghé đến thăm mẹ, nhiều đến nỗi con yểng đã quen tiếng gọi “Nhung ơi” suốt ngày.
Đến thăm mẹ chỉ được dăm phút, thỉnh thoảng mới lại ngồi ăn cơm với mẹ một bữa, nhưng như thế với chị đã là hạnh phúc rồi. Năm nay Nhung đã 41 tuổi, có lúc mẹ cũng giục Nhung lập gia đình, nhưng chỉ thấy con gái khẽ cười.
Và có một người phụ nữ đặc biệt thường xuất hiện bên cạnh Hồng Nhung, cư xử như bất kỳ mối quan hệ mẫu tử ruột thịt nào trên đời. Người đời hay nói “bánh đúc có xương”, “mẹ kế con chồng” nhưng đối với Hồng Nhung, điều đó không đáng bận tâm. Đã hơn 20 năm mẹ Mai trở thành “mẹ kế” của Nhung nhưng chị quên mất điều đó mà chỉ nghĩ đơn giản, mình là con của mẹ.
Mẹ Mai quen bố Hồng Nhung khi Nhung bắt đầu có tiếng ở Hà Nội. Lần đầu tiên mẹ Mai gặp Nhung là khi bà đến nhà hai bố con chơi, Nhung vừa đi diễn xa về, chị cũng nhìn bà và chào hỏi, trò chuyện rất thân thiện. Lần đó, chị mở vali và lấy ra hai chiếc quần mua cho bố, bảo bà: “Cô ơi, cô lên gấu quần cho bố cháu”. Nhung tin tưởng bà và quan hệ của bà với bố chị.
Rồi khi hai người quyết định về ở với nhau, cho dù Nhung đã là người nổi tiếng nhưng trong gia đình vẫn là trẻ con nên bà vẫn luôn ứng xử theo cách của người lớn, với suy nghĩ nếu bà thương yêu Nhung thì chắc chắn chị cũng sẽ thương yêu bà.
Tình cảm là điều không thể ép buộc, may mắn cho Hồng Nhung là số phận cho chị gặp một người mẹ kế như bà, rất giản dị, nhân hậu và tình cảm. Không quá lâu, chỉ chừng nửa năm về với bố con Nhung, bà và Nhung đã thân thiết như những người bạn. Nhung bắt đầu tin tưởng ở mẹ Mai và bà bắt đầu giúp đỡ chị những công việc nghề nghiệp.
Nhung nhớ vô cùng những ngày đầu tiên chị vào Sài Gòn. Hàng ngày, mẹ Mai chở chị bằng xe máy đi hát. Nhà xa, tận khu Văn Thánh nhưng ngày nắng cũng như mưa hai mẹ con vẫn đi cùng nhau trên con đường ấy.
Bà và Nhung vẫn đến thăm nom mẹ đẻ Nhung ở Hà Nội, ăn cơm ở đó. Mẹ Hồng vào Sài Gòn cũng vẫn về ở với gia đình Nhung. Tết nào mẹ Hồng của Nhung vẫn gửi đào, bánh chưng và hành muối vào cho Nhung, cho bà Mai ăn Tết kiểu Hà Nội.
Điều mong muốn nhất mà mẹ Mai cầu mong cho Nhung bây giờ là tiếng cười trẻ con trong gia đình... Bà đã là một người mẹ may mắn khi có Nhung. Và bà cũng mong chị may mắn và hạnh phúc như thế.
Nỗi niềm cô con gái
Hồng Nhung tâm sự: “Tôi không phải là trường hợp ngoại lệ không muốn lập gia đình và có con cái. Tôi mong muốn một gia đình hạnh phúc và nghĩ về điều này một cách nghiêm túc, mà cũng có khi là quá thận trọng, nên mới bị “ế” như thế này?! Nhưng tôi thấy trong các chuyện trọng đại trong đời thì chuyện này lại càng là chuyện không thể vội vã. Còn phong thái nhẹ nhàng và tự do thì có lẽ từ yoga mà ra. Tôi thích những điều chỉ bảo trong sách của nhà sư Thích Nhất Hạnh, trong đó điều quan trọng nhất là việc học sống và thưởng thức từng giây phút của cuộc sống hàng ngày, dù đang làm việc to tát hay nhỏ tí ti, bởi mỗi khoảnh khắc sống là quí báu, và không bao giờ quay trở lại!”.
Nói về nguyên nhân của việc “muộn chồng” của mình, cô cho biết: “Hồng Nhung đã từng chứng kiến sự hợp - tan của nhiều bạn bè và người thân trong gia đình, mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ đều có những nguyên nhân khác nhau, nếu hiểu được thì không có lý do gì phải lo sợ chuyện đó sẽ đến với mình. Tính cách con người đôi khi không phải là nguyên nhân chính khiến họ phải sống một mình hay sống với nhiều người. Bởi vì khi ông trời sinh ra một người thì tương ứng sẽ có một người nào tương thích với họ. Nếu chưa tìm được gặp nhau lúc này thì lúc khác, kiếp này chưa gặp ắt có kiếp sau”.
Quan niệm về tình yêu của Hồng Nhung cũng rất thoáng, cô nghĩ: “Đàn ông thường không thích bị trói buộc dù bạn có khéo léo trói buộc họ. Họ cũng thích được yêu thương, chăm sóc và lo lắng. Hồng Nhung không có xu hướng phải trói buộc người đàn ông nào vào cuộc đời mình và thích họ phải tự tìm đến mình, hãy để họ khám phá, tìm hiểu và yêu thương mình. Cũng có nhiều người đến với Hồng Nhung nhưng có lẽ do chưa phải là người ông tơ bà nguyệt định sẵn nên vẫn chưa ai ở lại để cùng trói buộc đời nhau...”.
Bố mẹ Hồng Nhung luôn quan tâm, lo lắng đến chuyện con gái lập gia đình, và khi con gái càng lớn tuổi thì họ càng lo lắng chuyện đó hơn: “Bố tôi chưa hề nói gì với tôi, nhưng cũng đã từng “thì thầm” với mẹ Mai về chuyện giục giã! Tôi biết cả hai người và cả mẹ đẻ tôi nữa, đều mong ngóng lắm! Tôi cảm thấy như một đứa trẻ khi được quan tâm nhiều như thế. Hạnh phúc của tôi sẽ trở thành niềm vui chung của cả nhà. Chúng tôi có sự chờ đợi ở phía trước để mong điều tốt lành!”.
Khi được hỏi Bống có tự tin rằng khi lập gia đình, cô sẽ là một người phụ nữ của gia đình đúng nghĩa công - dung - ngôn - hạnh không, cô cười tươi trả lời: “Tôi không dám nghĩ mình sẽ đạt được chuẩn mực đó, nhưng chưa cần lập gia đình thì tôi cũng luôn sống một cuộc sống thu về dưới mái nhà riêng, nơi cuộc sống ấm cúng được chăm chút bằng tình cảm, bằng lao động, và bằng sự thích thú! Tinh thần này cũng được thể hiện trong âm nhạc của tôi, trước là trong “Papa” (khi tôi mới 15 tuổi), sau này, trong “Khu vườn yên tĩnh”. Phải “yên” trong nhà thì mới “tươi” ngoài ngõ!”.
Hồng Nhung còn là một người phụ nữ rất yêu trẻ, cô cho biết: “Tôi rất yêu trẻ. Ngay việc hình dung thôi, về những em bé trong tương lai cũng làm tôi phấn chấn lắm rồi! Các bạn tôi bảo tôi sẽ được biết đến niềm hạnh phúc chưa bao giờ chạm tới”.
Bạn bè cô Bống cho rằng vì tuổi thơ cô không được êm đềm cho lắm: Mẹ mất, bố đi thêm bước nữa, gia đình chuyển vào Nam, chị vào nghề sớm... nên đã tước đi những ngày vui chơi thoải mái. Nhưng với Hồng Nhung, cô chia sẻ: “Những gì ta không có được ở tuổi thơ ấu thì vĩnh viễn để lại những khoảng trống mà sau này không thể làm gì bù lại được! Vì thế những gì tôi làm bây giờ là để cho bây giờ!”.
“Năm 10 tuổi, tôi đi tuyển vào đội Họa mi của Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội, và từ đó, cánh cửa của một thế giới tràn tiếng nhạc và tiếng cười mở ra cho tuổi thơ tôi. Tôi được đi lưu diễn khắp miền đất nước, và đi cả ra nước ngoài nữa... Tôi thấy mình giống như “dế mèn phiêu lưu ký”, tuổi thơ đầy thú vị, tôi không hề muốn thay đổi gì!” - Hồng Nhung nói.
CHUYỆN TÌNH YÊU CỦA CA SỸ HỒNG NHUNG
Mối tình bí ẩn giữa ca sỹ Hồng Nhung và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Ngày Trịnh Công Sơn mất, Hồng Nhung đang dở hợp đồng biểu diễn tại Australia, bay về đưa tang rồi lại gạt nước mắt mà đi. Khi ấy, Nhung đang làm dở album “Thủa Bống làm người”. Bống những muốn ra ngay album này, nhưng cha cô khuyên nên để lại đến hai năm sau. Album sử dụng những bức ảnh của Dương Minh Long chụp, bức màu vàng tượng trưng cho dương, bức đen trắng tượng trưng cho âm, nói về sự chia lìa mãi mãi của đôi tình nhân âm nhạc.
Tuy nhiên, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của Trịnh Công Sơn, không đồng ý với những quan điểm mà hai người bạn ông đưa ra. “Từ ngày anh Sơn mất có rất nhiều tin đồn. Ai thích nói gì thì nói nhưng tôi cho rằng, sự thật vẫn luôn là sự thật, sẽ có lúc phải được sáng tỏ. Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe những lời phát biểu về chuyện này, nên không sốc, không ngạc nhiên. Tôi chỉ muốn những người có tâm hãy để anh tôi được yên vì sống hay chết người ta đều cần sự bình yên” - bà Trinh bày tỏ. Theo bà, nghệ sĩ thường rất mơ mộng, cảm xúc làm nên tác phẩm có thể đến từ một hình ảnh đẹp thoáng qua hay những rung động chứ không hẳn từ một tình cảm sâu đậm.
Chia sẻ thêm với VnExpress.net, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết: “Trong cuộc đời anh Sơn, một cô gái mà gia đình xác định là tình yêu sâu đậm của anh là người đẹp Dao Ánh. Anh tôi viết Hạ trắng, Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em xuất phát từ tình cảm đó, nhưng bản thân Dao Ánh chưa bao giờ lên tiếng về điều này. Những tình yêu chân thật không nên phô bày mà cần được nâng niu. Sống trong cuộc sống, theo quan điểm của tôi, im lặng là vàng. Trong cái im lặng đó, mình sẽ hiểu nhau”.
|
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh: Xã luận. |
Bản thân người trong cuộc, ca sĩ Hồng Nhung cho biết cô không có phát biểu gì. “Tôi chỉ muốn nói, tôi luôn là học trò, là người thân của Trịnh Công Sơn” - cô Bống chia sẻ.
Dù một bức màn bí ẩn nhiều tranh cãi luôn bao phủ lên mối quan hệ của Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung, cặp nghệ sĩ này đã có rất nhiều cống hiến cho âm nhạc Việt. Nhạc sĩ quê hương Thừa Thiên đã viết ba bài hát: Bống bồng ơi, Thủa Bống làm người, Bống không là Bống là dành riêng cho cô ca sĩ ông gặp và quý mến từ những năm 90 thế kỷ 20. Trước đó, cái bóng Khánh Ly đã bao phủ quá nặng lên những tác phẩm nhạc Trịnh. Người nghe nhạc Trịnh chỉ chấp nhận cái khàn, cái thư thả, dửng dưng, nhẹ như bấc mà nặng như chì trong cách hát của giọng ca Đà Lạt mà không chịu mở lòng với bất cứ ai khác, bất cứ cách làm mới nào khác. Thế mà Hồng Nhung làm được.
Sự thành công của Bống một phần chính bởi cách ưu ái của Trịnh Công Sơn khi ông nói: “Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với (...) thời hiện đại - Một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ”. Hồng Nhung chọn cách hát dương tính trong khi nhạc Trịnh đầy tính âm, đi vào trong chứ không ra ngoài. Cái đáng kể ở đây là cả hai đã tìm cách hòa nhập vào nhau, nói như cách nói của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - Hồng Nhung chín sớm và Trịnh Công Sơn xanh muộn lại. Nhung vẫn hát dương tính nhưng biết cách đi vào đáy cảm xúc của ca từ rồi mới ra ngoài, hát đầy khắc khoải. Đó có lẽ là sự kết tinh của mối quan hệ mà Trịnh tự nhận xét là “thân quá không biết nên gọi là gì”.
Suốt 62 năm trong “cõi tạm”, cuộc đời Trịnh Công Sơn bao phủ bởi rất nhiều chuyện tình huyền hoặc, ban đầu là Diễm, là Quỳnh Hương, là Nguyệt, Bích Khê, về sau có Hoàng Lan, Michiko, có V.A, Dao Ánh, Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt ông phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Cũng có lần Trịnh hân hoan thông báo với mọi người về đám cưới, nhưng rồi ông lại ngậm ngùi bảo thôi. Đó là sự tử tế của người đàn ông không muốn người đàn bà nào vì mình mà khổ. Người đàn bà nào yêu Trịnh cũng rất hạnh phúc bởi những giây phút thăng hoa, nhưng về khía cạnh trần tục thì bất hạnh. Ông là một tâm hồn mong manh, dễ vỡ, yêu đàn bà bằng một tình yêu mang hơi thở Phật giáo chứ không mang lại cho họ một mái ấm, một đứa con. Các giai nhân từng đi qua đời ông, người ngắn người dài nhưng không ai oán trách bởi đó đều là thứ tình yêu thần tượng chuyển thành tình yêu trai gái.
Khánh Ly không có một cuộc tình với Trịnh Công Sơn, nhưng định mệnh như đã gắn liền tên cô với tên ông. Cô yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy, và cả một người tình. Khánh Ly thường nói: “Tuy không một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Trong số những bức ảnh của Trịnh Công Sơn, người ta nhắc nhiều đến bức hình ba người, Khánh Ly ngồi trên lòng Trịnh Công Sơn, đứng cạnh đó là chồng cô. Có lẽ, người đàn ông đó hiểu mình có nhiệm vụ bảo tồn thứ tình đã thành vĩnh cửu trong tâm hồn vợ. Điều này vượt qua mọi thói ghen tuông tầm thường. Đó cũng là một nét tinh hoa văn hóa.
Sau gần một thập kỷ rời bỏ “cõi tạm”, ký ức về Trịnh vẫn sống mãi trong tâm tưởng gia đình, bè bạn, công chúng yêu mến âm nhạc. Đêm nhạc với những bài hát về thân phận, về “cõi tạm” của ông: Một cõi đi về, Ở trọ, Nắng thủy tinh, Nhớ mùa thu Hà nội, Quỳnh Hương… khắc hoạ lại chân dung Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, tối 28/11. Tiếc rằng cả ba ca sĩ hát thành công nhất nhạc Trịnh đều vắng mặt. Sinh thời, Trinh Công Sơn từng viết: “Khánh Ly, một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau. Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất. Vĩnh Trinh, một người em ruột phải bù đắp vì không kịp thấy bố khi vừa ra đời, một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời, và cho tôi. Hồng Nhung, một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai? Khánh Vĩnh Hồng hay Ly Trinh Nhung là điều phải có, gần như tất yếu, trong cuộc đời sáng tác của một người”. Khánh Ly ở hải ngoại, trong khi Hồng Nhung và Trịnh Vĩnh Trinh đều cho biết vì bận việc mà không thể tham gia đêm nhạc. Thay vào đó là sự góp mặt của những ca sĩ: NSƯT Đức Long, Mỹ Linh, nhóm Con Gái, Phương Anh và Ái Vân.
Hồng Nhung hạnh phúc bên chồng
Hồng Nhung đã kết hôn với người chồng quốc tịch Mỹ tên Kevin hồi tháng 7 năm 2011 sau khi tổ chức lễ đính hôn vào cuối tháng 6 năm 2007 tại Vũng Tàu và sinh đôi một trai một gái vào đúng vào dịp lễ Phục sinh tức ngày 8 tháng 4 năm 2012 tại Thái Lan.
Một số hình ảnh của Hồng Nhung:
Hồng Nhung năm 17 tuổi
Tiểu sử ca sĩ Kasim Hoàng Vũ
Tiểu sử ca sỹ nhạc sỹ Phương Uyên
Tiểu sử Hằng Bingboong
Tiểu sử nghệ sĩ Thanh Bạch
Tiểu sử MC Nguyên Khang
Tiểu sử diễn viên Bình Minh
(st)