Cách giao tiếp trong đàm phán cực hiệu quả

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Cách giao tiếp trong đàm phán cực hiệu quả

19/04/2015 12:26 PM
1,960

Việc hiểu sâu sắc các nghi thức ở bàn đàm phán không chỉ quan trọng đối với các nhà ngoại giao mà còn quan trọng đối với các doanh nhân.





CÁCH GIAO TIẾP TRONG ĐÀM PHÁN

6 quy tắc vàng trong đàm phán
 

Những tính cách được đánh giá cao trong các cuộc đàm phán là sự kiên trì, khéo léo, sáng suốt và bình tĩnh. Một cử chỉ hoặc lời nói không thích hợp có thể phá hỏng kết quả của buổi đàm phán quan trọng. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì trước một cuộc đàm phán để không xảy ra bất cứ một sơ xuất nào?

Quy tắc 1: Xác định các thành viên trong phái đoàn đàm phán

Trước buổi gặp mặt, đầu tiên bạn cần xác định rõ chức danh và nhiệm vụ của tất cả các thành viên trong đoàn đàm phán của đối tác. Bạn phải biết ai thực sự là người có quyền quyết định cuối cùng để dành sự chú ‎ý đến người này nhiều nhất. Nhiều khi, đó không phải là trưởng đoàn mà là người lãnh đạo bộ phận có liên quan nhiều nhất đến cuộc đàm phán. Sau khi xác định được thông tin trên, bạn sẽ chỉ định những thành viên trong phái đoàn của mình.
Nếu bạn chọn đúng các thành viên tham gia, bạn sẽ nắm trong tay 80% thành công. Những thành viên trong phái đoàn phải thực sự cần thiết cho cuộc đàm phán, nếu không hiệu quả của cuộc đàm phán sẽ tỷ lệ nghịch với số thành viên trong phái đoàn.

Quy tắc 2: Ấn định thời gian phù hợp

Không có quy định về thời gian diễn ra cuộc đàm phán, nhưng tốt nhất là nên tổ chức vào buổi sáng. Sẽ không lịch sự nếu ấn định cuộc đàm phán vào sáng sớm tinh mơ hay tối muộn. Hãy tránh đi trễ, nếu không bạn sẽ bị xem là không “pro”, thậm chí bị đối tác quy kết tội thiếu tôn trọng họ.

Thông thường, một buổi đàm phán kéo dài khoảng 2 tiếng. Nếu đàm phán diễn ra dài hơn, cần phải có thời gian nghỉ giải lao ít nhất 30 phút. Trong khoảng thời gian này bạn có thể mời khách uống trà hoặc cà phê. Hạn chế tối đa việc hút thuốc nếu có thể.

Quy tắc 3: Ấn định không gian diễn ra đàm phán

Thông thường, địa điểm diễn ra đàm phán là do bên tổ chức đưa ra nhưng phải được sự đồng ý của khách mời. Nếu bạn muốn có lợi thế về tâm l‎ý, tốt nhất hãy tổ chức đàm phán ở công ty của bạn.

Chiếc bàn là điểm chính của phòng đàm phán. Tốt nhất bạn dùng bàn tròn hoặc oval. Bàn có góc cạnh có thể tạo cảm giác đối đầu cho các thành viên tham gia đàm phán. Trong trường hợp chỉ có bàn hình chữ nhật, tuyệt đối không được xếp chỗ ngồi ở hai cạnh nhỏ vì các thành viên của hai phái đoàn luôn phải ngồi đối diện, mặt đối mặt theo chức danh.

Quy tắc 4: Tôn trọng các nguyên tắc “bất thành văn”

* Trước khi đàm phán, hai bên phải thống nhất trước những vấn đề sẽ thảo luận và xác định mục tiêu của cuộc đàm phán.
* Không xếp chỗ cho khách ngồi quay mặt về hướng cửa ra vào hoặc đối diện với cửa sổ. Đại diện của ban tổ chức phải ngồi đối diện với cửa ra vào để tiện ra hiệu cho thư k‎ý mang thêm nước hay thay bình trà.
* Bắt tay và tự giới thiệu là những hành động chính thức để làm quen. Đối với danh thiếp, sẽ rất bất lịch sự nếu sau khi nhận danh thiếp bạn đút ngay vào túi hoặc ví. Bạn cần phải đọc danh thiếp trước khi cất đi.
* Nếu các thành viên trong buổi đàm phán không biết trước về nhau, bạn nên đặt trước mặt mỗi người một bản tên để tiện giao tiếp.
* Khoảng cách giữa hai ghế ngồi ít nhất là 1,5 đến 3m. Đây được gọi là “cự ly xã hội”. Một khoảng cách quá rộng có thể tạo cho các thành viên cảm giác bị “loại ra” khỏi cuộc đàm phán.
* Tránh thái độ suồng sã trong cuộc đàm phán. Không nên vươn người sang phía không gian của người ngồi cạnh để lấy đồ hoặc tài liệu của họ mà chưa được phép.
* Số thành viên của hai đoàn đàm phán nên bằng nhau.
* Nếu trong một phái đoàn, người lãnh đạo đi cùng với trợ l‎ý thì trong phái đoàn đối tác cũng nên như vậy.
* Nếu bạn muốn ghi âm hoặc thu hình lại cuộc đàm phán, bạn phải được sự đồng ‎ý của phía đối tác.

Quy tắc 5: Cách ăn mặc

Cách ăn mặc của các thành viên thể hiện tính nghiêm túc và chuyên nghiệp. Vì vậy, trong các buổi đàm phán quan trọng bạn nên ăn mặc trang trọng và lịch sự. Đàn ông nên mặc com-lê màu đen, xám hoặc xanh tím than, áo sơ mi dài tay một màu hay có những đường sọc nhỏ màu nhạt, cravat lụa, tất cùng màu với quần, giày buộc dây. Phụ nữ cũng có thể mặc com-lê, đi giày thấp cổ, không mặc váy ngắn, trang điểm nhẹ, tóc gọn gàng, bàn tay phải được chăm sóc, các đồ trang sức càng ít càng tốt và tránh gây cảm giác lố lăng.

Quy tắc 6: Sử dụng đúng ngôn từ

* Không nên lập tức vào chủ đề chính ngay khi bắt đầu cuộc nói chuyện. Nên bắt đầu bằng đề tài thời tiết, các hoạt động văn hóa hoặc tình hình kinh tế.
* Không nên biểu lộ cảm xúc “hỉ nộ ái ố” quá mức nhưng cũng không nên giữ một bộ mặt lạnh băng. Không nên nói to quá, nhưng cũng không nên nói nhỏ đến mức thì thầm.
* Bạn không nên lạm dụng những lời khen. Chỉ nên khen ngợi trong những vấn đề có liên quan đến nội dung đang được thảo luận. Đôi khi bạn có thể khen bộ com-lê của đối tác là đẹp nhưng đừng đi xa hơn.
* Nên giữ bầu không khí trang trọng khi nói chuyện. Có thể thể hiện những cảm xúc tích cực như: “Rất vui được gặp anh/chị”, hoặc “Cảm ơn vì anh/chị đã dành thời gian cho cuộc họp mặt này”.
* Không nên nói rằng mình chắc chắn đúng, hay đưa ra những tuyên bố mang tính khẳng định 100%. Không đưa ra các lời khuyên cũng như ngắt lời người khác. Trả lời đối tác lịch sự và bình tĩnh, nếu cảm thấy khó chịu thì nên giữ thái độ im lặng.
* Không nên bắt đầu câu nói bằng sự phản đối vì điều này dễ dẫn đến sự đối lập và mâu thuẫn. Trước khi nói “không” bắt buộc bạn phải nêu ra những l‎ý do mà đối tác có thể chấp nhận được.
* Tránh dùng từ cộc lốc “Hiểu rồi!” “Tại sao?” “Cái gì?”; “Như thế nào?”...
* Và nguyên tắc quan trọng nhất: không bao giờ hứa hẹn điều gì mà bạn không thể thực hiện được. Tất cả những thỏa thuận đạt được trong buổi đàm phán chỉ có hiệu lực khi được ghi thành văn bản và có chữ ‎ký của trưởng đoàn của cả hai phía.

Những yếu tố quan trọng trong đàm phán - thương lượng



1. Thời gian

Nhiều người cho rằng đàm phán thương lượng là một việc làm phải có thời gian bắt đầu, có số lượng thời gian và thời gian kết thúc. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Cuộc đàm phán - thương lượng giữa Việt Nam - Mỹ ở Paris (Pháp) về hòa bình ở Việt Nam là một ví dụ về tính vô chừng về thời gian trong đàm phán - thương lượng.

Thông thường thì các cuộc đàm phán - thương lượng được kết thúc vào 1/5 cuối cùng của tổng số thời gian thương lượng. Như vậy bao nhiêu công sức của 4/5 tổng số thời gian kia đều dồn hết về một phần nhỏ cuối cùng của tổng số thời gian. Đối với những cuộc đàm phán - thương lượng lớn thì người ta gọi đó là thời gian lịch sử.

Giống như một phiên tòa kéo dài cả tuần, cuối cùng bản tuyên án là lời kết cho tất cả và mọi người hồi hộp chờ đón giây phút quan trọng đó.

Như vậy ta có thể thấy: Những gì ta làm trong 1/5 thời gian đàm phán - thương lượng cuối cùng bằng cả 4/5 thời gian đàm phán - thương lượng kia.

Thời gian và thời hạn có thể giúp bất kỳ bên nào trong đàm phán - thương lượng tùy theo hoàn cảnh và trường hợp. Sau đây là một số kinh nghiệm và cũng là lời khuyên cho một người đi đàm phán - thương lượng, có thể dùng trong việc tranh thủ thời gian , tạo lợi thế cho mình.

* Đầu tiên là phải biết kiên nhẫn và bình tĩnh , không được nóng vội, bởi vì như đã nói ở trên , việc quyết định vấn đề thường xảy ra ở 1/5 thời gian cuối cùng của tổng số thời gian trong đàm phán - thương lượng. Biết điềm đạm và chọn đúng thời điểm để hành động là một chiến thuật không thể thiếu của một người ngồi vào bàn đàm phán.

* Nếu như một việc giải quyết nhanh một cuộc đàm phán - thương lượng mang lại một lợi ích tốt thì ta cần giải quyết nhanh không nên dây dưa và kéo dài.

* Không nên cứng nhắc, phải tuân theo thời hạn do mình đặt ra trong đàm phán. Bạn có thế thay đổi thời hạn của bạn. Khi cứng nhắc làm theo thời hạn do mình đặt ra nhiều khi sẽ mang đến bất lợi. Đó là khi ta chưa có đủ các yếu tố để ra quyết định.

* Trong đàm phán - thương lượng bạn nên biết thời hạn của bên kia, tức là họ dự tính thời gian cuối cùng họ sẽ quyết định là bao giờ, nhưng lại không được để cho bên kia biết được thời hạn quyết định của bạn. Khi biết được thời hạn của bên kia thì bạn sẽ thấy càng đến gần thời hạn thì mức độ "sốt sắng" của bên kia càng lên cao và họ dễ nhượng bộ.

Ví dụ: Một người thế chấp một căn nhà cho ngân hàng để vay tiền kinh doanh. Hạn trả lại tiền là hai năm. Căn nhà trị giá theo thị trường là 100 "cây" nhưng ngân hàng chỉ định giá trị là 65 "cây". Người kia làm ăn thua lỗ, mất tiền nên phải tính bán nhà trả nợ. Anh ta đòi tới 100 "cây". Nhưng chỉ còn một tháng nữa là đến hạn ngân hàng lấy nhà. Vào những ngày cuối anh ta phải chịu bán với giá 75 "cây", còn hơn là để ngân hàng lấy mất 10 "cây".

* Luôn luôn nhớ rằng, thông thường thì bạn khó có được kết quả nhanh chóng trong đàm phán - thương lượng. Nếu bạn dự định cố gắng đạt được kết quả trong một thời hạn nào đó mà không đạt được, thì nên bền chí và kiên nhẫn kéo dài thời gian.

2. Thông tin

Trong đàm phán - thương lượng, thông thường thì ai có nhiều thông tin hơn, người đó có kết quả khả quan hơn.

Đàm phán - thương lượng không phải chỉ là một việc làm đơn giản mà nó là một quá trình, bắt đầu từ tìm hiểu, thăm dò rồi đến mặt đối mặt để đàm phán...Tại sao bạn lại cần phải chuẩn bị thu thập thông tin trước? Bởi vì khi đi vào bàn đàm phán - thương lượng phía bên kia sẽ giấu giếm các ý đồ, mối quan tâm, nhu cầu và động cơ thật của họ. Lúc đó bạn không thể nào mà biết thêm một điều gì. Chính bạn sẽ bị rơi vào lúng túng.

Thu thập thông tin càng sớm thì càng có nhiều lợi thế. Bạn có thể thu thập thông tin qua nghiên cứu các bằng chứng, các số liệu thống kê, hỏi han những người đã làm việc, đã đàm phán - thương lượng với đối tác hoặc với anh em, bạn bè và bất kỳ ai biết về họ.

3. Chuẩn bị trước khi vào đàm phán - thương lượng

Chuẩn bị trước khi vào đàm phán - thương lượng là việc làm rất quan trọng. Bạn phải chuẩn bị sao cho càng có nhiều thông tin càng tốt. Đồng thời, bạn cũng cần phải xác định trước các mục tiêu trong cuộc đàm phán - thương lượng. Mục tiêu đó phải bó gọn trong phạm vi thông tin mà bạn có được. Sau đây là những chủ điểm mà bạn cần chuẩn bị thông tin và dữ liệu trước khi gặp nhau đàm phán - thương lượng.

Những việc cần chuẩn bị trước Phía mình

  Phía đối tác hay phía "bên kia"


* Chủ đề của cuộc đàm phán - thương lượng là gì?


* Những dữ liệu và số liệu đã có

* Những vấn đề cần phải đàm phán - thương lượng

* Người đàm phán cần chuẩn bị những gì

* Ưu thế của đối tác về những vấn đề
cần đàm phán - thương lượng

* Chiến lược và chiến thuật cần áp dụng

4. Năng lực và ưu thế trong đàm phán - thương lượng

4.1. Các loại năng lực và ưu thế

Có mười loại năng lực và ưu thế có thể ảnh hưởng tới kết quả đàm phán - thương lượng. Ta cần chú ý ở đây là mọi cái chỉ "có thể", bởi vì nếu như một người có một số năng lực và ưu thế tốt mà không biết sử dụng chúng cũng coi như không.

* Ưu thế

Cương vị và chức vụ trong một tổ chức hay công ty mang lại những lợi thế nhất định cho một người. Ví dụ ông trưởng phòng kỹ thuật có tiếng nói rất trọng lượng và ảnh hưởng rất lớn tới mọi quyết định trong phạm vi phòng kỹ thuật nhưng lại ít hoặc rất ít trọng lượng cũng như ảnh hưởng tới phòng tài chính - kế toán.

* Quyền lực và tính pháp lý

Quyền lực và tính pháp lý tạo cho người đàm phán - thương lượng những ưu thế nhất định. Người ta sẽ đánh giá thấp những ai và những gì không hợp pháp. Ví dụ như những ai tự phong chức vụ cho mình để đi đàm phán - thương lượng khi bị phát hiện ra, người ta coi anh ta chằng ra gì.

* Kiến thức và kinh nghiệm

Những người có kiến thức và kinh nghiệm có những ưu thế rất lớn trong đàm phán - thương lượng. Một người thông minh và khôn ngoan là người biết sử dụng các kiến thức và kinh nghiệm của mình đúng lúc và đúng chỗ nếu không, những kiến thức và kinh nghiệm của mình sẽ trở nên vô tác dụng, thậm chí lại làm hại cho chính bản thân. Ví dụ một người có kiến thức uyên bác mà đi đâu cũng vỗ ngực ta đây thì sẽ bị cho là kiêu căng, tự phụ và bị cô lập, ghét bỏ.

* Bản chất con người

Bản chất con người càng trung thực bao nhiêu thì càng có lợi bấy nhiêu, nhất là trong đàm phán - thương lượng. Bao giờ người ta cũng quan tâm đến những gì anh đã làm theo lời hứa chứ không ai đánh giá chỉ có lời hứa không. Chúng ta thường nói với nhau "Hãy xem những gì anh ta làm, đừng nghe những gì anh ta nói".

* Khen thưởng và khuyến khích

Khen thưởng và khuyến khích là một yếu tố quan trọng để tạo nên ưu thế. Nhiều người lãnh đạo chỉ thích dùng khen thưởng để điều hành thay cho cho mệnh lệnh.

* Phê bình và phạt


Phê bình và phạt cũng là một cách tạo nên ưu thế trong đàm phán - thương lượng. Người công nhân sẽ nhận nhiệm vụ và làm việc tốt mặc dù giám đốc chỉ mới đàm phán - thương lượng với công nhân thôi, bởi vì nếu không thì ông ta sẽ phạt hoặc cúp lương theo quyền hạn mà ông ta có.

* Giới tính

Nếu hai bên là cùng giới tính thì là một chuyện, nhưng khác giới nhiều khi là một chuyện khác. Chiến thuật "nghiêng nước nghiêng thành" nhiều  khi phát huy tác dụng trong đàm phán - thương lượng. Ngoài ra, người phụ nữ thường được hưởng cái "quyền ưu tiên" hơn. Người phương Tây thường có câu "Lady first" trong một giao tiếp xã hội và kinh doanh.

* Cách xử lý

Chúng ta có các xử lý sau đây:

a. Có phân tích, định hướng và giải quyết có phương pháp.


b. Định hướng nhiệm vụ và mục tiêu, tập trung vào vấn đề cơ bản.

c. Giúp đỡ, định hướng các mối quan hệ, tập trung vào tình cảm.

d. Kết hợp cả ba cách trên.

Tùy vào từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể mà ta có cách xử lý phù hợp.

Có người ly dị gia đình vì một lý do nào đó nhưng vẫn giữ được các mối quan hệ tốt với vợ (hoặc chồng) và con cái. Cách cư xử ở đây thuộc vào cách (c) nói trên. Biết cư xử đúng, phù hợp với hoàn cảnh và trường hợp cụ thể là tạo ra một sức mạnh hỗ trợ cho người đàm phán đạt được thành công.

* Không dùng sức mạnh (vũ lực)


Trong nhiều trường hợp, không dùng sức mạnh có khi lại mang những lợi thế to lớn. Một bài học lịch sử mà dân tộc ta đã trải qua là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã sử dụng các sức mạnh quân sự dã man nhất hòng làm khuất phục dân tộc ta.  Nhưng thực tế cho thấy dân tộc ta hoàn toàn không sợ, "thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước". Đế quốc Mỹ đã mất uy lực quân sự trước dân tộc Việt Nam.

Trong đàm phán - thương lượng thái độ chân tình nhiều khi sẽ mang lại sự dễ cảm thông, dễ hiểu biết và dễ dẫn đến có kết quả hơn, thay vì dùng có sức mạnh để đe dọa.

* Cách đối xử kỳ dị


Nhiều trường hợp cách đối xử kỳ dị cũng mang lại lợi thế nhất định. Cơ quan tôi có một người cán bộ có tính cách đối xử kỳ dị, hay nóng giận thất thường. Có những trường hợp  cần bảo vệ quyền lợi của cơ quan trước các đối tác hay hiềm khích, thủ tướng tôi thường phân công người đó ra tiếp khách và giải quyết vấn đề. Kết quả là hầu hết các đối tác đều phải "ngao ngán" mà "bỏ của chạy lấy người".

Phần lớn chúng ta có nhiều năng lực và ưu thế hơn chúng ta nghĩ. Giữa lòng tự trọng và năng lực đàm phán - thương lượng của mỗi người có một mối liên hệ. Người nào có lòng tự trọng cao thì dễ có nhiều khả năng thành công trong đàm phán - thương lượng. Ngược lại, người nào có lòng tự trọng thấp thì sẽ khó thành công hơn, cũng giống như những người cho rằng họ không có năng lực trong đàm phán - thương lượng, họ thờ ơ lãnh đạm trước các cơ hội.

4.2 Các nguyên tắc thể hiện năng lực và ưu thế

Khi đàm phán - thương lượng, người đàm phán - thương lượng phải nhớ một số nguyên tắc về năng lực và ưu thế sau đây:

* Rất ít khi một bên nào đó có toàn bộ năng lực và ưu thế. Thường thì mỗi bên, dù là mạnh nhất, cũng có những điểm yếu nhất định. Ví dụ như Mỹ chẳng hạn, là nước giàu có và mạnh nhất thế giới bây giờ vẫn có những điểm yếu, đó là tệ nạn xã hội ngày càng cao, suy thoái kinh tế kéo dài...


Một cán bộ chính quyền tham nhũng hách dịch thì thế mạnh của ông ta sẽ yếu đi và đó cũng là điểm yếu của ông.

* Năng lực và ưu thế có thể biểu hiện thật nhưng cũng có khi chỉ biểu hiện bề ngoài thôi chứ không có thật.

Hẳn chúng ta ai cũng biết vụ "CONGTYLUA" (công ty lừa) mà các báo chí đã đăng tải. Khi chúng ta mở cửa nền kinh tế, nhiều tên lừa đảo "có hạng" đã đóng giả bề ngoài là các doanh nhân giàu có và uy tín, chúng đã lừa được cả những cán bộ có học vị tiến sĩ và cương vị lãnh đạo cao của một vài địa phương lớn ở ngoài Bắc.

* Nhiều lúc thời thế tạo ra năng lực và ưu thế.


Chúng ta thường có câu nói: "Thời thế tạo anh hùng". Câu này đúng trong một số trường hợp và hoàn cảnh nhất định.

Ví dụ: Trong bàn cờ, quân Xe được coi như quân có nhiều lợi hại nhất, mang lại những ưu thế to lớn cho người đánh cờ, còn con Tốt thì tạo ra ít lợi thế nhất. Ấy vậy mà khi gặp thế thuận lợi, con tốt cũng làm đảo lộn tình thế, chiếu tướng giành phần thắng.

Trong đàm phán - thương lượng cũng vậy. Nhiều khi sự thắng lợi là ngẫu nhiên khi bên kia bỏ cuộc.

* Năng lực và ưu thế cũng thay đổi theo thời gian.

Cùng thời gian, năng lực và ưu thế có thể tăng và cũng có thể giảm. Đó là một thực tế. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thì năng lực và thế lực của ta thực sự là yếu như " những bóng ma" mà thực dân Pháp đã gọi. Nhưng với thời gian, ý chí của Đảng và dân tộc ta đã đưa chúng ta lên địa vị làm chủ đất nước.

* Thực tiễn cuộc sống và lao động (trí óc và chân tay) sẽ chứng minh năng lực của từng người.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại ưu nhưng khi ra công tác lại là người làm không tốt công việc được giao dù có đúng nghề đi chăng nữa. Mọi người phải tự khẳng định mình trong thực tế phức tạp và khó khăn. Trong nền kinh tế thị trường thì điều đó trở nên rất quan trọng. Các công ty tư bản phương Tây ở Việt Nam khi tuyển nhân viên, bao giờ họ cũng yêu cầu trình độ tiếng Anh rất cao. Bạn có bằng C quốc gia hay chứng nhận Tofel trên 500 điểm thì cũng không bao giờ họ nhận ngay. Tất cả đều qua phỏng vấn trực tiếp. Họ sẽ trực tiếp kiểm tra khả năng hay năng lực vận dụng những gì đã học của bạn vào một số hoàn cảnh cụ thể.

MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:

Lắng nghe trong các cuộc đàm phán

KNghệ thuật lắng nghe là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, nhất là khi bạn ở trong các cuộc đàm phán. Tập trung lắng nghe ngữ điệu của giọng nói và cả ngôn ngữ cơ thể, nó có thể đem lại cho bạn những thông tin quan trọng.

Một số nguyên tắc cần nắm vững
:
1. Vừa lắng nghe vừa biết cách thể hiện sự bất đồng quan điểm, cố gắng để không bị quá kích động, tìm cách diễn đạt một cách nhẹ nhàng, hợp lý và thuyết phục. Hãy tập trung vào kết quả mà bạn muốn đạt được từ cuộc đối thoại.

2. Vừa lắng nghe vừa suy nghĩ để lường trước những phản ứng và suy nghĩ điều bạn sẽ nói sau đó. Lắng nghe một cách cẩn thận để hiểu chính xác những thông tin mà người đối thoại đưa ra để xem xét cách đối đáp lại.

3. Vừa lắng nghe vừa biết cách ngắt lời, đừng cho rằng bạn biết tất cả những gì mà đối phương sẽ nói. Đôi lúc ngắt lời để tạo ra những khoảng trống sẽ giúp rất nhiều thông tin được sáng tỏ.


4. Lắng nghe và cởi mở tấm lòng, không có nghĩa là nói với đối tác toàn bộ chiến lược của bạn, nhưng bạn không được lừa dối. Nếu đối tác hỏi một câu hỏi mà bạn không muốn trả lời ngay vào lúc này, thì hãy nói: “Tôi không muốn trả lời câu hỏi đó vào thời điểm này”. Đây là cách trả lời khôn ngoan và hợp lý nhất và nó không đi ngược lại với những giá trị mà bạn đặt ra trong kinh doanh.

5.
Cuối cùng, nên nhớ rằng bất cứ cuộc đàm phán nào cũng phải kết thúc, mà kết quả có thể là:- Bạn thắng – đối tác thua: có thể đây là kết quả mà bạn muốn, song khi đó các giá trị mà bạn đã đề ra liệu có đảm bảo hay không?
- Bạn thua – đối tác thắng: đó chắc chắn là điều bạn không muốn. Khi bạn tính toán được một cách chính xác, thì điều này không thể xảy ra.
- Bạn thua – đối tác cũng thua: đây càng thực sự là điều không ai muốn.
- Cả hai cùng thắng: có lẽ là cách tốt nhất với cả hai bên. Tức là khi đó, bạn và đối tác đều đạt được mục tiêu của mình và đều hướng đến những giá trị mà cả hai bên cùng đề cao trong kinh doanh.
Nhưng vẫn còn một sự lựa chọn khác, đó là ngừng đàm phán và hoãn vụ mua bán lại. Nếu như có những xung đột trong đàm phán mà không thể đi đến sự thống nhất giữa hai bên, bạn có thể dời cuộc đàm phán đó đến lần sau. Nếu cảm thấy điều gì đó không ổn, hay khó mà cân bằng giữa mục tiêu lợi nhuận và những giá trị được đề cao trong kinh doanh, bạn có thể xem xét và tiến hành đàm phán lại.Nắm vững kỹ năng lắng nghe chính là chiếc chìa khóa để giúp bạn thành công trong các cuộc giao tiếp nói chung và những lần đàm phán nói riêng. Kỹ năng mềm này cần rất nhiều trải nghiệm để tự rút ra bài học cho mình, vậy nên đừng ngại giao tiếp và áp dụng những điều đã biết để đạt được thành công và trở thành một người có tài ngoại giao khéo léo.

Hài hước trong đàm phán

1. Hài hước luôn đặt trong sự nghiêm túc

Sự hài hước là cách tốt nhất đưa mọi người xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận với tính hài hước. Với những người đã hiểu bạn, cách nói bông đùa dễ được chấp nhận. Nhưng bạn nên biết rằng không phải với bất cứ ai, ở bất cứ thời điểm nào, hay trong bất cứ tình huống nào, sự hài hước đều có thể đem ra sử dụng. Xem thêm các bài viết về ky nang mem cũng như khoá học kỹ năng mềm tại đây

Hãy cẩn trọng kẻo câu đùa của bạn có thể trở thành điều xúc phạm đối với người khác. Tốt nhất hãy tránh xa những lời bông đùa nếu người đang nói chuyện với bạn không phải là một người thân thiện.

2. Chú ý tới yếu tố ngữ cảnh và cách thức truyền tải

Ngữ cảnh cho những lần giới thiệu sản phẩm của bạn có thể không phải là nơi thử sự hài hước với chiếc toilet (yếu tố thường gây hài hước nhất), trừ khi bạn đang kinh doanh vật dụng nhà tắm hay đường ống nước.

May mắn thay, sự hài hước không nhất thiết phải có một mẫu số chung nhỏ nhất để trở nên hiệu quả. Nó có thể chỉ cần một sự thông minh. Người nghe ngày càng trở nên khó tính hơn, do đó sự hài hước cũng đòi hỏi phải được thể hiện tinh tế hơn.

Bạn hãy luôn quan tâm tới giọng nói của mình để có sự điều tiết âm vựng phù hợp, lịch sự. Bạn hãy biểu đạt để làm sao cho sự hướng dẫn của mình thật dễ hiểu và ngắn gọn đối với khách hàng, đồng thời thể hiện được sự tận tình của nhà cung cấp dịch vụ. Hãy mỉm cười với khách khi bạn nhìn thấy họ. Một nụ cười và câu nói hài hước thân thiện sẽ như một dấu hiệu xác lập mối quan hệ dễ chịu giữa bạn và khách hàng.

Cho dù vui nhộn hay tinh tế, những câu nói hài hước lý thú sẽ đem lại cho người nghe các trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời, tạo ra sự giao tiếp tiếp thị hiệu quả nhất. Song dù sự hài hước được truyền tải ra sao, bạn đừng quên việc nói với các khách hàng về những gì mà bạn định nói, cũng như những gì mà bạn cho là quan trọng đối với họ. Đây là yếu tố đặc biệt cần thiết.

3. Lựa chọn các mục tiêu của bạn một cách khôn ngoan

Mỗi câu nói đùa đều có một mục tiêu. Trong giao tiếp kinh doanh, bạn hãy xác định mục tiêu cẩn thận trước khi đưa ra một câu nói hài hước. Khi bạn nói, làm sao cách nói của bạn sẽ khiến khách hàng, nhân viên và cổ đông cảm nhận được bạn đang đứng về phía họ, hay cảm thấy họ sẽ có được những gì mình cần, và những người khác kém may mắn hơn họ.

Đó chính là sức mạnh của sự hài hước. Nó tạo ra cảm giác có tính cộng đồng bằng việc phân chia thế giới thành hai mảng: những người biết rõ sự việc và những người không biết gì cả. Việc bổ sung yếu tố hài hước vào trong các giao tiếp có thể hai mảng của thế giới này đến gần với nhau hơn xung quanh ý tưởng đơn giản nhất: đánh giá đúng giá trị cho công ty bạn.

4. Đeo một chiếc đồng hồ, bởi vì thời gian là tất cả

Bất cứ nhà hài kịch ưu tú nào cũng sẽ nói với bạn rằng yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng khi đưa ra những câu nói hài hước. Yếu tố thời gian chuyển hoá vào các giao tiếp của bạn ra sao? Có những cử chỉ ngôn ngữ nào không?

Nó có thể là một câu nói ngắn gọn được đi kèm với các hình ảnh, cử chỉ minh hoạ khiến người nghe hiểu ra nhiều vấn đề. Những chi tiết nói lửng cuối câu có thể dẫn tới những nụ cười sảng khoái nhất và đáng nhớ nhất.

5. Hãy nhớ, tính khúc chiết luôn là linh hồn của sự hài hước

Không phải sự hài hước nào cũng mang lại hiệu quả, đặc biệt là khi nó được sử dụng quá nhiều và dai dẳng. Sự hài hước nên phục vụ cho thông điệp mà bạn cần đưa ra, chứ đừng lạm dụng nó. Càng ngắn gọn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Shakespeare đã từng nói: Sự hài hước càng ngắn gọn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

6. Luôn để mọi người muốn nhiều hơn nữa

Điều quan trọng nhất đối với việc sử dụng sự hài hước trong hài kịch cũng như trong giao tiếp kinh doanh, đó là bạn cần phải biết rõ khi nào là điểm dừng. Việc để người nghe mong muốn nhiều hơn những gì mà bạn đã thể hiện, luôn là một chiến lược tốt hơn nhiều so với việc quá lưu luyến với lời chào mừng của bạn.

Hãy chỉ nói với khách hàng những gì mà họ cần biết để hiểu rõ các thông điệp kinh doanh then chốt mà bạn muốn đưa ra bằng những phương cách gắn kết nhất có thể. Họ sẽ đặt câu hỏi nếu họ muốn biết thêm thông tin.

Nếu bạn thực sự làm mọi người vui vẻ với sự hài hước dí dỏm, họ sẽ là những fan hâm mộ lớn nhất của công ty bạn trong nhiều tuần, nhiều tháng, hay thậm chí nhiều năm tiếp theo.

Rõ ràng sẽ rất cần thiết khi trong hành trang tiếp thị của bạn luôn có sự hài hước để có thể đem ra dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Song hãy biết cách thể hiện nó một cách thật nghiêm túc!



Bí quyết để được sếp tăng lương
Mẹo hay khi thỏa thuận lương
Cách thuyết phục khách hàng để việc kinh doanh luôn suôn sẻ
Thỏa thuận về mức lương và những sai lầm thường gặp
Bí quyết thương lượng thành công
Mức lương mong muốn khi phỏng vấn ứng phó thế nào



(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý