Bước 1: Hoàn tất mẫu đơn xin thị thực DS-160 trực tuyến và in ra đem theo khi đi phỏng vấn
Bước 2: Đóng phí xin thị thực bao gồm 2 khoản phí:
- Biên lai lệ phí xin thị thực không hoàn lại $160 (lệ phí này được tăng từ US$140 lên $160 kể từ ngày 13/4/2012)
- Lệ phí SEVIS (Phụ phí dành cho tất cả sinh viên xin thị thực diện F, J và M) là US$200 đối với sinh viên (F/M) và $180 đối với khách trao đổi (J1). SEVIS (Hệ thống Thông tin Quản lý Sinh viên) I-901 là lệ phí bắt buộc do Quốc hội quy định để hỗ trợ hệ thống tự động nhằm quản lý sinh viên và khách trao đổi để theo dõi tình trạng cư trú hợp pháp tại Mỹ. Mỗi sinh viên hoặc nghiên cứu sinh theo diện khách trao đổi được cấp mẫu đơn I-20 hoặc DS- 2019 đầu tiên vào hoặc sau ngày 1 tháng 9 năm 2004 phải có trách nhiệm đóng lệ phí này trước khi nộp đơn xin thị thực. Các đương đơn nên mang theo biên lai đóng phí SEVIS khi đến phỏng vấn xin thị thực
Bước 3: Chuẩn bị một hình thẻ cỡ 5cm x 5cm (phông/ nền trắng) đã sử dụng cho mẫu đơn DS-160. Bạn hãy nhớ mang theo hình thẻ này khi đi phỏng vấn.
Bước 4: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Bước 5: Sử dụng hộ chiếu còn hiệu lực ít nhất 6 tháng kể từ ngày dự kiến vào Mỹ.
Bước 6: Đăng ký hẹn phỏng vấn qua mạng
Lưu ý: Mỗi người chỉ được đặt một cuộc hẹn cho mỗi lần phỏng vấn. Nếu đặt nhiều hơn một cuộc hẹn thì tất cả các cuộc hẹn phỏng vấn của người đó sẽ bị huỷ trên hệ thống.
Bước 7: Đến Lãnh sự quán tham dự phỏng vấn
Lưu ý:
- Bạn nên đến Lãnh Sự Quán không sớm hơn 20 phút so với giờ hẹn phỏng vấn.
- Nếu được cấp thị thực, bạn sẽ được nhận lại hộ chiếu cùng thị thực thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh EMS trong vòng 3 ngày làm việc. Lệ phí chuyển phát nhanh là 30,000 VND hoặc 50,000 VND tuỳ thuộc vào địa điểm chuyển phát.
- Đương đơn xin thị thực không di dân phải trực tiếp mang các giấy tờ cần thiết đến cuộc phỏng vấn. Những giấy tờ được gửi tới Lãnh Sự Quán mà không có sự hiện diện của đương đơn sẽ không được xem xét và người gửi sẽ không nhận được thư xác nhận.
Visa của Trần Công Hậu nhận Học bổng Trao đổi Văn hóa thông qua IDC Vietnam
Các loại giấy tờ cần chuẩn bị:
- Hộ chiếu đã ký ở trang 3 và tháo hết vỏ bọc thêm bên ngoài bằng da, nylông, v.v… (không tháo vỏ bìa xanh của hộ chiếu). Hộ chiếu phải còn hiệu lực ít nhất 6 tháng tính từ ngày dự kiến kết thúc chuyến đi đến Mỹ. Trẻ em phải có hộ chiếu riêng kể cả khi đi cùng với bố mẹ.
- Tất cả các hộ chiếu cũ. Đặc biệt, nếu visa trước nằm trong hộ chiếu cũ, bạn phải nộp cả hộ chiếu cũ.
- Tờ xác nhận của đơn DS-160, có mã vạch. Đơn này được điền trực tiếp trên mạng. (Bạn không cần phải in toàn bộ hồ sơ mà chỉ cần in tờ xác nhận và nên in tờ xác nhận bằng máy in laser đen trắng để đảm bảo mã vạch hoạt động tốt).
- Biên nhận phí xin thị thực và lệ phí Sevis I-901
- Giấy xác nhận lịch hẹn phỏng vấn.
- 1 tấm hình nền trắng 5cm x 5cm.
- Bảng điểm và bằng cấp của đương đơn có được trong quá trình học trước đây.
- Bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn hóa quốc tế theo yêu cầu của trường học như: Toefl, SAT, …
- Các giấy tờ chứng minh về khả năng tài chính của đương đơn và người bảo trợ cho đương đơn có đủ khả năng bảo trợ tài chính cho đương đơn trong suốt quá trình học tập tại Mỹ.
- Nếu chồng/vợ và/hoặc con cái của sinh viên muốn xin thị thực đi cùng, những đối tượng này phải nộp thêm Giấy đăng ký kết hôn và/hoặc Giấy khai sinh để chứng minh mối quan hệ của họ với sinh viên này.
Đương đơn xin visa sinh viên (F, M) cần nộp thêm:
- Mẫu I-20 hoặc DS-2019. Nếu đương đơn xin visa sinh viên (F1) chưa đủ 18 tuổi, bố/mẹ hoặc người bảo trợ phải cùng ký vào mẫu I-20.
- Mẫu I-20 phải được viên chức nhà trường ký xác nhận trong vòng 12 tháng.
MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:
KINH NGHIỆM LỰA CHỌN DU HỌC MỸ
Khái quát về bộ hồ sơ đại học
Đầu tiên, có thể làm một phép so sánh khái quát giữa thi đại học ở Việt Nam và nộp hồ sơ đại học Mỹ:
Một bộ hồ sơ gồm có:
Học bạ (Transcript), Điểm trung bình môn (GPA), xếp hạng trong lớp (Class rank)
Các trường nhìn vào transcript để biết về mức độ khó của chương trình học cấp 3. Họ thích những học sinh thử thách bản thân mình với các lớp nâng cao (AP nếu bạn ở Mỹ, IB nếu bạn học trường quốc tế, A-level nếu bạn ở Anh) dù có một số điểm B (8.0 – 9.0) hơn là những bạn toàn chọn các lớp dễ và đạt điểm A (9.0 – 10.0).
Thế còn ở Việt Nam các lớp (trừ các trường chuyên) đều giống nhau thì sao? Admission officers hoàn toàn hiểu điều này. Do đó, họ sẽ chỉ quan tâm tới điểm số của bạn và sự tiến bộ của bạn sau mỗi năm.
Về GPA, sau 2 năm học cấp 3 tại Mỹ, việc đạt được 90 – 100 (điểm A) bên Mỹ dễ hơn việc được 9 phẩy trung bình môn tại Việt Nam rất nhiều. Một học sinh giỏi của Việt Nam cũng khó có thể đạt được 11 môn hơn 9 phẩy để có điểm trung bình hoàn hảo. Vì việc đánh giá học bạ, các trường đại học hiểu được sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục Việt Nam và Mỹ. Lý tưởng nhất là các bạn nên cố gắng đạt điểm phẩy trung bình các môn ít nhất là 8.5. Sự thật là cuộc chạy đua vào các trường Mỹ của các bạn Việt Nam ngày cạnh tranh “khốc liệt” hơn, nên càng cố gắng và nỗ lực, cơ hội của bạn sẽ càng cao.
Điểm số các kỳ thi chuẩn hóa: SAT, SAT subject tests (Chỉ bắt buộc với một số trường) và Toefl
Như đã đề cập ở trên, việc đăng ký đại học Mỹ nên bắt đầu sớm vì bạn phải trải qua khá nhiều kỳ thi. Toefl (Test of English for foreign learners) là kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh cho học sinh quốc tế gồm 4 phần: Nghe, Nói, Đọc, Viết. SAT (là kỳ thi về kỹ năng đọc, viết và Toán dành cho bất cứ ai muốn học đại học tại Mỹ.
Thư giới thiệu (Recommendation letters):
Thông thường các trường yêu cầu 2 lá thư từ giáo viên của 2 bộ môn khác nhau. Ở Việt Nam việc này hơi bất lợi vì không phải giáo viên nào cũng viết được tiếng Anh. Học sinh Việt Nam mình thường tự viết và nhờ giáo viên ký. Các trường đại học muốn biết về con người thực sự của bạn.
Hãy tưởng tượng bạn là giáo viên Toán có một học sinh ham mê với những con số, luôn tìm tòi những cách giải khác nhau cho những bài toán. Hay giáo viên Hóa có một học sinh luôn bảo rằng: “Hóa học khó quá!” nhưng luôn cố gắng làm đầy đủ bài tập, tích cực trong các tiết thí nghiệm và đến cuối năm, học sinh đó vươn lên đạt 9 phẩy trung bình môn. Hay giáo viên Văn thích thú đọc những bài viết sáng tạo, chân thành của “cây văn”… Hãy viết chi tiết và chân thật để khi tự đọc lại lá thư, bạn nhận thấy rằng đó chính là mình.
Hoạt động ngoại khóa (Curriculum Activities):
Bao gồm tất cả những hoạt động bạn từng tham gia, từ gia sư cho em bạn, tham gia Đoàn, Đội, văn nghệ,.. từ năm lớp 9 đến lớp 12.
Bài luận (Essays):
Đây là phần thú vị nhất trong quá trình làm hồ sơ. Bạn có cơ hội thể hiện bản thân mình, không phải qua những con số khô khan, danh sách những hoạt động ngoại khoái, mà bằng chính tiếng nói của mình. Có thể bạn và bạn học cùng lớp đều đạt 9.0 trung bình môn, đều được 100 điểm Toefl và 2050 điểm SAT. Làm thể nào để các trường đại học thấy sự khác biệt giữa 2 bạn?
Tất cả những yếu tố trên đều góp phần quan trọng giúp các trường đại học hình dung ra một bức tranh toàn diện của bạn. Một quá trình dài khá mệt mỏi và khó khăn nhưng cũng rất thú vị. Vì đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để bạn tự tìm câu trả lời cho câu hỏi:“Mình là ai và mình muốn làm gì trong những năm tới?”.
Kinh nghiệm học thi ở Mỹ
Giáo dục ở Mỹ đòi hỏi cao, tuy khó nhưng không phải là không đạt được thành công. Muốn có được một tấm bằng bạn phải có trong tâm hai chữ kiên trì và siêng năng.
Tùy mỗi ngành nghề và cách học của mỗi người, tuy nhiên tôi có một vài kinh nghiệm trong việc học ở Mỹ mà những năm ngồi ghế giảng đường ở Mỹ tôi đúc kết được. Xin được chia sẻ và cũng mong nhận được những chìa khóa khác ở các bạn là sinh viên đang học ở Mỹ như tôi.
Giáo dục ở Mỹ đòi hỏi cao, tuy khó nhưng không phải là không đạt được thành công. Muốn có được một tấm bằng bạn phải có trong tâm hai chữ kiên trì và siêng năng. Mà muốn có được hai đức tính này thì bạn phải có một động lực thúc đẩy mạnh mẽ là học vì tương lai của mình, học vì sợ đói nghèo (nếu như bạn nghĩ là học được thì học, không học vô cũng đâu có sao vì bố mẹ là đại gia, tiền bạc và danh tiếng có thừa sẽ bao bọc được bạn thì tôi miễn bàn với những trường hợp này). Bạn phải có sự quyết tâm cao độ để “chiến đấu” thì bạn mới chống chèo được.
Ở những năm đầu bạn sẽ vất vả về khả năng nghe của mình. Sinh viên Việt Nam chúng ta đa số viết khá nhưng nói và nghe không khá lắm. Cũng dễ hiểu vì bạn đang ở Mỹ sẽ nghe nhiều từ chuyên ngành, kiểu cách nói khác nhau, giáo viên người thì nói nhanh, rõ, người thì nói nhỏ, và sinh viên Mỹ thì nói nhanh lướt chữ dùng nhiều từ lóng nên bạn sẽ vất vả đấy. Khi đó quyển sách là người bạn vô cùng thân thiết, tôi thường đọc bài trước nắm được ý chính, vào lớp nghe giáo viên họ giảng chú ý cách phát âm những từ chuyên ngành, dùng từ của họ, do có đọc bài trước nên bạn sẽ có được vốn từ mới trong bài và sẽ hiểu được những ý phát triển mà giáo viên họ giảng. Nếu như vì một lý do nào đó bạn không đọc trước bài kịp thì ngồi nghe như “vịt nghe sấm” vậy, hoặc hiểu rất ít, thì bạn có thể dùng máy ghi âm ghi lại lời giáo viên nói (trường học họ cho phép). Tôi xin mở ngoặc nói riêng về khả năng sinh ngữ, một thời gian sau, bạn nghe quen, đến một lúc nào đó tỷ lệ phần trăm bạn nghe hiểu nhiều khi giáo viên nói là chuyện bình thường, nhưng khi bạn nghe hiểu hết được sinh viên Mỹ nói chuyện thì trình độ tiếng Anh của bạn lúc đó rất rất khá. Yên tâm đó là vấn đề thời gian sẽ luyện cái tai của bạn.
Sau khi tôi đọc xong bài thì tôi tự ngồi viết lại tất cả những kiến thức quan trọng mà tôi hiểu (take note). Và làm bài tập, thường thì giáo viên cho làm bài số chẵn (hoặc số lẽ) tôi thì làm tất cả, đôi khi chừa lại vài bài để đến gần ngày có exam thì làm để nhớ kiến thức. Khi làm xong bài tập tôi “nhìn lại” tất cả mọi kiến thức trong bài (điều này rất quan trọng), tự bản thân đặt ra những câu hỏi đại khái như là ý này nó sẽ móc xích với ý kia như thế nào, rồi tôi so sánh tất cả các quan điểm trong bài nêu ra, rút ra một cái móc xích ý chính. Vì kinh nghiệm cho tôi biết là nếu không “tổng duyệt” lại kiến thức thì khi làm test sự suy luận sẽ không chính xác. Những câu hỏi trong test hay đưa ra những quan điểm ngược với những cái mình học, rồi hay có sự so sánh, bắt chéo nhau của những kiến thức. Do đó nếu mình nắm vững được “cái sườn” của quan điểm thì khi bị hỏi “lắt léo” (cheating) tôi vẫn nhanh nhạy mà phán đoán đưa ra câu trả lời chính xác.
Và tôi đi kiếm những đề bài ôn tập mà giáo viên họ cho để sinh viên làm thử (nói nôm na là những đề thi thử). Bạn có thể lên internet đánh chủ đề (topic) kèm theo chữ exam hoặc test thì có vô số đề cho bạn luyện tập. Nó cũng lắt léo nhiều suy luận vô cùng, mức độ khó không thua kém gì đề bài giáo viên họ sẽ cho bạn. Các quyển sách học đều có in tên webside bạn vào đó họ có tóm tắt bài, các đề bài luyện tập... tha hồ mà bạn làm, rồi họ chấm điểm và sữa bài cho bạn, giảng giải cho bạn hiểu những câu bạn làm sai ngay tức khắc, rất là tiện lợi. Hoặc bạn vào những phòng Tutor (nơi dạy kèm sinh viên), họ có để những bài luyện tập (test mẫu) và có đáp án. Quan trọng là bạn có thời gian và siêng năng hay không mà thôi. Kinh nghiệm tôi thấy là làm những bài test mẫu này rất bổ ích cho tôi, nó tập tôi suy luận, và kiểm tra tổng thể mình hiểu bài được bao nhiêu phần trăm, không hiều rõ phần nào thì xem lại. Khi bạn làm quen và nhuần nhuyễn với các luyện tập test thì tốc độ phân tích của bạn cũng tăng và bạn có thể đuổi kịp cái giới hạn thời gian làm bài.
Bên cạnh đó nếu như bạn không hiểu bài bạn có thề nhờ tutor (người có khả năng dạy kèm) giúp bạn, không có tốn tiền và tất nhiên bạn có thể hỏi giáo viên. Đối với tôi mỗi buổi sáng sớm hoặc cuối giờ trưa, tôi thường ôm tập vở vào phòng giáo viên bộ môn hỏi bài là chuyện rất bình thường. Bạn đừng ngại ngùng về tiếng Anh của mình hoặc cũng đừng sĩ diện và mắc cỡ, phải mạnh dạn, vì giáo viên Mỹ họ rất là tốt, giúp bạn hết lòng, họ rất thích bạn hỏi, họ sẽ chăm chú nghe bạn nói cho dù tiếng Anh bạn không tốt, họ hiểu tất cả, vì họ quen rồi, họ đoán được ý bạn hỏi, và giáo viên họ sẽ dùng những từ ngữ vô cùng đơn giản, dễ hiểu để nói với bạn, hoặc viết ra, diễn tả ra cho đến khi nào bạn hiểu rõ được vấn đề thì mới thôi (nếu để ý bạn sẽ thấy nói chuyện với riêng bạn giáo viên họ dùng từ ngữ khác với họ nói với sinh viên Mỹ). Giáo viên không có chuyện xem đồng hồ thấy hết giờ làm việc là ngưng tiếp bạn (ngoại trừ những giờ họ có lớp), họ sẵn sàng phục vụ bạn như một thượng khách vậy, lúc nào cũng nở nụ cười với bạn, luôn mong bạn hiểu bài và pass lớp.
Khi học một lớp mới bạn nên ngồi kế hoặc kết thân với một sinh viên Mỹ, thường thì người lớn tuổi họ hoà đồng hiểu bạn nhiều hơn những sinh viên vừa xong trung học. Vì chơí với họ bạn có lợi nhiều thứ, tiếng Anh bạn khá lên, nhiều khi giáo viên viết tắt hoặc giảng nhanh quá bạn ghi không kịp bạn có thể xem hoặc hỏi người bên cạnh. Nhiều sinh viên Mỹ họ giúp bạn tất cả, ngoại trừ bạn không được copy bài test của họ mà thôi. Nhiều sinh viên Việt Nam học theo nhóm với nhau, giúp nhau hiểu bài và thảo luận cũng rất tốt (nhưng nhớ là theo hướng tích cực nhé).
Khi làm bài test, exam bạn cố gắng đừng căng thẳng, nếu gặp nhiều câu khó chớ có mất bình tĩnh, và luôn nghĩa rằng tất cả có trong sách, không bao giờ giáo viên họ bắt bí mình cả, ráng phân tích, nhớ kiến thức và làm bài. Nếu bạn gặp trong một đề bài có những câu dạng điền từ vào chỗ trống (nếu họ cho vài từ để chọn thì dễ), nhưng sẽ có nhiều giáo viên không cho từ nào bạn phải suy nghĩ từ mà điền vào thì lúc đó chớ mất tinh thần, cố gắng suy nghĩ tìm từ điền vào, nếu cảm thấy quá sức thì đừng tập trung vào nó mà tập trung vào làm những phần khác cho thật đúng để gỡ điểm. Nói thật cái dạng điền từ vào chỗ trống đến giờ vẫn là “kẻ thù muôn kiếp” của tôi và nhiều bạn sinh viên cũng e ngại nó lắm. Cho nên ai nói là học ở Mỹ là dễ? Đủ thứ biến hoá của đề bài test, bạn sẽ “tơi tả” không thể nào tưởng tượng nổi, nhưng phải cố lên mà thôi.
Thường thì một giờ học trên lớp thì đi kèm với 3 giờ học ở nhà, vì phải đọc sách rồi làm bài tập rất nhiều, có khi phải nghiên cứu đề tài, tìm tư liệu, mà một khóa học lấy 3 lớp, nên thời gian đôi khi không đủ để mà học.Mà sách giáo khoa thì thay đổi cải cách liên tục. Một quyển sách lâu lắm là hai năm thay đổi, nhưng đại đa số giáo trình 6 tháng là thay đổi rồi, vì người Mỹ luôn cập nhập những cái mới và cải tiến. Cho nên bạn sẽ tiếp cận những kiến thức mới liên tục đến “chóng mặt”.
Khoảng 3 tuần đầu của khóa học, do chưa quen cách dạy của giáo viên, cũng như đọc sách có nhiều từ mới chuyên ngành của một kiến thức mới nên đọc sẽ chậm, vì vậy mà điểm số đầu khóa của bạn thường thấp, nhưng bạn đừng nản lòng, đến tuần thứ 5 trở đi là thời gian chạy nước rút để gỡ điểm (vì lúc này đã quen với cách học). Và nếu mà môn nào bạn không được điểm cao thì cũng chớ có mất ý chí, vì “không phải ngày nào cũng có nắng đẹp cả”, một hai môn hoặc vài cái test bị điểm C hay D có khi là F không đủ sức “phá sản” việc học của bạn. Hãy luôn tự nhủ là sẽ học tốt những môn còn lại để kéo điểm qua.
Tôi học chung với nhiều du học sinh Việt Nam. Khi mới sang các bạn cũng hay tự đề cao mình là học sinh giỏi, xuất sắc (tuổi trẻ 8x, 9x mà) và các bạn có nhiều hoài bão, lý tưởng rất cao (tất nhiên là rất tốt), nhưng khi “chạm tay” vào các test, exam thì “bật ngửa”, bạn nào có nhiều kỳ vọng thì thất vọng cũng không ít. Và cũng có bạn tự mãn nguyện ,”hoan hỉ” là mình học giỏi hơn Mỹ. Trường cao đẳng cộng đồng là đủ mọi thành phần sinh viên lớn tuổi có, lười học có, trung bình... Nếu bạn so sánh mình với những sinh viên Mỹ lười học thì tất nhiên bạn hơn họ rồi. Nhưng khi vào đại học, ở vạch xuất phát toàn là “ngưạ chiến” cả thì trên đường đua những bạn nào sớm tự mãn là người “ngã ngựa” đầu tiên, các du học sinh ở lâu đều biết chuyện này. Cũng có những bạn là giỏi thuộc loại “vàng thiệt” đấy, các bạn cũng có những ngày thức đến qua nữa đêm để làm bài, hoặc là những đêm bạn trằn trọc ngủ không yên vì chợt phát hiện cái đề bài lúc sáng nó “đánh lừa mình về câu chữ” mà mình sẽ bị mất điểm, hoặc “tức mình muốn điên lên” vì mình biết làm mà không đủ giờ làm bài, và có những bữa cơm ăn không ngon vì lo lắng sắp có test.
Bên cạnh đó tôi chỉ muốn đưa ra cái nhìn của mình về nền giáo dục của Mỹ là một ngọn núi cao không có đỉnh, sự học là vô hạng. Đôi lúc bạn sẽ gặp những cái exam quá sức của bạn, vì giáo dục Mỹ muốn cho bạn khám phá và phát triển khả năng của bạn hết mức mà bạn có. Tất nhiên cũng có những quy định đòi hỏi khả năng của bạn đến đâu thì sẽ đạt tiêu chuẩn họ cấp bằng cho bạn. Tôi ví von rằng nếu bạn trèo lên ngọn núi đó được 200 mét thì bạn được bằng một năm, trèo được 600 mét thì tốt nghiệp đại học. Cho nên tôi muốn nh���n nhủ với các bạn du học sinh một điều là các bạn phải biết “lượng sức mình”. Nếu bạn học nửa đường mà thấy quá sức thì nên chuyển sang học chương trình lấy bằng hai năm (A A), nếu mà sức học đuối quá thì lấy bằng một năm, chẳng sao cả vì chẳng ai cười chê mình hết. Đâu phải chỉ có vào đại học là con đường thành công duy nhất đâu.
Nên nhớ rằng trong chương trình transfer có 80% lớp học của chương trình lấy bằng 1 và 2 năm, bạn học thêm vài lớp nữa của chương trình 2 năm là bạn có bằng rồi. Vì tôi thấy rất nhiều bạn du học sinh học không nổi, họ biết chắc là sức học của mình không đủ diểm để transfer nhưng cứ phải lao theo, vì sức ép của phụ huynh ở Việt Nam, là khi đi du học là phải lấy được bằng đại học. Tội nghiệp lắm các bạn ơi! Những du học sinh này vì sức ép, vì “sĩ diện” mà họ cứ “thường trú” ở các trường cao đẳng cộng đồng, học điểm thấp bị tiểu bang này không cho học, nhưng vì vẫn còn thời hạn visa nên đi qua tiểu bang khác học lại, rồi lên cao lên không nổi rồi lại đi tiểu bang khác. Cho nên có nhiều bạn ở Mỹ 4 năm mà vẫn “lang thang” ở cao đẳng cộng đồng và cuối cùng về nước. Hoặc có những bạn học ngành này thấy khó quá, vào chuyên ngành là bị “bật ra” liền thay đổi ngành khác, nhưng ngành nào cũng vậy, cũng có cái khó riêng của nó, và các bạn lại “lang thang” tiếp. Vì vậy các phu huynh khi thấy con mình học ở cao đẳng cộng đồng 3 năm rồi mà không thấy được vào trường đại học, hoặc cứ di chuyển chỗ ở liên tục thì phải xem điểm số con mình có vấn đề.
Tóm lại khi bạn có tấm bằng trong tay bạn sẽ thấy rất tự hào là bạn đã “chiến thắng được bản thân mình”, bằng 1-2-4 năm đó là niềm tự hào của bạn. Còn những bạn mê chơi hơn mê học, những “cậu ấm cô chiêu” hoặc “những kẻ gian lận” thì hãy suy nghĩ lại xin đừng đánh mất giá trị tuổi trẻ của mình.
Cuối cùng tôi xin chia sẻ một câu chuyện ngắn: trong một buổi chúng tôi nói chuyện với một vài người Mỹ, một sinh viên Việt Nam nói là người Việt Nam rất thông minh và giỏi, một người Mỹ liền nói lại là “Bạn nói người Việt Nam thông minh, vậy người Việt Nam có những phát minh gì giúp ít cho nhân loại chưa? Nước bạn có chế được xe hơi, máy bay, về công nghệ thông tin bạn có sáng chế được những thành tựu nào?” Tôi nghe họ nói vậy cũng thấy “chạm tự ái dân tộc lắm”. Bạn sinh viên Mỹ ấy không có ý đả kích Việt Nam vì bạn ấy nói tiếp “Tôi biết các bạn rất chăm chỉ, cần cù, sinh viên Việt Nam nhiều bạn cũng thông minh, tiếc rằng các bạn không được trao dồi phát huy hết khả năng của các bạn. Tôi hy vọng rằng những gì các bạn học được ở Mỹ sẽ giúp các bạn phát triển đất nước các bạn hơn” .
Các bạn thấy đó người nước ngoài họ chỉ nhìn thực tế vào sự phát triển đất nước Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đào tạo con người giỏi mà giỏi ở mức độ nào? Còn giáo dục Mỹ họ đào tạo nhân tài phải giỏi ở mức độ nào? Hai cái mức (level) giỏi này chất lượng có ngang nhau không? Tôi cũng không dám chối bỏ những công ơn mà các thấy cô đã dạy tôi ở Việt Nam. Tôi biết cũng có nhiều giáo viên có nhiều tâm huyết với nghề, nhưng họ lại bị vướng vào cơ chế... Và cái gì mình sai thì mình phải sửa, cái gì mình không biết thì mình phải học, học cái hay cái giỏi của người khác để phát triển hoàn thiện cho mình.
Bạn nghĩ là làm giáo sư dạy đại học ở Mỹ sẽ sung sướng lắm sao? Họ cũng chiến đấu với kiến thức gian nan lắm, một năm phải thuyết trình 3 lần trước hội đồng khoa về 3 cái đề tài mới họ nghiên cứu, nếu không thuyết phục được hội đồng khoa họ sẽ tạm nghỉ việc. Vì kiến thức của sinh viên cũng rất to lớn, có những lúc sinh viên trình bày quan điểm giáo sư cũng không có câu trả lời, và giáo sư phải nghiên cứu. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi ở đại học nhiều vị giáo sư nói là “khi nào tôi học được gì ở người sinh viên thì tôi mới cho họ điểm A”. Ngồi ở cao đẳng cộng đồng bạn có thể lấy A dễ nhưng khi lên đại học thì giáo sư họ cho điểm chặt lắm, đòi hỏi bạn cao hơn.
Còn lớp người sống ở Mỹ sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường học, không phải sự nghiệp “học” của họ là chấm hết, ngược lại còn căng thẳng hơn, những kỹ sư, bác sĩ... phải luôn học hỏi nghiên cứu với những kỹ thuật mới (technology), những căn bệnh lạ… vì nếu họ không đáp ứng được những nhu cầu xã hội thì họ cũng sẽ bị đào thải. Như tôi đây tháng 3/2011 sẽ ra trường, trong vòng một năm mà không kiếm được việc làm thì cái bằng đại học xem như bỏ, vì xã hội Mỹ họ lập luận rằng “văn ôn võ luyện” bạn không tiếp xúc, không làm nghề một năm thì kiến thức của bạn bị mai một rồi, bạn quên nghề rồi. Và tôi phải kiếm đường học lên tiếp để cái bằng của mình có giá trị về mặt nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng đi học hoài thì lấy tiền đâu mà sinh sống. Bạn thấy không từng nhân tố nhỏ nhất sống ở Mỹ đều phải vận động không ngừng.
Những gì các bạn du học sinh trải qua trong học tập tôi cũng từng trải qua. Tôi không hề có ác cảm với các du học sinh Việt Nam. Tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn đi sau không bị “sập hầm, sập hố” và lường trước được những khó khăn các bạn sẽ gặp phải và các bạn có tinh thần “chuẩn bị để chiến đấu”. Bởi vì người học sau sẽ phải học vất vả hơn người học trước, vì bạn phải học những gì tiến bộ của những năm qua và từ đó tiếp tục cải cách phát triển nó.
Và các bạn luôn nhớ rằng sự suy luận sáng tạo là thương hiệu của nền giáo dục Mỹ. Người Mỹ sẽ luôn bảo vệ cái thương hiệu đó, cho nên trong sự học sẽ đòi hỏi bạn vất vả đó. Chủ ý tôi viết nhiều sự khó khăn, vất vả trong việc học, ít khi viết ca tụng du học hoặc những ý “lên dây cóp” tinh thần du học sinh là vì tôi nghĩ “có dám nhìn thấy và dấn thân chiến đấu với những khó khăn thì con người mới trưởng thành” . Còn những bạn thấy khó khăn nhiều quá quyết định không “bước vào trận chiến”. Ồ! Ý chí các bạn ở đâu rồi “chưa lâm trận đã buông súng rồi sao”, các bạn cứ thử bước vào thì sẽ khám phá bản thân mình nhiều thứ lắm.
Xin mọi người hãy nhìn các khía cạnh của những vấn đề khi so sánh ở tính chất là xây dựng lẫn nhau để cùng tiến, chứ không phải tôi viết ở mục đích là “kể tội”, “tự đề cao mình”, “ca tụng Mỹ”, hoặc là phải “hơn thua”, “đả phá công kích”, tất cả mọi vấn đề đều có những mặt trái của nó, không ai là hoàn mỹ cả. Chúng ta đang đi tìm một chân lý để bước lên sự cải tiến, văn minh được lấy từ yếu tố giáo dục làm nền tảng. Xã hội Việt Nam phát triển, “nhà nhà du học”, hy vọng qua chuỗi bài viết của tôi giúp các bạn sinh viên cũng như phụ huynh mường tượng được phần nào về “thương hiệu” nền giáo dục của Mỹ, và cách học cách sống của du học sinh.
Quay trở lại câu chuyện, sau khi bạn sinh viên Mỹ ấy nói, một du học sinh Việt Nam khác liền trả lời “Tôi biết mình chỉ là một con cá bé , nhưng con cá bé này sẽ ngày một lớn nhanh, và sẽ ngang hàng với con cá lớn”, và sinh viên Mỹ ấy cười nói “I hope so” (hy vọng là vậy). Vâng! Tôi chúc các bạn du học sinh luôn có nhiều ý chí và thành công trên con đường học vấn, khi các bạn quay về Việt Nam sẽ cùng với các bạn trong nước đưa Việt Nam mình ngày một tiến nhanh hơn nữa.
Kinh nghiệm phỏng vấn đi du học Mỹ
Cách trả lời phỏng vấn du học Mỹ xuất sắc nhất
Kinh nghiệm săn học bổng du học Mỹ
Cách xin học bổng du học Mỹ thành công
Cách chọn trường đại học Mỹ tốt nhất cho con
Kinh nghiệm phỏng vấn đi Mỹ
(ST)
|