Chống nhiễm khuẩn: Củ hành có tính kháng khuẩn rất tốt. Tác dụng thanh trùng đường hô hấp của hành tím rõ nét nhất khi dùng dưới dạng ăn sống hay trộn dầu giấm. Nhai củ hành sống tuy khó chịu nhưng là biện pháp hữu hiệu để thanh trùng vùng họng bằng cách mượn cơ chế chảy nước mũi, trào nước mắt để tống các tạp chất bám trên niêm mạc đường hô hấp ra ngoài.
Ảnh: Thái Nguyên
Tăng cường hệ miễn dịch: Chất flavonoids tìm thấy trong hành tím hoạt động như một chất chống ô xy hóa có tác dụng ngăn chặn các khối u hình thành và phát triển, đồng thời thúc đẩy khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tốt cho gan, tim: Củ hành có chứa một lượng lớn lưu huỳnh nên là thực phẩm đặc biệt tốt cho gan. Ăn khoảng nửa củ hành mỗi ngày có tác dụng hạ mức độ cholesterol xấu LDL, ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ
Ngừa thiếu máu, giảm viêm: Do chứa lượng sắt dồi dào nên tiêu thụ hành tím có thể giúp đối phó với chứng thiếu máu. Một số nghiên cứu cũng cho thấy gia vị này có tác dụng giảm các triệu chứng viêm khớp và gút rất hữu hiệu.
Ngừa ung thư: Hợp chất quercetin tìm thấy dồi dào trong hành tím đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết. Fructo-oligosaccharides trong hành kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi trong ruột kết và giúp giảm nguy cơ phát triển khối u ở ruột kết.
Ổn định huyết áp, giảm sốt: Củ hành có tác dụng giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên. Ngoài ra, nó cũng làm loãng máu, đánh tan các cục máu đông và lọc máu ra khỏi các chất béo không lành mạnh. Mỗi khi bị sốt hoặc cảm cúm, ăn hành tím có thể giúp hạ sốt và giảm các triệu chứng cảm, do vị hăng của hành thúc đẩy lưu thông máu và tăng tiết mồ hôi.
Giúp xương khỏe: Trong hành chứa các hợp chất có thể ngăn ngừa các hoạt động phá vỡ xương, nên nó đặc biệt có lợi cho những phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương sau thời kỳ mãn kinh.