Cùng tham khảo những hướng dẫn thêu tay truyền thống Việt Nam nhé các bạn. Qua trên 60 năm hành nghề thêu theo tính cách gia truyền truyền khẩu, nay nhận thấy cần đem lại nét nhìn mới giới thiệu về một nghề thủ công Việt Nam: “Nghề thêu tay truyền thống”.
Kỹ thuật thêu tay truyền thống của Việt Nam
I. NGUỒN GỐC NGHỀ THÊU TAY
Ở Việt Nam, các ngành thủ công là những hiện tượng truyền thống văn hóa được phát triển thành nghề phổ biến khắp cả Bắc Trung Nam, đấy là sản phẩm của thành quả lao động thủ công từ thô sơ đến tỉ mỉ tinh vi bằng trình độ cao, gọi tắt do khéo tay. Hình thành sản phẩm nhờ vào trí tuệ óc thẩm mỹ, còn bàn tay dù gọi “bàn tay vàng” chỉ là công cụ của tư duy khám phá kèm theo sự dày công rèn luyện.
Trải qua nhiều thế kỷ, hàng ngũ thợ thủ công đã xuất hiện rất nhiều nghệ nhân bậc thầy mà sản phẩm của họ phải gọi là tác phẩm nghệ thuật, vì nghệ nhân gửi vào đó sự sống của cuộc đời đã giúp họ thể hiện nguồn sáng tạo truyền thống và sự phong phú tài năng. Ngày nay, nhiều sản phẩm thủ công được hiện đại hóa với kiểu dáng mẫu thức với cách tân hòa nhập vào kế thừa truyền thống tất sẽ phát triển theo nhu cầu xã hội và do đời sống con người được nâng cao, tính thẩm mỹ nghề thêu càng ngày càng biến thiên đa dạng thích ứng với trào lưu. Thật ra trong lao động thủ công, sản phẩm thường không giống nhau như đúc dù sản phẩm đó chung cùng một kiểu dáng thì họa tiết mẫu mã mầu sắc đều chuyển biến ít nhiều, khác với công nghiệp tự động hóa và đấy là ưu điểm để khách hàng chọn lựa.
Nói rõ hơn, tác phẩm mỹ nghệ thêu tay cũng giống hội họa hay điêu khắc được thể hiện sự vật với trạng thái mang chất nặng cá tính suy tư của con người.
Thêu tay với những đặc trưng nghề nghiệp không chỉ mang lại nguồn sinh kế nuôi sống bản thân người sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp mà còn là lợi thế của nền kinh tế nước nhà. Trong quá khứ cũng như hiện tại, các làng nghề thêu tay nổi tiếng như, Minh Lãng – Thái Binh, Quất Động - Hà Tây, Xuân Nẻo - Hải Dương, Vân Lâm - Ninh Bình ... và tại các chốn kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội hay phố Phan Đăng Lưu - Huế đã hình thành một đội ngũ đông đảo các nghệ nhân mà số đông là phụ nữ. Thêu thùa ren đan đã trở thành một trong những phẩm chất quý báu của người phụ nữ Việt Nam gắn với những tiêu chí công dung ngôn hạnh.
Nghề thêu tay đã trở thành một phần sinh hoạt của đời sống và là đặc trưng văn hóa dân tộc.
Dân chúng đều biết rõ cội nguồn nghề thêu tay xuất phát từ làng Quất Động (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ), và ngôi đình “Tú Thị” là nơi tập trung những làng thêu khắp các vùng đến nơi đây để trưng bày sản phẩm bán buôn và lẻ cho khách hàng. Đình Tú Thị được xây dựng từ thế kỷ XIX tại trung tâm Thăng Long - Hà Nội và hiện nay (2007) vẫn còn di tích tại thôn Yên Bái xưa, nay là ngõ Hàng Hành của thủ đô Hà Nội - Nơi đây là nhà thờ Tổ nghề thêu toàn quốc, dùng để tôn vinh và hương khói thờ phụng ngài Tiến sĩ Lê Công Hành.
Ngài Lê Công Hành tên thật Trần Quốc Khải, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1606) tại làng Quất Động, đỗ Tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637). Năm 40 tuổi được cử đi sứ qua Trung Quốc và chính trong chuyến đi sứ này Ngài đã học được kỹ thuật tinh xảo của nghề thêu phương Bắc góp phần chấn hưng nghề thêu Đại Việt. Ngài làm quan đến chức Thượng Thư bộ Công và được ban quốc tính họ Lê. Ngài từ trần ngày mồng bốn tháng 6 năm Tân Sửu (1661) hưởng thọ 56 tuổi. Việc tôn vinh công đức của Ngài đối với đất nước về nghề thêu được đời sau khắc ghi thành đôi câu đối hiện vẫn lưu lại trước cửa đền thờ Tú Thị:
Hoa quốc văn chương, Bắc sứ lưu niên truyền vĩ tích.
Giáo dân cẩm tú, Nam thiên trung cổ khởi sùng từ.
Tạm dịch:
Tài trí rạng non sông, sứ bắc năm xưa lưu truyền công vĩ đại
Thuê thùa dạy dân chúng, trời nam ngày nay xây dựng chốn phụng thờ
Cung kính chép lại đôi dòng về thân thế sự nghiệp của tiến sĩ Lê Công Hành vị Tổ Sư nghề thêu tay Việt Nam là để tôn vinh công ơn to lớn của Ngài nhằm nhắc nhở không riêng cho những người đang sinh sống với nghề thêu mà còn để nhân dân cả nước hãnh diện và tri ân Ngài.
Mùa xuân năm qua, nghề thêu tay đã tổ chức lễ kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Ngài tại đền thờ Tú Đình Thị ở thủ đô Hà Nội (1606 - 2006).
II. CÁC NGÀNH TRONG NGHỀ THÊU TAY(ngành trong nghề)
Như đã biết, tại Thừa Thiên Huế có gần 30 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng thêu dưới nhiều hệ nhiều ngành, tạm chia thành 4 theo phân định có từ xa xưa.
- Ngành thứ nhất: Thuộc hàng thêu giao tế, tế tự là những câu đối, liễn trướng, hoành phi, y môn quần bàn, cờ đoàn thể v.v... dùng trong nghi, lễ treo trước bàn thờ tổ tiên, nhà thờ họ, đình chùa miếu vũ hoặc mừng thọ, nhà mới, thăng quan tiến chức và cũng để chia buồn điếu tang, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tâm linh... Về cờ, dành riêng các đoàn thể thanh thiếu niên, phụ nữ và thể thao, văn hóa v.v...
- Ngành thứ hai: Thêu các loại tranh trang trí trưng bày nội thất như tranh thêu danh lam thắng cảnh, tranh thêu các điển tích biểu tượng, tranh thêu chữ, thêu chân dung v.v... Ngành hàng thứ hai này hiện đang đắc dụng và phát triển mạnh, dân chúng thường mua treo hoặc làm quà mừng, các cơ quan công quyền địa phương mua làm tặng vật kỷ niệm, ngoại kiều du lịch và Việt kiều xa quê thuộc hai thành phần quan trọng tiêu thụ. Riêng thêu áo kimono theo cách gia công cho Nhật Bản cũng chiếm một phần công nhân thêu.
- Ngành thứ ba: Thuộc hàng thêu nhật dụng, ngành này chia thành 3 hệ làm ra sản phẩm khác nhau, chuyên xuất bán các nước Âu Mỹ, thường gọi là hàng thêu trắng - là sản phẩm chủ yếu phục vụ đời sống ngoại kiều theo kỹ thuật của Pháp được Việt hóa.
- 1/3. Hệ số 1: Thêu các khăn bàn ăn uống (service de table, service à thé) áo ngủ (robe de chambre), khăn phủ giường (couvre de lit), tranh trần (foud de lit), khăn bàn ngủ (tapis de nuit), màn treo lò sưởi (devant cheminé) v.v... với kỹ thuật thêu khác biệt, bằng cách rút bớt sợi chỉ dệt trong tấm vải trắng và thêu thay vào các họa tiết cũng toàn bằng chỉ trắng và độn nổi.
- 2/3. Hệ số 2: Thêu trên nền vải trắng hoặc bằng vải màu sáng nhạt, được thêu họa tiết bằng chỉ các màu hoặc chỉ một màu có nhiều sắc độ đậm nhạt (ton sur ton) và độn nổi (en relief). Sản phẩm cùng tên gọi của hệ 1/3 trên, nhưng cách thêu đơn giản và ít tốn công so với 1/3.
- 3/3. Hệ số 3: Có tên gọi là hàng thêu ren venise du nhập từ thời Pháp thuộc, sản xuất các sản phẩm nhỏ với tên gọi như: khăn trên và dưới đĩa tách trà (dessus và dessus assiettes), (vase des fleurs) khăn lót dưới lọ hoa, khăn túi (pochettes), áo đan lưới dành cho phụ nữ mặc mùa hè .v.v.... bằng cách dùng que móc (crochet) kết với sợi chỉ đan chéo vào nhau tạo thành sản phẩm.
- Ngành thứ tư: Sản xuất hàng thêu nội phủ phục vụ cho Hoàng gia nhà Nguyễn và quan chức cung đình, như: áo hoàng bào cửu long, áo đại trào cửu phụng dành cho hoàng hậu hay mẹ vua, và các phẩm phục triều đình và nội cung gồm bia hài, tàn tán, cờ phướn, cờ ngũ hành v.v... ngành này hiện không còn sản xuất nhiều và thường làm sai qui tắc.
Trước năm 1945 trong cả nước, nghề thêu tay chia thành từng vùng từng tỉnh sản xuất mặt hàng chuyên môn truyền thống của địa phương với mẫu mã hoàn toàn khác nhau, chí đến kỹ thuật thực hiện riêng biệt và thị trường tiêu thụ phân bổ theo nhu cầu, không đặt nặng sách lược cạnh tranh. Các nguyên phụ liệu cung cấp cho các ngành thêu cũng khác biệt, từ đó phát sinh từng làng từng xã sản xuất nguyên phụ liệu để cung ứng trực tiếp đến từng vùng chuyên của mỗi ngành thêu, vì vậy mới có tên gọi “làng nghề”. Về các công thức chế tác và trình độ nghiệp vụ cao thấp tùy theo ngành hay hệ của mặt hàng.
Với khách mua hàng thêu, cứ ngỡ rằng nếu là thợ thêu tất làm được đủ các loại hàng thêu, trong thực tế không dễ gì chuyển ngành thêu này để làm ra một sản phẩm của một ngành thêu khác. Giả như muốn thực hiện sản phẩm không chuyên tất phải học tập bổ sung nhiều tháng, có khi hàng năm. Trong một bài viết khác, sẽ ghi rõ và nêu tên từng làng, từng xã của thời trước nơi đã từng chuyên sản xuất và phân phối nguyên phụ liệu bán sĩ cho các cơ sở thêu.
Trở lại không gian thu hẹp của Thừa Thiên Huế có trên dưới 30 cửa hàng thêu, thật ra chỉ có độ 3 - 4 cơ sở tự làm ra sản phẩm để bán, đa phần còn lại đều chỉ là những nơi mua sĩ bán lẻ và có một vài thợ thêu tay ngang phụ giúp. Nói rộng, các tỉnh thành khác cũng trong tình trạng mua đi bán lại và lạm dụng danh nghĩa để khoa trương trục lợi.
III. KỸ THUẬT CĂN BẢN CỦA NGHỀ THÊU TAY
Dù Bắc hay Trung Nam, dù cơ sở thêu lớn hoặc nhỏ ở trong thành phố này hay khắp cả nước, thì đặc tính kỹ thuật thêu tay - cung cách thực hiện sản phẩm thêu đều gói gọn trong 7 phương pháp căn bản không riêng cho đất nước ta và hầu như khắp thế giới cũng giống nhau, có khác biệt chăng chỉ là tiểu dị. Trong kĩ thuật thêu tay, người thợ phải thông thạo 7 phương pháp căn bản từ dễ đến khó như sau:
1/7 - Thêu nối đầu: Có ba dạng khác nhau:
- Nối đầu uốn lượn, nối đầu đường thẳng và nối đầu cong vòng. Nguyên tắc cách thêu này là thêu mũi chỉ sau nối vào đầu mũi chỉ trước, cứ như thế lập lại nhiều lần tạo thành từng hàng thêu đầy nét vẽ. Mỗi mũi chỉ thêu dài không quá 5m/m, nếu gặp họa tiết cong hay uốn lượn buộc phải thêu ngắn mũi để đường thêu không bị gãy khúc. Thêu nối đầu dùng cho các chi tiết như thảm cỏ, lá tre, lá trúc hoặc từng mảng thêu lớn hơn.
2/7 - Thêu chăng chặn: Đây là 2 động từ gồm chăng và chặn, dùng chỉ giăng ngang hay dọc một đoạn dài theo qui định sau đó dùng một sợi chỉ khác chặn lên để định vị sợi chăng bằng cách xuống kim ôm sát từng đoạn ngắn không xê dịch, đừng quá chặt làm gãy khúc sợi chỉ giăng. Ngoài cách thêu chăng chặn đường thẳng trên, còn có chăng chặn chéo chữ thập dùng cho mái ngói, nhụy hoa ... chăng chặn cong lúc thêu mây trời sóng nước.
3/7 - Thêu lướt vặn: Còn có tên “thêu thụt lùi”. Cách thêu: Bắt đầu bằng mũi thêu dài chừng 5m/m, mũi thứ hai cắm sát vào nửa mũi thứ nhất và mũi thêu thứ ba cắm tiếp vào đuôi thứ nhất. Cách thêu đơn giản này dùng thêu nhánh cây, sống và cuống lá, nét chữ, các đường viền và họa tiết mây trời ... Thêu lướt vặn có nhiều lối khác nhau: Lướt vặn đường thẳng hay uốn lượn cong, trong trường hợp sau phải thêu mũi chỉ ngắn nhằm bảo đảm đường nét thêu mềm mại tự nhiên.
4/7 - Thêu bó bạt: Cách thêu này giống thêu lướt vặn, tuy nét thêu to và rộng Cách thêu từ phải chếch qua trái, từ trên chúc xuống dưới.
Thêu bó bạt cần phải giữ thật bằng chân chỉ theo nét vẽ, mũi chỉ đều sát và mặt chỉ láng bóng không bị răng cưa, có thể thêu 2 mặt chỉ. Có nhiều kiểu thêu bó bạt như bó bạt cành mềm, thẳng ngang hay bó bạt lượn cong tạo nên những đường viền lớn, những nét nhấn mạnh trong bố cục tranh.
5/7 - Thêu đâm xô: - Còn gọi là thêu trùm, thêu tràn. Cách thêu này có khả năng tạo nền cho các mảng màu lớn, phối hợp màu sắc trong tranh với sắc độ đậm nhạt và những khoảng sáng tối chiều sâu hợp lý. Các canh chỉ - đường thêu sợi chỉ của đâm xô giống như nét bút trong hội họa sơn dầu tô bóng đậm nhạt nổi hình khối canh chỉ phủ kín cùng chiều, mũi chỉ ngắn dài so le chen vào các khe giữa những sợi chỉ thêu trước, tạo thành mảng thêu lớn được chuyển màu và sắc độ đậm nhạt nhuần nhuyễn. Thêu đâm xô là môn thêu chính được thực hiện nhiều nhất trên một tấm tranh, có ít nhất 12 lối thêu đâm xô: thêu xô ngang, xô dọc, xô vát, xô tỏa, xô lượn, xô lượn xoay, xô lượn tỏa, xô tỉa lượn... Người thợ có thể linh hoạt thực hiện từng họa tiết riêng biệt như thêu đâm xô lá cỏ khác với đâm xô lá hồng và khó hơn là cách đâm xô trốn mũi chỉ, đâm xô ẩn mũi ... trong những lối thêu trên thì việc pha màu, chen màu, chồng màu - cách màu ... người thợ thêu chủ động ứng dụng góp phần sáng tạo hoặc thực hiện đúng yêu cầu khách đặt hàng hoặc bản mẫu qui định. Sự kết hợp hài hòa trên một mảng màu bằng nhiều lối đâm xô khác nhau sẽ tạo cho tranh thêu thêm nghệ thuật phản ánh tài năng, tính cách và trình độ tay nghề.
6/7 - Thêu đột: Đây là kỹ thuật phối màu cùng một mũi chỉ, dùng 2 - 3 sợi màu chỉ khác nhau xoắn xe chung thành một sợi để thêu chèn hay đè lên một phần họa tiết đã thêu để điểm xuyết hay bổ sung thêm phần linh động. Thêu đột thường giấu mũi chỉ thật ngắn nhỏ, cách khoảng và giấu phần lớn mũi chỉ vào nền thêu, tạo thành từng hạt nhụy hoa những chi tiết ẩn hiện từ xa của một mũi đất, lùm cây, khóm lau ... Lối thêu này có nhiều dạng như đột ngang, đột dọc, đột tỏa, đột cong lượn, đột cong khum, đột xoay.
Lối thêu đột để tu chỉnh lần cuối, kèm theo thêu lối bắt cầu tiếp cận và phủ kín những khiếm khuyết trong quá trình thêu, dằn lại những múi chỉ bị lỏng lộ nên vải ... Ngoài ra còn có thể thêu vờn và thêu tách để nhấn mạnh một số chi tiết tăng thêm độ sáng tối, gần xa.
7/7 - Thêu sa hạt (thường gọi là thắt gút)
Bằng một sợi chỉ, quấn nhiều vòng trước đầu mũi kim đâm thẳng đứng xuống nền vải và giữ cố định bằng cách lên kim tạo thành những hạt tròn nhỏ, cái khó là phải làm nút chỉ thật gọn tròn và đều nhau mười hạt như một. Dùng kết đính vào nhụy hoa nhỏ của hoa mai đào cúc huệ ... làm nổi bật trên những cánh hoa. Thêu sa hạt thường sử dụng thêu áo kimono của Nhật như trên thân chim, đôi cánh bướm ... có 2 cách sa hạt đơn và kép.
8. Thêu khoán vảy: Khoán vảy chìm và khoán vảy nổi dùng thể hiện lông và vảy của các loài ngư điểu. Trên những họa tiết như thân chim bồ câu, gà ... đã được thêu điểm xô pha màu dài mũi với sắc độ đậm nhạt thì phải khoán vảy chìm, riêng với các loài cá, rồng ... phù hợp bằng khoán vảy nổi.
Trong giáo án dạy thêu, học lý thuyết và thực hành thêu khoán vảy được hướng dẫn chung thêu sa hạt. Hai bài này tương đối dễ học chóng thành công, thời lượng giáo trình ngắn.
Tốt nghiệp 7 phương pháp thêu tay căn bản trên, ban huấn nghiệp chọn lọc một số học sinh giỏi, để hướng dẫn bổ túc về 2 môn thêu sau:
a. Thêu độn nổi
b. Thêu kim tuyến
A. Thêu độn nổi: Những bức tranh thêu chân dung, trướng chữ và áo long bào ... thường có một số họa tiết được thêu nổi (en relief). Ở tranh chân dung cũng như thân và đầu rồng trên long bào được độn nổi gồ cao, các chữ đại tự cũng vậy. Có hai cách độn nổi:
Dùng loại chỉ xấu hoặc vải vụn kết chằm lên nhau nhiều lần làm nổi gồ lên cao thấp tùy theo họa tiết, rồi thêu trùm lên bằng chỉ các màu tương ứng.
Xe xoắn nhiều sợi chỉ thành một sợi có đường kính lớn phù hợp từng đoạn họa tiết, có thể dùng giấy mỏng vê tròn kết chặt tạo thành những đường nổi, nhô cao trên nền vải, thêu đè lên đường sóng.
B. Thêu kim tuyến: Tùy thuộc theo loại kim tuyến có đường kính to nhỏ để thực hiện cách thêu thích ứng.
Nếu kim tuyến lớn sợi, thì cách thêu tương tự như thêu chăng chặn 2/7 ở trên, dùng thêu bao quanh và viền một số họa tiết làm đẹp sáng và che chắn những đoạn thêu không đạt yêu cầu.
Trong vài năm gần đây, tôi nghiên cứu và thực hiện thành công cách dùng sợi kim tuyến - loại cực nhỏ có đường kính kém hơn sợi chỉ tơ để thêu tranh phong cảnh, chân dung tạo thành ánh sáng lấp lánh đa chiều. Với kỹ thuật thêu kim tuyến nhỏ sợi, hiện nay tại Việt Nam hầu như một mình tôi thực hiện được. Phải mất hai năm ròng tạo hình tạo cảnh để ứng dụng cho loại kim tuyến nhỏ sợi và phải nghiền ngẫm phương pháp thêu nhẹ tay để bảo vệ sợi kim tuyến không bị đứt quãng và xơ xước. Đã có một số phóng viên đến lấy tin và thu hình với thái độ trân trọng về sự kiên nhẫn trong tính yêu nghề. Trên các tạp chí Travel Entertainment số 05/11.2006 trang 62 - 63 với tiêu đề “Everlasting Thread - Sợi chỉ, trường sinh”. Báo The Guide - Econimic Times số tháng 11.2005, trang 38: “High density Stitches - Tuyệt kỹ dưới ngón tay”, và trước đây Sunday - Viet Nam News số 4316 - August 24, 2003 trang 4: “Embroidery in the bload for Huế artists” ... đều đánh giá cao về phương pháp sử dụng điêu luyện sợi chỉ kim tuyến.
IV. TÌNH TRẠNG CUNG CẦU TRONG THỰC HIỆN SẢN PHẨM
A. Nguyên liệu và dụng cụ nghề thêu
1. Nguyên liệu
Nguyên liệu của nghề thêu không nhiều, gồm có chỉ và tấm vải là có thể tạo thành một sản phẩm thêu tay truyền thống. Tất nhiên, mỗi một ngành trong nghề thêu sử dụng một số nguyên vật liệu khác nhau không nhiều, tuy vẫn có thể dùng lẫn lộn như ngành thêu thứ nhất và ngành thêu thứ tư cùng sử dụng chung nguyên liệu; ngành thứ hai và hệ số 2 của ngành thêu thứ ba cũng vậy. Riêng ngành thêu tay thứ ba, gồm hệ 1-1/3 và hệ số 3-3/3 đều có nguyên liệu chuyên dùng.
Trong một bài khác sẽ giới thiệu đầy đủ về kỹ thuật thêu và nguyên liệu từng ngành, phương pháp nhuộm chỉ thủ công theo xưa và đối chiếu cách phối màu chỉ thêu hiện nay do các xưởng ngoại quốc sản xuất.
Ngoài kỹ thuật tinh tế thêu kim tuyến nhỏ sợi, Hàng Thêu Đức Thành còn dùng lụa tơ tằm làm nền thêu các loại tranh thuộc ngành 2, bằng chỉ tơ đen trắng gọi là tranh thêu thủy mặc gồm nhiều sắc độ từ nhạt trắng đến đậm đen . Tính chất lụa tơ tằm rất mỏng mịn đàn hồi rất lớn đòi hỏi kỹ thuật cao để khắc phục độ co giãn và chống gây nhăn nhúm sau khi thêu. Hầu như tại Việt Nam chỉ còn một mình tôi sử dụng lụa tơ tằm thêu tranh, các cơ sở thêu khác đều tránh vì khó bảo quản, dễ mốc ẩm và ố nhớp trong quá trình sản xuất. Thật ra, lụa tơ tằm mua về phải xử lý lần thứ 2 “vô trùng” nếu không thì nền lụa sẽ tự hủy - mục rã mũn nát thời hạn tuổi thọ của lụa tơ tằm không quá 20 năm.
Hiện nay tại 82 Phan Đăng Lưu, Huế còn lưu giữ một số tranh thêu thuộc ngành 2 từng triển lãm tại Phòng Thông tin Hoa Kỳ (USIS) Saigòn trước năm 1975.
Ngày trước, lụa tơ tằm được dệt thủ công tại tỉnh Hà Tây và Quảng Nam nay có thêm các xưởng dệt lụa tơ tằm bằng cơ khí tại Lâm Ðồng, Đà Lạt do người Đài Loan - Trung Quốc đầu tư trồng dâu nuôi tằm sản xuất hàng loạt, do dệt bằng động cơ và xử lý cách xe và tẩy quá kỹ nên tấm lụa trông giống tơ nhân tạo, ít độ óng mịn dịu mát tay như dệt thủ công, tôi vẫn mua lụa dệt thủ công thêu tranh mặc dù phải loại bỏ những đoạn lỗi và giá đắt hơn. Hầu như các xưởng hàng thêu khác đều dùng màu đen làm nền tranh thay vì dùng lụa tơ tằm màu ngà dễ pha và hòa màu.
2. Và dụng cụ
Ngoài cây kim thêu với cỡ số 5, 8 và 12 với dụng cụ là bộ khung gỗ dùng căng thẳng tấm vải và con đội kê khung. Trong thời gian khó khăn ngày trước, người thợ thêu dùng thân cây tre thay cho gỗ kiền kiền. Ngoài bộ khung chuyên dùng trên, còn có loại khung gồm 2 hình vòng tròn đồng tâm lồng vào nhau dành cho học sinh phổ thông và phụ nữ nội trợ sử dụng thêu may tại nhà.
B. Vẽ mẫu
Công đoạn đầu tiên để thực hiện một sản phẩm thêu là sáng tác mẫu vẽ theo yêu cầu của khách hoặc cần thay đổi bổ sung mặt hàng mới, hiện tôi đang phác thảo: "Đêm Linh Mụ” và “Sáng Trăng trên Hồ Gươm” là 2 mẫu thêu toàn bằng kim tuyến nhỏ sợi, thay cho mẫu “Huế Trăng” dù đang đắt khách. Thời gian sáng tác mẫu thêu ít nhất 6 tháng, những bản thảo ban đầu được sửa chữa lựa chọn nhiều lần.
Mẫu vẽ được thực hiện với 3 công đoạn, bằng phác thảo + tô màu, chuyển hình qua giấy mỏng để tách rõ nét giới hạn từng mãng thêu trước khi in vào vải người thợ được hướng dẫn cách pha màu, canh chỉ… khi thêu xong, bộ phận kỹ thuật kiểm tra sửa chữa trước khi làm bìa cho vào khung kính.
Thời xưa, một người thợ thêu chuyên nghiệp thường hiểu biết sâu rộng về ngành và nghề, song hiện nay với tinh thần công nghiệp hóa người thợ thêu chỉ biết hạn chế theo ngành chuyên môn, mọi khâu khác có bộ phận phụ trách chung đảm nhiệm - quan sát kỹ ở một số cơ sở hiện nay tại Việt Nam sẽ nhận thấy tính công nghiệp đã lấn át vào thủ công quá nhiều, làm thui chột óc sáng tạo và linh hồn tác phẩm thêu.
Tính đến nay, trong bốn ngành của nghề thêu truyền thống còn đắc dụng dưới nhiều hình thức sản xuất khác nhau, tuy nhiên ngành 2 - thêu tranh ảnh được gây tiếng vang, trong thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch cao nhất.
Nhằm nâng cao giá trị tranh thêu tay truyền thống và ổn định trong việc sản xuất, cần có sự giúp đỡ từ ngoài tạo thành nguồn sóng hồi phục phát triển trở lại vị trí sẵn có từ xưa, đấy cũng là cách phổ biến rộng rãi về nghề thêu qua những khóa đào tạo căn bản để nghề thêu tay đem lại công ăn việc làm lợi ích cho xã hội.
Ở các tỉnh thành trong cả nước, Sở Thương binh - Lao động - xã hội có mở các trường cao đẳng dạy nghề nhưng chuyên phục vụ cho ngành cơ khí và dệt may cung ứng lao động cho các xưởng may, còn các ngành nghề thủ công khác không có chỉ tiêu đào tạo, các nghề thủ công truyền thống ngày càng có ít lao động trẻ. Vấn đề tổ chức một không gian sống cho các làng nghề đang là một trong những vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc và khẩn trương nhằm thực hiện tốt để có thể tạo ra sức sống mới cho sản phẩm thủ công nói chung và nghề thêu tay nói riêng.
C. Thay lời kết
Hiện tượng ngành thêu tay đang trong tình trạng ganh đua cạnh tranh nhưng không ồn ào như các ngành nghề khác, có thể nói nghề thêu tay vẫn chung sống trong bình lặng để cùng cộng tác phát triển theo thị hiếu khách hàng. Phải thừa nhận một thực tế về sản phẩm truyền thống nghề thêu tại Việt Nam và riêng Huế tính cách cạnh tranh còn thấp, thị trường tiêu thụ hạn chế, chưa có những đơn đặt hàng lớn và vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ… chủ yếu do nhiều nguyên nhân chủ lẫn khách quan nêu trên và thông tin thị trường.
Đối với hàng thêu tay truyền thống, từ các làng nghề Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình chí đến thị trường rộng lớn có nhiều du khách với sức mua bán cao là thủ đô Hà Nội và tại thành phố Hồ Chí Minh… tuyệt nhiên không tìm thấy hàng thêu tay Trung Quốc hay Đài Loan hoặc của bất cứ nước nào khác du nhập vào bán tại Việt Nam - Huế. Chúng ta đều phải công nhận là tất cả các sản phẩm của Trung Quốc từ thượng vàng đến hạ cám đều tràn ngập khắp mọi nơi, không từ nan việc tranh chiếm thị trường bằng mọi cách và bằng mọi giá!! Nhắc lại, mặt hàng thêu tay ngoại quốc vẫn vắng bóng trên đất nước Việt Nam, các du lịch người Việt qua trung Quốc hàng ngày hàng giờ mua và nhập về đủ các mặt hàng để dùng hay bán, riêng hàng thêu thì không.
Nhiều chuyến đi Hà Nội và lên tận mấy tỉnh phía bắc giáp ranh Trung Quốc thăm hỏi tìm hiểu các đồng nghiệp, nhưng mọi người đều công nhận hàng thêu tay hay thêu máy của Trung Quốc không tràn vào Việt Nam, không vì hàng rào thuế quan quá nghiêm ngặt. Và cách đây khoảng 2 tháng, tháng 8/2007 ra Hà Nội dự họp chuẩn bị đại hội các làng nghề truyền thống tại Hà Tây trung tuần tháng 11/2007, tôi cùng một số đồng nghiệp thăm thú các cửa khẩu Cao - Bắc - Lạng tìm nhóm cửu vạn chuyên chở hàng lậu trốn thuế từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bọn họ cười to và nói là hãy đi Bắc Kinh - Trung Quốc sẽ mua được nhiều sản phẩm thêu tại chỗ, còn tại Bắc Ninh -Việt Nam chúng ta chỉ toàn hàng thêu của Việt Nam mà thôi!
Với hiện trạng trên, đã thấy rằng hàng thêu tay của Việt Nam có chất lượng không kém nước bạn đôi khi còn tốt hơn và giá bán cũng vậy. Vì thế tranh thêu Trung Quốc không thể có mặt tại thị trường Việt Nam. Và tại Nhật Bản nơi chế tạo sản xuất máy may - máy thêu có chất lưọng tốt nhất nhì thế giới, song vẫn qua Việt Nam thuê thêu gia công áo Kimono để bán, trong khi kỹ thuật thêu tay của họ không kém phần tinh xảo. Nói lên điều đó để biết trình độ về thêu tay của Việt Nam không thua và giá bán, giá gia công còn rẻ nhiều.
Ở Nhật, những năm cuối của thập kỷ 70 - đầu 80 của thế kỷ trước, chính phủ Nhật có chính sách đề ra việc kế thừa những tập quán về sản phẩm thủ công mỹ nghệ vốn có đang bị mất dần, đòi hỏi cấp bách phải có đối sách của Nhà nước về thành lập trung tâm thủ công mỹ nghệ truyền thống đã đề ra “Luật nghề truyền thống” do ông Takayuki, Maraoka soạn thảo. Qua năm 1992 sửa đổi về luật chính sách khôi phục và phát triển với nhiều biện pháp trợ giúp mạnh mẽ.
Trong năm 2006, Chính phủ đã thành lập Hiệp Hội làng nghề, Việt Nam hiện là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang trong thời kỳ xây dựng hoàn thiện quy chế hoạt động.
Tham khảo thêm:
THÊU CROSS STITCH ( THÊU CHỮ THẬP)
1.Thế nào là Cross Stitch ?
Lưu ý: đường chỉ kéo theo hướng / rồi mới \ hoặc là kéo theo hướng \ rồi mới / hoàn toàn theo thói quen của bạn (có một số chart có hướng dẫn cách thêu các hướng đi của chỉ, đường chỉ theo hưỡng dẫn trên chart này với các chart bạn gặp lần khác có thể khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau, bạn đừng ngại, bạn chỉ cần làm theo thói quen của bạn, chỉ cần lưu ý là các mũi chỉ để hoàn thiện một chữ “X” nên theo cùng một hướng hoặc ////// hoặc là \\\\\ thì nhìn tác phẩm của bạn sẽ đều và đẹp hơn.
3.Cách gút chỉ khi bắt đầu và kết thúc
Cách gút chỉ khi bắt đầu, Khi bắt đầu mũi đầu tiên, chúng ta để ý một tý, kéo sợi chỉ phía sau ra một chút, luồn cây kim qua, xong, nếu kỹ hơn thì luồn qua thêm một mũi nữa, nhưng như vậy cũng đủ chắc rồi, sau khi luồn qua thì chị em ta cứ tiếp tục mà làm thôi, không sợ bị tuột chỉ đâu, chắc lắm.
4.Thêu 1/4 và 3/4 stich
THỰC HÀNH
Tương tự như thế khi chart quy định thêu trên aida 16ct hay 18 ct bạn cũng lý giải như vậy có nghĩa là cứ mỗi inch = 2.54cm có 16 ô hoặc 18 ô stitch.
Để xác định mảnh vải bạn đang có là size gì bạn có thể dùng thước kẻ hoặc dùng thước đo aida chuyên dụng.
Cross-stitch, hay còn gọi là x-stitch (France: Point de croix, Germany: Kreuzstich, Greek: διαγώνια βελονιά, Japan: 十字のステッチ, China: 十字绣… ) – tiếng Việt nôm na là Thêu chữ thập.
Cross stitch là thêu trên loại vải thô có các nống đều để các mũi thêu có thể thành hình chữ thập một cách đều đặn.
Có hai loại vải chính: aida (đọc là aida) và evenweave (vải thô). Linen không hẳn là vải thô, vì nống không thẳng mấy nhưng khi dùng để thêu X cũng có kết quả rất tốt. Ngoài ra, còn có các loại vải đuợc chị em trong hội tìm thấy, và tên của loại vải đó thường được đặt tên theo người đã tìm ra. Vd: BC, LG, AK, MR, BBB, HAN, aida Sapa, …
Aida là loại vải “sinh ra để thêu X”, các nống sợi của nó to và tạo thành từng ô vuông
2.Cách thêu chữ thập
Hãy nhìn những bức ảnh minh hoạ sau đây bạn sẽ có một hình dung tối thiểu về cái gọi là thêu chữ thập, mà chúng tôi hay gọi là “cross-stitch”, hay “x-stitch” (đây là các từ các bạn sẽ thấy được nhắc tới rất nhiều lần trong forum này). Đây là hướng dẫn thêu một mũi x-stitch đầu tiên, trên nền vải aida …
Các lỗ trên vải tự tạo thành các điểm để đâm kim qua, rất tiện lợi, rất hiểm hóc. Đâm kim từ góc trái phía dưới của khung thành, à quên, của ô vải nơi bạn định đặt mũi X. Xuống ở góc phải trên. Như thế này:
Sau đó, đâm kim lên ở lỗ số 3, rồi xuống ở 4
Tuy nhiên, đó chỉ là cách thêu một mũi x, trên thực tế, khi thêu một “tác phẩm”, nhất là các tác phẩm “hoành tráng”, Nếu bạn thêu từng mũi x như vậy thì sẽ không nhanh, và bên mặt trái của tác phẩm, các đường chỉ rất rối, nếu may lỡ bạn thêu lộn một vùng nào đó mà phải tháo ra thì sẽ rất phiền phức…
Vì vậy, Bạn có thể thêu từng hàng theo cách sau:
hoặc
Ngoài ra, còn có cách làm theo cột, ít phổ biến hơn, nhưng lại rất hay gặp khi thêu viền của mấy tranh nho nhỏ
Nói chung là khi bắt đầu và kết thúc không nên cột gút lại, mặt vải phía sau nhìn sẽ không gọn, và mấy cái gút ấy nếu gút nhỏ thì lại dễ tuột chỉ lắm, nhất là khi đem giặt, còn gút bự thì mặt vải bị cộm lên, không gọn
Nếu sợi chỉ ban đầu không có được cái vòng như hình trên (ví dụ như thêu cùng lúc một sợi màu này, một sợi màu kia thì không thể có được cái vòng đó) thì bạn có thể làm theo cách này… khi bắt đâu thêu mũi thứ nhất xong, lấy tay giữ đầu sợi chỉ kia dưới mặt vải, cố ý kéo chừa lại một đoạn chỉ dư một đoạn nhỏ ở mặt dưới (khoảng 0.5cm-1cm), sau đó, khi đâm kim xuống, lật mặt trái vải lên, ngón cái của bàn tay ko cầm kim (hihi, vì ko phải ai cũng cầm kim tay phải) giữ chặt đầu chỉ đã để chừa, kéo sang bên trái hoặc bên phải tuỳ theo hướng các mũi chỉ tiếp theo sẽ đi về phía nào, đâm kim lên vào ô bên cạnh vòng chỉ qua phần chỉ tay kia đang giữ, sau đó lại đâm kim xuống để tạo những đoạn || hoặc = đè lên đoạn chỉ dư đó, rất chắc chắn và đẹp nữa!
Còn khi kết thúc, nếu thêu theo từng hàng, ở mặt trái, chúng ta sẽ có các đường chỉ là những đường dọc song song nhau như thế này ||. Còn khi kết thúc nếu thêu theo cột, ở mặt trái chúng ta sẽ có các đường song song như thế này =. Vì vậy khi muốn kết thúc đường chỉ đó, không cần cột gút lại mà chỉ cần luồn cây kim dưới các sợi chỉ || hoặc = này, kéo qua là được, nếu muốn chắc ăn hơn thì sau khi luồn kim qua, ta lại luồn kim lại một lần nữa, bảo đảm ko bao giờ tuột chỉ hết.
Đôi khi, trong mẫu thêu bạn sẽ còn gặp các loại 1/4 stitch, 3/4 stitch (trên chart sẽ có ký hiệu tương tự với hình mà bạn nhìn thấy dưới đây), và cả hai loại đó kết hợp với nhau trong một ô.
Với mũi thêu 1/4 bạn làm như sau: lên kim ở góc 1 ô (ví dụ lên kim ở 1), không như mũi thêu bình thường bạn xuống kim ở góc chéo đối diện với vị trí mà bạn vừa lên kim, bạn đâm kim xuống ngay ở tâm của ô đó (chỉ bằng nửa của một đường chéo ô vuông mà bạn đang thêu, ví dụ như xuống kim ở 2). Vậy là bạn đã có mũi 1/4 như trong hình
Với mũi thêu 3/4 bạn làm như sau: lên kim ở góc 1 ô (ví dụ ở 1), xuống kim ở tâm của ô, lên kim tiếp ở góc khác của ô (ví dụ ở 3), xuống kim tiếp ở góc đối diện của ô (ví dụ ở 4). Vậy là bạn đã có 1 mũi 3/4.
Và đây là cách thêu trên vải thường
5.Thêu back stich
Thêu back stitch, nếu theo tiếng Việt mà nói thì đó chính là các đường viền như là đường viền sau và cách làm của nó:
Và ghi chú thêm một điều nữa là hãy đi back stitch từng ô một để đường chỉ được sát với mặt vải hơn, khi nào gặp trường hợp như thế này thì các bạn có thể băng băng qua 2,3 ô, với các đường cong uốn lượn trên hình nhiều khi bạn phải kéo chỉ tạo thành đường chéo qua 1,2 thậm chí là 3 ô.
6.Thêu mũi lazy daisy và French knot
Đây là mũi lazy daisy, và French knot, đôi khi cũng được kết hợp trong mẫu…. Thường nó sẽ được ghí chú rất rõ ràng trong chart
Khi nào bạn cắm kim xuống mặt vải, bạn nhớ thít chặt chỉ vào kim rồi vừa giữ chỉ vừa kéo kim xuống đến hết chỉ là được
Mẫu thực hành là :
Đầu tiên, hãy coi cái chart của nó nào
Chúng tôi xin giải thích giúp bạn, mỗi một ô màu đỏ trong chart là mình phải thêu một chữ X với chỉ màu 304 Christmas Red Med, ô màu trắng dùng chỉ white
Màu 304 Christmas Red Med là code chỉ của hãng DMC (vì sao bạn biết đó là chỉ của hãng DMC? bạn hãy đọc lại chart một cách chi tiết hơn, bạn sẽ thấy dòng “DMC Floss Colors Key”, cần ghi nhớ là với các chart khác nhau yêu cầu về chỉ là khác nhau….) “Christmas Red Med” là tên gọi của code đó, cái này bạn không cần nhớ, chỉ cần nhớ số 304 để ra cửa hàng chỉ mà nói với bà bán hàng, “cho con một con DMC màu 304″, vậy là xong. Còn màu White của hãng DMC thường có code đề là “Blanco”, vậy thì muõn làm mẫu này thì chỉ cần mua 2 con DMC, một 304, và một Blanco!!! Bạn đã giải quyết xong nhiệm vụ chuẩn bị chỉ ở đây!!!
Cái chart ở trên được gọi là màu, vì các ký hiệu của nó có màu. Còn chart sau đây thì chúng ta có thể in ra mà ngồi thêu, ko cần phải ngó lên màn hình máy tính.
Nếu bạn thêu chưa quen, sợ trái tim bị lệch, không nằm giữa miếng vải thì bạn hãy tìm ô giao điểm của hai mũi tên trong chart để tìm được ô giữa, sau đó hãy bắt đầu thêu từ ô này tại điểm giữa của vải (bạn chỉ cần gấp 4 miếng vải lại là tìm ra thôi)
Và bây giờ bạn có thể bắt đầu tác phẩm đầu tay của riêng mình rồi!!!
Còn một điều nữa (đối với nhưng chart đơn giản như nêu trên thì không cần lưu tâm tới điều này), nhưng đối với các tác phẩm lớn thì để tránh bị đếm lộn ô, hãy đi chỉ lược mười ô một ngoài đường viền của tác phẩm, nếu siêng hơn bạn thì có thể sử dụng bút viết trên aida để vẽ các đường kẻ lên mặt vải, cứ 10 ô kẻ một đường dọc lẫn ngang, tạo thành một lưới trên mặt vải, khi đó thì sẽ giảm được trường hợp thêu lộn, bạn có thể hình dung một cách rất dễ dàng bằng cách nhìn vào chart, nếu để ý bạn sẽ thấy trên chart của các tác phẩm lớn thì người ta cũng hay để cứ 10 ô có một đường đậm hơn để người nhìn dễ phân biệt. Còn bút viết viết này mua ở đâu thì bạn đọc thêm các bài sau sẽ rõ!!!!
Một điểm nữa bạn cần chú ý là có nhiều chart người thiết kế sẽ quy định một cách rõ ràng về chủng loại, quy cách và màu sắc vải mà bạn cần chuẩn bị để thực hiện tác phẩm. Ví dụ bạn thấy trên chart ghi “stitched on Ivory aida 14″ có nghĩa là bạn sẽ phải thực hiện mẫu thêu đó trên vải aida màu Ivory, size 14ct (size 14ct tức là mỗi inch có 14 ô vải, mà 1 inch tương đương 2,54 cm)
(st)