Viêm amidan bao lâu thì khỏi?

seminoon seminoon @seminoon

Viêm amidan bao lâu thì khỏi?

19/04/2015 11:53 AM
3,380
Viêm amidan (amygdale: A) tức là nói đến amidan khẩu cái, bệnh hay gặp ở lứa tuổi lớn hơn, chủ yếu ở lứa tuổi học phổ thông. Viêm amidan bao lâu thì khỏi và có nguy hiểm không, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!


VIÊM AMIDAN LÀ GÌ?

Thạc sĩ Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra những chỉ dẫn cần thiết để phòng ngừa và điều trị chứng viêm amiđan.

Viêm amiđan là gì?

Amiđan là tổ chức lympho gồm hai khối nằm ở bên thành họng. Amiđan có chức năng miễn dịch, sinh ra các kháng thể và các lympho bào, giúp tăng khả năng chống đỡ của mũi họng với các virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi nói đến viêm amiđan có nghĩa là tổ chức amiđan bị tổn thương: Bề mặt đỏ rực, có những chấm mủ trắng, có chất bựa... 

Nguyên nhân gây bệnh

Do nhiễm trùng các vi khuẩn liên cầu, tụ cầu... hoặc do các virus đường hô hấp; do các yếu tố thuận lợi gây bệnh như: Sự thay đổi thời tiết đột ngột, ăn đồ lạnh; do các yếu tố ô nhiễm môi trường: Bụi, khói xe, khói thuốc lá; do rượu, hoá chất hay do cơ thể suy nhược.

Hậu quả của viêm amiđan

Viêm amiđan cấp hay mạn tính nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nghiêm trọng.

Biến chứng tại chỗ: Gây ápxe xung quanh amiđan khiến toàn bộ vùng quanh amiđan bị sưng tấy. Bệnh nhân bị sốt, nuốt thấy đau và bị nhiễm trùng nặng. Viêm amiđan còn có thể gây nên viêm tai giữa, viêm xoang, viêm thanh quản và khí phế quản.

Biến chứng xa: Viêm amiđan còn gây nên những biến chứng rất nguy hiểm như: thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.

Phân loại viêm amiđan

Amiđan được phân làm hai loại: Viêm amiđan cấp và mạn tính với những biểu hiện rất khác nhau.

Viêm amiđan cấp tính:

Biểu hiện: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, kém ăn, sốt cao tới 390 - 400C, đau họng, họng khô, rát, nóng, nuốt nước bọt cũng thấy đau, ho, có khi ho từng cơn. Đặc biệt ở trẻ em thường thở khò khè, ngáy to. Trong một số trường hợp, người bệnh có hơi thở rất hôi. 

Viêm amiđan mạn tính:

Người bệnh bị viêm amiđan mạn lại thường không có những biểu hiện nặng như amiđan cấp mà chỉ có cảm giác vướng, nhói ở họng, đôi khi nuốt có cảm giác vướng, đau như có dị vật.

Khi bị viêm amiđan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị hoặc chỉ định cắt amiđan nếu cần thiết. 

Khi nào nên cắt amiđan?

Chỉ cắt amiđan trong những trường hợp sau:

- Khi bị viêm amiđan nhiều đợt cấp (từ 5 - 6 lần) trong một năm.

- Khi viêm amiđan gây nên những biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như: thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận.

- Trong trường hợp dù không bị viêm nhưng amiđan có kích thước quá to, gây cản trở ăn, uống, thở của trẻ thì cũng nên cắt.

Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amiđan. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, cần được xem xét kỹ lưỡng vì nếu cắt có thể làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ. Còn với người trên 45 tuổi, cắt amiđan thì dễ bị chảy máu do amiđan bị xơ dính, hoặc còn có các bệnh khác kèm theo như: Bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, đái đường...

Chăm sóc người bệnh sau mổ amiđan

Sau khi cắt amiđan, người bệnh cần tuân thủ những quy tắc sau:

Từ 2 đến 3 ngày sau mổ, bệnh nhân cần kiêng nói chuyện to, ho, khạc nhổ. Sau đó, cần tập phát âm bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng.

Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng. Trong khoảng 5 đến 7 ngày sau mổ, bệnh nhân cần được ăn đồ lỏng (sữa, súp, cháo) và nguội. Sau đó, ăn cơm nấu mềm, rồi trở lại chế độ ăn như trước. Đồng thời luôn phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối pha loãng, các dung dịch chống nhiễm khuẩn, nước súc miệng...

Sau khi cắt amiđan 7 đến 10 ngày có thể bị chảy máu, người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ khám và có biện pháp cầm máu kịp thời.

Phòng ngừa viêm amiđan như thế nào?

Hạn chế ăn đồ lạnh. Thường xuyên giữ vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối pha loãng, đặc biệt trong các đợt dịch cúm, sốt xuất huyết... Tránh hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc lá, nhất là phụ nữ có thai và trẻ em. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều hoa quả, vitamin C để nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng.

Khi phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhiều khói, bụi, cần đeo khẩu trang kín mũi, miệng để hạn chế bụi xâm nhập vào mũi, họng.


CÁCH CHĂM SÓC BÉ KHI BỊ VIÊM AMIDAN

Đặt ở vị trí hai bên phía sau họng, các hạch hạnh nhân hình thành tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể bằng cách dăng bắt và diệt các vi khuẩn, nhờ vậy mà ngăn không cho chúng xâm nhập qua đường hô hấp. Trong quá trình này, bản thân các amidan có thể trở nên nhiễm trùng và tấy đỏ lên, sinh ra các triệu chứng đau họng, sốt và nổi hạch. Các sùi vòm họng, đặt ở vị trí phía sau khoang mũi, gần như bao giờ cũng bị nhiễm trùng này chủ yếu xảy tới trong số các trẻ vào tuổi đi học, khi mà các hạch hạnh nhân và các sùi vòm họng tương đối lớn tiếp xúc lần đầu với các vi trùng gây bệnh.

Một  khi tính đề kháng đối với bệnh nhiễm gia tăng và các sùi vòm họng nhỏ đi, theo đó các đợt viêm amidan sẽ phải bớt đi. Đa số trẻ em hết, không bị viêm amidan nữa vào khoảng tuổi lên mười.

Bệnh có nghiêm trọng không?

Bệnh viêm amidan không có gì nghiêm trọng trừ khi kèm theo viêm tai giữa lặp đi lặp lại, điều đó có thể dẫn tới điếc vĩnh viễn. Cũng có những biến chứng hiếm gặp là  viêm thận và thấp khớp cấp.

Việc gì có thể làm trước tiên

1. Nếu con bạn kêu đau cổ hoặc bạn để ý thấy là cháu ăn uống khó khăn, hãy khám họng cháu nơi có ánh sáng tốt, đầu cháu ngửa về đằng sau và lấy cán một chiếc muỗng sạch đè nhẹ lên lưỡi. Bảo cháu nói "aaaah" kéo dài. Làm như vậy sẽ mở họng ra, và chỉ cần một hay hai giây là đủ để trông thấy amidan có đỏ, lớn lên hay có lấm tấm những đốm vàng hay không.

2. Hãy cặp nhiệt xem cháu có sốt không.

3. Kiểm tra  xem hạch con bạn có sưng không bằng cách lần ngón tay xuống hai bên cổ và dưới cằm - hạch sưng nắn sẽ cảm thấy như những hạt đậu lớn dưới da.

4. Nếu con bạn đủ lớn, hãy hỏi xem cháu có đau tai gì không. Ở một đứa trẻ nhỏ, bạn hãy ghi nhận xem cháu có bứt hay vò một bên tai không. Kiểm tra  tai xem có thấy nước gì ra không.

5. Hãy cho cháu uống nhiểu nước mát để làm dịu họng cháu.

Có cần đi khám bác sĩ không?

- Bác sĩ có thể lấy mẫu quẹt họng bằng một que quấn bông gòn (hoàn toàn không đau đớn gì), để gửi đến phòng xét nghiệm để xác định vi trùng nào gây nên bệnh nhiễm trùng. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh nếu có vẻ nhiều phần là một bệnh nhiễm vi khuẩn. Không có thuốc đặc hiệu để chữa viêm amidan do siêu vi.

- Bác sĩ sẽ khám tai và màng nhĩ con bạn để kiểm tra xem có dấu hiệu nhiễm trùng nào không. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng nào, người ta sẽ kê toa thuốc kháng sinh.

- Nếu con bạn mắc phải nhiều đợt viêm amidan, hoặc nếu sùi vòm họng lớn lên gây nhiễm trùng tai giữa lặp đi lặp lại, người ta có thể giới thiệu bạn tới một nhà chuyên môn để xem có phải cắt amidan  hay nạo sùi vòm VA không. Những tình huống khiến cho người ta có thể thực hiện phẫu thuật, sẽ cần xét tới những yếu tố sau đây:

a. Tuổi. Người ta hiếm khi thực hiện phẫu thuật trên trẻ con  trước tuổi lên bốn.

b. Lúc bắt đầu bị viêm amidan. Khoảng thời gian con bạn bị những đợt viêm amidan hay đau tai trở lại là quan trọng. Đa số bác sĩ  sẽ đợi hai năm trước khi quyết định cắt amidan.

c. Ảnh hưởng trên đứa trẻ. Người ta khuyên nên cắt amidan khi mà các đợt sưng nhiều đến độ ảnh hưởng đến việc học của cháu vì nó cứ vắng mặt trên lớp quá nhiều, hoặc vì  sức khoẻ của cháu kém hẳn đi vì cháu không ăn ngon được.

Việc gì có thể làm để giúp?

- Hãy chữa trị cho cháu y như cách bạn sẽ làm khi cháu sốt. Không nhất thiết phải nằm giường nhưng nên giữ cháu trong một căn phòng ấm áp.

- Duy trì cho lượng nước cháu uống vào được cao bằng cách năng cho cháu uống nước.

- Hãy làm lỏng các thức ăn của con bạn nếu cháu cảm thấy khó nuốt, chứ đừng bao giờ ép cháu ăn. Hãy cho cháu ăn những thức ăn cháu ưa thích, đặc biệt là những thứ nào trơn tuột, nuốt vào dễ dàng như kem hay yaourt lạnh chẳng hạn.

- Chớ bao giờ cho con bạn "khò" nước khi đang đau họng. Người ta đã cho thấy làm như vậy, bệnh nhiễm trùng lây lan từ họng sang tai giữa.


KHI NÀO CẦN CẮT AMIDAN


Khi trẻ bị viêm VA hoặc viêm amiđan (AMĐ), không ít phụ huynh yêu cầu bác sĩ cho nạo, cho cắt để trẻ mập lên, ăn được. Có người lại lo lắng quá mức không dám cho con cắt vì sợ bị câm. Cắt AMĐ thấy có vẻ đơn giản nhưng vì sao có thể gây tử vong?

“Tiền đồn” bảo vệ cơ thể!

Bác sĩ (BS) Võ Quang Phúc - phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - cho biết VA và AMĐ có vai trò rất quan trọng và được ví như “tiền đồn” để bảo vệ cơ thể trẻ em. VA nằm ở vị trí sau mũi, có chức năng bảo vệ đường hô hấp.

Khi hít thở không khí có vi khuẩn, VA sẽ tiêu diệt những vi khuẩn có hại đó cho cơ thể. Còn AMĐ nằm hai bên họng, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể bằng cách chống lại vi trùng có hại còn nằm ở trong họng, không cho nó xâm nhập cơ thể.

VA và AMĐ có từ khi trẻ mới sinh ra. VA sẽ lớn dần lên, vào khoảng 2-3 tuổi VA hoạt động mạnh nhất để giúp sự phát triển cơ thể của bé. Sau đó VA nhỏ dần đi và đến tuổi dậy thì sẽ teo nhỏ và biến mất. AMĐ cũng teo nhỏ dần khi đến tuổi trưởng thành.

Theo BS Quang Phúc, khi bị viêm VA, trẻ có triệu chứng sổ mũi kéo dài, lúc đầu sổ mũi trong sau đó sổ mũi xanh. Khi VA bị viêm, nó sẽ to lên và trẻ không thở được qua đường mũi mà phải thở qua miệng. Khi thở qua mũi không được, lượng oxy vào cơ thể sẽ yếu đi, làm trẻ bị gầy sút, tối khó ngủ. Khi viêm VA không được điều trị có thể gây viêm tai giữa tái đi tái lại.

Còn khi AMĐ bị viêm tức là nó đang “đấu tranh” chống lại vi trùng. Sự đấu tranh này làm cho trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau họng, ăn uống khó khăn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ápxe (làm mủ) quanh AMĐ. Nếu viêm AMĐ không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng gần là viêm tai, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản; biến chứng xa là viêm tim, viêm thận, viêm cầu thận, viêm khớp.

Không phải cứ viêm là cắt

Lứa tuổi thích hợp để nạo VA cho trẻ là từ 2 tuổi trở lên. Tuy nhiên, không phải cứ viêm VA là nạo. Nếu viêm nhẹ, chỉ cần dùng kháng sinh, xịt mũi là trẻ hết bệnh. Chỉ nạo VA khi trẻ bị viêm mũi tái đi tái lại trên năm lần/năm; trẻ không thở được bằng mũi hoặc tối ngủ ngáy, khò khè; có biến chứng viêm tai giữa tái đi tái lại hoặc viêm đường hô hấp trên.

“Không phải viêm AMĐ nào cũng cắt. Cắt không đúng có thể để lại hậu quả lâu dài là làm mất đi hệ thống miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể" - BS Quang Phúc khẳng định như vậy. Theo BS Quang Phúc, hiện nay vẫn còn một số nơi chạy theo lợi nhuận, cứ thấy bệnh nhân có viêm AMĐ là cho cắt, trong khi theo qui định quốc tế, chỉ cắt AMĐ khi trẻ có viêm AMĐ cấp tính với những triệu chứng sốt, đau họng, AMĐ sưng to và có những lấm chấm mụn xung quanh AMĐ; bị ápxe AMĐ một lần phải nhập viện điều trị...

Ngay cả khi đang bị viêm AMĐ cấp tính cũng không nên cắt vì rất dễ chảy máu không cầm được hoặc nhiễm trùng huyết. Tốt nhất là phải điều trị 15-30 ngày cho hết viêm rồi mới cắt sẽ an toàn hơn.

Tuổi cắt AMĐ thích hợp nhất - khi có chỉ định - là từ 4 tuổi trở lên. Nếu trẻ có ngưng thở lúc ngủ phải cắt bất cứ tuổi nào để tránh nguy cơ đột tử do thiếu oxy.

Có thể biến chứng tử vong


BS Quang Phúc cho biết: biến chứng của nạo VA là chảy máu mũi. Khi có biến chứng này phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được cầm máu. Khi nạo VA cũng có thể xảy ra tình trạng nạo chưa hết, phải nạo lại. Còn biến chứng của cắt AMĐ thường gặp nhất là chảy máu sớm trong vòng 24g hoặc chảy máu muộn sau 24g phẫu thuật.

Cắt AMĐ cũng có thể gây biến chứng tử vong cho bệnh nhân do nhiều nguyên nhân: gây mê; cắt không đúng kỹ thuật (cắt chạm mạch máu gây chảy máu, không cầm được); bệnh nhân có rối loạn đông máu. Vì vậy, khi cắt AMĐ, bệnh nhân phải được làm các xét nghiệm rất kỹ về các chức năng gan, thận và đông máu đế tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Khi phải nạo VA hoặc cắt AMĐ, bệnh nhân cần đến các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng, không nên đến mổ ở phòng mạch tư.

Để tránh viêm VA và viêm AMĐ, BS Quang Phúc khuyên phải chú ý giữ gìn vệ sinh vùng mũi họng cho trẻ. Để phòng viêm AMĐ, phải tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng sau khi ăn; tránh dùng những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh; súc miệng bằng nước muối pha loãng (một muỗng cà phê pha với nửa lít nước). Không nên pha quá mặn sẽ làm hư niêm mạc họng, chứ không “giết chết hết vi trùng” như nhiều người lầm tưởng.



Viêm amidan mãn tính
Viêm amidan cấp tính điều trị như thế nào?
Triệu chứng khi bị viêm amidan
Viêm amidan khi mang thai có nguy hiểm không?
Viêm họng hạt mãn tính


(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý