Triệu chứng của bệnh lao cột sống

seminoon seminoon @seminoon

Triệu chứng của bệnh lao cột sống

19/04/2015 12:01 PM
470

Lao cột sống hay mục xương sống do lao là một dạng bệnh lý lao ngoài phổi, thường gặp nhất trong hệ vận động. Chúng ta cùng điểm lại một số triệu chứng của bệnh lao cột sống để điều trị kịp thời nhé!

TRIỆU CHỨNG CỦA LAO CỘT SỐNG


Nếu như trước đây bệnh này là một thách thức điều trị ở Việt Nam thì hiện chúng ta đã có thể chữa khỏi lao cột sống trong hầu hết trường hợp phát hiện sớm.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành chủ tịch danh dự hội Cột sống Việt Nam; chủ tịch hội Cột sống TP.HCM.

Lao hệ thống xương khớp chiếm khoảng 1/5 các trường hợp lao ngoài phổi (lao thận niệu sinh dục, lao màng bụng, lao màng não…) Tuỳ thời điểm và nơi nghiên cứu, lao cột sống luôn chiếm hàng đầu trong lao xương khớp, từ 25 – 87%. Riêng ở nước ta, lao cột sống chiếm khoảng 65% của lao hệ xương khớp, gồm: lao cột sống, lao khớp (háng, gối, cổ chân, vai, khuỷu, cổ tay...)

Tuổi nào dễ bị lao cột sống?

Lao cột sống xảy ra thứ phát sau lao phổi hay lao đường ruột do vi trùng Mycobacterium tuberculosis hominis gây ra. Vi trùng lao thường phá huỷ thân đốt sống nhiều nhất, nơi có nhiều mạch máu, nhiều oxygen (hơn 95%); một số rất ít gây tổn thương cung sau đốt sống (dưới 5%). Trên thế giới, trong khoảng năm 1920 – 1950, đa số trẻ em bị lao cột sống chiếm tỷ lệ 50 – 60%. Vào cuối thế kỷ 20, tỷ lệ này giảm dần, còn khoảng dưới 40% trong nhóm trẻ dưới 15 tuổi ở nước ta (năm 1980). Hiện nay, bệnh này gặp đa số ở người lớn mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là lứa 21 – 30 tuổi (khoảng 30%) và lứa 41 – 50 tuổi.

Vùng đốt sống cổ bị lao cột sống ít nhất khoảng 4%. Lao cột sống vùng ngực và thắt lưng chiếm khoảng 96%, trong đó lao cột sống ngực chiếm gần 80%. Lao cột sống xảy ra nhiều nhất từ các đốt sống ngực bảy đến đốt sống thắt lưng ba. Đa số lao cột sống ở đốt sống ngực thấp.

Triệu chứng xuất hiện rất chậm

Lao cột sống là bệnh mạn tính, thứ phát. Sự phá huỷ các thân đốt sống xảy ra âm thầm, vì thế các triệu chứng xuất hiện rất chậm. Các triệu chứng chủ quan của lao cột sống cũng giống lao phổi: sốt nhẹ về chiều, biếng ăn hay chán ăn, mất trọng lượng, ốm dần, mỏi mệt...

Đau: lúc đầu âm ỉ, tăng về chiều đến về đêm, nơi vùng đốt sống bị tổn thương. Ngồi lên, đi lại đau tăng thêm. Đau thường khu trú ở một, hai đốt sống vùng ngực, nếu bị lao cột sống ngực. Đau càng ngày càng tăng cường độ, nhất là khi mắc lao vùng thắt lưng. Đau do lao cột sống thắt lưng có thể dữ dội hơn cả đau thần kinh toạ khi cột sống thắt lưng bị phá huỷ nặng, một hay hai chân co giật và đau lan theo rễ thần kinh bị chèn ép. Đau giả thần kinh toạ là một ám ảnh lớn của bệnh nhân mắc lao cột sống thắt lưng thấp.

“Hơn 90% bệnh nhân liệt vận động sẽ phục hồi sau phẫu thuật, khi đến điều trị sớm hay đến không quá muộn dưới một năm”.

Teo chân: chân teo nhỏ lại, nhất là vùng trước ngoài cẳng chân hay bắp chuối chân, thường thấy trong lao cột sống thắt lưng. Triệu chứng teo một hay hai chân xuất hiện nhanh do chèn ép rễ thần kinh cẳng chân. Teo hai chân đồng bộ thấy trong liệt vận động hai chân, do chèn ép tuỷ sống, xuất hiện chậm hơn.

Rối loạn biến dưỡng da, lông, móng: hay thấy ở hai chân khi có chèn ép rễ thân kinh.

Áp xe lao: thường thấy phồng lên trong ổ bụng dưới bên phải hay bên trái. Khi áp xe này lớn sẽ chui qua dây chằng bẹn, xuống đùi, giống dạng áp xe hình nút áo. Áp xe lao có thể lớn sau mông, vùng tam giác Petit trên mào chậu sau, xuống vùng u toạ, hay ra mặt ngoài đùi… Áp xe vùng cổ rất ít thấy, nằm trên vùng ức – cổ hay trên xương đòn. Dò mủ xảy ra khi áp xe quá lớn dưới da, áp xe bể và chảy mủ ra da. Chỗ dò mủ rất khó lành nếu bệnh nhân không được chẩn đoán ra biến chứng áp xe do lao cột sống và điều trị kháng lao đúng mức.

Liệt vận động hai chân: thường thấy hơn liệt vận động tứ chi, đa phần do lao cột sống ngực thấp. Liệt vận động tứ chi hay hai chân là biến chứng nặng nhất có thể đưa đến tử vong.

Biết bệnh sớm có thể điều trị bảo tồn

Khi có biểu hiện bị lao cột sống

Bạn nên sớm liên hệ bác sĩ chuyên khoa cột sống, là những người có thể chẩn đoán chính xác, giúp bạn điều trị bảo tồn hay phẫu thuật một cách tốt nhất. Hơn 90% bệnh nhân liệt vận động sẽ phục hồi sau phẫu thuật, khi đến điều trị sớm hay đến không quá muộn dưới một năm.

Bác sĩ khám lâm sàng kỹ hơn sẽ giúp chẩn đoán bệnh sớm với sự giúp đỡ của chẩn đoán hình ảnh học. X-quang thường quy phát hiện ra tổn thương lao rất chậm, khi bệnh diễn biến lâu, tổn thương lao cột sống đã quá nặng sau vài tháng. Hình ảnh cộng hưởng từ giúp chẩn đoán lao cột sống sớm nhất trong tháng đầu, sau khởi bệnh. X-quang cắt lớp điện toán giúp xem rõ sự phá huỷ thân đốt và tính kế hoạch phẫu thuật hàn xương. Các xét nghiệm máu chỉ nhằm hỗ trợ. Khám vi trùng lao, xét nghiệm PCR giúp chẩn đoán xác định khi lấy được các bệnh phẩm như mủ, bã đậu hay xương chết trong ổ lao. Giải phẫu bệnh chỉ kết luận lao cột sống khi phát hiện các san thương lao đặc thù, thường chiếm tỷ lệ chẩn đoán xác định không cao.

Khoảng 88% bệnh nhân có thể điều trị bảo tồn. Chẩn đoán sớm bệnh sẽ rất quan trọng vì bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn khỏi bệnh trong giai đoạn này. Điều trị kháng lao là chủ yếu. Không cần mang nẹp thân. Không cần nằm nhà thương. Không cần nghỉ làm các việc nhẹ. Vẫn sinh hoạt hàng ngày bình thường. Thuốc kháng lao phải được dùng đúng chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân còn phải được bác sĩ theo dõi thường xuyên, tránh tái phát.

Chỉ định phẫu thuật phải thận trọng

Khoảng 12% bệnh nhân cần được phẫu thuật điều trị. Chỉ định mổ rất thận trọng trong các trường hợp: áp xe lao lớn, đau nhiều, liệt vận động hai chân hay tứ chi... Phẫu thuật kinh điển (phẫu thuật Hodgson hay phẫu thuật Hong Kong) là mổ lối vào trước xương sống để: dọn dẹp ổ lao (mủ, mô bã đậu, xương chết, đĩa sống hư biến gây chèn ép tuỷ sống hay rễ thần kinh); ghép xương liên thân đốt từ đốt lành bên trên qua đốt lành bên dưới; nếu bệnh nhân có điều kiện, phẫu thuật viên có thể áp dụng thêm dụng cụ cố định cột sống trước hay sau. Nếu chỉ dọn dẹp ổ lao và ghép xương thì thời gian nằm chờ lành xương khoảng hai tháng. Nếu có kèm theo phẫu thuật cố định dụng cụ thì chỉ vài ngày sau mổ bệnh nhân đã ngồi lên tập luyện đi lại.

Lưu ý, cho dù bệnh nhân được điều trị bảo tồn hay phẫu thuật thì thuốc kháng lao vẫn phải dùng: đúng thời gian (liên tục cho đến đủ một năm), đúng cách (uống buổi sáng lúc bụng đói), đủ thuốc (ít nhất hai thuốc diệt trùng), đúng liều lượng…


ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO CỘT SỐNG

 

Làm sao phát hiện bệnh?
Lao cột sống chủ yếu gây tổn thương ở đĩa đệm và thân đốt sống, rất ít khi gây tổn thương ở cung sau. Bệnh có thể xảy ra sau khi mắc bệnh lao phổi, lao hạch và cũng có thể xuất phát từ lao cột sống.
Đau lưng có thể do lao cột sống
Lao cột sống là một bệnh nhiễm trùng do vi trùng lao cho nên luôn có những biểu hiện về nhiễm trùng, nhiễm độc như mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt về chiều. Ngoài ra, lao cột sống còn có những biểu hiện riêng về cột sống. Ở giai đoạn sớm của bệnh, triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ đốt sống bị tổn thương, đến giai đoạn sau cơn đau sẽ lan theo rễ thần kinh tương ứng, đau có xu hướng tăng dần và đau nhiều khi đi lại, mang vác vật nặng, thậm chí khi ho hay hắt hơi.
Khi nằm nghỉ thì đỡ đau, cơn đau không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường, sờ vào cột sống nơi có điểm đau thì người bệnh sẽ bị đau nhói. Người bệnh sẽ bị dấu hiệu “đơ cột sống” và hạn chế vận động, các cơ vùng cạnh cột sống bị co cứng. Nếu không được phát hiện, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát, trong giai đoạn này đĩa đệm và cột sống sẽ bị phá hủy nặng thêm, đồng thời tạo thành ổ áp-xe lạnh quanh vùng bị tổn thương.
Lúc này người bệnh tỏ ra đau đớn ở vùng đốt sống bị tổn thương, đau liên tục, tại đốt sống bị tổn thương sẽ lồi ra phía sau làm cho cột sống có thể bị lệch vẹo và làm hạn chế vận động. Tùy theo vị trí đốt sống bị tổn thương sẽ xuất hiện triệu chứng thần kinh khác nhau như: liệt hai chi dưới, liệt ngoại vi và mất cảm giác ở hai chi dưới, rối loạn cơ vòng gây tiêu tiểu không tự chủ, rối loạn dinh dưỡng nặng nề ở hai chi dưới gây teo cơ.
Các xét nghiệm cần làm
Chụp X-quang cột sống có thể cho thấy rõ hình ảnh tổn thương lao. Đó là đĩa đệm bị hẹp lại, nếu ở giai đoạn muộn thì các thân đốt sống dính sát lại với nhau, bờ thân đốt sống phía trên và dưới đĩa đệm bị phá hủy tạo hang lao, thân đốt sống bị xẹp, nhất là ở phía trước, mỏm gai của đốt sống đó lồi ra phía sau và làm cho cột sống bị vẹo, người bệnh bị gù lưng. Đặc biệt, trên phim X-quang còn có thể phát hiện được các ổ áp-xe lạnh nếu có bằng hình ảnh bóng mờ của túi áp-xe lạnh.
Hình ảnh X-quang trên bệnh lao cột sống khác với tổn thương trong bệnh ung thư. Trong bệnh ung thư tổn thương chủ yếu ở đốt sống chứ đĩa đệm không hề bị tổn thương, vì vậy không thấy hình ảnh của xẹp đĩa đệm và dính các đốt sống, còn tổn thương do lao có sự phá hủy xương. Ngoài ra, còn dựa vào các xét nghiệm khác như tốc độ lắng máu, phản ứng lao tố để giúp xác định bệnh.
Điều trị
Đối với người cao tuổi khi có những dấu hiệu nghi ngờ hoặc đau lưng kéo dài, không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường nên đến bác sĩ chuyên khoa lao đểđược xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời, vì bệnh lao cột sống là một bệnh để lại di chứng về cột sống rất nặng nề như gù vẹo cột sống, liệt chi dưới…
Lao cột sống là một bệnh nhiễm trùng nên việc điều trị không khó mà hiệu quả của nó rất cao, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ hạn chế tối đa các di chứng của bệnh. Lao cột sống là một bệnh được điều trị trong chương trình chống lao quốc gia, cho nên khi mắc bệnh lao người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa lao để điều trị mà không phải mất tiền thuốc.
Để điều trị tốt bệnh lao cột sống, ngoài việc dùng thuốc đặc trị lao theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia, người bệnh còn được dùng thuốc giảm đau, các loại vitamin, đặc biệt phải tăng cường các chất dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ năng lượng cho cơ thể.
Nếu phát hiện trong giai đoạn còn sớm, bệnh còn nhẹ người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi, bất động cột sống tại giường mà không cần bó bột cột sống. Nếu bệnh đã vào giai đoạn nặng thì cần phải bất động cột sống bằng các hình thức hỗ trợ như máng bột. Ngoài ra, phải thường xuyên cho người bệnh tập vận động, xoa bóp chân tay để tránh teo cơ, cứng khớp.
 

PHÂN LOẠI BỆNH LAO CỘT SỐNG



Lao xương - khớp là một trong những thể lao hay gặp nhất sau lao phổi. Trong bệnh lao xương - khớp, vi khuẩn lao (BK) xuất phát từ tổn thương lao phổi hoặc lao hạch rồi lan theo đường máu đến khu trú và gây bệnh ở các đốt sống, các khớp háng, gối, cổ chân, khuỷu tay và cổ tay. Lao khớp thường chỉ khu trú ở một khớp đơn độc.

Lao xương - khớp là một trong những thể lao hay gặp nhất sau lao phổi. Trong bệnh lao xương - khớp, vi khuẩn lao (BK) xuất phát từ tổn thương lao phổi hoặc lao hạch rồi lan theo đường máu đến khu trú và gây bệnh ở các đốt sống, các khớp háng, gối, cổ chân, khuỷu tay và cổ tay.

Lao khớp thường chỉ khu trú ở một khớp đơn độc.

Lao đốt sống - đĩa đệm (bệnh Pott)

Ngày nay bệnh này đã ít gặp hơn trước. Bệnh nhân thường là người có tiền sử lao: lao sơ nhiễm nặng, mới mắc lao một cơ quan nào đó (phổi, hạch...). Tổn thương lao hay gặp ở cột sống lưng và cột sống thắt lưng. Cột sống cổ và vùng bản lề cổ - chẩm ít bị lao hơn.

Ðặc điểm của bệnh là các biểu hiện bệnh lý chỉ mờ nhạt, không rầm rộ. Trong một thời gian dài bệnh nhân chỉ thấy đau ít ở cột sống. Nhiều khi bệnh chỉ được phát hiện khi đã có biến chứng: áp-xe lạnh (là loại áp-xe không kèm phản ứng viêm và hình thành chậm), chèn ép tủy. Các tổn thương Xquang xuất hiện chậm: hẹp khe đĩa đệm, ổ phá hủy lớn ở thân các đốt sống, gù, hình ảnh con thoi cạnh đốt sống, biểu hiện của áp- xe lạnh.

Các xét nghiệm sinh học sẽ khẳng định chẩn đoán: test tuberculin trong da bao giờ cũng dương tính rất mạnh, có khi mọng nước (nếu test âm tính, có thể loại trừ được bệnh Pott). Các xét nghiệm tìm BK trong đờm, trong nước tiểu, nếu dương tính sẽ quyết định chẩn đoán, mặt khác cũng chứng tỏ người bệnh còn bị lao ở những cơ quan khác nữa.

Lao khớp háng

Bệnh hay gặp, biểu hiện bằng đau ở bẹn hoặc ở mông, lan xuống đầu gối làm cho bệnh nhân đi lại khập khiễng, teo cơ từ đầu đùi. Sốt, gầy sút, chán ăn. Các tổn thương Xquang xuất hiện chậm: đầu tiên là hình ảnh loãng xương, về sau là hình hẹp khe khớp. Chụp cắt lớp thấy những ổ phá hủy dưới sụn hoặc những ổ viêm xương. Nếu không được điều trị, khớp sẽ bị phá hủy làm hạn chế vận động, các triệu chứng toàn thân nặng lên, xuất hiện các áp-xe lạnh, đặc biệt là ở vùng bẹn.

Lao khớp gối

Biểu hiện bệnh là một u trắng ở đầu gối giống như khi bị viêm một khớp đơn độc mạn tính, kèm theo những dấu hiệu viêm tại chỗ, tràn dịch ổ khớp với dấu hiệu chạm xương bánh chè, dầy màng hoạt dịch.

Lúc đầu, chụp Xquang khớp gối chưa thấy gì bất thường, về sau mới xuất hiện các tổn thương sụn và xương. Cấy nước màng hoạt dịch thường tìm được BK. Nhiều khi phải sinh thiết màng hoạt dịch bằng kim to hoặc trong khi nội soi khớp để tìm những tổn thương mô bệnh học điển hình.

Ðiều trị

Ðiều trị bệnh lao xương - khớp cần phải tiến hành sớm và kéo dài ít nhất là 18 tháng. Ba nội dung điều trị là:

- Ðiều trị nội khoa

Dùng thuốc chống lao: trong 2 tháng đầu, dùng phối hợp bốn loại thuốc rimifon, rifampicine, pyrazinamide, ethambutol. Những tháng sau dùng hai loại rimifon và rifampicine. Cần điều chỉnh thuốc dựa theo kết quả kháng sinh đồ.

- Cố định khớp

Cố định khớp bằng cách sử dụng các giường bột (cho cột sống) và máng bột (cho các chi), thời gian cố định từ 3 đến 6 tháng. Với những trường hợp nhẹ, được chẩn đoán sớm, chỉ cần nằm nhiều, tránh vận động, mang vác nặng, không cần cố định bằng bột.

- Ðiều trị ngoại khoa

Khi có chỉ định mổ thì tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng các phương pháp cắt bỏ màng hoạt dịnh, lấy ổ áp-xe, lấy mảnh xương chết, cắt đầu xương, làm cứng khớp, giải phóng chèn ép tủy.



Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh lao phổi
Mẹo chữa hắc lào hiệu quả
Bệnh lao ruột chuẩn đoán và điều trị
Chống lão hóa da bằng thiên nhiên
Kinh nghiệm du lịch bụi Cù Lao Chàm


(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý