Đôi uyên ương cần tìm hiểu một số tính cách, nết ăn ở của hai gia đình và chia sẻ những hiểu biết này với bố mẹ để buổi chạm ngõ diễn ra suôn sẻ. Chúng ta cùng tham khảo trình tự lễ chạm ngõ nhé!
Lễ vật chính trong lễ chạm ngõ là trầu cau. |
Trong đám cưới truyền thống, trước khi diễn ra lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ phải mang trầu cau tới nhà gái để làm thủ tục chạm ngõ (hay còn gọi là dạm ngõ) để ngỏ lời về mối quan hệ chính thức giữa đôi nam nữ hai nhà. Nghi lễ này xuất hiện ở khắp ba miền của đất nước và đặc biệt được người miền Bắc coi trọng.
* Ý nghĩa buổi lễ:
- Trong buổi chạm ngõ, nhà trai sẽ đến đặt vấn đề chính thức, xin nhà gái cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau.
- Lễ chạm ngõ được coi như buổi gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai nhà và đây cũng là một ứng xử văn hóa, để cha mẹ hai bên tìm hiểu về hoàn cảnh, điều kiện, gia phong của nhau. Từ những hiểu biết, chuyện trò ban đầu này, hai nhà sẽ tiến đến quyết định về hôn nhân của đôi uyên ương.
- Đây là một trong ba nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống. Nếu các gia đình bỏ qua lễ này mà tiến hành luôn lễ ăn hỏi thì mọi người sẽ cảm thấy việc cưới xin bị đường đột, không "có trước có sau".
* Thành phần tham gia:
- Lễ chạm ngõ là buổi lễ nhỏ trong phạm vi gia đình, không cần rườm rà. Thành phần tham dự bao gồm:
+ Nhà trai: Bố mẹ nhà trai, chú rể, người mối lái cho đôi uyên ương (nếu có)
+ Nhà gái: Bố mẹ nhà gái, cô dâu, có thể có thêm người thân ruột thịt trong gia đình tham dự, chứng kiến.
- Những người tham dự diện trang phục lịch sự, trang trọng, không nhất thiết phải mặc vest, áo dài.
* Lễ vật:
- Bởi đây là một buổi gặp gỡ mang ý nghĩ văn hóa nhiều hơn ý nghĩa nghi thức nên nhà trai chỉ cần chuẩn bị trầu, cau, chè có thể thêm hoa quả, bánh kẹo tùy điều kiện. Số lượng mỗi loại lễ vật phải là chẵn, ví dụ hai gói chè, hai chục cau, hai chục lá trầu.
- Khi gia đình nhà gái chấp nhận lễ vật và mang lên bàn thờ thắp hương tổ tiên nghĩa là buổi lễ đã diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Gia đình nhà gái sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị một buổi gặp gỡ chu đáo để đón tiếp nhà trai. |
Sau khi đã hiểu rõ về thủ tục cũng như ý nghĩa của lễ chạm ngõ, hai gia đình nên tự thống nhất thời gian với nhau, không nhất thiết phải đi xem ngày xem giờ. Nên chọn những người cuối tuần, mọi người đều rảnh rỗi, thoải mái.
Cô dâu chú rể cũng cần chuẩn bị tinh thần là người gắn kết gia đình hai nhà. Đôi uyên ương cần tìm hiểu một số tính cách, nết ăn ở của hai gia đình và chia sẻ những hiểu biết này với bố mẹ để buổi lễ diễn ra suôn sẻ. Trong trường hợp hai gia đình vốn có xích mích, phải miễn cưỡng chấp nhận cuộc hôn nhân thì đôi uyên ương nên chủ động tìm một người khéo ăn nói, có uy tín trong gia đình đứng lên chủ trì cuộc gặp gỡ, nhằm hàn gắn những bất đồng trước đây.
Nội dung chính của buổi gặp gỡ này, ngoài việc để hai gia đình làm quen, tìm hiểu nhau, thì cũng là dịp để cả hai nhà bàn bạc chuyện hôn nhân trọng đại của đôi uyên ương. Vì thế trước khi buổi lễ diễn ra, hai gia đình nên đi xem ngày lành tháng tốt, tìm hiểu nghi thức lễ cưới và sẽ thống nhất trong ngày chạm ngõ.
Sau khi buổi lễ kết thúc, nhà gái có thể làm cơm thiết đãi nhà trai, để hai nhà có thêm thời gian chuyện trò. Cô dâu chú rể nên chủ động biến buổi chạm ngõ của hai nhà thành dịp gặp gỡ thân tình, vui vẻ để hai gia đình có mối quan hệ thân tình, gắn bó về sau.
THAM KHẢO THÊM NHỮNG NGHI LỄ QUAN TRỌNG TRONG ĐÁM CƯỚI NGƯỜI VIỆT
3 nghi lễ quan trọng trong đám cưới người Việt
Đồ lễ dạm ngõ, ăn hỏi và đám cưới của người Việt thường có chữ 'Hỷ' đỏ để thể hiện sự hạnh phúc. Ảnh: Kaleidoscope. |
Người Việt Nam thường rất coi trọng lễ cưới hỏi, đặc biệt ở miền Bắc trước đây còn có giai đoạn nếu muốn tổ chức đám cưới phải trải qua 6 nghi lễ (theo tiếng Hán Việt là "lục lễ thành thân"), nhưng hiện nay, đám cưới truyền thống đã được giản lược đi, còn lại 3 nghi lễ quan trọng nhất là dạm ngõ (hay chạm ngõ), ăn hỏi, đón dâu (lễ cưới).
Theo trình tự thời gian, lễ dạm ngõ (chạm ngõ) sẽ diễn ra trước tiên. Đây là nghi lễ đơn giản nhất trong 3 lễ, mang ý nghĩa là buổi gặp gỡ chính thức của hai gia đình. Nhà trai chuẩn bị trầu cau, hoa quả, bánh kẹo và báo trước cho nhà gái để chọn thời điểm thích hợp đưa lễ vật đến nhà gái để thắp hương, chính thức đặt vấn đề cho đôi uyên ương được tìm hiểu nhau trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Điều đặc biệt cần ghi nhớ trong lễ dạm ngõ là các lễ vật đều phải là số chẵn.
Trong thực tế, đa số các bạn trẻ hiện nay đã quen biết và yêu thương nhau trước khi diễn ra lễ dạm ngõ nên lễ này mang yếu tố tinh thần là chủ yếu. Trong lễ dạm ngõ, gia đình hai nhà cũng sẽ bàn bạc về dự định ăn hỏi, lễ cưới.
Số lượng đồ lễ sẽ tùy thuộc vào nhà gái và tùy thuộc vào từng vùng miền. Ảnh: Vanhoaviet. |
Sau khi đã hoàn thành việc dạm ngõ, hai nhà sẽ tiếp tục tiến đến nghi lễ quan trọng thứ hai, đó là lễ ăn hỏi. Nghi lễ này được coi như lễ đính hôn trong phong tục truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ.
Đối với miền Bắc, lễ vật nhà trai cần chuẩn bị số lễ là lẻ, bao gồm 5, 7, 9 hay 11 lễ. Còn ở miền Nam lại ngược lại, nhà trai phải chuẩn bị số lễ chẵn. Ở cả hai miền, nhà gái đều là người quyết định số lượng lễ cũng như các vật phẩm trong lễ vật. Thông thường, lễ ăn hỏi sẽ gồm trầu cau, rượu, thuốc lá, chè, mứt sen, bánh cốm, bánh susê, hoa quả, xôi, lợn.
Tại Hà Nội, các gia đình thường đến Hàng Than để đặt lễ vật ăn hỏi trọn gói, hoặc mua bánh cốm, bánh suse ở hiệu Nguyên Ninh, số 11 Hàng Than, mua mứt sen trần ở hiệu Ninh Hương, số 22 Hàng Điếu, hoặc Phương Soát, 75 Hàng Điếu.
Nhiều nhà trai không đặt lễ trọn gói muốn tự chuẩn bị đồ lễ ăn hỏi. Kaleidoscope. |
Sau khi tự tay sắm sửa các đồ lễ, nhiều gia đình tự tay đóng lễ vật ăn hỏi, sau đó đem ra hàng bán trầu cau trên phố Hàng Than để đóng lại. Việc tự tay chuẩn bị đồ lễ tuy mất công nhưng nhà trai có thể yên tâm về số lượng cũng như chất lượng từng vật phẩm. Điều đặc biệt cần lưu ý trong lễ ăn hỏi là nhà trai phải chuẩn bị 3 phong bì đựng tiền (gọi là lễ đen), một phong bì dành cho nhà nội cô dâu, một phong bì dành cho nhà ngoại cô dâu và phong bì còn lại để thắp hương trên bàn thờ nhà cô dâu. Số tiền tùy thuộc vào nhà gái.
Vào ngày đẹp đã định sẵn, nhà trai gồm các bô lão trong họ, bố mẹ chú rể và chú rể sẽ mang tráp đến nhà gái, các tráp này sẽ được bưng bê bởi những thanh niên chưa vợ, đồng thời nhà gái cũng phải có số lượng các thiếu nữ chưa chồng tương ứng để đỡ tráp. Khi trao tráp xong, nhà trai sẽ lì xì cho đội đỡ tráp nữ và ngược lại, nhà gái sẽ lì xì cho đội bưng tráp nam, số tiền lì xì tùy thuộc vào hai nhà và nên thống nhất trước. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu thường diện áo dài truyền thống, còn chú rể mặc vest.
Thủ tục ăn hỏi thường tiến hành khi các vị quan khách hai bên đã an tọa, đại diện nhà trai sẽ phát biểu trước, giới thiệu các thành phần tham gia đám hỏi và lý do ăn hỏi để làm thủ tục kết đôi cho đôi uyên ương. Để đáp lễ, đại diện nhà gái sẽ phát biểu tương tự, đồng thời thay mặt gia đình chấp thuận đề nghị của nhà trai và nhận lễ vật. Sau đó, hai bố mẹ của hai nhà sẽ thắp hương báo cáo gia tiên nhà gái. Thủ tục cuối cùng là cô dâu và chú rể ra mắt hai họ, rót nước, mời trầu các vị quan khách.
Trong đám cưới hiện nay, các cô dâu và chú rể sẽ trao nhẫn, vật tượng trưng cho sự gắn bó lâu dài, bền vững. Ảnh: Austine. |
Để kết thúc nghi lễ đám cưới truyền thống, hai nhà sẽ tổ chức lễ đón dâu. Trong ngày giờ đẹp đã được chọn sẵn, chú rể sẽ cùng bố mẹ và đoàn nhà trai tới nhà gái trong trang phục nghiêm chỉnh, mang theo xe hoa, hoa cưới để đón cô dâu về nhà chồng. Cô dâu sẽ diện váy cưới và chú rể diện vest lịch lãm.
Đại diện nhà trai sẽ xin phép gia đình cô dâu được thắp hương trên bàn thờ nhà gái để báo cáo và làm thủ tục đón dâu. Khi đó, bố cô dâu sẽ đưa con gái về nhà chồng, mẹ cô dâu phải ở lại nhà gái theo phong tục cổ truyền. Khi về tới nhà chú rể, đôi uyên ương sẽ thắp hương tại nhà trai, sau đó nghi lễ thành hôn được diễn ra, tùy theo gia đình hai nhà mà tổ chức tiệc ngọt hay tiệc mặn ở khách sạn.
Đặc biệt ở một số vùng miền, bố mẹ chồng không đi đón dâu mà để các bậc cha chú trong họ làm người đại diện. Một số vùng khác còn có phong tiệc cưới hai lần, tùy theo tuổi cô dâu mà xin dâu luôn trong đám ăn hỏi rồi đón cô dâu về nhà ngay trong hôm ăn hỏi. Sáng sớm ngày hôm sau, cô dâu sẽ tự mở cửa ra về lại nhà mình, như thế được coi như một lần xuất giá. Tiếp đến, lễ cưới và đón dâu lần hai sẽ diễn ra như bình thường.
Nhiều cặp đôi muốn tổ chức tiệc cưới cùng bạn bè theo phong cách hiện đại. Ảnh: Hallgen. |
Ngày nay, ngoài đám cưới truyền thống, nhiều đôi uyên ương còn chọn một ngày cuối tuần rảnh rỗi để tổ chức tiệc chia vui với bạn bè, mời số lượng hạn chế, trang trí theo phong cách hiện đại. Đây cũng là quan điểm mới mẻ và bữa tiệc trở nên gần gũi, vui vẻ hơn.
Quan niệm kiêng kỵ trong đám cưới
Hầu hết các gia đình người Việt Nam đều coi đám cưới là một sự kiện trọng đại không chỉ dành riêng cho cô dâu, chú rể mà còn là vấn đề quan tâm của cả gia đình. Do đó, mọi người thường cố gắng kiêng dè một số điều với hy vọng cuộc sống vợ chồng sau này sẽ thuận lợi, suôn sẻ. Tùy theo mỗi vùng miền mà những điều kiêng kỵ sẽ khác nhau.
Báo Ngoisao.net đã tổng hợp được một số quan điểm kiêng kỵ trong ngày cưới, nhưng thực hư về độ tin cậy của những điều "có kiêng có lành" này thì không phải ai cũng kiểm chứng chắc chắn được.
1. Xem tuổi:
- Để đến được đám cưới, các đôi uyên ương sẽ phải trải qua "cửa ải" về chuyện hợp tuổi. Không gia đình nào lại không quan tâm xem người bạn đời tương lai của con mình cầm tinh con gì, mang mệnh gì để coi sơ qua bằng cách nhờ "thầy". Chỉ cần cặp đôi nào bị gia đình phán xung khắc, không hợp nhau là tình yêu dễ có nguy cơ tan vỡ. Đôi nào cương quyết lắm mới dám trái lời gia đình nhưng về sau, ấn tượng về chuyện hợp tuổi sẽ khó có thể phai nhạt. Thực tế có không ít cặp uyên ương đã phải "đứt gánh giữa đường" vì lời thầy phán.
- Khi đã quyết định sẽ tiến hành hôn lễ, hai nhà trai, nhà gái sẽ bàn bạc với nhau và quyết định chọn được ngày đẹp để ăn hỏi, đón dâu. Quan niệm cho rằng, nếu hai người làm đám cưới vào ngày đẹp thì cuộc sống sau này sẽ yên ả, thuận lợi.
Nhiều cô dâu stress vì chuẩn bị cho đám cưới. |
2. Ăn hỏi
- Khi nhà trai tiến hành tục ăn hỏi, cô gái không được xuất hiện mà phải ngồi trong phòng đợi, tới khi hai nhà thưa chuyện xong xuôi, chú rể mới được vào đón cô dâu ra để mời nước họ hàng. Những cô dâu ló mặt ra trước sẽ bị coi là vô duyên và thiếu lễ phép.
- Trong đám hỏi ở miền Bắc, nhà gái phải làm lễ xé cau, dùng tay để bẻ những quả cau trong tráp ăn hỏi của nhà trai để cúng ông bà tổ tiên. Đặc biệt, nhà gái không được dùng dao cắt vì có ý kiến cho rằng, cắt cau bằng dao sẽ khiến tình cảm vợ chồng tương lại bị chia cắt.
Ở miền Nam, chú rể sẽ là người xé cau, cô dâu xếp trầu để thắp hương trên bàn thờ, trong quá trình thực hiện, ai là người làm nhanh hơn thì về sau sẽ "nắm quyền" trong nhà.
3. Đón dâu:
- Lúc cô dâu theo chồng về nhà trai, cô dâu phải đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có vẻ quyến luyến gia đình nhà gái. Các cụ lớn tuổi thường cho rằng, những cô con dâu đã đi theo chồng mà còn ngoảnh đầu nhìn lại nhà cha mẹ thì sẽ rất khó dạy bảo và sau này cũng không chăm sóc công việc nhà chồng chu đáo.
- Mẹ cô dâu không được theo đoàn đưa con gái về nhà chồng và mẹ chồng không được đứng ở cửa đón con dâu. Điều kiêng kỵ này được lý giải là để cô dâu không đòi bỏ về nhà theo mẹ đẻ và mẹ chồng nàng dâu không xung khắc sau này.
- Nhiều nhà cho rằng khi sang nhà gái đón dâu phải đi một đường, còn đón được cô dâu rồi thì phải về theo một đường khác để tránh những điều không may sẽ theo về nhà.
- Cô dâu đang mang bầu thì khi về nhà chồng không được danh chính ngôn thuận đi vào từ cửa chính mà phải đi vòng ra cửa sau để vào. Ông bà xưa quan niệm nếu cô dâu có bầu mà đi cửa trước sẽ làm cho nhà trai sau này không ăn nên làm ra.
4. Hôn lễ:
- Có quan niệm cho rằng nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và hai người không được đeo trước khi hôn lễ diễn ra.
- Những người đang mang bầu hoặc đang có tang cũng không được khuyến khích đi dự đám cưới vì có thể mang tới điều không may cho cô dâu chú rể.
Điều kiêng kị trong lễ cưới còn nhiều, tùy theo từng vùng miền, mỗi gia đình mà những điều cần tránh cũng khác nhau.Với những điều phổ thông, được nghiên cứu hoặc mang nét văn hóa truyền thống như chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành thuận lợi thì vẫn nên duy trì. Tuy nhiên với những quan niệm không có căn cứ, mọi người không nên quá tin tưởng mà gây ảnh hưởng tới việc chuẩn bị đám cưới.
Các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu được hạnh phúc cả đời và gia đình yên ấm, suôn sẻ phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của các cặp vợ chồng. Vì vậy, dù có kiêng dè nhiều thứ khi cử hành hôn lễ, nhưng khi sống bên nhau không cảm thông, chia sẻ với nhau thì gia đình cũng khó yên lành.
Chọn áo dài ăn hỏi cho cô dâu thật đẹp, nổi bật
Chuẩn bị trước lễ ăn hỏi
Chọn đội bê tráp cho lễ ăn hỏi
Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Chuẩn bị cho lễ ăn hỏi
(ST)