Chè khoai môn dẻo, bùi thơm ngon là món ăn vặt hấp dẫn trong mùa hè.
Cách 1:
Nguyên liệu gồm có:
- 500gr khoai môn.
- 50gr bột báng.
- 150gr nước cốt dừa.
- 2 thìa canh bột sắn dây.
- Đường nêm theo khẩu vị.
Cách làm:
Bột báng rửa qua dưới vòi nước. Ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
Khoai môn rửa sạch, cắt miếng vuông tầm 1,5 cm x 1,5cm.
Cho khoai môn vào nồi nấu. Bạn lưu ý, nên cho từ khi nước còn lạnh
Trong quá trình nấu, có bọt, bạn nhớ vớt bỏ nhé! Khi nước sôi bạn giảm lửa, đậy vung cho khoai mau mềm.
Cho bột báng vào luộc với nước lạnh. Khi nước sôi, bạn thêm nước lạnh 1 lần để bột báng được chín đều mà không bị nát.
Khi bột báng chín bạn vớt ra thả vào âu nước lạnh cho khỏi dính.
Khi khoai đã chín mềm, bạn tránh đảo để miếng khoai khỏi nát. Nêm đường theo khẩu vị (bạn có thể nêm ngọt hơn thông thường để khi cho nước cốt dừa và bột báng vào thì chè nhạt là vừa).
Bột sắn dây hòa với nước cho tan hoàn toàn rồi rót từ từ vào nồi, khuấy đều để chè có độ sánh .
Cuối cùng thêm nước cốt dừa và bột báng vào khuấy đều.
Lấy chè ra bát, ăn nóng hay lạnh tùy ý.
Chè khoai môn dẻo, bùi thơm ngon là món ăn vặt hấp dẫn trong mùa hè. Chè nhà mình thường được nấu theo vị ngọt mát rồi để nguội và thưởng thức. Với nguyên liệu dễ kiếm và cách làm khá đơn giản, bạn hãy thử làm món này cho cả nhà thưởng thức nhé!
Cách 2:
Nguyên liệu
- 0,5kg khoai môn nhỏ củ. Tùy chọn khoai môn cao hay khoai sọ. Nếu khoai tươi, làm sạch bên ngoài rồi gọt vỏ; nếu khoai giữ lạnh hãy để rã đông tự nhiên.
- 250gr nếp.
- 350gr đường.
- 300gr dừa nạo.
- 10 lá dứa (pandanus) nếu có.
- Muối. Bột năng. Xửng hấp hoặc hấp khoai trong một nồi nước mà vật chứa kê cao hơn mặt nước cũng được.
Cách làm:
1. Làm chín khoai: Khoai gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng cỡ nửa ngón tay cái, làm đến đâu thả ngâm trong chậu nước sạch đến đó trong khoảng 2 giờ, vớt ra để ráo. Hấp chín khoai.
2. Vắt nước dừa: Cho vào dừa nạo 4 chén nước ấm ( tương đương 200cc), vắt lấy nước cốt, để riêng. Cho lại vào dừa nạo khoảng 1, 5 lít nước ấm nữa, vắt lấy nước dảo.
3. Nấu nước cốt dừa: Pha 1 muỗng súp bột năng với 2/3 chén nuớc lạnh. Bắc nước cốt dừa lên bếp, nuớc dừa sôi, nêm vào khoảng nửa muỗng cà phê muối, châm nước bột năng vào từ từ, khuấy đều cho vừa sệt là được.
4. Nấu chè: Lá dứa rửa sạch, cuốn tròn rồi cột thắt lại. Nếp vo sạch. Cho nước dừa dảo + lá dứa vào nồi, nấu sôi nhỏ lửa, cho nếp vào. Để nếp vừa nở, cho đường + ½ muỗng cà phê muối vào, không đậy nắp nồi chè mà luôn quan sát chè trong khi nấu, thăm chừng lượng nước theo nếp ngon dở, nếu cần châm thêm nước sôi vào cho nước luôn sấp mặt nếp, thấy tan đường, gắp bỏ lá dứa ra, luôn lưu ý nhỏ lửa kẻo cháy. Khi nước cạn dưới mặt nếp thì cho khoai vào, đảo đều nhẹ tay, vẫn để sôi thật nhỏ lửa trong khoảng 10
- 15 phút nữa cho khoai thấm đường. Ở ngang khâu này, tùy thích nấu chè ở dạng sệt như hồ đặc hay thật đặc ở dạng vón cục lại thì để nước chè cạn đi nhiều hay ít. Dù nấu thế nào cũng lưu ý luôn để lửa thật nhỏ và đảo chè đều tay để nếp không sít nồi.
* Đa số người miền Bắc, miền Trung VN không dùng nước cốt dừa cho nên hay nấu chè khoai môn ở dạng sệt. Người miền Nam thường nấu dặc vón cục lại để khi châm nước cốt dừa vào là chè vừa ăn.
Múc chè ra chén. Chan nước cốt dừa lên mặt chè.
5. Nói thêm:
- Cách hấp khoai cho chín riêng rồi mới cho vào nếp là để miếng khoai trong nồi cho còn nguyên miếng, sẽ đẹp mắt và ngon hơn, nếu nấu khoai sống cùng lúc với nếp khoai sẽ bị bấy.
- Tùy khẩu vị, có người không dùng nước cốt dừa để nấu chè mà chỉ nấu bằng nước thường hoặc nấu bằng nước hầm khoai như sau: Ngoài số khoai dùng để hấp, sử dụng thêm một lượng khoai tương đương, nấu lượng khoai này cho mềm rục với một hoặc hai lít nước, lược qua rây bỏ xác khoai dùng nước nấu khoai này để nấu nếp chín rồi cho đường, khoai hấp vào nấu như trên. Cách nấu này cho chè rất thơm mùi khoai mà không cần sử dụng đến lá dứa như cách nấu với nước dừa tuy nhiên chè lại không có vị béo của dừa.
- Ở nước ngoài nếu thích dùng nước cốt dừa đóng hộp của Thái Lan hay Indonesia thì nên pha loãng ra để nấu, nếu nấu với nước cốt dừa đặc quá, nhất là nước cốt dừa đóng hộp, món chè sẽ có mùi dầu dừa.
- Tùy thích ăn ngọt lạt để gia giảm lượng đường.
Cách 3:
Chè khoai môn là món ăn dung dị của người dân xứ Quảng, nhất là vào mùa đông khi trời mưa lạnh, món ăn càng được nhiều người yêu thích. Cuối tuần, bạn hãy thử trổ tài với món chè này xem sao.
Nguyên liệu:
- Vài củ khoai môn (chọn loại nhiều bột)
- ½ lon nếp (chọn loại dẻo, mới), vài cọng lá dứa, 1 củ gừng, đường cát trắng hoặc đường hoa mai
- Khoai môn gọt vỏ và thái miếng vuông, đem hấp hoặc nấu vừa chín tới.
Cách làm:
- Nếp đãi kĩ, vo thật sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi cùng vài cọng lá nếp.
- Vặn lửa liu riu, khi nếp chín thì cho đường (tuỳ theo khẩu vị mà gia giảm độ ngọt) và một ít gừng đã giã nhỏ vào nồi.
- Đợi nồi chè sôi mạnh thì bỏ khoai vào, sau đó vặn lửa nhỏ lại, để khoảng 10 phút nữa cho khoai thấm đường.
- Thỉnh thoảng khuấy cho đều tay đến khi nồi chè sánh thì tắt bếp.
- Nồi chè đạt yêu cầu phải có màu vàng sóng sánh, hạt nếp chín nhừ, từng miếng khoai môn mềm nhưng không nát, thơm lừng vị gừng và lá nếp. Món chè này buộc phải ăn nóng. Có thêm ít nước cốt dừa nữa càng béo càng thơm.
Mách nhỏ:
- Ngoài khoai môn bạn có thể chọn khoai tía, khoai lang vàng hay có thể thay nếp bằng cốm khô, nếp cẩm… món chè vẫn rất ngon.
Tham khảo thêm một số món chè ngon
Chè ngô ngon ngọt dễ làm
Với cách làm đơn giản, chỉ vài bước nhỏ là bạn có thể hoàn thành xong món chè ngọt mát chào ngày đầu hè.
Nguyên liệu:
- 2 - 3 cái bắp ngô
- 1 bát con bột sắn dây
- 50g đường
- 100ml nước cốt dừa
- 1 thìa nhỏ đường
- Nửa thìa nhỏ muối
- 1 thìa nhỏ bột bắp.
Cách làm:
- Gọt lấy phần hạt ngô, giữ lại lõi ngô.
- Đổ vào nồi khoảng hai bát con nước lọc, cho lõi ngô và hạt ngô luộc chung. Đun đến khi hạt ngô mềm, vớt lõi ngô bỏ đi.
- Tiếp theo cho đường vào, đun sôi lửa nhỏ để đường thấm vào ngô.
- Hòa tan bột sắn dây với chút nước lạnh, đổ từ từ bột sắn vào nồi chè ngô đang ninh, khuấy đều đến khi bột sắn dây trở nên trong suốt. Tắt bếp.
- Đổ nước cốt dừa, muối, đường, bột bắp vào nồi. Đặt lên bếp đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đến khi nước cốt dừa đặc lại.
- Múc ngô ra bát, bên trên chan ít nước cốt dừa. Dùng nóng hay lạnh đều ngon.
Khoai dẻo bùi, nấu cùng với nước cốt dừa thơm và béo cho bạn một món tráng miệng thật ngon sau bữa cơm gia đình.
Chè khoai sọ bột báng nước dừa
Nguyên liệu:
- 400g khoai sọ
- 20g bột báng khô
- 250g đường cát
- 200ml nước cốt dừa.
Cách làm:
- Khoai gọt cắt miếng nhỏ vừa ăn (khi gọt vỏ các bạn đeo găng tay nylon vào để đỡ nhớt).
- Cho vào nồi khoảng một bát ăn cơm nước + khoai + đường rồi đặt lên bếp nấu với lửa vừa khoảng 20 phút là khoai chín. Trong khi nấu thỉnh thoảng các bạn đảo đều cho khoai khỏi dính đáy nồi.
- Bột báng ngâm nước cho mềm rồi cho vào nồi chè cùng với nước cốt dừa, đun lại cho sôi thêm vài phút, nêm nếm lại cho vừa vị ngọt theo khẩu vị gia đình.
- Chè chín tắt bếp rồi múc ra bát, dùng nóng hay nguội đều ngon.
(st)