Bất kỳ người mẹ nào cũng mong muốn con yêu của mình nhận được những gì tinh khiết nhất và tốt nhất từ sữa mẹ. Nhưng vì nhiều nguyên nhân nào đó, người mẹ ít sữa hoặc không có sữa, mẹ phải cho bé bổ sung các chất dinh dưỡng từ sữa công thức. Các mẹ thường chọn cho bé một loại sữa phù hợp với tháng tuổi của bé và có công thức gần giống với sữa mẹ nhất. Không những việc chọn lựa sữa công thức tốt và phù hợp cho trẻ quan trọng mà việc sử dụng sữa công thức như thế nào cho khoa học thì lại càng quan trọng hơn. Dưới đây là 7 điều cần nhớ khi cho bé uống sữa công thức, hãy cùng mecuti.vn tham khảo để có thêm kinh nghiệm chăm sóc bé nhé!
1. Lượng sữa công thức thích hợp
Từ 5 ngày – 3 tháng tuổi, mỗi ngày một em bé khỏe mạnh và sinh đủ tháng sẽ cần khoảng 150ml sữa công thức trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, bé nặng 3 kg sẽ cần 450ml sữa công thức mỗi ngày.
Từ 3 – 6 tháng tuổi, mỗi ngày, bé cần khoảng 120ml sữa công thức cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Từ 6 – 12 tháng tuổi, mỗi ngày bé cần khoảng 90 -120ml sữa/mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Trẻ sinh non cần được uống nhiều sữa hơn. Ban đầu, mỗi ngày, bé thường cần khoảng 160-180ml sữa/mỗi kg trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần có sự hướng dẫn của người có chuyên môn trước khi quyết định mình sẽ làm gì. Nếu bạn lo lắng về sức ăn và mức độ tăng trưởng của bé, những lời khuyên từ bác sĩ là rất cần thiết.
2. Nguyên tắc vệ sinh
Để phòng tránh việc vô tình đưa những tác nhân có hại vào cơ thể bé, bạn nên chú ý vấn đề vệ sinh khi pha sữa.
Trước hết, mẹ hãy rửa tay thật kỹ và đảm bảo khu vực chuẩn bị pha sữa phải sạch sẽ.
Tiếp đến, bạn cần kiểm tra chắc chắn hạn sử dụng của sữa công thức. Chỉ nên sử dụng sữa trong vòng một tháng sau khi mở hộp .
Khi pha sữa, mẹ nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các chỉ số chính xác rất quan trọng để đảm bảo em bé của bạn nhận được đầy đủ dinh dưỡng.
Đun sôi nước sạch và dùng nước mới và không để nước nguội lâu hơn 30 phút trước khi dùng để khuấy sữa công thức. Nước nóng giúp diệt vi khuẩn có thể có trong bột sữa.
Đổ đúng lượng nước sôi quy định vào bình sữa. Tiếp đến, dùng thìa đong đi kèm trong hộp sữa công thức để đo chính xác đúng và đủ lượng bột mỗi lần dùng. Thìa đong của từng loại sữa công thức có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn những sản phẩm của hãng khác nhưng mẹ không bao giờ sử dụng một nửa thìa hay một thìa vun, một thìa nén chặt. Bạn chỉ cần múc 1 thìa sữa đầy, gạt ngang là được. Sau đó, đổ bột sữa vào bình sữa đã chứa sẵn nước lúc nãy, vặn nắp vặn, đậy nắp ngoài rồi lắc nhẹ để hoà tan hỗn hợp.
Mẹ cần đong đúng lượng sữa bột bằng thìa đong riêng mà nhà sản xuất đặt kèm trong hộp sữa
Vi trùng rất dễ sinh sôi trong sữa pha sẵn, nên bạn chỉ nên chuẩn bị sữa ngay trước khi cho bé uống. Không nên pha 2-3 bình để sẵn. Nếu bạn đi ra ngoài trong ngày, cách an toàn nhất là bạn nên trữ nước sôi để nguội và chia lượng sữa bột cần thiết trong dụng cụ chia sữa. Khi cần uống mới pha thành hỗn hợp sữa mới.
Khi hộp sữa đã dùng hết, bạn phải bỏ đi cùng với cả thìa đong đi kèm trong hộp sữa.
3. Làm ấm sữa cho bé
Mẹ nên lưu ý không bao giờ ấm bình sữa trong lò vi sóng. Lò làm sữa nóng lên không đều, có thể tạo nên những phần sữa quá nóng gây phỏng miệng bé.
Bạn có thể làm ấm bình sữa bằng cách ngâm trong 1 cái chậu chứa nước nóng khoảng 10 phút. Ngoài ra, trước khi cho con uống, bạn nên kiểm tra độ nóng của sữa bằng cách nhỏ một ít ra mặt trong cổ tay bạn. Nếu nó quá nóng, bạn có thể làm mát bình sữa bằng cách để dưới vòi nước mát đang chảy hoặc ngâm trong trong một cái chậu nhỏ chứa nước mát. Nhớ kiểm tra lại độ nóng trên cổ tay của bạn trước khi cho bé uống.
4. Thay đổi loại sữa
Mỗi khi chuyển sang dùng một loại sữa mới, mẹ cần đọc lại cẩn thận cách hướng dẫn nếu bạn thay đổi loại sữa công thức đang dùng, để đảm bảo bạn đong đúng lượng nước và bột định lượng riêng của loại sữa đó.
5. Không bao giờ dùng lại sữa thừa
Mẹ nên ghi nhớ, dùng 1 bình sữa hoàn toàn mới cho mỗi lần bú và vứt bỏ lượng sữa thừa khi bé bú không hết. Không bao giờ tích trữ lượng sữa thừa trong bình để dùng lại lần sau, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé vì lượng sữa này có thể đã nhiễm khuẩn.
6. Không pha trộn thêm thức ăn khác
Không thêm các thực phẩm khác, chẳng hạn như ngũ cốc vào trong bình sữa… Nếu bạn nghĩ rằng em bé cần được ăn nhiều hơn khuyến cáo, nên tìm gặp người có chuyên môn để được tư vấn.
7. Thưởng thức cùng con
Bữa ăn là thời gian mọi người ở và giao tiếp cùng nhau. Cũng như người lớn, trẻ em và cả các bé sơ sinh đều thích nói chuyện khi chúng đang được “ăn”. Khi mẹ cho bé dùng sữa công thức, ẵm sát bé vào người, để bé nhìn thấy mặt bạn và thì thầm to nhỏ cùng bé. Điều này sẽ là một trải ngiệm rất thú vị cho cả 2 mẹ con.
Sau đó, bạn cần cất bình đi ngay sau khi bé đã bú đủ. Tuyệt đối không để bé tự bú bình một mình và bỏ đi để bé tự xoay sở. Điều này rất nguy hiểm vì bé có thể bị nghẹt thở. Về lâu dài, bé còn có nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa và sâu răng.