Khi trẻ bị bỏng nếu cha mẹ không sơ cứu đúng cách, vết thương có thể bị nhiễm trùng nặng, gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là các bước sơ cấp cứu cơ bản cũng như chăm sóc trẻ bị bỏng.
Các bước sơ cấp cứu
Bước 1: Nhanh chóng đưa bé ra khỏi nơi gây bỏng, sau đó trấn an tinh thần để em bé bình tĩnh lại. Không cho bé lấy tay hay bất cứ vật gì chạm vào vết bỏng vì chúng có thể khiến vết bỏng lan rộng ra hoặc bị nhiễm trùng.
Dùng nước lạnh để làm dịu vết bỏng cho trẻ
Bước 2: Dùng nước lạnh để làm dịu vết bỏng của bé bằng cách cho bé ngâm vùng bỏng vào nước lạnh sạch. Tuyệt đối không được dùng đá để chườm lạnh, thoa nước mắm, kem đánh răng... lên vết bỏng vì sẽ khiến nhiễm trùng. Sau đó đánh giá mức độ nặng nhẹ của vết bỏng để quyết định cho bé ở nhà hay đi viện.
Bước 3: Cởi hoặc cắt bỏ quần áo vùng da bị bỏng để vết bỏng lộ ra ngoài. Sau đó tiếp tục dùng nước mát cho bé ngâm hoặc dội nước lên vùng bị bỏng để làm dịu da. Cần lưu ý, nếu quần áo dính chặt vào vết bỏng cha mẹ tuyệt đối không được cố gắng gỡ bỏ mà nên tiếp tục ngâm vào nước lạnh để quần áo tự bung ra.
Bước 4: Tiếp tục làm mát vết thương trong vòng 20 phút, lưu ý cứ 3 phút thay khăn mới một lần. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của vết bỏng mà cha mẹ quyết định cho bé điều trị tại nhà hay đi bệnh viện.
Cách phân biệt mức độ nặng nhẹ của vết bỏng
Bỏng nhẹ - bỏng độ 1 có các triệu chứng như:
Em bé bị bỏng nhẹ
+ Phần da bị bỏng đỏ lên, không có bọc nước.
+ Lớp da ngoài bị tổn thương nhẹ.
+ Vết bỏng nhanh chóng phục hồi và không có sẹo.
Bỏng độ 2
+ Da của bé bị tổn thương sâu hơn, kèm bọc nước gây đau đớn và khó chịu cho trẻ. Lưu ý không được dùng kim để làm vỡ các bọc nước vì sẽ làm vết bỏng loét sâu và nặng hơn.
+ Phần chân bì da chưa bị tổn thương hoàn toàn nên có thể phục hồi và tái tạo lại da non được.
+ Ít để lại sẹo nếu điều trị và chăm sóc đúng cách.
Bỏng độ 3 - bỏng nặng
+ Vùng da bị tổn thương bị hủy hoại nặng, không có bọc nước.
+ Vùng da bị tổn thương có màu nâu trắng hoặc cháy đen sém. Vết bỏng ăn sâu tận cơ xương.
+ Để lại sẹo sau khi điều trị.
Khi bé bị bỏng toàn thân, sau lưng, ngực, bụng hoặc toàn bộ chân tay. Vết bỏng sâu, diện tích rộng và nguy hiểm gây đau đớn nên nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện.
Lưu ý: Khi trẻ bị bỏng không được dùng kem đánh răng, nước mắm, bùn non, lòng trắng trứng… để rửa hay đắp lên vết thương của bé. Vì chúng sẽ gây nhiễm trùng và làm vết thương nặng hơn để lại những biến chứng nguy hiểm khôn lường.
Cách chăm sóc và điều trị khi trẻ bị bỏng
Đối với trẻ bị bỏng độ 1: Khi trẻ bị bỏng nhẹ, mẹ có thể tự điều trị tại nhà cho bé bằng cách dùng gel được chiết xuất 100% từ cây lô hội (nha đam), bôi trực tiếp lên vết bỏng của bé. Hoặc mẹ cũng có thể dùng lá lô hội lấy phần gel bên trong, cắt mỏng đắp lên vùng da bị bỏng của bé cũng sẽ giúp vết bỏng mau khỏi.
Nếu bé bị bỏng độ 1 dùng cây lô hội để đắp sẽ hiệu quả
Trẻ bị bỏng độ 2: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ . Tuy nhiên các bậc phụ huynh có thể thực hiện theo những bước sau:
Bước 1: Rửa vết bỏng bằng nước muối sinh lý cho bé 2 lần/ngày.
Bước 2: Bôi kem silver sulfadiazine 1% lên vùng da bị bỏng. Nhưng lưu ý mẹ không được dùng tay để bôi trực tiếp kem lên da bé mà nên dùng dụng cụ vô trùng (que đè lưỡi vô trùng có bán ở các hiệu thuốc) để bôi lớp mỏng kem lên da bé. Nên mua nhiều que để dùng nhiều lần.
Khi thay băng cho bé, nếu mẹ thấy thuốc không còn trên bề mặt da mà ngấm vào bên trong da nghĩa là mẹ đã dùng thuốc chưa đủ, nên tăng thêm lượng kem.
Dùng gạc băng vết thương để tránh nhiễm trùng
Bước 3: Băng vết bỏng bằng gạc vô trùng – nên dùng băng tulle gras sẽ tránh được những tổn thương không mong muốn và thuận tiện hơn trong việc thay băng. Sau khi bôi kem lên da, dùng băng tulle gras đặt lên trước khi dùng gạc vải băng quấn lại. Nếu vết thương chảy nước có thể dùng lớp bông trên miếng gạc vải. Thứ tự như sau: kem kháng khuẩn, gạc tull gras, gạc vô trùng, bông và cuối cùng là băng chun.
Bước 4: Để tránh vết thương co rút lại nên áp dụng các bài tập kéo căng vùng da xung quanh vết bỏng khoảng 10 lần/ngày, một lần 1 phút.
Bước 5: Khi vết bỏng bong tróc và lên da non là lúc mẹ ngừng bôi thuốc cho bé.
Trẻ bị bỏng độ 3: Đưa trẻ đi bệnh viện không tự điều trị tại nhà.
Lưu ý: Do da trẻ còn non nớt nên khi bị bỏng nếu không sơ cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của bé. Vì thế, khi con bị bỏng các bậc phụ huynh không nên xem nhẹ và chủ quan trong việc điều trị.