Theo chế độ mẫu hệ phụ nữ chủ động cưới chồng. Nam, nữ đến tuổi 17-18 được tự do chọn lựa người yêu và tiến đến hôn nhân. Qua ông mối, thiếu nữ Gia-rai ngỏ tình ý và đưa tặng người yêu một chiếc vòng tay.
Nếu ưng thuận, người con trai nhận vòng. Nếu không ưng thuận họ cũng cầm vòng một lúc rồi trả lại cho ông mối. Nếu cô gái vẫn theo đuổi chàng trai thì có thể nhờ ông mối đến gặp chàng trai trao vòng đến hai, ba lần cho đến khi không còn hy vọng nữa mới thôi. Nếu người con trai nhận vòng, ông mối hẹn ngày gặp tại một địa điểm nhất định để cô gái nhận vòng của bạn tình. Ông mối là người chứng giám và căn dặn kỹ càng các công việc phải làm để đôi bên đi đến lễ cưới.
Chuẩn bị cho đám cưới, nhà gái phải sắm đầy đủ: một ché rượu cho ông mối, một ché rượu cho người chồng tương lai và một ché rượu nữa để cho riêng mình. Bên nhà trai cũng phải có một con heo nặng vài chục ký để cưới vợ.
Hôn lễ sẽ tiến hành ba bước chính:
Đầu tiên là lễ đính ước (phai) được tổ chức qua bữa tiệc rượu cần ở bên nhà gái. Trong giây lát im lặng và trang nghiêm, ông mối tổ chức cho đôi trai gái cùng vít cần uống rượu. Sau đó trao đôi vòng tay cho nhau như thể hiện một sự cam kết thủy chung.
Tiếp theo là bước đoán duyên phận qua giấc mơ lành dữ (chua hpiêu) trong đêm tân hôn. Nếu là mộng lành là điều tốt. Nếu mộng dữ thì lập tức phải đến nhà ông mối để nhờ cầu thần linh cho chung sống một năm để hoãn mộng. Đúng vào dịp hoãn mộng đã kết thúc mà vợ chồng vẫn thấy mộng xấu, có thể phải ly dị. Song không hiếm những đôi trai gái vẫn không tin vào mộng xấu, sống với nhau cho đến đầu bạc răng long.
Cuối cùng, hôn lễ bước vào tập tục “trở lại nhà mẹ” (vít sang amí). Sau ngày cưới vài hôm, chàng rể rời nhà vợ để trở về nhà mẹ đẻ. Sau đó, người vợ phải chuẩn bị một ché rượu, mổ một con gà mang sang mời chàng trở lại nhà mình. Lúc đầu người chồng khước từ, người vợ đành phải trở về một mình. Chừng một tháng sau, cô dâu mới quay trở lại bên nhà chồng mang theo một bộ khố áo để biếu cha chồng, còn chị em ruột bên chồng mỗi người một tấm áo, một tấm váy. Cô dâu ở lại nhà chồng ba hôm để làm phận dâu con. Sau đó cả hai vợ chồng mới xin phép đưa nhau về ở hẳn bên nhà vợ. Đến đây, thủ tục lễ cưới chính thức kết thúc./.
Dân tộc Gia Rai (còn gọi là Giơ Ray, Chơ Ray) bao gồm khoảng 320.000 người sinh sống chủ yếu ở các vùng rừng núi Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk) và lan sang một phần đất Cambodia. Họ sống rải rác theo từng cụm dân cư từ 300-500 người/cụm còn gọi là làng (Plei hoặc Buôn) trong những ngôi nhà sàn nhỏ lợp bằng mái tôn (dài 13m, rộng 4m, cao 4,5m). Mỗi nhà sàn dành cho một hộ gia đình theo chế độ mẫu hệ nên phả hệ hoàn toàn tính về dòng mẹ. Mỗi làng được kết cấu thành tổ chức xã hội do một ông già có uy tín trong làng đứng đầu (Ơi pơ thun, Thap plơi hay Khoa plơi) điều hành hoạt động cộng đồng theo lệ làng (Kđi). Về đồ mặc truyền thống đàn ông thường đóng khố và áo cộc tay có đường viền hoa văn hở nách, đàn bà mặc váy chàm và áo cánh ngắn tay, tuy nhiên do nơi ở nóng nực quanh năm nên cả nam lẫn nữ đều ưa thích cởi trần là điều kiện phơi nhiễm sốt rét. Bữa ăn hàng ngày hết sức đơn giản gồm cơm tẻ, rau, canh bầu bí và muối ớt, lâu lâu mới có bữa thịt nên hạn chế về chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn; bữa tiệc thường tổ chức vào các dịp lễ hội, cưới xin, ma chay... lấy ché rượu cần làm trung tâm cùng các món ăn chủ yếu là thịt lợn hoặc thịt bò tươi nướng đựng trên bát, đĩa hoặc lá chuối chấm cùng muối ớt, ít có điều kiện vệ sinh nên một vài nơi đã xảy ra ngộ độc thức ăn tập thể; hầu như cả nam lẫn nữ đều hút thuốc lá quấn bằng lá cây thuốc lá (thuốc rê), khi rượu ngà ngà say, tất cả mọi người vừa đánh chiêng vừa nhảy múa quanh ché rượu cần.
|
Màn trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên của dân tộc Gia Rai (Gia Lai). |
Người Gia Rai có phong tục thờ cúng vạn vật hữu linh, trong đó thường thờ cúng Thần Nhà (Yang sang), Thần Làng (Yang ala bôn), Thần Nước (Yang ia); Thần Vua (Yang ptao) do Vua Nước (Pơ tao ta), Vua Lửa (Pơ tao put), Vua Gió chuyên cúng trời đất, cầu mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt. Khi chết người Gia Rai theo tục tất cả người cùng họ mẹ chôn chung một huyệt, người đàn ông chết phải khiêng về chôn ở huyệt phía mẹ mình; trong huyệt chung ấy các quan tài được xếp kề sát bên nhau theo chiều ngang rồi chồng lên theo chiều dọc, khi quan tài cao bằng miệng huyệt thì lấy ván kê thêm bốn bề để chôn tiếp vài ba lớp nữa mới làm lễ “bỏ mả” (Họa lui, Thi nga hay Bô thi)-một nghi thức lớn trong quá trình tang lễ; ngoài ra họ còn tin rằng khi chết các linh hồn biến thành ma, thậm chí có hiện tượng gán cho người có ma thuật làm hại gọi là ma lai. Cưới xin luật tục cấm những người cùng ngành và dòng mẹ lấy nhau, đến tuổi trưởng thành nam nữ tự do lựa chọn người yêu, trong đó nữ chủ động lựa chọn lấy chồng, khi đã thành vợ chồng thì đàn ông phải sang nhà vợ và không có trường hợp ngược lại. Khi sinh đẻ bà mẹ được coi trọng, không làm việc nặng nhọc khi mang thai, kiêng khem nhiều thứ như không ăn thịt mà chỉ ăn rau khi sinh nở...
|
Nhà Rông dân tộc Gia Rai, Tỉnh Gia Lai |
Nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất lúa và hoa mầu trên rẫy, rẫy cách làng khoảng 5-10 km nên mỗi hộ gia đình thường có một nhà ở trong làng và một chòi rẫy trong rừng chỉ được che chắn tạm bợ, không có tường vách xung quanh. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là gùi có hai dây đeo qua vai, vào mùa thu hoạch rẫy cả nhà thường kéo nhau vào chòi rẫy ngủ từ 5-7 ngày để tiện việc sản xuất, sau đó về làng vài ngày để trang bị thêm lương thực rồi lại tiếp tục lên rẫy sinh hoạt cho đến hết mùa rẫy. Do nhà rẫy nằm trong rừng sâu là nơi có nhiều muỗi sốt rét phát triển nên với điều kiện canh tác cùng chòi rẫy có cấu trúc sơ sài như vậy là điều kiện thuận lợi để muỗi sốt rét đốt và truyền bệnh.
Mặc dù còn nhiều tập tục lạc hậu nhưng người Gia Rai ngày nay đã tiến bộ hơn những ngày xưa nhiều như đã bớt tập tục ăn bốc, học sinh đến trường học bằng tiếng phổ thông, nam nữ thanh niên bận quần áo dài thay vì cởi trần, đóng khố như trước kia, hầu hết các buôn làng đã được thắp sáng bằng điện lưới và nhà nào cũng có tivi...
Hiện nay đời sống của người Gia Rai vẫn còn rất khó khăn, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng; phải bươn chải với cuộc sống thường ngày họ còn phải đối mặt với bệnh dịch, nhất là bệnh sốt rét nhưng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và ngành y tế tin rằng trong một tương lai không xa đời sống tất cả đồng bào Gia Rai sẽ được cải thiện khi sức khỏe được nâng cao để bản sắc văn hóa Gia Rai luôn bay bổng khắp núi rừng Tây Nguyên cùng với những bản trường ca bất hủ như Đam San, Xinh Nhã, Đăm Di bất diệt cùng tiếng đàn Tơ rưng, Krông pút, Tưng nưng...
Những nghi lễ, phong tục của dân tộc Gia Rai
Nghi lễ, phong tục tập quán chính là những yếu tố văn hoá quan trọng mang tính điều tiết các quan hệ con người trong cộng đồng bằng những quy tắc xác định. Người Gia-rai luôn coi trọng đến nghi lễ đời người gắn liền với những giai đoạn xác định như: Nghi lễ trong giai đoạn sinh: quan niệm về sinh đẻ; nghi lễ trong thời kỳ người phụ nữ mang thai, gồm có: Nghi lễ cầu cho con khi chào đời được dễ dàng sau ba tháng mang thai hay còn gọi là lễ nắn bụng, Nghi lễ cầu cho mẹ sinh nở dễ dàng sau sáu tháng mang thai; Nghi lễ trong thời kỳ sinh đẻ; Nghi lễ ở tuổi vị thành niên, gồm có: Nghi lễ đặt tên, Nghi lễ nhập hồn cho trẻ (Yang Yun), Nghi lễ thổi tai (pơhet tơngia), Nghi lễ làm vòng đeo tay (ngă kông).
Trong chu kỳ đời người, tiếng khóc chào đời đánh dấu sự xuất hiện quan trọng của một thành viên mới, không chỉ đối với gia đình, dòng họ mà cho cả tộc người. Vì lẽ đó, khi đang còn là thai nhi, con người cũng được xem trọng không kém và luật tục Gia-rai cũng dành nhiều quy định cho khoảng thời gian này. Để thai nhi khoẻ mạnh, phát triển tốt, người Gia- rai thường có một số kiêng kỵ (kõm) trước và sau khi sinh, được áp dụng cho tất cả cộng đồng của plei.
Trong giai đoạn trưởng thành, người Gia-rai đánh dấu sự trưởng thành của con người và chính thức được cộng đồng thừa nhận (về nhận thức và hiểu biết) để thực hiện hàng loạt những vấn đề quan trọng của cuộc đời như: xây dựng gia đình rồi làm cha - làm mẹ và làm chủ cuộc sống... bằng những nghi lễ như: Nghi lễ trưởng thành (lễ cà răng), Nghi lễ cầu sức khoẻ cho người đến tuổi trưởng thành; Nghi lễ cưới: xác định quan điểm về việc cưới, Nghi lễ cưới xin; Nghi lễ hiếu nghĩa và cầu an: Nghi lễ báo hiếu cha mẹ, Lễ kết nghĩa anh em, cha con; Nghi lễ cúng thần sức khỏe; Lễ tẩy uế, Lễ cúng xả xui, Lễ cúng thần sấm.
Khi đứa trẻ chào đời, nó vẫn chưa được xem là thành viên trong gia đình và cộng đồng, bởi giai đoạn này đứa trẻ đang hoàn toàn nằm trong “sự kiểm soát” của thần linh. Người Gia-rai cho rằng, trong vòng một tháng sau khi sinh, trẻ chưa hẳn là con của mình, bởi chúng còn chịu sự rình rập của một con ma xấu nào đó. Qua khỏi thời hạn này, lễ đặt tên được tiến hành để đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Khác với một số tộc người, lễ đặt tên trong phong tục Gia-rai, sớm nhất là sau một tuần đến hơn một năm, điều này tuỳ thuộc vào sức khoẻ của trẻ. Nghi lễ này tuy đơn giản về mặt hình thức, nhưng về vai trò linh ứng lại rất quan trọng. Người Gia-rai cho rằng, những đứa trẻ muốn lớn lên nhanh chóng, khoẻ mạnh, phải được sự phù hộ của Yang. Cho nên ngay khi sinh con, gia đình thường làm lễ vật (gồm có gà, xôi…) báo với Yang về sự có mặt của đứa trẻ, tạ ơn Yang đã cho hình hài lành lặn và cầu xin Yang bảo bọc suốt cuộc đời chúng. Tiến hành lễ đặt tên, người Gia-rai thường làm 1 con gà, dùng máu chấm lên trán trẻ - với ý nghĩa chúc phúc và đánh dấu sự hiện hữu của một thành viên mới đối với gia đình, cộng đồng plei, tạ ơn thần linh đã chấp nhận cho họ, một sự bổ sung vào cộng đồng một mầm sống. Đứa trẻ lớn lên nơi vùng sơn nguyên với cảnh quan địa lý chuyển hóa đa dạng, kì thú: có vùng trũng, vùng đồi, có bình nguyên, cao nguyên, có núi thấp, có núi cao, có suối sâu, vực thẳm kề bên sông hồ lững lờ…đã tạo nên môi trường thuận lợi cho mỗi con người của tộc người có điều kiện “rèn đúc” khí chất riêng, có phần độc đáo riêng của mình. Trẻ em dân tộc Gia-rai nói riêng và các dân tộc ở Tây nguyên nói chung phần lớn được tập dượt lao động ngay từ khi còn bé. Hằng ngày, các em theo mẹ lên nương rẫy nên từ rất sớm các em đã biết cầm dao, cầm cuốc để đốn cái cây, tỉa hạt bắp. Đến tuổi trưởng thành, các em được cha mẹ dạy cho đan lát, dựng nhà, đi rừng đốn củi, cách sử dụng cung tên, dao mác và đi săn. Con gái được cha mẹ bày cho cách trồng trọt, xe sợi, dệt vải, tuốt lúa, chăn nuôi gà, lợn… Bởi vậy, trong các nghi lễ vòng đời, nghi lễ trưởng thành đóng vai trò rất quan trọng. Nghi lễ này như một nét đẹp văn hoá kết tinh phẩm chất và trí tuệ của con người: chàng trai chỉ được xem là đã lớn khôn khi vào một ngày định trước phải đi vào rừng tìm diệt thú dữ (lợn lòi, bò rừng, trâu rừng,…) để đem con mồi về làm chứng tích chiến công với plei nhằm “cầu báo với Giàng, rằng chàng trai này đã đủ sức khoẻ và tài năng, ném được cái lao, phóng được mũi tên diệt thú…Từ buổi ấy, chàng trai được hội đồng già làng thừa nhận là thành viên của cộng đồng, đủ sức để bảo vệ buôn, plei”
Đến giai đoạn cuối của cuộc đời, nghi lễ tang là một trong những nghi lễ lớn của người Gia-rai và tương đối đồng nhất giữa các nhóm Gia-rai và được thể hiện bởi: Nghi lễ tang, gồm có: Đám tang của người chết bình thường, Đám tang của người chết không bình thường (chết dữ, chết bất đăc kỳ tử); Những nghi lễ sau khi chôn, gồm có: Kiêng tắm (hoă mnơi), Nuôi ma; Lễ bỏ mả, gồm có: công đoạn chuẩn bị và dựng nhà mồ, Lễ bỏ, Lễ giải phóng cho người sống
Các nghi lễ này là một bức tranh xã hội lung linh và huyền ảo, là những khúc xạ văn hoá qua diễn trình lịch sử cho đến tận thời đại ngày nay. Trên phương diện nghiên cứu, những tình tiết biểu hiện trong các nghi lễ đã giúp cho các nhà nghiên cứu nhận diện được một cách rõ nét diện mạo về buổi sơ khai của người Gia-rai. Mặt khác, trên cơ sở đó, người nghiên cứu có thể tìm hiểu về quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất và hình thái kinh tế qua các giai đoạn của tộc người. Chẳng hạn, trong các nghi lễ, bài cúng đã cho thấy khả năng thuần trâu rừng, chăn nuôi gà, kỹ thuật sản xuất… hay kỹ thuật đan lát, dựng nhà, điêu khắc tượng mồ, văn hoá ẩm thực, các loại nhạc khí… đều được thể hiện đậm nét.
Phong tục cưới hỏi của người Chăm
Phong tục cưới hỏi của người Hoa
Phong tục cưới hỏi của người Thái
Phong tục cưới hỏi của người Thái trắng Điện Biên
Phong tục cưới cổ truyền của người Việt
Phong tục tập quán ba miền Bắc Trung Nam trong cưới xin
(st)