Phóng viên

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Phóng viên

18/04/2015 10:39 AM
186
Ở VTV, phái yếu đi khoẻ và làm khoẻ chẳng kém gì nam giới. Có những người phụ nữ "luỵ rừng", say mê khám phá bí ẩn của tự nhiên, thích làm bạn với những tâm hồn quê mộc mạc... Họ thường xuyên xa gia đình, bỏ phố phường để mải miết với những hành trình cực kỳ vất vả.
BTV Kim Ngân

Dù khá vất vả nhưng không thể phủ nhận: Truyền hình luôn có sức hút mạnh mẽ và là một trong những nghề hot hiện nay. Không chỉ nam giới mà số lượng phụ nữ theo nghề này ngày càng tăng. Co lẽ đơn giản là vì truyền hình giúp người ta nhanh chóng đánh bóng tên tuổi, đi làm có xe đưa xe đón, đến cơ sở thì được tiếp đón nồng hậu, nếu làm MC lại càng chóng nổi tiếng nhiều người hâm mộ... Tất nhiên, không thể không phủ nhận những lý do trên và không phải không có người đến với truyền hình từ những quan niệm đó. Nhưng 10 năm làm phóng viên của THTH, hàng ngày được mắt thấy tai nghe công việc của các nữ MC, PV, BTV và đạo diễn của VTV, tôi xin khẳng định đa số mọi người đến với truyền hình xuất phát từ niềm yêu thích, đam mê.

Cứ nhìn vào sự phong phú của chương trình truyền hình trên các kênh sóng, cứ nhìn vào các địa danh, nhân vật được đề cập trong các phóng sự, phim tài liệu... cũng thấy mức độ làm việc của người nhà Đài nói chung và nữ phóng viên, BTV nói riêng là vất vả đến thế nào

Ở VTV, phái yếu đi khoẻ và làm khoẻ chẳng kém gì nam giới. Có những người phụ nữ "luỵ rừng", say mê khám phá bí ẩn của tự nhiên, thích làm bạn với những tâm hồn quê mộc mạc... Họ thường xuyên xa gia đình, bỏ phố phường để mải miết với những hành trình vất vả. Trong khi lấy tư liệu cho bài viết, tôi đã gọi không dưới cả chục cuộc điện thoại cho các nhân vật nữ nằm trong "tầm ngắm", những người luôn trên từng cây số cuối cùng chỉ nhận được hai cái hẹn. Điện thoại di động của BTV Xuân Diệp, Ban Khoa giáo, liên tục không liên lạc được vì ở ngoài vùng phủ sóng. Nếu tôi không nhầm thì chị lại đang lặn lội ở một cánh rừng già nào đó của dãy Trường Sơn. Chuyến thám hiểm Trường Sơn bắt đầu từ cuối năm 2007, dự kiến chị sẽ đi hết các cánh rừng ở đây để đem đến cho khán giả một cái nhìn khái quát về động thực vật và những nguy cơ mà hệ sinh thái của Trường Sơn đang gặp phải.

Có lẽ chị là nữ nhà báo giữ kỷ lục đi rừng nhiều nhất, chí ít cũng ở VTV, bởi từ lâu chị theo đuổi thực hiện loạt ký sự dài kỳ về tài nguyên rừng Việt Nam.

Nữ đạo diễn Thanh Bình, phó phòng Phim tài liệu khoa học - Ban khoa giáo, qua điện thoại cho biết chị đang ở Tiền Giang để làm phim Những loài rắn có ở Việt Nam. Thanh Bình kể, đây là lần đầu tiên chị nhìn thấy và quay phim những con rắn Hổ chúa dài tới 2m, đối diện với nguy cơ có thể bị cắn.

Những chuyến ghi hình về các loài động thực vật của chị thường ở những vùng rừng núi, địa bàn hiểm trở. Đoàn làm phim đã có mặt tại những vùng rừng được coi là có thảm thực vật còn cổ sinh nhất như Bidoup khi làm phim giới thiệu về những loài thông quý của Việt Nam. Trong chuyến đi ấy, do không thuộc địa bàn nên họ bị nhầm đường, không có ô tô, thế là một đạo diễn, một biên tập viên và 2 quay phim với toàn bộ thiết bị đã phải di chuyển bằng xe ôm trên quãng đường 70 km!

Khi đi quay động vật ban đêm ở Cát Tiên, cả đoàn đã đi bộ trong rừng 12km để tiếp cận động vật ăn đêm, nhưng do không có thiết bị quay đặc chủng nên cuối cùng chỉ quay được một con hoẵng với 2 mắt đỏ lừ...

Mỗi chuyến đi làm phim với Thanh Bình là một thử thách về sức khoẻ, về khả năng tác nghiệp của bản thân, sự đáp ứng của các thiết bị máy móc và những hy vọng có thể tiếp cận và ghi hình được các loài động vật, thực vật quý hiếm... Sự vất vả trong công việc thì đã quá quen và thế nào cũng tìm cách khắc phục được. Sự "xuống cấp" về ngoại hình là bất khả kháng với những nữ phóng viên sau mỗi chuyến công tác, nhẹ nhất thì chân tay cũng đầy "hoa gấm"...

Một BTV đã bộc bạch, chị luôn có cảm giác phải gồng mình lên, thần kinh căng thẳng hết ra với hàng núi công việc. Sợ nhất là sức ép chạy đuổi theo sóng. Nếu ngày mai lịch phát sóng chương trình đã định thì kiểu gì cũng phải hì hục ngồi dựng cho xong cho dù có vừa trải qua những ngày gian khổ lặn lội ở một bản làng xa xôi nào đó, vết sưng rộp ở chân còn đang tấy. Làm quên ăn, quên ngủ, làm đến độ phờ phạc, và không cho phép được... ốm đau. Có khi thở phào nhẹ nhõm vì đóng gói xong băng hình, ngẩng đầu lên khỏi bàn dựng thì đã quá nửa đêm.

Ra về, một mình một bóng, chỉ có tiếng đế giày lộp cộp gõ trên hành lang, ai mà không có đôi chút chạnh lòng nghĩ thầm: "sao mình lại chọn cái nghề vất vả này nhỉ?". Nhưng khi bình minh của ngày mới ló rạng, những ý tưởng lại nảy nở và chị lại hăm hở lên đường.

Những người phụ nữ làm truyền hình chịu nhiều thiệt thòi, những chuyến công tác nối tiếp nhau khiến họ không khỏi có lúc xao nhãng gia đình. Họ thường trực nỗi nhớ con thương chồng. Nhiều người lâm vào tình trạng gia đình đầy sóng gió vì những đức ông chồng không thể chịu được cảnh vợ đi sớm, về khuya, bằn bặt công tác hàng nửa tháng.

Tâm sự của BTV Kim Ngân cũng chính là tiếng nói chung của những người phụ nữ làm truyền hình: Mọi điều phụ nữ chúng tôi làm được, dù đáng ngại như ngồi trước mặt một người sắp chết vì AIDS, dù khó khăn như việc phải đi bộ cả ngày trời ở Hà Giang. Chúng tôi làm được hết, nếu chắc chắn rằng, ở ngôi nhà thân yêu kia có người chồng thông cảm và chia sẻ khó khăn với vợ.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý