Tiểu đường là một hội chứng chuyển hóa đặc trưng bởi tăng đường máu, là hậu quả của việc suy giảm bài tiết. Bệnh gây ra những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe như các bệnh võng mạc và bệnh thận; tổn thương đáy mắt, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, lao phổi, hoại tử chi, tổn thương bàn chân…
Theo BS CKII. Đinh Thị Kim Liên, Trưởng khoa dinh dưỡng BV Bạch Mai, chỉ số đường huyết của người bệnh tiểu đường bị ảnh hưởng rất nhiều do chế độ ăn vì vậy hiểu biết và áp dụng một chế độ ăn khoa học là hết sức cần thiết.
Bệnh nhân tiểu đường nên chia khẩu phần thành nhiều bữa để không gây tăng đường huyết sau khi ăn. Phải ăn uống điều độ, đúng giờ, không để quá đói nhưng cũng không ăn quá no. Không nên thay đổi quá nhanh và nhiều cơ cấu cũng như là khối lượng của các bữa ăn.
Khi bị bệnh tiểu đường, người bệnh có thể ăn hoa quả chín (80-100g/lần x 2-3 lần mỗi ngày) nhưng chỉ nên ăn ở dạng miếng, không nên ăn ở dạng xay sinh tố vì làm cho đường hấp thu nhanh hơn. Tuy nhiên, khi ăn hoa quả, người bị bệnh phải giảm lượng cơm đi.
Người tiểu đường nên ăn hoa quả ở dạng miếng
Để kiểm soát tốt glucose máu, giảm thiểu các biến chứng của bệnh, người bệnh cần có một chế độ ăn sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, kiểm soát cân nặng, vận động thể lực thường xuyên, theo dõi diễn biến glucose máu.
Thực phẩm không nên ăn
Người bệnh không nên ăn nhiều đường ngọt, tinh bột, quả ngọt khô, quả ngọt ngâm đường, mứt hoa quả, các loại nước uống có đường mật, nước uống đóng lon, chai sẵn vì những chất này dễ làm tăng glucose máu.
Thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao như xào, chiên, đặc biệt là chiên giòn.
Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.
Thực phẩm nên ăn
Các loại trái cây tươi ít đường như táo, bưởi, cam quýt… là món ăn cung cấp nhiều vitamin tốt cho người bệnh tiểu đường. Mặc dù các loại trái cây có thể cung cấp cho bệnh nhân một lượng đường nhưng đó là lượng đường chậm (tức đường phải qua quá trình tiêu hóa mới trở thành đường hấp thu vào cơ thể)nên sẽ giúp cho lượng đường trong máu không quá cao hoặc quá thấp đồng thời cung cấp chất xơ có ích và chất khoáng chứa vcom kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, các loại hoa quả khác có chỉ số đường huyết (GI) thấp mà người tiểu đường nên dùng là: Xoài: 54GI, mận: 24GI, chuối: 53GI, anh đào: 32GI, nho: 43GI, nước táo không đường: 44GI.
Các nhóm rau củ có chỉ số đường huyết thấp là: Khoai lang: 54GI, cà rốt: 49GI, khoai sọ: 58GI, củ từ: 51GI, sắn: 50GI.
Thực phẩm giàu chất xơ như cám ngũ cốc, rau xanh, các loại họ đậu,… có tác dụng giữ nước, hấp thu axit mật sẽ làm giảm đỉnh cao đường huyết sau khi ăn và có thể kéo dài sự hấp thu của chất đường.
Các loại thịt nạc đặc biệt là thịt bò vì chứa nhiều axit linoleic tổng hợp (CLA) có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hoá lượng đường trong máu, ngoài ra còn có tác dụng chống ung thư.
Các loại cá biển có nhiều axit béo có tác dụng làm giảm đáng kể lượng cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.