Cỏ mần trầu, Cỏ vườn trầu, Cỏ màn trầu, Cỏ dáng - Eleusine indica (L.) Gaertn., thuộc họ Lúa - Poaceae.
Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, cao 15-90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có ba cạnh.
Cây ra hoa từ tháng 3-11.
Bộ phận dùng: Toàn cây -Herba Eleusinis Indicae.
Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, mọc phổ biến ở nhiều nơi, thường gặp ở bờ ruộng, ven đường, bãi hoang. Thu hái cây vào mùa khô, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Cỏ mần trầu có vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm, trừ thấp, cầm máu, tán ứ, làm mát gan.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và ít một. Còn dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón, buồn phiền, động thai, Nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng. Cũng dùng uống trị mụn nhọt, các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi. Ở Trung Quốc, thường dùng chữa: 1. Ðề phòng chứng viêm não truyền nhiễm; 2. Thống phong; 3.viêm gan vàng da; 4. Viêm ruột, lỵ; 5. Viêm niệu đạo, viêm thận, viêm tinh hoàn. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, cầm máu chó cắn. Liều dùng 16-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán; thường phối hợp với các vị thuốc khác.