Cách giải quyết mâu thuẫn trong công ty hay nhất

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Cách giải quyết mâu thuẫn trong công ty hay nhất

19/04/2015 12:45 PM
1,465

Bạn không thể có chiến thắng trong một cuộc tranh cãi bất kỳ nếu coi chiến thắng là việc giành được những kết quả mong muốn và không cần đếm xỉa đến người khác.







CÁCH GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN TRONG CÔNG TY HIỆU QUẢ NHẤT















Nếu vấn đề tranh cãi vẫn chưa được giải quyết, thì chắc chắn nó sẽ xuất hiện trở lại. Vì vậy, tốt nhất là giải quyết mâu thuẫn chứ không phải là giành chiến thắng.

Nếu mâu thuẫn không được giải quyết, mọi người sẽ không vui, tạo ra sự đối lập, hoạt động nhóm kém hiệu quả trong, dẫn đến stress và năng suất công việc thấp. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu về các bước để giải quyết những mâu thuẫn trong công việc cùng với một vài lời khuyên dành cho các bạn.

12 bước giải quyết mâu thuẫn

1. Nhận thức rằng trong công việc bao giờ cũng có mâu thuẫn

Bất kể người nào tận tâm, khát khao làm việc hoặc luôn có ý tưởng mới, thì sự mâu thuẫn và bất đồng luôn sẵn sàng bao quanh họ. Điều đó không có nghĩa là bạn thích tạo ra những mâu thuẫn hoặc khó khăn. Khi mâu thuẫn xảy ra không phải là mọi việc đã chấm hết. Có thể đó là sự khởi đầu cho những bài học thú vị. Quy luật không cho phép những mâu thuẫn này kéo dài mãi mãi.

2. Nắm bắt những mâu thuẫn càng sớm càng tốt

Hãy giải quyết những mâu thuẫn ngay khi nó mới bắt đầu vì nó chỉ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Mâu thuẫn trong công việc không bắt nguồn từ những vấn đề đã được nói ra mà chính từ những cái không được đề cập tới. Mọi người đều đợi để người khác chấp nhận rằng anh ta sai nhưng “trò” đợi chờ này cần thiết phải chấm dứt .

3.Hỏi một cách tế nhị

Nếu một ai đó làm điều gì đó khiến bạn tức giận hoặc nếu bạn không hiểu quan điểm hay ý kiến của một ai đó, đơn giản là hãy hỏi về điều đó và bạn sẽ hiểu. Và một sự mâu thuẫn tiềm năng có thể tan biến ngay lúc đó. Hãy đặt ra câu hỏi- đơn giản chỉ là một câu hỏi chứ không phải một lời buộc tội, ví dụ như: “Tôi đang tự hỏi tại sao bạn làm “X” ngày hôm qua”, hoặc “Tôi vừa nhận ra rằng bạn thường làm “Y”, tại sao vây?”. Và câu hỏi như “Tại sao cái điều khủng khiếp bạn làm luôn phải là “Z” !” không mang tính xây dựng tích cực.

4. Mời người khác nói chuyện về vấn đề đó

Một cuộc nói chuyện vội vã qua email hay điện thoại không thể giải quyết vấn đề gì. Bạn cần một nơi yên tĩnh, không bị làm phiền và thời gian để giải quyết vấn đề.

5. Quan sát

Cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và trung lập. Điều gì đã thực sự xảy ra? Nó xảy ra khi nào và như thế nào? Ai đó đang làm gì và không kém phần quan trọng là bạn đang làm gì? Bạn chỉ nên quan sát được mà không nên phép suy đoán xem người khác đang suy nghĩ và làm gì. Bạn có thể nói, “Tôi vừa nhận ra rằng bạn luôn luôn phê bình tôi trong cuộc họp của chúng ta” bởi vì đó là sự thật có thể xác minh được. Nhưng bạn không thể nói, “Tôi vừa nhận ra rằng bạn không tôn trọng những ý tưởng của tôi” bởi vì đó chỉ là những lời suy đoán áp đặt về người khác.

6. Xin lỗi

Hãy xin lỗi nếu có mâu thuẫn. Những người liên quan luôn làm một điều gì đó để kéo dài mâu thuẫn. Nên nhớ rằng không phải bạn chấp nhận hoàn toàn lỗi về phía mình mà bạn chỉ đang lãnh trách nhiệm về những gì mình gây ra.

7. Đánh giá đúng bản chất

Tôn trọng người khác khi xảy ra mâu thuẫn. Hãy nói với mọi người tại sao cần phải giải quyết mâu thuẫn. Điều này có thể là khó, nhưng mọi người đều có phản ứng tích cực khi được khi tôn trọng Đây là cách tốt nhất để đi đến những tiến triển tốt đẹp.

8. Xác định những hậu quả có thể xảy ra

Mâu thuẫn sẽ dẫn đến những hậu quả gì cho bạn cũng như cho công ty của bạn? Tại sao nó lại là một vấn đề cần giải quyết? Vạch ra những hậu quả của sự mâu thuẫn và chỉ ra sự cấp thiết của việc giải quyết chúng. Công việc này cũng giúp những người liên quan tự nhìn lại bản thân mình và nhìn nhận sự mâu thuẫn từ khía cạnh của người khác.

9. Xác định mục tiêu

Nó là cần thiết để vạch ra mục tiêu để cả 2 bên biết được kết quả họ đang hướng tới. Điều đó tạo nên những kết quả mong muốn khả thi hơn có thể.

10. Yêu cầu

Yêu cầu có những hành động có thể thực hiện ngay. Ví dụ: “Tôi gợi ý chúng ta nên thống nhất một quy tắc mới như sau: Trong cuộc họp, khi một người đưa ra một ý kiến nào đó mà người khác không đồng ý, chúng ta nên bắt đầu bằng cách khen ngợi đó là một ý tưởng hay và sau đó đưa ra ý kiến làm thế nào để ý tưởng đó trở nên tốt hơn. Tương tự như vậy, nếu chúng ta chỉ công kích nhau như trước đây, thì nên ngừng cuộc họp và sau đó nói về vấn giữa các cá nhân với nhau thay vì nói trước cả nhóm”.

11. Tiếp nhận sự hòa giải

Một vài mâu thuẫn không thể được giải quyết thì những người có liên quan nên hòa giải giúp họ. Sự hòa giải bao gồm sự tham gia của bên trung gian, những người được đào tạo cơ bản về phương pháp hòa giải, có kinh nghiệm trong việc dàn xếp sự việc và có uy tín đối với mọi người. Một người hòa giải tốt sẽ giúp những người gây ra mâu thuẫn tự tìm ra giải pháp mà không ép họ thực hiện một giải pháp cụ thể nào.

Cần cẩn trọng trong việc tìm người hòa giải. Họ nên là những người đã từng qua đào tạo chính thức về việc hòa giải, có những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực này và quá trình hòa giải nên được giám sát, nếu không mâu thuẫn có thể trở nên căng thẳng hơn rất nhiều.

12. Tư vấn luật sư

Một vài mâu thuẫn nảy sinh từ sự bất đồng với luật pháp hoặc liệu có nên tuân theo luật pháp hay không. Những người chịu trách nhiệm tố tụng sẽ báo cáo những việc vi phạm có thể có sự bảo hộ của pháp luật và sự tư vấn của luật sư. Nếu mâu thuẫn bắt nguồn từ sự lừa đảo về tiền bạc, những người tố tụng cần phải làm theo một quy trình đặc biệt để bảo vệ quyền lợi của họ. Việc này đòi hỏi người tố tụng có những kiến thức sâu về những tội danh như vậy trước khi đưa ra kết luận và cần giữ kín những thông tin về kết luận.

Một vài mẹo nhỏ khi giải quyết mâu thuẫn trong công việc

- Luôn lắng nghe người khác (đồng nghiệp) một cách cẩn thận trong các cuộc họp. Khi đó, bạn cũng có quyền đề nghị người khác lắng nghe bạn một cách nghiêm túc.

- Để xác định rõ hơn sự bất đồng, một kỹ xảo bạn có thể sử dụng là hãy viết ra những mâu thuẫn và những vấn đề cần giải quyết. Hãy ngồi yên, lắng nghe người khác giải thích từng vấn đề. Khi họ đã hoàn thành, lúc đó hãy đưa ra ý kiến của mình về từng vấn đề đó, càng rõ ràng càng tốt. Bằng cách này, người khác sẽ biết được rằng bạn đã lắng nghe và đã hiểu. Cần luôn luôn vạch rõ ra những mâu thuẫn để có thể tìm được những giải pháp tích cực nhất.

- Mời người khác thảo luận về vấn đề có thể là việc khó nhất trong quá trình giải quyết mâu thuẫn nhưng lại là bước đi rất cần thiết.

Những phương pháp nêu trên không thể đảm bảo 100% cho việc giải quyết mâu thuẫn trong công việc. Nó có thể phát huy hiệu quả hoặc không. Nhưng thậm chí không hiệu quả, thì bạn cũng sẽ hài lòng với sự cố gắng của mình. Hãy cố gắng giải quyết mâu thuẫn một cách chủ động và mang tính xây dựng cao.

Bạn không thể đạt được chiến thắng đúng nghĩa trong bất kỳ cuộc tranh luận bất kỳ nếu chỉ coi chiến thắng là việc giành được những kết quả mong muốn và không cần đếm xỉa đến người khác. Nếu vấn đề gây tranh cãi vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và đúng cách, chắc chắn vào một thời điểm nào đó nó sẽ quay trở lại với mức độ có thể nghiêm trọng hơn. Vì vậy, phương pháp tốt nhất là giải quyết mâu thuẫn chứ không phải tranh luận để giành chiến thắng.

5 bước giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực



  

Mâu thuẫn cá nhân là điều xảy ra hàng ngày, gây ra những hậu quả tai hại. Tuy nhiên, cách giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực sẽ giúp chúng ta tránh được hầu hết những thiệt hại không đáng có.

 

1. Suy nghĩ tích cực

Nếu ai đó không đồng tình với quan điểm, ý kiến của bạn không có nghĩa là người đó (hoặc bạn) sai, mà chỉ là mỗi người đang nhìn vấn đề theo các lập trường khác nhau. Thay vì tranh cãi, hãy tìm hiểu xem điều gì làm cho người kia nghĩ như vậy. Cả hai sẽ cùng học được thêm điều gì đó.

Hiểu đúng điều này sẽ giúp bạn sáng suốt trước khi bắt tay vào giải quyết mâu thuẫn.

2. Tìm nhiều phương án

Một bài toán thường có hơn một cách giải quyết. Hãy cho khối óc của bạn cơ hội thể hiện sự thông minh của nó.

Một sự mâu thuẫn đồng nghĩa với hai lời giải đã được tìm thấy. Hãy cùng suy nghĩ và tìm ra một vài đáp án khác, mang lại lợi ích cho cả hai  xem.

3. Cơ hội chia sẻ

Nguyên tắc “Luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu” không chỉ đem lại thành công lớn cho Prudential, nó cũng đem lại thành công trong việc giải quyết mâu thuẫn nữa.

Hãy cho người cộng sự của mình cơ hội được nói trước và sau đó chúng ta sẽ được lắng nghe. Sau một trận mưa của những điều ấm ức, các khối óc sẽ tươi mới và sẵn sàng cho những sự nhượng bộ cần thiết để đôi bên cùng có lợi.

4. Chia sẻ chân thành.

Khi đã hiểu một cách đầy đủ nguyên nhân của vấn đề, chúng ta sẽ có cách ứng xử khéo léo hơn.

Đây cũng là thời điểm để bộc bạch những cảm giác, suy nghĩ của bạn về mâu thuẫn đang xảy ra và giải quyết nó. Không áp đặt, không đổ lỗi chỉ đơn giản là chia sẻ. Chẳng  có ai nỡ từ chối một lời chia sẻ chân thành đâu.

5. Rút kinh nghiệm

Sau khi mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa, đừng quên dành chút thời gian ghi lại những bài học rút ra từ sự cố này và tránh lặp lại nó trong những lần sau.

Thông thường, người ta hay bắt tay vào giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần đạt được tối đa những gì mình muốn, nhưng đó thực sự chỉ là tiền đề cho những mâu thuẫn khác trong tương lai mà thôi. Với phương pháp giải quyết mâu thuẫn tích cực, cả hai sẽ cùng hài lòng nên lại càng dễ nhượng bộ nhau hơn trong tương lai.



MỜI BẠN THAM KHẢO THÊM:


Giải quyết mâu thuẫn giữa các nhân viên

Trong doanh nghiệp, mâu thuẫn và bất đồng giữa các nhân viên là việc không thể nào lờ đi, đặc biệt là khi bạn đang ở vị trí quản lý. Khi có sự mâu thuẫn giữa các nhân viên, môi trường làm việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, trong những lúc này, ở vị trì quản lý, bạn hãy sử dụng kỹ năng lãnh đạo để giải quyết một cách ổn thỏa mọi chuyện.
Mâu thuẫn giữa các nhân viên là không thể tránh được bởi vì không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy vậy, mọi người vẫn cần phải tỏ ra lịch sự và cố gắng hợp tác với nhau. Sự ác cảm giữa các đồng nghiệp càng kéo dài càng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả làm việc của chính họ cũng như của những người xung quanh. Vì vậy, giải quyết mâu thuẫn là vấn đề cần được ưu tiên và giải quyết càng sớm càng tốt.

 

Mâu thuẫn nhân viên


Mâu thuẫn nhân viên vì quyền lợi
Nếu xung đột xảy ra giữa những nhân viên công nhật, bạn thường có xu hướng bỏ qua hoặc kỷ luật nhân viên nếu điều đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Bạn thậm chí có thể để họ tránh mặt nhau nơi làm việc. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu đó là xích mích giữa những nhân viên toàn thời gian. Và một khi có sự ganh đua giữa các đồng nghiệp cho một vị trí trong dự án mới, họ sẽ bị yếu tố cảm xúc và tham vọng chi phối rất lớn và dĩ nhiên điều đó sẽ có những tác động không mấy khả quan cho dự án.
Việc chủ động đánh giá sơ bộ về hành vi ứng viên bằng các phương pháp đánh giá chuyên biệt là điều cần thiết. Thế nhưng bất đồng giữa nhân viên có thể xuất phát từ nhiều vấn đề có liên quan hoặc không liên quan đến công việc. Nguyên nhân đó có thể do sự khác biệt trong hoàn cảnh gia đình, xã hội hay khác biệt tính cách, thậm chí có thể do những điều nhỏ nhặt như thói quen nói lớn tiếng khi nghe điện thoại. Dù lý do như thế nào, cần sớm chủ động giải quyết mâu thuẫn trước khi nó trở thành mối hiểm họa của tổ chức.
Chuyên mục Kỹ năng quản lý – lãnh đạo chia sẻ cùng bạn đọc những tình huống sau đây:
Sáu tình huống có thể xảy ra sau khi giải quyết mâu thuẫn
• Cả hai bên cùng nhau thay đổi bản thân để giải quyết mâu thuẫn
• Cả hai bên không đồng ý thay đổi, nhưng chấp nhận bỏ qua bất đồng
• Cả hai bên đồng ý bỏ qua mâu thuẫn, nhưng vẫn có một bên đơn phương duy trì mối ác cảm với bên kia, từ đó dẫn đến sự tiêu cực và giảm hiệu suất làm việc
• Một bên miễn cưỡng chấp thuận và phần thắng có vẻ nghiêng về bên còn lại. Mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết.
• Bên phạm lỗi không có sự cải thiện và cần được loại bỏ ra khỏi tổ chức
• Tình huống ảnh hưởng xấu đến cả hai bên và họ quyết định rời khỏi tổ chức
Hẳn bạn đã từng gặp phải những người luôn giả vờ trước mặt người khác và luôn tìm cách lôi kéo người ngoài vào vấn đề của riêng họ. Nếu bạn cho rằng việc xung đột có liên quan đến một người trong tổ chức, đó chính là dấu hiệu cho thấy những người này cần phải thay đổi thái độ của họ nơi làm việc.
Tôi từng làm việc cho một quản lý luôn muốn tạo ra sự va chạm giữa các thành viên trong nhóm. Ông cho rằng chính sự cạnh tranh đó sẽ giúp chúng tôi tiến bộ hơn so với việc xem nhau là bạn tốt. Điều này cũng chẳng khác gì so với việc các võ sĩ chiến đấu cho đến chết trên võ đài chỉ để nhận sự tán thưởng của đám đông. Trừ phi bạn là một vận động viên, công việc không thể là một môn thể thao và bạn cũng không thể xem nhân viên là con chốt trong ván cờ.
Có một số tranh cãi rằng chính sự cạnh tranh và ganh đua sẽ đem lại sức sáng tạo tốt hơn cho nhân viên. Mặc dù điều này có thể đúng trong một chương trình hay dự án ngắn hạn, tuy nhiên, nó có thể dễ dàng thiết lập xu hướng đối chọi giữa nhân viên và dẫn đến mâu thuẫn nội bộ nếu được duy trì trong thời gian dài.
Hãy suy nghĩ theo hướng này: nếu bạn để xung đột giữa nhân viên kéo dài mà không giải quyết, một trong số nhân viên của bạn (hoặc có thể là người thứ 3) có thể sẽ đến gặp ban nhân sự hoặc cấp trên của bạn để trình bày vấn đề. Tình hình vì thế sẽ trở nên trầm trọng hơn. Cấp trên của bạn ắt hẳn sẽ có suy nghĩ: “Việc này đã từng được trình lên người quản lý và anh ta hoặc là đã chọn cách làm ngơ hoặc là không biết cách giải quyết. Dù thế nào thì điều đó cũng chứng tỏ rằng anh ta không có năng lực.” Việc đến gặp cấp trên của bạn có thể có tác dụng ngược đối với người nhân viên đó (có thể khiến nhân viên bị cho thôi việc…). Nhưng điều chắc chắn là danh tiếng của bạn và đội ngũ làm việc sẽ bị tổn hại.
Lời khuyên cho việc giải quyết và tránh xung đột giữa các nhân viên

Bạn có thể làm gì để giải quyết xung đột giữa nhân viên? Tuy mỗi tình huống đều khác nhau, nhưng sau đây là một số cách để giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên và tránh xung đột trong tương lai:
• Gặp gỡ những nhân viên có mâu thuẫn với nhau để xác định xem tình hình có thể được giải quyết hay không. Hãy thực hiện việc này một cách nhanh chóng để vấn đề không trầm trọng thêm và mất kiểm soát.
• Báo động với sếp của bạn về tình hình. Từ đó nhân viên sẽ ý thức được rằng họ có thể chịu thức kỷ luật ngay lập tức hoặc trong tương lai.
• Liên kết với bộ phận nhân sự nếu cần thiết như một bên giảng hòa trung lập. Những nhân viên cá biệt sẽ bị lưu ý hoặc chuyển sang phòng ban khác.
• Khuyến khích một môi trường làm việc khoan dung, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau.
• Duy trì những cuộc đối thoại mở, tự do chia sẻ và cập nhật thông tin về tổ chức và dập tắt những tin đồn không hay.
• Xem xét lại các chính sách về việc sử dụng thư điện tử hoặc các trang mạng xã hội tại công ty. Một số nhân viên bất mãn có thể đưa ra những bình luận xấu về công ty ngay tại văn phòng hoặc ở ngoài công ty. Hãy nắm rõ những chính sách truyền thông của công ty và trao đổi thằng thắn với nhân viên của bạn.
Hãy ứng dụng những kỹ năng quản lý để trở thành người lãnh đạo đúng nghĩa.

 

Giải quyết mâu thuẫn giữa sếp và nhân viên


Ngày nay, môi trường công sở đã hiện đại hơn, văn minh hơn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các mối quan hệ trong môi trường này cũng trở nên đa dạng hơn, đòi hỏi kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống cao hơn. Một mối quan hệ công sở điển hình tốn nhiều giấy mực của các nhà tư vấn quản trị nhất, đó là mối quan hệ giữa sếp và nhân viên. Nói về mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, thì chắc chắn là dù ở độ tuổi nào, trong lĩnh vực nào thì cũng cần có những quy tắc ứng xử nhất định.

Nguyên tắc vàng để giải quyết mâu thuẫn

Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên trong công sở thường được ví như một... mối cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Việc xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, trách nhiệm giữa hai phía dường như là điều tất yếu, luôn luôn xảy ra trong doanh nghiệp. Theo ông Quách Kim Cương - chuyên gia Huấn luyện quản trị doanh nghiệp, thì chúng ta không có cách nào triệt bỏ hoàn toàn mối xung đột này.

Như vậy, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ nhà lãnh đạo của doanh nghiệp phải có đủ năng lực quản trị để xử lý những tình huống mâu thuẫn này, và kể cả những trường hợp mâu thuẫn giữa nhân viên với nhân viên. Trước tiên, cần nhận thức rằng, không phải mâu thuẫn và xung đột nào cũng xấu. Bản thân mâu thuẫn cũng có những khía cạnh giá trị tích cực của nó. Ví dụ như có một số xung đột giúp cho nhà quản lý và nhân viên nhận ra những quy trình làm việc chưa hợp lý còn tồn tại trong doanh nghiệp, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ, sáng tạo để cả hai phía đều thấy thoải mái hơn.

Từ đây, chúng ta có những nguyên tắc chung như sau :

1. Biết lắng nghe

Nhà quản lý và lãnh đạo cần biết lắng nghe những lý lẽ từ nhân viên của mình. Trong môi trường doanh nghiệp ở Việt Nam, nhiều nhà quản lý vẫn cho rằng "sếp luôn luôn đúng". Điều này dễ dàng dẫn đến những bức bối khó giải tỏa trong lòng cấp dưới. Lâu ngày, khi người nhân viên cảm thấy họ không được lắng nghe trong tất cả các trường hợp mâu thuẫn với cấp trên, thì dễ này sinh chán nản, ảnh hưởng không tốt đến năng suất sáng tạo, tự chủ của nhân viên. Vì lúc này, nhân viên tin rằng mình không còn nhận được sự động viên, hỗ trợ xây dựng của cấp trên nữa. Hãy luôn đặt vị trí của mình là một đồng nghiệp của nhân viên, để lắng nghe xem : vì sao quan điểm của họ lại khác ta? Tách bạch mối quan hệ cá nhân và vị thế trong công việc sẽ giúp nhà lãnh đạo sáng suốt hơn khi giải quyết những mâu thuẫn với người dưới quyền.

2. Biết thấu hiểu

Sau khi lắng nghe những ý kiến, những chia sẻ của nhân viên - dù là dưới hình thức tranh luận đi nữa - thì nhà lãnh đạo nên tìm cách phân tích bản chất của mâu thuẫn này, để hiểu đó là loại mâu thuẫn xây dựng hay mâu thuẫn xung động quyền lợi cá nhân. Nhà lãnh đạo nên chủ động tìm hiểu những nguyên nhân từ phía nhân viên, đặt những câu hỏi như nguyên nhân từ đâu anh ta/cô ta hành động như vậy? Điều anh ta/cô ta mong muốn sau việc đối đầu với mình là gì? Kết quả của việc hình thành mâu thuẫn này có lợi cho doanh nghiệp hay không?... Đừng ngần ngại chấp nhận những ý kiến mang tính chất cách mạng để thay đổi cục diện vấn đề tốt đẹp hơn của nhân viên, đơn giản là vì không phải lúc nào "sếp" cũng đúng!

Hai thao tác này cũng sẽ được thực hiện tương tự khi người quản lý đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên với nhân viên.

Có mâu thuẫn mới có phát triển

Một trong những suy nghĩ đường mòn của nhiều nhà quản lý, người lãnh đạo là người dẫn dắt, và khi đó, ý kiến của họ luôn đúng, luôn quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường làm việc cạnh tranh tạo ra nhiều mâu thuẫn hơn. Hơn nữa, trong thời buổi thông tin và giáo dục phát triển vũ bão, người đi làm có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, có nhiều chính kiến hơn, có cơ hội phát triển năng lực chuyên môn một cách nhanh chóng, thì rõ ràng suy nghĩ trên không còn phù hợp nữa. Phải càng khẳng định điều này khi trong doanh nghiệp, có những "key person" (nhân viên quan trọng) có những cách làm việc đột phá, tạo hiệu quả cao cho tập thể, họ càng mong muốn người quản lý đồng hành với tập thể như một mạng lưới làm việc nhóm, chứ không phải "người cầm quyền".

Trong bối cảnh này, sự dũng cảm đối mặt của nhà lãnh đạo với mâu thuẫn chính là chìa khóa quyết định mâu thuẫn ấy có được giải quyết triệt để hay không. Hãy xem mâu thuẫn là cơ hội. Cơ hội để phát hiện ra những nhân viên tích cực, tài năng, cơ hội để học hỏi thêm từ chính người dưới quyền của mình.

Cũng theo kinh nghiệm của ông Quách Kim Cương, trong quá trình huấn luyện, ông nhận thấy có một số nhà quản lý có xu hướng chạy trốn xung đột, nghĩa là chủ trương dĩ hòa vi quý với tất cả những người quản lý ngang cấp hoặc cao cấp hơn mình. Mục đích của họ không xấu, đó là làm giảm không khí đối đầu khi có những mâu thuẫn vượt quá tầm kiểm soát, vượt quá khả năng giải quyết của toàn bộ tập thể (ví dụ trong chuyện nâng lương hoặc buộc phải sa thải bộ phận nào đó). Tuy nhiên, vô hình chung họ đẩy sự mâu thuẫn, bức bối này đến cho nhân viên của mình, buộc họ "bằng mặt không bằng lòng" mà tiếp tục làm việc theo tình hình cũ. Đây là ví dụ điển hình cho sự thất bại khi không biết tận dụng mâu thuẫn để phát triển.

Hoặc một khía cạnh khác, đó là sự xung đột "lâu năm lên lão làng" của các nhân viên lâu năm đối với những nhà lãnh đạo trẻ. Nhà lãnh đạo trẻ và tài năng ở các doanh nghiệp ngày nay không còn hiếm nữa. Vậy làm sao để họ có thể "chung sống hòa bình", hoặc tạo được sự tín nhiệm tương đối với những nhân vật chủ chốt của các phòng ban?

Một cách làm phổ biến, là ban giám đốc nên tổ chức những cuộc họp thân mật, những buổi mít tinh giữa nhà quản lý trẻ này với đội ngũ nhân viên của họ, ngay khi họ vừa vào công ty làm việc. Mục đích là trình bày rõ ràng từ đầu những khả năng, tầm nhìn, kinh nghiệm, cách làm việc của người mới này với tập thể. Từ đó vạch ra con đường chung để cả tập thể cùng đi. Điều này có ích lợi là rút ngắn khoảng thời gian mà nhà lãnh đạo trẻ phải bỏ ra để tiếp cận và chứng minh năng lực với từng người. Trao đổi trực tiếp và thẳng thắn luôn là điều đáng hoan nghênh của những người tài trẻ tuổi.

Trình bày với sếp thế nào khi mâu thuẫn xảy ra nơi làm việc.

Bất kể môi trường nào, nơi có các mối quan hệ cá nhân đa dạng thì mâu thuẫn cũng đa dạng. Từ những mâu thuẫn thường thấy trong công việc do khác biệt trong: Thăng tiến, mức lương, sự ghi nhận những đóng góp hay việc chia sẻ trách nhiệm trong công việc, đến những mâu thuẫn riêng tư cá nhân hay đơn giản là mâu thuẫn do khác biệt về tính cách...

(Ảnh minh họa)

“Khi nơi làm việc là nơi tập hợp nhiều cá nhân đến từ những vùng, miền, thậm chí quốc gia khác nhau, mỗi người một thế giới quan, mâu thuẫn là khó tránh khỏi” Andy Teach, tác giả cuốn From Graduation to Corporation (tạm dịch: Từ tốt nghiệp đến công ty) nói.

Theo Teach, "mâu thuẫn không liên quan đến công việc cũng có thể xảy ra tại nơi làm việc, ví như do cách ăn mặc, nói năng, quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo…”.

Chuyên gia Lynn Taylor chia sẻ: "Mâu thuẫn nơi làm việc rất phổ biến, bởi vậy, biết cách khéo léo giải quyết mâu thuẫn nơi công sở có thể coi là một kỹ năng, như bất kỳ kỹ năng nào khác trong công việc”.

Vấn đề là mọi người đều cảm thấy khó chịu khi mâu thuẫn nảy sinh và thường không giải quyết nó một cách triệt để.

Teach cho rằng, người ta thấy khó chịu khi mâu thuẫn bởi “mâu thuẫn” thường khiến liên tưởng tới “đấu tranh”, “xung đột”, “vật lộn”... Con người thường muốn người khác nghĩ theo cách nghĩ của mình, nhìn nhận theo cách nhìn của mình và khi không như vậy thì sẽ xuất hiện cảm giác bị đe dọa.

Một lý do khác nữa khiến cả nhân viên cũng như người quản lý muốn lảng tránh đối mặt với mâu thuẫn là vì họ nghĩ mâu thuẫn sẽ mất đi theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia Taylor nói "vết thương sẽ mưng mủ khi chúng ta cố che kín nó”. Việc giao tiếp sẽ bị hạn chế, quan hệ giữa các cá nhân cũng vậy, cho đến khi có ai đó đủ dũng cảm để nói ra. Và người đó nên là bạn nếu bạn muốn chấm dứt căng thẳng và tập trung cho công việc.

Cũng có những người không muốn chia sẻ về những mâu thuẫn trong công việc của họ vì họ không muốn bị coi là "chuyện bé xé ra to", hay trở thành "một kẻ hay phàn nàn"...

Tuy nhiên, “trong những tình huống mà mâu thuẫn có thể dẫn tới những thiệt hại về doanh thu, thì cần phải trao đổi ngay với người quản lý” Taylor nói. “Cần ghi nhớ một điều là bạn nên có sẵn một giải pháp.”

Đôi khi bạn có thể tự giải quyết vấn đề của mình và không cần phải làm to chuyện. Teach nói "Nếu bạn có mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn nên nói chuyện với họ trước khi đưa vấn đề lên sếp. Còn trong trường hợp bạn đã cố gắng mà không có kết quả, thì lúc đó sếp của bạn cần tham gia giải quyết".

Nếu mâu thuẫn phát sinh từ một lời nói hoặc việc làm nào đó của chính sếp của bạn thì lúc này bạn lại đứng trước một thử thách mới. “Bạn không thể bỏ qua rắc rối vì nếu như vậy mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Teach giải thích. “Bạn cần phải trao đổi với sếp bằng một cách nào đó mà không khiến cho sếp của bạn có cảm giác đang bị chỉ trích. Hãy để sếp biết rằng điều đó gây phiền phức cho bạn, giải thích tại sao và đề xuất việc cả hai cùng trao đổi để tìm hướng giải quyết".

Trong một vài trường hợp, sếp của bạn hiểu và hợp tác để giải quyết mâu thuẫn, nhưng cũng có thể ngược lại và tình huống trở nên xấu hơn cho bạn. Điều quan trọng là cách thức.

Một khi bạn đã quyết định đặt vấn đề trao đổi với sếp về mâu thuẫn, có một số điều bạn nên (hoặc không nên) làm dưới đây:

Nghĩ ra giải pháp trước khi nói chuyện với sếp. Hãy nhớ rằng sếp của bạn vốn đã rất bận và có nhiều vấn đề cần giải quyết, họ không muốn hoặc cần thêm rắc rối nào khác và họ thuê bạn để làm việc cho họ, giúp cho họ bớt gánh nặng công việc. Hãy học cách giải quyết tình huống, chứ không phải là "bọc đường" những tin xấu. Vậy chỉ nên đến gặp sếp để trao đổi về mâu thuẫn của bạn khi bạn đã có hướng giải quyết, việc trao đổi với sếp chỉ là để bạn có được sự đồng ý của họ cho cách giải quyết của bạn.

Đánh giá trước rủi ro. Công sở cũng là một đấu trường. Đánh giá vị trí của bạn trong mối quan hệ với những người khác để biết trước việc mình làm có đáng với những rủi ro có thể gặp phải.

Chọn thời điểm phù hợp. Taylor cho rằng chọn thời điểm phù hợp là rất quan trọng khi muốn tiếp cận với sếp. Khi sếp đang mêt mỏi thì sẽ dễ nổi cáu. Nhưng khi sếp vừa trở về sau bữa trưa ngon miệng hoặc khi đang trò chuyện cởi mở thân mật với bạn thì đó là thời điểm tuyệt vời để bạn bình tĩnh nói về vấn đề của mình.

Kêu gọi sự giúp đỡ. Lý tưởng nhất là với một thái độ mềm mỏng bạn hãy cho sếp của bạn biết là bạn đang cần sự giúp đỡ. Trừ khi là trường hợp khẩn cấp, hãy xin một cuộc hẹn với sếp và bạn sẽ có thời gian để chuẩn bị trước. Một cuộc nói chuyện bình tĩnh, từ tốn bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp hơn là không có sự chuẩn bị trước. Sẽ chẳng có gì là xấu khi bạn nói rằng bạn có rắc rối với đồng nghiệp hoặc khách hàng và cần một sự hướng dẫn. 

Mời sếp đi ăn trưa. Bữa trưa thường tạo không khí thân mật và tránh được cảm giác căng thẳng như khi ở văn phòng. Sếp của bạn sẽ dễ tập trung hơn vào vấn đề mà bạn nêu ra.

Có sự chuẩn bị. “Dù là nói về mâu thuẫn của bạn với đồng nghiệp hay với chính sếp của bạn đều cần có sự chuẩn bị”. Teach nói. Thông tin một cách trung thực và tránh đưa ra quan điểm cá nhân. Mâu thuẫn đã xảy ra như thế nào và khi nào? Ai hoặc cái gì đã khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng? Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn và cải thiện tinh thần cho tất cả những người liên quan?

Thể hiện sự chuyên nghiệp. Sẽ thật tồi tệ khi nói chuyện với sếp về mâu thuẫn trong lúc bạn đang bức xúc. Hãy giữ bình tĩnh khi nói chuyện với sếp của bạn.

Đừng để lộ yếu điểm. Một khi mâu thuẫn đã được đưa lên để sếp giải quyết, có thể sẽ có việc điều tra ở cả hai phía. Nếu như có điểm nào còn chưa tốt về phía bản thân, bạn hãy chỉnh sửa trước khi báo cáo với sếp. Nếu không có thể bạn sẽ tự hại chính mình.

Thừa nhận sai lầm. Trong bất kỳ mâu thuẫn nào, không thể hoàn toàn là lỗi từ một phía. Teach nói. “Nếu như phần nào là lỗi của bạn, hãy thú nhận với sếp. Như vậy họ sẽ đánh giá cao sự trung thực của bạn và tin tưởng hơn vào lời nói của bạn”.



Giải quyết mâu thuẫn với cấp dưới
Giải quyết mâu thuẫn với sếp khó hay dễ
Cách giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp khôn ngoan nhất
Cách giải quyết mâu thuẫn khi làm việc nhóm hiệu quả
Giải quyết mâu thuẫn với khách hàng
Cách giải quyết mâu thuẫn trong tình yêu khéo léo nhất
Cách giải quyết mâu thuẫn trong gia đình



(ST)
 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý