Nôn trớ là một triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ thì việc nôn trớ càng thường xuyên diễn ra. Chính vì vậy, đa phần các bà mẹ thường lơ là và bỏ qua hiện tượng này.
Thông thường, nó có thể chỉ là một triệu chứng đơn giản nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm như viêm màng não mũ hay là một bệnh lý phức tạp như rối loạn về chuyển hóa, mà nếu không đủ kiến thức và chuyên môn chúng ta rất khó nhận biết.
Nôn trớ là hiện tượng tống thức ăn chứa trong dạ dày ra ngoài do co bóp của cơ hoành, cơ bụng và cơ trơn của dạ dày. Còn ợ lại là một hiện tượng mà một lượng nhỏ thức ăn từ dạ dày được bắn ra ngoài do sự co bóp của thành dạ dày.
Nguyên nhân nôn trớ ở trẻ em:
Có thể chia làm 2 loại: nguyên nhân theo độ tuổi và nguyên nhân theo bệnh tật tại cơ quan.
Nguyên nhân theo độ tuổi có thể phân thành 3 thời kỳ: bú mẹ, niên thiếu và thanh niên.
Ở trẻ sơ sinh, có tới 20 – 50% trẻ bị nôn trớ sinh lý sau ăn và thường tự khỏi khi bé 6 – 12 tháng tuổi. Những trường hợp nôn trớ khác xảy ra trong thời kỳ bú mẹ này thì thường là do dị tật bẩm sinh và rối loạn về chuyển hóa (như viêm dạ dày ruột cấp, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn nhu động thực quản, rối loạn về chuyển hóa, tăng sản thượng thận bẩm sinh, nhiễm trùng, viêm ruột thừa, nghẽn ruột, lồng ruột, xoắn ruột, …).
Tuy nhiên cũng có trường hợp do người lớn chăm sóc không đúng cách như cho bé ăn quá nhiều, cho ăn thức ăn đặc quá sớm, cho ăn loại thức ăn khó tiêu hóa hoặc thay đổi thức ăn hay môi trường đột ngột gây cho bé sự lo lắng, sợ hãi cũng dẫn đến hiện tượng nôn trớ.
Ở thời kỳ niên thiếu, nôn trớ thường do những bệnh có tính hệ thống gây ra như viêm họng do liên cầu, đái tháo đường, viêm gan, viêm tụy, bệnh của túi mật, u nang buồng trứng, ...
Vào thời kỳ thanh niên, nôn trớ chủ yếu chỉ là do những rối loạn về ăn uống, lối sống, nhiễm trùng vùng chậu hay thai nghén.
Nguyên nhân theo bệnh tật tại cơ quan thì được xem xét bệnh lý ngay tại đường tiêu hóa hay ngoài đường tiêu hóa.
Bệnh lý tại đường tiêu hóa thường là do dị tật bẩm sinh, tắc ruột hay do viêm nhiễm như viêm ruột thừa, viêm tụy, viêm dạ dày, viêm ruột do nhiễm trùng...
Bệnh lý ngoài đường tiêu hóa đa phần là ở hệ thần kinh (u não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, viêm màng não, xuất huyết não màng não...), tai mũi họng (viêm họng, rối loạn tiền đình..), hoặc rối loạn chuyển hóa (tăng/giảm natri máu, tăng urê máu...), cũng có khi chỉ là xúc cảm do say tàu xe...
Thăm khám
Chính vì nguyên nhân gây nôn trớ rất rộng và đa dạng như trên, nên công tác thăm khám cũng cần phải cẩn trọng hết sức, trước tiên là phải quan tâm đến tiền sử bệnh của bệnh nhân cũng như gia đình bệnh nhân. Tiếp đến khoảng thời gian từ khi ăn cho đến khi nôn, số lần nôn trong ngày, chất nôn (máu, mật, thức ăn..), số lượng mỗi lần nôn; những triệu chứng kèm theo, đặc tính của phân và nước tiểu, một vài chấn thương hay một vài vấn đề như giảm cân, sốt,...
Ngoài ra, nên khám kỹ tình trạng bụng, đồng thời chú ý đến vùng khác như hệ hô hấp, tiết niệu sinh dục, dấu hiệu thần kinh, những dấu hiệu mất nước và rối loạn điện giải, xem xét các dấu hiệu ở da cũng như khám tai mũi họng và soi đáy mắt.
Tùy theo lứa tuổi của bệnh nhân và tình trạng nôn trớ, có thể chọn lựa hình thức chụp Xquang, hay siêu âm để giúp cho việc chẩn đoán thêm rõ ràng, chính xác.
Xét nghiệm
Nôn trớ ở trẻ em là một trong những bệnh lý gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lo lắng cho phụ huynh, nhất là khi bé nôn dữ dội và liên tục, dẫn đến việc cơ thể không dung nạp thuốc, nước, lẫn thực phẩm. Với những trường hợp như thế, việc xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và phân cũng như chẩn đoán hình ảnh là điều kiện tiên quyết để hỗ trợ xác định các bệnh nhiễm trùng cũng như các rối loạn thứ phát như rối loạn nước - điện giải, …
Xử trí
Tùy thuộc vào mức độ nôn trớ mà có những cách xử trí khác nhau. Đa số những trường hợp nôn có tính chất nội khoa thì nôn sẽ chấm dứt trong vòng 8-12 giờ nếu xử trí đúng. Cách xử trí đúng trong trường hợp này là cắt tạm thời nguồn gây nôn như sữa, thực phẩm, và chú ý bù nước-điện giải. Lưu ý không tự ý cho bé uống thuốc chống nôn khi chưa rõ nguyên nhân.
Với những trường hợp nôn trớ do nguyên nhân bệnh lý thì phải dùng kháng sinh để điều trị hoặc phải phẫu thuật kịp thời.
Việc chăm sóc trẻ nôn trớ luôn đòi hỏi sự quan sát thật tỉ mỉ, vì trẻ bị nôn có thể xảy ra những tai biến tức thời như sặc chất nôn làm cho trẻ ngưng thở hay viêm phổi, xẹp phổi,... Ngoài ra trẻ còn có thể bị hạ đường huyết hay rối loạn nước điện giải nên cần đặc biệt lưu ý về tư thế của trẻ nhất là sau khi ăn và trong khi nôn.