Nguyên nhân của bệnh động kinh và cách chăm sóc người bệnh

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Nguyên nhân của bệnh động kinh và cách chăm sóc người bệnh

19/04/2015 10:26 AM
547

Nguyên nhân của bệnh động kinh và cách chăm sóc người bệnh. Một khách hàng trong lúc làm thủ tục gửi tiền ở một ngân hàng nước ngoài đột ngột kêu lên một tiếng rồi nằm vật ra đất, người co cứng, giật và sùi bọt mép…



Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, lúc khoẻ lại bệnh nhân này khăng khăng cho rằng chẩn đoán ông bị động kinh là không đúng vì đây là bệnh di truyền, trong khi nhà ông không ai bị. Ông cho là mình lên huyết áp khi đột ngột di chuyển từ nắng nóng vào phòng lạnh. Cách hiểu này rất nguy hiểm vì khiến ông chủ quan với bệnh tình.


Bạn biết gì về  bệnh động kinh?

Là bệnh mà trong dân gian còn gọi là kinh phong, phong xù, kinh giật. Đó là một trạng thái bệnh lý của não bộ do sự phóng điện đột ngột quá mức của tế bào thần kinh gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian từ vài giây đến vài phút, có tính chất lập đi lập lại.

Đây là loại bệnh khá phổ biến chiếm tỷ lệ từ  0,4 – 0,5 % dân số.

Bệnh có thể gây ra chậm phát triển trí tuệ, nếu phát bệnh càng nhỏ tuổi và chữa trị không ổn định, gây trở ngại đến việc học tập, lao động. Về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách, tính tình gây phiền phức cho bản thân và những người chung quanh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, có thể chữa khỏi, bệnh ổn định lâu dài, gia đình hạnh phúc, xóm làng yên vui.


Động kinh là một loại bệnh khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 0,33% dân số Việt Nam. Bệnh này còn được gọi là kinh phong, phong xù, kinh giật… Biểu hiện bệnh khá phức tạp, từ những cơn co giật, mất ý thức đến những đợt rối loạn hành vi. Nguyên nhân bệnh cũng khá đa dạng. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng 80% các trường hợp bắt đầu lúc dưới 20 tuổi.

Nguyên nhân thường gặp

Di chứng chấn thương sọ não: sau chấn thương một số bệnh nhân có thể khởi phát cơn động kinh trong năm kế đó, một số ít khởi phát muộn trong nhiều năm sau. Chấn thương gây trên não một vùng tổn thương, sau đó hoá sẹo và chính nơi này tạo thành một “ổ động kinh”. Ngoài số bệnh nhân có cơn co giật toàn thể thì cũng có những người chỉ co giật ở một phần cơ thể do “ổ động kinh” nằm ở các vùng não khác nhau.

Di chứng sang chấn sản khoa: sau những chuyển dạ có can thiệp như giác hút, forceps… hoặc thời gian chuyển dạ quá lâu làm não bé thiếu oxy. Nguy cơ ước tính khá cao: khoảng 50%, tuy nhiên đôi lúc khó xác định vì phần lớn chỉ căn cứ qua trí nhớ thân nhân và thường không để lại di chứng (kể cả qua khám và làm xét nghiệm). Một số bệnh nhân thường là con đầu của gia đình.

Di chứng sau nhiễm trùng thần kinh trung ương: ở một số bệnh nhân động kinh, khi hỏi lại quá trình bệnh ta có thể phát hiện bệnh nhân từng bị viêm não, viêm màng não. Có trường hợp có bằng chứng rõ ràng như có điều trị và được bác sĩ thông báo, có giấy xuất viện… nhưng cũng có những trường hợp viêm não, viêm màng não không được phát hiện hoặc bệnh diễn biến nhẹ nên không đến cơ quan y tế. Những trường hợp này thường trong bệnh sử có những chi tiết mơ hồ gợi ý đến các bệnh nhiễm trùng não như sốt cao, co giật thoáng qua, hôn mê… và chúng thường xuất hiện trước 12 tuổi.

Di chứng tai biến mạch máu não: thường gặp ở người lớn tuổi sau tai biến, nguy cơ tới 10 – 15%. Phòng ngừa bằng cách điều trị tốt các bệnh dẫn tới tai biến như cao huyết áp, đái tháo đường… và theo dõi sát sau đó để kịp thời điều trị sớm động kinh.

U não: nguyên nhân hiếm ở động kinh trẻ em, người trẻ. Đối với động kinh khởi phát ở người lớn, nó chiếm 10 – 15%.

Yếu tố di truyền: ước tính chiếm 40% các loại động kinh. Trong nhóm thân nhân người bệnh, tỷ lệ cùng bị động kinh lên tới 3,2% có nghĩa là gần gấp ba lần tỷ lệ chung. Các trẻ em sinh đôi cùng trứng cũng có tỷ lệ cùng bị động kinh là 85% so với 27% các cặp sinh đôi khác trứng. Động kinh có yếu tố di truyền thường xuất hiện sớm, chiếm 50% các loại động kinh ở trẻ em dưới 10 tuổi. 80% các loại động kinh di truyền thường khởi phát trước 20 tuổi. Động kinh di truyền luôn biểu hiện bằng những cơn động kinh toàn thể. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là trong số thân nhân người bệnh bị động kinh, di chứng sau chấn thương cũng có tỷ lệ động kinh cao. Điều này có thể gợi ý cho ta nghĩ tới một cấu trúc não “nhạy cảm” ở người bệnh.

Có một số bệnh nhân ngoài bệnh lý động kinh còn có những tổn thương khác như bệnh xơ não củ Bourneville, bệnh da cơ thần kinh Recklinghausen.

Nguyên nhân theo lứa tuổi

Nếu xét theo tuổi khởi bệnh thì mỗi lứa tuổi có một số nguyên nhân thường gặp:

Mới sinh đến ba tháng: bất thường thần kinh bẩm sinh, thiếu oxy não, sang chấn sản khoa, máu tụ ở não sau sinh, nhiễm trùng thần kinh trung ương.

Ba tháng đến 2 tuổi: nhiễm trùng thần kinh trung ương, dị dạng mạch máu não, một số bệnh lý bẩm sinh thần kinh khởi phát muộn.

Hai đến 12 tuổi: động kinh vô căn, nhiễm trùng thần kinh trung ương, di chứng chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não.

Thiếu niên – 18 tuổi: động kinh vô căn, di chứng chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não.

Người trưởng thành: di chứng chấn thương sọ não, nghiện rượu, u não.

40 – 60 tuổi: di chứng chấn thương sọ não, nghiện rượu, u não nguyên phát, tai biến mạch máu não.

60 tuổi trở lên: tai biến mạch máu não, u não do di căn, sa sút tuổi già, rối loạn chuyển hoá, ngộ độc thuốc.

Nguyên nhân khác

Co giật do sốt cao: thường thấy ở trẻ dưới 4 tuổi do hệ thần kinh chưa ổn định, xảy ra sau sốt 39oC trở lên, các cơn co giật kiểu cơn toàn thể: mất ý thức, co cứng – co giật đồng bộ và đối xứng. Nhưng nếu thấy các dấu hiệu sau nên nghi ngờ không đơn thuần là sốt cao co giật: còn co giật khi trên bốn tuổi, sốt nhẹ ấm mình cũng co giật, co giật nhiều một chi hoặc một phần cơ thể hơn so với phần kia, sốt cao co giật xuất hiện sau chấn thương sọ não, sau nhiễm trùng não. Một số nghiên cứu cho thấy dường như các trẻ sốt cao co giật có “cơ địa” dễ bị sốt cao. Lưu ý: trẻ có tiền sử co giật thì khi trẻ sốt nên cho uống thuốc hạ nhiệt đủ liều và cách khoảng phù hợp.

Cơn co giật trên bệnh nhân nghiện rượu: người nghiện rượu sau khi ngưng hoặc giảm rượu đột ngột thường trở nên bồn chồn, run tay, vã mồ hôi sau đó có thể lên nhiều cơn co giật trong ngày. Do vậy, không nên ngưng rượu đột ngột, đặc biệt là ở những bệnh nhân uống nhiều và lâu năm. Nên tới các cơ sở chuyên khoa tâm thần để điều trị cai rượu. Trong trường hợp muốn tự ngưng rượu thì nên giảm rượu từ từ trong vòng một tuần đến mười ngày.



Bạn có biết những nguyên nhân nào gây ra bệnh động kinh để có thể phòng ngừa ?

Có thể gặp như :

- Chấn thương sọ não các loại ( hiện nay thường do chủ yếu là tai nạn giao thông chiếm phần lớn, trong đó tình trạng say rượu,  nghiện ma túy góp phần không nhỏ: do tai nạn lao động )

- Các bệnh của não bộ như : tai biến mạch máu não ( chảy máu não, nhũn não ), u não, viêm não, các loại ngộ độc rượu , ma túy, hóa chất...

- Ngoài ra còn có những loại bệnh động kinh nguyên phát không rõ lý do

Bạn biết những biểu hiện lâm sàng của cơn động kinh như thế nào ?

 Có nhiều biểu hiện nhưng thường gặp là:

      1.Động kinh toàn thể : dễ chẩn đoán, cơn xuất hiện rất đột ngột, người bệnh thường kêu lên một tiếng rồi ngã lăn ra, ngay lập tức mất ý thức hoàn toàn. Cơn thường trãi qua 3 giai đoạn :

- Giai đoạn co cứng (kéo dài trong khoảng chừng một phút): co cứng toàn bộ các cơ tứ chi, cơ ở thân, ở ngực, hai tay co, hai chân duỗi. Hậu quả gây ngưng thở, tím tái, có thể cắn vào lưỡi.

- Giai đoạn co giật cơ (kéo dài trong khoảng chừng một vài phút): giật cơ từng đợt đều đặn có nhịp, hai mắt trợn trừng, nhấp nháy, miệng sùi bọt có lẫn máu.

- Giai đoạn hôn mê, lú lẫn: sau giai đoạn co giật người bệnh vào giai đoạn hôn mê sâu, thở rống, đái trong quần. Sau đó lúc tỉnh dậy thấy đau đầu, mõi mệt.

- Có thể gặp cơn không điển hình, người bệnh chỉ mất ý thức, té ngã.

        2. Cơn vắng ý thức:

Đặc trưng bởi sự đột ngột mất ý thức, ngừng mọi hoạt động trong thời gian rất ngắn vài chục giây. Lúc đó họ như đờ đẫn, mắt nhìn vô hồn, đánh rơi viết, đồ vật đang cầm hoặc chữ viết bỗng trở nên nguệch ngoạc. Rất nguy hiểm nếu bạn đang điều khiển phương tiện lưu thông, trèo cao…

        3. Động kinh cục bộ : ngoài ra còn có thể gặp các cơn co giật cục bộ ở mặt, một phần chi…

        4. Động kinh thái dương : còn gọi là động kinh tâm thần. Rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán được vì biểu hiện của nó rất giống rối loạn tâm thần.

  Bạn có biết các biến chứng nào của bệnh động kinh  có thể xảy ra?

Ngoài những rối loạn tâm thần trong cơn, về lâu dài nếu không được điều trị tích cực, có thể thấy các biến chứng sau đây:

- Biến đổi nhân cách, tính tình: người bệnh trở nên ích kỷ, độc ác, dễ giận dữ, có tính thù vặt, tư duy lai nhai, rất phiền hà cho gia đình và những người mà bệnh nhân tiếp xúc.

- Lâu hơn nữa có thể mất trí ( sa sút tâm thần do bệnh động kinh ).

- Nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn lúc đang làm việc gây ra tai nạn như phỏng, té xe, ngã sông có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời.

Theo bạn thì điều trị và chăm sóc người bệnh động kinh  tại nhà như thế nào?

Cần nhắc lại, bệnh động kinh nếu phát hiện sớm, điều trị đúng có thể khỏi bệnh, ổn định lâu dài. Người bệnh vẫn phát triển trí tuệ, có thể học tập, lao động bình thường.

Những điều bạn nên làm và cần tránh :

Nên làm:

- Khi phát hiện người thân của bạn có những biểu hiện lâm sàng của bệnh như đã kể trên thì bạn cần phải làm gì?  Tốt nhất là nên đến Trạm Y Tế gần nhất để được hướng dẫn.

- Khi đã được khám, có chẩn đoán, cho dùng thuốc thì: nhắc nhở, động viên

            +Uống thuốc đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

            +Uống đủ liều, đủ thời gian.

            +Không được tự ý ngưng thuốc, bỏ thuốc, đổi thuốc mà không có ý kiến của BS vì có thể làm xuất hiện cơn động kinh  liên tục rất nguy hiểm đến tính mạng. Và báo BS biết ngay các triệu chứng bất thường khi đang dùng thuốc.

- Khi có cơn động kinh xảy ra, bạn cần phải làm gì? Trước hết bạn phải biết rằng không thể ngăn được một khi cơn động kinh đã xảy ra. Để hạn chế tối đa các thương tổn do co giật có thể gây ra bạn có thể bằng các cách làm đơn giản như sau:

            +Ngáng lưỡi bằng đủa có quấn khăn hay dùng miếng cao su cứng để tránh cắn phải lưỡi.

            +Nới rộng cổ áo, thắt lưng để bệnh nhân dễ thở hơn.

            +Lót dưới đầu bệnh nhân mền hay gối để giảm sang chấn khi co giật.

            +Bạn có thể dùng tay đè lên các khớp lớn như khớp gối để giảm nguy cơ trật khớp do co giật.

            +Sau cơn, nếu có điều kiện bạn nhớ hút đàm nhớt, để đầu bệnh nhân nghiêng một bên để tránh làm tắt đường thở do dị vật ( đàm nhớt, thức ăn, răng giả…. )

            + Bạn cần ở bên cạnh trông chừng vì sau cơn một số bệnh nhân có lú lẫn, hành vi vô ý thức có thể nguy hiểm cho bản thân và người khác.

            +Điều bạn phải cương quyết là tuyệt đối không được nhỏ chanh, cam thảo hay bất cứ chất nào khác vào miệng bệnh nhân vì không những không cắt được cơn mà còn có nguy cơ làm tắt đường thở gây tử vong.

-Bạn cần có thái độ thông cảm, tôn trọng người bệnh vì ngoài cơn họ là người bình thường như mọi người.

-Bạn phải thương yêu, nâng đỡ, tạo điều kiện cho người bệnh bớt mặc cảm bệnh tật, tạo không khí thoải mái, vui chơi, giải trí để họ có thể phát huy việc học, lao động kiếm sống.

-Bạn phải bảo quản thuốc kháng động kinh thật cẩn thận vì liều gây ngộ độc, chết thấp

Những điều bạn không nên làm :

-Không được chữa thầy bùa, làm phép. Không những bệnh không thuyên giảm mà còn làm mất đi thời gian quý báu ban đầu.

-Bạn khuyên người bệnh không nên làm các công việc nguy hiểm như trèo cao, lái xe, vận hành máy móc, công việc liên quan đến sông nước vì có nguy cơ xảy ra tai nạn chết người nếu bất chợt xảy ra cơn động kinh .

-Sống chừng mực, điều độ, không được làm việc, học tập quá mức, không được say xỉn. Người bệnh động kinh không nên xem tivi truyền hình, chơi vi tính  quá lâu có thể làm cơn động kinh xuất hiện.

-Và bạn có biết việc chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh động kinh, trả họ về với đời thường còn cần rất nhiều sự hổ trợ của nhà nước, của Hội Bảo trợ người bệnh động kinh

Cách phòng tránh các tai nạn và cách chăm sóc người bị động kinh

 Nói chung bệnh động kinh là một bệnh nguy hiểm, luôn luôn có thể gây chết người: có người chết ngay trong cơn động kinh nặng do ngạt thở, chết do nhiều cơn động kinh kéo dài, liên tục gây suy tim cấp. Rất nhiều trường hợp các em nhỏ bị tai nạn chết người do cơn động kinh xảy ra đột ngột trên đường đi, đang câu cá, đang trèo cây... Phần lớn các trường hợp này do gia đình không trông nom, giáo dục các em chu đáo.

Bệnh động kinh có thể chữa khỏi hoàn toàn, nghĩa là sau một thời gian dài chữa trị, bệnh thuyên giảm dần và hoàn toàn các cơn mà không cần dùng thuốc nữa. Điều chủ yếu và quan trọng là bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần hết sức kiên nhẫn. Trong việc chữa trị bệnh động kinh, sự hợp tác giữa gia đình và thầy thuốc là vô cùng cần thiết.

- Gia đình cần luôn luôn động viên trẻ, khích lệ tinh thần trẻ, khi tâm hồn trẻ được an bình, tư tưởng vui vẻ thì các cơn động kinh sẽ thưa dần. Trái lại, phải tránh các thái độ giận dữ, lạnh nhạt với trẻ, vì sự lo sợ, buồn chán, giận dỗi sẽ làm các cơn động kinh dễ xuất hiện...

- Cần trông nom giáo dục trẻ, tránh cho trẻ các nguy hiểm có thể xảy ra khi lên cơn mà không có người lớn bên cạnh như không cho trẻ ra ao một mình, không cho trẻ trèo cây, lái xe một mình ra đường..., cũng không nên cho trẻ đi lâu dưới nắng to vì nhiệt độ cao rất dễ làm xuất hiện cơn động kinh.

- Cho trẻ ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, không cho trẻ dùng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.

- Gia đình cần cho trẻ dùng thuốc đúng,  uống thuốc đều đặn, không được quên cho trẻ uống thuốc, dù chỉ quên một ngày một lần cũng có thể làm cơn động kinh tái phát, và khi đó việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

- Phải xác định bệnh động kinh là một bệnh chữa trị lâu dài, nếu nóng vội sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại và chắc chắn sẽ thất bại trong điều trị.


Bệnh động kinh ở phụ nữ có thai
Bệnh động kinh ở trẻ
Bệnh động kinh ở người cao tuổi -
Xơ vữa động mạch -
Cảm xúc và tinh thần



(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý