Vợ chồng nhà thiết kế Đức Hùng. Toàn bộ những thông tin về cặp nghệ sỹ nổi tiếng.
Chia sẻ của anh về sự nghiệp và gia đình:
Những nỗi đau thời trang
- Trong những đồng nghiệp song hành cùng anh trên con đường sáng tạo của thời trang, anh có ấn tượng nhất với gương mặt nào?
- Khen thì dễ lắm, mà chê còn dễ hơn, bởi vì thật ra thì cũng chỉ là quan điểm cá nhân của từng người. Đối với tôi gương mặt ấn tượng của ngành thời trang Việt là nhà thiết kế Sỹ Hoàng, anh ấy đã chuyển tải được cái gọi là tính dân tộc. Theo tôi thì tận cùng của dân tộc cũng chính là nơi chạm vào thế giới.
- Thế còn các gương mặt trẻ thì sao? Anh tin cậy và hy vọng vào ai?
- Tôi thích Kelly Bùi, được đào tạo bài bản, có kiến thức, các mẫu thiết kế đều có tính sang tạo cao.
NTK Đức Hùng
|
Các giải thưởng có thể cho bạn trẻ một bệ phóng thuận lợi nhưng không phải đó là tất cả đâu. Nhà trường có cung cấp cho các bạn một tư duy thật sự về việc: Thế nào là thời trang? Thế nào là nhà thiết kế thời trang? Công việc của sự sang tạo sẽ cần những tố chất gì?
Làng thời trang bây giờ nhìn ra xung quanh toàn thấy sự lười biếng, ăn sẵn. Lật giở các catalog (cả in ấn lẫn đăng tải trên báo chí và các trang mạng), thấy mẫu của nhà thiết kế thế giới, thế là cử người làm luôn, dập 100% không cần thay đổi một chút xíu gì, một chi tiết nào. Làm như thế mà đến lúc người ta phát hiện ra còn cãi chày cãi cối.
- Quả thật, cái tên NTK Đức Hùng chưa khi nào dính dáng đến một vụ scandal “nhái” nào. Nhắc đến Đức Hùng, mọi người thường nghĩ ngay đến áo dài, mặc dù anh mới làm áo dài từ năm 2007 tới nay. Theo anh thì vì sao lại thế? Và nếu để anh tự nhận xét, anh thấy đâu mới là thế mạnh của mình?
- Tôi mới làm áo dài thật và cũng không nghĩ là lại thành công với áo dài đến thế. Có lẽ mọi người ấn tượng có lẽ bởi vì yếu tố chính là tôi đã không “phá nát” cái áo dài dân tộc ra mà sáng tạo cái mới và đưa tính chất cá nhân của mình vào nhưng vẫn trên nền móng tôn trọng yếu tố dân tộc. Như trên đã nói, ý thức được về nơi tận cùng của tính dân tộc thì sẽ chạm vào được sự mở ra vô cùng của thế giới.
Ngoài áo dài ra thì tôi cũng làm rất nhiều đồ dạ hội cho các hoa hậu, từ những gương mặt mới đi thi cho đến các người đẹp đã mang vương miện. Tôi đã song hành với nhiều hoa hậu từ những năm 1980 – 1982 như: Vi Thị Đông, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy, Trần Thị Quỳnh, Ngô Phương Lan, Thùy Dung, Triệu Thị Hà…
Sang năm 2012, có thể tôi sẽ công bố một bộ sưu tập rất phá cách, hoàn toàn chỉ để thỏa mãn cái thú sáng tạo của mình, với các chất liệu rất lạ như: kính, kim loại…
Không tô hồng cho hạnh phúc riêng
- Suốt ngày làm việc với hoa hậu, người đẹp thế, vợ anh có ghen không?
- Chuyện ghen thì ít vì vợ tôi hiểu nghề nghiệp và cũng tin tưởng tôi. Nhưng không phải không có sóng gió. Hồi mới lấy nhau, trong vòng năm năm đầu, nhiều lúc cảm giác sẽ phát điên lên được. Hồi đó cứ nghĩ hôn nhân mà thế này thì như địa ngục, thế này thì chết chứ sống sao nổi. Nói là ngày nào cũng cãi cọ xích mích thì quá đáng nhưng tuần nào cũng có. Đến mức không thể giãi bày được hết với bạn bè người thân, ngay cả khi đến cầu xin nơi cửa Phật tôi cũng chỉ chắp tay vào lậy mỗi một điều là xin cho vợ chồng con được bình yên, con không hiểu tại sao con yêu cô ấy thế mà chúng con vẫn cứ cãi nhau. Không thể có câu trả lời được.
Thế rồi cuối cùng mọi chuyện cũng qua đi. Chắc là do ông trời thương mình. Hoặc là theo năm tháng thì vợ chồng cũng tự hiểu ra nhiều chuyện rồi là tự điều chỉnh, tự chấp nhận những cái xấu của nhau. Là con người thì ai mà hoàn thiện được.
Tôi không tô hồng cho hạnh phúc của mình, không giấu bạn bè người thân những chuyện xích mích của hai vợ chồng. Tôi quan niệm nếu cứ gồng mình lên, tỏ ra sạch sẽ tinh tươm thì chính là mình đang tự tạo ra một cái vỏ bọc cho mình, thế rồi chính mình lại phải mệt mỏi, bức xúc, đối phó với chính cái vỏ bọc giả tạo đó, âm thầm chịu đựng một mình, xong rồi nó cứ như cái ung nhọt lâu ngày càng lúc càng sưng tấy lên, đau đớn không chịu được. Mà đến một lúc nào đó nó vỡ ra thì ôi thôi bao nhiêu là thối rữa sẽ bung ra một lúc.
Vợ của người chuyên làm việc với người đẹp cũng không thua kém về sắc nếu sánh với các hoa hậu
|
Vợ chồng mà không cãi cọ xích mích thì chỉ có một là giả tạo hai là chán nhau quá chẳng thèm nói gì đến nhau nữa thôi. Mà khi đó thì tín hiệu chia tay sẽ rất… sáng. Nói ra với bạn bè người thân xong mình có cảm giác được giải thoát khỏi tâm trạng ấm ức, bức xúc. Thế là tự nhiên thấy vui vẻ, trở về nhà có khi lại cất lời xin lỗi trước. Tôi hay làm lành trước lắm.
- Khó ai ngờ anh chàng lãng tử phố cổ lại có thể “điều hành” gia đình tốt đến thế?
- Ngoài gia đình nhỏ, tôi còn có cả một đại gia đình với 6 cặp vợ chồng, gồm có tôi, vợ tôi, hai con tôi và 5 bà chị gái cùng 5 ông anh rể và gia đình của họ, gần chục cặp vợ chồng các cháu một đàn chắt nữa. Cho đến giờ đã có hơn chục cháu gọi tôi là ông trẻ.
Cả một tập thể đông đúc ấy luôn sum vầy bên nhau, trên mảnh đất Hà Nội này, nơi chúng tôi đã sinh ra, lớn lên và giờ thì được cống hiến cho nó, mà không một ai trong cả đại gia đình phải có cảm giác ly hương. Các gia đình nhỏ cứ loanh quanh người thì Hàng Đậu, người Hàng Bún, người Hàng Vôi, người Yên Phụ, có thể đi bộ sang nhà nhau được…
Nói thật là ngày 29, 30 Tết thì gần 100 con người lại hội tụ quây quần rôm rả, chúc tụng, nói cười… đủ mặt từ ông già bà cả, như bà chị tôi đã xấp xỉ bát tuần, đến các cháu dâu cháu rể, và đàn trẻ con lít nhít. Đó mới là điều mà người khác cho dù có tiền tỉ cũng không mua được.
NTK Đức Hùng chia sẻ: 'Tôi nói thực, nếu chụp ảnh khỏa thân mà trái đất ngừng nóng lên thì tôi, một người đã 43 tuổi, cơ thể không đẹp như người mẫu cũng sẵn sàng chụp ảnh nhưng vấn đề là bạn làm như vậy đâu mang lại hiệu quả, lợi ích thực sự?'.
- Thật ngại khi anh đến buổi hẹn sớm quá… Tôi vốn quen với việc các nghệ sĩ thì hay trễ giờ…
- Thực ra là tôi đến đúng giờ còn bạn đến trễ (cười). Đùa một chút thôi, tôi cho rằng đến đúng hẹn là cách ứng xử cần có của một người văn minh. Ngoài ra, có lẽ, cũng may tuy tôi là nghệ sĩ nhưng hàng ngày làm việc trong môi trường nhà nước nên tôi đã rèn được thói quen tốt là đúng giờ. Tôi thấy nhiều người dường như có thiện cảm với tôi hơn vì sự đúng giờ này.
- Tôi vẫn tưởng anh là NTK tự do, anh làm việc trong “môi trường nhà nước”, cụ thể là môi trường nào vậy?
- Tôi hiện là trưởng đoàn của nhà hát múa rối Thăng Long. Nhiều người đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết tôi vừa là nhà thiết kế, vừa làm trưởng đoàn múa rối vì họ cho rằng hai công việc đó chẳng có gì liên quan. Tuy nhiên tôi thì luôn coi thời trang và múa rối là hai bàn tay của mình. Tôi nghĩ, bất cứ ai, nếu đủ sức, đủ tâm thì nên làm nhiều nghề. Đôi khi tự tạo ra áp lực cho mình, làm cho cuộc sống của mình bận rộn thì bạn sẽ cảm thấy những giờ phút giải lao, thư giãn có giá trị hơn nhiều, đúng không.
- Có người nói Đức Hùng chảnh, Đức Hùng đanh đá, có người lại khen anh dễ gần, vậy cuối cùng, anh là người như thế nào?
- Cả ba nhận xét trên đều đúng nhưng còn thiếu từ “rất”. Tôi rất chảnh, rất đanh đá, rất dễ gần (cười). Đùa vậy thôi chứ đó là nhận xét của mọi người còn cá nhân tôi, tôi thấy mình là người sống biết điều hay nói vui là “nhạc nào tôi cũng nhảy được.”
- Anh có nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ không?
- Đó là một trong những tài sản giá trị nhất của tôi.
- Người ta nói, nghệ sĩ thường ít phục nhau và không có tình bạn thật trong giới showbiz vốn đầy rẫy thị phi, vậy tại sao anh coi đó là tài sản của mình?
- Tôi nghĩ trong mỗi con người đều có mặt tốt, mặt xấu và nghệ sĩ cũng vậy. Tôi thường ví nghệ sĩ như viên ngọc và ngọc nào cũng có tì vết huống chi con người. Quan điểm trong quan hệ của tôi là chỉ nhìn vào những mặt tốt để sống, làm việc và hợp tác còn những điều xấu thì tôi không đủ thời gian để bận tâm.
- Là người từng tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc với nhiều vai trò khác nhau, anh thấy sao khi nhiều ca sĩ dù đoạt giải nhưng vẫn chưa thể thành ngôi sao ca nhạc?
- Đoạt giải thưởng trong một cuộc thi là rất khó và vì thế khi bạn đoạt giải nghĩa là bạn có tài năng nhưng để tài năng đó tỏa sáng và bạn trở thành ngôi sao trong lòng công chúng thì tài năng thôi là chưa đủ. Theo tôi, bên cạnh tài năng, một nghệ sĩ còn cần nhiều yếu tố để thành “sao” ví như phông văn hóa, cảm nhận về con người, cuộc sống, cách đối nhân xử thế… Đừng bao giờ mơ thành “sao” nếu trong con người, tâm hồn bạn không có hình ảnh của những người đã dìu dắt và giúp đỡ bạn.
- Nhân nói về “sao”, anh nhận xét thế nào về xu hướng chụp hình nóng, hình khỏa thân của các người mẫu hiện nay?
- Các cụ xưa có câu: “Đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” nhưng dưới con mắt của tôi, người mẫu thì tất nhiên đã quá đẹp và vì thế không cần phô người ta cũng biết. Mỗi người có một cách nghĩ, một cách thể hiện nhưng tôi ví dụ, một cô người mẫu nổi tiếng hay một anh người mẫu đã có danh thì càng không cần thiết trút bỏ “xiêm y” bất kỳ vì mục đích gì. Tôi nói thực, nếu chụp ảnh khỏa thân mà trái đất ngừng nóng lên thì tôi, một người đã 43 tuổi, cơ thể không đẹp như người mẫu cũng sẵn sàng chụp ảnh và tôi tin nhiều người khác cũng vậy. Tuy nhiên vấn đề là bạn làm như vậy đâu mang lại hiệu quả, lợi ích thực sự? Tôi nghĩ rằng nên làm cái gì đó thực tế, cụ thể hơn, thực sự có ích, chứ đừng mượn danh “vì cộng đồng”, “vì môi trường” hay “vì xã hội” để “cởi đồ”.
- Gần đây, giới showbiz có mốt làm từ thiện và hình như anh cũng không phải ngoại lệ…?
Đức Hùng bên vợ và hai con gái.
- Nếu mọi người cho rằng nghệ sĩ chúng tôi đang chạy theo “mốt làm từ thiện” thì tôi thật lòng khuyên các bạn rằng nên cùng chúng tôi chạy theo “mốt từ thiện” chứ đừng chạy theo “mốt thời trang.”
- Dường như anh ít khi nói về gia đình?
- Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng tôi khắc khẩu, thi thoảng cũng cãi nhau nhưng sau đó, khi mọi chuyện qua rồi thì tôi thấy những mâu thuẫn, xung đột cũng chỉ là gia vị cho cuộc sống và giúp vợ chồng càng hiểu nhau hơn.
Tôi có hai con gái ngoan ngoãn và chăm học. Tôi thấy mãn nguyện với cuộc sống của mình dù không dám nhận mình là người hạnh phúc. Cuộc sống hôm nay bình yên nhưng ngày mai có thể bão tố nhưng quan trọng là chúng tôi đủ bản lĩnh để cùng vượt qua khó khăn.
- Vợ anh có bao giờ ghen vì chồng tiếp xúc với toàn người đẹp?
- Vợ tôi là người tự tin, cô ấy biết mình là ai, phải làm gì. Mối quan tâm lớn nhất của cô ấy là hai con và gia đình chứ không phải những “bóng hồng” xung quanh chồng.
- Anh là nhà thiết kế, nghệ sĩ, cử nhân văn hóa, trưởng đoàn múa rối và còn đang học thạc sĩ, anh có thấy mình quá tham lam không?
- Đôi khi tôi không biết ngày mai sẽ làm gì (cười). Tôi không phản đối khi bạn gọi tôi là “người tham lam” nhưng tôi nghĩ, trong cuộc sống, dù đi hay chạy thì ai rồi cũng phải tới đích. Giữa cuộc sống nhiều áp lực, bề bộn, tôi tìm cho mình một cách giải tỏa đơn giản đó là đi học. Tôi rất thích tới lớp bởi mỗi lần đến lớp, tôi lại thấy mình trẻ lại, cũng vui khi được nghỉ sớm hay lo lắng trước giờ thi… Lúc ấy tôi thấy mình chẳng khác gì cô con gái ở nhà.
- Phải chăng anh giữ ý định học thêm nữa?
- Nếu có điều kiện, tôi muốn học lên tiến sĩ.
(St)