Món ăn ngon ở Ninh Bình ấm lòng thực khách

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Món ăn ngon ở Ninh Bình ấm lòng thực khách

19/04/2015 09:44 AM
412

Món ăn ngon ở Ninh Bình ấm lòng thực khách. Ngoài những di tích lịch sử có giá trị, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, mảnh đất Ninh Bình còn thu hút du khách bởi những món ăn độc đáo, ngon miệng mà đậm nét dân dã Bắc Bộ. Nếu có dịp đến với Ninh Bình, bạn nhớ nếm thử các đặc sản nổi tiếng sau nhé!


Cơm cháy

Cơm cháy Ninh Bình là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng nhất của Ninh Bình. Địa bàn phát triển loại hình ẩm thực này chủ yếu là ở ven đường Quốc lộ 1, thành phố Ninh Bình và các khu du lịch. Cơm cháy Ninh Bình khác với các vùng khác từ cách chiên cho đến nước sốt đi kèm. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị bùi, béo mà không ngán

Cơm cháy Ninh Bình


Cơm cháy Tràng An có thể ăn không, nhưng phải ăn nóng, lúc mới chiên xong, nếu để lâu sẽ bị cứng hạt.

 Gỏi cá nhệch, Kim Sơn

Gỏi cá nhệch - Ninh Bình


Gỏi cá nhệch nổi tiếng nhất ở huyện Kim Sơn

Trong tỉnh Ninh Bình có nhiều nơi giới thiệu món ăn này, nhưng gỏi cá nhệch ở Kim Sơn được coi là ngon nhất. Để chế biến ra món ăn đặc sắc gỏi cá Nhệch này cần một chuỗi nhiều khâu hết sức kì công. Món ăn này mang hương thơm bùi bùi của gạo nếp rang, vị chua thanh thanh của dấm xen vào cái vị cay ấm của gừng với tỏi, ớt, tiêu, sả. Gỏi cá nhệch thơm và bùi, có mùi vị rất đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Ốc núi

Ốc núi Ninh Bình


Ốc núi Ninh Bình chế biến thành nhiều món ăn rất ngon

Ốc núi có nhiều ở các dãy núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan. Chúng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Thức ăn chính của ốc này là những loại cây cỏ mọc hoang trên núi trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy khi sơ chế người ta chỉ rửa qua vì cho rằng trong người con ốc mang nhiều vị thuốc. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi…

Tái dê Hoa Lư

Tái dê Hoa Lư



Tái dê Hoa Lư  - Món ngon bài thuốc

Bên cạnh tái dê, người Hoa Lư còn chế biến nhiều món khác như: Nem dê, dê hấp, nhựa mận, dê nướng, tiết canh dê, mật, cà đem ngâm rượu, nhưng món tái dê vẫn đứng nhất bảng. Cái ngon của tái dê ngoài bí quyết chế biến khéo léo còn ở gia vị, gia giảm. Đó là các loại lá, quả ăn kèm theo và đặc biệt là món tương gừng. Tái dê vừa là món ăn ngon dùng bồi dưỡng cơ thể, vừa là bài thuốc chữa bệnh bởi lẽ dê ăn nhiều loại lá, có chứa dược liệu rất quý.

Nem Yên Mạc

Nem chua Yên Mạc - Ninh Bình


Nem chua Yên Mạc bảo quản được khá lâu

Nem Yên Mạc được truyền lại từ đời nào không rõ, nhưng những người sành ăn ở đây đã biết đến từ lâu. Ngày nay, nem Yên Mạc đã vươn xa, có mặt ở nhiều khách sạn, nhà hàng cả trong và ngoài tỉnh. Nem Yên Mạc do được tinh chế khá công phu, sợi nem nhỏ, đỏ hồng, rời, tươi ướp với gia vị và lá ổi tàu để được hàng tuần. Nem Yên Mạc phải ăn kèm với chút lá ổi, lá sung, cùng rau thơm cuộn lại, chấm với nước mắm chanh, cho thêm một ít ớt, tỏi và hạt tiêu. Như vậy người ăn mới cảm nhận đủ vị ngọt, cay của hương vị đặc biệt của món ăn này.

 Canh chua cá rô

Canh chua cá rô Ninh Bình


Canh chua cá rô là món đặc sản của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng ở Ninh Bình. Ảnh minh họa

Tổng Tr­ường trư­ớc là tổng Trư­ờng Yên (nay là xã Trư­ờng Yên, huyện Hoa Lư), đây là vùng đất có nhiều hang động, có loại cá rô to và béo. Cá rô đư­ợc chế biến để nấu món canh chua, đây là món ăn đặc sản của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng. Món canh chua này khi chế biến không thể thiếu nước dưa chua để khử mùi tanh và tạo nên vị thanh thanh hấp dẫn. Món ăn này có vị ngọt ngọt, chua chua của n­ước dư­a cải, ngọt mát của cà chua, đậu phụ, ngậy, bùi, giòn và thơm của cá rô…

 Miến lươn

Miến lươn Ninh Bình


Miến lươn Bà Phấn nổi tiếng nhất ở Ninh Bình

Cùng với cơm cháy, tái dê, miến lươn cũng là món đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại 3 nhà hàng gần nhau ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, một ngả ra chợ Rồng, một ngả vào bệnh viện tỉnh. Hương thơm của món miến lươn lan toả ngọt ngào ra khắp một không gian rộng nơi đây như mời chào khiến du khách khó có thể bỏ qua mỗi khi có dịp tới Ninh Bình.

Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức thêm món bún mọc, cà niễng, rượu Lai Thành- Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, rượu cần Nho Quan…


Bún mọc Phát Diệm


Về Phát Diệm - nơi có nhà thờ đá rất nổi tiếng, bạn nên tìm ăn món ngon nổi tiếng vùng này, đó là "Bún mọc Quang Thiện". Bún mọc Quang Thiện có từ thời quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ về đây khai hoang mở đất, cho đến nay vẫn là món ăn phổ biến và được ưa chuộng.

Bún mọc nước trong, ngọt vị xương hầm và nước thịt mọc, thơm ngon. Ăn bún mọc khi nóng vào mùa đông với rau ghém là xà lách, rau húng thơm, lá hẹ rất hợp lí. Những người bán hàng khéo tay xếp tô bún đẹp, chỉ cần nhìn thôi đã thấy đói và thèm ăn rồi! Những viên mọc tròn vo, điểm phụ gia như nấm, tiêu trông rất hấp dẫn.

Bún mọc khó quên

Làm bún mọc cũng lắm công phu, chọn loại gạo tẻ ngon - gạo của "năm ngoái" chứ không phải gạo mới gặt về. Xay ngâm gạo thật nhuyễn, lấy khăn lọc để trên chiếc rổ, ép thật mạnh cho chảy hết nước chua, sau đó cho vào nồi luộc, bột dẻo rồi nhào. Tiếp theo là cho vào khuôn, "kéo" thành sợi, chảy vào nồi nước sôi, khi chín vớt ra cho vào nồi nước nguội, sau đó, phơi trên mặt sàng thành bún. Thịt làm mọc phải là thịt mông, loại hết gân, mỡ, cho vào máy xay, ướp với nước mắm, mì chính, hạt tiêu, rồi viên tròn từng viên, luộc chín.

Bún mọc hợp khẩu vị của nhiều du khách, cả Nam lẫn Bắc với giá cả phải chăng, chắc chắn sẽ là món ăn khó quên đối với nhiều thực khách.


Cỗ chay Đào Xá



Được biết đến là một làng Quan họ gốc, Đào Xá còn nổi tiếng bởi những người phụ nữ đảm đang, đẹp người, đẹp nết, khéo léo chăm lo chu toàn mọi bề gia thất. Một trong những tài của con gái Đào Xá xưa kia là làm cỗ chay đãi khách vừa ngon vừa khéo.

Hàng năm, Đào Xá thường có 3 tiết lệ chính nhưng thường chỉ ngày hội chùa (mồng 7 tháng Giêng) thì bà con xóm làng mới thực sự tham gia vào những hoạt động văn hoá như: hát Quan họ ở nhà chứa, trong sân đình, dưới thuyền, trên đê, đi lễ chùa, chơi hội và làm cỗ chay. Xưa kia, chẳng mấy làng thuộc vùng Kinh Bắc lại thiếu những món ăn chay trong ngày hội chùa. Bởi, hầu hết các gia đình đều sắp cỗ chay mang ra chùa cúng Phật, sau đó là tiếp đãi khách thập phương.

Cỗ chay Đào Xá

Nhưng cỗ chay Đào Xá lại có nét riêng, khá độc đáo, thể hiện sự khéo léo của người con gái làng Đào. Mâm cỗ chay của làng Đào thường gồm bánh chưng, bánh rợm, bánh rán, bánh cắp, một đĩa giò, 4 bát nấu, 5 bát cháo cái… Tất cả đều làm từ sản phẩm của nhà nông. Trong những món ăn chay nói trên, bánh cắp và cháo cái là hai món đặc trưng, nhất định không thể thiếu trên mâm cỗ mời khách của làng Đào Xá trước đây.

Bánh cắp được làm từ bột gạo nếp xay nhuyễn rồi đem đun cho tới khi bột chín khoảng 70 % mang ra nhào trộn cùng với vỏ cây vông vang và nước quả dành dành để tạo màu vàng (nếu muốn làm bánh đường thì tẩm thêm với nước đường phên). Khi nhào bột phải lăn thành hình cầu rồi đem cán thật mỏng, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như thế đến khi bột nhuyễn, đạt đến độ mịn, dẻo ưng ý mới nặn thành từng viên bột nhỏ. Những viên bột sẽ được úp vào khuôn sau đó đổ từ khuôn ra, dùng nhíp cắp từng ít bột theo vòng tròn hình chóp (vì thế nên bánh mới có tên gọi là bánh cắp).

Cỗ chay Phung Thánh

Trong tất cả công đoạn thì cắp bánh là cầu kỳ và khó nhất, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo vì tay trái vừa giữ viên bột vừa xoay cho phần đế của chiếc bánh luôn tròn đều, tay phải dùng nhíp cắp bột dần dần từ trên xuống nhưng hết sức chú ý để đều tay, giữ cho khoảng cách giữa các đường cắp, múi cắp cân đối, không bị lệch. Sau khi hấp bánh xong, mỗi cái bánh nhìn giống như hình một chiếc nón có màu vàng thật đẹp. Đĩa bánh cắp thường được bày đặt ở tầng trên cùng của mâm cỗ chay làng Đào (mâm cỗ đãi khách ở tất cả các làng Quan họ gốc có chung đặc điểm là 3 tầng, đều được bày trên mâm đan, bát đàn nhưng mỗi làng lại có những món ăn đặc trưng, riêng biệt và tầng trên cùng thường dành để bày những món ăn riêng có của làng mình. Chỉ một số món đựng bằng bát lớn, khó chồng lên trên thì mới phải đặt ở tầng dưới, như: cháo cái Đào Xá, bún riêu Đương Xá…).

Ngoài bánh cắp, Đào Xá còn có món chay là cháo cái được làm bằng gạo tẻ ngon xay nhuyễn thành bột. Bột sau khi đã thấu dẻo đem nắm thành từng nắm nhỏ cho vào luộc. Khi bột gần chín vớt ra bỏ vào cối giã cho quện với nhau. Tiếp đến lại nắm thành từng nắm nhỏ, để ra mâm, dùng chai cán mỏng trên mâm, sau đó thái nhỏ như sợi mì, lấy bột gạo khô rắc vào rồi mang nấu với nước luộc gà.

Xưa kia, cháo cái và bánh cắp là hai món chay được xem như đặc sản để người Đào Xá tiếp đãi, thể hiện tình cảm của mình đối với khách quý. Ngày nay, nguồn thực phẩm phong phú nên rất ít gia đình ở Đào Xá còn làm những món ăn này. Hiện, trong làng chỉ còn 5, 7 người biết làm hai món ăn này



Ăn gỏi cá nhệch Nga Sơn


Cuối tuần nắng lên sau đợt mưa dầm dề, chúng tôi rủ rê nhau đi vãn cảnh Tràng An (Ninh Bình)... Tràng An non nước hữu tình nhưng cả ngày lênh đênh sông nước cũng mệt, mọi người bảo nhau “chuyển tông”.

Đang chưa biết đi đâu thì cậu bạn người Thanh Hóa cùng đi rủ qua Nga Liên (Nga Sơn, Thanh Hóa) ăn gỏi cá nhệch.

Từ TP Ninh Bình chạy xe khoảng 60km thì tới Nga Sơn, rồi lòng vòng, lắt léo hơn chục kilômet nữa mới đến Nga Liên. Bạn bảo gỏi cá nhệch Nga Sơn ăn ở Nga Liên là ngon nhất, đặc biệt ở quán “ông Bảo” như mọi người quen gọi.

Gỏi cá nhệch ở một số địa phương cũng có và đều được chế biến từ thịt cá nhệch đã làm sạch, lát mỏng trộn thính gạo thơm lừng theo bí quyết riêng của từng nhà hàng để khử tanh và tạo mùi thơm cho cá.

Nhưng đặc sắc nhất, tạo hương vị riêng cho gỏi cá nhệch ở mỗi vùng miền là các loại rau, lá ăn cùng, cũng như cách thức chế biến “chẻo” và thưởng thức gỏi. Gỏi cá ở Nga Sơn được ăn với rất nhiều loại rau, lá... mà có lẽ chỉ ăn ở Thanh Hóa mới thưởng thức được hết hương vị đặc trưng của món ăn như lộc nhòn, rau má...

Chế biến gỏi cá nhệch Nga Sơn là một nghệ thuật, mà ăn gỏi cá nhệch Nga Sơn cũng là một nghệ thuật tỉ mỉ không kém. Thấy mấy lữ khách ngơ ngác không biết dùng món thế nào, cô nhân viên quán tươi cười hướng dẫn tận tình.

Gỏi cá không cuốn bằng bánh đa nem mà lấy các loại lá ăn kèm để cuốn. Gỏi cũng không cuốn tròn như các loại gỏi, nem cuốn thông thường mà cuốn thành hình phễu và ăn cả miếng mới ngon. Đầu tiên lấy lá “sung sướng” (lá sung) thật to, lá mới, non đặt ở ngoài cùng. Nêm thêm một, hai lá lộc nhòn, một, hai lá từ bi hỉ xả (cúc tần) rồi ngổ ngáo (rau ngổ), mộng mơ (lá mơ), mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà... Ai thích vị nào thì nêm tùy ý. Sau đó cuốn tất cả các loại rau thành hình chiếc phễu, cho lượng cá nhệch vừa ăn vào, rưới chẻo lên trên và nêm vừa phải ớt gió tươi, hành củ tươi, riềng, sả. Ai ăn được mắm tôm thì rưới thêm một chút. Rồi lấy một miếng bánh đa nho nhỏ đậy cái phễu lại và phải ăn hết cả miếng.

Cảm nhận ban đầu là vị bùi, vị thơm, vị mát, vị cay của rau. Rồi đến vị ngọt, vị béo, bùi, ngậy của chẻo, vị mằn mặn vừa phải của mắm tôm, vị cay, nồng, thơm, nóng của riềng, của ớt, của sả. Thêm vị bánh đa bùi bùi giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn giòn của cá nhệch. Tất cả tan dần trong miệng... ngon không từ nào tả xiết... Nuốt miếng gỏi rồi mà dư vị vẫn còn đọng mãi...

Ăn gỏi cá nhệch ngon nhất là chẻo. Mà chẻo không ngon thì chẳng còn gì là gỏi cá nhệch. Chẻo làm từ những gì, làm như thế nào mà lại béo, ngậy, thơm, ngon đến vậy? Những người khách phương xa chẳng thể phân biệt được. Hỏi các nhân viên phục vụ, các cô chỉ cười rất hiền bảo đó là “bí quyết riêng của nhà hàng chúng em”... Ừ, phải giữ “bí kíp” riêng thì mới tạo ra được thương hiệu riêng chứ nhỉ...

Sau lần đầu tiên, mỗi lần thèm gỏi cá nhệch Nga Sơn mấy chị em lại rong ruổi vào tận Nga Liên ăn gỏi. Và bây giờ, nghĩ đến gỏi cá nhệch Nga Sơn lòng cứ bồi hồi...




Tham khảo thêm một số quán ngon ở Ninh Bình




Đi vào Bái Đính, Tràng An bằng đường qua làng có một cái quán rất đông, ăn được nhưng ngồi như trong sân nhà hơi bí như kiểu quán bia hơi Hà Nội. Quán này tên gì chẳng nhớ nhưng gần qua làng, cách cây xăng khoảng 3-4km (khó tìm thì đi lên tới cây xăng rồi quay ngược lại rồi hỏi)

quán Ba cửa đến gàn khu Tràng An hỏi hoặc chịu khó nhìn biển sẽ thấy, món tái dê có lá Hương nhu, lá đinh lăng, lá mơ.... thêm trái sung muối nữa... rất ngon. nhấp thêm hớp rượu Voka Ninh bình (kiểu rượu Kim sơn), cảm thấy đáng cái công bỏ việc, bỏ nhà mà đi Du lịch. giá hợp lý, ông chủ dzui dzẻ, thấy giới thiệu cái rượu ngâm gì đen đen, bảo là sâm trên núi đá vôi Ninh bình. dùng cũng được.
Ninh bình còn có món Cơm cháy chấm nước sốt... ăn lạ mà ngon.
Món gà thì khỏi có chỗ chê, chỉ gà luộc thôi, nhưng phải chờ hơi lâu vì gà rông, bắt làm luôn, không có sẵn gà làm rồi, nên hơi tốn thời gian.
món cá trắm đen rán cũng tươi và good, nhưng mình thì không khoái lắm, vì thấy dầu mỡ quá, chỉ thấy thằng bạn nhai rau ráu miếng da cá... chẹp chẹp

Đất Ninh bình có rất nhiều nhà hàng dê núi cơm cháy nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nhà hàng Đức dê.Nhà hàng này nằm hơi khuất 1 chút trong ngõ nhưng cũng rất dễ tìm vì nó nằm trên đường quốc lộ 1A Bắc - Nam. Quán này lúc nào cũng đông khách, khách Hà Nội sành ăn thì ghé qua thường xuyên và rất đông. Đi từ Bái đính về đến nhà hàng Đức dê khoảng hơn 15km. Các bạn cứ đi thẳng đường quốc lộ hỏi thăm người dân họ sẽ chỉ cho.

cơm cháy thì phải kể đến Hương Mai. quán này thì địa chỉ không nhớ rõ nhưng nó nằm nga cạnh sân vận động Ninh Bình. giờ xây bên cạnh là 1 khách sạn của vinsai thì phải.
ngay trên trục đường 1A từ cổng chào thành phố Ninh bình đi thêm khoảng 3km ở bên tay phải. nhà hàng này nổi tiếng mà cũng ngon.

Ăn sáng ở Ninh Bình cũng rất đa dạng. Đường Trần Hưng Đạo có món miến lươn gia truyền nổi tiếng ngon, rẻ, đắt khách. Hoặc ăn bún chả ở ngã ba tam giác, bánh cuốn khu chợ Bóp, bún bò giò heo ở bờ hồ Máy Xay cũng rất thú vị.

Giải trí và ăn chơi ở phố Tám, đó là khu dành cho những thú ăn vặt như chè, kem, bánh trái. Phố Tám mát mẻ, thích hợp cho những buổi trưa lang thang...

Ngoài ra, ban có thể uống bia và giải khát ở bở hồ Máy Xay với nem chua Yên Mạc, cá chỉ vàng nướng vào buổi chiều tối, ăn đêm ở Lê Đại Hành với món cháo gà hay ăn lẩu ở bờ hồ.





Món ăn truyền thống của Hà Nội
Món ăn truyền thống của Hải Phòng
Món ăn truyền thống của Malaysia
Món ăn truyền thống của Campuchia
Món ăn truyền thống của Canada
Món ăn truyền thống của người Hoa



(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý