1. Bảo vệ chất liệu
Để hạn chế sự cố loang màu hay bụi bẩn cho túi mới, phái đẹp cần xác định xem túi được làm bằng gì và cách bảo vệ chất liệu đó. Một số dung dịch có thể hỗ trợ việc này, ví dụ túi vải nên dùng dung dịch chống thấm nước cho vải (Fabric & upholstery protector) thường sử dụng để bảo vệ ghế salon hay vỏ bọc ghế xe hơi.
Đối với túi da cần xịt bảo vệ da (Leather protector) nhằm chống thấm dầu và nước, giảm thiểu bám bẩn. Cũng có thể sử dụng gel chống thấm nước cho da (Leather gel) hoặc dung dịch sữa bảo vệ chất lượng da (Leather milk) nhằm tăng độ bền đẹp cho túi.
2. Cất túi đúng cách
Chiếc túi sẽ nhanh hỏng nếu bạn thường xuyên ném nó vào đống lộn xộn dưới cùng của tủ quần áo hoặc bạ đâu vứt đấy. Để gia tăng tuổi thọ cho túi, bạn cần cất túi đúng cách, lý tưởng nhất là ở vị trí thẳng đứng trong một chiếc túi bọc (dust bag) hoặc bao gối. Đừng bao giờ bảo quản chúng trong vật liệu nhựa có hơi ẩm bên trong.
Bạn nên nhét khăn quàng cổ, áo len, giấy ăn hoặc miếng xốp đệm bên trong để túi giữ được phom dáng. Tháo dây đeo cất vào trong túi trong trường hợp lâu không sử dụng.
3. Không tẩy vết bẩn bừa bãi
Xử lý vết ố bẩn sai cách càng khiến túi nhanh bị bỏ đi hơn. Bước đầu tiên, bạn cần biết đó là vết bẩn gì, sau đó nghiên cứu phương pháp xử lý. Dưới đây là một số chiêu loại bỏ vết bẩn trên túi phổ biến:
- Vết bẩn thức ăn: Nghiền phấn trắng, rắc lên vết bẩn rồi để qua đêm. Sáng hôm sau dùng một miếng vải sạch chà đi.
- Vết dầu: Rắc bột ngô vào vết bẩn ngay lập tức, chà xát để tạo ra nhiệt từ việc ma sát, giúp thấm dầu nhanh chóng. Phủi bột đi bằng một miếng vải sạch.
- Vết mực: Nếu là vết mực mới, sử dụng một cục tẩy trắng để tẩy đi ngay lập tức, nhưng đừng chà quá mạnh, màu mực dễ loang rộng và bám chặt hơn. Nếu là vết mực đã khô, bạn cần cách xử lý chuyên nghiệp hơn (Xem mục 7). Cục tẩy trắng cũng có ích trong việc loại bỏ một số bụi bẩn.
- Vết nước bẩn: Nếu bị dính bùn đất, nước bẩn, hãy để nó khô tự nhiên, sau đó mang đến cửa hàng giặt tẩy chuyên nghiệp để xử lý.
- Loại bỏ mùi: Đặt một túi chứa đầy bột nở vào trong túi xách hoặc để túi xách vào trong một túi hút chân không 1-2 ngày. Bạn cũng có thể tìm mua giấy khử tĩnh điện dryer sheet và đặt hai tờ vào trong túi một vài ngày.
4. Bảo vệ lớp vải lót
Gói mỹ phẩm và các lọ đựng chất lỏng vào trong một túi riêng trước khi bỏ vào trong túi xách để hạn chế sự cố tràn ra làm ố bẩn và hỏng lớp lót hoặc chảy ra trang phục, giày dép của bạn. Tránh đựng bút hở ngòi vào trong túi, tốt hơn hết hãy đặt trong hộp hoặc túi nhỏ đựng bút, hạn chế mực rò rỉ ra túi xách.
5. Giữ phần kim loại sáng bóng
Tránh để trang sức hay khóa trên trang phục hoặc những vật thể cứng trên xe làm xước kim loại trên túi của bạn. Trong trường hợp chúng bị xỉn và cáu bẩn, phái đẹp nên dùng miếng bọt biển để đánh sạch, chớ sử dụng bàn chải.
6. Bảo dưỡng túi thường xuyên
Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều tiệm bảo dưỡng đồ da. Nếu không có thời gian đến, dưới đây là một số điều bạn nên nhớ để chăm sóc, bảo quản túi da hàng ngày:
- Tránh đặt tay lên túi nếu tay bạn bị bẩn, dính chất lỏng hoặc kem.
- Tránh túi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Sử dụng luân phiên những chiếc túi khác nhau để một chiếc không bị hỏng quá nhanh.
- Dùng bản chải chuyên dụng cho da lộn khi xử lý và phục hồi túi mang chất liệu này.
- Thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm cho chất liệu da để giúp da túi dẻo dai và hạn chế các vết nứt.
- Lau sạch túi hàng tuần bằng miếng vải mềm.
7. Đem túi đến cơ sở chuyên nghiệp
Với cách vết bẩn hoặc hỏng hóc do thời gian khó xử lý, đừng có gắng tự chữa khi bạn không dám chắc nó sẽ hiệu quả. Hãy mang chúng đến cơ sở giặt tẩy hoặc sữa chữa túi chuyên nghiệp. Hầu hết các tiệm sửa giày cũng thực hiện được với túi xách.
Họ sẽ nâng cấp, làm sạch, khôi phục lại màu sắc khi cần thiết. Nếu túi mất chân kim loại ở phía dưới, bạn sẽ được thay thế. Các dịch vụ này dũng sẽ dùng các chất chuyên dụng nhằm loại bỏ bụi bẩn, xử lý trầy xước giúp túi xách mới đẹp hơn.