Những món ăn đặc sản của Bình Định

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Những món ăn đặc sản của Bình Định

19/04/2015 02:08 PM
279

Ngoài bún chả cá nổi tiếng, Bình Định còn mê hoặc du khách với hàng loạt món ngon khó cưỡng như bún tôm Châu Trúc, gié bò Tây Sơn, mắm nhum Mỹ An...Chúng ta cùng tham khảo những món ăn đặc sản của Bình Định nhé!

Các món đặc sản không thể bỏ qua của Bình Định


Bún chả cá Quy Nhơn

món ăn, đặc sản, Bình Định

Điểm nhấn của món bún chả cá Quy Nhơn là phần chả cá là được làm từ những con cá thu mập mạp, bóng bẩy, thịt ngọt và phải quết sao cho miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải, cùng nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu, trong veo, ngọt tự nhiên.

Mắm nhum Mỹ An

món ăn, đặc sản, Bình Định

Nhum có nhiều loại, để muối mắm phải là nhum ta màu đen. Cách chế biến như sau: Cắt sơ những chiếc gai nhọn tua tủa xung quanh con nhum rồi khoét một lỗ ngay miệng nhum, khéo léo khèo lấy thịt nhum cho vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, rồi đem vùi vào bếp tro hoặc "giang" nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum chín, nhuyễn tan, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm nức.

Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được vì không biết nơi bán, hay người có cũng chỉ dùng đãi khách quý hoặc để dành tặng người thân.

Bún tôm Châu Trúc

món ăn, đặc sản, Bình Định

Để có một tô bún tôm Châu Trúc ngon phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Đầu tiên là làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay rồi cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn, người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt...

Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, chút tiêu. Món này dọn kèm với bánh tráng nướng giòn thơm.

Gié bò Tây Sơn

món ăn, đặc sản, Bình Định

Gié bò là món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò. Gié bò không phải là món dễ ăn và chỉ người sành ăn mới khoái khẩu.

Khi mổ bò, chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm. Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm, cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong.

Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội. Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, cắt cỡ miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié. Trong lúc nấu cho thêm sả cây, gừng nướng, tai vị đập dập để khử mùi. Tiếp đó cho là giang rửa sạch, vò nát để nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được.

Tô gié nóng hổi, nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh. Dọn thêm bún tươi, rau sống và bánh tráng mè nướng. Mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang, vị ngọt thanh của nước dừa, vị đắng nhẹ của gié, vị nhân nhẫn của mật bò ăn với bún và rau sống thật hợp.
 

Bánh hỏi Diêu Trì

món ăn, đặc sản, Bình Định

Bánh hỏi là đặc sản của Bình Định, thịnh và ngon nhất là ở Diêu Trì (Tuy Phước). Cách chế biến món bánh này như sau: Gạo tám thơm được vo kỹ, ngâm nước một đêm, vớt ráo, xay nhuyễn bằng cối đá - Bột nước cho vào bao vải khô, "đăng" cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là "giảo" bột đưa vào khuôn ép thành bánh. Bánh được hấp vừa đủ chín.

món ăn, đặc sản, Bình Định

Bánh hỏi thưởng được ăn kèm với thịt nướng song nếu vào một quán bánh hỏi ở Diêu Trì, khi gọi món này là bạn sẽ được thưởng thức thêm hai món nữa, đó là cháo và lòng.

Cháo khá loãng, nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm. Cạnh tô cháo nóng là đĩa lòng heo với những miếng gan dày, miếng dồi màu nâu, khoanh tròn bên cạnh những miếng tim deo dẻo, miếng cổ dai dai giòn giòn, miếng bầu dục mong mỏng. Những thứ này ăn kèm với bánh hỏi, khiến bánh hỏi trở nên béo bở, ngon ngọt khác thường.
 

Nem chợ Huyện

món ăn, đặc sản, Bình Định

Nem chợ Huyện không mềm như nem Thủ Đức, không ngọt như nem Lai Vung, nem An Cựu mà dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn, ngọt thanh đã miệng. Nem tươi đã ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt càng tuyệt.
 

Bánh xèo Mỹ Cang

món ăn, đặc sản, Bình Định

Bánh xèo Mỹ Cang ngon là nhờ các thành phần đều được chế biến từ đặc sản địa phương. Như gạo phải được xay từ loại lúa ở cánh đồng khu Đông. Tôm phải là loại tôm đất sống nước lợ ở đầm Thị Nại. Nước chấm phải được pha chế từ loại nước mắm nguyên chất...

Bánh xèo ăn kèm với là bánh tráng gạo nguyên chất, rau sống, một ít xoài và dưa leo xắt mỏng và chén nước mắm vàng ươm ngọt ngào hương vị miền biển. Cái ngọt của tôm tươi, cái giòn giòn của gạo đủ lửa và một chút chua, chát của xoài và chuối chát, quyện tất cả lại thành một món ăn vô cùng hấp dẫn.
 

Rượu Bàu Đá

món ăn, đặc sản, Bình Định
món ăn, đặc sản, Bình Định

Quy trình nấu rượu Bàu Đá.

Rượu Bàu Đá có nồng độ rất cao, hơn 50 độ, uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Khi nấu rượu, cũng không dùng nồi nhôm mà dùng nồi đồng, nắp đậy bằng đất nung; cất rượu bằng ống tre. Và phải chưng bằng lửa nhỏ mới vắt cạn được tinh chất gạo.
 

Bún song thằn

món ăn, đặc sản, Bình Định

Sở dĩ có tên gọi "song thằn" vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một. Bún song thằn nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh.

món ăn, đặc sản, Bình Định

Cách làm món bún này khá kỳ công. Đậu xanh đem phơi nắng cho thật khô rồi đem ngâm nước lạnh độ một ngày một đêm cho nở đều mới đem xay. Lúc xay phải tốn sung thật nhiều nước sông Kôn lắng qua nhiều đợt thì bún mới đạt đổ dẻo, mềm. Trung bình 5 kg đậu chỉ làm thành 1kg bún, nên món bún này có giá thành khá cao.

An Thái là nơi bạn có thể thưởng thức tại chỗ một tô bún song thằn nấu với lòng gà hay mua một vài kg làm quà cho bạn bè và người thân.
 

Cua huỳnh đế

món ăn, đặc sản, Bình Định

Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh). Cua huỳnh đế có bộ áo giáp dày và cứng, màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao, khác hẳn với các loại cua khác.

Có nhiều cách chế biến cua huỳnh đế như hấp, nướng… Đặc biệt, người dân địa phương còn chế biến loại cua vua này thành món um mặn ăn với cơm hay nồi cháo cua huỳnh đế có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua.


Theo Vietnamnet.vn


Các món Dưa Bình Định


 











Ngày xưa, khi đường sá chưa thông, thức ăn mang tính cách từng vùng thì người Bình Định có cách để dành các loại rau, bầu bí cả năm vẫn dùng được. Nhất là những năm trước 1950 - dưa là thức ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày

* Dưa cải: Dưa cải có hai loại là dưa cải xổi và dưa cải trường. Dưa xổi là dưa ăn liền - còn dưa cải trường để ăn hàng năm.

* Dưa cải xổi: Cải đem rửa sạch, nhúng sơ vào nước muối đã được đun sôi - lấy ra để nguội một đêm. Sáng hôm nay đem cải bỏ vào trong thạp chế nước muối đã được đun sôi hôm qua - lấy vỉ tre đằng cho cải ngập nước - chừng ba đến bốn hôm sau, dưa cải vàng một màu, người Bình Định thường gọi đỏ chứ không gọi là vàng - lấy ra vắt ráo chấm nước mắm giã ớt tỏi để ăn cơm, hoặc ăn với cháo trắng, hoặc dùng để kho với các loại cá đồng rất ngon. Vì thế Bình Định có câu:

Nói cho phải cũng dưa cải nước mắm
Nói cho lắm cũng nước mắm dưa cải.

* Dưa cải trường: Cải rửa sạch, phơi cho héo, muối bỏ vào nước lạnh. Lượng muối nhiều hơn dưa xổi vì phải muối mặn mới để lâu được. Đun sôi nước muối nhúng cải vào lấy ra liền, để nguội. Sáng hôm sau lại bỏ vào thạp nước muối hôm qua, lấy vỉ tre gài chặt, bỏ đá núi lên trên đằng cho cải ngập nước. Thế là có một thạp dưa cải trong nhà muốn ăn lúc nào lấy ra lúc đó. Dưa này thường dùng vào mùa mưa gió, lụt lội, khi trong vườn không trồng được rau - đem nó ra ngâm nước lạnh cho bớt mặn rồi chiên, hoặc kho với cá đồng đều ngon.

* Dưa môn: Môn trồng ngoài vườn nhiều quá, nhà nào cũng có, miền quê mà. Bán cho ai, đành làm dưa vậy.

Đem môn rửa sạch, cắt khoảng một tấc, phơi khô - hôm sau đem bỏ muối và nước vào thạp (một chén muối khoảng 10 chén nước( cũng gài vỉ tre trên cho ngập môn). Chừng một tuần sau là dưa chua. Dưa này cũng dùng như dưa cải.

* Dưa măng: Mùa mưa, măng trong các bụi tre ở bờ suối mọc nhiều lắm, nhất là những cây măng mọc bị các cây tre lấn, lên không nổi cong lại, người ta gọi là mụt măng giò heo. Người dân quê chặt nó đem về, bỏ lớp vỏ bên ngoài nhiều lông, chỉ còn lớp non bên trong, bằm nhỏ rồi cũng trộn muối với nước như dưa môn chừng mười ngày sau mới dùng được. Dùng sớm dưa còn đắng không ngon. Dưa này bây giờ ở thành phố người ta ưa nấu chua với cá, chứ lúc ấy ở nhà quê cũng chỉ chấm với nước mắm ớt tỏi.

* Dưa đu đủ: Đến mùa mưa bão, đu đủ xanh rụng đầy vườn đem vào nhà một số gọt vỏ, băm nhỏ làm như dưa măng để ăn xổi. Còn một số để nguyên trái gọt vỏ, nếu trái lớn lắm thì chẻ đôi, ngâm nước muối mặn, gài vỉ tre cho ngập nước, đến khi dùng lấy ra xắt nhỏ bỏ vào nước lạnh cho bớt mặn - vắt ráp rồi cũng chấm với nước mắm, ớt tỏi. Hai loại dưa măng và dưa đu đủ không ai kho với cá.

* Dưa hồng: Mùa dưa hồng ở miền quê cũng là mùa dưa hấu - phải như bây giờ đã có xe đến tận nơi chở đi bán các chợ. Thời ấy, nhà nhà đều có, biết làm sao. Cũng đành muối vậy.

Chẻ trái dưa ra làm đôi, xắt mỏng miếng dưa như hình bán nguyệt phơi thật khô rồi cũng cho vào nước muối, đằng vỉ, lúc cần lấy ra ngâm nước, vắt ráo, xào dầu chấm nước mắm ớt tỏi, ăn với cháo trắng hoặc với cơm tùy thích.

* Dưa chuối chát: Món này dùng liền trong các bữa giỗ, bữa tiệc, không để lâu được. Làm rất công phu, trông đẹp mắt.

Lựa chuối hột còn non, gọt vỏ, xắt mỏng nhưng không đứt ra từng lát, khi xắt người nội trợ để một chiếc đũa nhỏ trên thớt, lưỡi dao xắt xuống gặp chiếc đũa là dừng lại không xuống sâu được, vì thể không đứt ra từng lát. Xắt xong bẻ cong lại như hình con tôm đem ngâm nước muối cho mặn. Cũng đằng vỉ cho ngập nước để chuối được trắng, mỗi ngày thay nước muối một lần.

Khi nào thấy chuối hết chát là được. Lúc bấy giờ trái chuối mềm quặt như con tôm. Người nội trợ mới bỏ giấm đường và một ít muối vào thẩu. Dùng hai bàn tay ép chặt trái chuối xong bỏ vào thẩu. Xắt vài lát ớt bỏ trên mặt, trái chuối trắng đục, nước giấm trắng trong, ớt đỏ tươi - trông thẩu dưa rất đẹp mắt. Món này để đưa cay trong các đám giỗ, tiệc cưới.

Ngày nay, có thêm cà rốt, xu xu bỏ vào nên thẩu dưa lại càng đẹp hơn, ngon hơn.




Những món ăn đặc sản của SaPa
Những món đặc sản của Đà Lạt
Các loại bánh đặc sản Hà Nội
Những món đặc sản Thanh Hóa
Món ăn đặc sản Quảng Ngãi



(ST)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý