Mô nha chu ở trẻ em trước tuổi đến trường nhìn chung thường khỏe mạnh, và nếu bị bệnh thì chủ yếu là viêm lợi viền. Một số rất ít trẻ mắc bệnh toàn thân gây mất xương và rụng răng sữa sớm. Quan niệm không đúng khi cho rằng trẻ không bị viêm lợi và không có cao răng.
Viêm lợi ở trẻ em có đặc điểm là có tính hoàn nguyên, ở người trường thành thì không. Viêm lợi ở giai đoạn răng sữa hầu như không ảnh hưởng lên răng vĩnh viễn.
Một số bệnh viêm lợi cấp tính ở trẻ em
Viêm lợi - miệng ở trẻ em
Là tình trạng nhiễm trùng cấp tính do virus Herpes hominis. Thường thấy trên trẻ 2 – 5 tuổi, tuy nhiên cũng có trên trẻ lớn hơn.
Triệu chứng: Trẻ sốt, nhức đầu, suy nhược, đau miệng, khó nuốt và nổi hạch cổ. Sau đó là giai đoạn viêm lợi sưng, đỏ, phù nề trầm trọng. Xuất hiện các mụn nước trên lợi, lưỡi, môi, má và khẩu cái. Mụn nước màu xám, đột ngột vỡ ra sau vài giờ và để lại vết loét màu vàng nhạt rất đau, để lại sẹo.
Điều trị bệnh viêm lợi ở trẻ em
Cho nghỉ ngơi và chế độ ăn nhẹ trong giai đoạn sốt, tránh mất nước. Cho thuốc giảm đâu như paracetamol và chống bội nhiễm vết loét với nước súc miệng (như chlorhexidin), với trẻ nhỏ hơn 6 tuổi nên dùng dạng khí dung hoặc đắp gạc tẩm dung dịch. Trường hợp nặng cho uống acyclovir 200mg, 5 lần/ngày trong 5 ngày. Trẻ dưới 2 tuổi giảm ½ liều.
Khi trẻ có những tiền triệu chứng như sốt, quấy khóc, bỏ ăn và đau miệng khó nuốt. Nên đưa trẻ đến khám tại phòng khám nha khoa sớm nhất để phát hiện và điều trị kịp thời tránh kéo dài sự đau, khó chịu cho trẻ.
Biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất là vệ sinh chăm sóc răng miệng tốt: Đối với trẻ nhỏ còn bú sữa thì ngay sau khi cho trẻ bú xong, nên dùng gạc cuốn đầu ngón tay và làm sạch khoang miệng cho trẻ, động tác cần làm nhẹ nhàng tránh gây buồn nôn dẫn đến nôn, trớ. Đối với những trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ súc miệng và tập thói quen đánh răng hàng ngày.
Và khám răng miệng định kì, trám các lỗ sâu cần thiết để ngăn ngừa bệnh viêm lợi và các bệnh nha chu cấp tính khác.