Ý nghĩa của phong tục làm bánh chưng bánh giầy. Những lý giải về ý nghĩa của phong tục đẹp và độc đáo của người Việt trong ngày tết
Phong tục Tết của người Việt: tục gói bánh chưng ngày tết & tục treo tranh tết và câu đối tết
Kính thưa quý độc giả, nhân dịp Xuân về, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị một bài nghiên cứu chuyên sâu về phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam của tác giả Michael Nguyễn Hạnh. Thầy Michael Nguyễn Hạnh là một nhà nghiên cứu về văn hóa, Hán – Nôm và là thành viên Ban Từ Vựng Công Giáo thuộc Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Từ hôm nay cho đến Tết, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến quý vị từng phần của bài viết này. Hy vọng qua bài viết của thầy, chúng ta sẽ có dịp được tìm hiểu sâu xa hơn về nguồn gốc, ý nghĩa… của phong tục ngày Tết.
——————
PHONG TỤC TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT
Michel Nguyễn Hạnh, Nhóm Lasan 100
Tục gói bánh chưng ngày tết
Qua Truyện bánh chưng, Lĩnh Nam Chích Quái, ai cũng biết tục gói bánh chưng tương truyền có từ đời vua Hùng và tác giả là Lang Liêu.
雄王既破殷军之后,国家无事,欲傳于子,乃会官郎,公子二十二人,谓曰:“我欲傳位,有能如我愿,欲珍甘美味,岁终荐于先王,以尽孝道,方可传位。”
于是诸子各求水陆奇珍之物,不可胜数。惟十八子郎僚母氏单寒微,先已病故,左右寡少, 难以应办。昼夜思想,梦寐不安。夜梦神人告曰:“天地之物所贵于人,无过米。所以养人,人能壮也。食不能厌,他物莫能先。当以糯米作饼,或方或圆,以象天 地之形,叶包其外,中藏美味,以寓父母生育之重。”郎僚惊觉,喜曰:“神人助我也。”遵而行之。乃以糯米择其精白,选用圆完无缺折者,淅之洁静,以青色叶 包裹为方形,置珍甘美味在其中,以象天地包藏万物焉。煮而熟之,故曰蒸饼。又以糯米炊熟,捣而烂之,捏作圆形以象天,故曰薄持饼。
初,王传位于郎僚,兄弟二十一人,分守藩篱,立为部党,以为藩国。迨后众将争长,各立木栅以遮护之,故曰栅、曰村、曰庄、曰坊,自此始。
Phiên âm: hùng vương ký phá ân quân chi hậu, quốc gia vô sự, dục truyền vu tử, nãi hội quan lang, công tử nhị thập nhị nhân, vị viết: “ngã dục truyền vị, hữu năng như ngã nguyện, dục trân cam mĩ vị, tuế chung tiến vu tiên vương, dĩ tẫn hiếu đạo, phương khả truyền vị。”
vu thị chư tử các cầu thủy lục kỳ trân chi vật, bất khả thắng sổ。duy thập bát tử lang liêu mẫu thị đan hàn vi, tiên dĩ bệnh cố, tả hữu quả thiểu, nan dĩ ứng bạn。 trú dạ tư tưởng, mộng mị bất an。
dạ mộng thần nhân cáo viết: “thiên địa chi vật sở quý vu nhân, vô quá mễ。 sở dĩ dưỡng nhân, nhân năng tráng dã。 thực bất năng yếm, tha vật mạc năng tiên。 Đương dĩ nhu mễ tác bính, hoặc phương hoặc viên, dĩ tượng thiên địa chi hình, hiệp bao kỳ ngoại, trung tàng mỹ vị, dĩ ngụ phụ mẫu sanh dục chi trọng。”lang liêu kinh giác, hỉ viết: “thần nhân trợ ngã dã。” tuân nhi hành chi。nãi dĩ nhu mễ trạch kỳ tinh bạch, tuyển dụng viên hoàn vô khuyết chiết giả, tích chi khiết tĩnh, dĩ thanh sắc hiệp bao khỏa vi phương hình, trí trân cam mỹ vị tại kỳ trung, dĩ tượng thiên địa bao tàng vạn vật yên。 chử nhi thục chi, cố viết chưng bính。 hựu dĩ nhu mễ xuy thục, đảo nhi lạn chi, niết tác viên hình dĩ tượng thiên, cố viết bạc trì bính。。。
(đoạn nối tiếp đã trình bày ở đầu bài viết)
sơ, vương truyền vị vu lang liêu, huynh đệ nhị thập nhất nhân, phân thủ phiên ly, lập vi bộ đảng, dĩ vi phiên quốc。 đãi hậu chúng tương tranh trường, các lập mộc sách dĩ già hộ chi, cố viết sách, viết thôn, viết trang, viết phường, tự thử thủy。
Dịch nghĩa: Sau khi vua Hùng đã phá xong giặc Ân, đất nước thái bình, nên muốn lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo: – Ta muốn truyền ngôi cho người có thể làm vừa lòng ta, biết đem trân cam mỹ vị đến dân cúng Tiên vương vào cuối năm để tròn đạo hiếu thì sẽ được truyền ngôi cho.
Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiều mà kể. Duy có công tử thứ mười tám là chàng Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.
Đêm nằm mộng thấy thần nhân bảo rằng: – Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được. Chàng Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”. Chàng Liêu lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh dầy…
(đoạn nối tiếp đã trình bày ở đầu bài viết)
Rồi, vua Hùng truyền ngôi cho chàng Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, bảo vệ non sông. Về sau, họ hàng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng rào gỗ để che kín bởi vậy từ gọi là sách, là trại, là trang, là phường bắt nguồn từ đấy.
Bánh chưng hình vuông có phải là truyền thống của người Việt hay không?
Trong đoạn trích sau cho thấy bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất: Đương dĩ nhu mễ tác bính, hoặc phương hoặc viên, dĩ tượng thiên địa chi hình, hiệp bao kỳ ngoại, trung tàng mỹ vị, dĩ ngụ phụ mẫu sanh dục chi trọng。”lang liêu kinh giác, hỉ viết: “thần nhân trợ ngã dã。Dịch nghĩa: Nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.
Đây chính là văn hóa Trung Hoa, phát xuất từ Đạo giáo. Trong sách Văn tâm điêu long文心雕龍có đoạn viết: 夫,玄黃色雜,方圓体分。日月疊璧,以垂麗:天之象;山川煥綺,以鋪理地之形。此蓋道之文也。Phiên âm:Phù! Huyền hoàng sắc tạp, phương viên thể phân. Nhật nguyệt điệp bích dĩ thùy lệ: thiên chi tượng. Sơn xuyên hoán ỷ, dĩ phô lý: địa chi hình. Thử cái đạo chi văn dã. Dịch nghĩa: Ôi! Từ lúc trời đất còn tạp với nhau, đến lúc trời đất được phân ra thì: Mặt Trời và Mặt Trăng nối tiếp nhau như xâu chuỗi ngọc, nhằm buông cái 麗Lệ (đẹp) xuống: đó là 象Tượng của Trời. Núi sông lộ ra như những mảnh lụa chằng chịt rực rỡ, nhằm phô cái 理Lý (trật tự): đó là 形Hình của Đất. Tất cả (cái Lệ, cái Lý đó) gọi là Văn của Đạo.
Điều này cho thấy phương viên (tròn vuông), nhật nguyệt phiếm chỉ trời đất. Câu “dĩ tượng thiên địa chi hình” trong Lĩnh Nam Chích Quái mượn ý từ “thiên chi tượng” và “địa chi hình” của Đạo giáo. Như thế đã rõ, khái niệm vuông tròn cho bánh chưng, bánh dầy để biểu trưng cho trời đất là văn hóa Trung Hoa.
Vậy, bánh chưng ngày xưa của người Việt có hình gì?
Ngày nay, ở Phú Thọ – nơi đất Tổ – có bánh chưng hình trụ, giống như bánh tét; còn gọi là bánh chưng tày hay bánh tày. Theo giáo sư Lê Văn Lan, bánh hình trụ là hình thức nguyên thủy của bánh chưng. Bởi vì người Việt xưa theo tín ngưỡng phồn thực. Bánh chưng tày có hình giống như sinh thực khí của người nam. Tại làng Thanh Đình (sát Đền Hùng, Phú Thọ), vào ngày lễ hội, còn giữ phong tục từ thời Hùng Vương, đó là “đâm chày vào oa[1]” để cầu sự thịnh vượng, sự sinh sôi nảy nở. Chữ tày có gốc từ chữ chày. Bánh tày có nguồn gốc từ đó. Còn sự tích bánh dầy bánh chưng mới có từ đời nhà Trần nên bị ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa. Chuyện đời gẫm đến chuyện đạo, có nhà thờ xây bàn thờ hình tròn và cấu trúc cung thánh theo kiểu “trời tròn đất vuông” và cho đó là bản sắc Việt thì thật là không ổn.
Tục treo tranh tết và câu đối tết
Câu đối là một trong những tinh hoa của văn hóa Việt, thâm thúy về ý, trau chuốt về lời, đẹp vì sự đối điệp. Từ lâu, cách thức chơi câu đối được phổ biến trong dân gian và trở thành một phong tục đẹp của dân tộc. Câu đối phát xuất ở Trung Hoa nhưng không rõ bắt đầu từ bao giờ. Xa xưa, khi đón tết, người Trung Hoa thường tạc những cái bùa treo nơi cửa với ý nghĩa là ngăn chặn tà ma. Dần dà, những cái bùa kia được chuyển thành chữ viết và hình vẽ để tiện cho việc trang hoàng. Bùa bằng chữ viết lâu dần phát triển thành hoành phi, câu đối. Bùa bằng hình vẽ dần dần biến thành tranh treo ngày tết, tựa như tranh làng Hồ hay tranh hàng Trống ở nước ta. Trong tranh vẽ ấy vẫn có một hai câu để nói lên ý của tác giả muốn gửi gắm. Vd. Tranh Tứ Quý:
Bộ tranh Tứ Quý, Đông Hồ, có 4 bức tranh với chữ Hán tương ứng: tranh Nhân Nghĩa 仁義 vẽ hình đứa bé ôm con cóc, phía sau có mấy trái đào; tranh Lễ Trí 礼智 vẽ hình đứa bé ôm con rùa, phía sau có đóa hoa sen; tranh Vinh Hoa 榮花 vẽ hình đứa bé ôm con gà, phía sau có đóa hoa súng; tranh Phú Quý 富貴 vẽ hình đứa bé ôm con vịt, phía sau có mấy trái đào.
Câu đối du nhập vào nước ta trong thời bị Bắc thuộc, ít nhất từ đời nhà Đường, vì lúc ấy người Việt bị ép học chữ Hán. Qua nghiên cứu, người ta nhận thấy dáng dấp câu đối xuất hiện trong bài phú cổ Bạch vân chiếu xuân hải 白雲照春海 của Khương Công Phụ 姜公輔, tự Khâm Vân. Ông là người xã Định Công, huyện An Định, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Khương Công Phụ du học ở Trung Hoa, thi đỗ Tiến sĩ (thời ấy người Việt phải sang Trung Hoa để tham dự khoa cử), làm quan đến chức Gián nghị Đại phu Đồng trung thư Môn hạ Bình chương sự, dưới đời vua Đường Đức Tôn (780-804). Đến đời vua Đường Thuận Tôn (805-806), ông lĩnh chức Tuyền châu Thứ sử được ít lâu thì mất. Vua Lê Cảnh Hưng phong cho Khương Công Phụ làm Thượng đẳng phúc thần. Sở trường của ông là những bài phú. Chẳng hạn bài phú Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi biển xuân) không chỉ để tả cảnh trời, biển, gió, mây mà trình bày quan niệm của đạo Lão về vũ trụ, với lời văn nhẹ nhàng thanh thoát, với hình thức mang dáng dấp đối điệp:
Bạch vân dong dong, diêu duệ hồ xuân hải chi trung;
Phân vân tằng Hán, kiểu khiết trường không.
Tế ảnh sâm si, tạp vi minh ư nhật vực;
Khinh văn lân loạn, phân quýnh hoảng ư tiên cung.
Dịch nghĩa:
Mây trắng mênh mông, lay động hòa giữa biển xuân;
Cảnh từng lớp nước chảy trên sông Hán, sáng một khoảng dài.
Bóng ảnh so le, thành vầng sáng quanh mặt trời;
Vẻ đẹp nhẹ nhàng biến động, chia đều rực rỡ cõi tiên.
Trong khoa cử xưa, có phần thi văn biền ngẫu騈耦, do đó sĩ tử phải học làm câu đối. Ở Việt Nam, lâu dần, cách làm câu đối lan rộng ra từ tầng lớp trên xuống tầng lớp dưới, được dân gian hóa thành một thú chơi tao nhã, thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Không phải nước nào chịu ảnh hưởng chữ Hán cũng có sự phát triển tốt về câu đối. Những nước như Hàn quốc, Nhật Bản có cấu tạo ngữ âm dạng đa âm tiết và không có thanh điệu nên câu đối không phát triển mạnh. Ngược lại, việc câu đối được phổ biến ở nước ta còn liên quan đến cấu tạo ngữ âm dạng đơn âm tiết và có thanh điệu, tương tự như tiếng Hán. Tuy nhiên, tiếng Hán phổ thông có 4 thanh điệu (dương bình, âm bình, thượng thanh, khứ thanh), trong khi ấy tiếng Việt có 6 thanh điệu (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng), sắc âm của tiếng Việt phong phú hơn tiếng Hán.
Một số câu đối Tết:
Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ / Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường. ‖ Dịch nghĩa: Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ / Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà.
Tân niên, hạnh phúc bình an tiến / Xuân nhật, vinh hoa phú quý lai. ‖ Dịch nghĩa: Tết mới, hạnh phúc bình an đến / Ngày Xuân, vinh hoa phú quý về.
Giáp tý trùng tân tân giáp tý. / Xuân thu kỷ độ độ xuân thu.‖ Dịch nghĩa: Giáp tý vừa qua, qua giáp tý. / Xuân thu mấy độ, độ xuân thu.
Xuân đáo chu thiên trào thực khí / Thời lai quán địa mộc vân ba. ‖ Dịch nghĩa: Chào xuân mới, nơi nơi tràn khí ấm / Gặp thời hay, chốn chốn rộ hoa xuân.
Môn đa khách đáo thiên tài đáo / Gia hữu nhân lai vạn vật lai. ‖ Dịch nghĩa: Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến. / Nhà có người vào lắm vật vào.
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận / Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh. ‖ Dịch nghĩa: Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi. / Thần tiên vui thú cảnh đời đời.
Tổ tôn công đức thiên niên thịnh / Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương. ‖ Dịch nghĩa: Công đức tổ tông nghìn năm thịnh. / Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay.
Xuân như cẩm tú, nhân như ngọc. / Khách mãn gia đình, tửu mãn tôn. ‖ Dịch nghĩa: Xuân như cẩm tú, người như ngọc. / Khách chật trong nhà, rượu hết chung.
Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh. / Lộc tiến vinh hoa phú quý xuân. ‖ Dịch nghĩa: Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh. / Lộc nảy vinh hoa phú quý xuân.
Niên niên như ý xuân / Tuế tuế bình an nhật. ‖ Dịch nghĩa: Năm năm xuân như ý / Tuổi tuổi ngày bình an.
Nhập môn tân thị kinh luân khách / Mãn tọa dai đồng cẩm tú nhân. ‖ Dịch nghĩa: Vào cửa toàn khách kinh luân / Ngồi chơi toàn người cẩm tú.
Niệm tiên tổ, duật tu quyết đức / Khải hậu nhân, trường phát kỳ tường. ‖ Dịch nghĩa: Nhớ tổ tiên, đẹp điều nhân đức / Tin cháu con bền sự lạ hay.
Thảo ốc an cư, tích kim quang đắc đức / Bố y tùy phận, cầu phúc đức lai tài. ‖ Dịch nghĩa: Nhà cỏ ở yên, tích kim quang được đức / Áo vải an thân, cầu phúc đức đến tài.
Thiên địa vô tư, tích thiện tự nhiên thiện / Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ vinh. ‖ Dịch nghĩa: Trời đất vô tư, làm điều thiện tự nhiên được thiện / Thánh hiền có dạy, lo tu thân có thể được vinh.
Ðịa sinh tài, thế nghiệp quang huy / Thiên tứ phúc, gia thanh hiện thái. ‖ Dịch nghĩa: Ðất sinh tài nghiệp đời sáng láng / Trời ban phúc, nhà tiếng tốt tươi.
Phúc mãn đường, niên tăng phú quý / Ðức lưu quang, nhật tiến vinh hoa. ‖ Dịch nghĩa: Phúc đầy nhà, năm thêm giàu có. / Ðức ngập tràn, ngày một vinh hoa.
Trúc bảo bình an, tài lợi tiến / Mai khai phú quý, lộc quyền lai. ‖ Dịch nghĩa: Trúc giữ bình yên, thêm tài lợi. / Mai khai phú quý, lại lộc quyền.
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử / Tử tôn tích học hiển gia phong. ‖ Dịch nghĩa: Tiên tổ danh thơm ghi quốc sử / Cháu con tích học rạng gia phong.
Đa lộc, đa tài, đa phú quý / Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm. ‖ Dịch nghĩa: Nhiều lộc, nhiều tài, nhiều của cải / Gặp thời, được lợi, được nhân tâm.
Ngoài cửa mừng Xuân nghênh Ngũ Phúc / Trong nhà chúc Tết hưởng Tam Ða.
Tối ba mươi, khép cánh càn khôn ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới / Sáng mùng một, lỏng theo tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân về.
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa./ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà. (cụ Nguyễn Công Trứ)
Ngày Tết còn nhiều phong tục nữa, như: trưng mâm ngũ quả, xin chữ, xuất hành, hái lộc, xông nhà, khai bút đầu xuân, mừng tuổi… Những phong tục ấy đa số bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Song song đó có những trò chơi trong hội hè như: hát Quan họ, đánh đu, múa lân, thi đánh vật, thi chèo thuyền…
Hiện nay có một số ý kiến muốn rút ngày nghỉ tết âm lịch còn lại hai ngày, tăng ngày nghỉ tết Tây lên đặng dễ “hội nhập văn hóa”. Đó quả là “tối kiến”, vì mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng. Nếu tất cả đều “Tây hóa” thì nhà thơ Vũ Đình Liên (1919-1996), tác giả bài thơ Ông Đồ, chắc phải gửi “tin nhắn” cho hạ giới rằng: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ!
Nồi bánh chưng ngày Tết và niềm vui sum họp
Bánh chưng gợi nhớ ngày Tết hay Tết gợi hương vị bánh chưng? Không biết tự bao giờ, món bánh truyền thống ấy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng trong ngày Tết. Với nhiều gia đình, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới.
Ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh chưng để cúng gia tiên. Bánh chưng là nét văn hóa lâu đời mà có lẽ mãi mãi về sau cũng không thể biến mất trong tâm thức người Việt.
Cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục suốt đêm và những ánh lửa bập bùng trong đôi mắt người trông bánh nay đã thưa dần và gần như đã không còn thấy ở thành phố nữa. Mỗi năm Tết đến, tôi lại nhớ về những cái Tết thời thơ bé với nồi bánh chưng ấm cúng mà đến khi trưởng thành tôi mới nhận ra nó ấm áp nghĩa tình biết bao.
Bánh chưng - món ăn độc đáo của dân tộc
Dân tộc nào cũng có những món ăn truyền thống, song chưa thấy dân tộc nào có một món ăn vừa độc đáo, vừa ngon, vừa bổ, lại gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.
Vào các dịp lễ tết ở miền Bắc, một trong các món ăn phổ biến nhất là bánh chưng, bánh dầy. Trong mâm cỗ đón Xuân, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Có người quan niệm bánh chưng hình vuông để tượng trưng cho đất, là âm, dành cho mẹ; bánh dầy hình tròn để tượng trưng cho trời, là dương, dành cho cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Có nhiều truyền thuyết dân gian cũng như có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa giải thích khác nhau về nguồn gốc của bánh chưng. Riêng tôi rất ấn tượng với truyền thuyết từ thời vua Hùng Vương thứ 6, về cuộc thi tài để chọn người lên kế vị ngai vàng.
Truyền thuyết kể rằng: Ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con. Vào dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho. Các Lang (các người con của vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi.
Truyền thuyết bánh chưng, bánh dầy |
Riêng người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, đã làm ra bánh chưng, bánh dầy. Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời. Kết quả Lang Liêu được vua cha chọn nhường ngôi.
Từ đó, cứ đến Tết Nguyên đán, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất. Dần dần, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống, độc đáo của dân tộc. Đây cũng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam với nhiều món ăn đặc sắc, hấp dẫn.
Bánh chưng trong ký ức tuổi thơ và niềm vui sum họp
Cho đến bây giờ, trong tâm trí tôi vẫn không mờ phai những kỷ niệm thơ ấu xung quanh nồi bánh chưng đêm trừ tịch. Cảm giác háo hức của một đứa trẻ lon ton chạy theo mỗi bước chân của bố mẹ đang hối hả cho các công việc ngày Tết. Có biết bao nhiêu thứ phải chuẩn bị: nào thịt, nào giò chả, dưa hành…, nào là đi chợ sắm Tết… Nhưng có lẽ cầu kì nhất là chuẩn bị những chiếc bánh chưng.
Để có được những chiếc bánh chưng vuông vắn, ngon lành thường phải mất từ 1 - 2 ngày với rất nhiều công đoạn. Tôi còn nhớ hồi ấy, từ những ngày 27, 28 Tết, các gia đình đã bắt đầu gói bánh chưng. Trước đó, các bà, các mẹ ai nấy đều tấp nập đi chợ mua gạo nếp thơm, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong và một số vật dụng khác.
Ngày ấy, kinh tế dẫu còn khó khăn nhưng những thứ đó thì không thể thiếu. Nhà nào mà có bà con ở quê mang lên cho yến gạo nếp thì quý lắm. Không khí Tết những ngày này đã thực sự rộn ràng. Khu nhà tôi ở, nhà nào cũng chỉ mười mấy m2, mà bày la liệt giữa nhà những thúng đầy gạo nếp trắng tinh, những mâm đầy đỗ xanh vo tròn rất ngon mắt, thêm những bát thịt rồi cả những khuôn bánh, lá dong xanh rờn nữa.
Những căn hộ nhỏ bé, chật chội với đủ thứ giữa nhà, cả nhà quây quần xung quanh. Không gian nhỏ bé lại càng chật hẹp hơn. Người lớn thì đôi tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn mà khéo lắm nên gói bánh rất nhanh mà lại đẹp. Bánh chưa luộc mà nhìn đã ngon lắm rồi. Trẻ con chúng tôi thì chỉ ngồi… nghịch, ngồi xem là chính. Mà đứa nào cũng được bố mẹ, ông bà gói riêng cho một cái bánh nhỏ nhỏ xinh xinh. Trẻ con ở đâu cũng được “ưu tiên” như vậy và đứa nào cũng thích thú lắm.
Các công đoạn làm bánh chưng |
Đám trẻ con chúng tôi cứ hay lanh chanh. Ngồi xem người lớn gói bánh mà nghe tiếng bạn í ới ngoài cửa là chạy ra ngay. Mấy đứa gặp nhau là tíu tít: “Nhà cậu gói bánh xong chưa? Đêm có trông luộc bánh không? Tối ra chơi nhé…”. Xong là lại lanh chanh chạy vào hết nhà này đến nhà nọ xem mọi người gói bánh. Có những nhà còn ngồi ra tận ngoài hành lang gói bánh nữa. Ai cũng khẩn trương, nhanh tay cho kịp luộc bánh buối tối. Ấy thế mà chẳng ai gợn lên chút gì mệt mỏi, ưu phiền. Những câu chuyện phiếm vui vẻ và những tiếng cười cứ không ngớt xung quanh những chiếu bánh bề bộn trong những căn hộ nhỏ bé. Có lẽ vì vậy mà càng thấy ấm cúng hơn.
Chập tối, nhà nào nhà nấy đã gói xong những chồng bánh vuông vắn đều đặn. Ở giữa hành lang của tầng đã kê sẵn một chiếc thùng phuy lớn, dưới đã chất sẵn củi. Các gia đình trong tầng của khu tập thể chúng tôi cùng luộc bánh chung trong chiếc “nồi” ngất ngưởng ấy. Và khi thành phố lên đèn thì nồi bánh chưng của chúng tôi cũng đỏ lửa. Tối đến, tụi trẻ con chúng tôi hẹn nhau ăn cơm thật nhanh rồi chạy ra hành lanh ngồi bên nồi bánh. Trẻ con mà! Chỉ thích ngồi nhìn bếp lửa, ngồi nghịch lửa thôi. Rồi có khi bác hàng xóm mang ra cho bọn trẻ mấy củ khoai lang vùi vào bếp lửa là thích lắm. Rồi cả buổi tối, cả tầng không hẹn mà kéo nhau ra hành lang ngồi quanh nồi bánh chưng ý như là… đi họp tổ dân phố vậy. Người lớn thì vừa trông bánh, lại vừa có dịp ngồi bên nhau chuyện phiếm. Tiếng cười nói râm ran suốt cả buổi tối. Trẻ con chúng tôi thì chẳng biết người lớn nói chuyện gì mà cười vui thế, cũng chẳng đứa nào để ý vì mấy con mắt còn mải dán vào ánh lửa đỏ hừng hực kia. Đến tối thì chẳng đứa nào được ở lại trông bánh nữa vì bố mẹ bắt về nhà đi ngủ, chỉ còn lại vài ba người thức đêm trông bánh. Đó có lẽ là ngày mà cả xóm đều thức khuya nhất. Sáng hôm sau, tôi ngủ dậy thì bánh đã được vớt ra từ lúc nào rồi, sờ vào còn âm ấm. Ngoài hành lang thì chỉ còn lại dấu vết đen xì trên nền gạch men cũ kĩ. Sáng ra trẻ con nhìn mặt nhau, đứa nào đứa nấy má đỏ ửng vì ngồi cả tối bên bếp lửa. Mấy đứa trẻ con mặt nẻ hồng hào lại lon ton chạy đi chơi giữa trời rét buốt.
Vậy đấy! Chỉ có một buổi tối bên nồi bánh chưng mà biết bao ý nghĩa, ấm áp, chan hòa tình hàng xóm. Ngày nay, đời sống đã khác xưa, đã đầy đủ hơn nhiều lắm rồi. Người Hà Nội vẫn ăn bánh chưng ngày Tết như phong tục ngàn đời nay. Song, hình ảnh nồi bánh chưng đỏ lửa trong đêm quây quần thì gần như không còn nữa, để cho người ta bất chợt nhớ đến mà khát khao, mà nhớ thương. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, giờ cũng khôn lớn rồi. Chúng tôi còn trẻ nhưng cũng là cái tuổi bắt đầu biết hoài niệm rồi, để bây giờ ngồi nhớ về tuổi thơ mà thèm những nồi bánh chưng chan chứa tình làng nghĩa xóm ấy. Giờ đây, vẫn khu tập thể này, nhưng nồi bánh chưng ấy thì đã không còn từ lâu. Chạnh lòng mà thấy tiếc cho lũ trẻ con sau này chẳng còn được biết đến nồi bánh chưng ấm áp như thế nào…
(St)
Ẩm thực ngày Tết miền Nam những món ăn không thể bỏ
Ý nghĩa của hoa đào ngày Tết
Giảm cân lành mạnh ngày Tết
Thực đơn cho 3 ngày tết phong phú mà không mất nhiều thời gian
Món ăn truyền thống của Việt Nam trong ngày Tết