Hướng dẫn tập múa côn nhị khúc cơ bản

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Hướng dẫn tập múa côn nhị khúc cơ bản

19/04/2015 01:07 PM
2,528
Cùng tham khảo những hướng dẫn tập múa côn nhị khúc cơ bản nhé. Côn nhị khúc, côn hai khúc hay lưỡng tiết côn, song tiết côn (âm romanji tiếng Nhật là nunchaku) là một dạng đoản côn có hai khúc được nối với nhau bởi một đoạn dây mềm.

Đôi nét về Côn nhị khúc (Nunchaku)

1. Nguồn gốc từ “NUNCHAKU”
Theo Nguyễn Văn Quang đai đệ tứ đẳng Karate, nguyên giám đốc võ đường Champion Karate, thì ngày xưa, khi phát kiến ra môn Nunchaku (Côn nhị khúc), cái tên đó là kết hợp của các chữ:
N: viết tắt của Nunchaku (Côn nhị khúc).
U: viết tắt của Unrelengting (cứng rắn) vì muốn bảo vệ hay sử dụng vũ khí này chúng ta phải cương quyết.
N: viết tắt của chữ National (quốc gia) vì chúng ta phải đoàn kết mới có hiệu quả, như hai đầu côn nhị khúc được nối lại với nhau bằng một sợi dây.
C: viết tắt của Care (cẩn thận) vì chúng ta phải cẩn thận khi chúng ta sử dụng vũ khí này.
H: viết tắt bởi Holocaust (sự phá hủy).
A: viết tắt của Adherance (sự kết chặt) vào một quy luật để quần chúng thừa nhận thứ vũ khí này.
K: viết tắt bởi chữ Karate-do
U: viết tắt bởi Uniformity (sự đồng nhất) của toàn bộ quy luật và luật lệ được áp dụng.
2. Các loại Nunchaku
Về mặt hình thức, Côn nhị khúc gồm có 6 loại chính. Loại thứ nhất là loại thông dụng nhất, gồm có hai thanh gỗ có kích cỡ giống nhau (tròn, bát giác hay khối chữ nhật) được nối với nhau bởi một sợi dây (lông đuôi ngựa, dây nilon, dây dù xích sắt). Còn 5 loại là:
Tử mẫu côn (So-setsu-kon nunchaku)
Loại côn này được cấu tạo bởi hai thanh gỗ: một thanh ngắn và một thanh dài. Mỗi thanh gỗ có thể tròn hay có cạnh. Với loại côn này, người sử dụng thường dùng một đầu để đỡ và đầu kia để tấn công hay phản công: nếu địch thủ gần thì tấn công bằng thanh gỗ ngắn, còn địch thủ ở xa thì tấn công bằng thanh gỗ dài. Loại côn này giống với môn vũ khí Thiết Lĩnh của võ thuật Việt Nam.
Tam khúc côn (San-setsu-kon nunchaku)
Đây là loại côn gồm có 3 thanh gỗ, chia làm 2 loại: một thanh gỗ dài và hai thanh gỗ bằng nhau ngắn hơn. Tất cả nối với nhau bằng các đoạn dây. Các thanh gỗ có thể tròn, bát giác hay khối chữ nhật.
Tứ khúc côn (Yon-setsu-kon nunchaku)
Loại côn này gồm có 4 thanh gỗ: 2 thanh ngắn cách quãng 2 thanh dài. Tất cả nối liền nhau bởi các đoạn dây. Các thanh gỗ được thiết kế tròn hay có cạnh. Loại này có thể sử dụng chống lại đối phương có binh khí.
Bán nguyệt côn hay Âm dương côn (Han-kei nunchaku)
Sở dĩ gọi là Bán nguyệt côn hay Âm dương côn là vì loại côn này được cấu tạo bởi 2 thanh gỗ có hình bán nguyệt và khi 2 thân gập lại thì tạo nên hình tròn của mặt trời. Loại côn này rất tiện lợi trong việc mang theo người.
Tam khúc côn (San-setsu-kon nunchaku)
Đây là 1 loại côn tam khúc thứ hai. Loại côn này có các thanh gỗ có kích cỡ như nhau và nối với nhau bởi những đoạn dây. Loại côn này rất lợi hại vì nó có thể tấn công địch thủ ở xa. Ngoài ra, tam khúc côn còn có thể đỡ và đánh cùng một lúc.
3. Lựa chọn côn nhị khúc
- Vừa với sức cầm của mình.
- Có kích cỡ đúng với nguyên tắc đòi hỏi.
- Chất lượng gỗ phải bền, có thể va chạm mạnh mà không bị gãy. Lưu ý rằng có nhiều loại gỗ có vân, thớ rất mỹ thuật được nhiều người ưa dùng thì lại dễ bị vỡ theo các vân, thớ khi va chạm.
Với cây côn nhị khúc đã chọn rồi, bạn sẽ sử dụng nó suốt trong quá trình tập luyện cho tới khi ra tự vệ. Như vậy hiệu quả mới đạt ở mức cao. Không nên khi tập luyện dùng côn này mà khi sử dụng để biểu diễn hay tự vệ lại dùng côn khác, bạn sẽ dễ bị hẫng với côn mới do chưa quen tay, do mỗi côn có một trọng lượng khác nhau.
Với loại côn nhị khúc làm bằng gỗ tốt thì khi gõ 2 thanh vào nhau sẽ có 1 tiếng rất kêu, còn gỗ xấu thì khi gõ vào nhau sẽ tạo nên 1 tiếng rất trầm.
Một số bạn chế tạo loại thân côn bằng kim loại (sắt, nhôm, inox…) theo chúng tôi thì không tốt. Bởi vì việc sử dụng loại côn này sẽ gây nên những tác hại nguy hiểm, hơn nữa chất cấu tạo kim loại sẽ gây khó khăn trong việc cầm nắm côn.
4. Bảo quản côn nhị khúc
Cũng như các loại vũ khí khác, côn nhị khúc cũng cần phải được bảo quản tốt nhằm tạo hiệu quả tốt trong tập luyện, sử dụng cũng như tránh những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra như gãy côn, đứt dây…
Thân côn phải luôn được lau chùi kỹ lưỡng, mỗi tháng vài lần bằng cách tẩm dầu ô-liu vào 1 mảnh vải mềm rồi lau. Có thể dùng dầu sơn trà… Sự lau chùi giúp bạn cầm côn được dễ dàng và không làm chai tay nếu tập luyện nhiều.
Đối với dây côn cũng có 1 chế độ bảo quản thích hợp. Nếu côn của bạn nối với nhau bằng 1 sợi dây nilon thì cạnh trong của lỗ cột dây côn bạn nên quét 1 lớp nhựa sơn để tránh sự cọ xát quá mạnh làm dây mau đứt. Ngay cả sợi dây, nếu được, bạn cũng nên sơn 1 lớp nhựa trơn. Các loại côn dùng dây xích bằng sắt cũng phải thường xuyên được kiểm tra, bởi sự chuyển động xoay chiều làm cho các khoen sắt cọ xát dễ tạo sự ăn mòn mà gây đứt dây. Tốt nhất là trước khi sử dụng, bạn nên kiểm tra lại toàn bộ côn 1 lượt.
5. Các mục tiêu tấn công của côn nhị khúc
a. Phía trước mặt
Vùng đầu mặt: Đây là khu vực khi đánh côn vào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người sử dụng nên tâm niệm rằng chỉ khi nào đối phương có hung khí thì mới đánh côn vào để tránh điều đáng tiếc.
Vùng cổ: Là khu vực khi đánh côn vào có thể gây trọng thương, bất tỉnh cho đối thủ. Có thể dùng côn để đánh, đập, đâm hay siết bằng dây với mục tiêu cổ này.
Vùng cánh tay dưới: Khu vực này có thể dùng côn đánh, đập hay siết cổ tay, tạo sự đau đớn và làm mất tác dụng tay của đối phương. Đây là mục tiêu tấn công chủ yếu của người sử dụng côn nhị khúc khi gặp đối phương có hung khí như dao sắc nhọn trong tay.
Vùng bàn tay: Khu vực này khi đánh côn vào sẽ tạo sự đau đớn, làm vô hiệu hóa chức năng cầm nắm cũng như đấm, chặt.
Vùng ngực bụng: Đây là vùng cơ thể có liên quan đến tạng phủ bên trong, khi bị đánh trúng có thể dẫn đến bất tỉnh hay ảnh hưởng đến các bộ phận tạng phủ nằm gần nơi bị đánh trúng.
Vùng sườn: Khu vực này khi quất côn vào có thể gây gãy xương sườn.
Vùng hạ bộ: Đây là khu vực đánh côn vào gây nên đau đớn, mất khả năng vận động trong 1 thời gian nhất định. Người sử dụng côn chỉ nên tấn công mục tiêu này trong trường hợp đối phương có hung khí hay quá đông người.
Vùng ống chân: tấn công vào khu vực này nhằm chế ngự đối phương, không cho đối phương chạy thoát.
Vùng bàn chân: tấn công vào mục tiêu này để gây đau đớn và làm đối phương không chạy được.
b. Phía sau lưng
Vùng lưng trên: đây là khu vực khi đánh côn vào sẽ gây nên những đau đớn nhất định và có thể ảnh hưởng tới những cơ quan bên trong cơ thể gần nơi côn đánh trúng.
Vùng vai: đánh côn vào vùng này có thể gây gãy xương vai, tạo đau đớn cho đối phương.
Vùng tay trên: tấn công khu vực này khi đối phương có hung khí trong tay.
Vùng cùi chỏ: đánh côn vào khu vực này làm đối phương đau đớn vô cùng, không còn khả năng chiến đấu.
Vùng lưng dưới: tấn công khu vực này gây đau đớn nhiều cho đối phương.
Vùng nhượng và gót chân: đánh côn vào khu vực này khiến đối phương khó di chuyển.

Tự học Nunchaku 


Tổng hợp bộ Video (FLV) để tập luyện Côn nhị khúc (Nunchaku) từ Cơ bản đến Nâng cao. Việc tập luyện côn nhị khúc là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, sự dẻo dai bền bỉ... Trong quá trình tập luyện có thể tự gây chấn thương cho cơ thể, việc đau các đầu ngón tay và mỏi cơ là tất yếu... Chúc các bạn thành công!

Côn nhị khúc, côn hai khúc hay lưỡng tiết côn, song tiết côn (âm romanji tiếng Nhật là nunchaku) là một dạng đoản côn có hai khúc được nối với nhau bởi một đoạn dây mềm. Sử dụng thịnh hành trong võ phái Karatedo Nhật Bản và hiện nay, do tính chất tiện lợi của nó, côn nhị khúc đã được nhiều môn sinh của các võ phái khác nhau ưa chuộng trong luyện tập và tự vệ.

Lịch sử

Trong các võ phái cổ truyền Trung Hoa, chắc chắn côn nhị khúc cũng có nhưng không thịnh hành, thường các môn đồ tập côn tam khúc hoặc tiên (roi) với nhiều đốt nối với nhau (thất tiết tiên hoặc cửu tiết tiên). Có thể tìm thấy trong các vũ khí cổ của Trung Hoa một dạng thức gần tương tự côn nhị khúc nhưng bao gồm một khúc dài và một khúc ngắn hơn, hoặc một khúc dài với hai khúc ngắn nối với nhau bằng dây mềm, khi luyện tập thường tập một chiếc hoặc tập cả hai chiếc. Cây côn này còn được gọi tên là song hổ vĩ côn (côn đuôi hổ).

Tương truyền tại vùng Okinawa khi tiểu vương quốc này bị người Nhật đô hộ, sự cai trị tàn khốc với sưu cao thuế nặng của người Nhật khiến dân bản địa liên tục nổi dậy phản kháng. Các võ quan Nhật tại các làng mạc đã nghiêm cấm không cho dân chúng được sử dụng dụng cụ bằng sắt trong sản xuất sinh hoạt, chỉ trừ một con dao sắt được sử dụng hạn chế với sự kiểm soát của kẻ cai trị, loại bỏ tất cả những gì có thể trở thành vũ khí sát thương nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh của người dân bản địa. Việc tập luyện dưới hầm những chiêu thức tự vệ đã định hình những kỹ thuật chiến đấu Karatedo đầu tiên, và các dụng cụ sản xuất bằng gỗ, tre, trúc đã được người dân ở đây chế tạo thành các vũ khí để hợp pháp hóa sử dụng khi mang trong người vượt thoát khỏi mọi sự kiểm duyệt: trường côn (bo) vốn xuất xứ từ một cây sào; song quải (tonfa) một dạng dùi cui có cán chĩa ngang hình chữ L; chĩa ba (sai) để xóc rơm rạ; tiểu đoản côn là khúc côn gỗ ngắn như cây bút có thể để gọn trong lòng bàn tay; liềm (kama) ban đầu là dụng cụ cắt lúa, và côn nhị khúc (nunchaku) xuất xứ từ hai thanh tre hay gỗ buộc dây ở đầu dùng cuộn bó lúa khi đập lúa.

Trong các võ phái cổ truyền Việt Nam, có một dụng cụ cũng xuất xứ từ chiếc kẹp lúa và cấu tạo giống hệt nunchaku, tuy vẫn thường thấy có hai thành một dài một ngắn được gọi là thanh mẹ thanh con. Vũ khí này được gọi tên là thiết lĩnh với lối đánh rất gọn, có nguồn gốc từ xa xưa và hiện nay nhiều võ phái xuất phát từ Bình Định vẫn sử dụng.

Điều cần nói thêm ở đây rằng, dù rất có thể chiếc côn nhị khúc đầu tiên không là bản quyền của vùng Okinawa Nhật Bản, nhưng chính tính phổ biến của nó sau này theo sự bành trướng của môn phái Karatedo khắp thế giới, đã khiến cả thế giới chỉ biết đến một tên gọi thuần Nhật, nunchaku, của vũ khí này, và côn nhị khúc nghiêm nhiên được thừa nhận nguyên ủy từ quần đảo Okinawa. Sự phổ biến hình ảnh của Lý Tiểu Long với côn nhị khúc trong tay, mà vũ khí này được họ Lý ưa chuộng và tập luyện nhờ sự chỉ dẫn của một đồng môn Triệt quyền đạo vốn xuất thân ban đầu từ Karate, cũng phần nào khuếch trương và phổ dụng hóa loại vũ khí này.


Côn nhị khúc tại Việt Nam

Vào khoảng tháng 8 năm 1985, môn sinh Lê Lý Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, sáng tạo và hệ thống hóa các kỹ thuật côn nhị khúc thành chương trình đào tạo hoàn chỉnh, theo 3 bậc chuyên môn: sơ cấp [1], trung cấp [2] & nâng cao. Trong những cố gắng hoàn thiện trên, nổi bật nhất là sự sáng tạo 04 kỹ thuật lăn cơ bản đã góp phần đưa côn nhị khúc từ một binh khí thông thường trở thành một môn thể thao nghệ thuật.

Ngày 20 tháng 5 năm 2005, Bộ môn Côn nhị khúc của Trung tâm đào tạo Huấn luyện viên võ thuật Việt Nam, gọi tắt là Trung tâm MIC[1] đã thông qua “Luật thi đấu côn nhị khúc” do thầy Lê Rích Tô - giáo viên côn nhị khúc của Trung tâm MIC nghiên cứu xây dựng. Điểm lưu ý của luật này là đã thể thao hóa côn nhị khúc với cả hai dạng thức thi đấu quyền thuật côn nhị khúc và đối kháng côn nhị khúc. Theo luật này, quyền thuật côn nhị khúc là loại hình thi đấu hoàn toàn sáng tạo - riêng biệt của mỗi thí sinh, không có các bài quyền mẫu như hệ thống thi đấu của các môn võ thuật khác.


Cấu tạo

Côn nhị khúc sơ khai là hai thanh tre, gỗ có tiết diện hình tròn hoặc hình chữ nhật, dài bằng nhau và nối với nhau bằng một đoạn dây chắc chắn. Từ dụng cụ sơ khai ban đầu, côn nhị khúc ngày nay có kiểu dáng rất đa dạng với rất nhiều biến thể của hình dạng hai thanh côn: hình tròn, hình nửa tròn, hình lục giác, hình bát giác, hình vuông, hình chữ nhật nhưng thịnh hành nhất là thân côn được tạo các cạnh hình lục giác hoặc bát giác để gia tăng đặc tính sát thương cho vũ khí nhưng vẫn thuận tiện khi sử dụng, không quá sắc cạnh nhưng cũng không quá trơn nhẵn. Hai khúc này thường được làm với chu vi phần đuôi côn (nơi nối dây), nhỏ hơn một chút so với phần đầu côn (nơi cầm trong tay người tập) để khi sử dụng thuận tiện hơn do lực ly tâm không khiến đôi côn tuột văng ra khỏi tay người tập trong những chiêu thức loan côn, múa côn. Chiều dài của mỗi đoạn côn, tùy theo sở thích cá nhân và cấu tạo cơ thể người sử dụng, nhưng thường tối ưu là bằng độ dài cẳng tay người sử dụng tính từ cùi chỏ đến giữa lòng bàn tay (khoảng 25-35 cm). Đường kính thân côn phần đầu (to nhất) khoảng 2,5 đến 3,5 cm; phần đuôi nơi nối dây khoảng 2 đến 3cm.

Chất liệu làm hai thanh côn cũng đa dạng hơn, kim loại (để không bị quá nặng thường làm bằng hai ống kim loại), tre, gỗ, nhưng thịnh hành nhất là côn làm bằng gỗ cứng. Đoạn dây nối hai thanh côn có thể làm bằng dây dù chắc hoặc làm bằng xích sắt mềm bằng cách đục lỗ thẳng xuyên tâm trên bề mặt của đuôi côn, luồn dây xuống cố định vào một hoặc hai lỗ xuyên ngang thân phía đầu côn. Theo kinh nghiệm của nhiều người đã từng sử dụng côn nhị khúc, việc luồn dây xuống qua hai lỗ khiến trọng tâm của côn vững vàng hơn và kiểm soát côn dễ hơn là chỉ luồn dây xuống một lỗ xuyên ngang. Khi kéo hai thanh côn thẳng ra, chiều dài đoạn dây còn lại sau khi đã nối côn tối ưu là bằng 1/2 cho đến dài nhất là bằng chu vi của cổ tay người tập. Dây quá ngắn thì đôi côn không linh động, dây quá dài thì tuy lực đánh mạnh hơn, linh hoạt hơn nhưng việc kiểm soát côn rất khó khăn.


Cách lựa chọn Côn

1. Hai thanh côn nên dài bằng chiều dài bằng chiều dài từ giữa nửa lòng bàn tay tới cùi chỏ, độ dài dây côn vừa đủ tạo thành một vòng quanh cổ tay (bằng chu vi cổ tay).

2. Nên lựa cân nặng sao cho phù hợp đừng quá nhẹ hay quá nặng đều rất ảnh hưởng.

3. Gõ hai thanh côn vào nhau nếu tiếng phát ra lớn là côn tốt còn nếu tiếng trầm thì không.


Tập luyện

Biểu diễn côn nhị khúcNgười sử dụng thường cầm sát tay vào thân côn phía đầu, hoặc cách đầu côn khoảng 1-2cm, đôi khi có thể cầm vào giữa thân côn. Các động tác tập luyện phong phú giúp cho người tập làm chủ đôi côn thành thạo. Do khi cầm một thanh côn và tấn công bằng thanh còn lại, sau khi chạm mục tiêu nhận phản lực thanh côn sẽ bật mạnh về sau, nên để không bị "phản tác dụng" khi sử dụng côn nhị khúc đòi hỏi phải khổ luyện.

Lực đánh của côn nhị khúc rất mạnh ở phía đầu côn do được hỗ trợ bởi lực ly tâm và phản lực trong nhiều đòn thế mà người sử dụng cầm một thanh côn và đánh văng thanh còn lại vào các mục tiêu hiểm trên người đối phương như đầu, mặt, gáy, tay, chân. Tuy nhiên, ngoài những dạng thức dùng côn nhị khúc được tập luyện và sử dụng trong thực chiến rất đa dạng: có thể một tay cầm vào phía đầu một thanh côn, một tay cầm phía đuôi thanh còn lại, giữ thẳng 2 thân côn và tấn công bằng đầu thanh côn phía trên vào các yếu điểm như huyệt đạo, hoặc đỡ, gạt, đập; có thể cầm chập cả hai thanh côn và đánh, đâm, đỡ gạt; có thể hai tay cầm hai thanh côn và dùng đoạn dây ở giữa để xiết cổ, khóa tay, chặn chân đối phương v.v. Tuy nhiên, dù bằng bất cứ hình thức nào, để sử dụng thành thạo côn nhị khúc rất cần khổ luyện bằng các kỹ thuật loan (quay) côn, thu côn, và tập đánh côn trực tiếp lên các dụng cụ cứng như trụ cây, bao cát.


Phân loại kỹ thuật côn nhị khúc - Kỹ thuật sử dụng Côn nhị khúc được phân chia thành các nhóm nhỏ như sau:

Kỹ thuật quay (loan): số 8, vòng tròn, anpha....
Kỹ thuật quật: xéo, dọc, ngang.
Kỹ thuật chuyền: có 8 động tác cơ bản & 32 biến thể: chuyền trước, sau, đổi tay, qua hông, qua cổ.
Kỹ thuật lăn: có 4 động tác lăn cơ bản & vô số các bài tập phối hợp khác (Đây là nhóm kỹ thuật có xuất xứ đầu tiên tại Việt Nam).
Nhóm các tư thế thủ, cận chiến (bật, ném,...) & kỹ thuật sử dụng 2, 3 côn nhị khúc cùng lúc hoặc luân phiên.
Ngoài ra, trong các bài tập phối hợp & nâng cao còn có nhóm các kỹ thuật lia côn nhị khúc, tung côn nhị khúc lên không trung, kỹ thuật điều khiểu côn nhị khúc bằng cổ tay, lăn hoặc chuyển hướng côn nhị khúc trên các ngón tay.

Sau giai đoạn tập luyện cơ bản (bậc sơ cấp), người yêu thích côn nhị khúc sẽ tiếp tục học lên cao. Khác hẳn với các môn võ thuật hoặc binh khí khác, việc giảng dạy nâng cao này không tập trung vào việc huấn luyện các đòn thế mà chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn cho môn sinh các CÔNG THỨC sáng tạo đòn thế mới. Từ 1 vài đòn tiêu biểu, sau khi thấm nhuần CÔNG THỨC ấy, môn sinh có thể khai sáng & phối hợp ra vô số các đòn thế khác, mới lạ hơn, đẹp mắt hơn..... (Hiện nay, tại Bộ môn côn nhị khúc của Trung tâm Đào tạo HLV Võ thuật Việt Nam, & từ năm 1985 đến nay, trong hơn 2.000 người đã tập luyện, chưa có 1 môn sinh nào khẳng định "Đã tập luyện được tất cả các kỹ thuật côn nhị khúc theo phân loại như trên!". Điều đó cho thấy, kỹ thuật sử dụng côn nhị khúc ngày nay đã phát triển thiên biến vạn hóa, cả về số lượng & độ khó của các đòn thế.


Một số nguyên tắc khi sử dụng côn nhị khúc

Nguyên tắc "Nhất thể": Đây là nguyên tắc quan trọng nhất khi sử dụng côn nhị khúc. Theo đó, côn và người sử dụng nó phải hòa nhập thành 1. côn nhị khúc là sự (phương tiện) nối dài của cánh tay. Sự hợp nhất này giúp tăng cường khả năng kiểm soát và điều khiển côn theo ý muốn của người sử dụng.

Nguyên tắc âm dương: côn nhị khúc là 1 binh khí thể hiện cả sự vận hành của nguyên tắc (triết lý, tư tưởng) âm dương khi sử dụng. Điều quan trọng là người sử dụng tìm ra sự giao hòa âm dương (thả lỏng & trương cơ) trong tất cả các chiêu thức mà mình đã tập luyện. (Nếu chưa phát hiện được điều này sẽ làm người tập rất mau mệt mỏi - vì phải trương cơ liên tục).

Nguyên tắc cương quyết & dứt khoát: Trong mọi kỹ thuật của côn nhị khúc đều yêu cầu người sử dụng chúng phải thực hiện động tác ấy thật cương quyết và dứt khoát. Điều này làm tăng tính mạnh mẽ trong kỹ thuật & thần khí khi thực hiện các bài tập luyện về côn nhị khúc.

Nguyên tắc Đẳng thế: Như trên đã nói, côn nhị khúc là sự nối dài của cánh tay, do đó, việc sử dụng đôi tay thuần thục không có nghĩa là trọng tâm cơ thể (vùng rốn) phải trồi sụt, lắc lư. Tương tự như bộ môn khiêu vũ, hông & vai người sử dụng côn nhị khúc phải thẳng, không được uốn éo, nhấp nhô. Vi phạm nguyên tắc này, bên cạnh việc vi phạm nguyên tắc "nhất thể", nó còn làm cho người xem có cảm giác mệt mỏi, làm mất tính thẩm mỹ và nghệ thuật của côn nhị khúc.

Ngoài ra, người sử dụng côn nhị khúc còn phải lưu ý đến một số nguyên tắc của vật lý học như lực ly tâm (cánh tay đòn), phản lực; điểm tập trung lực, sự hợp lực, sự triệt tiêu lực và tính liên hoàn, nguyên tắc khống chế côn nhị khúc, phương pháp xử lý khi va chạm côn nhị khúc trong tập luyện và thi đấu.



Các bài tập cơ bản của côn nhị khúc - vovinam


Về binh khí trong võ học thì nhị khúc côn là 1 một vũ khí rất lợi hại, đa dụng và độc đáo. Là 1 binh khí mang cả hai đặc tính Cương – Nhu nên khống chế được hầu hết các loại binh khí khác.
I . KHÁI NIỆM
– Nhị khúc côn là 1 loại vũ khí gọn nhẹ, dễ mang theo trong người một cách bán hợp pháp.
– Nhị khúc côn là 1 loại vũ khí rất nguy hiểm vì có thể gây sát thương và dẫn đến tử vong một cách bất ngờ và nhanh chóng mà không gây ra tiếng động lớn.
– Nhị khúc côn là 1 loại vũ khí giết người mà nạn nhân không bị đổ máu và không kịp kêu cứu.
II . HÌNH DÁNG VÀ KÍCH THƯỚC

– Gồm 2 đoản côn hình trụ được nối với 1 dây xích. Có tổng chiều dài trung bình là 80 cm.
- Mỗi đoản côn có chiều dài được đo từ giữa lòng bàn tay đến mút cùi chỏ ( trung bình 32 cm ).
- Mặt cắt của đoản côn hình đa giác đều ( 7 cạnh )
- Đường kính của mặt cắt bằng 1 vòng tròn kép kính giữa đầu ngón tay cái và ngón trỏ ( khoảng 3 cm).
- Đoản côn được làm bằng 1 loại gỗ cứng chắc và bền ( gỗ,căm xe, ) hoặc bằng kim loại ( nhôm, sắc, inox)
- Đoạn dây xích nối 2 đầu côn có chiều dài trung bình từ 16 à 20cm tùy theo vòng bụng của người sử dụng.
III . CÔNG DỤNG
– Phòng thủ : Đỡ, chặn, bắt, khóa, xiết, trói… Tất cả các loại vũ khí khác ( Dao găm, Kiếm, Đao, Côn, Thương, Mã tấu)
- Tấn công : Phóng, Đập , Đánh, Bổ, Mỗ, Gõ, Tạt, Vớt, Quất, Đâm, Thọc, Quét
IV . CÁCH SỬ DỤNG
– Nhị Khúc Côn được sử dụng 1 tay hoặc cùng lúc cả 2 tay và có thể chuyển đổi từ tay này qua tay kia
- Người sử dụng Nhị Khúc Côn có thề linh hoạt di chuyển bàn tay từ đầu côn đến cán côn tùy theo thế đánh đở và loại vũ khí mà đối phương tấn công mình (trung bình ngón cái nằm ở chính giữa côn kể từ 2 đầu).
- Các thế phòng thủ và tấn công phải kết hợp với bộ pháp (bao gồm : Thân pháp, Tấn pháp, Thủ pháp)
- Các đòn đánh ra phải được thu về theo đúng các định luật Vật Lý và Chuyển Động Học .
- Tấn công bằng đoản côn và phòng thủ bằng dây xích .
- Phài liên tục chuyển đổi thế thủ và chuyển côn từ tay này qua tay kia để đánh lạc hướng và làm cho đối phương không phán đoán được hướng tấn công.

V . TÍNH KHOA HỌC VÀ HIỆN ĐẠI
– Nhị khúc côn dựa trên các nguyên lý định luật và vật lý. Trong chuyển động học như : Lực, Phản lực, Lực ly tâm, Định luật quán tính, Sự cân bằng, Trọng tâm, Gia tốc, Chuyển động tròn, Chuyển động sin, Đòn bẩy
- Nhị Khúc Côn là 1 loại vũ khí mới, mang tính cận đại, không có suất xứ đặc thù riêng của một quốc gia nào.
- Nó phù hợp với tất cả mọi người già trẻ Nam Nữ Âu Á
- Nó được xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ 20 cùng với Tài Tử Lý Tiểu Long (Người Trung Hoa nhưng sống và sử dụng Nhị Khúc Côn ở Mỹ)
- Nó được khá nhiều người mang theo trong người để phòng thân dù ít ai biết cách sử dụng và khai thác triệt để.
- Đến nay các võ sư và HLV của các võ phái đều tự luyên riêng cho mình những thế đánh đỡ nhị khúc côn và truyền dạy cho môn sinh nhưng chưa có Võ Phái nào hình thành và hệ thống hóa các đòn thế thành một bài bản đầy đủ mang tính thuyết phục đại bộ phận quần chúng.
VI . TÍNH KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN VOVINAM – VIỆT VÕ ĐẠO
– Nhị Khúc Côn này được hình thành từ những tinh hoa cùa kiếm Pháp, Côn Pháp và Mộc Bản Pháp. Kết hợp với các thế khóa gở của môn phái VOVINAM- VIỆT VÕ ĐẠO
VII . CÁCH LUYỆN TẬP CƠ BẢN
Động Tác 1 ( Quay Số 8 Xuống )
– Đứng Lập Tấn, tay phải cầm nhị khúc côn quay vẽ hình số 8 nằm ngang từ trên xuống nhiều lần và đổi qua tay trái cũng quay tương tự.
Động Tác 2 ( Quay Số 8 Lên )
– Đứng Lập Tấn, Tay phải cầm nhị khúc côn quay vẽ hình số 8 nằm ngang từ dưới lên nhiều lần rồi đổi qua tay trái cũng quay tương tự.
Động Tác 3 ( Quay Tròn 2 Bên )
– Đứng lập tấn, tay phải cầm nhị khúc côn quay tròn bên trái từ trên xuống nhiều vòng, rồi từ dưới lên nhiều vòng.
- Đổi tay trái và làm tương tự Hoặc sử dụng cả 2 nhị khúc côn cho cả 2 tay.
Động Tác 4 ( Quay Tròn Trên Đầu )
– Đứng ngang chân bằng vai (tự nhiên tấn) . Tay phải cầm nhị khúc côn quay tròn trên đầu theo chiều kim đồng hồ nhiều lần rồi quay ngược lại
- Đổi tay trái tương tự
Động Tác 5 ( Bắt Côn Dưới Nách )
– Đứng trảo mã trái (chân phải trước). Tay phải treo côn ngoài bắp tay phải. Tay trái nắm bắt đầu côn kia dưới nách phải
– Phóng chân phải tới trước, đồng thời tay phải bỗ côn từ trên xuống (tay trái buông)
– Rút chân phải về như cũ đồng thời quật ngược côn trở về (tay trái bắt lại)
Thực hiện nhiều lần rồi chuyển qua tay trái và cũng làm tương tự
Động Tác 6 ( Kẹp Côn Dưới Nách)
-Đứng trảo mã trái (chân phải trước). Tay phải cầm nhị khúc côn quay tròn từ trên xuống nhiều vòng bên phải rồi phóng chân phải tới trước đồng thời bổ côn xuống.
– Rút chân phải về như cũ, đồng thời theo chiều quay, tay phải đưa đầu côn kia về nách phải kẹp chặt lại
– Thực hiện hiều lần rồi đổi qua tay trái cũng làm tương tự.
Động Tác 7 (Bắt Côn 2 Bên)
– Đứng trảo mã trái (chân phải trước). Tay phải cầm nhị khúc côn quay tròn từ trên xuống nhiều vòng bên trái rồi phóng chân phải tới trước bổ côn xuống tư thế đinh tấn phải
– Đinh tấn phải, theo chiều quay, tay phải đưa đầu côn kia cho tay trái bắt (tay trái vươn dài ra phía sau , tay phải trước ngực , 2 côn thẳng hàng)
– Thực hiện nhiều lần rồi đổi qua tay trái cũng làm như vậy.
Động Tác 8 ( Bắt Côn Qua Vai Sau Lưng )
– Tự nhiên tấn, tay phải cầm nhị khúc côn quay 1 vòng số 8 từ dưới lên.
– Theo chiều quay, tay phải đưa đoạn côn kia qua vai phải xuống lưng
– Ngửa lòng bàn tay trái đón bắt sau lưng, bên hông trái.
– Tương tự thực hiện bên tay trái. Tay phải đón bắt sau lưng (2 côn thẳng hàng, xéo từ vai này qua hông kia)
Thực hiện đổi tay qua lại nhiều lần
Động Tác 9 ( Chuyền Côn Sau Lưng )
– Giống động tác 8, nhưng không quay số 8.
– Chuyền côn liên tục từ phải qua trái, từ trái qua phải nhiều lần.
Động Tác 10 ( Chuyền Côn Qua Eo Sau Lưng )
– Tự nhiên tấn (rộng bằng vai), tay phải cầm nhị khúc côn quay 1 vòng quanh bụng từ phải qua trái đồng thời 2 chân vặn chéo theo qua bên trái thành xích tấn (xà tự tấn). Tay trái đón bắt côn kia bên hông phải (hai tay đan chéo trước bụng, 2 bàn tay úp, dây xích sau thắt lưng)
– Tay trái quay tiếp theo 1 vòng tròn nữa từ phải qua trái đồng thời 2 chân trở lại tấn tự nhiên, tay phải đón bắt đầu côn kia bên hông phải (hai tay ở 2 bên hông, 2 bàn tay ngửa, dây xích sau thắt lưng)
– Tiếp tục thực hiện nhiều lần phải qua trái
– Sau đó thực hiện nhiều lần từ T qua P cũng tương tự như vậy.
Động Tác 11 ( Phóng Côn )
– Đứng trão mã phải (chân trái trước) tay phải cầm 2 đoản côn trong tay (côn trong, côn ngoài).
– Ngón cái và ngón trỏ bấu vào côn ngoài
- 3 ngón còn lại bám chặt côn trong
- Phóng chân phải tới trước và phóng côn ngoài vào mắt đối phương
Rút chân phải về như, đồng thời giựt ngược rút côn ngoài về cho ngón cái và ngón trỏ bắt giữ
VIII . CÁC THẾ ĐỨNG THỦ
-1 Chảo mã tấn phải, tay trái thấp ở phía trước, tay phải cao ở phía sau (côn thẳng, xiên chúi về phía trước, dây xích ngang tầm ngực).
– 2 Chảo mã tấn trái (tương tự).
– 3 Xích tấn phải ( xà tự tấn trái), chân phải chéo trước chân trái hai tay căng côn nằm ngang trên đầu.
– 4 Xích tần trái (tương tự).
– 5 Tấn tự nhiên (rộng bằng vai), hai tay 2 bên hông, côn nằm vòng sau thắt lưng, hai bàn tay úp.
– 6 Tấn tự nhiên, hai tay đan chéo trước bụng, tay phải bên hông trái, tay trái bên hông phải., hai bàn tay úp, côn nằm vòng sau lưng.
– 7 Chảo mã tấn trái, tay phải cầm côn ngang, tay tay cầm côn đứng dưới nách phải
- 8 Chảo mã tấn phải ( tương tự ).
- 9 chảo mã tấn trái, tay phải cầm đoản côn, đoản côn kia kẹp ở nách phải
– 10 Chảo mã tấn phải (tương tự)
– 11 Tự nhiên tấn, tay phải cầm đoản côn, treo đoản côn kia sau vai phải
- 12 Tự nhiên tấn (tương tự)
– 13 Tự nhiên tấn, hai tay 2 bên vai, côn nằm ngang sau cổ.
- 14 Chảo mã phải tay phải nhập 2 đoản côn trong tay dựng đứng tay trái xòe dựng đứng ngang tầm càm.
15 Chảo mã trái (tương tự)
IX . Ý NGHĨA CỦA CÁC THẾ THỦ
Thế Thủ 1 và 2 : từ thế đứng này, ta có thể chuyển bộ thành các thế đỡ, gạt, chặn, bắt, khóa, xiết, đâm, thọc , quất, bổ
Thế Thủ 3 và 4: từ thế thủ này, ta có thể tấn công đối phương bằng những chuyển động hình sin từ trên xuống dưới, từ trái qua phải từ phải qua trái, với một lực ly tâm rất lớn
Thế Thủ 5 và 6 : từ thế thủ này,ta có thể tấn công đối phương bằng những vòng tròn nằm ngang vào hông phải hoặc trái mà đối phương không đoán trước được hướng đi của côn.
Thế Thủ 7 và 8 : từ thế thủ này, ta có thể phóng tới mổ côn vào đầu đối phương rồi rút về thủ thật nhanh gọn.
Thế Thủ 9 và 10 : từ thế thủ này, ta có thể quay tròn côn rồi phóng tới bổ vào đầu đối phương rồi rút về thủ thật nhanh gọn.
Thế Thủ 11 và 12 : Thế thủ khinh địch, có tác dụng như 7 và 8
Thế Thủ 13: thế thủ khinh địch, có tác dụng như 3 và 4.
Thế Thủ 14 và 15: từ thế thủ này,ta có thể phóng côn vào mặt hoặc mắt đối phương rồi thu côn về thật nhanh gọn.
Còn một thế thủ khá đẹp mắt nhưng không hiệu quả (đó là thế thủ hình chữ T.tay P dựng đứng,tay T dưới cùi chỏ P.
Thật ra đó là động tác cuối của một thế xiết cổ trong bài nhị khúc côn hay còn gọi là lưỡng tiết côn.
X .CÁC CÁCH PHÒNG THỦ
1 Đỡ ngang trên đầu (đối phương tấn công từ trên xuống)
2 Chận ngang trước đầu gối (đối phương tấn công từ dưới lên)
3 Đỡ nghiêng một bên (đối phương tấn công xéo từ trên xuống)
4 Đè nghiêng một bên (đối phương tấn công xéo từ dưới lên)
5 Chận đứng một bên (đối phương tấn công vòng ngang vào)
6 Đẩy qua một bên (đối phương đâm thẳng vào)
7 Gạt xuôi theo chân (đối phương tấn công dưới chân)
XI . CÁC CÁCH TẤN CÔNG
1 Bổ thẳng từ trên xuống
2 Móc ngược từ dưới lên
3 Đánh xéo từ trên xuống
4 Quất xéo từ dưới lên
5 Quất ngang từ ngoài vào
6 Thọc thẳng về phía trước
7 Quét vòng dưới chân
XII . CÁC CÁCH KHÓA XIẾT TRÓI
1 Vòng dây xích khóa tay
2 Vòng dây xích khóa chân
3 Vòng dây xích xiết cổ trước
4 Vòng dây xích xiết cổ sau
5 Vòng dây xích trói binh khi đói phương
6 Dùng côn khóa tay dắt
12 THẾ TẤN CÔNG
Thế số 1 : Quay tròn bên phải, phóng chân phải tới bổ côn xuống, thu về nách phải
Thế số 2: Quay số 8 thuận, lên đinh tấn phải đánh xéo xuống tay trái đón bắt côn
Thế số 3 : Quay tròn trên đầu, quất ngang vào, hai tay chéo trước ngực bắt côn
Thế số 4 : Quay tròn trên đầu, quét vào chân, hai tay chéo trước bụng bắt côn
Thế số 5 : Treo côn sau vai phải lên đinh trái bổ côn xuống lót chân trái sau chân phải hất ngược về vai phải, tay trái bắt, lên đinh tấn phải thọc đốc côn vào bùng
Thế thủ số 6 : Thủ côn chéo sau lưng, lên đinh phải đánh chéo xuống 2 lần, bắt côn sau thắ lưng
Thế thủ số 7 : Thủ côn ngang sau cổ, lên đinh phải quất ngang vào đầu vòng xuống quất ngang vào hông, bắt côn sau thắt lưng
Thế thủ số 8 : Thủ côn nghiêng chúi xuống lên tam giác tấn trái quét vào chân, vòng quét ngược lại bắt côn sau thắt lưng.
Thế thủ số 9 : Thủ côn kẹp nách, phóng chân phải tới bổ xuống, chân trái phóng theo lòn sau chân phải, tay trái bắt côn dưới nách phải, thọc cán côn dưới bụng lên đinh phải, thọc cán côn vào mặt.
Thế thủ số 10 : Thủ côn nghiêng chúi xuống, lên chảo trái quất xéo lên, lên chảo phải quất xéo lên, lên đinh phải quất ngang vào, tay trái đón bắt côn.
Thế thủ số 11 : Thủ côn chéo sau lưng, lên đinh phải đánh xéo xuống 2 lần, lòn chân trái sau chân phải, tay trái bắt côn dưới nách, lên đinh phải đâm thẳng.
Thế thủ số 12 : Thủ côn ngang trên đầu, lên đinh phải quất ngang vào đầu, chuyển tam giác tấn quét ngang chân, lên đinh phải móc ngược từ dưới lên, bắt côn dưới nách phải
12 THẾ PHẢN CÔNG
Thế số 1 : Đối phương bổ từ trên xuống, đinh tấnphải.
– Thủ chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước.
- Chuyển trọng tâm về chân trái, đứng lên đỡ côn nằm ngang trên đầu.
– Chân phải đá thẳng vào nách, bỏ chân phải xuống đinh tấn.
– Tay trái quay vòng bên phải, bổ xuống tay trái, bắt côn dưới nách phải
Thế số 2 : đối phương chém xéo từ trên xuống đinh tấn phải
- Thủ chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước
– Xoay qua trái, xích tấn, đở côn nghiêng bên trái.
– Đạp chân phải vào bụng, bỏ chân phải cuống đinh tấn.
– Tay phải bổ côn xuống đầu, tay trái bắt đón côn.
Thế số 3 : Đối phương chém ngang vào cổ trái
- Thủ chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước
- Bước lên đinh tấn phải đỡ nghiêng côn bên trái
– Chuyển bộ đinh tấn trái, xiết tay đối phương.
– Chuyển bộ đinh tấn P,vòng tay P xiết cổ đối phương.
Thế số 4 : Đối phương chém vào chân trái, đinh tấn phải
– Thủ chảo mã phải côn nghiêng chúi về phía trước
- Nhảy lùi độc được phải. tay trái quét bọc theo đùi trái
– Bỏ chân trái xuống đinh tấn, tay trái quất xéo lên vào mặt đối phương
Theo đà tay trái vòng côn xéo ra sau lưng, tay phải đón bắt
Thế số 5 : Đối phương đinh trái bổ xuống, lên đinh phải đâm vào bụng.
- Thủ Chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước.
- Chuyển trọng tâm về chân trái, chồm lên đở côn ngang bên đầu
– Bước chân phải lên xoay ngang trung bình tấn, đở côn đứng trước mặt.
– Bước chéo chân trái lên sau chân phải, xích tấn, thọc côn phải vào mặt.
– Xoay lại đinh tấn trái đâm côn trái vào gáy đối phương
Thế số 6 : Đối phương đinh phải chém xéo xuống cổ trái, chém xéo xuống cổ trái
– Thủ chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước.
– Xoay qua trái, xích tấn, đỡ côn nghiêng bên trái.
– Xoay lại, đinh trái, đở côn nghiêng bên phải.
- Bước chân phải lên, vòng tay trái xiết cổ đối phương, xuống trung bình tấn.
Thế số 7: Đối phương Đinh phải chém ngang vào cổ trái, chém ngang vào hông phải
- Thủ chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước
- Bước lên đinh tấn phải, đở côn nghiêng bên trái
– Xoay qua trái, rút chân phải về chảo mã trái, đỡ côn nghiêng bên phải
– Xiết tay đối phương, chuyển lên đinh trái, xiết cổ đối phương
Thế số 8 : Đối phương đinh phải chém chân trái chém chân phải
– Thủ chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước
– Nhảy lùi độc cước phải, tay trái quét bọc theo đùi trái, tay phải bắt côn.
– Nhảy lùi độc cước trái, tay phải quét bọc theo đùi phải
– Theo đà quay bước xuống đinh tấn phải, quất ngang vào đầu đối phương
Theo đà côn,vặn hông xích tấn, tay phải qua hông trái đưa côn vòng sau lưng tay trái đón bắt côn bên hông phải
Thế số 9: Đối phương đinh trái bổ xuống, đâm lên đinh phải đâm vào bụng.
– Thủ chảo mã phải côn nghiêng chúi về phía trước.
– Chuyển trọng tâm về chân trái chồm lên đỡ côn ngang trên đầu
– Bước phải lên xoay ngang trung bình tấn, đở côn đứng trước mặt
– Lui phải về xoay ngang trung bình tấn, đỡ côn đứng trước mặt
– Chuyển bộ đinh phải xiết tay, chuyển bộ tay t khóa tay vắt số 3.
Thế số 10: Đối phương lên chảo mã trái phải, chém xéo từ dưới lên 2 lần, chém ngang đinh phải
– Thủ chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước
– Lui chảo mã trái phải,tay phải quay số 8 nằm ngang từ dưới lên
– Chân trái bước ngang tả mã bộ, tay phải quét vào cổ chân đối phương
– Lên đinh tấn phải, tay phải bổ xuống rồi thu về nách phải
Thế số 11: Đối phương đinh phải chém xéo xuống 2 lần, đâm vào bụng
– Thủ Chảo mã phải, côn nghiêng chúi về phía trước
- Xoay qua trái, xích tấn, đỡ nghiêng bên trái
– Xoay qua phải, chảo mã trái đỡ nghiêng bên phải
- Bước phải lên, xoay ngang trung bình tấn, đỡ côn đứng, khóa tay vắt số 6
Thế Số 12: Đối phương lên đinh phải, chém đầu, chém chân, lên đinh trái chém xéo lên.
- Lùi chân trái ngồi hụp xuống,côn thủ nghiêng trên đầu
– Nhảy sang phải, thọc dài chân trái ra sau, đinh tấn trái quất côn xuống (côn cuốn tròn trói chặt binh khí của đối phương). Đá thẳng chân phải vào cổ tay của đối phương, đồng thời quay tay phải quất ngược đầu binh khí quay ngược vào bụng đối phương (chân phải chuyển hửu mã bộ về phía đối phương)
Bài Nhị Khúc Côn Pháp này kết nối với các động tác căn bản, các cách thủ thế, 12 thế tấn công, 12 thế phản công xen kẻ với các cách khóa, xiết và trói theo thứ tự từ số 1 à số 12 trên đồ hình chữ thập và di chuyển tuần hoàn theo hướng Tiền – Hậu – Tả – Hửu.
Nếu người học luyện tập theo đúng từng phần từ động tác căn bản đến 12 thế phản công thì dễ dàng nắm bắt được bài. Ngược lại, nếu nôn nóng học ngay bài thì không đạt được kết quả và cảm thấy khó nhớ.
Phần di chuyển của chân chỉ có bán kính 2 bước, nhưng không gian hoạt động của nhị khúc côn có bán kính đến 2 m và có chiều cao trên 3 m. Mỗi hướng sẽ trình bày một thế. Mỗi thế bắt đầu từ thế thủ,tấn công,thủ thế,phản công.Dứt mỗi thế sẽ có động tác chuyền côn để đổi hướng cho thế tiêp theo. Các thế khóa,xiết,trói,được diễn ý nên người học diễn đạt động tác giống như các đòn khóa gở. Cần tập chuyền tay côn nhiều, trước khi vào bài. Tổng cộng bài có 100 động tác Tĩnh và Động.




Hướng dẫn tập thể hình hiệu quả nhất
Hướng dẫn tập Kegel sau sinh
Hướng dẫn tập thể hình cầu vai
Hướng dẫn tập gym tại nhà
Hướng dẫn tập thổi harmonica
Hướng dẫn tập thể hình từ A đến Z

(St)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý