Nguyên nhân đau bụng bình thường sau khi ăn uống
Triệu chứng chung:
-Mệt mỏi và buồn nôn sau ăn
-Đau quặn bụng dưới từng cơn trong thời gian ngắn (không quá 2h đồng hồ)
-Có thể bị tiêu chảy và sốt nhẹ sau ăn
-Tâm trạng dễ kích động, bực dọc, căng thẳng
Nguyên nhân và biểu hiện bệnh:
Do uống chất cồn: Biểu hiện là bạn có thể bị chướng bụng, đầy hơi, thấy khó tiêu và đau bụng do đồ uống lạnh và có ga.
Việc uống rượu, bia trong bữa ăn thường là nguyên nhân khởi đầu cho một số vấn đề ở dạ dày.
Thực tế, bất kỳ chất lỏng, có thể là nước hoặc thậm chí nước ép trái cây tươi cũng có thể cản trở hoạt động của dạ dày.
Ký sinh trùng: Có rất nhiều ký sinh trùng “cư ngụ” trong dạ dày mà chính bạn cũng không biết. Trong đó, có một số ký sinh trùng có khả năng gây rối loạn tiêu hóa mãn tính. Vì vậy, một biểu hiện khác cho thấy hệ tiêu hóa nhiễm ký sinh trùng là tiêu chảy.
Nấm Candida: Nấm candida hay các loại nấm khác cũng là nguyên nhân gây ra đau bụng sau khi ăn. Do tốc độ tăng trưởng nhanh, nấm candida sẽ “tiêu diệt” các vi khuẩn có ích giúp hỗ trợ tiêu hoá; can thiệp vào bài tiết men tiêu hóa, gây giảm số lượng a xít tiêu hóa ở dạ dày và mật. Ngoài đau bụng sau khi ăn, candida có thể gây ra chứng đa huyết hoặc tâm trạng bực dọc khác.
Tập thể dục: Thể dục rất tốt cho cơ thể tuy nhiên nếu thực hiện ngay sau khi ăn thì lại có thể là “thủ phạm” gây đau bụng. Hiện tượng này thường gặp ở những người đang muốn giảm cân.
Nguyên nhân đau bụng nghiêm trọng sau khi ăn
Triệu chứng chung:
-Thấy khó khăn khi nuốt, khó chịu, đầy bụng, ợ nóng, buồn nôn và ói mửa
-Đau thắt ngực ngay sau ăn và ngày đau quặn liên tục theo cường độ tăng dần
-Cơn đau bụng kéo dài nhiều giờ
-Tâm lý sợ hãi bất cứ một loại thực phẩm nào
Nguyên nhân và biểu hiện bệnh:
Tắc nghẽn mạch máu: Đây là tình trạng khá phổ biến, tương tự như bệnh mạch vành. Sau bữa ăn, máu sẽ được tăng cường tới hệ tiêu hóa, tạo áp lực lên các mạch máu. Kết quả là một số mạch máu nào đó có thể bị “nghẽn”, gây ra hiện tượng đau thắt ngực sau ăn. Nặng hơn là đau dữ dội và thấy sợ các thực phẩm.
Ung thư dạ dày: Đây là nguyên nhân đáng lo ngại nhất của đau bụng sau khi ăn. Khi có nghi vấn (kèm theo các biểu hiện” ăn nhanh no, ợ hơi nhiều, buồn nôn hoặc nôn, có thể biểu hiện bằng xuất huyết đường tiêu hóa như nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc thiếu máu do chảy máu rỉ rả từ khối u, thể trạng gầy sút), hãy đi nội soi để khẳng định nguyên nhân.
Sỏi mật: Sỏi mật gây cản trở dòng chảy của mật trong ống dẫn mật. Quá trình hình thành sỏi mật thường gây ra đau dạ dày dữ dội, cơn đau kéo dài nhiều giờ. Nếu không được điều trị sớm, những cơn đau dữ dội này sẽ còn tấn công bạn trong nhiều tháng.
Axit trào ngược: Một trong những triệu chứng của bệnh trào ngược axit là đau bụng sau khi ăn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm tra các triệu chứng khác của trào ngược axit như ợ nóng, nôn mửa, buồn nôn, thấy khó khăn trong khi nuốt …để khẳng định nguyên nhân.
Lưu ý:
Nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu xuất hiện những cơn đau bụng sau khi ăn nếu bạn thường cảm bị quá đau đớn hoặc những cơn đau này viếng thăm bạn với tần suất nhiều hơn bình thường.
Ăn no quá bị đau bụng tại sao?
Khoảng sau 5 - 10 phút sau khi ăn, thức ăn vào dạ dày, quá trình co bóp bài tiết và tiêu hoá diễn ra để thực hiện việc tiêu hoá thức ăn. Dạ dày sẽ co bóp liên tục để nghiền thức ăn, trộn thức ăn với dịch vị và tống thức ăn xuống ruột non. Khi một phần lớn thức ăn đã được nhào trộn với dịch vị, nhu động vùng hang vị sẽ trở nên rất mạnh tạo một áp suất tới 50- 70cm H2O để đẩy thức ăn xuống tá tràng, mỗi co bóp đẩy được vài ml thức ăn xuống ruột. Thức ăn có tác dụng làm tăng cường độ của nhu động ruột vùng hang vị thông qua việc kích thích dây thần kinh số X và gastrin. Do đó, nếu ăn no quá, nhiều thức ăn sẽ làm cho dạ dày co bóp nhiều gây đau bụng.
Vì sao tôi hay bị đau bụng và đi ngoài nhiều lần sau khi ăn?
Chào bác sĩ,
Tôi bị chứng như sau: Buổi sáng ăn xong là đau bụng đi cầu tiếp, sau đó có thể đau bụng đi cầu nhiều lần trong ngày, thường khó đi, đau bụng âm ỉ cả ngày.
Buổi chiều tối: ăn xong lại đau bụng mặc dù trước đó không đau, nếu đi cầu được thì nhẹ nhàng, còn không đau suốt khi ngủ thì thôi.
Một tháng nay hay đau cả ngày không làm việc được. Tôi đã bị 4 năm rồi, trị nhiều nơi không khỏi, đã nội soi 2 lần, siêu âm nhiều lần, thử máu thử phân không thấy gì bất thường. Tôi dự tính vào BV Y học Dân tộc để trị, không biết có cần nội soi đại tràng lại không ạ? Rất mong BS tư vấn giúp. (Lê Thanh, 34 tuổi)
BS Châu Thị Kiều Oanh:
Chào bạn Lê Thanh,
Theo bạn mô tả tình trạng đau bụng, đi tiêu sau ăn xong, kéo dài 4 năm nay. Bạn đã làm xét nghiệm phân, siêu âm, nội soi đại tràng lần không có gì bất thường, vậy có nhiều khả năng bạn bị hội chứng ruột kích thích.
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa. Nguyên nhân do stress, rối loạn các chất trung gian dẫn truyền thần kinh tại ruột, thực phẩm, rối loạn vi khuẩn đường ruột... dẫn đến rối loạn co thắt ở ruột già. Bệnh không nguy hiểm nhưng khó điều trị dứt, gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Bạn cần hạn chế những thức ăn mà bạn cảm thấy không dung nạp, ăn vào dễ gây đau bụng đi tiêu(như dầu mỡ, sữa và sản phẩm từ sữa, thức ăn chưa nấu chín, trái cây chua...); hạn chế rượu bia, nước uống có gas… Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục, yoga, thư giãn sau khi làm việc căng thẳng, tránh stress. Ngoài ra, bạn không nên lo lắng quá sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị, bạn nhé!
Thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn, phải làm sao?
Chứng khó tiêu là một dạng rối loạn tiêu hóa rất phổ biến, được hầu hết mọi người mô tả bằng cảm giác đầy bụng hay khó chịu ở dạ dày trong và sau bữa ăn. Vậy đâu là nguyên nhân và cách phòng ngừa?
Triệu chứng thường gặp
Đầy bụng trong khi ăn: Khi bạn cảm thấy “quá no” ngay sau khi bắt đầu ăn và rồi sau đó không thể tiếp tục ăn được nữa.
Quá no sau bữa ăn: Cảm giác này giống như thể thức ăn ở trong dạ dày quá lâu và bạn không thấy đói nhiều giờ sau khi ăn.
Đau ở khu vực dạ dày hay ngay dưới lồng ngực. Điều này không nên nhầm lẫn với chứng ợ nóng bởi ợ nóng là do axit trong dạ dày tăng lên trong thực quản, cùng với đó là cảm giác đau nhói trong lồng ngực, lan đến cổ và lưng.
Ngoài ra còn có triệu chứng khác như buồn nôn, đầy hơi, tức khó chịu trong dạ dày, có vị chua trong miệng…
Nguyên nhân chứng khó tiêu?
Hầu hết chứng khó tiêu được tự nó “giải quyết” bởi đó là chứng khó tiêu do chức năng, có nguồn gốc ở khu vực dạ dày tiếp giáp với ruột non (tá tràng). Các giả thuyết cho rằng nguyên nhân do chuyển động bất thường xảy ra trong quá trình ép và thư giãn (nhu động) của các cơ dạ dày khi tiêu hóa thức ăn và chuyển đến tá tràng.
Mặt khác, khó tiêu cũng có thể do một số thuốc như thuốc giảm đau (đặc biệt là aspirin), thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, steroid… gây ra. Phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thai đã lớn cũng hay gặp phải tình trạng khó tiêu.
Nhưng đôi khi chứng khó tiêu là biểu hiện của một số căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm hơn như loét dạ dày và tá tràng, trào ngược axit dạ dày-thực quản, nhiễm trùng dạ dày (do vi khuẩn và virus), hội chứng ruột kích thích, viêm tụy mãn tính, bệnh tuyến giáp.
Điều trị và phòng ngừa
Luôn nhớ rằng chứng khó tiêu là một triệu chứng chứ không phải là một căn bệnh. Vì vậy, nếu triệu chứng nghiêm trọng hoặc xảy ra quá thường xuyên, nên đi khám để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn, từ đó các bác sỹ sẽ dựa vào nguyên nhân để điều trị.
Mặt khác, nếu hay bị khó tiêu nhưng không tìm ra nguyên nhân, mách nhỏ với bạn các bước cơ bản sau để giảm thiểu triệu chứng: Tránh thực phẩm và đồ uống gây đầy bụng như cà phê, pho-mát, nước uống có ga; Không nên vừa ăn vừa nói chuyện bởi không khí sẽ lọt vào cùng với thức ăn; Ăn chậm, nhai kỹ; Không uống nhiều nước trong bữa ăn; Tránh ăn quá muộn vào ban đêm; Hạn chế đồ cay nóng; Ngừng hút thuốc hoặc uống rượu…
(st)