Tôi yêu sắc vàng tưởng chừng như không bao giờ phai nhạt của hoa mimosa. Có người từng hỏi tôi ý nghĩa của loài hoa này là gì? Biết trả lời bạn thế nào nhỉ? Chỉ biết rằng trước sắc vàng tình yêu của mimosa thời gian và không gian đã trở nên vô nghĩa.
Không biết rõ loài hoa này có mặt trên xứ sở sương mù này tự khi nào? Có người nói với mình rằng ngay ở nơi rừng già nghìn năm mây phủ, những gốc mimosa già cỗi đã có mặt và thường nằm khép mình bên những triền đồi meo mốc, bên những tảng đá rêu phong nhân chứng của thời gian. Không ai biết đích xác tuổi của rừng thông, cũng không ai chỉ rõ ngày tháng tồn tại của từng gốc cây sù sì của loài hoa mimosa trên xứ sở ngàn hoa này. Chỉ biết rằng cứ thế ngày qua đêm tới đến úa nhàu sợi nắng và bạc thếch âm thanh đêm trường nhưng loài hoa không kiêu sa đài các nhưng cũng không hề dung dị đến mức bình dân. Mimosa với sắc vàng đến ngơ ngẩn hồn ai đó đã hiện hữu như không hề có sự bắt đầu và cũng không hề tỏ dấu hiệu của sự kết thúc.
Sự bất biến tưởng chừng như phi lý của sắc vàng mimosa là như thế! Cứ nhìn màu hoa mimosa vào mùa hoa chín sẽ biết. Thông thường thì với bất kỳ loài hoa nào, khi chín đến độ không thể chín được nữa thì chuyển sang trạng thái úa vàng với sắc màu nhàu cũ để sau đó trở về với đất. Nhưng với mimosa thì khác, hoàn toàn khác. Dĩ nhiên, trong đời thực, loài hoa này cũng không nằm ngoài quy luật sinh ra và mất đi như bao loài hoa khác. Nhưng có điều kỳ diệu là đến tận lúc trở về với đất, sắc vàng ươm chín mọng của mimosa hầu như không đổi. Nói cách khác, khi quan sát, ta dễ nhận ra điều này: Đến tận lúc rời khỏi cuống hoa theo quy luật sinh tồn, sắc màu mimosa vẫn giữ được sự vẹn nguyên thắm vàng của lúa chín mọng. Nhờ vào đâu ư? Vào mùa không hoa, những chiếc lá cánh kép non xanh ấy đã tự làm nên lớp tơ non trắng bạc như thứ sương trời gạn lọc những tinh túy của đất trời nuôi dưỡng những nụ hoa. Khi hoa bắt đầu nở và chín, bọc quanh những nụ xinh tươi vàng ươm là lớp “sương trời” làm lá chắn ngăn chặn mọi tác động xấu từ bên ngoài để sắc thắm của hoa nguyên vẹn với màu vàng rực rỡ. Sắc vàng vì thế mà không đổi.
Mùa hoa mimosa nở, hoa vàng ươm, nhìn thương lắm! Có một điều rất lạ, hầu như không có ở bất kỳ loài hoa nào khác: Sự chín vàng của sắc màu mimosa như thể trường tồn, bất chấp nắng mưa, bất chấp lịch biểu. Rồi nữa, sắc vàng ươm của hoa luôn được nâng niu trong sự lung linh, huyền ảo như sương khói của chính đất trời nơi mà loài hoa này chọn làm đất sống. Và, nếu không có những lung linh huyền diệu kia, nếu không có những khói sương bảng lảng đến mơ hồ ấy, thì sắc vàng của mimosa không thể trường tồn!
Bàng bạc khói sương. Mơ hồ và ảo ảnh như không hiện hữu trong đất trời. Mimosa mùa không hoa chưa bao giờ đẹp đến thế! Và cũng chính vì thế nên vào mùa không hoa, mimosa lại là một loài hoa có sắc màu không lẫn vào đâu được: bàng bạc sương khói, lãng mạn, phong phanh, và cũng rất mơ hồ, ảo ảnh… như chính sự hiện diện cũng không lẫn vào đâu được của loài hoa này trên xứ sở sương mù. Ngày nào mình cũng thấy loại cây này trên đường đi làm, trong sân trường, trước của lớp. Có hẳn một con đường ở Đà Lạt trồng hoa và sở hữu tên của loài hoa này. Dường như cũng có ít nhạc sĩ có nhiều sáng tác hay về loài hoa này. Mình biết có mỗi bài hát này: “ Mimosa từ đâu em đến , mimosa vì sao em đến đất này. Đà Lạt đồi núi trập trùng, Đà lạt trời mây nước mênh mông…”
Yêu thích loài hoa này quá ngay cả khi cây không có hoa nên đã cố trồng thử vài lần nhưng không có duyên hay vì một lý do không hiểu sao vẫn loài hoa vốn dĩ dễ thích nghi này lại không sống được trong chậu cây tù túng ấy.
Mình tin hoa mimosa với màu chín vàng những yêu thương và trường tồn bởi nó biết bắt đầu từ vô hình ảnh của hữu hình- với những bảng lảng sương, bàng bạc sương ở mùa không hoa của mimosa! Và như thế, cái vô hình làm nên khởi phát của cái hữu hình là cần thiết lắm thay! Cũng như vậy, màu trắng bạc tưởng chừng như rất mong manh ấy của mimosa mùa không hoa chính là sự khởi phát của sắc vàng chín của một tình yêu trường tồn, bất chấp thời gian, không gian,…- tình yêu của thiên nhiên với xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.