Những nàng thơ của Hàn Mạc Tử

seminoon seminoon @seminoon

Những nàng thơ của Hàn Mạc Tử

18/04/2015 09:21 PM
1,803

Cuộc đời Hàn Mặc Tử, dường như chỉ có Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình thực sự là "nàng thơ - tình thơ". Các giai nhân một thời mê đắm trong những vần thơ của Hàn như Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện thực chất chỉ là nàng thơ theo đúng nghĩa đen mà thôi.

Từ nàng Ngọc Sương đến "Cô gái đồng trinh" Mỹ Thiện

Người có tình cảm gắn bó nhất trong cuộc đời thi sĩ Hàn Mặc Tử chính là người đàn bà đã cùng anh băng qua bãi tha ma trong một đêm trời đổ giông ở Phan Thiết - nữ sĩ Mộng Cầm. Sau sự việc kinh dị lần đầu là lúc suýt chết đuối ở biển quê hương thuở nhỏ, thì đêm đi chơi đó là đêm kinh dị thứ hai khiến Trí linh cảm thấy có gì đó khác lạ. Đến khi "người tình thực, tình thơ thực" Mộng Cầm đi lấy chồng, Trí rơi vào buồn thảm, suy sụp. Lúc ấy, thi sĩ Bích Khê - vốn là bạn của Hàn Mặc Tử, thấy bạn suy sụp, sa sút quá bèn nghĩ kế tặng Trí tấm ảnh chụp chung với chị gái của mình là Ngọc Sương, dù biết Trí vẫn mơ tưởng tình yêu đến Mộng Cầm (cũng chính là cháu gái của Bích Khê). Ý ngầm của Bích Khê là muốn hình ảnh chị Ngọc Sương để Trí bớt u sầu.

Quả nhiên, Trí đã làm thơ gửi cho Bích Khê về Ngọc Sương: Ta đề chữ Ngọc trên tàu lá/ Sương ở cung thềm nhỏ chẳng thôi/ Tình ta khuấy mãi không thành khối... Bích Khê xem xong vui mừng nhưng không để Ngọc Sương biết. Chàng đã thành công trong một kế "bá đạo" tình cảm. Chắc chắn Trí lại hồi hộp, lại mong chờ. Và vì thế mà có thể quên bớt nỗi đau bệnh tật. Ngọc Sương đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử như vậy. Nhưng thực chất, nàng không hề có mối giao lưu nào với Hàn Mặc Tử, dù là chỉ qua thư từ. Mãi đến khi Bích Khê mất vào năm 1946, Ngọc Sương soạn lại di cảo của em mới biết rõ một số bài thơ Hàn Mặc Tử viết về mình.

Bài thơ nổi tiếng "Cô gái đồng trinh" về nàng Mỹ Thiện đã để lại dấu ấn trong thơ Hàn Mặc Tử. Nhưng, Mỹ Thiện cũng chỉ là một "tình thơ" không có thực. Nàng người gốc Huế, là hàng xóm ở cạnh nhà Hàn Mặc Tử tại Quy Nhơn. Mỹ Thiện sống với cha và mẹ kế. Nàng là một cô gái đa sắc, đa tài, nổi tiếng là một người chơi đàn tỳ bà tài hoa, đồng thời có thể chơi đủ năm loại đàn: tranh, nhị, nguyệt, bầu, tỳ bà. Những đêm khuya thanh vắng, tiếng đàn tranh của nàng thường réo rắt như mê hoặc, huyền bí. Hàn Mặc Tử chưa một lần gặp mặt Mỹ Thiện nhưng chàng bị ám ảnh bởi tiếng đàn của nàng. Khi bệnh phong ngày càng phát, tiếng đàn trong đêm thanh vắng càng thêm ám ảnh vào tâm trí thi sĩ. Nhưng rồi hồng nhan bạc mệnh, Trí cũng chẳng có cơ hội để giáp mặt người gảy tiếng đàn mộng. Những điều tiếng về cái hoang thai trong bụng đã khiến nàng kiệt cùng tâm trí và nàng đã kết thúc đời mình bằng những viên thuốc ngủ.

Cái chết của Mỹ Thiện đánh tan mọi ngờ vực của những kẻ ác ý rằng nàng đã hoang thai. Các bác sĩ đã công bố nàng vẫn là cô gái trinh tiết. Cái chết ấy đã khiến Hàn Mặc Tử đau đớn và tiếc thương vô ngần. Bài thơ “Cô gái đồng trinh” ra đời ngay sau đó chính là để tặng nàng: Đêm qua trăng vướng trên cành trúc/ Cô láng giềng bên chết thiệt rồi/ Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới/ Chưa hề âu yếm ở đầu môi/ Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc/ Cả một mùa xuân đã hiện hình.

Hình ảnh nàng Mỹ Thiện từ đó còn nhiều lần xuất hiện trở lại trong thơ Hàn. Em trai thi sĩ Hàn Mặc Tử là Nguyễn Bá Tín, người đã "nghiến răng" rút 200 đồng - một nửa số tiền định mua nhà cho mẹ để đưa cho Hàn lên thành phố in tập “Gái quê”, từng kể rằng, nàng Mỹ Thiện từ đó như nàng thơ kỳ lạ. Nàng dẫn dắt Trí vào những nhớ thương bâng quơ, những lời thơ quằn quại, xót xa.

Khát vọng Thương Thương và lời ứng nghiệm về cái chết!

Một "tình thơ" không có thực nữa là Thanh Huy, tên thật là Võ Thị Thu Huy, chị vợ của nhà văn Trần Thanh Địch. Thanh Huy khi đó đang sinh sống ở Phan Thiết và chỉ làm quen qua thư chứ chưa gặp mặt Hàn Mặc Tử. Thanh Huy cũng đang tập tành làm thơ, được Bích Khê khuyên nên đã viết thư động viên Hàn Mặc Tử. Đúng vào thời điểm đó, bệnh của Hàn Mặc Tử đã bắt đầu phát nặng. Khi thi sĩ Hàn đang chán nản buồn phiền cả về cái án tình với Kim Cúc, Mộng Cầm và bệnh tật dày vò thì có bức thư bỏ trong phong bì màu xanh của Thanh Huy gửi đến. Lập tức thi sĩ Hàn cảm động mà viết nên bài "Bức thư xanh": Thanh Huy hỡi nàng chưa là châu báu/ Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ/ Duyên làm sao cho Trí đến dại khờ/ Mắt mờ lệ ở sau hàng chữ gấm/ Ta đã nuốt và hình như đã cắn/ Cả lời thơ cho vãi máu nàng ra. Nhưng, chính những cảm xúc mãnh liệt được viết ra thành những lời thơ dữ dội ấy đã khiến Thanh Huy khiếp hãi, thôi không liên lạc với Trí nữa.

Hàn Mặc Tử có một vị trí đặc biệt trong "Thi nhân Việt Nam".

Tuy nhiên, trong các "tình thơ" không có thực, có lẽ nàng Thương Thương là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới thơ tình Hàn Mặc Tử. Thương Thương chỉ đứng sau các "tình thơ" thực, sâu sắc của Hàn là Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình mà thôi. Thương Thương đối với tâm tưởng của Trí là một khát vọng về một mối tình nguyên hương trinh bạch, để Trí thoát khỏi xác thân tật nguyền bước vào một cõi giới khác - cõi giới bốn mùa xuân. Nhờ có Thương Thương, Trí đã cảm thấy mình có thể dễ ra đi, để bay tới một chân trời sẽ phải bay tới: Đâu gió lên tầng mây che mắt lạ/ Ta muôn năm len lỏi ở Đào Nguyên/ Nước trong sáng lòng ta thơm vô giá/ Sao không ai đi lạc tới non tiên…

"Bông hoa mười phương" có tên là Thương Thương được làm bằng tất cả trân châu vô giá, kết tinh ở bao thanh sắc lạ, một tòa thiên nhiên đúc sẵn, một vẻ đài các còn nguyên trong gương lược. Và Thương Thương này mới tạo ra được tình yêu của Trí: Thương Thương em trời cho ta kỳ ngộ/ Nói ra cho thần diệu của vàng bay… Thương Thương đã khiến Trí thốt lên những câu thơ làm khờ dại cả lòng người: Chỉ có em làm thơ anh mãnh liệt/ Tình anh vang như luồng gió van lơn/ Chỉ có em, lòng anh yêu tha thiết/ Yêu điên cuồng không một phút nào hơn… Hỡi Thương Thương người ngọc của lòng anh.

Thương Thương là một cô gái có thật ngoài đời nhưng không hề có mối giao lưu thực với thi sĩ. Nàng là con gái của Tham tá tòa Khâm sứ Trung kỳ Trần Thanh Đạt, là cháu gái của Trần Thanh Địch. Trần Thanh Địch vốn là bạn của Hàn Mặc Tử, và chính là người đã thêu dệt nên những bức thư của "Thương Thương mê thơ Hàn" để cứu bạn thoát khỏi cơn khủng hoảng tình cảm trong lúc ốm nặng. Những lá thư cứu cánh của Trần Thanh Địch quả là có tác dụng với tâm hồn của Hàn. Nhưng sau này, Trần Tái Phùng lo sợ thanh danh của em gái bị ảnh hưởng đã gửi thư cho Trí kể hết sự tình và yêu cầu Trí đừng đưa em gái ông vào thơ, vào kịch nữa thì đã khiến Trí đau đớn khôn xiết, lâm bệnh nặng phải vào trại phong Quy Hòa.

Nhưng cũng chính trong cái duyên kỳ ngộ này, Hàn Mặc Tử dường như đã đoán trước được cái chết đang đón đợi mình ở một cảnh ngộ hư hư thực thực. Cái chết cô quạnh của ông đã tương ứng vào những câu thơ ông viết trước đó cho Thương Thương: Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.

(Theo: http://www.baomoi.com/Thuc-hu-chuyen-nang-tho-cua-Han-Mac-Tu-Nhung-tinh-tho-trong-ao-mong/152/4233605.epi)

Cô gái mang tên Thương Thương là một nàng thơ huyền diệu bởi Hàn Mặc Tử không chỉ đơn thuần làm thơ về cô như những hình bóng giai nhân khác. Trong tâm tưởng ông, Thương Thương không phải là người của cõi trần.
Ngọc Sương ngày trẻ.

Ngọc Sương ngày trẻ.

Trong bài Tiêu sầu, chàng đưa mình bay lên tận cung trăng để gặp "Hằng Nga Thương Thương", còn trong vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ Cẩm châu duyên, Thương Thương trở thành tiên nữ. Chính vì vậy, một số tài liệu cho rằng Thương Thương không phải là người có thật mà chỉ là cái tên mượn. Trần Thị Huyền Trang, cháu nhà thơ Quách Tấn viết trong Hàn Mặc Tử - hương thơm và mật đắng: "Thương Thương không phải là một nhân vật có thật. Tất cả mọi chuyện đều do Trần Thanh Địch sắp đặt ra".

Trần Thanh Địch là một trong hai người bạn thân nhất của Hàn Mặc Tử. Thương Thương là Trần Thị Thương Thương, con của ông Trần Thanh Đạt, anh trai hai nhà văn Trần Thanh Mại và Trần Thanh Địch. Hàn Mặc Tử cũng là bạn của Trần Tái Phùng, anh ruột Thương Thương.

Ông Địch cho biết, vào năm 1936, khi Hàn Mặc Tử ra Huế lần cuối cùng để tặng tập Gái quê cho bạn bè, Thương Thương chỉ mới 12 tuổi, nên Hàn Mặc Tử chẳng hề chú ý. Đến năm 1939, trải qua nhiều biến cố đau buồn trong cuộc đời, người anh cả dạy chàng làm thơ năm nào qua đời, Hoàng Cúc theo gia đình về quê, Mộng Cầm bỏ đi lấy chồng, bệnh tình ngày một nặng hơn, Hàn Mặc Tử đã sống ẩn mình, chỉ biết làm thơ. Làm được bài nào, chàng chép lại để gửi ra Huế cho Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng đọc.

Lúc này, tiếng tăm của Mặc Tử nổi như cồn. Thơ chàng làm ra được học sinh trung học chép tay chuyền nhau đọc thuộc lòng, đặc biệt là những nữ sinh. Trần Thị Thương Thương bấy giờ đang học trường Trung học Đồng Khánh, cũng bắt đầu say mê thơ Hàn Mặc Tử.

Trần Thanh Địch kể, một hôm ông đang ngồi viết thư cho Hàn Mặc Tử thì Thương Thương đến gần, nói cho mình gửi lời thăm. Trần Thanh Địch khuyên Thương Thương viết một bức thư ngắn gửi kèm cho lịch sự. Thương Thương nghe lời chú, viết bức thư xã giao, nói đại ý đã đọc thơ của chàng nhiều và rất thích, nay gửi lời chúc chàng mau bình phục để sáng tác.

Nhận được thư Thương Thương, Mặc Tử hồi âm ngay. Nhà thơ nói rất vui và sẽ gửi thơ tặng Thương Thương. Sau đó chỉ vài hôm, Thương Thương nhận được thơ chàng gửi tặng. Mặc Tử cũng đặt cho Thương Thương biệt danh Người lụa bến sông Hương.

Trong hai vở kịch Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội, tên tuổi của Thương Thương và Hàn Mặc Tử được nêu đích danh. "Em là Trần Thương Thương/ Anh là Hàn Mặc Tử/ Không phải cách âm dương/Còn có khi hội ngộ".

Thương Thương lập tức nổi tiếng theo. Giới học sinh ở Huế xôn xao. Trong một thời gian ngắn, chuyện đến tai ông Trần Thanh Đạt, thân sinh của Thương Thương. Gia đình Thương Thương là gia đình quan lại, ông nội Thương Thương làm Thừa biện Bộ Binh, ông ngoại làm Thượng thư Bộ Lễ. Ông Trần Thanh Đạt khi đó đang làm Tham tri Bộ Quốc gia giáo dục, ba năm sau được thăng Thượng thư Bộ Quốc gia giáo dục. Trong một gia đình như vậy, việc Thương Thương trở thành một người nổi tiếng kiểu đó khó được chấp nhận. Ông Trần Thanh Đạt gọi anh Thương Thương là Trần Tái Phùng đến, yêu cầu tìm cách làm nguội dư luận. Trần Tái Phùng bèn viết thư gửi Hàn Mặc Tử, đề nghị chàng thôi sử dụng hình ảnh của Thương Thương trong sáng tác. Tử nhận được thư và lập tức làm theo đề nghị của bạn. Từ đó, Quần tiên hội mãi mãi bị bỏ dở dang.

Thương Thương là một nàng thơ đúng nghĩa của Hàn Mặc Tử. Không gặp mặt, không nghe tiếng. Chỉ là những tưởng tượng. Thế nhưng những sáng tác của chàng về nàng thật diệu kỳ.

Hàn Mặc Tử là một người đa sầu đa cảm. Gặp ai cũng đem lòng thương nhớ. Vì thế có rất nhiều hình bóng giai nhân đã đi vào thơ chàng. Ngoài Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương là người phụ nữ thứ tư ảnh hưởng sâu sắc tới thơ Hàn Mặc Tử. Trong từng giai đoạn còn có những người phụ nữ khác để lại dấu ấn trong thơ chàng. Đầu tiên là Ngọc Sương, chị ruột của Bích Khê, bạn Hàn Mặc Tử, dì ruột của Mộng Cầm. Khi Mộng Cầm đi lấy chồng, Bích Khê thấy bạn buồn quá bèn tặng tấm hình của hai chị em cho Hàn Mặc Tử và giới thiệu đôi chút về Ngọc Sương. Do đó mà Ngọc Sương cũng đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên Ngọc Sương không hề có mối giao lưu nào với Hàn Mặc Tử dù qua thư từ. Mãi đến khi Bích Khê mất vào năm 1946, Ngọc Sương soạn lại di cảo của em mới biết rõ một số bài thơ Hàn Mặc Tử viết về mình.

Một người nữa là Thanh Huy, tên thật là Võ Thị Thu Huy, chị vợ nhà văn Trần Thanh Địch, khi đó đang sinh sống ở Phan Thiết. Cũng như Ngọc Sương, Thanh Huy chỉ làm quen qua thư chứ chưa gặp mặt Hàn Mặc Tử. Đó là lúc Tử đã phát bệnh nặng. Thanh Huy cũng đang tập tành làm thơ, được Bích Khê khuyên nên viết thư động viên Hàn Mặc Tử. Khi Tử đang chán nản buồn phiền, có bức thư bỏ trong phong bì màu xanh của Thanh Huy gửi đến. Lập tức nhà thơ sáng tác bài Bức thư xanh: "Thanh Huy hỡi nàng chưa là châu báu/ Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ/ Duyên làm sao cho Trí đến dại khờ/ Mắt mờ lệ ở sau hàng chữ gấm/ Ta đã nuốt và hình như đã cắn/ Cả lời thơ cho vãi máu nàng ra". Bài thơ viết một cách dữ dội, Thanh Huy đọc và thôi không liên lạc với Tử nữa vì khiếp đảm.

Mỹ Thiện cũng là một nàng thơ để lại dấu ấn mạnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Nàng người gốc Huế, ở cạnh nhà Hàn Mặc Tử tại thành phố Quy Nhơn. Nàng sống với cha và bà mẹ kế xấp xỉ tuổi nàng. Mỹ Thiện rất giỏi âm nhạc dân tộc, nổi tiếng là một cây đàn tỳ bà tài hoa, đặc biệt có thể chơi đủ năm cây đàn tranh, nhị, nguyệt, bầu, tỳ bà. Những đêm khuya, nàng thường dạo đàn tranh réo rắt. Hàn Mặc Tử chưa một lần gặp mặt Mỹ Thiện nhưng chàng bị ám ảnh bởi tiếng đàn. Ở thành phố Quy Nhơn dạo ấy, không chỉ riêng Hàn Mặc Tử mà nhiều chàng trai khác cũng mơ tưởng đến người ngọc. Khi bệnh tình càng nặng, tiếng đàn Mỹ Thiện càng làm cho chàng khó ngủ.

Mỹ Thiện không thoát khỏi hồng nhan bạc phận. Sống với người mẹ kế, nàng thường xuyên chịu đựng những ganh ghét. Và nàng đã kết thúc đời mình bằng những viên thuốc ngủ. Cái chết của Mỹ Thiện đánh tan mọi ngờ vực của những người ác ý và bà mẹ kế là nàng đã hoang thai. Các bác sĩ đã công bố nàng vẫn là cô gái trinh tiết. Cái chết ấy đã khiến Hàn Mặc Tử đau buồn, tiếc thương, và bài thơ Cô gái đồng trinh ra đời tức khắc: "Đêm qua trăng vướng trên cành trúc/ Cô láng giềng bên chết thiệt rồi/ Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới/ Chưa hề âu yếm ở đầu môi/ Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc/ Cả một mùa xuân đã hiện hình". Hình bóng Mỹ Thiện từ đó còn trở lại nhiều lần trong thơ chàng. Nguyễn Bá Tín em chàng kể lại: "Cô gái đồng trinh từ đó trở thành một hiện tượng kỳ lạ, một nàng thơ dẫn dắt anh vào những nhớ thương bàng bạc bâng quơ, hoặc hòa nhập vào những lời thơ quằn quại xót xa mà cuộc đời nàng đã đi qua ngắn ngủi".

(Theo: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/han-mac-tu-va-nhung-nang-tho-huyen-bi-1882467.html)

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (tên thánh là Pierre Francois) sinh ngày 22/09/1912 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới) con của ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy.

Gia đình Trí có 6 anh chị em (4 trai 2 gái) và đều được học hành tử tế cho đến trước lúc thân phụ mất sớm tại Huế vào năm 1926.

Anh cả là Nguyễn Bá Nhân, 2 chị gái là Như Lễ, Như Nghĩa, Trí là con thứ 4 và sau là 2 em trai Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu.

Sau khi cha mất, gánh nặng gia đình đặt cả lên đôi vai người mẹ hiền thục, đảm đang và dồn hết yêu thương cho các con. Bà đem theo gia đình vào Quy Nhơn ở với người con trai cả để các con được tiếp tục theo học. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1930 Trí phải thôi học về Quy Nhơn giúp đỡ mẹ và các em. Trong thời gian chưa tìm được việc Trí tạm ở nhà đọc sách, làm thơ. Tài thơ ở Trí xuất hiện từ khá sớm và người anh cả Bá Nhân có lẽ là người đã dìu dắt tận tình cho Trí cả trong đời và trong thơ.
Vốn người gầy yếu, hiền lành như con gái, Trí vẫn bị các bạn gọi là "thằng nghiện sách". Điều tôi muốn nói trong bài này là cuộc đời của con người "tài hoa mệnh bạc" này là một chuỗi ngày đau buồn mong manh và vật vã. Cơn bạo bệnh đến với Trí khi trái tim người thanh niên nho nhã này mới bắt đầu chớm yêu. 28 năm trên dương thế Trí buồn vì hoàn cảnh gia đình, đau đớn vì bệnh tật và tuyệt vọng vì tình yêu.

Mối tình đầu lãng mạn của Trí là với cô hàng xóm đài các Hoàng Thị Kim Cúc (cùng ở phố Khải Định - Quy Nhơn). Là con gái Huế, Hoàng Cúc theo cha vào Quy Nhơn từ nhỏ, nàng giữ được vẽ dịu dàng, kín đáo rất kiêu sa. Vốn ở gần nhà nhau nhưng hai người vẫn cách xa nhau như 2 thế giới hoàn toàn cách biệt bởi "Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng" (Thư của Hoàng Cúc gửi cho Quách Tấn ngày 15/04/1971). Giai nhân đầu tiên này thoáng qua cuộc đời thi nhân đủ làm cho chàng ngẩn ngơ, mơ tưởng nhưng tiếc thay đó chỉ là một tình yêu âm thầm, lặng lẽ dường như đơn phương.

Mối tình vô vọng đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Mặc Tử bỏ Sở đạc điền Quy Nhơn vào Sài Gòn làm báo. Sau gần 1 năm chàng trở lại Quy Nhơn, mối tình với Hoàng Cúc lại nồng nàn hơn nhưng cũng vẫn chỉ là một thứ tình cảm chôn chặt trong đáy tâm hồn. Thế rồi Hoàng Cúc theo cha về Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử coi như nàng đi lấy chồng. Thi sĩ đau khổ vì mối tình tuyệt vọng và vẫn hy vọng có ngày gặp lại Hoàng Cúc ở Huế. Sau đó Hàn mang tập Gái quê ra Huế nhưng chỉ đứng trước cổng nhà Hoàng Cúc hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi. Mùa hè năm 1939, Hoàng Tùng Ngâm viết thư về Huế cho Hoàng Cúc biết Tử mắc bệnh nan y, khuyên Cúc viết thư an ủi 1 tâm hồn trong trắng nhưng bất hạnh. Thay vì viết thư thăm hỏi, Cúc đã gửi cho Tử một bức ảnh phong cảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Phía sau tấm ảnh là lời hỏi thăm sức khoẻ. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ra đời từ xuất xứ đó. Đây là lần đầu tiên Hàn Mặc Tử được trực tiếp thổ lộ mối tình với Hoàng Cúc - một tình cảm đẹp, trong sáng nhưng buồn và thoáng chút hoài nghi.

Giai nhân thứ hai và là mối tình da diết nhất trong cuộc đời tình ái của Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm và chính mối tình này sau đó đã để lại một nỗi đau khôn nguôi trong tâm hồn thi sĩ.

Mộng Cầm tên thật là Nghệ, là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu ruột. Mộng Cầm làm thơ khá sớm, năm 17 tuổi lúc đang học trường Nam Phan Thiết đã có thơ đăng trên báo Công luận. Hai người đã có thư từ trao đổi với nhau về chuyện văn thơ suốt 5, 6 tháng khi Hàn Mặc Tử đang làm ở Sở đạc điền Quy Nhơn. Khi đã vào Sài Gòn làm báo, Hàn Mặc Tử vẫn tìm địa chỉ của Mộng Cầm. Hàn nhiều lần đi xe lửa đến Phan Thiết tìm gặp Mộng Cầm và mối tình đẹp đẽ ấy kéo dài được gần 2 năm trời. Hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp đẽ thơ mộng ở Mũi Né nơi Mộng Cầm đang học nghề thuốc, ở Lầu Ông Hoàng những đêm trăng huyền ảo. Mối tình ngọt ngào được thi sĩ ghi lại trong nhiều bài thơ. Và chính Mộng Cầm cũng có nhiều vần thơ đẹp về cuộc tình này. Hạnh phúc ngập tràn khi chính Tử nghe Mộng Cầm thổ lộ tình cảm nồng nàn với mình khi nàng viết thư chia buồn với Tử về cái chết của anh trai Bá Nhân, chính Mộng Cầm đã nói nàng sẽ là "em dâu" của người đã mất. Mộng Cầm đã cho Tử những tháng ngày hạnh phúc, những đêm ngày hy vọng, nhưng cũng chính Mộng Cầm đã gây cho Tử một nỗi tuyệt vọng đến bầm gan. Nàng đã quên lời thề dưới trăng. Nàng sang ngang khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh chưa đầy 1 năm. Việc Mộng Cầm đi lấy chồng chưa trách vội, nhưng điều đáng trách là nàng đã "từ chối một sự thật của lòng mình" và tuyệt giao hẳn với Hàn Mặc Tử khi chàng lâm vào cảnh bất hạnh. Cái tin Mộng Cầm đột ngột vu quy đã làm cho Hàn Mặc tử đau đớn, tê dại. Kẻ dứt áo ra đi không biết có đau khổ nhưng chàng thi sĩ bất hạnh thì như chết nữa con người. Chàng vật vã trước nổi mất mát không gì bù đắp được:

Họ đã xa rồi khôn níu lại

Lòng thương chưa đã , mến chưa bưa

Người đi một nữa hồn tôi mất

Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ.

Bệnh tật hành hạ, người tình phụ bạc ra đi, Tử như điên như dại quay cuồng trong nổi nhớ, hình bóng người xưa như luôn luôn ở đâu đây bên chàng trong gió trong trăng. Một ánh mắt, một nụ cười tất cả là một hình bóng mơ hồ hư ảo. Tử đã viết Khúc ly tan để thể hiện tình yêu chung thuỷ của mình. Mọi thứ đã lùi xa vào dĩ vãng, người tình đã quay gót, thi sĩ này ngày càng cảm nhận nổi xót xa, cô đơn hiu quạnh của mình giữa thế gian này. Nổi đau đớn tuyệt vọng có lúc như phẫn uất, điên cuồng: "Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phủ phàng.", có lúc chợt vỡ oà thành tiếng khóc não nùng, thê thiết:

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ

Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng.

Trong đau khổ, trong tuyệt vọng Tử như nhận diện được cái chết đang đến dần từng ngày, trong lẻ loi, cô đơn chàng vẽ ra hình ảnh của ngày vĩnh biệt. Những câu thơ tình của Tử trong những ngày này là những vần thơ dính máu, dính hồn và nước mắt của thi nhân.

Nhiều bạn bè của Hàn Mặc Tử tỏ ra rất đau buồn trước sự bội tình của Mộng Cầm. Chế Lan Viên đã tỏ sự bất bình khi người ta gọi con đường lên Gành Ráng - Quy Hoà - nơi có mộ của Hàn Mặc Tử - là dốc Mộng Cầm. Chế nói "Đáng lẽ phải gọi là dốc Mai Đình mới phải".

Mai Đình là người thứ ba trong bước đường tình ái gian truân của Tử. Người con gái ấy, vóc nhỏ mình gầy, không thuộc lớp người nhan sắc, nhưng Đình có một tâm hồn rất đẹp. Mai Đình là con gái một tuỳ viên người Thanh Hoá, vì yêu thơ Hàn nên đã trốn nhà tìm gặp bằng được người trong mộng. Từ Phan Thiết chị ra Quy Nhơn nhờ một người quen là Trần Kiên Mỹ - bạn văn của Hàn Mặc Tử đưa tới giới thiệu. Mai Đình yêu thơ Tử một cách kỳ lạ và hình như chị cũng đã khá rõ mối tình đau khổ của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm. Trong hoàn cảnh buồn đau cô đơn, Hàn Mặc Tử hết sức cảm kích trước mối tình của chị nhưng lúc đầu anh nghỉ rằng đó cũng chỉ là một mối tình vô vọng. Về sau, trước tấm lòng vị tha gần như hy sinh của Mai Đình, anh đã đáp lại mối tình ấy. Lúc đó bệnh phong đã và đang từng ngày hành hạ Tử, những mảng ửng đỏ trên gò má, lông mi rụng hết trên đôi mắt đã không làm cho Mai Đình xa lánh. Kể cả những lúc bị Hàn hắt hủi do tâm lý của người mắc bạo bệnh, Đình vẫn một lòng an ủi và gần gủi anh. Không nên thần thánh hoá tình yêu của Mai Đình nhưng phải thừa nhận rằng chị có một tấm lòng thật cao quý. Thời gian gần gủi chưa bao lâu thì Mai Đình phải từ giã người mình yêu do một lý do phía gia đình. Sau này Mai Đình đã phải trải qua những tháng ngày gian nan trong cuộc sống, chị đã có một gia đình và công tác ở ngành ngân hàng. Năm 1955 chị là "chiến sĩ thi đua toàn quốc của ngành ngân hàng".

Trong những ngày đau khổ còn có 2 bóng hồng nữa đi qua cuộc đời thi sĩ nhưng tất cả chỉ thoáng qua một cách hư ảo.

Ngọc Sương là chị ruột của Bích Khê, là dì ruột của Mộng Cầm. Có lẽ Ngọc Sương xuất hiện là do bạn bè muốn an ủi Tử trong giờ phút tuyệt vọng của người bị tình phụ. Cô cháu gái đã làm tâm hồn người bạn chân tình tan nát, liệu người chị gái có bù đắp nổi từng mảng đau vẫn đang ngày đêm rơi rụng. Dẫu sao đó cũng là tấm thịnh tình của bạn văn Hàn Mặc Tử.

Riêng người đẹp cuối cùng với cái tên rất dễ mến Thương Thương dường như chỉ là một giấc mộng tình êm ái.

Một ngày nằm trong túp lều bên bờ biển Tử nhận được một phong thư đề tên người gửi là Thương Thương và nội dung thư là bày tỏ tấm lòng của một nữ sinh xứ Huế với thơ, và với số phận bất hạnh của thi sĩ. Có người nói rằng: một người bạn của Hàn vì thấy bạn quá đau đớn trước chuyện tình dang dỡ với Mộng Cầm và trước bệnh tật đã lấy tên của cô cháu gái nhỏ mới 12 tuổi gửi cho Tử mong giúp Tử ấm lòng trong những giây phút đơn côi. Tử đã say đắm Thương Thương trong mộng và đã để lại cho chúng ta những vỡ kịch thơ ngọt ngào, trong sáng (Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội). Mối tình đẹp đẽ giữa thi nhân và giai nhân trên cõi siêu trần rồi đến lúc cũng phải dừng lại. Hàn Mặc Tử thêm một lần đau đớn, vỡ kịch thơ Quần tiên hội bị ngắt dỡ dang cho đến khi nhà thơ qua đời.

Năm 1940 là năm cuối của cuộc đời Hàn Mặc Tử, định mệnh tàn bạo đã dẫm nát hình hài nhà thơ vắn số (28 tuổi). Theo hồi ký của ông Nguyễn Văn xê - một người đồng bệnh và sống ở trại phong Quy Hòa thì Tử vào nhà thương Nam ở Quy Hòa mùa thu ngày 20/9/1940 khi bệnh đã quá nặng. Bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí lưu lại điều trị ở nhà thương Quy Hòa vẻn vẹn có 51 ngày kể từ ngày 20/9/1940 đến ngày 11/11/1940. Khi nhập viện bác sĩ chẩn đoán: bệnh cùi nhiều vi trùng và trong bệnh án ghi thêm: nhưng chết không phải vì hủi mà bị bệnh kiết lị trực trùng. Sau khi được chích thuốc tinh chế từ hạt đại phong tử do bác sĩ Gour vil - Giám đốc bệnh viện Quy Nhơn sáng chế, bệnh tình của trí không thuyên giảm, cơ thể Trí suy sụp nhanh chóng. Anh chuẩn bị cho mình một cái chết thanh thản, sau khi được cho tuyên uý xức dầu và rước lễ (10/11/1940), Trí tỉnh táo đọc cho Nguyễn Văn Xê 2 địa chỉ cần báo tin sau khi Trí chết:

·Trần Thanh Mại - Huế

·Quách Tấn - Nha trang.

Riêng về gia đình thì Trí nói : "Rồi anh Hành (người mang cơm và thức ăn cho Trí) sẽ vào dĩ nhiên là mẹ và gia đình tôi tất biết."
Gần sáng ngày 11/11/1940 Tử vĩnh viễn từ giã cõi đời ở tuổi 28. Tài sản để lại tại nhà thương gồm: 1 bộ bà ba trắng củ, 1 bộ veston cũ, 1 đôi giày bata sắp hư, 1 gối nhỏ, 1 cuốn sách dày 200 trang và 1 bài văn tiếng pháp viết bằng bút chì. Tuyệt nhiên Trí không có một xu nào từ khi vào cho đến chết.

Sau khi Trí chết 3 ngày, anh Hành mang thịt heo nạc kho tiêu vào mới biết Trí không còn nữa. Ngày hôm sau mẹ và chị Lễ mới vội vã vào Quy Hoà. Một buổi chiều mùa đông se lạnh, bên nấm mồ còn mới, một người mẹ lã đi vì khóc con, một người chị xót thương đứa em trai xấu số tài hoa.

Tử yên nghỉ trên đỉnh cao Gành Ráng gần thành phố Quy Nhơn, bên những dãy núi điệp trùng và biển đông xanh ngắt - xanh như tâm hồn man mác của thi sĩ họ Hàn bất hạnh.

(Theo: http://www.qtttc.edu.vn/vi/vanhoavannghe/60-vhvn/100-nhng-qbong-hngq-i-qua-i-han-mc-t)


Chuyện tình của Tuấn Hưng

Các ông trùm Việt Nam

Những kiều nữ của Ưng Hoàng Phúc

(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý