Làm sao để trẻ hết giật mình khi ngủ là nỗi lo lắng của các ông bố bà mẹ. Với những thông tin dưới đây bạn sẽ phần nào giúp bé nhà bạn có giấc ngủ ngon, sâu
Các chuyên gia nói gì
Hỏi:
Mấy đêm gần đây, con trai tôi hay giật mình và ngồi dậy, tay sờ soạng với vẻ hốt hoảng.
Con trai tôi 38 tháng tuổi, cháu đã đi nhà trẻ được gần 2 năm.
Mấy đêm gần đây, tôi thấy bé giật mình khi ngủ và ngồi dậy, tay sờ soạng với vẻ hốt hoảng. Tôi ôm cháu vỗ về thì cháu vẫn trong tình trạng đó, mấy lần liên tục, tôi không biết làm cách nào liền đánh vào lòng bàn chân của cháu 1 cái thật đau thì cháu tỉnh giấc và không khóc nữa.
Thưa bác sĩ, con tôi có phải bị bệnh mộng du không? Tôi có nên đưa bé đi khám hay không? Tôi phải làm gì để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra cho cháu khi cháu đang ngủ mà không có ba mẹ bên cạnh. Cám ơn bác sĩ!
(Quocthang19).
Bé ngủ hay giật mình khiến tôi rất lo lắng! (Ảnh minh họa).
Bạn Quốc Thắng thân mến!
Hiện tượng mà bạn mô tả bé khi ngủ bỗng nhiên giật mình và ngồi dậy, tay sờ soạng với vẻ hốt hoảng có thể nghĩ là do bé bị rối loạn giấc ngủ chứ không phải là mộng du.
Rối loạn giấc ngủ thường có các biểu hiện như: trằn trọc khó vào giấc ngủ, nửa đêm hay thức giấc ngồi nhìn vẻ bàng hoàng ngơ ngác, hoặc có cơn ác mộng sợ hãi, trẻ nhỏ có thể khóc thét. Các giấc mơ gây hoảng hốt, sợ hãi thường có nội dung đe dọa tính mạng hoặc người thân trong gia đình. Các giấc mơ này thường liên quan tới ban ngày nhìn hoặc phải chứng kiến,như ai đó đe dọa bé hoặc do xem cảnh bạo lực, đánh đấm, ma quỷ trong phim.
Đôi khi, nguyên nhân có thể rất bình thường như: giường chật quá, bộ quần áo trẻ mặc khi đi ngủ bó sát vào người quá, trẻ bị nóng, bị tức ngực vì đắp quá nhiều chăn. Cũng có khi do bữa cơm chiều ăn quá no. Do vậy phải tìm hiểu để loại bỏ nguyên nhân kết hợp với chế độ ăn uống nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không cho bé xem phim ma, bạo lực...
Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ còn gặp ở những người bệnh tim, cơ thể suy nhược...
Trong trường hợp bé bị như vậy, ba mẹ nên giữ im lặng, không cần đánh thức bé dậy. Chỉ một lát sau, bé sẽ bình tĩnh và đi ngủ trở lại. Buổi sáng khi thức giấc, bé sẽ quên hết mọi việc đã xảy ra đêm qua. Hoặc nếu bé thức dậy, nên lại ngồi gần, cầm tay bé và hỏi bằng giọng bình tĩnh. Nếu bé muốn kể về nội dung giấc mơ, hãy để cho bé kể hết. Nếu bé muốn bật đèn, nên hé cửa để đèn nơi khác chiếu vào phòng.
Nếu bé có hiện tượng này kéo dài và sau khi đã loại các nguyên nhân trên, bạn có thể cho bé đến các bác sĩ hay chuyên gia tâm lý để tìm hiểu hoặc làm các test tâm lý kiểm tra.
Thiết nghĩ sẽ không có gì rủi ro có thể xảy ra cho bé khi cháu đang ngủ mà không có ba mẹ bên cạnh. Không nên vì thế mà đưa bé sang ngủ chung với ba mẹ. Làm như vậy, bé sẽ quen và thấy ngại ngủ một mình.
Hỏi
Cháu chào bác sỹ.bác làm ơn cho cháu hỏi bé nhà cháu giờ được hơn 2 tháng nhưng từ lúc mới sinh ta cháu đã rất ít ngủ hay rướn đỏ mặt lúc tháng đầu tiên,bế ở trên tay thi tưởng ngủ rất say nhưng khi đặt nằm thì lại mở mắt ngay được,hầu hết chỉ ngủ được khoảng 15 phút lại tỉnh.giờ sang tháng thứ 2 thì giấc ngủ kéo dài được tầm 1 tiếng nhưng trong khi ngủ rất hay bị giật mình,mỗi lần giật mình là tay khua khoắng loạn lên,chân thi co lại,thỉnh thoảng bị run chân,cháu rất ít ngủ ngủ chập chờn,ngủ gà ngủ vịt,như thế là cháu bị làm sao ạ.
Trả lời
Chào bạn,
Bản chất giấc ngủ của trẻ dưới 3 tháng tuổi là ít khi ngủ sâu như người lớn. Bé chỉ ngủ khoảng 2 giờ là dậy để bú, nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn thì giấc ngủ có thể ngắn hơn vì sữa mẹ dễ tiêu nên bé mau đói bụng. Bé trong độ tuổi này vẫn còn phản xạ giật mình và run nhẹ tay chân khi ngủ. Khi bé run tay chân, nếu bạn nắm giữ lại mà bé hết run thì không sao. Hiện tượng này và hiện tượng vặn mình sẽ khỏi khi bé lớn hơn. Nếu khi thức bé vẫn vui vẻ và bú tốt, lên cân tốt thì bạn không cần lo lắng. Bạn nên tập đặt bé xuống giường hoặc nôi khi bé vừa thiu thiu ngủ. Khi đặt xuống thì vịn hai tay bé lại để bé không giật mình, giữ bé một lúc mới thả ra. Không nên tập cho bé ngủ trên tay mẹ. Nếu bé hay giật mình thì bạn có thể quấn bé trong một tấm khăn vải mùng lớn, nhưng nhớ lưu ý nhiệt độ phòng phải mát mẻ (khoảng 27-28 độ) thì bé mới ngủ ngon được. Bạn có thể bổ sung cho bé 400 UI vitamin D3 mỗi ngày để phòng ngừa hiện tượng còi xương.
Hỏi
Bé nhà em được 4 tháng tuổi, từ hồi sinh ra đến giờ bé ngủ hay bị giật mình. Mấy hôm gần đây bé có hiện tượng lạ: khi ngủ dậy được một lát, bé vươn vai thì tự nhiên bị rùng mình.
Lúc đó, người bé rung rung mấy lần liền rồi khóc rất to. Nếu ôm chặt bé vào lòng một lát thì hết. Cho em hỏi là nguyên nhân làm sao bé bị như thế? Có nguy hiểm hay không? (Bui The Phong)
Trả lời:
Hiện tượng bạn mô tả là hiện tượng thiếu canxi do bé mắc bệnh còi xương, dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật. Biểu hiện là trẻ hay giật mình. Nếu thiếu nặng còn có thể bị co giật.
Bạn nên đưa con đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bệnh còi xương không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu không điều trị, trẻ sẽ bị còi xương di chứng dẫn đến lồng ngực dô hoặc ngực lép, cong xương chi (chân vòng kiềng, chân chữ X...), đầu bẹp, trán dô… Sau này ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, hình dáng không đẹp và nguy cơ loãng xương về già.
Hỏi
Con tôi gần 4 tuổi, cháu ăn uống bình thường nhưng khi ngủ hay giật mình nhiều lần, không biết như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe không, mong bác sĩ tư vấn? (Kim Anh, Hà Nội)
Trả lời:
Ở trẻ em, do các tế bào thần kinh chưa được biệt hóa nên phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa, bất kỳ một kích thích nào cũng có thể gây ra phản ứng toàn thân. Chính vì vậy, trẻ em hay bị giật mình, phản xạ này sẽ dần hoàn chỉnh và giảm dần đi. Đến 14 tuổi thì não bộ của các bé hoàn thiện được như người lớn.
Để bé có giấc ngủ ngon, không nên cho bé ngủ trong trạng thái hưng phấn như đùa nghịch, xem tivi. Khi bé ngủ, bạn nên để con trong phòng yên tĩnh, thông thoáng, không nóng bức, không sáng quá.
Đối với những bé hay bị giật mình, cha mẹ có thể đặt con nằm nghiêng, ôm một chiếc gối hoặc thú nhồi bông. Khi đặt bé ở tư thế nằm ngửa, bạn có thể để 2 chân gác lên một chiếc gối. Bằng cách này, bé sẽ có cảm giác an toàn như có mẹ nằm cạnh và đỡ giật mình hơn.
Bạn cũng nên lưu tâm xem bé có thiếu canxi không và bổ sung kịp thời. Nếu đã dùng các biện pháp trên mà không thấy hiệu quả, bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được khám và điều trị.
Hỏi
Bé nhà em gần 4 tháng tuổi, nặng hơn 7 kg. Gần đây cháu ít ngủ ngày, nếu ngủ mỗi giấc chỉ khoảng 30 phút là cháu bị giật mình tỉnh giấc rồi quấy khóc.
Ban đêm cháu cũng ngủ không say, hay tỉnh giấc. Nguyên nhân tại sao nhờ bác sỹ tư vấn giúp. Phan Đăng Nhân - dangnhan_ht@... (Đức Thọ - Hà Tĩnh)
Trả lời:
Không biết bé nhà mình là bé trai hay bé gái? Nếu là bé gái thì bé gần 4 tháng tuổi mà đã nặng hơn 7kg là có dấu hiệu thừa cân, còn nếu là bé trai thì cân nặng như vậy là vừa. Cha mẹ cũng cần đo cả chiều cao để xem bé đã phát triển cân đối chưa?
Từ 3 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thức ngày lâu hơn và ngủ nhiều hơn vào ban đêm so với khi mới sinh nên việc dạo này bé nhà bạn ngủ ít hơn vào ban ngày cũng là điều bình thường, không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, việc ngủ ít hay nhiều còn tùy thuộc vào từng bé bởi mức độ hoạt động của các bé rất khác nhau.
Thời gian ngủ vào ban đêm của các bé cũng khác nhau, trung bình bé chỉ ngủ khoảng 5 tiếng rồi thức giấc để ăn hoặc tỉnh giấc do bé khó chịu vì ẩm ướt khi vệ sinh. Cha mẹ có thể huấn luyện để giấc ngủ của bé dần đi vào quĩ đạo.
Đây cũng là độ tuổi mà bé có thể để bé quấy vài phút mỗi khi thức giấc. Một số trẻ quẫy đạp, quấy khóc khi đang cố đưa mình trở lại vào giấc ngủ, dân gian vẫn gọi đó là ‘gắt ngủ’. Khi đó, bạn có thể cho bé ăn nếu bé đói. Nếu bé quấy khóc quá lâu thì mới dỗ dành bé còn không, hãy cứ thử để bé một mình. Về lâu dài điều đó sẽ giúp bé tự phát triển kỹ năng đưa mình ngủ trở lại mà không cần sự trợ giúp của bạn.
Về việc bé ngủ hay bị giật mình, thực tế ở trẻ em do các tế bào thần kinh chưa được biệt hóa nên phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa, bất kỳ 1 kích thích nào cũng có thể gây ra 1 phản ứng toàn thân. Chính vì vậy mà trẻ em hay bị giật mình, phản xạ này sẽ dần hoàn chỉnh và giảm dần đi.
Để xử lý, bạn có thể đặt bé nằm nghiêng hoặc nằm ngửa khi ngủ và có chèn gối 2 bên cho bé, bé có cảm giác an toàn như có mẹ nằm cạnh và sẽ đỡ giật mình hơn.
Giúp bé có giấc ngủ ngon, cha mẹ không nên cho bé ngủ trong trạng thái hưng phấn như đùa nghịch khi trò chuyện cùng cha mẹ. Khi ngủ để bé trong phòng yên tĩnh, thông thoáng, không nóng bức, không sáng quá.
Bạn nên tiếp tục theo dõi giấc ngủ của con, nếu đã làm đủ cách bé vẫn bị thiếu ngủ triền miên thì bạn nên đưa con đi thăm khám để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Đoán bệnh của trẻ qua biểu hiện khi ngủ
Những biểu hiện khác lạ trong giấc ngủ của trẻ có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh của trẻ. Chẳng hạn, nếu trẻ quấy khóc, gãi đầu, gãi tai, kèm theo sốt thì có thể là do viêm ống tai ngoài, mẩn ngứa ống tai, hoặc viêm tai giữa.
Trước khi ngủ, trẻ nóng giận, hay quấy, khi ngủ thì dễ giật mình, tỉnh giấc, mặt đỏ, toàn thân khô, tiếng thở to và gấp, tim đập nhanh: Đó là dấu hiệu báo trước trẻ có thể lên cơn sốt.
Khi ngủ mồ hôi vã ra như tắm, ngủ không ngon giấc, kèm theo các biểu hiện đầu vật vã, răng mọc chậm, thóp không đầy theo đúng thời gian: Đó là dấu hiệu trẻ có thể bị còi xương.
Trẻ ngủ chân tay giật giật chứng tỏ ban ngày tinh thần bị kích thích quá mạnh, quá sợ hãi, quá mệt mỏi.
Thường ngày trẻ thích ngủ, lúc nào cũng có thể ngủ được; nghe thấy tiếng động cũng chẳng phản ứng gì: Coi chừng trẻ có thể bị điếc.
Hai hàm răng của trẻ nghiến kêu kèn kẹt trong lúc ngủ: có thể là biểu hiện bệnh ký sinh trùng đường ruột hoặc có dị hình hàm răng, hàm trên hàm dưới không khớp nhau. Tình trạng này chỉ có tính chất nhất thời, khi thay toàn bộ răng sữa thì đa số trường hợp sẽ hết chứng nghiến răng.
Khi ngủ trẻ thường gãi vào vùng mông, hậu môn: Có thể trẻ có giun kim.
Trẻ nằm ngửa, ngủ say, tiếng ngáy to không ngớt, thở há miệng lộ bộ mặt ngây ngô, sống mũi rộng phẳng bẹt: Có thể đang bị viêm amidan, V.A hay có thịt thừa ở mũi, họng, cần khám tai mũi họng.
Trẻ 6 tháng tuổi trở lại trong quá trình ngủ nếu vừa vươn vai vừa khóc thì chỉ do buồn ngủ, xoa đầu, vỗ mông là trẻ ngủ ngay.
Nếu trẻ từ 6 tháng đến 1 năm tuổi khóc ê a, hai mắt lim dim, nước mắt giàn giụa, cựa quậy luôn luôn là do chăn chiếu không êm, không ngủ yên được; nên sửa lại chỗ nằm hay đặt trẻ ra nói khác.
Nếu trẻ khóc ê a, hai mắt lim dim, khóc có nhịp cao thấp như hát là lúc mỏi mệt, đói hay khát, không ngủ được, nên cho trẻ bú.
Nếu thấy trẻ ngủ khóc thét lên, cau mày rụt cổ hoặc run rẩy khóc là trẻ ngủ mê, giật mình kinh sợ, nên lên tiếng trấn an và ẵm lên vỗ về, xoa dịu nỗi kinh sợ của trẻ.
Trong quá trình ngủ, nếu thấy trẻ thể hiện tiếng khóc, động tác lạ, khác thường, nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi để tham khảo ý kiến và điều trị nếu cần thiết
Giấc ngủ của bé là vô cùng quan trọng, Vì sao?
Giấc ngủ không chỉ là nhu cầu tất yếu của bé mà nó còn có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Nếu được ngủ ngon sâu giấc và đúng giờ thì trẻ con sẽ luôn có tinh thần thoải mái, ăn uống tốt, sức đề kháng cao, phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ (trí não, trí thông minh, năng lực tuy duy, khả năng suy nghĩ ….). Ngược lại nếu bé ngủ thất thường, ngủ ít, ngủ không sâu thì bé sẽ hay quấy khóc; buồn bã không yên; ăn uống kém, thất thường; tăng cân chậm; sức đề kháng kém.
Bí quyết giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc
Hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ của bé, chắc hẳn bố mẹ nào cũng không khỏi lo lắng và luôn băn khoăn: Làm thế nào để cho bé ngủ ngon? Cách gì làm cho trẻ con ngủ sâu giấc?Làm sao để trẻ nhỏ ngủ đúng giờ giấc? …
Dưới đây BabyPhoto xin được đưa ra một vài bí quyết (mẹo) nhỏ để giúp trẻ có được một giấc ngủ tốt, hy vọng phần nào giúp được các bố mẹ trong vấn đề này.
Đừng để bé đói hoặc chưa đủ no trước khi ngủ.
Nếu bé còn trong giai đoạn bú mẹ, trước khi nếu bé được bú đủ giấc ngủ của bé sẽ sâu và không bị gián đoạn. Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, nên mỗi lần bạn chỉ nên cho bé bú 1 lượng nhất định và cứ sau vài giờ thì lại cho bé bú (đa số cữ bú của bé sơ sinh cách nhau 3 – 4 tiếng). Bé sẽ tự tỉnh giấc và đòi bú mẹ, sau khi đã no nê bé sẽ ngủ tiếp. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần nhớ là không để trẻ sơ sinh ngủ liên tục lâu hơn 5 tiếng mà không dậy bú.
Tạo cảm giác an toàn cho bé khi ngủ bằng một chiếc khăn mỏng
Quấn bé trong một chiếc chăn mỏng khi ngủ, giúp bé có cảm giác an toàn và được che chở như khi còn nằm trong tử cung của mẹ. Cách này tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, khiến bé ngủ sâu hơn và không còn giật mình khi ngủ.
Đừng để bỉm của trẻ quá ướt
Nếu bỉm của bé bị ướt, bé sẽ cảm thấy bứt rứt không yên và khó có thể ngon giấc. Vì vậy, các mẹ cần lưu ý để đảm bảo cho bé có một chỗ nằm êm ái, gọn gàng, khô ráo.
Trong giấc ngủ ban ngày không nên cho bé ngủ quá lâu
Để bé phân biệt được ngày và đêm nhanh hơn và để giấc ngủ đêm của bé kéo dài lâu và sâu hơn thì bạn cần giới hạn giấc ngủ ban ngày của bé, không quá 3 giờ đồng hồ cho một giấc ngủ ngày.
Ban ngày cho bé vui trơi nhiều hơn
Ban ngày, bạn nên vui chơi với bé nhiều hơn. Bạn có thể cho bé nghe nhạc hoặc rung những chiếc lục lạc để khiến bé vui vẻ. Bé sẽ phân biệt được rõ hơn ngày và đêm và cảm nhận được rằng ban ngày là khoảng thời gian để vui chơi.
Ru trẻ ngủ bằng âm nhạc
Các bé rất thích nghe giọng nói của cha mẹ, nhất là khi những giọng điệu này lên – xuống theo lời một ca khúc. Bạn có thể chọn nhiều bài hát ru khác nhau để ngân nga cho bé nghe. Bé sẽ nhận biết được tín hiệu hát ru từ mẹ đồng nghĩa với việc phải đi ngủ.
Hoặc, bạn có thể cho bé nghe những bản nhạc dành cho bé sơ sinh. Bạn nhớ chọn thể loại nhạc êm dịu và vặn nhỏ âm thanh để tránh gây ồn ào cho bé.
Công thức để bé ngủ sâu hơn
“Tắm nước ấm + đọc truyện = ngủ ngon, ngủ sâu“
Chính hai việc này khiến cho cơ thể của bé được thư giãn tối đa. Trước khi bé chìm vào giấc ngủ, nên ở bên cạnh bé một chút nhưng không quá lâu.
Trước khi ngủ hạn chế cho bé uống nước
Nếu cho bé uống quá nhiều nước trước khi ngủ thì bé sẽ khiến bé buồn đi tiểu trong khi ngủ dẫn đến giấc ngủ của trẻ không được sâu và dài. Điều này đặc biệt quan trọng trong giấc ngủ đêm của bé.
Mát xa cho bé trước khi ngủ.
Bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái và sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu. Nhưng không nên làm nó như một thói quen. Khi bé không được mẹ mát xa sẽ khó ngủ.
Đừng để bé mơ thấy ác mộng khi ngủ
Mơ là một hiện tượng rất bình thường của con người, bé yêu của bạn cũng có giấc mơ khi ngủ đó. Nhưng bé khó có thể phân biệt được giấc mơ và hiện thực cho nên khi thức giấc bé sẽ rất sợ hãi. Để hạn chế tình trạng này, bạn không nên cho bé xem phim hoặc đọc sách kinh dị, những hình ảnh ma quái trước giờ đi ngủ.
Không gian ngủ là rất quan trọng
Trong không gian ngủ của bé đừng nên để quá tối, bé khá là sợ hãi khi ngủ một mình vì bé có thể nhìn thấy những hình thù kì quái khi bóng đêm buông xuống.
Vị trí ngủ của bé nên tránh xa khu rèm cửa, chắn gió, treo tranh hoặc những vật treo tường vì khi có gió lớn, những vật này có thể gây nguy hiểm cho bé.
Cách để cho bé đi ngủ đúng giờ:
Tạo thói quen cho bé đi ngủ một giờ cố định bằng một “thủ tục” thư giãn, yêu thích trước giờ lên giường ngủ, dần dần bé sẽ nhận thức được khi nào là lúc phải đi ngủ.
-
Giảm dần các hoạt động trước giờ đi ngủ
-
Tắm, mát-xa cho bé
-
Âu yếm, thủ thỉ trò chuyện, chúc bé ngủ ngon
-
Đọc sách kể chuyện
-
Hát ru hoặc nghe nhạc êm dịu
Tìm bác sĩ tư vấn
Khi bé gặp ác mộng nhiều lần, nhiều ngày, thức giấc nhiều lần nhiều ngày…hoặc gặp nhiều rắc rối khác trong khi ngủ mà bạn đã thử nhiều cách mà không khắc phục được thì lúc đó bạn nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn.
5 sai lầm thường gặp khi cho trẻ ngủ
Sai lầm đầu tiên là cho trẻ ăn đêm. Con bạn thật sự không cần ăn thêm ban đêm nữa khi bé đã nặng 6 cân. Nếu bé đã nặng hơn thế mà vẫn khóc đòi ăn vào khoảng 2 giờ sáng thì đó là do thói quen. Thay vì vội vàng cho ăn, bạn hãy thử để bé tự ngủ lại.
Hầu hết các em bé sau 3-4 tháng tuổi đều có thể ngủ thẳng giấc suốt đêm nếu bố mẹ biết cách tạo điều kiện cho chúng. Sau đây là những sai lầm cần tránh để trẻ có giấc ngủ sâu và ngon giấc.
Lệ thuộc vào thói quen của trẻ
Đứa bé khóc khi bạn cho ngủ vào buổi tối; và mỗi lần như vậy bạn lại cố làm cho bé thoải mái để ngủ cho nhanh, không khóc lóc ồn ào. Cứ như thế thì bé sẽ không bao giờ tự mình ngủ được.
Lần tới, nếu bé khóc khi đi ngủ, bạn hãy cố gắng chế ngự cảm giác "xót con", cứ làm một việc gì khác để không nghe thấy tiếng rên rỉ, thút thít của bé. Khi bé khóc thật sự, hãy đợi chừng 5 phút rồi hãy vào dỗ. Tối hôm sau, kéo dài thời gian đợi đó thành 10 phút, và cứ thế tiếp tục kéo dài hơn.
Dĩ nhiên, nếu bé bị đau hay khó ở thì bạn phải giúp con đi ngủ.
Đu đưa cho bé ngủ
Nếu bạn thường xuyên bế con và đu đưa cho bé ngủ, nó sẽ bị phụ thuộc vào cánh tay bạn, không đu đưa thì không thể ngủ. Nếu bé thường ngủ gục khi bạn cho bú, hãy nhẹ nhàng đánh thức con dậy trước khi đặt vào giường.
Đặt bé vào giường với một bình sữa
Con bạn hay ngủ gục lúc đang ngậm vú sữa, điều đó có hại cho răng của bé; răng sẽ vàng và dễ bị sâu. Ngủ với bình sữa trên tay cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh về tai của trẻ.
Lẫn lộn ngày và đêm
Bé không bao giờ ngủ suốt đêm nếu không biết sự khác nhau giữa bóng tối và ánh sáng. Bạn hãy giúp con tổ chức nhịp độ ngủ tự nhiên. Hãy giữ cho phòng bé đầy ánh sáng vào ban ngày và trong cả giấc ngủ chợp ban ngày. Còn buổi tối thì đừng để ánh sáng lọt vào phòng.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh những điều mẹ cần biết
Mẹo giúp bé ngủ ngon giấc cực kì đơn giản
Làm sao để trẻ ngủ ngon vào ban đêm
Tư thế ngủ tốt nhất cho trẻ
Khi nào nên cho bé ngủ riêng
Bé sơ sinh ngủ hay giật mình