Lan Hương đã quyết định tiếp tục làm việc khi có đứa con thứ hai. Vì thế, chị buộc phải giải bài toán rắc rối trong việc sắp xếp tất cả các hoạt động trong cuộc sống của chị lại cho khớp với nhau, bao gồm: thời gian đi làm, lúc về nhà, chăm sóc con cái, lo cho gia đình và chăm sóc sức khoẻ cho riêng mình. Chị muốn thành một người đảm đang và đứa con nhỏ của chị được ưu tiên hàng đầu trong toàn bộ kế hoạch.
TÌNH HÌNH CÔNG VIỆC CỦA CHỊ
Tất cả đồng nghiệp và cấp trên của Lan Hương đều là đàn ông. Chị sợ họ sẽ phật ý về việc chị nghỉ dài ngày trước hoặc sau khi sinh. Tôi đã khuyên chị nên báo với cấp trên là chị đã có thai và nên định với họ một thời gian nào đó trong vòng 3 tháng tới để cùng bàn tính khi nào chị có thể nghỉ được và khi nào chị có thể đi làm lại. Tôi cũng khuyên chị nên bảo đảm việc ăn uống của mình để có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng mà chị cần để tiếp tục làm việc trong khi đứa con trong bụng tiếp tục phát triển. Chị cũng sẽ cần nghỉ ngơi thêm và do đó, nếu có thể được, chị nên ngủ trưa vào mỗi đầu giờ chiều hay là tối thiểu nghỉ ngơi đôi chút với đôi chân gác lên cao (do phải ngồi làm việc lâu).
KHI NÀO THÔI CÔNG VIỆC?
Không bao giờ có hai kỳ thai nghén giống nhau, vì vậy Lan Hương không thể biết trước được lần này chị sẽ ra sao. Tôi khuyên chị không nên tiếp tục làm việc quá tuần thứ 32 của thai kỳ, tuy vậy, chị vẫn có thể sắp xếp để tiếp tục làm việc nếu chị cảm thấy còn khoẻ.
KHI NÀO ĐI LÀM LẠI
Đây là quyết định phức tạp hơn, vì có quá nhiều vấn đề cần được cân nhắc. Chu kỳ kinh nguyệt của Lan Hương chỉ mất 3 tháng để trở lại mức bình thường trong khi cơ bắp và các cơ quan nội tạng cần thời gian lâu hơn. Tiến trình tổng cộng phải mất một năm. Lan Hương buộc phải lập kế hoạch đặc biệt để cho con bú nếu chị muốn đi làm lại trước khi con chị được 4 tháng tuổi. Bởi chị muốn cho con bú sữa mẹ nên phải vắt sữa ra để sẵn trong tủ đông. Lan Hương sẽ cần có thời gian để dự trữ sữa của mình, rồi sau đó cần thêm 6 tuần nữa để con của chị làm quen với việc bú bình.
Tôi đề nghị chị có thể chọn một ngày tạm thời để chị trở lại làm việc, dặn chị ghi nhớ là cơ thể chị có thể khác đi sau khi sinh xong và chị nên hỏi ý kiến bác sĩ khi sắp đến ngày đi làm lại.
CHỌN MỘT NGƯỜI CHĂM SÓC BÉ
Khi chọn một người chăm sóc bé, chị sẽ cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng các lựa chọn có sẵn, thí dụ các nhóm trẻ gia đình, người giữ em, người vú em làm ban ngày, cho tới khi nào chị tìm ra được một người chăm sóc thích hợp nhất cho bé.
THU XẾP THỜI GIAN
Một khi chị đã đi làm trở lại đồng thời phải hoàn thành đủ các việc coi sóc nhà cử, săn sóc gia đình và nuôi bé sơ sinh, Lan Hương khi ấy sẽ cảm thấy rằng thì giờ quả thật rất quí giá và cảm thấy chị không đủ thời gian lo liệu hết các công việc.
Hằng ngày chị phải có một khoảng thời gian ở riêng với em bé và Jack - đứa con trai đầu lòng của chị - cũng cần được trấn an nhiều trong giai đoạn này. Phương cách tốt nhất cho Jack là dành cho nó một ít thời gian ở riêng cùng chị để nó không cảm thấy bị bỏ quên. Lan Hương còn muốn dành thời gian cho chồng mình, anh Khải, để tình vợ chồng vẫn êm đềm tốt đẹp. Ngoài ra, chị và Khải, lúc có cũng như không có các con, cũng muốn dành thời gian cho chính mình, ngay cả chỉ cần một tuần được rảnh một giờ thôi. Có rất nhiều bà mẹ cảm thấy mình có lỗi khi dành thời gian cho riêng bản thân, nhưng thật ra việc đó rất cần thiết để người mẹ được thư giãn và hạnh phúc.
ĐỊNH RA MỘT NỀ NẾP THƯỜNG NHẬT
Tôi nói rằng Lan Hương sẽ cảm thấy đỡ bị bối rối hơn và những người còn lại trong gia đình cũng sẽ cảm thấy sung sướng hơn nếu ngày giờ của họ được quy định rõ ràng. Thí dụ: thời gian của Lan Hương dành cho bé là khi đi làm về. Chị có thể nhờ Khải hoặc con trai đem cho mình một ly nước mát, và để chị thoải mái một thời gian ngắn. Sau đó, họ để Lan Hương ở lại với bé rồi đi chỗ khác. Thời gian của chị đặc biệt dành cho đứa con trai lớn là giờ đi ngủ, lúc ấy có thể chị đọc truyện cho nó nghe và lắng nghe con mình kể lại chuyện trong ngày của nó. Sau đó, chị và Khải có thể cùng nhau dùng bữa tối và trò chuyện trước khi bé đòi bú cữ ban đêm.
NẶN BỚT SỮA RA
Yếu tố chính để duy trì được một nguồn sữa mẹ tốt là lấy bớt sữa của chị ra, một là bằng cách cho bé bú, hai là vắt bớt sữa ra. Nguồn sữa tồn trong hai vú sẽ làm tiết chế việc sản xuất sữa và nguồn cung cấp sữa đó cũng nhanh chóng bị giảm đi. Lan Hương cảm thấy chắc chắn sẽ có đủ nguồn sữa để chị có thể vắt bớt ra một số, ngay sau khi đã cho bé bú để chị có thể từ từ trữ được đủ lượng sữa dùng cho lần sau.
TẠI CƠ QUAN
Chị thấy căng sữa hai lần trong ngày, vì vậy chị phải dành thời gian để vắt bớt sữa ra khi làm việc tại sở.
Lan Hương nói với tôi chị dự định dùng dụng cụ vắt sữa và mặc dù trong công ty của chị toàn là nam giới, nhưng cũng có một phòng vệ sinh với tiện nghi dành cho nữ để chị có thể vào đó mà nặn lấy sữa của mình, rồi sau đó cho vào tủ lạnh của công ty đến khi chị về nhà vào buổi chiều tối. Như vậy có một số vấn đề chị cần lưu ý: các bình chứa sữa đều phải được khử trùng và sữa không thể giữ quá 48 tiếng trong tủ lạnh (nếu chứa trong tủ đông thì được hơn 6 tháng).
Trong lúc Lan Hương suốt ngày làm tại sở, người chăm sóc bé có bổn phận rã đông số sữa của chị nặn ra mỗi ngày. Để nhanh chóng rã đông, ta có thể ngâm bình sữa trong nước ấm cho sữa trở lại nhiệt độ bình thường. Lượng sữa dư ra cần được đổ đi chứ không nên cho bé dùng lại.
CON CỦA LAN HƯƠNG
Khi người mẹ đang đi làm thì bé cũng sẽ phải tự điều chỉnh cho hợp với nề nếp hằng ngày.
- Bé sẽ được bú bình (sữa này Lan Hương đã nặn sẵn trước cho bé). Bé sẽ thấy dễ bú bình hơn nếu bé làm quen với cách này trước khi bé được 5 tuần tuổi.
- Nếu bé cứ từ chối không chịu bú bình, hãy thay núm vú khác cho bé
- Sáu tuần trước khi Lan Hương đi làm trở lại, bé sẽ không được bú mẹ ban ngày. Từ lúc ấy trở đi, mỗi lần bé bú vào ban ngày, bé sẽ được bú bằng bình cho đến khi quen được với cái bình sữa.
- Bé cũng sẽ chấp nhận một người lạ chăm sóc cho bé suốt ban ngày trong lúc mẹ bé làm ở cơ quan
- Bé sẽ quen thuộc với người chăm sóc bé, người mà từ lúc này sẽ trở nên quan trọng trong cuộc sống của bé. Nhưng cũng không ảnh hưởng đến mối dây ràng buộc của bé với cha mẹ của mình.
- Thời gian mà bé thích thú nhất là lúc Lan Hương đi làm về, lúc đó ngực mẹ bé đang căng đầy sữa và bé sẵn sàng được thưởng thức nguồn sữa thật ấm áp từ cơ thể của mẹ.
- Bé sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mẹ bé suốt đêm ở với bé và sẽ rất tỉnh táo vào ban đêm.
NGỦ CHO ĐỦ
Ngủ cho đủ giấc vào ban đêm là một trong những ưu tiên hàng đầu của bạn trong giai đoạn cuối thai kỳ.
Mặc dù rất muốn ngủ đủ 8 giờ đồng hồ ban đêm, nhưng bạn cũng có thể bị chứng mất ngủ gây bực dọc bởi vì trong khi biến dưỡng của cơ thể bạn bị chậm lại thì sự biến dưỡng của thai nhi cứ tiếp tục diễn ra suốt đêm. Nếu bạn không ngủ được, hãy thử một số phương pháp để giảm bớt đi sự khó chịu này.
- Tắm bằng nước ấm (không phải nước nóng) trước lúc đi ngủ sẽ giúp cho bạn được thư giãn và sau đó khiến bạn buồn ngủ và hết căng thẳng.
- Một món uống nóng có thêm sữa (hoặc sữa nóng) cũng giúp bạn dễ buồn ngủ. Bạn cũng nên đọc sách, nghe nhạc nhẹ hoặc xem các chương trình dở tệ trên ti vi để gây buồn ngủ.
- Hãy tập hít thở sâu hoặc thực hành các bài tập thể dục giúp thư giãn. Tất cả đều là những bài trị liệu rất có hiệu quả cho chứng mất ngủ. Do đó hãy chọn cho mình một bài tập đáng tin cậy để thực hành trước giờ ngủ.
- Thay vì trằn trọc mãi mà vẫn chưa ngủ, hãy thức dậy và tìm cái gì đó để làm, chẳng hạn hoàn tất mọi việc gì đó đang làm dở dang hoặc dọn dẹp căn phòng của bé lại cho gọn gàng.
- Nếu vẫn còn nhiều điều bận tâm khiến bạn không tài nào chợp mắt được, hãy tưởng tượng ra từng điều một, vẽ hoặc viết vào một mảnh giấy, sau đó vò nát và quẳng đi.
(St)