Trẻ bị bại não do tổn thương thần kinh không tiến triển giai đoạn trước 5 tuổi. Chúng ta cần sớm nhận ra các triệu chứng để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ. Cùng điểm lại một số triệu chứng của bệnh bại não nhé!
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ BỊ BẠI NÃO
Khi điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ bại não, vấn đề phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò quyết định đến sự tiến bộ của các cháu. Trong các nguyên nhân gây bại não, ngoại trừ một số nguyên nhân cấp tính, đột ngột như viêm nhiễm thần kinh, tai nạn, chấn thương…mà di chứng để lại dễ được nhận biết bởi sự khác biệt so với trước khi bị bệnh; còn rất nhiều nguyên nhân không rõ ràng, thoảng qua, đã không thu hút được sự chú ý của cha mẹ các cháu, nhất là với các bà mẹ trẻ, lần đầu sinh con, chưa có kinh nghiệm. Bài viết này mong muốn cung cấp cho các bậc cha mẹ một số kiến thức để đánh giá thế nào là trẻ phát triển bình thường, các dấu hiệu và triệu chứng nào để nhận biết sớm trẻ bị bại não
Trẻ bại não bị các tổn thương thần kinh không tiến triển trong giai đoạn trước 5 tuổi về các lĩnh vực vận động, trí tuệ, ngôn ngữ, hành vi và các giác quan. Do vậy để đánh giá trẻ có bình thường không, các dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bại não cần phải dựa vào các lĩnh vực đó
Những mốc cơ bản đánh giá sự phát triển bình thường của trẻ
Dân gian đã tổng kết: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”.
-Trẻ mới sinh đến 1 tháng: Có phản xạ mút, bú, nuốt, co rúm khi bị kích thích, nắm bàn tay, lúc 3 tuần tuổi biết nhìn theo vật di động
-Trẻ 2 tháng: Biết hóng chuyện, mỉm cười, biết nhìn vật sáng di động.
-Trẻ 3 tháng: Nằm sấp ngẩng đầu, giữ vật trong tay 1 – 2 phút, đưa mắt tìm nguồn tiếng động, vật di động.
-Trẻ 6 tháng: Cổ vững, ngồi vững, đứng xốc nách, nhặt đồ vật bằng 5 ngón, phân biệt lạ quen, phát âm bi bô.
-Trẻ 9 tháng: Nằm sấp có thể bò, lật, tự đưa thức ăn lên miệng, biết đáp ứng khi gọi tên, có cảm giác vui mừng sợ hãi.
-Trẻ 12 tháng: Tập đi men theo thành giường, đập phá đồ chơi, nói một số từ đơn, bắt chước lời nói, biết thể hiện tình cảm vui cười, giận khóc, vẫy chào tạm biệt.
-Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Chạy dễ ngã, trèo cầu thang, chơi tập thể, tranh giành đồ vật, biết ghen tị, biết làm theo mệnh lệnh, đòi đồ vật bằng cách gọi tên đồ vật, biết chỉ các phần cơ thể.
-Trẻ 3 tuổi: Tiếp thu học thuộc bài hát ngắn, đứng bằng một chân, chủ động chăm sóc bản thân, biết tên tuổi mình, tháo lắp đồ chơi đơn giản, biết giao tiếp, thắc mắc bằng ngôn ngữ
-Trẻ 6 tuổi: Ngôn ngữ hoàn chỉnh, học thuộc bài hát dài, có khả năng phân tích, tổng hợp, thích trò chơi tập thể.
Một số dấu hiệu và triệu chứng nhận biết sớm trẻ bại não:
a. Ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ rất yếu hoặc mềm nhẽo sau khi đẻ, nhất là sau các liên quan đến sản khoa như đẻ khó, đẻ ngạt tím, ngạt trắng, đẻ non tháng, đẻ già tháng, đẻ thiếu cân, mổ đẻ…
- Trẻ không mút, không bú, hay sặc sữa, đùn sữa và thức ăn, lè lưỡi ra ngoài hoặc rụt lưỡi vào trong.
- Các dị tật hoặc mất chức năng ở tứ chi: tay chân hoặc mềm yếu không cử động được hoặc co cứng ở tư thế gấp hoặc xoay trong hoặc đổ ra ngoài. Bàn tay nắm chặt, ngón tay cái gập khép chặt
- Trẻ có các tư thế bất thường hoặc cổ mềm rũ, lưng yếu, các khớp yếu, cơ yếu, chậm ngẩng đầu, nâng tay, không giữ được thăng bằng, không giữ được ở tư thế sinh lý; hoặc bị co cứng, ngửa cổ, ưỡn lưng, gập lưng, xoắn vặn chi, cứng khớp, co cứng cơ, khi bị kích thích hoặc đặt bế nằm ở một tư thế nhất định càng co cứng hơn.
- Trẻ có đầu bé nhọn hoặc đầu to quá cỡ và ngày càng to ra theo năm tháng với các thóp và khớp sọ giãn rộng.
- Trẻ có khuôn mặt tròn, mắt xếch, lưỡi to, dày
- Trẻ có biến dạng ở hộp sọ, thay đổi cấu trúc giải phẫu ở tai, mắt, như dị dạng vành tai, lác mắt, sụp mi, rung giật nhãn cầu…, dị dạng cột sống, thoát vị tủy sống…
- Các rối loạn về tâm thần: hoặc la hét kích thích, quấy khóc suốt ngày đêm, hoặc li bì, kém linh hoạt, đáp ứng yếu ớt, khóc rên khi bị kích thích đau…
b. Các dấu hiệu ở trẻ lớn:
- Dễ nhận biết nhất là các rối loạn dáng đi như đi lệch, đi với hai đầu gối chụm khép chặt vào nhau kèm theo co cứng cơ
- Chỉ đứng trên các đầu ngón chân, duỗi cứng hai bàn chân, đi bằng cả hai mũi chân. Đi xiêu vẹo, run rẩy không vững, dễ bị ngã
- Tập đi muộn, đi lạch bạch, hay ngã, bàn chân phẳng.
- Chậm hơn các trẻ khác cùng lứa tuổi trong các bước phát triển: lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Thờ ơ kém nhận thức, như không biết lạ quen, không biết biểu lộ tình cảm, chậm nói, không đáp ứng với tiếng gọi, tiếng động, đến 3 tuổi mà vẫn chưa nói được tất cả.
BỆNH BẠI NÃO CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?
Câu hỏi:
Kính chào bác sĩ. tôi có một việc như sau. Con tôi nay được 10 tháng tuổi nhưng chưa biết ngôi, mọc răng và sức khỏe rất yếu, không biết trò chuyện.nhưng ăn uống bình thường.đi bẹnh viện khám thì họ nói bị bại não vậy bại não có chữa được ko và chữa ở đâu. Tôi muốn vào nhi đồng 2 khám thì vào gặp ai để chuyên khoa.Vì tôi ở tận Quảng Ngãi lận. Tôi Lý Thị Minh Hải Tỉnh Quảng Ngãi xin cầu cứu bệnh viện giúp đỡ để con tôi trở lại bình thường. Chân thành cảm ơn toàn thể nhân viên bệnh viện.
Lý Thị Minh Hả
Trả lời:
Chào bạn Minh Hải!
Bại não là tình trạng mất chức năng của não do các tổn thương não bộ xảy ra trong giai đoạn sớm của đời sống. (thường là từ trong bào thai, trước và trong khi sanh, trong năm đầu tiên của trẻ). Não bộ có nhiều chức năng khác nhau và sự mất một hay nhiều chức năng được gọi là bại não. Trẻ bại não thường bị ảnh hưởng nhiều nhất là chức năng vận động, biểu hiện dưới dạng: chậm phát triển vận động, co cứng hay liệt cứng một chi, một bên cơ thể hay tứ chi, có mẫu vận động bất thường mất đối xứng với những động tác xoắn vặn bất thường, múa vờn, khó khăn trong điều phối động tác hoặc mềm nhão cơ...Chức năng khác thường thấy bị anh hưởng ở trẻ bại não là khả năng giao tiếp xã hội, khả năng ngôn ngữ bị hạn chế có thễ do vùng ngõn ngữ bị ảnh hưởng nhưng cũng có thể do khó khăn trong cử động và điều hòa các cơ phát âm. Đôi khi trẻ bại não có thể có khả năng trí tuệ ở mức trung bình nhưng thường là chậm phát triển trí tuệ do bản chất của tổn thương não xảy ra trong giai đoạn đang hinh thành và phát triển cơ quan của trẻ.
Nguyên nhân của tổn thương não sớm gây bại não có thể là bất thường từ trong quá trình hình thành phôi thai, chấn thương hay nhiễm trùng của mẹ trong lúc mang thai, sanh ngạt và các tai biến sản khoa, thiếu oxy hay thiếu máu não, xuất huyết não, vàng da nhân...
Chẩn đoán bại não gồm xác định bại não bằng khám và đánh giá chức năng thần kinh, tìm nguyên nhân gây bại não để điều trị nguyên nhân nếu có thể được. Điều trị gồm dùng thuốc điều trị rối loạn vận động, dãn cơ, tập vật lý trị liệu, chỉnh hình và điều trị nguyên nhân nếu có thể.
Bạn có thể đưa cháu đến khám và điều trị tại khoa Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sĩ sẽ xác định và hương dẫn những điều trị cụ thể và những can thiệp cần thiết.
Chào bạn.
MỘT SỐ CHÚ Ý KHI CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO TRẺ BẠI NÃO
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ khỏe mạnh đã là một công việc cần nhiều thời gian, công sức và tình cảm; nhưng với trẻ bại não thì còn thêm bội phần khó khăn, vất vả. Bởi ở trẻ bại não thì bản năng ăn, uống đã bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn. Nên thường gặp là trẻ dễ bị lãng quên, không được cho ăn uống tốt. Dinh dưỡng của trẻ là thức ăn loãng và ít hơn, không đủ về số lượng và chất lượng, hậu quả là trẻ bại não dễ bị suy dinh dưỡng hơn trẻ bình thường. Để giảm thiểu những vất vả và khó khăn cho các bà mẹ không may có con bị bại não trong vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, chúng tôi xin có một số hướng dẫn sau.
Các nguyên nhân gây khó khăn trong ăn uống của trẻ bại não
Do cử động môi của trẻ khó khăn, khả năng mím, mút, mở rộng bị hạn chế
Do các cơ mặt của trẻ bị liệt, thường gây cứng hàm nên khó nhai, khó há miệng, khó giữ được thức ăn ở trong khoang miệng để nhai mà dễ rơi ra ngoài hoặc sâu vào trong họng.
Do lưỡi của trẻ bị liệt, thường bị co rút ngắn hoặc bị đẩy dài ra ngoài nên khó nuốt, khó trộn thức ăn khi nhai
Do vòm hầu của trẻ bị tổn thương, khả năng kết hợp nhịp nhàng giữa nuốt và thở kém nên dễ sặc dễ nôn
Dinh dưỡng cho trẻ bại não
Các thức ăn vẫn cần đầy đủ như với trẻ khỏe mạnh cùng lứa tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất. Người mẹ có con bị bại não dễ bị mất sữa do trẻ bú kém hoặc không bú. Nên cần tăng cường cho con bú khi có thể, cần ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc thì mới duy trì được lượng sữa cho con. Trẻ lớn hơn cần ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất: bột đường, đạm, chất béo, rau và trái cây.
Tránh một số sai lầm khi chọn dinh dưỡng cho trẻ bại não là kiêng ăn thịt bò, kiêng ăn tôm, kiêng ăn chuối …vì sợ trẻ bị co gân.
Nên lựa chọn loại thức ăn và các hình thức chế biến phù hợp với khả năng ăn uống của trẻ. Trẻ có khả năng ăn được các thức ăn đặc thì nên cho trẻ ăn cùng thức ăn của gia đình. Cho trẻ cầm miếng thức ăn cứng để tập cắn, gặm, khuyến khích động tác nhai nuốt để trẻ tập vận động môi, lưỡi tốt hơn, cũng góp phần phát triển ngôn ngữ sau này của trẻ
Trẻ không ăn được các thức ăn đặc thì nên xay các thức ăn thành bột lỏng để trẻ ăn dễ dàng. Theo năm tháng và khả năng của trẻ sẽ tăng dần độ đặc của thức ăn lên.
Số lượng bữa ăn của trẻ bại não cần chia nhỏ thành nhiều bữa hơn so với trẻ bình thường. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm các bữa phụ. Có một số trẻ bị mập lên thì không nên cho trẻ ăn quá nhiều, hãy giảm thức ăn béo và ngọt lại .
Kỹ thuật chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bại não
Chính vì trẻ bại não kém kiểm soát được môi, lưỡi, đầu và cơ thể, phối hợp chân tay và mắt kém, không cầm nắm được thức ăn đưa vào miệng, ngay cả việc bú và uống cũng khó khăn, nên các bà mẹ cần giúp trẻ tập bú, ăn, uống sao cho có hiệu quả hơn.
Tư thế cho trẻ ăn, uống, bú đúng cách như sau:
Với trẻ còn bú thì người mẹ ngồi ôm con sao cho có một tư thế thoải mái để trẻ ngậm đúng đầu vú mẹ một cách dễ dàng.
Với trẻ ăn thức ăn từ thìa thì trẻ cần được ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm.
Trẻ ngồi được có thể sử dụng xe lăn có dây buộc, có mặt bàn để giữ trẻ
Không nên cho trẻ ăn, uống, bú ở tư thế nằm ngửa hoặc ngồi mà đầu ngửa ra sau vì khó nuốt và rất dễ bị sặc. Không nên đổ thức ăn vào sâu trong họng trẻ mà nên dùng thìa đổ từng ít thức ăn một vào đầu lưỡi trẻ, khi trẻ nuốt hết mới được đổ thìa tiếp theo.
Khi trẻ ăn, uống, bú xong không nên đặt trẻ nằm ngay xuống giường để phòng nôn và sặc
Có thể sử dụng một số dụng cụ trợ giúp để giúp trẻ ăn, uống, bú dễ dàng hơn như bình sữa có núm vú rộng miệng hơn, thìa có tay cầm bằng cao su để trẻ dễ cầm xúc hơn. Trẻ không uống được bằng cốc có thể đổ bằng từng thìa. Với trẻ bú còn khó khăn, người mẹ cần dùng tay nâng bầu vú đồng thời dùng ngón tay điều chỉnh lượng sữa vào miệng trẻ một cách thích hợp. Trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho uống bằng thìa hoặc bú bình.
Với trẻ gặp khó khăn về nuốt, hay ngậm thức ăn hoặc đùn thức ăn, người mẹ cần biết giúp cho trẻ nuốt thức ăn bằng cách lấy tay giữ lấy xương hàm dưới và cằm của trẻ, nhẹ nhàng đẩy cằm lên cao cho trẻ khép miệng lại, đồng thời một ngón tay vuốt nhẹ từ cằm xuống cổ để kích thích phản xạ nhai nuốt của trẻ. Tuyệt đối không được bịt mũi trẻ hoặc đưa sâu thìa thức ăn vào trong họng của trẻ để kích thích trẻ nuốt vì dễ gây sặc rất nguy hiểm
Nguyên nhân của bệnh bại não
Bệnh liệt não ở trẻ
Dưỡng thai ngày thứ 204
Bé tiêm phòng bị sốt phải làm sao
Chăm con từ trong trứng
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ
(ST)