Nguyên tắc trong kỹ năng giao tiếp

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Nguyên tắc trong kỹ năng giao tiếp

18/04/2015 09:23 PM
2,749

Giao tiếp cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi cần có những kĩ năng cơ bản. bạn cần biết cách tiếp cận các đối tượng khác nhau, biết cách lắng nghe và trình bày. Cùng học hỏi các kĩ năng cơ bản của giao tiếp để luôn tự tin làm tốt mọi việc.


Trong cuộc sống, trong giao tiếp hàng ngày con người luôn phải ứng phó với biết bao tình huống, có lúc dễ dàng xử lý, có lúc thật phức tạp, khó xử. Xã hội càng văn minh thì nhu cầu trong giao tiếp của con người càng cao. Ứng xử một cách thông minh, khôn khéo, tế nhị, kịp thời, có hiệu quả, đạt tới mức độ nghệ thuật, ngày nay còn được coi như bí quyết thành công trong cuộc sống, trong công việc .

Để giao tiếp, ứng xử thành công hơn bạn nên chú ý những nguyên tắc sau:

I. Nguyên tắc ứng xử:

1. Hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu:

Không có ai là người hoàn toàn xấu cả. Khi đánh giá con người cụ thể chúng ta thường bị những cách nhìn tĩnh tại, xơ cứng, bị định kiến che lấp, ít khi tách ra được dù chỉ là tương đối đầy đủ những ưu điểm, nhược điểm của họ và lại càng không xác định được giới hạn, hoàn cảnh, diễn biến có thể có của những ưu điểm và nhược điểm đó. Con người cũng dễ bị chi phối bởi qui luật cảm xúc "yêu nên tốt, ghét nên xấu". Kết quả là dễ mắc sai lầm trong giao tiếp. Do vậy nguyên tắc đầu tiên trong nghệ thuật ứng xử là hãy tiếp cận với con người ở góc độ không tốt, không xấu.

Ở nguyên tắc này, mỗi người có thể tự tìm cho mình một cách ứng xử thành công, ta tạm chia thành các bước sau:

  • Bước 1: Hãy thừa nhận (chấp nhận).
  • Bước 2: Biết lắng nghe ý kiến, tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của người. Thấy cái mạnh, lợi thế của ta (cái ta có mà người không có).
  • Bước 3: Tạo ra sự đồng cảm, gây niềm tin (hiểu biết lẫn nhau, gây sự tin tưởng).
  • Bước 4: Tìm điểm chung, mỗi bên đều thấy được cái lợi, cái vui và cách cộng tác, tương lai của sự cộng tác đó.
  • Bước 5: Tạo dư luận ủng hộ, xây dựng mối quan hệ thân tình.

2. Lường mọi điều, tính đến mọi khả năng với nhiều phương án:

Nếu trong mỗi con người đều có những giá trị dương (+) (những đức tín tốt, những mặt mạnh, những ưu điểm...) và có cả những giá trị âm (-) (những tính xấu, những mặt yếu, những khuyết điểm...) thì với người này có thể tới 90 (+), có 10 (-) hoặc ở người khác có thể đạt 99 (+) chỉ có 1 (-). Vấn đề là ở chỗ cần phải biết nhìn ra "dấu cộng" trong cả khối "dấu trừ" và phát hiện kịp thời "dấu trừ" trong "vô khối dấu cộng" để có thể dự đoán được tác động có hại của mặt trái "dấu trừ" mà khởi thủy của nó chỉ là một chấm nhỏ rất mờ nhạt trong cả khối "dấu cộng".

Điều quan trọng hơn trong phép ứng xử là tìm ra những chất xúc tác để kích thích phản ứng đổi dấu tích cực xảy ra theo hướng 1 (+) trở thành n (+) và n (-) giảm xuống còn 1 (-).

3. Nắm bắt nghệ thuật theo nhu cầu:

Điều khó nhất trong giao tiếp ứng xử là đối tượng thờ ơ, không có nhu cầu. Bạn sẽ ứng xử như thế nào khi đối tượng không muốn nói chuyện, không muốn nghe bạn can ngăn, không muốn hợp tác với bạn v.v...?

- Hãy gợi trí tò mò hoặc cho họ thấy cái lợi, cái vui mà bạn đang có, còn người ấy đang thiếu, đang cần.

- Chỉ cho họ bằng cách nào đó, thấy tia hy vọng vào kết quả, gây thiện cảm, tạo sự tin tưởng.

- Giao trách nhiệm một cách công khai, tạo ra tình huống chỉ có tiến chứ không có lùi, ràng buộc bằng những sợi dây vô hình về quan hệ nào đó đã được hình thành.

- Gây niềm say mê, tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, công việc đang tiến hành.

- Củng cố niềm tin, thuyết phục về một kết cục tốt đẹp.

- Phải tạo ra sự an toàn, biết cách chống đỡ dư luận, tạo dư luận mới ủng hộ.

- Tính đến nhiều phương án, chọn phương án hợp với mình nhất, có thể tạo ra những vấp ngã nhỏ để luyện tập bản lĩnh, chủ động đề phòng tính tự kiêu.

Trong những trường hợp cụ thể đòi hỏi mọi người phải biết ứng biến và điều quan trọng hơn là hãy tìm cho được sơ đồ đi tới thành công riêng của mình.

II. Một số cách ứng xử:

1. Thủ thuật "ném đá thăm đường":

Có bạn trai tâm sự: Đến dự đám cưới một người bạn, tôi đã gặp một người con gái mà tôi thầm mơ ước, tôi rất muốn làm quen với người con gái ấy nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào?

Có lẽ trước tiên nên bắt đầu vào đề từ cùng một hứng thú. Chẳng hạn có thể từ một bức tranh, một bản nhạc, một ca khúc mới được mọi người yêu thích, hay một bộ phim mới, một quyển sách mới, một mốt quần áo mới... những cái đối phương biết rõ và có phản ứng tích cực. Hoặc có thể từ một điểm chung nào đó về học tập, việc làm... Bắt đầu từ những câu chuyện không quan trọng lắm để làm mất đi sự căng thẳng và ngăn cách giữa hai người và qua đó bạn có thể hiểu thêm về người bạn mà ta muốn gần gũi (những sở thích, thói quen, cá tính...) có một sơ đồ giao tiếp sau đây:

a. Giai đoạn trước khi giao tiếp:

- Xác định mục đích, làm quen đối tượng và gây ấn tượng tốt

- Đánh giá đối tượng, hoàn cảnh:

  • Sở thích,thói quen, cá tính.
  • Thời gian, không gian cuộc gặp.
  • Có hay không có người giới thiệu.

- Lựa chọn phương án ứng xử:

  • Tìm cớ làm quen cho hợp lý, tế nhị.
  • Ngôn ngữ, cử chỉ dễ cảm mến.
  • Văn phong gần gũi, không quá trịnh trọng nhưng cũng không suồng sã.
  • Tính trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra để ứng xử nhanh.

b. Giai đoạn giao tiếp:

Nên:

  • Phá bầu không khí xa lạ bằng việc hỏi han hoặc những câu nói đùa.
  • Tìm chủ đề chung, ít chạm đến quan điểm cá nhân.
  • Nói ít về mình. Chú ý quan sát cử chỉ, điệu bộ, nét mặt của đối phương.
  • Giới hạn cuộc giao tiếp trong phạm vi vừa đủ, dừng đúng lúc.
  • Nêu ra những câu hỏi thăm dò, chủ động gợi chuyện.
  • Tự tin.

Không nên:

  • Vội vã đi vào vấn đề chính.
  • Đặt những câu hỏi liên quan nhiều đến cá nhân.
  • Nói nhiều về mình, dốc bầu tâm sự, nói thẳng về mình khi đối phương đặt những câu hỏi thăm dò.
  • Chuyện lan man, kéo dài cuộc giao tiếp.
  • Khích bác hoặc công kích nói xấu một ai đó.
  • Rụt rè, lảng tránh, ấp úng.

2. Tình huống cần đối đáp mềm mỏng, ý nghĩa sâu xa:

Dân gian có câu:

"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Đối với nhiều ý kiến phê bình, phản đối của đối phương, không nên đáp lại bằng những lời nói hằn học, nặng nề mà nhiều khi nên dùng lời nói nhẹ nhàng nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu xa.

3. Tình huống phải chuyển bại thành thắng:
Trong cuộc sống đời thườnng nhiều khi ta bị đẩy vào tình huống bất lợi, có nguy cơ thất bại, lúc đó đòi hỏi phải bình tĩnh, suy nghĩ ngay đến những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra (chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chấp nhận). Tìm xem có cách gì để hạn chế mức thấp nhất những tác hại (ví dụ: điều gì đã đẩy ta vào tình thế bất lợi, có cách nào tạo được kế hoãn binh có vẻ ít liên quan, nhưng nếu được "địch thủ" sẵn sàng chấp nhận thì chính điều có vẻ không liên quan đó có thể thay đổi tình thế...).

4. Tình huống dùng hài hước:

"Khi bạn nổi cáu ta hãy đùa lại một câu" (Laphôngten).

Hài hước là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong ngôn ngữ giao tiếp. Đó là "chiếc van an toàn" cho mọi cuộc xung đột, là chìa khóa để mở "cánh cửa lòng". Lời đối đáp khôn ngoan, thông minh, dùng ngôn ngữ hài hước để phê phán thường mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. Bởi thế khi kể một câu chuyện cười hoặc một lời đối đáp có nội dung, cách nói hài hước thường làm cho không khí vui nhộn, điều tiết được tình cảm, nhắc khéo người khác mà không làm họ bực mình. Tất nhiên cũng không nên lạm dụng nó.
Quy luật phổ biến của truyện hài hước là mở đầu dẫn dắt và hình thành làm cho người ta nghi vấn. Người kể nên có ngữ điệu bình thường, sau đó tăng thêm tình tiết nghi hoặc và giải quyết bất ngờ.

5. Tình huống phải đi thẳng vào vấn đề khi cần thiết:

Trong cuộc sống có trường hợp không thể quanh co, bóng gió, tế nhị mà phải bày tỏ quan điểm, thái độ của mình một cách thẳng thắn, kiên quyết. Lúc đó phải diễn đạt vào thẳng nội dung chính của vấn đề để biểu hiện ý chí và lòng tin ở bản thân. Đối với những vấn đề then chốt không nên tỏ ra quá cân nhắc, đắn đo làm cho người nghe cảm thấy thiếu tin tưởng, do dự. Tất nhiên để nói bằng cách này cần phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ càng.

6. Tình huống nói ẩn ý bằng ngụ ngôn:

Trong giao tiếp khi cảm thấy khó thuyết phục người khác bằng lý lẽ trực tiếp hoặc cảm thấy dễ bị phản ứng, không tiện nói thẳng ra, thì người ta thường dùng phương pháp ẩn ý bằng ngụ ngôn. Tức là chọn những câu chuyện ngụ ngôn có nội dung ẩn ý bên trong phù hợp với mục đích khuyên răn, thuyết phục của mình để kể cho đối phương nghe.

Cái lợi của phương pháp này là người nghe phải suy nghĩ mới hiểu hết cái ẩn ý bên trong đó. Bản thân câu chuyện sẽ đưa ra những lời khuyên sâu sắc chứ không phải người kể chuyện, do đó không có lý do để nổi khùng, tự ái hoặc mặc cảm. Tuy nhiên để dùng phương pháp này có hiệu quả, người dùng phương pháp này phải am hiểu câu chuyện phù hợp với trình độ người nghe, nếu người nghe không hiểu gì cả, sẽ không có tác dụng.

7. Tình huống phản bác khéo những yêu cầu vô lý ở người khác:

Cũng có lúc bạn gặp những người khăng khăng đưa ra cho bạn những đòi hỏi vô lý không thể thực hiện được. Trước những tình huống đó nhiều khi ta không thể bác bỏ thẳng thừng vì chạm lòng tự ái hoặc người không thỏa mãn với ta rồi tiếp tục quấy rối nữa và cách đó cũng chưa làm cho người tự nhận thấy được những đòi hỏi của họ là vô lý.

Vậy ta sẽ xử lý thế nào trong trường hợp đó? Tốt nhất là hãy thừa nhận đã, sau đó khéo léo chỉ ra sự vô lý hoặc điều không thể thực hiện được. Cũng có thể cảnh tỉnh người đó bằng việc chỉ ra những điều bất lợi, sự nguy hiểm nếu người đó cứ giữ nguyên ý kiến, nhắm mắt hành động. Chú ý ngôn ngữ không nên gay gắt nhưng tỏ ra cương quyết.

8. Tình huống thừa nhận trước để chuyển hướng sau:

Nếu khi bạn không đồng ý với ý kiến của đối phương mà người đó lại là cấp trên, người lớn tuổi, cha mẹ... thì bạn sẽ xử sự như thế nào? Việc thuyết phục để đối phương nghe theo mình, có nghĩa là chấp nhận ý kiến của mình cũng đòi hỏi phải có một nghệ thuật nhất định.

Bạn chớ phản đối và phê phán các ý kiến của đối phương. Bạn hãy tiếp thu ý kiến của họ, biểu thị thái độ đồng cảm ở mức độ nào đó để có thể làm giảm được sự cứng nhắc của đối phương, khiến họ bằng lòng nghe ý kiến của bạn. Song phải nắm vững nguyên tắc không được tỏ thái độ của mình ngang bằng với đối phương để tiếp sau đó dùng lời mà chuyển hướng, thay đổi cách nhìn nhận của đối phương, làm họ bằng lòng tiếp thu ý kiến của bạn.

9. Tình huống cần bạn đồng minh:

Khi tranh luận trước nhiều người cần thể hiện quan điểm, bạn nên chú ý đầy đủ đến thái độ của những người xung quanh, cần động viên được nhiều người nghe và ủng hộ quan điểm của mình. Nếu người nghe ủng hộ ta, đồng tình với quan điểm của ta đang trình bày, sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn, một sức ép tinh thần làm đối phương không phản kích lại được.

Chẳng hạn khi đang xếp hàng có người chen ngang, bạn lợi dụng thái độ của số đông mọi người xung quanh để gạt người đó ra khỏi hàng là hợp lý nhất.

10. Tình huống không nhượng bộ khi mình có lý trong tranh luận:

Trong quan hệ giữa người với người, tranh luận là một điều hết sức bình thường và không thể tránh được. Không có tranh luận, điều phải trái không được phân định. Không thể coi tranh luận là một thói xấu mà hạn chế nó.

Song tranh luận có thể dẫn đến sự không thoải mái hoặc đôi khi xung đột. Tranh luận có phương pháp sẽ đem lại kết quả tốt là điều chúng ta cần chú ý học hỏi.

Một là, khi tranh luận nên có thái độ thật công bằng, đừng làm tổn thương đến lòng tự ái của người kia. Sự phê phán, bình phẩm người khác không thể quá một giới hạn nhất định, nếu không có thể làm tăng thêm mâu thuẫn vốn có.

Hai là, giọng nói phải mền mỏng, thật lòng. Trong tranh luận phải tỏ ra tôn trọng nhau, làm sao cho người cùng tranh luận tin rằng tranh luận thật là có ích. Trong tranh luận nhiều khi người thắng không hẳn đã là nhiều lý lẽ biết hùng biện, mà có thể là người có thái độ đúng mực và chân thực nhất.

Ba là, tranh luận phải có mục đích rõ ràng. Tranh luận nên xoay quanh những điều cần giải quyết.

11. Tình huống cần thuyết phục bằng hành động:

"Mọi lý thuyết đều màu xám
Còn cây đời mãi mãi xanh tươi"
                                             (Gơt)

Trong giao tiếp, khi cảm thấy khó thuyết phục người khác nghe ý kiến của mình bằng lời nói, bạn có thể dùng hành động để thuyết phục. Thuyết phục bằng hành động thường hiệu quả lớn nhất. Thông qua việc làm, hành động cụ thể, ta có thể làm cho đối phương thay đổi cách nghĩ, tình cảm, thái độ, chấp nhận ý kiến của ta.

Bạn là một cán bộ phong trào thanh niên. Bạn muốn tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao thanh niên nhưng các cấp lãnh đạo ở địa phương chưa tin tưởng vào khả năng của bạn, chưa tạo điều kiện mọi mặt để bạn làm việc. Bạn đừng nản chí và cũng đừng dùng lời nói để thuyết phục. Hãy cố gắng tạo ra một vài việc làm cụ thể có hiệu quả. Từ sự thành công đã đạt được, tận dụng thời điểm gây hưng phấn cao rồi đưa ra những kiến giải hợp lý với các cấp lãnh đạo.

Như vậy, mục đích và kết quả hoạt động đạt được và mối quan hệ ảnh hưởng của bạn phát triển tốt hơn. Khi vận dụng phương pháp này bạn cần lưu ý:

  • Mục đích hoạt động phải rõ ràng, không vụ lợi.
  • Có kế hoạch hành động chi tiết, tính đến các điều kiện cần và đủ đảm bảo cho sự thành công, bước đầu tiên tránh thất bại.
  • Tạo dư luận ủng hộ để gây sức ép hoặc quy tụ sức mạnh.
  • Làm thử để chứng minh, rút kinh nghiệm.
  • Tạo quan hệ gần gũi tin cẩn.

Nếu ở vào tình huống các bậc "phụ huynh" của người yêu bạn còn chưa tin tưởng và chấp nhận cho bạn yêu con của họ, thì bạn cũng có thể dùng phương pháp này để đạt mục đích.

III. Những điều nên tránh trong giao tiếp ứng xử:

1. Nói nửa chừng rồi dừng lại hoặc cướp lời người đang nói, làm nhiễu thứ tự hoặc luồng suy nghĩ của người đó.

2. Không nói rõ và giải thích đầy đủ làm người nghe cảm thấy đột ngột, khó hiểu đề tài nói chuyện của bạn hoặc khó hiếu ý bạn muốn nói. Không nên đưa những trọng tâm, những khái quát, giải thích lan man, làm người tiếp chuyện khó theo dõi mạch chuyện.

3. Nói sai đề tài, không quan tâm và tập trung đến điều mình muốn nói.

4. Nói thao thao bất tuyệt, không ngừng nêu các câu hỏi, làm người tiếp chuyện có cảm giác mình yêu cầu hơi nhiều quá.

5. Không trả lời thẳng vào câu hỏi mà người khác nêu ra, quanh co, dài dòng, gây nên cảm giác không trung thực cho người hỏi.

6. Tự cho rằng mọi điều mình đều biết cả, người nghe sẽ cảm thấy bạn là người tự cao tự đại.

7. Làm ra vẻ hiểu biết sâu rộng, người nghe có thể sẽ cảm thấy bạn là người không khiêm tốn, hay khoe khoang.

8. Phát triển câu chuyện không tập trung vào chủ đề chính làm cho người tiếp chuyện cảm thấy nhàm chán.

9. Ngắt bỏ hứng thú nói chuyện của người khác để ép người đó phải chuyển sang nói về đề tài mà bạn thích.

10. Thì thầm với một vài người trong đám đông.

11. Dùng ngôn ngữ quá bóng bảy hoặc quá nặng nề.

12. Chêm những câu tiếng nước ngoài trong câu nói của mình một cách tùy tiện.

13. Đột ngột cao giọng.

14. Dùng những lời quá suồng sã với mức độ quan hệ.

15. Dùng những từ đệm không cần thiết.

16. Nói với giọng khích bác, chạm vào lòng tự ái của người khác.

Trên đây là một số kĩ năng trong giao tiếp với từng tình huống cụ thể, các bạn có thể vận dụng vào cuộc sống hàng ngày để cuộc sống tươi đẹp hơn, nhiều thành công hơn.

Nhà quản lý giỏi, được quý mến không chỉ do điều hành tốt mọi việc, đánh giá đúng năng lực của nhân viên…mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, cách ứng xử hàng ngày.

Không phải ai cũng có khả năng “đắc nhân tâm” trong giao tiếp, nhà quản lý cũng không ngoại lệ. Năm chìa khóa vàng sau đây sẽ giúp bạn đạt được điều đó. Hãy áp dụng ngay!


Chân thành

John Keegan, nhà quân sự nước Anh cho rằng, 1 trong 5 đức tính quan trọng của người chỉ huy kiệt xuất là làm cho người lính cảm thấy được quan tâm. Cấp trên phải hiểu, cảm nhận và chia sẻ với những khó khăn, nguy hiểm người lính đang đối mặt. Một khi những điều này được thể hiện bằng hành động cụ thể, người lính sẽ cảm nhận được tình cảm thực sự từ vị tướng của mình.

Trong doanh nghiệp cũng vậy, tình cảm chân thành của người lãnh đạo sẽ tạo dấu ấn quan trọng trong lòng mọi người. Một chuyến đi thăm nhân viên đang làm việc ở công trường xây dựng giữa đêm giá lạnh, một món quà nhỏ sau chuyến đi công tác, một tin nhắn chúc mừng thành công mà nhân viên mới đạt được…có thể những điều đó rất nhỏ, nhưng có tác động rất lớn đến tinh thần làm việc, sự gắn kết giữa nhân viên và lãnh đạo.

Bạn có thể dành ít thời gian để hỏi thăm nhân viên khi bắt đầu ngày mới. Đó là liều thuốc tinh thần rất tốt, thúc đẩy họ làm việc hiệu quả. Các nhà quản lý hệ thống khách sạn Ritz – Carlton (Mỹ) thường đi khắp khách sạn với nụ cười rạng rỡ, thể hiện niềm đam mê công việc và tạo ảnh hưởng đến nhân viên. Vì thế, khi đến Ritz – Carlton, có thể thấy nhân viên ở đây luôn tỏ ra hạnh phúc, họ chào đón khách với nụ cười niềm nở và giọng nói đầy sức sống.


Linh hoạt

Nếu quản lý đội ngũ nhiều thế hệ, bạn cần có nhiều cách giao tiếp khác nhau để đảm bảo mọi người đều cảm thấy được tôn trọng.

Các bậc "bô lão" rất giàu kinh nghiệm, khi giao việc cho họ, bạn không phải lo lắng. Tuy nhiên, tuổi tác là yếu tố cản trở sự sáng tạo của những người lớn tuổi. Ngoài ra, bạn phải quyết đoán khi ra quyết định giao nhiệm vụ cho họ. Nên lắng nghe, tôn trọng ý kiến người cao tuổi, điều này rất cần thiết đối với nhà quản lý giỏi.

Lớp người trẻ trung, năng động, sáng tạo là một lợi thế khác của doanh nghiệp. Công việc có tính sáng tạo chính là đất dụng võ, là nơi để họ thể hiện nhiệt huyết. Hãy động viên cấp dưới bằng lời khen đúng lúc, đúng mực khi họ làm tốt. Tuy nhiên, tuổi trẻ khó tránh khỏi hành động bồng bột, vì thế, bạn nên góp ý một cách kín đáo, tế nhị. Hay vận dụng công thức phê bình "bánh sandwich", tức là "khen-chê-khen". Chẳng hạn, khi làm báo cáo, nhân viên tự ý “sáng tạo” vài chỗ, khiến bạn hiếu gà ra vịt, hãy góp ý "Em làm tốt lắm. Nhưng còn vài chỗ tôi không rõ, lần sau nhớ tuân thủ nguyên tắc làm báo cáo của công ty nhé".


Minh bạch
Để nhân viên làm việc hiệu quả, điều quan trọng nhất là giúp họ hiểu rõ công việc được giao. Khi giải thích vấn đề, người lãnh đạo phải trình bày rõ ràng, dứt khoát và không để lộ cảm xúc. Mặt khác, cần kích thích họ đặt câu hỏi, bày tỏ mối quan tâm, sau đó bạn giải thích thật logic. Khi đặt vấn đề, khẳng định điều gì đó hoặc chia sẻ ý tưởng…bạn tránh để nhân viên cảm thấy bị áp đặt, ép buộc. Nếu có tâm lý thoải mái, cấp dưới sẽ thường xuyên chia sẻ với sếp những thắc mắc, quan tâm của mình, bởi họ tin bạn luôn muốn tạo môi trường làm việc an toàn, tích cực.

Tôn trọng

Đừng bao giờ để tâm trạng của mình ảnh hưởng đến không khí làm việc chung. Điều đó chẳng những khiến mọi người làm việc không hiệu quả mà còn vô tình tạo ra hình ảnh người lãnh đạo không tốt trong mắt họ.

Hải Ly, phóng viên, 26 tuổi, kể rằng, cô từng có vị sếp lúc nào cũng khiến nhân viên bị ám ảnh về tâm trạng của ông. “Ông ấy không ngại hét vào mặt nhân viên và cư xử rất thất thường. Chúng tôi không bao giờ biết sếp mình sẽ có thái độ gì. Lúc nào mọi người cũng thăm dò xem có cần phải…đi lánh nạn không”, Ly kể.

