Triệu chứng của bệnh tim mạch

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Triệu chứng của bệnh tim mạch

19/04/2015 12:19 PM
275
 

Các triệu chứng của bệnh tim mạch rất khó cảm nhận và các bác sĩ mong muốn bệnh nhân đề phòng đừng bỏ qua các dấu hiệu báo trước có thể của bệnh này.


TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH TIM BẠN KHÔNG NÊN BỎ QUA

Nhiều người hỏi tại sao bệnh tim lại dẫn đến tử vong nhiều như vậy? Một trong những lý do được các chuyên gia về sức khỏe trả lời đó là do chậm trễ đi khám bệnh khi triệu chứng mới chớm.

Sau đây là 12 triệu chứng có thể của bệnh tim bạn không nên bỏ qua:

1. Lo lắng. Lo lắng không chỉ là triệu chứng của bệnh tim mà còn là biểu hiện của nhiều bệnh khác. Nhồi máu cơ tim có thể gây ra sự lo lắng quá mức và cảm giác sợ chết.

2. Khó chịu ở ngực. Đau ngực là triệu chứng thường gặp của bệnh tim (nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ), đây là triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp nhồi máu cơ tim đều gây ra đau ngực, và ngược lại đau ngực có thể do nguyên nhân từ bệnh ngoài tim, như bệnh của phổi, thành ngực, tiêu hóa...


Đau ngực do tim thường có đặc điểm: đau thường ở giữa ngực, sau xương ức, có thể hơi lệch sang trái một ít. Nhiều khi chỉ là cảm giác nặng ở ngực giống “voi đè”, cảm giác ép khó chịu, thắt chặt hoặc đầy ở ngực.

3. Ho. Ho kéo dài dai dẳng hoặc khò khè có thể là triệu chứng của suy tim. Suy tim dẫn đến ứ dịch ở phổi, gây ra hai triệu chứng này. Trong vài trường hợp, người suy tim có thể ho ra đàm có máu.

4. Chóng mặt. Nhồi máu cơ tim cấp có thể gây ra chóng mặt hoặc nặng hơn nữa là bất tỉnh. Chóng mặt còn có thể do tình trạng rối loạn nhịp tim nặng gây ra.

5.Mệt mỏi. Đặc biệt là ở phụ nữ, mệt mỏi không phải là triệu chứng hiếm gặp trong giai đoạn nhồi máu cơ tim cấp và những tuần sau đó. Nếu lúc nào cũng thấy mệt thì đó có thể là dấu hiệu suy tim. Mệt mỏi còn là triệu chứng do nguyên nhân khác ngoài tim như đái tháo đường, cường giáp, thiếu máu...

6.Buồn nôn hoặc chán ăn. Nôn, buồn nôn, chán ăn là các triệu chứng thường gặp của bệnh đường tiêu hóa. Tuy nhiên có thể gặp các triệu chứng này khi bị nhồi máu cơ tim cấp.


7. Đau ngoài ngực. Nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cơn đau bắt đầu ở ngực và lan lên vai, cánh tay, khuỷu tay, lưng, cổ hoặc bụng. Nhưng có khi không có biểu hiện đau ngực mà lại đau ở vị trí khác ngoài ngực. Cơn đau xuất hiện rồi biến mất. Nam giới bị nhồi máu cơ tim thường đau cánh tay trái. Nữ có cảm giác đau ở cả hai cánh tay, hoặc giữa hai xương bả vai.

8. Mạch nhanh hoặc không đều. Nếu thỉnh thoảng tim đập nhanh như đang nhảy dây rồi trở về bình thường thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nếu mạch nhanh hoặc không đều kéo dài hoặc kèm theo yếu cơ, chóng mặt, khó thở... thì có thể là biểu hiện của nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim.


9. Khó thở. Cảm giác hết hơi không thở được nữa khi ngồi nghỉ hoặc khi gắng sức nhẹ có thể là biểu hiện của bệnh phổi như suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên khó thở cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim, suy tim. Thỉnh thoảng người bệnh nhồi máu cơ tim không có cảm giác ép ngực hoặc đau ngực, thay vào đó là khó thở, cảm giác như vừa chạy bộ quá sức.

10. Đổ mồ hôi. Mồ hôi vã ra như tắm dù bạn không vận động và thời tiết chẳng nóng nực gì.

11. Phù. Suy tim là nguyên nhân dẫn đến tích tụ dịch trong cơ thể. Điều này dẫn đến phù (thường là ở bàn chân, cổ chân, cẳng chân và bụng). Các biểu hiện khác xuất hiện cùng với phù là chán ăn và tăng cân.


12. Yếu sức. Trong những ngày nhồi máu cơ tim, một số bệnh nhân có biểu hiện yếu sức nặng nề. Có người bệnh yếu đến không thể giữ nổi tờ giấy giữa hai ngón tay.

VÀI LƯU Ý GIÚP BẠN GIẢM NGUY CƠ BỆNH TIM

Bệnh tim là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, để giảm nguy cơ phát triển bệnh tim và giữ tim luôn khỏe mạnh, bạn hãy ghi nhớ một số điều sau đây:

Cắt giảm chất béo

Một chế độ ăn uống không nhiều chất béo có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt, nên ăn ít chất béo bão hòa vì loại chất béo này thường làm tăng cholesterol trong máu, và là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tim mạch. Chất béo bão hòa thường chứa nhiều trong bơ, thịt, sữa béo. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, chỉ nên tiêu thụ chất béo bão hòa không quá 7% tổng số nhu cầu calo hàng ngày. 

Theo các chuyên gia, một ngày nên dùng 5-9 khẩu phần gồm trái cây và rau sẽ rất tốt

Bạn cũng cần tránh xa chất béo trans, thường có trong bơ thực vật, các loại dầu ăn, thực phẩm chiên rán… vì nó cũng không tốt cho tim.

Nên ăn nhiều rau quả và cá

Các thực phẩm như lựu, việt quất, cà chua, rau bina… rất giàu chất chống oxy hóa, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhiều loại trái cây và rau quả: cam, chuối, hoặc nấm, giúp điều hòa huyết áp, nhờ có hàm lượng kali cao.

Trong khi đó, các loại cá như: cá hồi, cá mòi cũng giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch bằng cách giảm huyết áp và triglycerides. Nếu triglycerides cao cộng thêm cholesterol cũng cao (đặc biệt là cholesterol xấu LDL cao) thì càng có nguy cơ dễ bị bệnh tim mạch.

Bỏ hút thuốc lá

Hút thuốc lá có hại nhiều cho sức khỏe, gây ung thư, đau tim và các bệnh nguy hiểm khác: làm hẹp động mạch, tăng huyết áp… Hút thuốc không chỉ tốn kém, mà nguy hiểm hơn là tính mạng của bạn có thể bị đe dọa. Nếu bạn không quan tâm chăm sóc sức khỏe cho chính bạn, hãy nghĩ đến những người không hút thuốc đang sống xung quanh hoặc ở cùng với bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc từ bạn.

Theo dõi và khám sức khỏe định kỳ

Quan trọng nhất là bạn cần khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra các vấn đề như: cholesterol cao, lượng đường trong máu cao, cũng như các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình và có kế hoạch phòng bệnh phù hợp.

Tập thể dục

Tập thể dục có thể giúp bạn tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu. Ngoài ra, việc tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải còn giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
 

THỰC ĐƠN CHO NGƯỜI BỆNH TIM MẠCH


PGS. TS Trần Đình Toán, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị khẳng định: “Một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học sẽ là một trong những biện pháp điều trị hữu hiệu bệnh tăng huyết áp và xơ vữa động mạch”.

Ăn uống đúng cách

Ăn uống đúng cách

“Ðối với phần lớn các bệnh tim mạch, bạn nên kiêng ăn mặn và chất béo. Nó không những làm bệnh thuyên giảm mà bạn còn bớt được chi phí tiền thuốc điều trị”. Đó là lời khuyên của PGS.TS.Trần Đình Toán, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị.

Hạn chế ăn mặn có ýnghĩa đặc biệt quan trọng nếu bị các bệnh suy tim, tăng huyết áp. Ăn mặn nghĩa là bạn phải hạn chế muối. Muối có nhiều trong nước chấm, các loại thức ăn khô như cá khô, chà bông, mắm...

Hãy tập thay đổi từ từ, đầu tiên đừng dùng nước chấm khi ăn, tránh các loại mắm, cá thịt khô, nếu cần hãy nấu ăn riêng.

Trên phương diện khoa học, việc ăn thiên về chất bột đường mà không có chất đạm sẽ gây ra nguy cơ rối loạn chuyển hóa chất béo và tăng huyết áp, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch. Do đó, chỉ nên ăn chay xen kẽ với chế độ ăn có thịt, cá và các chất protide khác như trứng, sữa… thì có lợi cho sức khỏe hơn, nhất là ở những người lớn tuổi.

PGS.TS Trần Đình Toán cho biết thêm: “Chế độ ăn hợp lý là ăn ít muối, các thành phần dinh dưỡng cân đối giữa tỷ lệ chất béo, chất đạm động vật, chất đạm thực vật và chất bột đường. Các món ăn nên thay đổi hằng ngày, nên ăn nhiều cá, các loại hải sản. Vì chất acide béo Omega 3 có trong các loại hải sản rất tốt cho hệ tim mạch”.

Nên ăn nhiều các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất vi lượng.

Chất xơ còn giúp hoạt động của hệ tiêu hóa dễ dàng, tránh được táo bón. Một số trái cây còn chứa các chất có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não... Ðể tim hoạt động tốt, lượng potasium trong máu phải ổn định, không quá nhiều hay quá ít.

Người bị bệnh tim nên uống nước theo nhu cầu cơ thể, chỉ uống khi cảm thấy khát. Nếu bệnh của bạn chỉ ở mức độ nhẹ, việc hạn chế uống nước là không cần thiết. Những trường hợp suy tim nặng chỉ nên hạn chế uống khoảng 1 lít nước mỗi ngày. Nên nhớ rằng uống quá ít nước cũng rất nguy hiểm vì có thể gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt.

Từ bỏ rượu bia, thuốc lá

Y học đã chứng minh việc nghiện rượu bia có ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Việc sinh hoạt điều độ luôn là nguyên tắc quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe. Rượu bia có thể không ảnh hưởng đến bệnh tim nhưng lại gây bệnh dạ dày, bệnh gan.

Ngoài ra, có một thể bệnh tim đặc biệt gọi là bệnh cơ tim do rượu. Nếu bị bệnh này, bạn phải kiêng cữ rượu bia hoàn toàn.

Còn thuốc lá là thứ cần phải kiêng cữ tuyệt đối khi bị bệnh tim mạch. Thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đối với các bệnh do nguyên nhân xơ vữa động mạch như thiếu máu não, thiếu máu cơ tim.

Nếu không bỏ thuốc lá, bạn có thể bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim... Và nhất thiết bạn phải cố gắng bằng mọi cách bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch.



Tập thể dục cho người bị bệnh tim
Bệnh tim khi mang thai
Bệnh Tim bẩm sinh ở người lớn
Người bị bệnh tim có nên sinh con?
Thức ăn cho người bị bệnh tim


(ST)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Các Bác sĩ cho em hỏi một chút ạ.em đi làm ở công ty.hoạt động mỗi ngày 12h đồng hồ.bên gặp các trường hợp sau đau nhói ở vùng ngực trái.ngủ mê sợ hãi.tim đập nhanh.ngủ không say giấc.đau hai bả vai và cổ.liệu em có phải mắc bệnh tim không ạ.các Bác sĩ chỉ dùm xin cảm ơn các Bác sĩ nhiều lắm ạ
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý