Người bị suy nhược thường mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, rối loạn trí nhớ, khó tập trung... Dưới đây là các triệu chứng của bệnh suy nhược cơ thể!
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH SUY NHƯỢC CƠ THỂ
Trong trường hợp nghiêm trọng, suy nhược có thể làm thay đổi cảm xúc, khiến người bệnh dễ cáu gắt và nhạy cảm với các kích thích bên ngoài.
Nguyên nhân gây suy nhược chủ yếu là sự căng thẳng tâm lý, do những lo lắng vì cuộc sống khó khăn, mâu thuẫn kéo dài trong gia đình, thất bại trong thi cử, sự nghiệp... gây nên. Chúng tạo thành các sang chấn tâm lý. Suy nhược thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, người lao động trí óc nhiều hơn lao động chân tay. Lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là18-45 tuổi.
Một bệnh nhân thường bị nhiều sang chấn tâm lý gây suy nhược. Lúc đầu, chúng được não điều hòa nên không sinh bệnh, song đến khi não bị quá tải, cơ thể sẽ phát bệnh. Vì thế, suy nhược không xuất hiện ngay sau sang chấn tâm lý mà thường sau nửa năm hoặc thậm chí lâu hơn.
Các triệu chứng thường gặp:
- Về sinh lý: người bệnh luôn thấy kiệt sức, đầy bụng, táo bón, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác khó chịu ngoài da như bị kiến bò, kim châm, tê buồn, mỏi cơ, chuột rút...
- Về trí năng: bệnh nhân bị rối loạn trí nhớ, khó tập trung, giảm tính linh hoạt, hay xúc động, dễ mủi lòng và chảy nước mắt. Sự lo âu về bệnh tật càng làm bệnh nặng thêm, tạo thành vòng luẩn quẩn.
- Về tình dục: rối loạn ở đàn ông chủ yếu là xuất tinh sớm, còn ở phụ nữ là chứng lãnh đạm tình dục và rối loạn kinh nguyệt. Các rối loạn thường tăng hay giảm theo tác động của các sang chấn tâm lý gây bệnh.
Việc điều trị suy nhược cần đảm bảo ba yếu tố sau:
- Chữa những rối loạn tâm lý bằng thuốc an thần nhẹ như seduxen, chống trầm cảm amitriptylin... Khi đau đầu, cần dùng thuốc giảm đau thông thường như aspirin, paracetamol, nếu mất ngủ thì nên dùng lá vông, tâm sen thay cho tân dược.
- Khắc phục giảm sút cơ thể bằng cách tăng cường bồi dưỡng, nâng cao thể trạng, đặc biệt chú ý đến chất dinh dưỡng cần cho não bộ.
- Loại trừ tác động của sang chấn tâm thần bằng liệu pháp tâm lý và thư giãn, giúp bệnh nhân hiểu rõ căn nguyên gây bệnh, giảm lo âu, tin vào điều trị, thay đổi nếp sống, vui chơi giải trí lành mạnh.
GIẢI PHÁP KHI CƠ THỂ CÓ BIỂU HIỆN SUY NHƯỢC
"Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ,đau đầu, ù tai, thần sắc kém, không muốn làm việc, ăn kém, ngủ kém… là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn bị suy nhược”.
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Nguyên nhân có thể định lượng rõ ràng như: Thiếu máu thiếu sắt; Hạ đường huyết; Nhiễm trùng toàn thân, tăng bạch cầu đơn nhân; Suy giảm miễn dịch; Thay đổi nồng độ hormone của vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận; Huyết áp thấp mạn tính….
Suy nhược cơ thể cũng có thể không đo lường được: do nhiễm virus, viêm khớp dạng thấp hay Lupus.
Thực tế, đa số trường hợp, suy nhược cơ thể không có nguyên nhân rõ ràng hay từ căn bệnh cụ thể nào.
Những yếu tố khởi phát của tình trạng này có thể là do những vẫn đề gặp phải ở cơ quan, gia đình, xã hội, sự thiếu hụt dưỡng chất trong thời kỳ phát triển của trẻ em, người già yếu, người vận động nhiều, hay phụ nữ thời kỳ có thai và cho con bú.
Sự căng thẳng kéo dài này sẽ sinh ra mệt mỏi, mệt mỏi kéo dài sẽ làm bạn mắc chứng suy nhược mà đôi khi bạn dễ dàng bỏ qua triệu chứng này.
Biểu hiện của suy nhược cơ thể
Triệu chứng đầu tiên là mất khả năng tập trung công việc, suy giảm trí nhớ rõ rệt, thần sắc kém, thiếu nhiệt huyết. Tiếp đó là rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, cơ thể suy kiệt mau chóng không chủ động trong các sinh hoạt hằng ngày. Cuối cùng, khi nhịp sinh học bị thay đổi, cơ thể rơi vào tình trạng không kiểm soát được công việc.
Dinh dưỡng - Yếu tố then chốt khi cơ thể bị rơi vào tình trạng suy nhược?
Lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý và khoa học là cách để nhanh chóng lấy lại sức khỏe:
Thực đơn ăn uống cần có thêm nhiều rau xanh như súp lơ, cải chíp, những loại rau nhiều axit folic và vitamin tốt cho sức khỏe, dễ ăn… và lưu ý tuyệt đối không được bỏ bữa.
Bên cạnh đó nên bổ sung thực phẩm dinh dưỡng năng lượng cao để phục hồi sức khỏe. Cần đặc biệt lưu ý không chỉ bổ sung vitamin, khoáng chất mà còn kết hợp bổ sung acid amin trong thời kỳ này.
“Não bộ luôn cần acid amin là chất dẫn truyền thần kinh giúp não bộ hưng phấn, giúp cho tinh thần vui vẻ, thoải mái và giữ được sự bình tĩnh”, PGS.TS. Trần Đình Toán - Trưởng khoa dinh dưỡng BV Hữu Nghịcho biết thêm.
Trong lúc cơ thể suy kiệt hệ tiêu hóa sẽ làm việc kém hiệu quả, dễ bị dị ứng. Vì vậy nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, ít chất béo bão hòa có hại như đậu nành.
CHỮA SUY NHƯỢC CƠ THỂ BẰNG THUỐC NAM
Người mệt mỏi, hay hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ù tai, làm việc kém hiệu quả, nhanh mệt, ăn kém, ngủ kém... Có thể hạn chế, chấm dứt những hiện tượng thường gặp này bằng nhiều món ăn, bài thuốc dễ chế mà dân gian truyền lại.
Nguyên nhân:
- Do trạng thái căng thẳng thần kinh kéo dài, làm việc quá sức, hay thức khuya, dậy sớm.
- Người già hoặc người mắc các bệnh mạn tính: viêm đại tràng, loét dạ dày - tá tràng, viêm phế quản mạn, lao phổi.
- Sau khi mắc một số bệnh truyền nhiễm gây sốt cao, kéo dài như: thương hàn, cúm, sốt xuất huyết; hoặc phụ nữ sau đẻ bị mất máu nhiều; một số bệnh về máu gây thiếu máu...
Bài thuốc
Ðể nâng cao thể trạng, trong các trường hợp suy nhược cơ thể, có thể áp dụng một trong những bài thuốc sau đây:
Bài 1: Chữa suy nhược cơ thể sau viêm đại tràng, loét dạ dày - tá tràng, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Bố chính sâm 16g, bạch truật 12g, củ mài 12g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, vỏ quýt 6g, hạt sen 12g, hạt cau 10g, nam mộc hương 6g. Ngày 1 thang, sắc uống làm 2 lần.
Bài 2: Chữa suy nhược cơ thể sau viêm phế quản mạn, lao phổi. Thục địa 12g, mạch môn 12g, thiên môn 12g, vỏ rễ dâu 12g, củ mài 16g, quy bản 10g, mạch nha 10g, vỏ quýt 6g, bán hạ chế 8g. Ngày 1 thang, sắc uống làm 2 lần.
Bài 3: Suy nhược cơ thể ở người già. Thục địa 12g, hà thủ ô 12g, củ mài 12g, củ súng 12g, nam đỗ trọng 20g, ba kích 12g, cao quy bản 10g, cao ban long 10g, phụ tử chế 8g, nhục quế 4g.
Ngày 1 thang, sắc uống làm 2 lần: riêng cao ban long và cao quy bản, sau khi sắc thuốc chắt ra mới cho vào. Hoặc tán bột, làm viên hoàn, uống ngày 20-30g với nước sôi nguội hoặc nước muối loãng.
Bài 4: Dùng cho phụ nữ sau đẻ, thiếu máu hoặc một số bệnh về máu gây thiếu máu.
Quả dâu chín 16g, hà thủ ô 12g, long nhãn 12g, hạt sen 12g. đỗ đen sao 12g, lá vông 12g. Ngày 1 thang, sắc uống làm 2 lần.
Bài 5: Chữa suy nhược cơ thể sau một số bệnh truyền nhiễm gây sốt cao, viêm khớp dạng thấp, tăng huyết áp. Rau thai nhi 1 cái, đảng sâm (hoặc bố chính sâm) 16g, thục địa 16g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 16g, hoàng bá 8g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, bạch linh 12g, quy bản 12g. Tán bột, nhào với mật ong làm viên, uống 20g mỗi ngày, chia làm 2 lần.
Món ăn
Bài 1: Chữa suy nhược cơ thể do tăng huyết áp. Râu ngô hoặc bắp ngô non 30g, móng giò: 1 cái, gừng 5g, hành và gia vị vừa đủ. Tất cả ninh nhừ. Cách ngày ăn 1 lần, ăn trong 3 tuần liền.
Bài 2: Chữa người gầy yếu, suy nhược cơ thể, phụ nữ sau đẻ.
Gà trống non (7-8 lạng): 1 con, quy thân 10g, đảng sâm 15g, thục địa 15g, kỷ tử 10g, hạt sen 20g, ngải cứu 20g, gừng, hành, gia vị vừa đủ. Tất cả hầm nhừ, 1 tuần ăn 2 lần, ăn trong 4 tuần liền.
Bài 3: Chữa viêm phế quản mạn, hen phế quản. Chim cút: 1 con, cát cánh 15g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, đại táo 7 quả. Gừng, hành, rượu, gia vị vừa đủ. Tất cả hầm nhừ, cách ngày ăn 1 lần, trong 4 tuần liền.
Bài 4: Bột tổng hợp chữa suy nhược cơ thể, kém ăn. Bột gạo tẻ 40 phần, gạo nếp 15 phần, bột đậu đỏ 10 phần, bột đậu đen 10 phần, bột đậu xanh 10 phần, vừng hạt 10 phần, bột hạt sen 5 phần. Tất cả trộn đều, mỗi thìa bột pha với 250ml nước, nấu chín. Ăn ngày 1 lần.
CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI SUY NHƯỢC CƠ THỂ
Suy nhược cơ thể thường xảy ra ở người lao động nặng hoặc người mắc nhiều bệnh mạn tính dẫn đến ăn uống nhiều, mà cơ thể không hấp thu tốt, tiêu hóa kém, mệt mỏi ...
Suy nhược cơ thể thường xảy ra ở người lao động nặng hoặc người mắc nhiều bệnh mạn tính dẫn đến ăn uống nhiều mà cơ thể không hấp thu tốt, tiêu hóa kém, người luôn mệt mỏi, gầy gò, sợ lao động, lúc nào cũng như người tụt huyết áp. Ngoài chế độ nghỉ ngơi, bệnh nhân nên lựa chọn những món ăn mau phục hồi sức khoẻ.
Chè long nhãn
Cháo bột hạt súng: Hạt súng (khiếm thực) 100g, gạo tẻ 50g nấu nhừ thêm muối gia vị vừa đủ ăn. Tác dụng: Bổ tỳ, thận, sáp tinh, trừ thấp... ăn thích hợp người tỳ hư đại tiện lỏng, ăn ngủ kém, nam giới hay di tinh mộng tinh, tiểu tiện không tự chủ, nữ giới bị khí hư bạch đới, người già mắt yếu, tai nghe kém.
Cháo củ cải: Củ cải gọt vỏ thái nhỏ, 100g, gạo tẻ 50g, thêm vài lát cà rốt nấu nhừ gia vị vừa đủ ăn. Tác dụng: Tiêu thực, mát phế, tiêu đờm, giải độc, dưỡng huyết... ăn thích hợp chứng bụng đầy chậm tiêu, phế nhiệt ho đàm tức ngực, sỏi thận, sạn mật... Tài liệu gần đây cho rằng, củ cải tăng khả năng đào thải thức ăn dư thừa tồn đọng trong cơ thể.
Cháo lươn: Lươn làm sạch bỏ ruột luộc lấy thịt 100g, gạo ngon 100g nấu cháo thêm gia vị vừa đủ ăn nóng. Tác dụng: Bồi bổ khí huyết, làm mạnh gân cốt, trừ phong thấp... ăn rất tốt cho người suy nhược mới ốm dậy, phong thấp đau nhức, kiết lỵ, trĩ táo bón, tiêu hóa kém, phụ nữ ra huyết trắng.
Chè long nhãn: Những người môi nhợt, ăn ngủ kém, do tâm khí hư... phép trị bổ tâm an thần, bổ khí dưỡng huyết. Long nhãn 50g, hạt sen 30g, táo đỏ 20g nấu chè ăn... Ngoài ra, nên ăn chất đạm từ thực vật như đậu đỏ, hà lan, đậu nành, chất béo thực vật như dầu mè, đậu nành, lạc, ngô, ô liêu, mỡ cá, rau củ nên ăn bí đỏ, cà rốt, hành, hẹ, kiệu, rau mùi, thì là, các loại rau thơm... Các loại cá hồi, trai, ngao, sò, hến, tim heo, hoặc tim bò dê, đều là món ăn tốt cho tâm.
(ST)