Là lãnh đạo, bạn bên thận trọng trong các mối quan hệ giao tiếp với nhân viên. Đừng tỏ ra lạnh lùng, xa cách, nhưng cũng không nên thân mật quá mức. Điều này khiến nhân viên khó xử hoặc họ sẽ lờn mặt, xem thường bạn.
Bên cạnh đó, để mọi người tôn trọng, bạn phải giữ chữ tín. Đừng viện lý do quá nhiều việc nên quên mất lời hứa của mình. Cho dù là điều rất nhỏ, nhưng nếu giữ lời, bạn sẽ khiến nhân viên cảm thấy được quan tâm và sẵn sàng cống hiến hết công sức cho doanh nghiệp.


Công bằng

Một điều cực kỳ quan trọng trong giao tiếp giữa sếp với nhân viên là: công bằng.

Lan Chi, 26 tuổi, nhân viên kinh doanh, kể về vị sếp cũ cực kỳ thiên vị của cô: "Với người bên phe mình, bà ấy luôn giao nhũng việc dễ dàng, thuận lợi. Họ còn thoải mái đi ăn trưa, nghỉ giữa giờ lâu hơn mọi người. Trong khi đó, nhân viên khác chỉ đi trễ vài phút đã bị bà ấy mắng xối xả. Nếu không thuộc phe cánh của sếp, 8 tiếng làm việc của bạn sẽ giống như ở địa ngục. Tôi nằm trong số đó. Khi tôi lỡ làm sai, dù là lỗi nhỏ xíu, mọi người có thể nghe thấy tiếng hét của bà ấy từ đầu phòng bên kia. Mỗi ngày đi làm, tôi đều sống trong tâm trạng thấp thỏm, không biết khi nào bị sếp gọi vào trách mắng”. Chịu không nổi, sau một thời gian, Chi xin nghỉ việc,.

Hãy đánh giá đúng năng lực làm việc của nhân viên để có chế độ đãi ngộ đứng mức. Nếu thiên vị người này, miệt thị người kia, bạn sẽ tạo ra những "chuyên gia nịnh hót" . Bạn cần lắng nghe cả hai tai để thưởng, phạt công tâm, như vậy nhân viên mới nể phục.
Giao tiếp là một nghệ thuật mà chúng ta không bao giờ học được hết. Để hoàn thiện bản thân, bạn phải học cả đời nhất là đối với những người quản lý. Đừng quên, sự thành công của bạn không bao giờ tách khỏi khả năng giao tiếp hàng ngày.

Với các mối quan hệ nơi công sở, thất bại trong giao tiếp thường là nguyên nhân của những bất đồng hoặc hiểu lầm giữa các đối tượng giao tiếp. Theo nhiều kết quả khảo sát, thất bại trong giao tiếp thường không phải do khác biệt văn hóa hay bất đồng ngôn ngữ.

Nhiều người gặp khó khăn trong giao tiếp với cấp trên hoặc cấp dưới của mình, dù rằng họ nói cùng thứ tiếng và có chung một nền văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giao tiếp hiệu quả nếu cả hai phía đều biết lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.

Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau là một bí quyết để thành công khi giao tiếp nơi công sở.

Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp ở nơi làm việc:

Chú ý vào "nội dung trao đổi" chứ không phải "người phát ngôn"

Đôi khi, chúng ta thường bị tác động bởi định kiến về một người trước khi thực sự hiểu rõ nội dung thông tin mà người đó truyền đạt. Nếu bạn đã có thành kiến về một đồng nghiệp thì bạn thường không chịu chú ý lắng nghe thông tin mà họ chia sẻ.

Bên cạnh sự yêu ghét cá nhân, chúng ta còn đánh giá người đối thoại qua điệu bộ, cử chỉ, thái độ và thậm chí là dung mạo của họ khi nói chuyện. Vì tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến việc bạn có chấp nhận thông tin của họ hay không nên bạn cần tự nhắc nhở rằng "quan trọng là họ nói gì chứ không phải họ là ai"!

"Tại sao" chứ không chỉ là "cái gì"?

Một khi đã nắm được nội dung thông tin, bạn cần suy nghĩ và tìm hiểu vì sao người ta trao đổi vấn đề đó với bạn. Ví dụ: sếp bạn ra thông báo kể từ đầu năm nay, công ty áp dụng giờ làm việc buổi sáng bắt đầu từ 8 giờ đến 9 giờ và không quá 9 giờ. Nếu chỉ chăm chăm vào nội dung thông tin, bạn có thể sẽ cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu tự đặt câu hỏi "tại sao" bạn sẽ hiểu thêm và thấy được lợi ích của quy định này. Giờ làm việc như vậy sẽ giúp bạn linh động về thời gian làm việc hơn và thử nghĩ xem, lỡ có bị kẹt xe thì bạn cũng sẽ tránh được việc đi làm trễ giờ.

Lắng nghe rồi mới đánh giá


Tất cả chúng ta đều biết mình nên tìm cách hiểu đúng quan điểm của người phát ngôn trước khi đánh giá quan điểm của họ. Bạn có thể chờ đến khi kết thúc cuộc trò chuyện rồi mới đánh giá nếu không cần thiết phải đưa ra quyết định ngay lập tức. Đừng vội đánh giá, quyết định hay đưa ra kết luận khi chúng ta chưa chắc chắn về những điều đã nghe.

Không nhất thiết phải là trao đổi trực tiếp, viết cũng được

Sẽ rất khó giao tiếp với những người hơi nhạy cảm hoặc những người khó có thể tập trung lắng nghe từ đầu đến cuối. Vì vậy, bạn nên viết thư hoặc để lại tin nhắn cho họ trước khi muốn trực tiếp trao đổi. Ngoài ra, những người gặp khó khăn khi phải diễn đạt bằng lời nói cũng có thể sử dụng cách này để giao tiếp hiệu quả hơn.

Thông tin đơn giản và dễ hiểu

Nghĩa là bạn nên sử dụng những cách diễn đạt đơn giản; dùng từ ngữ dễ hiểu, đơn nghĩa, chính xác để người nghe dễ dàng nắm bắt được nội dung thông tin. Những từ ngữ lạ, chuyên biệt hoặc lối nói khách sáo chỉ làm tăng thêm khoảng cách giữa bạn và người đối thoại và khó đạt được hiệu quả giao tiếp.

Tiếp nhận phản hồi

Việc chuyển tải nội dung thông tin chỉ là bước đầu tiên trong quá trình giao tiếp. Cả người nói và người nghe đều cần khuyến khích người kia phản hồi. Phản hồi giúp bạn biết được người đối thoại có thực sự nắm bắt được vấn đề đang trao đổi hay không, có hiểu đúng hay không. Từ đó bạn sẽ khẳng định lại những thông tin chưa được hiểu đúng, tránh việc thực thi sai hoặc hiểu lầm.

Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau

Bất cứ ai, nếu giao tiếp với tinh thần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau đều thấy rõ ràng hiệu quả giao tiếp sẽ tốt hơn. Với niềm tin và sự tôn trọng, bạn trao đổi cởi mở hơn và thẳng thắn hơn. Do vậy, cuộc hội thoại giữa bạn và đối tác sẽ mang tính tương tác nhiều hơn và tất nhiên sẽ hiệu quả hơn.

Lưu ý cấp bậc trong giao tiếp

Bạn cũng nên chú ý thêm yếu tố cấp bậc, chức vụ của đối tượng giao tiếp. Các chuyên gia tư vấn khuyên rằng: nếu nói chuyện với cấp trên, bạn nên làm rõ các điểm, ý chính, trao đổi chính xác và chú ý lắng nghe/ghi chép những nhận xét của cấp trên. Còn nếu bạn nói chuyện với cấp dưới, luôn luôn giải thích chi tiết các vấn đề và đừng quên hỏi nhân viên cấp dưới xem họ suy nghĩ gì hoặc phản hồi như thế nào về vấn đề đó.ới các mối quan hệ nơi công sở, thất bại trong giao tiếp thường là nguyên nhân của những bất đồng hoặc hiểu lầm giữa các đối tượng giao tiếp.

Đặc trưng của văn hóa giao tiếp

Giao tiếp với đồng nghiệp như thế nào

Nghệ thuật trong giao tiếp kinh doanh

Nghệ thuật trong giao tiếp hàng ngày

Hành vi giao tiếp của trẻ

(ST).

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý