Khái niệm
Hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN) hay còn được gọi là hội chứng Stein-Leventhal, do Irvine F. Stein và Michael Leventhal mô tả đầu tiên năm 1937. Đây là bệnh gây ra do tình trạng rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh do không rụng trứng hay rối loạn phóng noãn.
Hội chứng buồng trứng đa nang chiếm tỷ lệ khoảng 6-10% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Bệnh thường xuất hiện và tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xuất hiện vào tuổi từ 20 đến 25.
Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường là những người có sự gia tăng bất thường về nồng độ Testosterone và LH, những chất này sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn. Buồng trứng xuát hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 – 10 nang < 10mm) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng.
Triệu chứng lâm sàng
• Rối loạn kinh nguyệt
Kinh thưa, kinh không đều hay vô kinh là những rối loạn về kinh nguyệt thường gặp trong hội chứng BTĐN. Đây là một trong những tiêu chuẩn chính để chẩn đoán HCBTĐN. Khoảng 90% phụ nữ thiểu kinh có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
• Rậm lông, mụn, rụng tóc
Một trong những triệu chứng thường gặp nhất của buồng trứng đa nang là rậm lông (mặt và cơ thể). Đây là biểu hiện của tình trạng cường Androgen. Có khoảng 92% phụ nữ rậm lông có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Tuy nhiên cần chú ý đến một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình trạng này như di truyền hay chủng tộc. Do đó cần định lượng một số nội tiết để xác định tình trạng cường Androgen.
Bên cạnh triệu chứng rậm lông, mụn cũng rất thường gặp. Theo nghiên cứu của Eden thực hiện 1991 cho thấy khoảng ¾ phụ nữ bị mụn có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Hói và rụng tóc ít phổ biến trong buồng trứng đa nang nhưng cũng được ghi nhận.
• Béo phì
30-50% phụ nữ buồng trứng đa nang bị béo phì. Rối loạn trong quá trình chuyển hóa dẫn đến tình trạng phân bố mỡ không đồng đều. Để xác định tình trạng béo phì người ta dựa vào chỉ số BMI (>25) hay tỉ số vòng eo/vòng mông. Một số nghiên cứu cho rằng béo phì cũng có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của buồng trứng đa nang. Người ta nhận thấy rằng cân nặng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các triệu chứng buồng trứng đa nang biểu hiện trên lâm sàng. Kiểm soát cân nặng có thể giúp cải thiện tiên lượng của Hội chứng BTĐN.
Các triệu chứng cận lâm sàng
Có thể dựa vào định lượng nội tiết và siêu âm
- Định lượng nội tiết
+ LH > 10mUI/ml
+ LH/FSH > 2
+ Testosterone > 1.5 ng/ml
- Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm
+ Hai buồng trứng to
+ Có trên 10 nang (<10mm) ở mặt phẳng khảo sát, hình chuỗi hạt.
+ Mô đệm dầy và sáng
Điều trị
Hiện nay chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho buồng trứng đa nang. Việc điều trị thay đổi theo mục đích: điều trị triệu chứng cường androgen hay điều trị vô sinh.
Nếu ở bệnh nhân không có nhu cầu có con, có thể dùng một số thuốc nội tiết để làm giảm các triệu chứng của hội chứng này như kinh không đều, rậm lông … hay ngăn ngừa sự xuất hiện của một số nguy cơ lâu dài sau này. Tuy nhiên sau khi ngưng thuốc các triệu chứng có thể sẽ trở lại như ban đầu.
Nếu bệnh nhân có nhu cầu điều trị vô sinh:
+ Giảm cân đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của phương thức điều trị.
+ Dùng các loại thuốc kích thích sự phát triển nang noãn hiện có trên thị trường như Clomiphene Citrate, Metformine hay các Gonadotrophne. Tùy theo tình trạng của từng người mà bác sĩ đưa ra các phương thức điều trị thích hợp.
Bên cạnh các phương thức điều trị nội khoa, có thể tiến hành mổ nội soi đốt điểm trên bề mặt buồng trứng.
Nguy cơ lâu dài
Hội chứng buồng trứng đa nang về sau có khả năng tăng nguy cơ của một số bệnh:
+ Bệnh tim mạch
+ Tiểu đường
+ Ung thư nội mạc tử cung
+ Cao huyết áp
Tóm lại, buồng trứng đa nang là một hội chứng thường gặp ở phụ nữ vô sinh do không rụng trứng. Triệu chứng của hội chứng này thay đổi rất nhiều tùy thuộc từng bệnh nhân. Hiện nay, nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả đang được áp dụng trong điều trị vô sinh cho những người có buồng trứng đa nang.