Chuẩn bị sinh

seminoon seminoon @seminoon

Chuẩn bị sinh

18/04/2015 10:39 AM
514


I. THẾ NÀO LÀ CHUYỂN DẠ?

Chuyển dạ là thời điểm kết thúc của thai kỳ. Hiếm có cơ chuyển dạ nào mà không gây đau đớn. Tuy nhiên cũng có nhiều phương pháp và kỹ thuật giúp giảm nhẹ cơn đau. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ phía người chồng cũng tỏ ra vô giá trong việc giúp cho quá trình chuyển dạ của vợ được suôn sẻ và thoải mái hơn.


II. CHUẨN BỊ GÌ?

Dù bạn đã chuẩn bị trước rất tốt, nhưng vẫn còn một vài điều mà bạn cần quan tâm vào phút cuối cùng.

Khi chuyển dạ, bạn cần phải:

Điện thoại cho người nữ hộ sinh của bạn.

Liên hệ với chồng hoặc người giúp bạn đi sinh.

Liên hệ với người sẽ săn sóc các con bạn.

Kiểm tra xem căn phòng đã sẵn sàng chưa.

Kiểm tra xem các thứ cần thiết lúc chuyển dạ đã sẵn sàng chưa.

Tự pha cho mình một thức uống nóng và ngọt.


III. CHUẨN BỊ SINH TẠI NHÀ

Nếu bạn muốn sinh tại nhà, người nữ hộ sinh sẽ chỉ dẫn cho bạn đầy đủ chi tiết về việc chuẩn bị. Bốn tuần trước ngày sinh, bạn phải tính xem mình cần những gì để khỏi hấp tấp chạy đôn chạy đáo sắp xếp vào giây phút sau cùng, và ít nhất là bạn cũng đã chuẩn bị được một phần nếu như bé ra đời sớm hơn dự kiến.

1. Những việc cần chuẩn bị trước

Nên sắp xếp căn phòng mà bạn có ý định sinh ở đó cho ngăn nắp để được tiện lợi và thoải mái. Kê giường vuông góc với tường, chừa nhiều chỗ trống hai bên để nữ hộ sinh ra vào dễ dàng. Trước ngày sinh một hoặc hai tuần, người nữ hộ sinh sẽ mang đến nhà bạn túi dụng cụ y khoa để sinh tại nhà. Nhớ đừng mở ra xem vì các dụng cụ bên trong đã được tiệt trùng kỹ.

Che chắn cẩn thận

Cho dù bạn muốn sinh bé trên giường hay trên nền nhà đi chăng nữa, bạn cũng phải che chắn khu vực giường hoặc nền nhà và vùng chung quanh trong suốt thời gian sinh. Để sẵn các tấm trải giường cũ, khăn cũ và một tấm nhựa lớn để trải khi sinh.

Tiện nghi cho người nữ hộ sinh

Người nữ hộ sinh sẽ cần đến một cái bàn nhỏ hoặc một cái xe đẩy (một vài cái khay cũng được), đặc sát bên giường để đựng dụng cụ. Cũng cần một cái đèn bàn bẻ gập được để có thể rọi đèn thẳng vào vùng khung chậu của bạn. Phải để sẵn một cái đèn pin cùng với pin và bóng đèn dự trữ phòng khi cúp điện bất thình lình.

Cũng nên nhớ dự trữ sẵn thức ăn thức uống đủ dùng cho nhiều người trước một vài ngày, không phải chỉ cho gia đình mà còn cho người nữ hộ sinh và cho khách nữa.

Khi các cơn co thắt bắt đầu xuất hiện cứ 15 phút một lần, mỗi lần kéo dài một phút và không biến mất khi bạn đi qua đi lại, thì đó là lúc cơn chuyển dạ đã bắt đầu. Bạn hãy gọi người nữ hộ sinh như đã sắp xếp. Nếu sinh con so, thường phải mất một khoảng thời gian mới thật sự chuyển dạ, do đó người nữ hộ sinh thể nào cũng khuyên bạn nên thoải mái và nghỉ ngơi để dành hết sức lực cho cơn chuyển dạ.

2. Những sự chuẩn bị cuối cùng

Cần chắc chắn là những thứ mà bạn và người nữ hộ sinh sẽ cần trong và ngay sau khi sinh đều có sẵn trong tầm tay, bao gồm những thứ làm cho bạn thấy thoải mái, chậu giặt, xô sạch, thau rửa và một túi nylon lớn đựng quần áo và các thứ bẩn. Sau đó chuẩn bị thay quần áo sạch sẽ, sửa soạn quần áo và nôi cho bé.

Người nữ hộ sinh của bạn

Dụng cụ của cô ấy gồm: một máy đo huyết áp, một ống nghe, que thử nước tiểu, thuốc tê, ống chính, kéo, vật liệu may vết thương, dụng cụ hút đàm, dụng cụ hồi sức, dụng cụ chích tĩnh mạch phòng trường hợp bị xuất huyết và các loại thuốc men, kể cả thuốc giảm đau.

Phải nhập viện bất thình lình

Với sự giúp đỡ của một nữ hộ sinh hoặc của một bác sĩ tay nghề vững thì sinh tại nhà vẫn an toàn cho cả mẹ lẫn con. Nhưng cũng như sinh ở bệnh viện, sinh tại nhà cũng có khi gặp rắc rối. Nếu xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng, bạn phải vào bệnh viện ngay. Khi đó, nữ hộ sinh và bác sĩ sẽ đi cùng với bạn.

 
Sau tất cả các sự chuẩn bị và lo liệu của mình, bạn có thể rất thất vọng vì không được sinh ở nhà. Nhưng nếu bạn và chồng tính trước và trao đổi về các khả năng có thể xảy ra thì sẽ đối phó dễ dàng hơn. Tốt hơn hết, bạn nên tự nhủ là sẽ chuẩn bị chuyển dạ ở nhà, rồi tuỳ theo tiến triển thế nào mới quyết định sinh ở đau.

IV. KHI KHÔNG SINH TẠI NHÀ

1. Chuẩn bị

Bình thường sinh ở nhà cũng an toàn như ở bệnh viện, nhưng trong một số trường hợp thì bắt buộc phải sinh tại bệnh viện.

Có một số các yếu tố bắt buộc bạn phải sinh tại bệnh viện, ví dụ như nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, thì phải lên kế hoạch sinh tại bệnh viện, hoặc nếu bị tiền sản giật thì phải bỏ kế hoạch sinh tại nhà mà chuyển khẩn cấp vào bệnh viện.

Những yếu tố nhất thiết không cho phép sinh ở nhà gồm có:

Đã có biến chứng trong các lần sinh trước.

Khi xương chậu nhỏ.

Khi thai ngồi mông.

Có một vấn đề y khoa nào đó khiến cho cả hai mẹ con gặp nguy cơ, ví dụ như cao huyết áp, thiếu máu, đái tháo đường, thừa dịch ối, mụn rộp, nhau tiền đạo, nhau bong non, tiền sản giật và sản giật.

Khi mang đa thai.

Có nguy cơ sinh non.

Thai già tháng.

2. Danh sách kiểm tra của bạn

Khi bụng bắt đàu co thắt, hãy giữ bình tĩnh, đừng hấp tập vội vã. Chuyển bụng con so có thể kéo dài từ 12 đến 14 tiếng đồng hộ, còn chuyển bụng con rạ khoảng 7 tiếng đồng hồ.

Khi bắt đầu vào cơn chuyển dạ, bạn phải:

Báo với bác sĩ.

Gọi taxi nếu như chồng hoặc người nhà bạn không đưa bạn đi sinh.

Gọi chồng hoặc người giúp đỡ lúc sinh.

Nhờ người trông nom trẻ con ở nhà.

Kiểm tra túi xách đựng đồ của bạn cũng như dụng cụ hỗ trợ khi sinh và túi đồ dùng của con để mang đi bệnh viện.

Ngồi bình tĩnh chờ xe.

Uống một ly nước ấm và ngọt.

V. ĐI BỆNH VIỆN

Khi mọi sự đã sẵn sàng từ trước, các thứ cần đem đi bệnh viện đã được xếp đặt cẩn thận thì bạn sẽ không phải lo lắng rằng sắp chuyển dạ đến nơi mà thiếu chuẩn bị.

1. Nên mang thai những gì?

Đồ vật mà bạn đem theo vào bệnh viện thuộc 3 loại như sau: quần áo và các đồ dùng cho bạn; quần áo, tã lót và đồ dùng của bé; và cuối cùng là những thứ giúp bạn được dễ chịu.

Đồ dùng của bạn

Bạn sẽ cần hai hoặc ba áo ngực cho sản phụ, vài cái áo ngủ có nút phía trước, áo choàng và đôi dép, quần lót dài, khăn siêu thấm và có băng dính (có nơi bệnh viện sẽ cấp). Có một túi nhỏ đựng lược, dầu gội đầu, khăn lông, khăn lau, kiếng soi nhỏ, đồ trang điểm, các dung dịch vệ sinh và giấy vệ sinh. Bạn cũng nhớ đem theo bảng kế hoạch sinh của mình.

Đồ dùng của bé

Mang theo đầy đủ tã lót và quần áo cho bé. Khi bế con về nhà, bạn phải cần thêm quần áo cho bé, nón, khăn lông lớn để quấn em bé.

2. Đã tới giờ chưa?

Khi gần đến giờ sinh, bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu cho biết cơ thể đã sẵn sàng. Bạn sẽ có triệu chứng sắp chuyển dạ hoặc có khi là chuyển dạ thật sự. Dù bạn không phải vội vàng chạy đến bệnh viện khi những dấu hiệu sau đây xuất hiện nhưng bạn nên biết trước để thực hiện nhưng bước chuẩn bị sau cùng: trước hết là chảy nhớt hồng kế đó là vỡ ối kèm theo cơn co thắt, hoặc vỡ ối sau những cơn co thắt.

Chảy nhớt hồng

Trong giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển dạ, nút nhầy có vết máu, đóng kín cổ tử cung trước khi sinh, chạy tuột ra. Rất dễ nhận ra dấu hiệu này.

Vỡ ối

Áp lực do các cơn co thắt hoặc do đầu của bé đè mạnh vào lớp màng mỏng củabọc nước ối làm cho nó vỡ ra. Nước ối sẽ thoát ra từ từ hoặc ồ ạt.

Các cơn co thắt đều đặn

Dù trước đây bạn có thấy các cơn co thắt hay không, thì bây giờ bạn cũng phải chịu đựng những cơn đau dữ dội xảy ra từng chập đều đặn, càng lúc càng kéo dài và khoảng thời gian giữa các cơn co càng lúc càng ngắn đi.

3. Khi nào thì bạn đi sinh?

Cơn đau thắt

Khi trong hơn một tiếng đồng hồ xuất hiện các cơn co thắt đều đặn cách nhau từ 5 đến 15 phút, mỗi lần kéo dài chừng một phút và không mất đi khi bạn đi qua đi lại, hoặc là khi bạn thấy không thể chịu nổi thì đó là lúc bạn đi sinh. Bây giờ thở chậm không còn đủ nữa, bạn phải sử dụng đến các kiểu thở khác. Đây là lúc cơn chuyển dạ đã bước vào giai đoạn thứ nhất. Vẫn còn đủ thời gian cho bạn đi bệnh viện và hoàn tất việc kiểm tra vào giây phút cuối cùng bạn sẽ đỡ mất công chờ lâu tại bệnh biện.

Không nhất thiết phải vội vã đi bệnh biện, bởi vì giai đoạn đầu tiên kéo dài tối thiểu phải khoảng 2 - 8 tiếng đồng hộ, nếu là con đầu lòng. Dù sao ở nhà cũng thoải mái hơn ở bệnh viện. Tuy nhiên, nếu chỗ ở của bạn xa bệnh biện hoặc lo sợ có thể đi đến không đúng giờ, thì cứ đi sớm.

Phương tiện di chuyển

Có thể đi taxi, xe cứu thương hoặc xe hơi. Đừng bao giờ tự lái xe. Nếu có gọi xe cứu thương hoặc taxi, nhớ nói đầy đủ đị chỉ, nếu cần nên chỉ dẫn rõ ràng làm sao có thể đến nhà đón bạn, như vậy sẽ không mất thời gian chờ đợi vô ích. Nếu bạn đi bằng xe thì phải đảm bảo xe của bạn đã được sữa chữa thật tốt (từ tuần thứ 38) trong xe phải có sẵn nguồn xăng dự trữ.

4. Đi đến bệnh viện

Nếu bạn đi bằng xe hơi, chuyến đi phải được an toàn và thoải mái.

Trong những tuần sắp sửa đi sinh, bạn và người lái xe phải thông thuộc đường, cần biết thời gian đi đường bao lâu vào các thời điểm khác nhau trong ngày và phải tính toán lộ trình thay đổi trong trờng hợp bị kẹt xe. Bạn cũng nên xem lại các lối vào bệnh viện và lối vào phòng sinh, nhất là vào ban đêm.

Chiếc xe

Xe càng rộng bao nhiêu thì càng thoải mái bấy nhiêu. Ngồi băng sau sẽ thoải mái và an toàn hơn. Nếu có đủ chỗ thì bạn cứ nằm.

Sinh đột ngột

Nếu con bạn chuẩn bị ra đời trên đường đi, bạn cứ giữ bình tĩnh. Nếu gần tới bệnh viện có thể bạn sẽ đến đúng lúc. Nếu còn quá xa, tốt hơn là nên ngừng lại chỗ có điện thoại và gọi xe cấpcứu, sau đó phải tự mình chuẩn bị vì lỡ có thể sinh gấp.

5. Dinh dưỡng dành cho bạn

Trong giai đoạn đầu của cơn chuyển dạ, giữ sức khoẻ là điều rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp cơn chuyển dạ của bạn kéo dài và gây mệt mỏi.

Hầu hết các bệnh viện khuyên sản phụ không nên ăn trong cơn chuyển dạ vì sợ có trường hợp khẩn cấp phải gây mê. Do đó, hãy đem theo kẹo ngậm, nước uống tăng lực để giữ sức. Ông xã bạn cũng cần những thứ thức ăn có thể tự phục vụ đựơc, ví dụ như bánh bì kẹp thịt, cà phê trong bình thuỷ, trái cây. Nhớ chừa lại đủ cho bạn ăn thêm vì sau khi sinh, bạn sẽ rất đói và muốn có gì để ăn ngay lập tức. Bạn cũng cần chút gì để uống. Nước trái cây hoặc nước đun sôi để nguội là tốt nhất.

V. NHỮNG TIỆN NGHI GIÚP ĐỠ BẠN KHI CHUYỂN DẠ

Lúc sắp xếp các đồ đạc chuẩn bị đi sinh, bạn đừng quên nghĩ đến những thứ có thể làm thời gian chuyển dạ của bạn dễ chịu hơn. Nên chuẩn bị trước các thứ này để khỏi quên.

1. Những thứ làm cho bạn được thoải mái

Giáo viên lớp học tiền sản của bạn đã chỉ cho bạn những thứ cần thiết trong khi chuyển dạ. Nếu bạn sinh ở nhà, hãy để những thứ ấy trong phòng. Nếu bạn đi sinh ở bệnh viện, nhớ cất hết trong một cái túi đặt gần vali. Bạn phải đảm bảo cho người cùng đi với bạn biết rõ vị trí của những thứ ấy và đừng quên mang theo trong lúc chộn rộn.

2. Những thứ tiêu khiển

Nhiều phụ nữ thấy mát-xa có thể giảm bớt sự khó chịu trong cơn chuyển dạ. Chồng của bạn có thể dùng hai tay, cây lăn xương sống, và cây xoa bóp hoặc trái banh tenis để xoa bóp cho bạn. Phấn thơm em bé hoặc dầu làm mát - xa (làm từ thảo mộc) sẽ giúp cho da bạn bớt bị kéo căng hay véo đau trong khi xoa bóp. Một chai hay túi nước nóng dằn lên lưng cũng có tác dụng làm giảm đau lưng. Trong các giai đoạn đầu của cơn chuyển dạ, bạn hầu như không thấy có việc gì xảy ra. Nếu lúc này bạn có mang theo sách báo, bộ bài, băng đĩa nhạc cùng máy hát thì chúng cũng có thể giúp bạn giết thời gian.

3. Dụng cụ làm giảm đau
   
    Bột phấn thơm em bé.

Banh tenis.

Cây lăn xương sống.

Dầu mát xa.

Bình nước nóng.

4. Những tiện nghi thông thường

Bàn chải đánh răng.

Kem đánh răng.

Lược cài.

Kẹptóc.

Khăn giấy.

Khăn mặt.

Vớ dầy

Miết bọt biển.

Sáp chống khô môi.

Giữ cho mát mẻ

Đây có thể là thời gian mà bạn không muốn uống nhưng lại muốn có gì lành lạnh và ấm trong miệng. Có thể bạn cảm thấy thoải mái khi ngậm đá lạnh. Bạn cứ hỏi xin nước đá. Để thay thế, bạn có thể ngậm một miếng mút nhỏ đã ngâm trong nước đá.

Dường như bạn cảm thấy mặt rất nóng và đẫm mồ hôi nên cần đến một cái khăn lạnh và một cái quạt.

Giữ ấm

Trong những giai đoạn cuối của cơn chuyển dạ, nhất là ngay sau khi sinh, một số sản phụ thấy ớn lạnh. Vậy phải nhớ mang theo đồ dùng gì giữ ấm chân hoặc vớ dài.

Tiện nghi thông thường

Nếu tóc quá dài rơi xuống mặt, để khỏi vướng víu bạn nên dùng kẹp tóc, lược cài, hoặc băng đô để giữ tóc cho gọn. Đôi môi của bạn hầu như rất khô do phải thở bằng miệng, hãy dùng kem thoa môi bôi lên cho mềm và không bị nứt.

Nếu buồn nôn, bạn sẽ cảm thấy khoẻ hơn khi dùng bàn chải chải sạch hàm răng, do đó đừng quên mang kem và bàn khải đánh răng đi theo.

Còn giấy vệ sinh mềm hoặc khăn ấm thì lúc nào cũng nên có trong tầm tay để lau sạch mặt, cổ, gáy và hai bàn tay. Ta cũng có thể dùng nước hoa thơm nhẹ cho tuơi mát và dễ chịu.

Những tiện nghi dành cho bạn

Chồng bạn hoặc người đi theo bạn lúc sinh cũng có thể thấy dễ chịu hơn nếu có sẵn một số đồ dùng cần thiết để dành riêng cho mình. Sau đây là một số gợi ý:

Một hộp khăn giấy lau mặt và tay cho mát.

Thức ăn và đồ uống phòng khi đói.

Một ít quần áo để thay đổi.

Máy ảnh hoặc máy quay phim nếu được bệnh viện cho phép.

Tiền lẻ hoặc thẻ điện thoại để gọi điện thoại cùng với các số điện thoại gia đình, bạn bè, người thân.

5. Bản liệt kê của bạn

Hãy sử dụng bản liệt kê sau đây trong khi thu xếp vật dụng của bạn:

Đồ ăn và thức uống.

Cây lăn sống lưng hay trái banh tennis.

Dầu mát xa hay phấn thơm.

Bình nước nóng.

Tạp chí, bàn cờ...

Bình chứa nước đá.

Miếng bọt biển.

Khăn mặt và quạt cầm tay.

Đồ giữa ấm chân hay vớ dầy.

Kẹp tóc hay băng đô.

Sáp môi.

Bàn chải và kem đánh răng.

Hộp khăn giấy hay khăn ấm.

Nước hoa.

VI. TÂM TRẠNG THAY ĐỔI

Lúc bạn chờ đợi bé chuẩn bị ra đời, bạn có thể trải qua một số các cảm xúc khác nhau.

Sự hài lòng

Vì cơ thể của bạn thay đổi để chuẩn bị chuyển dạ, bạn có thể thấy hứng thú. Nhất là nếu đây là lần đầu có thai, bạn có thể cảm thấy ham muốn thụ hưởng những ngày thai cuối cùng của mình bằng cách nuông chiều những ý thích chợt nảy ra, chia sẻ những khoảnh khắc thân mật với chồng bạn hay chỉ mơ mộng. Hãy tự chiều chuộng mình và để cho các cảm giác bay bổng đến tự nhiên và dễ dãi.

Sự phấn khích

Bạn sẽ thấy rất hân hoan khi cơ thể báo cho bạn khoảnh khắc mà bạn đã mong đợi với một độ phấn khích cao. Đừng cố đè nén cảm giác này xuống mà hãy chia sẻ với những người khác vì nó có thể giảm bớt sự căng thẳng và giúp bạn thư giãn.

Nỗi lo âu

Các dấu hiệu trước khi chuyển dạ cũng có thể khiến cho bạn sợ hãi. Bạn có thể lo sẽ phải chịu đựng đau đớn và sợ nó sẽ ảnh hưởng đến con, hoặc bạn cũng có thể vượt qua. Bạn cũng có thể e ngại là túi nước ối vị vỡ trong những tình huống không thuận lợi.

Sự nóng lòng

Nếu bạn đang mong chờ ngày sinh rồi thấy ngày dự sinh đến và qua đi mà không có dấu hiệu sắp sinh, thì cũng đừng xuống tinh thần. Bạn nên nhớ ngày dự sinh chỉ là thời gian phỏng chừng và đa số trẻ sơ sinh có thể trào đời sớm hơn hay trễ hơn dự tính. Đặc biệt, nếu như chính bản thân bạn trước đây đã ra đời sớm hơn hay trễ hơn sự mong đợi của cha mẹ bạn thì bây giờ con bạn cũng thế.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
em be dap nhieu va go nhieu do co phai la hien tuong sap sinh khong
hơn 1 tháng trước - Thích (13) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý