Quang Linh không có ưu thế ngoại hình, nhưng bù lại, anh có một nét duyên rất lạ, vừa trầm tư kiểu Huế vừa hài hước kiểu Hà Nội, và lại có lối tiếp chuyện liên hồi kỳ trận mà dân Sài Gòn rất mê. Anh thường hay tụ điểm tại Cầu Vồng 126, hay được mời đi hát dịp trong những dịp khai trương, Quang Linh đã chiếm cảm tình đông đảo công chúng.
Lê Quang Linh, sinh ngày 01 tháng 09 năm 1965 tại Huế, hiện đang sống tại Hà Nội. Thuở nhỏ, Quang Linh đã thích hát, đã sinh hoạt rất say mê ở Nhà Thiếu nhi, nhưng mãi đến năm 19 tuổi, anh mới quyết định đi vào con đường văn nghệ.
Lúc đầu Quang Linh hát nghiệp dư ở Nhà Văn hoá Thanh niên Huế rồi tham gia Ðoàn Ca nhạc Xung kích. Năm 1990, Quang Linh đoạt giải nhất Giọng hát hay khu vực miền Trung với hai ca khúc Ngẫu hứng lý qua cầu (Trần Tiến) và Gửi Huế (Huy Phương); anh cũng may mắn được giảng viên Lô Thanh ở Nhạc viện Huế chỉ dạy một số kỹ thuật căn bản và được thầy giới thiệu cho bầu show Vũ Ân Khoa. Từ đó, Quang Linh trở thành một ca sĩ chạy show khắp các tỉnh phía Bắc, là hạt nhân quan trọng trong các chương trình ca nhạc và đến đầu năm 1996, thì được mời về cộng tác chính thức với Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội).
Quang Linh không có ưu thế ngoại hình, nhưng bù lại, anh được trời ban cho chất giọng khá ngọt ngào đặc biệt là đối với các ca khúc dân ca. Những bài hát thành công của Quang Linh có thể kể: Chim sáo ngày xưa, Thuở ban đầu (Nhất Sinh), Yêu nhau – ghét nhau (Vy Nhật Tảo), Con gái bây giờ (Quốc Hùng), Ngả nón trông theo (Trần Quang Lộc), Huế thương, Ca dao em và tôi (An Thuyên), Gửi người em gái (Ðoàn Chuẩn).
Giữa những ồn ào, sôi động của dòng nhạc thị trường, chàng ca sĩ gốc Huế vẫn âm thầm theo đuổi những ca khúc mang đậm chất dân ca. Anh tâm sự, dòng nhạc quê hương đã trở thành máu thịt của mình, bởi vậy cho dù có đơn thương độc mã giữa bầu trời âm nhạc, Quang Linh vẫn không thể dứt bỏ.
QUANG LINH TÂM SỰ VỀ CHUYỆN ĐỜI
Quang Linh trải lòng về các Scandal
Thời cao điểm, anh chỉ có 4 tiếng để ngủ và ăn mỗi ngày, 20 tiếng còn lại là... hát, cả trên sân khấu và phòng thu. Nhưng thời đó đã xa. Chàng ca sĩ của xứ Huế với những làn điệu dân ca giờ đã phải nhường sân cho những ca sĩ thời trang hát nhạc teenpop, R&B... Dưới đây là bộc bạch của anh.
Tôi không dám khẳng định là mình có tài năng, nhưng tôi dám nói mình là người can đảm, vì tôi đã chọn dân ca, một loại nhạc không ăn khách và luôn kiên định với nó. Tuy nhiên, không có cái gì tồn tại mãi. Những giai điệu trầm lắng, trữ tình rồi cũng đến lúc nhường chỗ cho những nốt nhạc mạnh hơn, trẻ hơn. Đáng tiếc, tôi không thể nhuộm tóc xanh đỏ, ăn mặc model lên sân khấu hát nhạc Hoa lời Việt. Bởi nếu thay đổi thì tôi không còn là tôi nữa. Nhất dáng, nhì da, tôi chẳng có cái gì cả. Mỗi lần đụng đến trang phục, tôi khổ sở lắm. Đồng nghiệp chỉ cần liếc qua một cái hoặc đi một vòng phố là đã mua được một bộ đồ rồi. Tôi thì mất 20 ngày mới may được một bộ, sau đó cũng phải 5-7 lần chỉnh sửa. Hầu như nhà thiết kế nào đụng đến tôi cũng bại hoại.
Tôi thất bại, còn vì tôi quá nhiều scandal. Những lúc tức quá, tôi vẫn nói: tiền cát-xê bọn tôi nhận cao hơn giáo viên, kỹ sư, bác sĩ... vì trong đó có cả tiền người ta trả cho tin đồn. Nhưng thôi, chuyện này tôi không nhắc nữa, buồn lắm. Chỉ mong rằng những khán giả còn yêu quý tiếng hát của tôi thì hãy thông cảm và tin tôi.
Có một thời gian tôi làm việc cật lực, nói vì tôi yêu khán giả quá nên lao động như vậy là bịa. Tôi sinh ra trong một gia đình, nơi cái nghèo đeo đẳng suốt tuổi thơ tôi. Khi có một cái nghề trong tay, mà cái nghề ấy lại kiếm được nhiều tiền, thì tôi cố gắng sống khổ một chút để những người thân sống đỡ hơn.
Nhưng dù nói gì đi chăng nữa, cũng không thể bao biện cho nỗi buồn của mình. Tôi vẫn thường an ủi: Mình phải đi, quay lại là té đó. Ngày hôm nay có thể không bằng ngày hôm qua, song tôi vẫn hát, hát đến khi nào không có ai nghe nữa thì thôi. Nhưng tôi nghĩ không có chuyện đó đâu, chỉ có nhiều hay ít người nghe mình hát mà thôi. Còn bây giờ tôi bắt đầu một nghề gì đấy thì muộn quá rồi. Tôi chỉ có một mong muốn rất khiêm tốn: Các bạn trẻ một hôm nào đó, nghe lại bài hát của Quang Linh, sẽ nhớ lại một tuổi thơ, một dòng sông, một lũy tre làng...
Hiện tại, tôi vẫn hát ở các tụ điểm, phòng trà. Thi thoảng tôi vẫn đi lưu diễn nước ngoài. Các chương trình lớn như Chung kết Hoa hậu Việt Nam, Duyên dáng Việt Nam... ban tổ chức cũng đâu có quên tôi. Sau hai năm vắng bóng, tháng này tôi sẽ phát hành CD mới. Chắc chắn không nhằm mục đích kinh doanh, tôi sẽ dành tặng nó cho người thân, bạn bè và cả những khán giả đã yêu mến, ủng hộ tôi. Còn live show, chắc chắn tôi sẽ nói "không". Vì tôi đi lên từ phong trào sinh viên, khán giả của tôi là sinh viên, họ làm gì có tiền mua vé đến xem live show của tôi. Nhưng có show diễn nào ở trường đại học mời, tôi sẽ ưu tiên số một
Trong đêm nhạc Tình ca mặt trời vào tối ngày 28/10 tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội), Quang Linh và 5 Dòng kẻ đã cống hiến hết mình cho khán giả bằng chất giọng thấm đẫm cảm xúc. Giọng ca vàng xứ Huế đã đưa khán giả trở về với nhiều xúc cảm và tình yêu dành cho khúc ruột miền Trung.
Trĩu nặng tâm tư
Ở phần đầu, Quang Linh hát những ca khúc mà anh cho là rất phù hợp và có ý nghĩa với những ngày mới bước chân vào con đường ca hát. Đó là Bài ca dao đầu đời và Chợt như năm 18 tuổi của nhạc sĩ Quốc Dũng. Ngay từ khi khởi nghiệp, anh đã chọn dòng nhạc dân gian mượt mà, ngọt ngào làm hướng đi cho mình. Khi Quang Linh vừa cất tiếng hát, cả khán phòng vỡ òa cảm xúc, bởi đã quá lâu rồi mọi người chưa được gặp gỡ và nghe anh hát.
Quang Linh tâm sự, mỗi khi hát Chợt như năm 18 tuổi, anh thấy mình trẻ lại. Nhạc phẩm này viết về những người đàn ông độc thân đã bước qua tuổi tứ tuần, bỗng một ngày, họ thấy thời trai trẻ ùa về và thấy mình như vừa mới bước vào tuổi mới lớn.
Quang Linh còn hát những ca khúc Chim sáo ngày xưa, Tiếng hát chim đa đa, Ca dao em và tôi. Chất giọng ngọt, khỏe khoắn mà sâu lắng của anh khiến người nghe xúc động. Giọng ca vàng xứ Huế thổ lộ, anh thích nhất câu hát “Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai”, mà chỉ “cởi áo cho anh thôi nhé, nhưng thưa quý vị, áo ở đây là áo tơi”. Anh tâm sự về hình ảnh những chiếc áo tơi của một thuở nghèo khó mà thân thương ở vùng đất miền Trung. Áo được làm từ cỏ, lá cây dùng để che mưa che nắng, và chiếc áo đôi khi cũng là nơi để đôi lứa hò hẹn, tâm tình.
Sang phần hai, Quang Linh đổi bộ vest lịch lãm của mình sang chiếc áo dài, khăn đóng để hát những tuyệt phẩm về miền Trung. Với những ca khúc này, Quang Linh thực sự ghi dấu ấn, đó là Huế thương, Thương về miền Trung. Khán giả vỗ tay quá nhiều và quá lớn cũng khiến nam ca sĩ gốc Huế bối rối, anh thành thực: “Nếu khán giả vỗ tay lớn quá, trên sân khấu, ca sĩ hát bốc lắm. Quý vị cổ vũ nhiều thế này, Quang Linh hát rock mất, mà Quang Linh lại đang mặc áo dài…”.
Không gian của khán phòng Ngụy Như Kon Tum chìm đắm trong những tiếng lòng thổn thức mà da diết với Câu hò bên bờ Hiền Lương. Bẽn lẽn, rủ rỉ, Quang Linh thật thà kể: “Tôi quen một chị thợ may người Huế, chị ấy chưa từng ra Hà Nội dù đã mơ ước từ lâu, nhưng vì công việc quá bận. Hay tin Quang Linh ra Hà Nội làm đêm nhạc, chị may tặng chiếc áo dài này. Chị nghĩ Hà Nội đang vào thu, chắc nhiều lá vàng rơi lắm, vậy là chị cho rất nhiều lá lên chiếc áo dài này”. Cả khán phòng đều cười vỗ tay trước sự thật thà của anh.
Hoài niệm và xúc cảm
Quang Linh bảo, anh thích phong cách sống của người xưa hơn. “Người xưa sống chậm để nhâm nhi, thưởng thức hương vị của cuộc sống. Có nhắn gửi gì, họ cũng gửi gắm rất nhiều điều vào trong đó, không giống như bây giờ, chỉ cần cầm chiếc điện thoại di động “alo” một cái là hỏi xong. Người xưa cũng thường ví von, nói hình ảnh, xa gần. Lý hoài nam là một bài hát như vậy, trong đó nói về sự chia ly, đón đưa và chất chứa tình người sâu đậm”, anh nói. Với giọng Huế chính gốc, Quang Linh hát rất thành công bài này. Anh cũng không quên hỏi khán giả có hiểu những từ “bên ni, bên nớ, tà là” của Huế hay không.
Đặc biệt xúc động là ca khúc Cõng mẹ đi chơi của nhạc sĩ trẻ Trần Quế Sơn. Quang Linh cho biết, Trần Quế Sơn là một nhạc sĩ trẻ của miền Trung. Trong một lần bị bệnh đi nằm viện, anh nằm cạnh giường một bà cụ mắc bệnh ung thư. Một hôm, bệnh viện quyết định trả bà về với gia đình vì đã đến những ngày cuối cùng của cuộc đời bà, người con trai không dám nói sự thật với mẹ. Anh cõng mẹ ra viện, giả vờ bảo: “Con cõng mẹ đi chơi nhé, mẹ về nhà để bồi dưỡng, ăn uống nhiều để khỏe mạnh, con lại đưa mẹ đi chơi khắp nơi”. Quá cảm động trước tình cảm của người con, nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã viết Cõng mẹ đi chơi. Nhiều khán giả đã rơi lệ khi Quang Linh hát: “Mẹ và con đi chơi, đi qua bờ suối, con suối chảy dài, ùa cả vòm trời lung lay. Rồi mấy mươi năm sau đi qua trần thế, con cõng mẹ về thiên thai. Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai mẹ bỏ con rồi…”. Sự đồng cảm của ca sĩ với người viết nhạc cộng với chất giọng hiếm có của anh đã khiến Cõng mẹ đi chơi trở thành một ca khúc mang nhiều dấu ấn trong đêm nhạc.
Quang Linh sợ… loa phường!
Ở phần thứ 3, Quang Linh hát những nhạc phẩm buồn, trĩu nặng tâm tư về tình đời, tình người, tình quê hương. Chuyển sang mặc áo vest hoa, Quang Linh giải thích: “Tôi đã tới tuổi nghiêng vai xoay lại cuộc đời, nên mặc áo vest bông để thấy mình trẻ lại”. Anh hát Áo lụa Hà Đông, Tình lỡ, Chờ người, Cho tình thôi mong manh, Quê nhà, Nắng có còn xuân.
Dành một chút thời gian, anh thổ lộ về tình cảm với thủ đô Hà Nội: “Tôi yêu Hà Nội lắm, tôi đã từng sống 8-9 năm ở đây rồi. Giờ thỉnh thoảng tôi mới trở ra Hà Nội, nhưng lần nào cũng chỉ loanh quanh khu phố cổ. Hà Nội giống Huế ở sự cổ kính, nên tôi sống ở Hà Nội cũng giống như ở nhà mình vậy”. Anh cũng tiết lộ, sức khỏe có ảnh hưởng đôi chút, vì những ngày này ra Hà Nội chuẩn bị cho show nên phải tập luyện đến 1 giờ sáng. Hôm sau, Quang Linh định ngủ bù, nhưng nào ngờ, 6 giờ sáng loa phường đã phát nên anh không thể ngủ được. Dẫu vậy, nhưng giọng hát của Quang Linh không chút giảm sút, vẫn dày, khỏe, ngọt ngào, sâu lắng.
Quang Linh đùa, anh bảo, lâu nay khán giả vẫn bị… lừa. Thực ra nhóm 5 Dòng kẻ chỉ có bốn, và anh nhận mình là một dòng mới, hợp lại mới đủ 5 dòng. Lần đầu, họ có sự kết hợp hát accapella bài Ngẫu nhiên. Họ cũng hòa giọng trong Ngựa ô thương nhớ, Cánh mặt trời.
Bốn cô gái của nhóm 5 Dòng kẻ thể hiện các nhạc phẩm Hồ trên núi, Cánh diều chiều mưa, Độc huyền cầm... Họ cũng mạnh dạn hát bài Ban mai, một nhạc phẩm được các cô gái yêu thích nhưng chỉ dám ra đĩa, không dám hát live bởi quá khó. Lần đầu biểu diễn Ban mai của 5 Dòng kẻ tạo sự mới lạ, họ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Trong đêm nhạc, các cô gái không quên tri ân với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người đã dìu dắt nhóm trong những ngày đầu Nam tiến, không chỉ về chuyên môn mà còn về cách sống, cách hòa nhập với mảnh đất này. Quang Linh và 5 Dòng kẻ chia tay khán giả trong câu hát Người ở đừng về trong bịn rịn và quyết định hát tặng khán giả thêm một số ca khúc nữa.
Sau nhiều năm trời im ắng, sự tái xuất của Quang Linh tại thủ đô Hà Nội đầy cảm xúc và kỉ niệm. Giọng ca vàng xứ Huế đã có một đêm nhạc thành công.
"Tôi yêu cái vẻ dịu dàng của Hà Nội, bằng chứng là chưa bỏ show diễn nào ở đây. Tôi thích được lang thang trên những con phố nhỏ và quán cà phê lề đường. Khán giả Hà Nội rất dễ thương, gặp là cười và nói chuyện rất nhiều", Quang Linh bộc bạch.
- Với đồng nghiệp Hà Nội, anh rất trầm, gần như là không giao lưu với họ, có vẻ gì đó rất khép kín, vì sao vậy?
- Tôi cũng nổi tiếng trong giới vì giao thiệp rộng với bạn bè đó chứ. Tính cách của người Huế là tinh tế và nội tâm nhưng tôi cũng được cộng hưởng thêm nhiều tính cách của nhiều địa phương khác nữa, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, nơi tôi được sống nhiều thời gian nhất! Chỉ có điều không phải ai cũng hiểu được thế.
- Anh khó tính khi chọn bài và kể cả khi trả lời báo chí cũng rất cẩn trọng, điều gì khiến anh kỹ tính như thế?
- Tính tôi vốn cẩn thận chứ không hề ngại va chạm. Tôi có yêu cầu cao với chính bản thân mình nên chắc mọi người hiểu lầm là khó tính đó. Khó tính để có kết quả tốt cũng là mục đích hướng tới của Quang Linh.
Mọi người đồn vậy thì chịu thôi, vì còn có nhiều lời đồn ác hơn mà. Tôi không ngại nhưng cũng không thể lạnh lùng với nó, nó xảy ra quá nhiều rồi. Có lẽ tôi đã miễn dịch với tin đồn nên tôi nghĩ cũng chẳng cần phải làm gì với nó. Có một câu nói của một ngôi sao mà tôi rất tâm đắc: "Tin đồn chỉ làm người nổi tiếng mau chóng trở thành huyền thoại mà thôi!".
- Anh nổi tiếng trước thời bùng nổ kỹ nghệ lăng xê dù ngoại hình không "bắt mắt", anh nói gì về sự may mắn đó?
- Tôi vẫn biết là mình không phải người nổi tiếng vì đẹp. May mắn thì tất nhiên là có rồi, nhưng sự nổi tiếng không đến quá dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ vậy đâu.
- Gần 20 năm đi hát mà giờ anh chưa có show diễn riêng, vì sao vậy?
- Mọi người đều có và chọn con đường riêng cho mình, tôi không có khái niệm phân biệt đàn anh hay đàn em cũng như lời hay lỗ trong nghệ thuật, điều quan trọng là cần biết mình cần đầu tư vào lĩnh vực nào.
- Nghĩa là định vị tại điểm anh đang có?
- Định vị ư? Không đâu. Đôi khi tôi cũng có ý định muốn bùng nổ, muốn thay đổi lắm chứ nhưng rất sợ bị khán giả ái mộ bấy lâu nay "ám sát" đấy. Phong cách của nghệ sĩ phụ thuộc nhiều vào khán giả mà.
Sự nghiệp của tôi có những giai đoạn khác nhau, nhưng hiện tại vị trí của tôi đang là một ca sĩ và sau 10 hay 20 năm nữa thì đó là chuyện về sau. Nhưng có lẽ, khi về hưu tôi vẫn hát cho tổ hưu nghe.
- Anh lập gia đình nhưng rất im ắng và mọi người cho rằng đó chỉ là tin đồn vì Quang Linh không thích phụ nữ, anh nghĩ sao?
- Cái gì cũng vậy, đều có giới hạn. Tôi nghĩ, ai cũng có giới hạn cho cuộc sống riêng tư của mình. Sau những ồn ào bên ngoài thì gia đình là nơi tôi được chia sẻ mọi điều và điều đó rất quan trọng. Và cũng phải nói lại cho rõ là tôi chỉ không thích phụ nữ nhiều chuyện thôi.
- Một ngày bình thường của anh như thế nào?
- Một ngày bình thường Quang Linh luôn là sự cố gắng để làm hết những gì mình thích và được yêu cầu làm. Chỉ kết thúc khi chìm vào giấc ngủ mà thôi...
Tiểu sử ca sĩ Kasim Hoàng Vũ
Tiểu sử ca sỹ nhạc sỹ Phương Uyên
Tiểu sử Hằng Bingboong
Tiểu sử nghệ sĩ Thanh Bạch
Tiểu sử MC Nguyên Khang
Tiểu sử diễn viên Bình Minh
(st)